Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / truyện ngắn / DÌ NĂM

DÌ NĂM

DÌ NĂM

 

he12 11

Mới vào tới cổng đã nghe tiếng dì Năm ào ào lên rồi:

  • Thằng Vũ đâu, ra đây, đem đồ vô cho dì vớ

Vừa thấy tôi, dì kêu lên:

  • Ôi, cái thằng cháu tôi, sao mà nhanh lớn và đẹp trai quá, tới đây cho dì thương một cái.

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì dì Năm đã làm một cái “chíp” trên má tôi rồi, khiến tôi lúng túng không biết làm thế nào. Má tôi cười:

  • Hắn dị rồi, hắn là thanh niên rồi đó dì nghe.

Dì Năm nhìn đi nhìn lại tôi:

  • Ừ hé, cái thằng ngó rứa mà lớn nhanh thiệt. Nè, quà của con đây.

Dì đưa cho tôi một giỏ toàn trái cây, xoài, ổi, chuối… có lẽ gần cả chục ký.

  • Biết quà của ai không?
  • Ủa, chớ không phải của dì hả?
  • Cái thằng, nhà dì trồng có mấy cây thôi, chưa tới mùa, của Hồng Phượng đó. Cái con thiệt, nghe dì nói xuống nhà anh Vũ là nó hối mẹ nó hái gởi xuống liề

Má tôi hỏi:

  • Hồng Phượng mô rứa Vũ, bạn học hở?
  • Đâu có má.

Dì Năm cười:

  • Chị không biết hả? Cái thằng tốt số lắm. Hôm hè năm ngoái nhờ nó lên coi nhà mấy bữa đó. Con bé trước nhà kết hắn lắm, mấy cũng “anh Vũ, anh Vũ” hết. Mà nè, dì thấy hắn được đó Vũ nghe.

Má tôi cười:

  • Thôi, đừng chọc hắn nữa, hắn còn học chưa xong mà. Dì ni, hồi mô cũng rứ

Mà thiệt, hễ cứ mỗi lần gặp dì Năm là dì cứ: “con bé này được, con bé kia được…”, tôi thường gọi là “Chương trình mai mối”, bởi lúc nào gặp tôi, dì cũng “bổn cũ soạn lại”, không hề thay đổi.

Chuyện dì Năm tin Chúa cũng rất bất ngờ. Ngày xưa, hồi dì chưa có chồng, hay qua nhà chơi với ba má tôi. Má tôi rủ dì đi nhà thờ, dì thích lắm. Tất cả các sinh hoạt của Hội Thánh, dì đều nhiệt tình tham gia. Một hôm, khi Ban hát Thanh niên lên ráp nhạc, Mục sư Quản nhiệm thấy dì lạ nên hỏi, mới biết dì chưa cầu nguyện tin Chúa. Ông không cho dì hát, mà yêu cầu dì phải cầu nguyện tin Chúa thì mới được vào Ban hát lễ Thanh niên. Dì Năm không nói gì, nhưng sau lần đó, dì không chịu đi nhà thờ nữa, dù ba má tôi có nói gì đi nữa. Tôi cũng biết tính dì, xởi lởi, nhưng cũng rất nóng, hay tự ái. Ba má tôi thấy vậy, đành im lặng, chờ cho qua một thời gian rồi sẽ tiếp tục làm chứng cho dì tin Chúa.

Từ hồi dì Năm có chồng, dì thay đổi hẳn, dịu dàng, trẻ trung hẳn lên. Dì chuyển cơ quan, về quê chồng sinh sống. Lúc này, dì cũng chưa tin Chúa. Một hôm, dì ghé nhà tôi chơi, sẵn tiện, má tôi mới làm chứng cho dì. Dì chỉ im lặng nghe mà không nói một câu. Một lúc sau, má vào trong phòng tìm mấy cuốn Truyền đạo đơn để tặng cho dì xem thêm, lúc trở ra thì đã thấy dì Năm nằm trên chiếc đi văng ngủ ngon lành, chắc là quá mệt sau một ngày đi đường. Má tôi lẳng lặng đắp cho dì chiếc mền, và dì nằm ở đó cho đến sáng hôm sau, người vô tư sướng thật, má tôi nói vậy.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là Chúa nhật đó, dì cũng chịu đến nhà thờ cũng gia đình chúng tôi. Cuối giờ thờ phượng, mục sư kêu gọi thân hữu, nếu bằng lòng tiếp nhận Chúa là chủ đời sống mình thì bước lên trên để ông và Ban Truyền giáo cầu nguyện cho, thì dì Năm tự động đứng lên. Ba má tôi cũng không ngờ dì mạnh dạn như vậy. Cả ngày hôm đó, nhà tôi như mở hội, bởi dì Năm dù không bà con, nhưng thân thiết với nhà tôi như ruột thịt vậy. Thật ra là ba má tôi rất lo vì không biết dì có đứng vững được không, tuy nhiên, đó chỉ là lo xa. Càng ngày, dì càng sốt sắng, yêu mến Chúa, trở thành nòng cốt của Hội Thánh nơi dì sinh sống.

 

Việc dì có chồng cũng rất vui. Dù nhỏ hơn má tôi chỉ vài tuổi, nhưng dì “đứng” khá lâu, gần bốn mươi tuổi rồi mà chưa có chồng. Thật ra, hình thức bên ngoài dì đâu có tệ, cũng dễ nhìn lắm, nhưng chắc là do cái số, dì nói vậy. Thế rồi một hôm, dì qua nhà tôi mời cả nhà dự đám cưới, nhờ má tôi làm phụ dâu. Chú rễ là một người cũng khá đứng tuổi, gần năm mươi rồi. Ba tôi hỏi:

  • Sao tới giờ này mới chịu lấy chồng đó?

Dì Năm cười:

  • Thì em cũng chờ mấy thằng trai trẻ, cuối cùng chẳng có đứa nào ưng hết thành thử vơ đại thằng cha “khú đế” ni.

Nói là vơ đại, chứ thực ra chuyện tình của dì với chú Phu cũng lãng mạn lắm. Hôm mẹ đau nằm trên bệnh viện, dì lên đó trực suốt ngày suốt đêm không nghỉ. Còn chú Phu, lúc đó đi thăm một người bạn bị tai nạn. Lần nào, đến thăm bạn, chú cũng thấy dì Năm lay hoay bên mẹ, lúc thì dọn vệ sinh, lúc thì cho ăn, cho uống, lau người, quạt cho mẹ… Hỏi thăm ra, anh chị em của dì nhiều, nhưng đều ở xa, còn dì chưa có gia đình nên đành xin nghỉ không lương để lo cho mẹ. Những lần gặp gỡ sau đó, hai người tìm hiểu và đã quyết định đến với nhau. Chuyện là vậy.

Chuyện dì Năm làm chứng cho chú Phu tin Chúa cũng khá ly kỳ. Ban đầu, khi hai người mới cưới, chú Phu tuy để cho dì Năm đi nhà thờ thoải mái, nhưng năm lần bảy lượt, chú từ chối, không chịu đi cùng dì. Nói gì thì nói, chú vẫn cứng như đá, không hề lay chuyển. Khi Thầy Truyền đạo Quản nhiệm và Ban Thăm viếng Hội Thánh đến nhà chơi, dì nói:

  • Thầy với mấy anh ngó đó, chồng em cứng đầu lắm.

Thầy Truyền đạo hỏi:

  • Ảnh cứng đầu ra răng?

Dì nói:

  • Thì cái đầu ổng cứng lắm, cầm viên gạch đập vô, đầu không bể mà gạch nát vụn.

Hóa ra dì nói “cứng đầu” là có nhiều nghĩa. Nghĩa bình thường ai cũng biết, đó là không nghe lời khuyên bảo của dì. Nghĩa thứ hai là đầu chú cứng thiệt, chú là võ sư mà, thường luyện công và hay biểu diễn màn lấy gạch đập vào đầu.

Thấy chú Phu không chịu đi nhà thờ, dì Năm buồn lắm. Một hôm nọ, không biết nghe ai bày, hay là tự nghĩ ra, dì Năm nói với chú:

  • Anh không đi nhà thờ chắc ngại phải không?
  • Ngại chi?
  • Thì biết đâu tới đó gặp người yêu cũ, tình xưa nghĩa cũ, khó ăn khó nói với vợ…
  • Đâu có.
  • Rứa thì mắc chi không đi nhà thờ, ai ăn thịt anh?

Vốn người thật thà, chú lại mắc lừa dì, cũng vì để chứng minh mình không có gì, chú Phu quyết đi nhà thờ với dì Năm. Sau bữa đó chú vui lắm vì thấy vô nhà thờ nghe các ban hát tôn vinh Chúa chú thích lắm. Tuy vậy, chú vẫn không chịu tin Chúa. Người ta làm chứng cho chú hoài, cuối cùng cũng mệt mỏi, nhưng được một điều là chú vẫn thường xuyên có mặt ở nhà thờ mỗi sáng Chúa nhật cùng với vợ con, những công tác gì Hội Thánh cần, chú đều tham gia nhiệt tình, có khi còn tốt hơn những người khác nữa.

Lâu quá thành quen, không ai còn nhớ chú Phu là người chưa tin Chúa. Một hôm, ông Thư ký Hội Thánh hỏi:

  • Anh đi nhà thờ lâu rồi, răng chưa học giáo lý, nhận báp tem để dự Tiệc Thánh.

Chú Phu cười:

  • Tôi chưa cầu nguyện tin Chúa mà.
  • Ủa, vậy à. Đúng rồi, anh chưa cầu nguyện, nhưng đi nhóm cả năm rồi mà răng chưa tin Chúa.
  • Thì có ai nói với tôi đâu.

Hóa ra, lúc chú chưa cảm động thì người ta làm chứng ào ào, còn lúc chú muốn tin Chúa thì không ai nói gì cả. Và tất nhiên, sáng Chúa nhật hôm đó, chú Phu bước lên cầu nguyện tin Chúa, làm ai cũng ngạc nhiên, à, hóa ra cái ông này hồi nào đến giờ chưa tin Chúa.

Từ đó gia đình dì Năm như có thêm một cuộc đời mới. Chú Phu, nhờ dạy võ nên quen biết nhiều, mà chú lại hiền lành nên được nhiều người quí trọng, chính vì vậy, chú làm chứng cho người ta tin Chúa dễ dàng lắm. Hội Thánh đã mời chú vào Ban Chứng đạo để cùng những người khác ra đi làm chứng về Chúa.

Chuyện dì Năm là từ thiện cũng khá thú vị. Một lần đi công tác trên vùng núi về, giữa đường xe bị hư, dừng lại sửa mất mấy tiếng đồng hồ. Ngồi chơi không buồn quá, dì vào trong xóm hỏi thăm có gia đình tín đồ nào, ghé chơi cho vui. Nơi đây, đa số là đồng bào dân tộc, người ta giới thiệu cho dì gia đình nọ có hai mẹ con đều là tín đồ Tin Lành. Khi đến nơi, dì thấy người mẹ đang chăm sóc đứa con đang bị đau nặng. Hỏi ra mới biết đứa trẻ bị sốt mấy ngày rồi, thuốc thang cũng có, chưa nhưng thấy giảm. Dì làm chứng thêm cho họ, và cùng người mẹ cầu nguyện cho đứa trẻ. Sau khi cầu nguyện khoảng mười phút, đứa trẻ bỗng tỉnh dậy, đòi ăn, đòi uống. Mẹ em mừng lắm, cám ơn dì Năm rối rít. Dì cũng cảm động lắm, liền móc ví, còn bao nhiêu tiền cho họ hết, nói là để bồi dưỡng cho em mau lại sức. Mấy tháng sau, hai mẹ con tìm xuống nhà dì thăm, dì đã dẫn họ đến nhà thờ làm chứng cho cả Hội Thánh nghe về việc Chúa đã chữa lành cho em bé.

Từ đó, tự nhiên tấm lòng dì Năm lại hướng về các anh chị em tín hữu người dân tộc. Cách đây mấy tháng, dì xin nghĩ hưu trước tuổi. Ai cũng trách dì dại, vì thời buổi này xin việc nhà nước rất khó, thậm chí còn khá tốn kém. Tuy vậy, dì vẫn cương quyết, nói mình làm đã đủ, bây giờ đến giai đoạn Hầu việc Chúa. Lấy số tiền đã nhận khi nghỉ hưu, dì mở một tiệm bán bánh mì, bởi hồi xưa, mẹ dì cũng là người bán bánh mì ngon có tiếng. Tiếng lành đồn xa, không mấy chốc, tiệm bánh mì của dì rất đông khách, mặc dù dì bán có cao giá hơn ở những nơi khác. Dầu có bán đắt, nhưng cứ đến Chúa nhật là dì đóng cửa đi nhà thờ, tuyệt đối không bán cho ai hết. Mà dì bán cũng thong thả lắm, buổi sáng từ 4g đến khoảng 11g, buổi chiều từ 5g cho đến khuya, thì giờ còn lại, dì nghỉ ngơi, đi chợ. Dì buôn bán những không quên nghĩa vụ của mình, hễ ai tới mua bánh mì, dì thường hay làm chứng, và tặng Truyền đạo đơn cho họ. Cũng nhờ đó mà dù chỉ ở nhà, dì cũng làm chứng được cho khá nhiều người. Nhưng đó cũng chưa phải là điều đáng nói, cứ bán được vài ba tháng, dì lại đóng cửa đi “du lịch”. Nói là đi du lịch cho sang chứ thật ra vất vả hơn ở nhà, bởi dì thường du lịch ở các vùng sâu, vùng xa. Mỗi chuyến đi như vậy tốn kém lắm. Số tiền dành dụm được, dì mua gạo, mì chính, dầu ăn, quần áo, sách vở… đem lên tặng cho các gia đinh tín hữu dân tộc khó khăn. Ban đầu không ai để ý, dần dần chính quyền thấy dì đi hoài, họ cũng thắc mắc. Dì trả lời cho họ rõ ràng đây là tiền để dành của dì trong mua bán, dì cũng mời họ xuống nhà chơi để họ thấy thực tế. Khi họ yêu cầu dì giúp luôn cho những đồng bào khó khăn, dì nói sẵn lòng, vì tất cả mọi người đều là con của Chúa mà, chỉ có điều khác nhau là tín hữu biết đường trở về cũng Chúa, còn những người khác thì chưa. Từ đó, dì Năm như trở thành người bạn của họ, hễ có việc dì khó khăn, thì họ cũng nhờ đến dì, mà dì cũng rất hay, hễ làm được điều gì thì dì cũng hết lòng, không ngại ngần gì cả…

Chuyến đi xuống thăm nhà chúng tôi cũng nằm trong hành trình du lịch của dì. Buổi chiều hôm đó, dì và má tôi cùng ra chợ mua thêm một số đồ cần thiết để đem lên giúp anh chị em dân tộc. Những chuyến đầu tiên, dì chỉ có một mình, chứ bây giờ thì thong thả hơn. Đã có nhiều người biết đến công việc của dì, họ không đi được như dì nên thường góp phần, để cùng dì làm từ thiện. Ngay chính nhà tôi cũng vậy, lúc nào cũng có một khoảng dành riêng để góp với dì, không những vậy, ba má tôi còn vận động những người quen, kể cả những người không tin Chúa để có thêm nhiều nguồn lực, chính vì vậy, gia đình tôi, ngoài ý nghĩa tình thân ra, còn là một điểm tiếp trợ cho dì trong công tác từ thiện nữa.

nhathotinlanh

Không những giúp cho các anh chị em tín hữu dân tộc, dì Năm còn giúp cho một số Hội Thánh nữa. Một lần nọ, khi đến thăm Hội Thánh vùng quê, dì thấy nhà thờ được xây dựng mới, khang trang, dì mừng lắm. Tuy nhiên, phía trước nhà thờ là một con kênh lớn, muốn vào nhà thờ phải đi nhờ cây cầu của một ngôi chùa bên cạnh, còn không thì phải đi vào đường hẻm phía sau nhà thờ. Dì buồn lắm, vì nhà thờ là nơi thờ phượng Đức Chúa Trời, Đấng của Sự sáng mà lại phải đi nhờ cây cầu của thế gian… Dì liền mở cuộc vận động quyên góp tiền làm cho nhà thờ một cây cầu.

Trong túi dì lúc đó chỉ có hai triệu rưỡi, nhưng dì mạnh dạn đến nhờ một kỹ sư thiết kế cho một cây cầu. Ông ta hỏi:

  • Chị có bao nhiêu tiền mà đòi làm cầu?

Dì trả lời tỉnh bơ:

  • Hai triệu rưỡi.

Ông ta cười:

  • Hai triệu rưỡi của chị thì chỉ đủ trả tiền bản vẽ thiết kế, lấy đâu mà làm cầu.

Dì trả lời chắc nịch:

  • Nhưng tôi tin chắc vào Đức Chúa Trời của tôi, Ngài sẽ cho tôi đủ tiền để làm.
  • Vậy chắc chị sẽ làm được, bởi tôi thấy chị có vẻ cương quyết.

Và cuối cùng ông ta cũng làm giúp mà không lấy một đồng tiền công nào.

Dì về nhà vận động anh chị em, bà con, mỗi người một ít. Khi trong Hội Thánh có một cô bị ung thư, sắp về nước Chúa, dì đến thăm và kể chuyện cây cầu cho cô ấy nghe. Cô ấy cảm động quá liền dâng hai trăm ngàn đồng, cả gia đình thấy vậy cũng góp thêm. Và rồi không biết dì vận động thế nào mà người ta góp cũng nhiều, thậm chí có một cô ở cùng Hội Thánh dâng đến hai mươi triệu đồng… Thế rồi một năm sau, cây cầu trị giá một trăm bảy mươi triệu đồng của Hội Thánh đã được khánh thành, Mục sư Quản nhiệm mừng quá không biết nói thế nào, chỉ biết cảm tạ Chúa. Từ đó, con dân Chúa không còn phải nhờ vả người khác, đã có thể đàng hoàng trên cây cầu của chính mình mà vào nhà thờ thờ phượng Chúa.

 

Sáng hôm sau, má tôi bảo:

  • Vũ, con chở dì Năm ra bến xe, nhanh lên chớ không thì trễ đó.

Vừa mới chở dì ra khỏi cổng, dì Năm nói:

  • Cái con bé kỳ rày dễ thương lắm Vũ nghe.
  • Bé mô rứa dì?
  • Thì con Hồng Phượng chớ ai.

Thôi rồi, dì Năm yêu dấu của tôi lại bắt đầu “Chương trình mai mối” của mình, còn tôi thì đang phải chở dì, làm sao mà trốn được đây…

 

Vũ Ngọc

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn