Thứ Bảy , 16 Tháng Mười Một 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / HY VỌNG DUY NHẤT

HY VỌNG DUY NHẤT

Hy vọng duy nhất

Chỉ có một niềm hy vọng duy nhất đó là Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho con người. Chúng ta không thể vươn đến Đức Chúa Trời, nhưng không có lý do gì Ngài không đến với chúng ta. Đây là một suy xét tránh được ý tưởng của Herbert Spencer, một người theo triết bất khả tri nổi tiếng hàng đầu. Herbert giữ vững ý kiến cho rằng không một ai với tâm trí hữu hạn của mình có thể nhìn thấu vào bức màn che giấu tâm trí của Thượng Đế Vô Hạn. Ông kết luận rằng Thượng Đế Vô Hạn không thể hiểu biết được bởi con người hữu hạn, và thế là thuyết bất khả tri được an toàn. Nhưng rõ ràng là không có lý do gì khiến Thượng Đế không cho con người hữu hạn biết đến Ngài, và Kinh Thánh mô tả đức tin  vào Chúa Jesus là phương cách duy nhất để con người đến với Đức Chúa Trời.

lonbay

Một sự bày tỏ

Hãy tưởng tượng nếu bạn là Đức Chúa Trời. Những con người mà bạn tạo dựng quay lưng lại với bạn. Họ không muốn chia sẻ cho bạn cuộc sống của họ. Họ muốn đi con đường của riêng mình. Bạn sẽ làm gì? Có lẽ bạn sẽ bắt đầu với một ai đó thích hợp, làm việc với người đó và dòng dõi của anh ta. Đức Chúa Trời đã làm điều đó: người thích hợp  là Áp-ra-ham. Ông tin cậy nơi Đức Chúa Trời, vâng phục Ngài, và trở thành cha của dân tộc Do Thái. Thế nhưng dân tộc  ấy đã đi xa khỏi con đường mà Áp-ra-ham đã đi. Điều gì  xảy ra? Có lẽ thời gian khó nhọc ở một quốc gia xa lạ và cường quyền sẽ khiến họ tỉnh ngộ? Đó là những gì đã xảy ra với người Do Thái trong thời gian ở Ai Cập và cách này được lặp lại một lần nữa trong thời kỳ lưu đày tại Ba-by-lôn. Có lẽ bạn sẽ dấy lên những tiên tri để kêu gọi con người quay trở về với bạn. Đức Chúa Trời cũng đã làm như vậy. Chúa phán: “Hãy nghe lời của các đầy tớ ta, là các tiên tri mà ta sai đến cùng các ngươi, … nhưng các ngươi không nghe họ.”

Cuối cùng, nếu bạn thực sự quan tâm, chính bạn sẽ đến, giống như một chuyến thăm cấp cao sau khi các nhân sự của bạn đã chuẩn bị trước con đường một cách đầy đủ. Đó chính là những gì Đức Chúa Trời đã làm trong ngày lễ Giáng Sinh đầu tiên. Con đường đã được chuẩn bị một cách tốt nhất. Sau hai ngàn năm lịch sử, quốc gia Do Thái đã được thuyết phục một cách mạnh mẽ rằng có một Đức Chúa Trời và không có bất kỳ thần thứ hai nào khác. Đế quốc La Mã đã bảo đảm sự bình an trên khắp thế giới mà con người thời bấy giờ biết được. Hy Lạp là ngôn ngữ quốc tế và văn hóa Hy Lạp lan tỏa khắp thế giới. Công việc đã được chuẩn bị để chuyến thăm của chính Đức Chúa Trời tạo được ảnh hưởng một cách mạnh mẽ nhất. Và Đấng ấy đã được sanh ra, được gọi là Giê-su (Đức Chúa Trời Cứu rỗi), hoặc Em-ma-nu-ên (Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta). Đó chính là Đức Chúa Trời mà trong nhiều thế kỷ, ở nhiều trường hợp khác nhau đã phán thông qua các tiên tri của mình. Chính Đấng ấy cuối cùng đã phán một thông điệp quyết định, cuối cùng và rõ ràng, không phải thông qua một tiên tri nhưng qua Đức Chúa Con. Rốt cuộc thì con người cũng đã có thể nhìn thấy được Đức Chúa Trời là ai, nghe Ngài phán và thấy Ngài quan tâm đến mình. Ngài không còn là một Đức Chúa Trời không biết được nữa. “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết” một nhân chứng đã đúc kết lại vấn đề này (Giăng 1:18). Đức Chúa Giê-su đã bày tỏ cho chúng ta về Đức Chúa Trời thông qua đời sống của Ngài trên đất. Đó chính là mục đích đầu tiên của Ngài khi đến với thế giới loài người: cho chúng ta sự bày tỏ về Đức Chúa Trời, không có điều này chúng ta vẫn sẽ phải dò dẫm vô ích trong bóng tối.

Một sự giải cứu

Chúa đến với con người cũng có một mục đích thứ hai liên hệ rất gần với mục đích thứ nhất. Khi con người nhìn thấy một đời sống yêu thương và chính trực, một đời sống hoàn hảo đến mức độ cao nhất, tuyệt vời nhất mà họ có thể tưởng tượng được. Thế nhưng họ đã treo Ngài lên thập tự giá. Ngài đã khiến họ cảm thấy quá khó chịu. Ngài là sự sáng quá chói chang. Bản năng tự nhiên của con người thích sống trong bóng tối, họ luôn luôn  dập tắt ánh sáng gây khó chịu ấy. Dĩ nhiên, họ đã thất bại. “Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng”. Bạn có thấy điều gì đã xảy ra không? Đức Chúa Giê-su đến không chỉ đơn thuần cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời là như thế nào. Sự đến của Ngài còn bày tỏ con người là như thế nào. St. John đã viết: “Con người yêu bóng tối hơn ánh sáng bởi việc làm của họ là xấu xa” và nếu bạn muốn lời giải thích cho câu nói này, hãy tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho việc phát hành của các tờ báo ngày Chủ Nhật nếu họ chỉ đăng tin những hành động nhân đức thay vì những việc đồi bại! Đấy, bạn có bằng chứng rõ ràng rằng con người yêu bóng tối hơn sự sáng. Thế nên con người cần một điều gì đó thiết yếu hơn chỉ là một sự bày tỏ từ Đức Chúa Trời. Chúng ta cần sự giải cứu từ Đức Chúa Trời.

Không chỉ sự hiểu biết mà những ý muốn của chúng ta đều sai lầm. Đức Chúa Giê-su đến để sửa chữa cả hai điều trên. Ngài bày tỏ cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là ai thông qua cuộc sống không ai sánh bằng của Ngài. Ngài đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời bởi sự hy sinh mạng sống của Ngài. Đó là lý do tại sao thập tự giá là biểu tượng của Cơ Đốc Giáo. Đó chính là thành tựu to lớn nhất trong suốt cuộc đời của Ngài, và quả thực là của cả lịch sử. Tại đó, Đức Chúa Giê-su, Thần nhân, gánh lấy mọi trách nhiệm của tất cả điều xấu xa của nhân loại. Một nhân chứng đã nói: “Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:18). Một nhân chứng khác: “Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta” (I Giăng 4:10). Phao-lô  đã reo lên trong niềm hân hoan: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” bởi vì “Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt [của Đấng Christ].” Bất kể khi nào bạn nhìn vào Tân Ước bạn đều sẽ bắt gặp cùng một sự thật này, dù nó được diễn đạt theo nhiều cách khác nhau như thế nào. Trong ngôn ngữ hình tượng của sách Khải Huyền bạn sẽ thấy như thế này: “Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là, cất tiếng lớn kêu rằng: ‘Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con’” (Khải Huyền 7:9,10).

ThanhGia

Không đâu giống như vậy

Biểu tượng là quá rõ ràng. Con người với những bối cảnh khác nhau trên toàn thế giới đang ngợi khen Đức Chúa Trời trên thiên đàng. Họ tạ ơn Đức Chúa Trời vì nhờ sự giải cứu của Ngài mà tấm áo choàng bẩn thỉu – biểu trưng cho sự tốt lành tưởng tượng của họ, đã được bao phủ bằng tấm áo choàng trắng tinh hoàn hảo – biểu trưng cho sự công bình của Đấng Christ. Như tác giả tiếp tục nói trong những câu sau đó: “Đó là những kẻ đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết [sự chết] Chiên Con [Đức Chúa Giê-su, sẵn sàng hy sinh mạng sống Ngài vì họ].” Thật vậy, đó là một sự giải cứu. Còn nơi nào khác trên thế giới mà bạn nghe về một Đức Chúa Trời bằng lòng ban sự cứu rỗi cho con dân của Ngài bằng việc chính Ngài mang lấy hậu quả về sự xấu xa của con người và cho phép họ hình phạt Ngài?

Nhưng đó vẫn chưa phải là hết. Đức Chúa Trời Đấng bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta và giải cứu chúng ta đã làm điều đó vì một mục đích. Thật kinh ngạc, Ngài muốn có một mối quan hệ với chúng ta. Đó chính là nơi sự phục sinh bắt đầu. Ngài không phải là một nhân vật đã chết trong sách sử và lỗi thời hơn hai ngàn năm về trước. Ngài hiện đang sống, và chúng ta có thể giao thông với Ngài. Tôi còn nhớ một cách sống động cái ngày sự thật này trở nên xác thực đối với tôi. Tôi đã mời Đấng Sống Lại đến và sống trong tôi. Ngài đã làm như vậy. Tôi đã không tìm kiếm Đức Chúa Trời. Nếu tôi muốn tôi cũng không thể, và dù thế nào đi nữa tôi cũng chẳng muốn. Tôi thật là một con người quá chú  ý vào bản thân. Nhưng Chúa đã tìm tôi. Ngài đã đến với thế giới này để bày tỏ chính Ngài cho tôi. Ngài đã chết để cất đi sự kinh tởm xấu xa trong những hành động sai trái của tôi. Ngài sống và đang hành động để thay đổi đời sống của tôi từ bên trong. Tất cả những điều tôi đã nhận ra này thật là một tin tốt lành.

Không một niềm tin nào khác làm một điều nào giống như vậy. Không một niềm tin nào khác công bố điều đó. Cơ Đốc Giáo  khác biệt so với những tôn giáo khác. Không phải con người tìm kiếm Đức Chúa Trời nhưng là Đức Chúa Trời tìm kiếm con người. Đó không hề là một tôn giáo, nhưng là một sự bày tỏ và giải cứu chúng ta.

MICHAEL GREEN

Translated by Vinh Hien

Các bài trước:

https://huongdionline.com/2015/09/30/niem-tin-cua-nguoi-vo-than/
https://huongdionline.com/2015/10/14/toi-khong-phai-la-nguoi-sung-dao/

https://huongdionline.com/2015/11/16/moi-con-duong-deu-dan-den-la-ma/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn