Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / truyện ngắn / HAI MẢNH ĐỜI

HAI MẢNH ĐỜI

 

Hai Mảnh Đời

HOATUONGVI

Tác Giả: Uông Nguyễn.

 

“A-lô… Tôi là Văn Thắng đây! Xin lỗi ai gọi điện cho tôi đó?” Văn Thắng nói với giọng trầm trầm, đượm buồn của một người vừa mới trải qua một nỗi đau cùng cực khi ông bắt điện thoại và hỏi.

“Tôi, Vương đây. Tôi gọi điện về để chia buồn với ông và các cháu!”

“Vâng cảm ơn ông đã gọi điện về để chia buồn với bố con tôi.”

Bấy lâu nay khi gọi điện thoại về quê thăm người bạn đồng liêu, thì khi nào Văn Thắng cũng bắt đầu bằng những câu chào hỏi niềm nở và rất xã giao, nhưng hôm nay thì không. Cách chào hỏi niềm nở trong xã giao đã vắng đi vì Tường Vi, người bạn cùng hành trình với Văn Thắng hơn ba mươi năm trong đời cũng vừa kết thúc. Khi nghe giọng của Văn Thắng nói trong vẻ run run vì xúc động.  Vương chậm giãi hỏi để cho Văn Thắng tiếp tục bày tỏ những nỗi đau đang tê tái của mình.

“Vậy,… việc tang chế cho cô Tường Vi đều ổn thỏa và chu tất cả rồi chứ ông?”

“Vâng, bà xã tôi đã trở về bình an trong Chúa… Mọi việc trong tang chế đều đã làm xong chu đáo. Chúng tôi cũng đã xây mộ phần cho Tường Vi rồi!”

“Vậy hả? Liệu vợ chồng tôi có thể làm gì để giúp cho ông trong lúc này?”

Văn Thắng nghe và trả lời rất rõ, “Hiện tại thì không, vì bà xã của tôi đã yên nghỉ trong tay Chúa… Nhưng trong tương lai tôi sẽ cần rất nhiều sự giúp đỡ của ông bà.”

Và hai người bạn cứ nói chuyện, và chia sẻ với nhau trong những cú điện thoại tiếp theo. Họ cần trao đổi suy tư, họ cần sự cảm thông và những lời khích lệ để cùng nhau vươn lên với Chúa và đối diện với những thách thức trong đời.

“Tiễn biệt Tường Vi tương tự như cắt đứt nửa thân tôi… Hình như tôi bị hụt hẫng và không thể vận hành cuộc sống một cách bình thường.” Văn Thắng thổ lộ.

Nghe Văn Thắng tâm sự qua điện thoại và qua những chuyến về thăm, Vương cảm thông với những mất mát mà Văn Thắng đã phải gánh chịu. Mỗi một nỗi đau trong đời là một sự khác biệt. Không có ai giống nhau và cũng không có ai có nỗi đau giống nhau và cảm nhận về nỗi đau ấy như nhau. Do vậy Vương chỉ biết khuyên Văn Thắng, cứ tiếp tục hành trình và trung tín cùng Chúa, Ngài sẽ xử dụng quỹ thời gian và sẽ chữa lành cho Thắng.

 

Thời gian tang chế đã qua đi, Văn Thắng đã được Mỹ Hạnh một người đã trải qua li dị khá lâu, nay cô và Văn Thắng đã quyết định đến với nhau để tiện bề trông coi cho những người con, và cùng nhau hành trình nốt đoạn cuối của cuộc đời.

 

Khi hai mảnh đời đã trải qua bao nhiêu thăng trầm được ghép lại với nhau, họ cần lắm những gì thuộc về chân lý và ân điển của Chúa. Văn Thắng đã trải qua những sương gió của đời trai. Ông lại là người đã từng trên bục giảng, và con người ta vẫn thường bị thói quen của nghề nghiệp hay làm hư mình. Sỹ quan trong quân đội thì hay có cái hư của người quen ra lệnh. Cảnh sát thì phải luôn luôn đối diện với tội phạm nên phải chứng tỏ chắc chắn rằng ta là người thi hành luật. Thầy cô giáo cũng vậy, họ có bệnh hay lên lớp, và Mục Sư hay Truyền Đạo cũng không thoát khỏi cái hư và sự méo mó của nghề nghiệp hay truyền giảng này.

Trong khi đó, Mỹ Hạnh lại là cô gái thoát ly gia đình từ thủa bé và đã tự mình vật lộn để tồn tại và vươn lên. Mỹ Hạnh cũng đã trải qua nỗi đau của người phụ nữ bị chồng bỏ rơi. Cô đã phải vừa làm mẹ, vừa là người cha làm chỗ dựa cho con gái, cho nên cô càng phải cứng cáp vì không phải chỉ sự sống còn của cá nhân mà là cả sự sống của gia đình.

Khi hai mảnh đời cứng cáp kia đã tiến đến hôn nhân và cùng nhau sống trong một mái nhà, dù họ có yêu và ngưỡng mộ với nhau bao nhiêu đi chăng nữa thì hai mảnh đời ấy cũng sẽ cần rất nhiều thời gian để họ có thể cùng nhau chung hưởng hạnh phúc.

Không ai làm những chiếc dây thừng từ những thân cây tre cứng cáp, mà họ phải chẻ tre ra, lược bỏ những mấu, những bọng và chẻ chúng ra thành những cái lạt thật mỏng. Những cái lạt càng mềm, càng  mỏng bao nhiêu thì khi chúng được xoắn biện lại thành cái thừng, thì thừng đó không phải chỉ chắc chắn mà càng có thẩm mỹ bấy nhiêu.

 

Vương người bạn của Văn Thắng luôn luôn là một fan nồng nhiệt của Mỹ Hạnh và Văn Thắng khi hai người quyết định tiến tới hôn nhân. Vương biết rõ cả hai người. Vương cũng biết rõ là cả Văn Thắng và Mỹ Hạnh đều muốn làm sáng danh Chúa trong cuộc hành trình với nhau trên đất. Họ tuy còn khác ý, còn có rất nhiều sạn cần phải nhặt trong tình cảm, nhưng cả hai đều nuôi trong mình những nghĩa cử cao đẹp. Vương luôn luôn khích lệ Văn Thắng và Mỹ Hạnh hãy nhìn rõ vào nhau, và hễ có cơ hội là ông đem những lời khích lệ và thách thức cả hai người cùng nhìn vào Chúa để gia tăng hạnh phúc. Vì là bạn bè cho nên Văn Thắng hay dốc bầu tâm sự.

“Tôi đã quen với cách sống của Tường Vi của tôi. Nàng là một phụ nữ dịu hiền, trầm tĩnh… và luôn luôn quấn quít cùng tôi. Bà ta luôn luôn biết có khoảng cách. Gần ba mươi năm lấy nhau, tôi tự nhiên luôn luôn cảm nhận mình được tôn trọng. Nay khi phải đối diện với Mỹ Hạnh, một phụ nữ có tấm lòng cũng rất tốt, yêu Chúa và trung tín. Mỹ Hạnh cũng có khá nhiều nét giống như Tường Vi, nhưng không hiểu sao,… Mỹ Hạnh của tôi lại quá thẳng thắn, quá quyết đoán, nhiều khi tôi thấy như hơi sợ. Tôi không quen đối đầu… tôi nghĩ Mỹ Hạnh quá cứng cáp cho nên nhiều khi tôi thấy bất lực và khó chịu!”

“Thì ông cũng đã nhận ra Mỹ Hạnh là của ông..!” Vương mỉm cười khôi hài và làm cho câu chuyện thêm uyển chuyển.

Văn Thắng đáp lời. “Vâng… Dù sao thì chúng tôi cũng đã đứng trước mặt Chúa để hứa nguyện, và bao nhiêu người trong Hội Thánh đã là nhân chứng của chúng tôi với việc cưới nhau và đảm bảo cho nhau trong hạnh phúc này. Chúng tôi sẽ phải trung tín..!”

Vương rất ngưỡng mộ những con người trung tín, vì trung tín là một trong những bản sắc của chính Đức Chúa Trời. Vương gật đầu khích lện Văn Thắng cứ tiếp tục thổ lộ. Nhưng mục đích của những buổi nói chuyện là để cho tình cảm của Văn Thắng và Mỹ Hạnh biết tự mềm lòng như những chiếc lạt tre để Chúa tết họ thành một sợi dây, thành một hạnh phúc mới.

“Văn Thắng, ông sẽ suy nghĩ kỹ xem tại sao Mỹ Hạnh của ông lại hay quyết đoán?” Khoảnh khắc im lặng trôi qua vì Văn Thắng không thể trả lời trực tiếp cho câu hỏi mà Vương đề xướng.

“Theo tôi thì Mỹ Hạnh đã trải qua rất nhiều gian truân và hoàn cảnh của cô ta là phải vươn lên một mình trong xã hội mới nơi đây, do đó bà ta phải quyết đoán để sống còn đó ông!”

Văn Thắng nghe vậy và gật đầu, nhưng trong cái nhìn, qua ánh mắt và biểu cảm của khuôn mặt bày tỏ sự gật đầu vì lịch sự chứ thật ra ông ta chưa biết rõ về lý do tại sao con người, cá tính như Mỹ Hạnh lại trở thành một con người quyết đoán như cô ta hôm nay.

“Hoàn cảnh và môi trường tạo ra con người đó Văn Thắng.” Vương vẫn nói chuyện như một người bạn thân của Văn Thắng, ông khích lệ và nói như muốn nhấn mạnh một vấn đề.

“Nhiều khi hoàn cảnh và môi trường tạo nặn lên những con người vì họ phải bắt nhịp và hoà mình với xã hội và môi trường ấy. Vì phải bắt nhịp với xã hội, môi trường và cộng đồng xung quanh cho nên con người ta dần dần đã cập nhật, và biến đổi để phù hợp với môi trường đó.” Vương cảm thấy phấn khích vì mình nói đúng vấn đề khi Văn Thắng chăm chú lắng nghe.

“Tôi khuyên ông nên có một chút trong trí tưởng tượng của mình để xem, hoàn cảnh và xã hội mà Mỹ Hạnh đã sống trong ba mươi năm qua. Mỹ Hạnh nay là bà xã của ông, nhưng bà ta đã có ba mươi năm làm người của xứ này. Bà ta đã phải trải qua trong những năm tháng vật lộn để sống và tự quyết. Tôi chiêm ngưỡng Mỹ Hạnh nhưng không bênh vực cho cho bà ta đâu, nhưng vì tôi đã trải qua bao nhiêu năm sống ở xứ này, cho nên tôi cảm thông cho Mỹ Hạnh.”

Vương chỉ muốn Văn Thắng biết tưởng tượng, và hình dung ra một cuộc sống của một người con gái trong một xã hội khác trong bao nhiêu năm qua. Từ chỗ biết tưởng tượng, và biết hình dung này đây Văn Thắng có thể gia tăng sự cảm thông cho Mỹ Hạnh.

Tuy đã nỗ lực giải thích nhưng Văn Thắng là con người của truyền thống. Thuyền thống không có gì tồi, nhưng cũng không có gì tốt nếu khi người ta sống  trong một môi trường không còn phải là Việt Nam mà không thể cập nhật và uyển chuyển để hoà nhập trong cuộc sống mới cho hạnh phúc, cho gia đình và cho Hội Thánh. Truyền thống mà không cập nhật để uyển chuyển và hoà nhập, thì truyền thống đó không phải chỉ là tồi, mà còn là mối nguy vì nó trở thành lố bịch như một khối bê tông bỏ chìm dưới đáy sông cho rêu xanh phủ kín, và sẽ là một vật cản ngáng đường.

Văn Thắng nghe những lời giải thích chân thành của Vương, nhưng nhiều khi, ông vẫn có vẻ như muốn cúi gằm mặt xuống nhìn những chiếc chân bàn hơn là nhìn vào sự thật của cuộc sống cho nên Văn Thắng hay lắc đầu, bày tỏ những bức xúc.

Vương muốn Văn Thắng cởi mở, và biết nhờ Chúa, đấng khôn sáng, khơi ra và cởi trói cho mình. Trong niềm tin vào Cứu Chúa phải có một sự tự tin và được dẫn dắt bởi Đấng Thánh Linh để có thể cởi phăng, mở ra những nỗi đau, những vết thương lòng để Chúa chữa lành.

Muốn có hạnh phúc thì Văn Thắng và Mỹ hạnh phải cùng nhau cởi mở và thông cảm cho nhau. Chỉ khi sẵn sàng cởi mở, chấp nhận và thông cảm, họ mới có thể hiểu và san sẻ cho nhau những nỗi đau, và để Chúa của tình yêu khiến họ biết yêu nhau tha thiết hơn trong từng ngày.

“Cuộc đời của mỗi chúng ta là những chuỗi ngày của vật lộn, muốn có hạnh phúc cũng phải là vật lộn. Vật lộn nào cũng có mồ hôi và nước mắt và nhiều khi cả máu ở trong đó nữa… Hạnh phúc không có miễn phí..!” Vương nói cùng Văn Thắng và ông đã không quên nhìn vào Cứu Chúa đấng đã vật lộn cho thế gian để họ được chấp nhận trước mặt Cha là một cuộc vật lộn với máu và nước mắt.

“Bà xã của ông đang vật lộn ra sao ông biết không?” Vương không muốn gọi Mỹ Hạnh nữa mà ông muốn dùng cụm từ bà xã cho thêm thân thuộc cho một cặp vợ chồng.

“Bà ấy hay nóng nảy, và nhiều khi quát tháo không cần thiết.” Văn Thắng có thêm tự tin và giãi bày.

“Chúng tôi cần Ân Điển trong hạnh phúc… vậy mà nhiều khi tôi thấy hình như vắng Ân Điển trong đó…”

“Ông có nhìn thấy rằng bà xã của ông là một con người có đầu óc tổ chức rất tốt?” Vương chuyển câu chuyện.

“Vâng tôi nhận ra điều đó.”

“Bằng cách nào để một con người có thể tổ chức công việc chắc chắn và hợp lẽ?”

“Thì phải ngăn nắp và gọn gàng… phải kêu gọi mỗi người, mỗi việc, để mọi việc đâu vào đó.”

“Khi ông nói như vậy có nghĩa là ông muốn bà xã của ông phải là con người vừa có đầu óc tổ chức, lại phải vừa đầy Ân Điển và không cau có đúng không?”

“Vâng, vì mình là người lãnh đạo thì phải như vậy.”

“Liệu tôi có thể nói rằng ông đã sai lầm trầm trọng hay không?” Vương nhìn chằm chặp vào Văn Thắng và vừa chất vấn vừa nói một cách rất tự tin.

“Bà xã của ông đang phải vật lộn với những thứ mà người bình thường khác không hiểu. Ông nay đã là chồng, là ông xã của Mỹ Hạnh thì ông phải nhìn ra để cảm thông và yêu thương bà ấy nhiều hơn.” Nghe nói vậy Văn Thắng nhìn người bạn như có vẻ bất ngờ.

“Như tôi đã thường nói là hai thứ trong gia đình có khả năng dẫn ta đến với tranh dành và đổ vỡ: một là gánh nặng của tài chính và hai là cách nuôi dạy con cái. Ông có biết rằng bà xã của ông bây giờ đang phải đối diện với cả hai đại nan đề này?”

“Tại sao ông biết?” Văn Thắng hỏi ngược lại.

“Tôi biết được là vì cả hai ông bà tự tin và nói với tôi!”

“Ông hãy quan sát và thấy. Gia đình của ông ngày càng lớn, gấp ba lần bình thường mà thu nhập thì không có gì. Khi thu nhập không có là tài chính trong gia đình sẽ giảm xuống… Trong khi đó thì các khoản chi tiêu trong gia đình lại tăng lên gấp bội. Bà xã của ông lại là con người rất năng động, tháo vát  và tổ chức công việc rất sắc bén, do đó bà ta bị bất lực và khi bị bất lực thì hay nổi cáu là vậy..!”

Văn Thắng trong giây phút nhìn Vương ngờ vực, nhưng rồi ông cũng gật đầu đồng tình. Trong cái gật đầu của Văn Thắng, người bạn nhìn thấy ông ta rất chân thành và muốn học hỏi.

“Vật lộn của Mỹ Hạnh là giữa Ân Điển và hiệu năng công việc. Ông có nhận ra điều này?” Cách hỏi của Vương là để Văn Thắng tự suy nghĩ và tự đi đến kết luận cho mình.

Vương giải thích và đem ra cả câu chuyện trong cuộc đời của Môise ra làm một bằng chứng.

“Môise là con người của Ân Điển… Thánh Kinh bảo rằng, Môise là một người hiền nhất thế giới1, nhưng khi tổ chức công việc ông ta cũng đã bao lần phải nổi đóa đấy nhé…”

Người bạn chân tình là người muốn đem tất cả những gì mà Chúa đã ban cho ông trong bao nhiêu năm để trao gửi lại cho những ai muốn nghe. Văn Thắng vì Chúa, vì hạnh phúc gia đình mà ông cũng đã sẵn lòng cởi mở lòng dạ của mình để nghe những lời tâm sự chân tình của Vương.

“Có lẽ với môi trường bên ngoài, và những gì đã xảy ra trong cuộc sống khiến cho bản tính quyết đoán của bà xã mình càng trở nên quyết đoán hơn.” Văn Thắng nhận ra nhận định của Vương về Mỹ Hạnh  rất đúng.

Vương nhắn nhủ bạn mình. “Có ai đã từng trả qua ba chìm bảy nổi trong đời mà không trở nên quyết đoán hơn? Có ai đã từng trải qua bao nỗi gian truân để sống trong đời mà không trở nên khắt khe?” Qua những buổi nói chuyện như vậy và Vương đã khiến Văn Thắng suy nghĩ sâu xa hơn.

“Bằng cách nào đây để ta và Mỹ Hạnh sẽ có hạnh phúc?” Những câu hỏi tương tự luôn luôn bộc phát trong đầu mỗi khi ông quan sát sự vất vả trong công việc mà Mỹ Hạnh phải gánh vác. Văn Thắng biết rằng, không có cách gì hơn là phải khiêm nhường với Chúa, với Mỹ Hạnh và nỗ lực vươn lên.

 

Hôm rồi Văn Thắng ra vườn để tỉa cắt cho những nhành cây phong lan trước cửa nhà mà Mỹ Hạnh đã trồng và nàng hết mực nâng niu chúng. Những cành phong lan lòa xòa và khi Văn Thắng tra kéo vào cắt đi.  Khi cành bị cắt và bỗng nhiên những giọt nhưạ trắng cũng chảy ra. Nó đau nhưng Văn Thắng quan sát, chỉ vài ngày sau đó, vết thương kia được lành. Văn Thắng thấy ngạc nhiên.

“Ơ kià, bên cạnh chỗ cắt hôm rồi đã có một cái lộc non non đang trồi ra.” Lộc cây bật ra khỏi lớp vỏ và lún phún đâm lên theo thời gian. Văn Thắng sung sướng quan sát mầm lộc khi nó vươn dài và rồi trổ ra những nụ, những bông hoa phong lan màu vàng vô cùng đẹp mắt. Văn Thắng càng sung sướng hơn khi nhận ra, qua các vết mà ông đã cắt, mầm của phong lan to hơn, nụ hoa và cánh hoa cũng lớn hơn. Khi Văn Thắng mải mê ngắm nhìn những nụ hoa đua nhau nở như vẫy gọi ông trước nắng, và tự nhiên như lời của Chúa phán ra,

“Đời con cũng như vậy đó Văn Thắng… Cái đau là bị cắt đi… con đã nhìn thấy mầm non trẩy lộc đơm chồi đúng không?” Văn Thắng ngây người đứng đó nhìn những giò phong lan và lại nhìn vào cuộc sống của chính mình. Ông cảm thấy tự nhiên mình có thêm hy vọng. Cảm xúc như dấy lên. Văn Thắng bước vào nhà, ông ước, nếu Mỹ Hạnh có ở đây, ông sẽ ôm, sẽ hôn nàng và chỉ muốn nói một điều, qua hơi thở.

“Mỹ Hạnh à… anh đã biết coi trọng tình cảm, tình yêu và mến tất cả những gì trong em… và anh rất yêu em.”

Khoảnh khắc trong căn nhà không có ai mà chỉ có mỗi một mình ông và sự hiện diện của cả ba ngôi Đức Chúa Trời. Tâm trí ông nảy ra những suy tư lành mạnh.

“Mỹ Hạnh đã bao năm cực khổ và cô đơn… một thân đối trọi với cuộc đời..!” Tự nhiên ông cảm thấy một sự mến thương Mỹ Hạnh vô cùng như ở đâu ào ào chảy vào lòng mình.

“Ta sẽ phải  làm một điều gì đó cho Mỹ Hạnh hôm nay! Nhưng Làm gì đây?” Văn Thắng tự hỏi.

“À! Mỹ Hạnh rất thích những bông hoa… và đặc biệt nhất là những bông hoa mầu tím, vì trong đám cưới của họ, Mỹ Hạnh đã tự tay lựa chọn từ hoa cho đến những tấm rèm trải bàn, tất cả toàn là  mầu tím!”

Nghĩ vậy và ông không lưỡng lự bước nhanh ra con đường phố. Văn Thắng đi nhanh về phía tiệm hoa cuối đường. Ông móc trong tất cả mọi túi và trong chiếc ví để lấy tiền. Ông lấy hết toàn bộ số tiền mà ông dành dụm được để mua vé xe lửa. Ông lựa mua một bó hoa cúc mầu tím vừa đúng với số tiền mà ông đang có và mang về cho Mỹ Hạnh. Ông vui mừng mang hoa về và từ từ để những nhành hoa đó lên bàn và với lấy lọ hoa mà cắm từng cành hoa vào trong lọ. Ông trân trọng và nâng niu từng cánh hoa, từng đài hoa, và đặt chúng và đúng vị trí của nó. Vừa cắm hoa nhưng tâm trí của ông như vừa được Chúa nhắc nhở và lời Ngài nhỏ nhẹ vọng vào trong tâm khảm của ông.

 

“Ơ hay! Tay ta đang nâng niu từng cánh hoa, từng nhành lá… vì đây là hoa, là lá, là  những sản vật trong thiên nhiên của Chúa. Ôi những bông hoa, đẹp làm sao! Mỹ Hạnh là một con người, là sản phẩm đẹp nhất mà Chúa đã tạo nên và nay Ngài đã trao nàng cho ta. Chúa cũng đã cho Mỹ Hạnh tất cả và ta sẽ nhìn vào Mỹ Hạnh qua nhãn quan của Chúa để thấy nàng đẹp như hoa. Ta cũng sẽ cần phải nỗ lực để nâng niu và chăm sóc cho Mỹ Hạnh… Ta sẽ vinh danh Chúa trong hạnh phúc này…”

 

Vừa cắm hoa, mà tâm trí ông như quyến luyến với những suy tư và so sánh những nhành hoa trên tay  với Mỹ Hạnh của ông khiến cho bàn tay của ông bỗng nhiên run run. Cắm hoa vào bình xong rồi, mà ông cứ đứng đó ngắm nhìn. Ông tưởng tượng, ông hình dung Mỹ Hạnh của ông cũng như những bông hoa đang phơi phới như nhau, khiến lòng ông rộn rạo với một tình yêu như vừa chợt đến. Tình yêu đó không đến rồi đi, như một luồng gió thoảng. Tình yêu đó đến và ngự trị trong lòng. Chính tình yêu một cái gì đó trong đặc tính, đặc sản của Chúa, vận hành qua tâm hồn và đang sưởi ấm cõi lòng của ông mà bao lâu đã tưởng như bị chai lỳ kể từ khi vợ ông bị bệnh và qua đời.

Ông lấy giấy bút ra và cố gắng viết cho Mỹ Hạnh một thông điệp…

 

Bao nhiêu năm đã qua Mỹ Hạnh sống trong lẻ loi và hình như chưa mấy khi có ai mua hoa để tặng cho mình. Hôm nay đi làm về, Mỹ Hạnh mở cửa ra và tuy còn mệt nhoài về thể xác vì sự đòi hỏi của công việc. Nhưng kìa, những bông hoa cúc mầu tím trên bàn như vẫy gọi!

Nàng bước nhanh lại gần bình hoa. Và phía dưới của bình hoa là tấm thiệp của Văn Thắng. Có lẽ vì ông không làm gì ra tiền, và bao nhiêu tiền ông có đã lấy hết ra để mua hoa, cho nên ông đã tự gấp miếng giấy A5 thành một tấm thiệp và nỗ lực vẽ vào tấm thiệp. Tuy mộc mạc, không có vẻ sắc xảo của một nghệ nhân chuyên nghiệp, nhưng gợi lên một cái gì đó trong lòng chân chất của chàng. Mỹ Hạnh mở ra và đọc.

 

“Mỹ Hạnh ơi, anh tuy còn nghèo và rất nghèo! Anh còn khờ và rất khờ. Anh không biết bao giờ Chúa mới cho anh hết nghèo và hết khờ, nhưng cái đó là việc của Chúa. Ngay trong lúc này đây anh cảm thấy anh rất thương, rất yêu, và rất mến mộ Mỹ Hạnh. Mong Mỹ Hạnh hãy cho anh được phép biểu lộ tình yêu. Cho phép anh được trân trọng những gì mà chúng ta đang có. Chính Chúa đã ghép hai mảnh đời của chúng ta làm một. Em… chúng ta đang là một thể… Anh rất trân trọng và hân hạnh vì  anh đang có em.”

 

Mỹ Hạnh đọc xong những hàng chữ mộc mạc, nàng đứng đó, xúc động và những giọt lệ nhạt nhoà. Nàng lấy tay gạt những giọt nước mắt.

“Ta đã được yêu chiều…!”
Tuổi tuy không còn trẻ nhưng Mỹ Hạnh chạy vào phòng nơi mà Văn Thắng đang đọc sách và chuẩn bị bài cho những tuần sau. Mỹ Hạnh sà vào lòng Văn Thắng… nàng hổn hển.

“Em cũng thật sự rất thương anh… Có điều em không biết bằng cách nào để trở thành một cô gái dịu hiền, lãng mạn… và vâng lời. Em có quyết đoán không anh?”

Mỹ Hạnh hỏi trong chất giọng ngọt ngào mà hai hàng lệ cứ lăn xuống. Nàng cũng chưa để cho Văn Thắng trả lời và như muốn thổ lộ đổ hết con tim.

“Em thật sự rất quý mến và rất yêu anh…”

Hạnh phúc đã đến với họ. Chỉ khi họ biết đón nhận nhau và thông cảm cho nhau và sống có phẩm giá trong Chúa, thì hạnh phúc sẽ đến. Hạnh phúc là bông trái của phẩm giá khi con người đem phẩm giá của Chúa để đối diện với nan đề. Con người ta  sống trong cuộc đời luôn luôn có những biến cố xảy ra, tình cảm của vợ chồng trong thế gian đầy vật lộn sẽ không bao giờ hết nan đề, nhưng khi họ biết, hạnh phúc của họ là hai mảnh đời mà Chúa gom bó họ lại làm một và có mục đích. Và chỉ khi cả hai người sẽ sống với phẩm giá của Chúa, biết tôn trọng lẫn nhau và từ nền tảng của biết tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau này đây, họ dần dần có được tất cả mọi thứ. Họ có hạnh phúc, họ được mọi người tôn trọng và hơn thế nữa, Chúa của họ cũng mến mộ vì họ là những con người biết hành trình cùng Ngài để cả hai cùng bên nhau chiến thắng mọi nghịch cảnh.
UÔNG NGUYỄN

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn