Chuyện trò trong đêm
Hương Biển
Trong tình thế ngồi vòng tay bó gối, tôi hoàn toàn thư thái với tấm chiếu trải trên lớp gạch tàu hoen ố. Men theo ánh đèn hắt ra cửa cái, tầm mắt tôi đáp vào đêm sâu hun hút và giữa bốn bề tối tăm, ngôi nhà của anh chị họ tôi mới lẻ loi làm sao. Không nhiều vật dụng cho lắm. Hai cửa sổ, một cửa ra vào, một cửa nữa nối với nhà kho, cái giường lớn kê một góc, đuôi giường trạng chén bát luộm thuộm, bàn thờ ông bà đặt trên cao, vài cây cuốc, bao bì nằm lăn lóc và cái ti vi hai mươi mốt inches im re một xó.
“Hè này về chơi nhé Hoàng, mấy cháu cứ mong cậu mãi”, năm nào anh họ cũng mời tôi về thăm quê. Ở anh, ở gia đình anh và ở xứ sở nhỏ bé ấy có gì đó luôn khiến tim tôi rạo rực khó tả. Khi hiểu ra, hồn quê đã tóm gọn hồn phố từ lâu.
Tôi sống ở quê nội hồi nhỏ, bảy tuổi vào Nam với cha mẹ. Năm tháng ấu thơ là dòng suối ký ức vui khoan khoái và rất đỗi bình dị. Những ngày lạnh ăn nem chua khoe áo ấm, gốc na sù sì, con mương nối hai thôn trong vắt, cháo lươn hay cá rô đồng nướng rơm… như bong bóng thổi căng dần theo tuổi tác. Hè này, sẵn mới thất nghiệp, tôi về quê luôn. Như một thói quen, tôi chạy xe ra cây ATM dốc cạn từng đồng trong tài khoản ra tiền mặt, mua vé tàu, vài gói quà bánh, balô nhét ba bốn bộ quần áo, tạm biệt gia đình, và lên đường. Những lần trước, tôi chọn xe giường nằm vì xe đến tận làng và rẻ, nhưng hôm bữa xem “60s” chiếu tông xe thê thảm, đâm sợ. Đành đi tàu hỏa, cho chắc chắn.
Hai ngày một đêm qua giam mình trên tàu, tôi phờ phạc hơn hẳn. Ngồi ghế cứng như ngồi trên đá tảng, đau lưng chết được. Đồ đạc của khách treo lỉnh kỉnh trên đầu, xếp cả dưới gầm ghế. Để tiết kiệm tiền ăn, tôi mang theo giò chả, mấy chai nước suối và bánh mì. Ban ngày tôi ngồi tán phét với đôi vợ chồng mới cưới và một bà cô bốn mươi ba tuổi, hết chuyện quay sang ngắm cảnh; đêm đến lót tấm chiếu mua ở ga đi chui xuống sàn để ngủ. Nhà vệ sinh mỗi lần vào, rung lắc theo một trình tự khó lường. Tàu đi qua rất nhiều vùng đất hoang vu. Trăm mái nhà ngang, hàng lô dừa đủng đỉnh, ngàn ngàn vườn thanh long, dăm đôi dê núi lần lượt hiện ra rồi lặng lẽ khuất đi. Khi qua Nha Trang, tôi nghe hương biển phả vào mặt, len lỏi vào những ngõ ngách sâu kín của từng tâm hồn người. Có khi tàu trốn trong những khe núi tối om, tiếng đá vọng lại tiếng tàu xình xịch. Lại có khi động cơ xả khói lướt qua những khu rừng um tùm, tôi ló đầu qua cửa sổ, tưởng cây lá rất gần mà có bao giờ chạm được.
Nói về anh chị họ tôi thì có kể mãi cũng không hết. Thời mới cưới anh chị lăn lộn trong Nam. Dành giụm được một số vốn, hai người về quê lập nghiệp. Cách đây độ năm năm, trên xã có mở thầu mướn bảy mẫu ruộng trong năm mươi năm. Anh chị may mắn thắng. Ngẫm thấy trồng lúa không phí quá, hai người gom tiền dựng cái trang trại theo mẫu VAC. Ngôi nhà đang che chở cho tôi anh chị xây để tiện trông coi trang trại, còn một nhà cấp bốn trong làng dành cho mấy đứa nhỏ ăn ở và học hành. Anh chị rất hào sảng, lần nào cũng trích cho tôi chục lít rượu nếp cái mang về gọi là quà biếu cậu em. Cả vợ và chồng phơi thân dưới nắng cả ngày, người đen thui thủi, vậy mà nụ cười rôm rả chưa khi nào thôi tắt trên môi.
Tôi vẫn ngồi một mình và trầm ngâm. Ít tức giận trong tôi trút lên màn đêm vì dám giấu nhẹm đi vẻ đẹp của quê hương mình vào những vì sao lấp lánh. Giá như mặt trời lúc này có thể vươn đôi cánh đẩy lùi vầng trăng, sương đêm nhường chỗ cho những tia ban mai rực rỡ thì cánh đồng sẽ hiện lên thật nguy nga. Tựa một biển vàng, lúa đang vào mùa thu hoạch, thật vậy, một biển vàng lai láng. Sáng, sớm thật sớm tôi đã thấy những bác, những cô nông dân đi chân không, mặc áo dài tay cầm liềm gặt lúa, gánh thành một núi to. Đâu đó có tiếng gà gáy vang lên trong xóm. Gió khẽ rì rào qua những chùm hoa bưởi thơm ngát. Bát chè giờ giải lao do ai khéo pha, bớt đi nhiều phần đắng, cay. Chiều buông, trâu được dắt về chuồng, vịt lùa vào tổ, chó sủa inh tai. Con đường trải bê tông băng giữa đồng in đầy những dấu chân bết bùn lục tục ra về. Họ, những người trân quý lao động, trả lại con cá cho mương đồng và nắng gió cho hoàng hôn. Người trẻ hầu hết đã lên thành phố nhưng đêm đến, tôi vẫn thấy trai gái nhờ trăng gầy dẫn lối sánh bước vui thanh bình bên con đường mòn quen thuộc. Con người ta hôm nay mới vui làm sao, tươi tắn làm sao. Tận sâu trong bản thể, tôi biết một phần mình đã thuộc về nơi đây.
Không như trong Nam đang mùa mưa, hè ở đây nóng đổ lửa. Tôi ra ngoài hè ngồi cho đỡ bí. Anh chị tôi cơm nước xong đã vào làng lo việc. Con cháu, con gái đầu của anh chị, sau khi rửa chén xong cầm hai chai Sting ra chỗ tôi. Con nhỏ tên Nhung, đang học cấp ba trên thị trấn, người thon nhỏ, tính trẻ con, nói chuyện thì tưng tửng, ấy vậy hai cậu cháu trò chuyện lại rất hợp.
– Cậu uống đi! – Nhung đưa một chai nước ngọt cho tôi.
– Ừ – Tôi hớp một ngụm rồi đặt xuống.
– Ông bà với cậu Huy trong đó khỏe chứ cậu?
– Khỏe như voi. Mẹ tao còn tăng mấy kí nữa kìa.
– Năm nay nhìn cậu gầy ơi là gầy. – Nó nắm cánh tay tôi. – Bắp tay nè, xương không.
– Đói ăn, thức khuya, hút thuốc mà.
– Ặc. Cậu xạo quá. Ông bà có bao giờ để cậu thiếu ăn, cậu lười ăn thì có. Cháu nói thật, cậu bỏ thuốc lá đi. Bác G. kìa, mới ba mươi bảy tuổi đã bị ung thư, giờ nằm chờ chết. Mấy anh hút thuốc dù có đẹp trai cỡ nào cháu cũng “say goodbye”. Cậu bỏ thuốc được là ngon lành liền.
– Tao cũng muốn lắm chớ, mà khó quá. Tập thì dễ chứ bỏ thì hơi gay. Giờ không có điếu thuốc tay chân tao cứ thấy khó chịu, uể oải.
Một con vịt xổng chuồng chạy quạc quạc qua đám gà thả vườn. Cháu Nhung thấy, vội bỏ chai nước chạy ra bắt lại.
– Có cần cậu giúp không? – Tôi hỏi.
– Thôi khỏi, cậu!
Tôi ngồi im chỗ, uống thêm chút nước, bẻ tăm xỉa răng, dõi theo bóng con cháu.
Con bé quả con nhà nòi. Mảnh vườn mờ ảo nhờ chút ánh sáng yếu ớt hắt ra từ trong nhà, vậy mà với con bé không khác gì ban ngày. Nó tách đám gà ra một góc, dồn con vịt vào một góc lưới khác. Giả vờ liếc mắt tỏ vẻ không quan tâm rồi thình lình Nhung thanh thoắt xổ tay vồ con vịt. Một tay con bé giữ chân, một tay bẻ quặp hai cánh quẳng lại vào chuồng. Xong việc, con bé ra giếng rửa tay. Quay trở ra, nó cầm chai nước ngọt tu một hơi, sung sướng.
– Cứ lâu lâu lại có mấy con như vậy đó cậu. Cỡ cậu làm sao bắt được. Cháu nói đúng không? – Con Nhung cười mỉm ra ý chê khéo.
– Đừng khinh thường tao, tao đâu có yếu đuối dữ vậy, mấy thứ này… cỏn con -Tôi bĩu môi và xù lông, giả như có lông để xù.
Con bé cười to hơn, khi ngưng nó chuyển đề tài:
– Dạo này cậu còn hay xem phim không?
– Lâu lâu cũng có. – Tôi trả lời. – Mà mày đó, học thì không lo, lo phim với ảnh.
– Xì, học chán cũng phải xả stress chứ. Cậu xem “Tuổi nổi loạn” chưa?
– Chưa! Phim gì vậy?
– Phim học sinh Thái Lan đó cậu. Hay lắm luôn. Woa… Cháu thích nhất cặp Phu-Thee, hai ảnh đẹp trai dã man mà còn yêu nhau nữa. – Mắt con nhỏ sáng lên, hai tay chắp trước ngực – Vậy mà cuối cùng… – Nhung bắt đầu trề môi, tay đặt lên đùi, đong đưa chân – lại chia tay. Làm cháu ức chế quá trời à.
– Ba cái phim bệnh hoạn, tào lao vậy mà mày cũng coi?
– Cậu không biết thưởng thức thì có!
– Ủa, tivi nhà bay có chiếu phim đó hả?
– Tivi nhà cháu làm gì có. Tối học bài xong, cháu qua nhà con Hoa, nó bật máy tính cho cháu xem.
– Chà, cái kiểu này chỉ có bỏ học đi cưỡi trâu là vừa thôi con ơi!
– Còn lâu nhá cậu. Cháu tự biết, không cần cậu lo. Cứ thoải… con gà mái đi. Hì hì.
– Nhỏ này. Chắc tao đập mày chết quá. – Tôi tức tối.
Nhung cười trừ. Nó giống hệt mẹ nó ở nụ cười, nhe răng nhè nhẹ không thành hơi. Con bé hỏi tiếp:
– Cậu nghe chuyện thím H. bị cướp đánh phải đưa lên H.N.phẫu thuật chỉnh lại mặt chưa?
– Tao có nghe thằng K. nhà T.T. làm, nhưng không rõ. Mày kể coi?
– Có hai thằng lận Cậu. Thằng K. con ông T.T. với một thằng làng khác cháu không biết. Thằng K. chơi đề thua, không có tiền trả rủ thằng này đi cướp. Hai thằng đi lanh quanh thôn mình thấy nhà chú P. cửa mở, trước hiên không để dép. Hô to không thấy trả lời, tụi nó xông vào nhà lục lọi. Thằng K. đứng canh, thằng còn lại cạy tủ lấy được một cái điện thoại. Chôm được điện thoại rồi tụi này vẫn chưa chụi đi, lục tiếp. Thím H. nãy giờ ngủ ở nhà trong đi ra gặp hai thằng đang lục lạy, thím hét lên một tiếng. Chưa kịp tiếng thứ hai thì thím đã bị thằng K. vớ đâu được cái điếu cày phang thẳng vào mặt. Thím H. bất tỉnh luôn. Hai thằng lấy thêm mấy trăm nghìn của thím nữa rồi mới biến. Khoảng mười phút sau, chú P. về, đưa thím lên trạm xá xã, sau phải chuyển lên bệnh viện. Lúc chạy qua, cháu thấy sàn nhà vương máu, trên tường cũng có mấy giọt dính lên. Thím H. trông tội lắm, mặt rách, miệng toàn máu, quai hàm nghe đâu bị lệch, không nói được gì. Cháu ớn lạnh luôn á. Lạ là hôm sau công an xuống làm việc, thằng K. vẫn đến xem như không có chuyện gì mới ghê. Mấy ngày sau, nó bị bắt còn thằng kia bỏ trốn biệt tích chưa tìm thấy.
– Ở quê mà cũng dữ dằn quá ta? – Tôi nhận xét.
– Vụ đầu tiên rùng rợn vậy đó cậu. Trước kia đâu có. Giờ cháu cũng không dám ở nhà một mình luôn.
Gió bất ngờ ngưng thổi. Mây che đi một phần trăng. Tôi và con cháu trong giây phút hiếm có, cùng im lặng. Tiếng côn trùng rệu rạo trong những lùm cây nghe rõ hơn.
– Mai cậu có đi nhà thờ không? – Cháu Nhung chợt lên tiếng, khe khẽ.
– Có. Nhưng cứ nghĩ đến mười một cây vào thị trấn là tao lại thấy oải.
– Buổi sáng hay buổi chiều, cậu?
– Buổi sáng. Chiều tao hẹn ăn cơm nhà bác Thong rồi.
– Không đi có sao không cậu?
Tôi cười:
– Không đi thì Chúa phạt xuống địa ngục, không cho lên thiên đàng chứ sao.
– Èo, ghê vậy. Có người bảo cháu đừng tin mấy ông đạo Chúa, toàn lừa khị thôi.
– Mày nghe ai vậy, sàm bậy thì có.
– Cháu nghe vậy thôi chứ để ngoài tai à.
Tôi nghĩ đến chuyện anh chị bận bịu quá, chắc không ai chăm sóc cho đức tin của con cái. Tôi nói vu vơ:
– Giá mà xã mình có một cái nhà thờ thì hay biết mấy, ha?
– Ủa có nhà thờ để làm gì hả cậu? – Nhung hỏi lại, mắt tròn xoe.
– Nhỏ này hỏi ngu! Để sáng mai tao khỏi phải lên thị trấn chứ chi?
Nhung cười to, lấy tay chỉ tôi: “HaHa…Cậu đúng là một thiên tài, lười có hệ thống đoàng hoàng.”
– Con điên này, đến giờ “uống thuốc” của mày rồi đó. – Tôi khẽ trừng nhìn con cháu, miệng ngáp thều thào. – Thôi đi ngủ. Ngày mai tao còn dậy sớm.
– Cậu “uống thuốc” thì có. – Nó nhoẻn miệng cười rồi chạy vào nhà, thật nhanh.
Dù quý ruộng đồng nhưng tôi chọn ngủ trong làng để khỏi bị muỗi đốt. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và đi nhà thờ bình thường. Nhưng khi đã an vị trên hàng ghế thánh đường, tôi lại bứt rứt về câu chuyện đêm qua. Nghĩ đến con cháu, nghĩ đến đức tin. Rồi nghĩ những thanh niên trong làng đã bắt đầu tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của xã hội và tay đã bắt đầu nhúng chàm.
Tôi yêu quê nội và rất mong làng mình có được một cái nhà thờ. Nho nhỏ thôi cũng được. Để tôi khỏi phải… hành xác khi về thăm. Nhưng quan trọng hơn nữa là để những cô cậu bé lớn lên ở đây được tiếp xúc với Lời Chúa. Trong khi nền giáo dục đang đặt nặng thành tích và vật chất, thì nơi rao ra lời Chúa hẳn là nơi lý tưởng để trẻ con trau dồi đạo đức. Để khi chúng trưởng thành và va vấp cuộc đời, trước khi làm bất cứ điều gì, ít ra cũng đã có nền tảng để suy xét. Và hẳn sẽ không xuất hiện thêm một tên cướp K. táo tợn nào nữa ở cái làng này.
Chúa không chỉ ở phố thị, Chúa xứng đáng ở mọi nơi.
Rồi tôi nghĩ đến mình. Chắc là tôi sẽ cầu nguyện để bỏ được thuốc lá. Để “làm gương tốt”, và để dành tiền. Bởi may ra, mai mốt ở nơi này có xây nhà thờ thì còn có chút gì mà đóng góp
HƯƠNG BIỂN