Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / truyện ngắn / VÒNG NỮ TRANG VÔ GIÁ

VÒNG NỮ TRANG VÔ GIÁ

vong nu trang

Đây là loại nữ trang cổ xưa, trải qua các đời vẫn y nguyên và bảo hành cho mọi thời đại.”

Lan đọc mấy hàng chữ lớn màu nâu đậm trên băng nơ trắng, cô ngỡ ngàng chỉ Hùng, “Anh!  Công viên mà cũng có người đến bán nữ trang.” Hùng tươi cười nói với Lan, “À, anh nghe nói ông ấy có một loại nữ trang nào đó rất hợp thời và có ‎giá trị nguyên thủy mà trong các tiệm nữ trang hiện đại hầu như không tìm thấy!”

Đi bên cạnh Hùng giữa ban trưa, trời nắng chang chang, Lan hướng về phía bàn nữ trang bên lối ra vào cổng công viên Square trong ngày lễ Độc Lập nhộn nhịp tưng bừng. Hùng dắt  tay Lan tiến đến hàng nữ trang. Lan bước vội, lộc cộc với đôi giày cao gót theo sau Hùng, lơ đãng, chẳng màng đến các loại nữ trang rao bán ngoài trời, nhưng nhìn chăm chăm người đàn ông đang mặc váy đứng bán nữ trang. Ông ta để lồ lộ hai hàng cỏ xanh rì dọc theo hai ống chân, đeo cặp mắt kiếng đen lớn. Ông đội một cái khăn đóng, chặt cứng trên đầu, mặt thì chừa bộ râu rậm, lại còn cột cái chùm râu lại giống như một người chưa bao giờ biết soi gương. Lan tỏ vẻ không ưa ra mặt qua ánh mắt liếc đảo quan sát từ đầu đến chân người bán hàng. Có lẽ ông bán nữ trang là người Ấn Độ nên trang phục của ông ta rất giống người Ấn. Hùng nắm tay Lan đứng trước bàn bán nữ trang, ngắm nghía từng món hàng…

Người bán hàng niềm nở, vui vẻ, cười, nói một cách tự nhiên về các loại nữ trang mà ông đang rao bán. Ông chẳng coi những cái nhìn xoi mói, sự chê trách của người khác hay diện mạo bên ngoài của ông là điều đáng lưu tâm, mà cầm các món hàng lên giới thiệu gốc tích, nơi xuất xứ,  

việc sử dụng, cách bảo hành cho mấy người khách Việt Nam. Thỉnh thoảng lại đệm thêm vài nốt có chút chất giọng miền Tây thật dễ thương. Ông nói, “Hàng này ai mua thì nấy sử dụng, nếu mở ga gồi (ra rồi) không trả lại được.” Ông có nhiều loại nữ trang khác nhau, có loại để bán, có loại để tặng. Lan chỉ nhìn các loại nữ trang ấy chứ không hề cầm lên hay sờ chạm đến thì có một đứa bé gái khoảng bảy tuổi mời cô đến chỗ gốc cây cao mát kia mua kem, và nói rằng ba của nó bán kem ngon lắm. Đang trong cơn nóng nực, cái nắng gay gắt ban trưa của mùa hạ, nghe nói ăn kem là Lan đồng ý  ngay. Thế là Hùng chìu theo người yêu và cả hai bỏ đi.  Người bán nữ trang nghe vậy, đứng ngóng theo đôi bạn trẻ trong luyến tiếc. Họ cùng đến với gian hàng của ông một lần và đã đi chẳng giã từ. Người bán nữ trang ngồi xuống chiếc ghế gỗ, sắp xếp ngay ngắn các sợi dây chuyền, lách, nhẫn, vòng… Ông lấy chiếc mắt kiếng đen xuống lau bụi rồi đeo lại.

Ngoài kia, chỗ bán kem trong tích tắt đã có nhiều người vây quanh. Đám trẻ con đùa giỡn, vui vẻ với các trò chơi đuổi bắt, cầu tuột, xích đu… Những người làm thương nghiệp cũng đến công viên này dựng lều để giới thiệu về việc họ đang làm. Chỗ nọ, một lò nướng BBQ đang bốc khói nghi ngút, với các hương vị đậm đà của mùi “teriyaki”, “oyster flavorred sause” thơm lừng, bay đến cám dỗ. Nhiều người lần lượt kéo đến chỗ lò nướng nóng hực, đứng sắp hàng đợi mua các xâu thịt bò nướng, hot-dog cùng với những tiếng cười nói xôn xao. Hàng nữ trang thiếu bóng người qua lại.

Bỗng chốc có một bà già đến hỏi người bán nữ trang, “Thưa ông, tôi có một đứa con gái sắp đến ngày kết hôn, ông có thể giới thiệu cho tôi loại nữ trang nào hợp thời nhất?” Người bán nữ trang ngã tay trước bàn, gật đầu đáp,bà có thể tự do chọn lựa loại nào thích hợp cho con gái của bà. Và đây là các loại nữ trang quí hiếm, giá cả chỉ là tượng trưng thôi.” Bà cầm trên tay một chiếc lắc và hỏi, “Giá chiếc lắc này bao nhiêu thưa ông?” Người bán nữ trang chỉ vào bảng giá đang dựng ở góc bàn và nói, “bà coi trên tấm bảng này và nhìn số ‎thứ tự của từng loại, sau đó bỏ tiền vào cái hộp đó cho tôi, chứ tôi bán hàng chẳng bao giờ nói thách.”

Bà già hỏi ngay,thưa ông cái hộp nằm bên trái sao ông chỉ bên phải?” Người bán nữ trang tươi cười đáp, “à, tôi hay chỉ lộn bên lắm!” Bà già bỏ tiền vào chiếc hộp như yêu cầu của người bán hàng, cho chiếc lách vào túi xách. Bà chần chừ chưa bước đi, bà hỏi tiếp,còn hộp nữ trang kia sao không để giá bao nhiêu?” Người bán hàng đáp,trong đó là chiếc vòng nữ trang chỉ để tặng chứ không bán thưa bà.” Bà già hỏi tiếp,tôi có thể mở xem được chứ?” Người bán nữ trang đáp, “đây là một loại vòng nữ trang cổ, nếu mở chiếc hộp ra có thể không đóng lại được. Vì thế, người nào nhận chiếc vòng này, phải xem qua bảng hướng dẫn trong đó để biết cách sử dụng và phải nhớ cách sử dụng mới được.” Người bán nữ trang nói thêm,nhiều người cho rằng, chiếc vòng này rất linh nghiệm. Nó có khả năng biến sự sợ hãi, lo lắng thành bình an; người buồn rầu, đau khổ trở nên vui mừng; người ngã gục, thất bại cũng có thể đứng dậy…”

Bà già đứng tầng ngần trước hàng nữ trang miệng lẩm bẩm,chiếc vòng nữ trang này có thể mang đến hạnh phúc cho con gái yêu quí của mình.” Bà già hỏi,vậy thưa ông, tôi có thể nhận nó cho đứa con gái của tôi chứ?” Người bán nữ trang nhẹ lắc đầu nói, “không được! Người nào nhận thì người đó phải sử dụng mới linh nghiệm.” Bà già lại dằn giọng như có ý mỉa mai, “thứ gì trong đó mà quí báu thế?” Người bán hàng đáp, “là một loại nữ trang cổ từ thành Giê-ru-sa-lem.” Bà già nói, “tưởng kim cương, vàng hay bạc chứ mấy thứ đó lấy làm gì!” Bà già chẳng tin, tỏ vẻ hậm hực rồi bước đi.

Đến lúc trời về chiều, cảnh vui nhộn của công viên Square hầu như lắng động, nhiều người ngồi tụm năm, tụm bảy trên các thảm cỏ nói chuyện. Những đứa trẻ la hét cả ngày cũng phải đến lúc  nghỉ ngơi. Các lều trại của những thương gia giới thiệu hàng hóa cũng dẹp bớt, một số người ra về, một số người ở lại chuẩn bị đốt pháo hoa. Ai cũng có gia đình, bạn bè, chỉ có người bán nữ trang ngồi yên lặng một mình… Nghe có tiếng giày cao gót lộc cộc quen thuộc của buổi ban trưa bước ngang qua, người bán nữ trang gọi, “cô ơi! Tôi khát. Cô có thể mua giùm tôi một chai nước được không?” Vừa nói, người bán nữ trang vừa đưa mấy đồng tiền cho Lan. Cô trố mắt nhìn người bán nữ trang và nói, “Có người đang chờ tôi, tôi phải về kẻo tối, ông nhờ người khác đi nhé!” Nói xong, cô vội bước nhanh hơn. Tiếng giày cao gót cứ lộc cộc, lốc cốc mỗi bước thêm xa dần…

Hùng và Lan hẹn gặp nhau nơi đậu xe lúc trưa. Họ cùng vào chiếc Mercedes mui trần hai chỗ ngồi, vi vu trên đường về nhà. Ánh nắng cuối ngày chuyển thành một  màu vàng trong suốt, phản chiếu lại những viên kim cương óng ánh, chớp nhoáng trên tay Lan như những vì sao lung linh lấp lánh chung quanh chỗ cô ngồi. Mặt trời hôm ấy dường như đã đi ngủ sớm hơn mọi ngày. Tiếng pháo hoa lách, cách, tít, đùng reo hò khắp phố phường. Bỗng một tràn pháo hoa dài tỏa rạng ngời đì đùng trước mặt, một vùng đồi trên lối về. Hùng buộc lòng phải dừng xe lại bên lề đường để thưởng thức những hình ảnh, sắc màu tuyệt đẹp đang xảy ra trước mắt. Lan và Hùng đã có một ngày nghỉ vui vẻ. Họ quên đi những căng thẳng, nhọc nhằn, nhưng ngày vui thường  qua mau rồi cũng phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày.

Sáng hôm sau, ngày Chúa Nhật, Lan dậy sớm chuẩn bị những thứ linh tinh, đồ ăn, thức uống để mang đến nhà thờ sau giờ nhóm thờ phượng. Vừa ra chỗ đậu xe, Lan nghe hai người đi đường nói chuyện với nhau về ông bán nữ trang bị mù là người Ấn Độ gốc Việt, hôm qua khoảng tám giờ chiều đã nằm bất động trên chiếc ghế gỗ tại công viên Square… Lan nhíu mày và tự nói với chính cô, “ông bán nữ trang ấy sao nghe giống người mình gặp!” Nhưng hầu như cô chẳng quan tâm gì mấy đến chuyện thiên hạ, vì chết chóc, tai nạn… là tin tức mỗi ngày và cô đang bận rộn chuẩn bị đi nhà thờ.

Lễ Thờ Phượng sắp bắt đầu, Lan mang đồ ăn, thức uống vào nhà bếp. Cô lăn xăn chạy lẹ đến chỗ tủ để bài hát. Cô là người cuối cùng cầm tập Thánh Ca và cũng là người cuối cùng đứng vào ban hát lễ. Sau vài bài hát ca ngợi, ban hát đi xuống các hàng ghế. Tiếp tục chương trình, Mục sư lên bục giảng. Ngày ấy, Mục sư giảng về “Tình Yêu Thương”, Tình yêu thương bày tỏ qua hành động, tình yêu thương bày tỏ qua sự phục vụ. Mục sư đọc trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 25, 35-40 “… Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng, Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? Vua sẽ trả lời rằng, Quả thật, ta nói cùng các ngươi hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.” Hình như có điều gì đó chạm đến lòng Lan, khiến cô suy tư, nhớ lại chuyện của ngày hôm qua…  Suốt giờ thờ phượng, Lan nhưng thả hồn về công viên để cố nhớ đến hình ảnh người bán nữ trang đã nhờ cô một việc… nhưng cô đã từ chối. Và bây giờ ông đã…

Lan không dám nghĩ đến nữa nhưng mỗi lời Mục sư giảng như chính Chúa Jesus hiện hữu và phán riêng với cô, Tình yêu thương xuất phát từ trái tim, tình yêu thương bày tỏ qua hành động… Tình yêu thương bày tỏ qua sự phục vụ… Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy! Điệp khúc này cứ lặp đi, lặp lại trong tâm trí cô, như thước phim đang chạy nhanh qua trước mặt. Cô tự trấn an và hỏi chính mình rằng, phải chăng cô thiếu tình yêu thương đối với người lân cận? Phải chăng cô quá bận rộn hay tiền tài vật chất đã khiến cô vật lộn tất bật với cuộc sống mỗi ngày? Phải chăng cô học Lời Chúa nhưng không thể thực hiện? Phải chăng… Bao nhiêu câu hỏi đang dồn dập tấn công cô cùng một lúc. Cô thoáng nhìn khắp phòng thờ phượng, mọi người đang chăm chú nghe giảng. Cô đứng dậy, lẻn ra sau phòng nhóm, uống một ngụm nước lạnh và nghe Mục sư cầu nguyện tất lễ.

Sau lễ thờ phượng, Lan không ở lại thông công với con cái Chúa trong Hội Thánh nhưng cô về sớm. Lan lái xe thẳng ra công viên Square, suy tư như tìm lại cái gì đã thiếu hụt. Lan cảm thấy vắng vẻ và cô đơn hơn bao giờ hết. Mới ngày hôm qua nơi ấy đã rộn rã, tấp nập người qua lại, nhưng hôm nay yên tĩnh tứ bề. Nhìn ra cửa xe, Lan thấy những đóa hoa hồng, hoa huệ vẫn hồn nhiên, hé những nụ cười nở rộ tươi tắn như có một người nào đó biết quan tâm, biết yêu thương  đang chăm sóc chúng một cách tận tình. Lại có những chú bướm vàng, những chị ong nâu bay bay, lượn lượn chung quanh các bông hoa kêu zì… zì như bạn hữu đang trò chuyện cùng nhau.  Woot… woot… bỗng điện thoại của Lan kêu lên làm cô giật mình. Hùng nhắn tin, “Em đang ở đâu? Anh muốn gặp em!” Lan nhẹ lắc đầu, ngồi thừ người ra, sẵn có tờ báo “Trẻ” đang nằm ngủ ngon lành bên cạnh cô ngồi, cô vỗ nó một cái bốp đánh thức, không những thế, cô lại xé tước nó ra thành từng mảnh… “gặp”… “không gặp”… “gặp”… “không gặp”… cho đến mảnh cuối cùng “không gặp”. Hình như trang báo này cũng ủng hộ Lan không muốn cô đến gặp Hùng. Tại sao vậy? Anh là ai chứ? Lan tự hỏi và hồi tưởng lại chuyện bốn năm về trước. Hùng sang Mỹ theo diện du học. Hùng cần sự giúp đỡ nào Lan cũng lo liệu, nào học phí, xe cộ… Lan thương yêu Hùng và hy vọng sau này Hùng sẽ ra trường y khoa như bao nhiêu người khác, được làm vợ bác sĩ cô cũng nở mày nở mặt với nhiều người. Nhưng chỉ một tai nạn giao thông nhẹ, khiến Hùng bị đau đầu phải nhập bịnh viện một tuần và cuối cùng anh bỏ học. Ngẫm nghĩ lại, Lan cảm thấy áy náy với bạn bè, với gia đình.

Còn Lan, Cô là con gái duy nhất trong một gia đình thuộc giới thượng lưu trong xã hội. Tiệm vàng của bố mẹ cô cũng khấm khá. Xét cho cùng, về vật chất thì cô không thiếu nhưng về tình cảm không biết cô có thật sự muốn tiến đến hôn nhân với Hùng hay không thì chính cô cũng chưa rõ và không thể quyết định được trong lúc này. Hùng dở dang việc học và không có ngành nghề nhất định, nên mỗi buổi sáng, anh làm hãng điện tử, chiều về làm thêm ở nhà hàng. Thấy vậy, bố mẹ của Lan không mấy hài lòng làm cho cô cũng nản chí “tiến thoái lưỡng nan”. Điều quan trọng hơn nữa là Hùng chưa tin Chúa. Gia cảnh hai bên đã không “môn đăng hộ đối” lại không cùng chí hướng, lẽ nào mình lại mang ách chung với kẻ chẳng tin, rồi sau này lập gia đình, nếu có con cái thì chúng phải theo cha hay theo mẹ! Lan không muốn suy nghĩ gì thêm nữa. Cô lái xe về nhà…

Vừa về đến nhà, Lan thấy Hùng đã đậu xe trước cổng. Thấy Lan có vẻ buồn buồn, Hùng hỏi,  “Em sao vậy?” Lan trả lời, “Em không sao!” Hùng nói tiếp, “Anh muốn đưa em đến gặp một người.” Lan hỏi, “Gặp ai vậy anh?” Hùng nói, “Người này rất quan trọng đối với anh.” Nhìn lại những mảnh giấy vụn trong xe, Lan nhớ đến mảnh giấy cuối cùng… Cô lưỡng lự. Hùng đến ôm chặt Lan như lực hút  của nam châm. Lan nũng nịu hỏi, “Đi thì đi nhưng mà đi đến đâu?” Hùng nhanh nhẩu trả lời một cách phấn khích, “Đi đến bịnh viện thăm chú của anh.”

Lan thắc mắc, “Chú của anh nằm bịnh viện?”…

Mới bước vào phòng ba trăm mười lăm (315) của bịnh viện. Hình ảnh người bán nữ trang lại ập đến trước mắt, Lan run cả người, vì chính người bán hàng này, ngày hôm qua ở công viên Square cô đã gặp và bị ám ảnh suốt cho đến hôm nay. Không phải ông là người đã qua đời tối hôm qua rồi sao? Hay là người giống người? Cô thụt lùi ra sau lưng Hùng, nhường chỗ cho anh ta đi trước. Người bán hàng với chiếc mắt kiếng đen quay về hướng đôi bạn trẻ. Ông ta hỏi, “các cháu đến rồi à? Hùng đứng trước ông bán hàng miệng dạ, tay lấy cây gậy đưa cho ông.

Thấy Lan nhìn sững người bán hàng, Hùng giới thiệu, “Đây là Lan bạn gái của cháu. Và đây là chú Chiêu, người chú kết nghĩa của anh, hôm qua em có gặp chú nhưng chưa có cơ hội nói chuyện. Người bán hàng hỏi, “Lan quen Hùng bao lâu rồi?” Lan  chưa kịp trả lời thì Hùng, “Cũng hơn ba năm rồi em ha?” Lan, “Dạ”. Hùng nói tiếp, “hôm qua, anh chở chú Chiêu ra công viên thật sớm và bày những nữ trang giúp chú bán hàng trước, rồi anh mới về nhà đón em ra đấy. Đến chiều, anh chở em về trước, nhưng khi trở lại đón chú… nào ngờ chú bị mệt và ngất đi. Cũng may có người gọi cấp cứu đến giúp chú kịp thời, thật cảm ơn Chúa!

Lan từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác… Người bán hàng này còn ngồi đây bằng xương, bằng thịt. Lan hỏi, “chú khỏe lại chưa?” Nghe giọng quen thuộc của cô gái ngày hôm qua, người bán hàng cười, gật đầu. Lan lại gần nghẹn ngào nói, “cháu xin lỗi chú Chiêu, hôm qua cháu bận về gấp không giúp mua nước cho chú, cháu tưởng sẽ không bao giờ gặp lại chú nữa!”

Chú Chiêu mỉm cười nói, “Thời gian không ngừng lại cháu ạ, cơ hội ít khi nào đến gõ cửa lần thứ hai. Cuộc sống chắc hẳn phải bận rộn, có nhiều điều thú vị, hấp dẫn mà ai trong chúng ta cũng có thể bị cuốn hút. Vật chất, danh vọng rồi cũng qua nhưng tình yêu thương là giá trị duy nhất và luôn luôn chiến thắng mọi thứ. Chú không trách cháu đâu, nhưng rất cảm ơn cháu đã chấp nhận Hùng và đến thăm tấm thân mù này. Lẽ ra chú đã về với Chúa rồi, nhưng Chúa chưa cho phép, nhờ vậy mà chú còn ngồi đây để giới thiệu về Chúa cho Hùng lúc nãy, và Hùng đã bằng lòng tiếp nhận Chúa rồi! Chú đã xong phận sự của mình là người trồng, còn cháu là kẻ tưới đó nhé! Đời sống đức tin của Hùng sau này là nhờ vào sự chăm sóc của cháu. Có lẽ chú cũng không còn gặp các cháu nhiều nữa. Sáng sớm ngày mai chú sẽ trở vào viện dưỡng lão, nếu hai đứa có thời gian thì đến thăm chú. À! Chú có chút  quà mọn muốn tặng hai cháu làm kỷ niệm. Món quà này đối với người khác có thể chẳng có sự đẹp đẽ khi họ nhìn thấy, không có sự tốt đẹp cho họ ưa thích, nhưng đối với chú rất ‎ ý nghĩa và quí báu vì đây là nữ trang từ thời cổ xưa, là quà tặng cho những ai biết đón nhận chứ không bán.” Chú Chiêu hay sử dụng ngôn ngữ của Kinh Thánh nên những lời chú chỉ bảo có điều gì đó rất gần gũi, rất quen thuộc đối với Cơ-đốc nhân như Lan. Chú Chiêu nhấn mạnh, “Cháu nhớ giữ gìn kỹ  lưỡng, hãy đeo nó vào cổ, ghi nó nơi bia lòng cháu, hoặc khi cháu ngồi, cháu đi, cháu ngủ, hay lúc cháu chỗi dậy, nó cũng sẽ không lìa khỏi cháu, không  phải chỉ đeo làm tô điểm vẻ đẹp bề ngoài không thôi nhưng hãy đọc, suy ngẫm và cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong và hiểu biết ích lợi của nó nữa!”

Chú Chiêu bảo, “Nào cháu có thể mở ra xem!” Lan nâng niu hộp nữ trang. Cô chầm chậm mở ra một tấm giấy chỉ thảo có viết các câu gốc Ê-sai 53,2, Châm-ngôn 3,3, Phục truyền 6,7, Giô-suê 1,8, Giăng 3,16… bảo bọc những viên đá sần sùi màu nâu đen của đồi sọ ngày nào, được mài dũa bằng tay không đều nhưng rất công phu, và kết nối thành một chuỗi hạt sỏi, chính giữa là một thỏi đá mỏng màu trắng hình trái tim có khắc thập tự giá với những chữ màu của máu, “Jesus loves you!”

Lan chặc lưỡi. Ôi lạy Chúa! Cô đặt vòng nữ trang trong lòng bàn tay, nhè nhẹ áp lên tim một cách cẩn trọng, nhắm mắt liên tưởng, hồi niệm về hình ảnh Chúa Jesus chịu đóng đinh trên cây gỗ tại Gô-tha-tha! Huyết của Ngài đổ ra để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại và cho chính cô! Bấy giờ, Lan ngước mắt lên mới để ‎ý thấy trên cổ của chú Chiêu cũng lung linh vòng nữ trang trong nếp áo, vẻ đẹp cao quí huyền diệu mà chú Chiêu đã sờ chạm được, cảm nhận được, suy nghiệm được dẫu chưa một lần nhìn thấy!

TÔN THIỆN THI   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn