Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / truyện ngắn / TÌM CHÂN LÝ

TÌM CHÂN LÝ

TÌM CHÂN LÝ

Tác giả: Đào Văn Hiền

john 14 one way

 

Đã khuya lắm rồi, mà Hoàng vẫn trằn trọc, không sao ngủ được. Ngồi dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh trăng trung tuần tháng năm, to tròn sáng vằng vặc, soi rõ quang cảnh tĩnh mịch của màn đêm. Thỉnh thoảng, lại có những cơn gió xào xạc, khiến cho những ngọn bạch đàn đu đưa theo chiều gió, tạo ra những bóng đổ chập chờn trong khu vườn vắng lặng.

Hai hôm nữa Hoàng sẽ xuống tóc quy y, tháng trước nhà sư trụ trì đã cho về suy nghĩ để đi đến quyết định.

Bỗng dưng, trong lòng Hoàng rạo rực lên nhiều cảm xúc khó tả. Buồn vui, nuối tiếc, đúng sai lẫn lộn, những cảm xúc đó như đang trêu đùa, thách thức sự lựa chọn của Hoàng.

Rồi Hoàng nhủ thầm sau tiếng thở dài vô vọng. Thôi, cuộc đời chẳng khác nào một bóng đêm dài! Chỉ có sự giác ngộ mới sáng tỏ như ánh trăng rằm.

Hoàng nằm xuống, nhìn mặt trăng đang chiếu qua ô cửa sổ, những đám mây trôi lững lờ vô định, bất giác, Hoàng thấy cuộc đời và những quyết định tiếp theo của mình cũng giống như đám mây trôi.

Hoàng thầm nghĩ:

Thiên địa tù mù trời đất âm u

Mặt trăng tròn khuyết khi tỏ khi lu

Thân ta cũng vậy đói khổ lu bù

Lắm khi buồn chán chỉ muốn đi tu

Làm ông sư trọc cuộc đời khỏe ru.

Những lời thơ đó cứ trôi…cứ trôi…trôi sâu vào trong giấc ngủ của Hoàng…

Chợt chuông đồng hồ báo thức kêu. Reng…reng… Hoàng với tay tắt, định lại ngủ tiếp, vì đêm qua thức quá muộn khiến hai mắt vẫn nhíu chặt không muốn mở ra. Nhưng rồi Hoàng nhớ đến cuộc hẹn với anh Hân, sáng hôm nay, sẽ đi nhóm với anh. Hoàng muốn đến nhà thờ để tìm hiểu xem đạo Tin lành mà anh đang theo có gì đặc biệt.

Đúng tám giờ Hoàng đi theo anh Hân đến nhà thờ. Anh ấy nói là nhà thờ, chứ thật ra là tư gia của một người đàn ông khoảng trạc tuổi ngũ tuần. Bước vào trong nhà, có sáu người tráng niên đang ngồi xung quanh chiếc chiếu cói. Anh Hân mời Hoàng ngồi xuống một chỗ còn để trống. Lúc này Hoàng để ý kỹ, một người trẻ nhất, khoảng ba mươi tuổi, hình như không phải là người địa phương, tay cầm quyển sách dày cộp. Sở thích của Hoàng là đọc sách, nên tò mò không biết đó là quyển sách gì?  Người đó đọc một câu trong quyển sách đó làm cho Hoàng nhớ luôn và nhớ mãi. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn.” Hay quá. Hoàng nghĩ thầm, chắc quyển sách này hay lắm đây.

Chợt Hoàng giật thót mình khi nghe thấy tiếng quát to.

“Ngồi im! Giơ tay lên. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Các đồng chí đâu vào làm nhiệm  vụ.”

Ngước lên nhìn, thì ra hai người công an mặt đằng đằng sát khí, đang cố mở tung cánh cửa còn lại. Bên ngoài là sáu người dân quân tay cầm dùi cui trông rất hung hăng.

Tiếng anh công an vừa quát giờ lại vang lên.

“Ở đây ai là truyền đạo trái phép? Hãy bắt hết lại cho tôi.”

Chú chủ nhà bình tĩnh trả lời.

“Ở đây chẳng có ai truyền đạo trái phép cả. Tất cả mọi người đều là bạn của tôi mời tới. Tôi yêu cầu anh hãy lịch sự và biết tôn trọng người khác. Tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm, nếu như tôi phạm pháp. Hãy qua đây làm việc với tôi.”

Vừa nói, chú chủ nhà đưa tay trỏ sang phòng khách, mấy anh công an thấy mình đuối lý nên chỉ biết bước theo chủ nhà.

Anh Hân thấy không cần thiết phải ở lại trong hoàn cảnh này, nên ra hiệu, ai về nhà nấy. Riêng Hoàng và người trẻ tuổi lạ mặt kia thì anh Hân mời về nhà anh. Lúc này Hoàng và người lạ mặt mới có dịp chào hỏi nhau.

Anh ấy chủ động bắt tay Hoàng.

“Chào em. Anh tên là Phong, anh là mục sư ở Miền Nam ra. Việc xảy ra vừa rồi em có sợ không?”

Hoàng trả lời:

“Hơi, hơi. Nhưng vì sau em thấy thái độ vô lý của họ, em lại không thấy sợ nữa.”

Anh Phong tươi cười, thân thiện.

“Hoàng nè. Gặp em trong hoàn cảnh như ngày hôm nay, thật là đặc biệt. Anh nghe nói là em đang có ý định đi tu và anh đã cầu nguyện cho em nhiều tuần nay. Hôm nay hai anh em mình gặp được nhau, chắc chắn không phải là tình cờ, mà là Chúa đã sắp đặt để em được nghe về tình yêu của Đức Chúa Trời.”

Hoàng hơi ngạc nhiên và cảm thấy quý mến, khi nghe anh gọi tên mình, và còn nói đã cầu nguyện cho mình nữa.

“Em cảm ơn về sự quan tâm của anh, em cũng muốn được nghe về đạo lý mà các anh đang theo, hôm nay gặp được anh đúng là. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.”

Họ cùng nhau tươi cười vui vẻ. Rồi anh Phong nói:

“Đạo lý mà các anh đang theo là tôn thờ Đức Chúa Trời hay người Việt Nam mình còn gọi là Ông Trời em ạ. Hết thảy mọi người ở trên thế gian này. Ăn của Trời, thở không khí của Trời, lâm nguy tuyệt vọng kêu Trời, chết chầu Trời, mà lại không thờ Trời đó gọi là tội!”

“Em nghĩ, Đức Chúa Trời chẳng qua là do tôn giáo của anh tưởng tượng ra và thần thánh hóa nên thôi, chứ ai đã nhìn thấy Ông Trời?”

“Không nhìn thấy không có nghĩa là không có. Em có nhìn thấy tình yêu không? Có ai nhìn thấy không khí màu gì, dài ngắn bao nhiêu, cân nặng thế nào không? Đức Chúa Trời là  thần linh không phải là hữu thể vật chất, mà cũng không bị vật chất giới hạn. Con người sinh ra với niềm tin phổ quát, không một bộ lạc, dân tộc nào thiếu niềm tin này từ xưa đến nay, cho dù người văn minh đến người bình dân cũng thường nói. “Trời nắng, trời mưa. Trời cho không thấy, trời lấy không hay. Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Thiên sinh vạn vật duy nhân tối linh”. Chứ không ai nói ông giáo chủ này, hoặc ông giáo chủ kia làm mưa làm nắng. Cũng không ai nhìn vào nhà năm tầng hoặc nhìn vào xe hơi, máy bay, đồng hồ rồi nói. Những cái này tự nhiên mà có. Những cái đó đều có một nguyên nhân của nó, là người kiến trúc sư, kỹ sư tài ba khôn ngoan lỗi lạc mới sáng chế ra được. Cũng vậy nhìn vào vũ trụ bao la mà lại được sắp đặt một cách trật tự hài hòa, vận chuyển có trình tự tuyệt vời để đạt được mục đích tốt đẹp như đã có ngày nay. Chúng ta tin rằng đằng sau sự tiến triển đó, phải có một Đấng quyền năng khôn ngoan tuyệt đối, mới có thể tạo dựng và điều khiển vũ trụ này.”

Hoàng vốn là người ham thích tìm hiểu về tín ngưỡng nên “ăn nuốt” được từng lời từng chữ, Hoàng thích thú vì lần đầu tiên được nghe về Đức Chúa Trời như vậy, nhưng vẫn tỏ vẻ lý luận.

“Anh nói rất hay. Nhưng rốt cuộc Ông Trời vẫn chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, còn Đức Phật Thích Ca mới là Đấng có thật hiện hữu trên thế giới này.”

Anh Phong lấy quyển sách trong túi ra, Hoàng nhìn thấy rất mừng vì đang thắc mắc không biết là quyển sách gì? Thì anh Phong đã nói.

“Đây là quyển Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời vì những lời tiên tri trong quyển sách này đều đã được ứng nghiệm.”

Vừa mở quyển sách ra anh vừa nói.

“Trong sách Ê-sai đoạn bẩy, câu mười bốn có nói. “Vậy nên chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai và sanh một con trai. Rồi người ta sẽ đặt tên cho con trai ấy là Em-ma-mu-en”,  khoảng bẩy trăm năm sau lời tiên tri đó đã đã được ứng nghiệm. Khi Chúa Jesus giáng sinh một thiên sứ của Chúa đã loan báo.

“Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai,
Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên;

nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.”

Đức Chúa Jesus chính là Ông Trời trở thành người, Kinh thánh cho biết. “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết; Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người.” Đức Chúa Jesus Ngài là thần nhân tuyệt đối em ạ.”

Hoàng vô cùng thích quyển sách đó, vì nói đến đâu anh Phong lại mở quyển sách ra để minh chứng. Hoàng hỏi:

“Vậy Chúa Jesus có thật trong lịch sử à?”

“Chúa Jesus chẳng những là có thật trong lịch sử, mà còn là trung tâm của lịch sử, con người không có ai tương tự. Sự giáng sinh của Chúa là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhân loại, để xác định biến cố của lịch sử, thì người ta phải căn cứ trên năm sinh của Chúa. Trước Chúa là trước công nguyên, sau Chúa là sau công nguyên.

Các vĩ nhân giáo chủ dù tài ba minh triết đến đâu cũng đối diện với vòng luẩn quẩn “sinh lão bệnh tử”. Riêng Chúa Jesus Ngài là Đấng tạo dựng vũ trụ hạ mình xuống làm con người, Ngài chịu chết thay cho tội lỗi của con người, Ngài phục sinh sống lại từ kẻ chết để bảo đảm ai tin theo Ngài cũng sẽ được sự sống đời đời.”

Nghe mục sư Phong nói về Chúa. Hoàng như được mở mang đầu óc, vì đây là điều rất mới lạ, và lần đầu tiên Hoàng được nghe đến. Vẫn còn nhiều thắc mắc và rất muốn nghe thêm nên Hoàng nói.

“Em xin lỗi, vì em vẫn còn nhiều thắc mắc, nên anh có thể vui lòng cho em biết đạo của anh, quan điểm thế nào về con người, kiếp luân hồi và sự sống?”

Anh Phong vui vẻ trả lời:

“Con người là tạo vật ưu mỹ trong công trình sáng tạo của Thượng Đế, con người được Chúa dựng lên giống hình ảnh Ngài qua ba phương diện.

1, Giống vị cách: Con người có lý trí, tình cảm, ý chí. Còn loài vật thì không có khả năng suy tưởng và bày vẽ kế hoạch như con người. Thi thiên đoạn ba hai, câu chín: “Chớ như con ngựa và con la, là vật vô tri.”

2, Giống về lòng đạo đức: Con người có lương tâm hướng về điều công bình, lương tâm con người là tiếng nói bên trong, thúc giục, khi ta làm điều ngay thẳng, hay lên án khi ta làm điều sai trái. Có câu: “Hùm giết người hùm ngủ, người giết người thức đủ năm canh”.

3, Giống về linh hồn bất diệt: Không ai gọi con vật là qua đời, hay từ trần. Vì con vật chết là hết! “Không có chuyện luân hồi, chuyển kiếp!” Còn loài người có linh hồn bất diệt nên khi chết người ta gọi là qua đời, từ trần, băng hà hay về quê cảnh. Có câu: “Sinh ký tử quy” ( đời người một cảnh hai quê, sống gửi trần gian thác lại về. Trần gian là cảnh, thiên đàng là quê.) Vì loài người tin đến đời sau có thưởng có phạt nên mới tìm đến tôn giáo. Truyền đạo đoạn mười hai, câu bảy: “và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.”

Con người có linh hồn bất diệt nên mới có tín ngưỡng, mới có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh.”

“Xin lỗi anh, em thắc mắc, là nếu Chúa đã tạo nên con người, giống Ngài thì sao con người lại phải đau khổ, bệnh tật? Khi Đức Phật ngộ ra chân lý “đời là bể khổ” để giải thoát con người khỏi bể khổ. Ngài dạy phải tu hành, phải diệt dục.” Còn Chúa thì dạy thế nào để thoát khỏi bể khổ?”

“Ngày nay con người bất an, đau khổ là do con người phạm tội với Trời “Sống thì nhờ Trời mà lại không thờ Trời.” Đó là tội! Rô-ma đoạn ba, câu hai ba. “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Rô-ma đoạn sáu, câu hai ba. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.”

Con người không thể tự cứu mình, dù cố gắng tu trì, ăn chay, làm lành lánh dữ… Sự công bình của con người cũng chỉ như chiếc áo nhớp trước mặt Đức Chúa Trời. Ví như: “Một cốc nước múc dưới giếng lên, với mắt thường ta trông rất trong và sạch, nhưng khi nhìn qua kính hiểm vi điện tử. Thì cốc nước ấy đầy những vi trùng, cáu bẩn. Cũng vậy trước cái nhìn của con người là công bình, nhưng trước cái nhìn tuyệt đối thánh khiết của Thượng Đế, là Đấng nhìn thấy nơi sâu thẳm nơi lòng người, thì ta chỉ là một tội nhân gớm ghiếc.

Ngày nay có nhiều tôn giáo, nhưng thực sự chỉ có hai con đường.

1, Các tôn giáo dạy làm lành, lánh dữ, tự thắp đuốc mà đi, tự giải thoát. “Làm lành để được cứu”.

2, Đạo Chúa thì ngược lại. “Được cứu để làm lành”. Nếu làm lành để được cứu thì làm cho đến khi nào, tu nhân tích đức của hiện tại, làm sao chuộc được lỗi trong quá khứ? Ngày nay có nhiều người ý thức được sự dạy dỗ để làm lành lánh dữ, nhưng với bản chất yếu đuối của con người, không thể đạt đến “chân thiện mỹ” như mong muốn. Đức Phật có dạy: “nhất niệm sân si khởi năng thiêu thiên vạn công đức chi lâm” ( một ý nghĩ sân si hiện lên có khả năng thiêu cháy cả ngàn vạn rừng công đức). Có ai dám khẳng định cuộc đời mình hoàn toàn không hề có những giây phút sân si. Vậy lời dạy trên áp dụng trong thực tế thì sẽ thế nào? Chắc chắn con người sẽ không bao giờ được cứu, nếu cậy vào công đức riêng. Cho nên chủ trương dạy dỗ làm lành lánh dữ chẳng khác nào. “Bệnh nhân được bác sĩ khám, mà không cho thuốc chữa.” Còn Chúa Jesus biết được tình trạng vô phương tự cứu của con người, nên Ngài đã đến “Tìm và cứu kẻ hư mất.” Chúa Jesus phán: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.” Chúa đang đứng ở cửa lòng em, Ngài muốn bước vào ngai lòng em, tha tội cho em, và làm Cứu Chúa của cuộc đời em. Em có bằng lòng không?”

Hoàng trả lời:

“Em bằng lòng.”

“Vậy, bây giờ em hãy nhắm mắt lại, để tỏ lòng tôn kính và không bị phân tâm trong lúc cầu nguyện. Đây là lần đầu tiên em chưa quen cầu nguyện. Anh sẽ hướng dẫn từng câu ,em lặp lại lời cầu nguyện của anh. Với đức tin thì lời cầu nguyện đó Chúa sẽ nghe, vì Ngài ở khắp mọi nơi, Ngài thấy mọi điều. Em lặp lại lời anh nhé!”

“Vâng.”

“Kính lạy Chúa Jesus con cần đến Ngài. Con tin Ngài đã chết thay tội lỗi của con, con bằng lòng nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời con. Xin Chúa ngự vào đời sống con, tha thứ tội lỗi cho con, và biến đổi con trở nên đẹp lòng Ngài. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện. Trong Danh Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế Amen.

Chúc mừng em, qua lời cầu nguyện vừa rồi. Em đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Kể từ hôm nay em đã trở thành một thành viên, trong đại gia đình của nhà Chúa.”

Hoàng đứng lên nói:

“Em cảm ơn anh, đã mất thời gian để nói cho em nghe về Chúa. Nếu ngày hôm nay em không gặp được anh, thì chắc chắn em sẽ không bao giờ đi tìm được chân lý sự sống. Từ nay em sẽ không sống vô nghĩa, không cậy vào sức riêng. Mà em xin dâng cuộc đời này cho Chúa, xin Chúa nhận và sử dụng em theo ý muốn của Ngài.”

 

 

ĐÀO VĂN HIỀN

Hải Phòng   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn