Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / KẾT THÚC MỘT BI KỊCH

KẾT THÚC MỘT BI KỊCH

ket thuc

– Hiện thời trái tim ta đang rất đau.

– Nhưng rất đau là như thế nào?

– Là cái mức độ không phải tầm thường giản đơn, không thể lơ mơ hay lờ được.

– Hẳn là rất nghiêm túc?

– Phải… Nghiêm túc đến mức dây thần kinh phải luôn tỉnh táo và không phút nào có thể xao lãng.

– Nghe có vẻ là một vấn đề trầm trọng nghị sự xiết bao?

– Ấy thế mà có ai cho là quan trọng đâu?

– Vì sao vậy?

– Vì nó là cảm giác của riêng mình ta, người khác chẳng cách chi lưu tâm nếu không đang cảm nhận.

– Chẳng phải những con người kia cũng đang trải qua lắm sự hay sao?

– Nhưng hẳn những sự đó lại chẳng hề giống ta. Thực là vậy, nếu có chỉ là tương tự thôi.

– Ấy thế chẳng lẽ không cách chi hiểu rõ?

– Không cách chi. Nhưng cũng chưa hẳn vô phương. Như ta nói đó, chỉ là tương tự thôi. Mà đôi khi tương tự cũng đủ tương giao rồi, không hẳn đã cần giống nhau.

– Vậy hãy chỉ tôi cách để trở nên tương tự?

– Một kẻ không có cảm xúc như ngươi hoặc giả đã có mà không biết cách nuôi dưỡng để nó chết khô chết héo mất rồi thì làm sao mà cảm nhận được gì?

– Vậy cái sự tương tự đó cũng cần có điều kiện?

– Hẳn rồi. Không có chi ở thế gian này mà không cần điều kiện. Vì có vô vàn những sự thể cách ngăn nên cũng sinh ra lắm điều kiện rầy rà.

– Nhưng tôi không quan tâm. Tôi không muốn bỏ cuộc.

– Hiếm có kẻ nào ở đây lại có thể cố gắng đến thế dù chẳng có chút nào điều kiện như ngươi. Vì cái sự nhiệt tình ấy, ta sẽ nỗ lực mà mô phỏng cho ngươi. Lấy cái cụ thể mà diễn đạt về trừu tượng. Lấy nỗi thực tế mà áp đặt cho mộng mơ. Dù thế nào cũng thật là khập khiễng, so le…

– Làm được điều đó hẳn rất khó khăn?

– Bởi thế giới này cái sự trống rỗng về cảm xúc cũng nhiều, và đầy ra đó những điều nhập nhằng không phân biệt nổi nên cách này cũng chẳng khó chi đâu. Để ta làm ngươi coi… Cái mảnh giấy này cứ xem như trái tim ta, hẳn nhiên trái tim ta không mỏng le mỏng lét và trắng muốt thế này. Sau khi cắt một đường từ ngoài vào ngay chính giữa tờ giấy, cái vết cắt đó hệt như nỗi đau trong trái tim này.

– Vậy là chẳng thể dùng được nữa?

– Trái tim hay tờ giấy?

– Cả hai.

– Sai rồi. Chưa đến mức trầm trọng nguy khốn cỡ đấy. Nếu chỉ nghĩ đến khía cạnh hữu dụng nhất của tờ giấy là để cái gì đó lưu lại thì vẫn còn dùng được chán. Cái đường cắt chỉ như sợi tóc mỏng chẳng ảnh hưởng chi nhiều nếu ta tiếp tục ghi chép xung quanh.

– Hiểu rồi. Rất đau là như thế. Cũng không chứa đựng lắm nguy cơ.

– Lại sai rồi. Ấy là khi ta đặt mảnh giấy xuống nó mới khít lại vẹn nguyên như thế. Nhưng tim ta lúc nào cũng được treo lên và đập thình thịch mỗi ngày như mảnh giấy này treo ra phất phơ trước gió.

– Ấy vậy có khi nào sẽ rách thêm không?

– Hẳn rồi. Chứa đựng vô vàn những nỗi nguy cơ. Một cơn gió mạnh hay một lực nào đó cố tình tác động sẽ theo đường cắt mà rách toạc cả ra. Chỉ mới một đường cắt mà sức chịu đựng của tờ giấy đã kém đi nhiều.

– Thế anh phải cố giữ gìn, đừng đem ra nơi nhiều gió…

– Nhưng trái tim này vốn không chỉ có một mà nhiều hơn một những nỗi niềm đau.

– Thế thì thật là nguy hiểm?

– Rõ rồi. Càng nhiều vết cắt thì càng dễ dàng rách mất. Có khi chỉ là những mẩu be bé nhưng có khi lại là cả một khoảng rộng lớn nếu vết cắt ấy sâu như thế này…

– Vậy tim anh đã mất bao nhiêu rồi?

– Ta làm sao thấy được nhưng cảm nhận là đã không còn nguyên vẹn bảnh bao.

– Và vẫn còn lắm mối nguy cơ?

– Hẳn rồi. Không cách nào tránh khỏi sẽ mất mát nhiều thêm.

– Vậy hậu quả là gì nếu nó chỉ còn lại bé như đầu móng tay?

– Là vô cảm. Hoặc gần như vô cảm.

– Thế thì tai hại quá.

– Chỉ cần đừng để cho nó trở nên bé xíu như thế.

– Anh có cách giữ gìn?

– Chẳng phải dán nó lại sẽ ổn cả sao?

– Thật là sẽ ổn luôn luôn?

– Chắp vá chỉ tạm thời làm sao sánh nổi lúc vẹn nguyên. Nhưng chẳng phải thế gian này mọi sự cũng tạm bợ cả sao?

– Lẽ nào không thể chữa lành hoặc thay mới như xưa?

– Ta không biết…”

Vở kịch hạ màn…  Phân cảnh cuối kết thúc với một câu hỏi được nêu ra mà chẳng có lời giải đáp rơi vào lòng khán giả những nỗi niềm cảm xúc hoang mang. Câu chuyện về chàng văn sĩ tài hoa cả đời đi kiếm mong tìm thấy được một niềm chân lý, một nỗi vui đích thực trong đời đã kết thúc như thế – trong chiều tà ở một bệnh viện tâm thần với những bâng quơ tự vấn chính mình của chứng hoang tưởng triền miên. Rất nhiều người đã khóc không biết vì bi thương cho nhân vật hay vì một nỗi sầu nào khác. Vị đạo diễn kiêm tác giả của vở kịch này tỏ ra rất vui mừng vì thành công của nó. Tên tuổi ông ngày càng trở nên nổi tiếng hơn sau mỗi suất diễn cháy vé, và trong nhiều chương trình giao lưu, nghệ thuật các nhà đài dĩ nhiên muốn dành vị trí khách mời cho nhân vật đang có những ảnh hưởng đến cộng đồng như ông. Tại trường quay của một buổi giao lưu trực tiếp, khán giả tỏ ra rất thán phục trước những câu trả lời đầy thuyết phục và sâu sắc của ông khi đối đáp với các câu hỏi hóc búa được lựa chọn kỹ lưỡng từ người dẫn chương trình. Đến gần cuối buổi, số lượng câu hỏi gửi đến ông vẫn chưa dừng lại và không khí tại đây cũng chẳng có dấu hiệu hạ nhiệt chút nào. Chàng MC tiếp tục đọc thêm một câu hỏi nữa:

– Thưa đạo diễn, nếu trong vai chàng văn sĩ ấy, anh sẽ trả lời như thế nào cho câu hỏi cuối vở kịch?

– Nếu có câu trả lời, nếu có một giải pháp thì sẽ không còn là bi kịch nữa. Bi kịch là nỗi bi thương dựng nên từ những bất lực của con người.

– Vậy là chẳng có giải pháp nào để chữa lành nỗi đau? – Chàng MC gật gù tiếp lời.

– Vâng, vì tâm hồn con người quá yếu đuối nên nỗi đau chẳng đủ sức mà lành, cứ rách toạc ra sau mỗi bất lực trong đời. – Vị đạo diễn ra chiều đăm chiêu phiền muộn – Những tấn bi kịch xưa nay đều hay kết thúc bởi cái chết, nhưng tôi cảm thấy cái việc sống không tìm ra mục đích hay lối thoát cho những nỗi đau còn bi kịch hơn là cái chết.

– Hẳn là thế… Xin cảm ơn đạo diễn rất nhiều vì đã dành thời gian đến đây và giao lưu cùng với chúng ta trong chương trình này. Chúc anh luôn thành công trong mọi việc. – Khi tín hiệu hết giờ vang lên, chàng MC đã kịp kết thúc vấn đề trước khi nói lời cảm ơn đến vị đạo diễn nổi tiếng trong tràng pháo tay rộn rã của khán đài.

Sau buổi trò chuyện, vị đạo diễn tự nhủ có lẽ nên nghỉ ngơi một thời gian, và ngay trong tối hôm ấy ông đã quyết định lái xe về nhà. Kể từ lúc có ý tưởng và bắt đầu dàn dựng vở kịch này, ông đã không về nhà suốt mấy tháng nay mà ở lại hẳn công ty với ê kíp của mình. Bây giờ vở kịch tâm huyết đó của ông đã thành công như mong đợi và ông đang rất háo hức được trở về lại mái ấm của mình, trong vòng tay chào đón của người vợ hiền và ánh mắt thán phục từ cô con gái nhỏ. Con gái ông năm nay cũng sẽ thi tuyển vào trường Sân khấu Điện ảnh với sự kỳ vọng lớn lao của cả gia đình là tiếp tục nối nghiệp ông. Lúc đầu ông định gọi điện về nhà sau một thời gian dài ngừng mọi liên lạc để tập trung cho công việc, nhưng sau đó ông nghĩ có lẽ sự trở về bất ngờ sẽ khiến mọi người vui mừng hơn…

Chiếc xe lăn bánh đến trước cổng nhà, tuy đã gần nửa đêm nhưng ông thấy đèn trong nhà vẫn sáng. Một niềm phấn khích xen lẫn hồi hộp dâng lên, ông hành động như một kẻ trộm, khẽ khàng mở cửa và lái xe vào. Cửa cổng không khóa đã khiến ông hơi ngạc nhiên, nhưng ông chẳng kịp suy nghĩ nhiều, vội vã rời xe chạy thẳng về phía ngôi nhà. Cánh cửa rộng mở như đón tiếp ông trở về, nhưng cái không khí yên ắng đến khó thở đánh mạnh vào tâm trí ông một nỗi hoang mang ngây dại. Họ đâu rồi? Vợ và con gái ông? Chẳng thể thể giữ nổi bình tĩnh, vị đạo diễn nhanh chóng cởi bỏ chiếc áo vest lịch lãm đang khoác trên người, khẩn trương nới lỏng dây cà vạt đang thắt chặt trên cổ mà lấy hơi cất tiếng gọi to. Những cái tên trong thảng thốt phát ra nhưng đáp lại chỉ là mênh mang tĩnh lặng. Ông chạy lên lầu nơi phòng riêng của con gái. Cửa mở. Gian phòng vẫn trắng tinh khôi nhưng ngổn ngang rối mắt. Chiếc ghế thiếu ngay ngắn nằm chổng chơ mất thẩm mỹ giữa sàn. Đâu đó vang lên những âm thanh thổn thức như một bản nhạc cầu hồn. “Hẳn là ta đã quá mệt” – Ông lẩm nhẩm tự trấn an chính mình. Nhắm chặt mắt và lắc đầu mong thoát khỏi cơn mê, ông cảm thấy trên thân mình trĩu nặng bởi một lực ôm siết mạnh với tiếng khóc vang dội ngay trên bờ ngực. Một lần nữa ông mở to mắt để tìm kiếm lại những nét yên bình của khung cảnh xưa. Và rồi ông nhìn thấy một sợi dây dù lửng lơ trong không khí với hình ảnh người con gái nhỏ xanh xao, tím tái nằm trên giường đang giương cặp mắt vô hồn nhìn ông. Những tiếng chân dồn dập xen lẫn trong tiếng la hét khẩn trương từ đâu ập đến. Ông lảo đảo dựa người vào cạnh bàn. Rất đông những kẻ lạ mặt chưa từng gặp qua đang làm náo động giấc mơ ông, cơ hồ như là… hiện thực? Họ đến để mang con gái ông đi đâu đó. Trước khi ông kịp có bất cứ phản ứng gì thì bỗng đâu một dòng chữ đen xinh đẹp hiện ra nơi đáy mắt: “… Cha nói rằng đời có nhiều bi kịch, luẩn quẩn mãi chỉ thấy những niềm đau. Nhưng lần này con không thể gắng gượng thêm nữa. Nếu quả thật chẳng có cách nào để chữa lành đau đớn, phải sống trong ám ảnh lẫn hoang mang trọn kiếp, thì đúng như cha nói còn bi kịch hơn cả cái chết. Con hi vọng cha mẹ sẽ hiểu cho lựa chọn của con…” Tờ giấy rơi, thân hình ngã xuống, ông cảm thấy mình có lẽ đã nhập tâm hơi quá. Sau phân cảnh này hẳn là phải được nghỉ ngơi…

Nhiều năm sau tại một nhà thờ Tin lành nhỏ, trong buổi tập dợt dành cho ngày lễ Phục Sinh sắp tới, người ta thấy một người đàn ông lớn tuổi đang rất nỗ lực chỉ dẫn cho các bạn trẻ thanh niên dàn dựng đội hình để tập văn nghệ và đóng kịch theo một cách khá chuyên nghiệp và bài bản. Hẳn là thế rồi, bởi ông vốn từng là một đạo diễn kiêm biên kịch sân khấu nổi tiếng nhiều năm về trước. Ngày đó thân nhân, bạn bè, báo giới lẫn những người hâm mộ đều rất ngạc nhiên khi ông đột ngột bỏ nghề. Đã có rất nhiều tin tức, lời đồn lan ra khi người ta biết về cái chết của con gái ông và những tấm ảnh chụp lúc ông đang điều trị tại một bệnh viện tâm thần. Nhưng chẳng bao lâu sau, tất cả dần chìm vào quên lãng như cái danh tiếng hư ảo thuở nào. Bây giờ người ta chỉ biết ông đang là chủ của một cửa tiệm văn phòng phẩm Cơ đốc nho nhỏ nằm trong con hẻm kế bên nhà thờ. Sau buổi diển tập, khi mọi người lần lượt ra về, ông vẫn còn nán lại, ghi chép và viết lách những điều gì đó trong cuốn sổ tay. Con gái của vị Mục sư quản nhiệm nhà thờ thấy ông chưa về, như mọi lần đều chạy vào rót thêm nước ra mời ông.

– Ngồi đây với chú một lát được không? – Ông chợt ngẩng lên mỉm cười nói với cô gái khi cô đặt ly nước xuống và định quay gót bước đi.

– Dạ vâng. – Cô hơi giật mình liền ngồi xuống trước mặt ông. – Chú muốn con giúp gì ạ?

– Không… – Ông đáp với ánh mắt nhìn lặng lẽ phía xa xăm. – Con gái chú nếu còn sống cũng tầm tuổi này như cháu. Chú thấy cháu thật dễ thương và luôn biết quan tâm đến mọi người.

– Dạ. Cám ơn chú… Có gì đâu ạ… – Trước lời khen đột ngột, cô bẽn lẽn đưa tay gãi đầu.

– Nó cũng khá nhanh nhẩu và hoạt bát, nhưng khác xa cháu rất nhiều… Dường như cứ mỗi ngày lớn lên, ánh sáng tin yêu và niềm hy vọng cứ lụi tàn dần trong mắt nó. Ấy vậy mà chú có bao giờ nhận ra. Cũng tăm tối chẳng khác chi nó. Lấy kiến thức nông cạn với tầm nhìn hẹp hòi mà dạy dỗ nó. Nó tin chú, và ngày đó chú cũng tin rằng mình am hiểu biết bao nhiêu sự đời, mặc nhiên kiêu ngạo mà đưa ra kết luận cho mọi vấn đề. Để rồi cuối cùng khiến nó trở nên quẫn trí, bức nó chết đi khi nghĩ rằng không còn lối thoát cho đau thương của chính mình… Nếu mà không có cha cháu dùng lời Chúa đưa chú và gia đình chú thoát khỏi vực sâu ấy, hướng dẫn chú nhận ra Chúa và sống bình an trong tình yêu thương của Ngài, thì có lẽ chú vẫn sẽ còn điên loạn cả đời. – Ông mỉm cười khẽ khàng chia sẻ.

– … – Cô tuy đã biết đôi nét về hoàn cảnh ông từ cha mình nhưng hôm nay được nghe chính ông kể lại đã khiến cô chợt nghẹn ngào chẳng thể thốt nên lời.

– Chú đã có ý định viết lại cái kết cho vở bi kịch ấy, cũng khá lâu rồi… nhưng mãi đến tận hôm nay mới hoàn thành xong. Cháu có muốn xem thử không? – Ông vui vẻ chìa cuốn sổ tay ra trước cặp mắt đỏ hoe của cô gái.

Cô nhận lấy, khẽ dụi mắt rồi chăm chú đọc… Giá như ngày đó ông viết nó sớm hơn…

Có những điều người ta tưởng rằng chân lý lại hóa ra là nẻo tuyệt vọng trong đời…

Nếu thế gian ai ai cũng có Chúa trong tim và bước đi theo đường lối của Ngài thì những hối tiếc sẽ chẳng bao giờ tồn tại…

Đời người có bao lâu và mấy sức mà mò mẫm tìm đường trong bóng tối để rồi cuối cùng nhận ra mình đã đi vào ngõ cụt chẳng lối ra…

Xin hãy trân trọng cơ hội nhận biết Chúa, và cầu xin Chúa giữ gìn để luôn được tỉnh táo trong đời…

VÂN PHONG   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn