“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”
Hai mươi mốt ngày rong ruổi từ Nha Trang đến Cà Mau rồi quay về, tôi không biết mình có được bao nhiêu cái sàng khôn chứ kinh nghiệm thì nhiều lắm! Đầu tiên tôi muốn nhắc đến:
THỜI TIẾT
Buổi sáng sớm ở Miền Tây (Bến Tre) rất thích, không khí trong lành, mát lạnh, mùi rơm rạ thoang thoảng cùng hương trái cây thơm lừng hoà quyện cùng nhau. Đây là lúc thích hợp để bắt đầu một cuộc hành trình trên xe gắn máy, vừa chạy xe vừa ngắm cảnh vật hai bên đường, sương mai vẫn còn đọng lại trên những cành cây kẽ lá, chợt nhớ đến một bài hát thuở còn thơ :
Bạn biết ai làm được đóa hoa
Nào ai hay chăng bạn biết không
Bạn biết ai làm lòng trắng trong
Ngoài Chúa có ai làm được….
Cà Mau ơi! Chờ ta nhé.
PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI.
Chẳng ở đâu có nhiều Sông, Ngòi, Kênh, Rạch… Như ở Miền Nam. Cứ đi một chút là có Cầu, mọi cây cầu đều có tên, người đi đường như chúng tôi không sao nhớ hết. Có những khúc sông không có cầu thì bắt buộc phải qua Phà, đây là một phương tiện vận chuyển trên sông an toàn hơn Đò, Ghe, Xuồng, Vỏ Lãi… Được nhà nước quản lý và thu phí khi chuyên chở.
“Cũng không có gì gọi là tuyệt đối, chỉ biết phó mặc cho Trời thôi”. Tôi hỏi một người đứng kế bên về mức độ an toàn của cái Phà và nhận được câu trả lời như vậy, vì tôi không nhìn thấy áo phao treo trên Phà. Qua được hai cái Phà thì vợ tôi đỡ run hơn vì cô ấy không biết bơi nên thấy sông nước mênh mông thì ngại lắm.
KHÍ HẬU
Buổi sáng đã qua, sức nóng của mặt trời ngày càng tăng dần. Chúng tôi đầu đội nắng, chân đối cùng đường nhựa lấp lánh, giày vải vẫn không cản nổi cảm giác như đôi chân đang bị nhúng vào nồi nước sôi, chợt thấy thương sao những bàn chân của người Truyền Đạo, phải đi đến những đất nước xa xôi, đối diện với cái lạnh cắt da như ở nước Nga tuyết phủ.
Khí hậu Miền Nam không khắc nghiệt, nhưng chạy ngông nghênh ngoài đường vào giờ giữa trưa “đúng ngọ” thì phải ráng chịu chứ sao. Khi mệt quá, lữ khách có thể dừng chân nghỉ ngơi ở các quán lá bên đường, uống một trái dừa với chút đường, muối, chanh để bổ sung nước cho cơ thể bớt mệt mỏi, chúng tôi cũng không ngoại lệ.
GIAO THÔNG
Đa phần mặt đường trải nhựa dù chất lượng thì không dám bàn tới. Lưu lượng xe cộ thì đông, ngoài đường lớn hay quốc lộ thì người dân ngán mấy anh giao thông nên chạy xe còn có chừng mực, chứ vô đường vườn (những con đường nhỏ phía trong làng xóm) thì đường ta, ta cứ đi. Những cú thót tim liên tục khi đối diện với các thanh niên mới lớn, chụp được chiếc xe gắn máy là phóng bạt mạng, không màng đến ngày mai. Người bản xứ còn lắc đầu thì những lữ khách như chúng tôi chỉ còn nước xanh mặt, lạng quạng chắc bị tình trạng tim thòng chứ giỡn chơi sao!
Cảnh sát giao thông miệt này mạnh tay là đúng, nhưng có những trường hợp cũng… Tội nghiệp như tôi và nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông khác. Gần hai mươi năm cầm tấm bằng xe máy, lòng luôn tự hào vì chưa bao giờ bị sờ gáy, chỉ có lần này xổ dốc cầu không chịu đạp thắng mà anh bận quân phục cầm cái máy chỉa vô làm cái RÉT (cho chạy 40km/h, xổ dốc cầu 56km/h). Có lỗi thì chịu phạt, nhưng ấm ức phải nói cho nhẹ lòng, cho anh ấy rút kinh nghiệm. Khi thổi còi ngoắc vô thì miệng anh ấy nói :chào kiểm tra giấy tờ nha, tui chào rồi đó (thật ra thì nói chứ không có chào) chắc tại sáng giờ phạt mỏi tay quá nên đuối sức, hay anh ở kèo trên mà khinh kèo dưới… Tôi không biết.
Kinh nghiệm cá nhân :
Bà con lưu ý, khi thấy từ xa có anh nào cầm cái máy chỉa về phía mình (đoạn đường thẳng) thì cứ dừng lại, tấp đại vô bên đường, lấy nước ra uống, lấy lược ra chải, tranh thủ quan sát rồi cởi áo khoác ra lộn trái mặc vô, ngó coi sơ hở thì chạy tiếp, hoặc cứ khoá xe lại ngồi núp lùm chờ thời, đừng quay đầu xe bỏ chạy hướng ngược lại nha, có người chốt chặn bạn lại liền, có thể sẽ có xe cơ động rượt theo nữa, nên lưu ý đIều này vì tự nhiên mất tiền rất đỗi vô duyên, mà lại là số tiền không nhỏ. Nên để ý những đoạn đường có bản cấm 40km/h, thật ra thì mấy tấm bảng đó hay được dựng trong lùm cây nhiều hơn ở ngoài. Cứ chạy tình tang như thi đua xe đạp chậm cho chắc ăn, chừng nào tới… Tính sau!!!
THỨC ĂN, NƯỚC UỐNG.
Có rất nhiều quán ăn ven đường, hàng trăm quán bán đủ loại thức ăn, nước uống, ta chỉ việc chọn một quán ưng ý và dừng lại. Chú ý đừng vô mấy quán tối hay được che chắn nhiều vì ta không biết bạn hay thù đang đợi trong ấy.
Trong Miền Nam hình như ai cũng nấu được món Hủ Tíu, Bánh Canh, Cháo Lòng, Cơm Tấm hay sao ấy nên quán nào cũng có những món đó, hay là món ruột của họ?
Ở Miền Tây sông nước nầy lữ khách sẽ không bị lôi kéo, chặt chém hay chửi bới… Người dân rất tốt bụng, hoà nhã, giúp đỡ tận tình khi được hỏi thăm. Vừa rồi được xem một đoạn clip trên mạng mà giật mình :
Chuyện xảy ra ở ngoài Bắc :
Một chiếc xe con hỏi thăm đường: chú ơi chỉ dùm con đường cao tốc.
– 50.000 công dẫn đi.
Đưa tiền xong.
– Cứ chạy thẳng, 100m nữa tới.
Thật lòng tôi cũng tự hào vì mình được sinh ra nơi đất lành, quả ngọt này. Nhưng mong mọi người lưu ý phần vệ sinh của quán, hãy chọn một quán sạch sẽ, nhiều người ăn và vui lòng hỏi giá trước cho chắc.
NHÀ NGHỈ
Có rất nhiều nhà nghỉ mọc ven đường xuyên qua các tỉnh, ít khách sạn, giá phải chăng, đón tiếp lịch sự, nồng hậu, mến khách, tạo thiện cảm cho khách đến lần sau, tư vấn khi được hỏi thăm… Các bạn nào thích đi Phượt thì đăng ký, tôi sẽ quay lại Miền Tây trong dịp Tết nầy, đem Tin Lành đến vùng sâu vùng xa, hoan nghênh những bạn nào có cùng tâm tình như thế!!!
Lưu ý : khi đi xa, có ý định nghỉ lại đêm thì nên mang theo giấy tờ tuỳ thân, vợ chồng đi chung nên mang theo giấy đăng ký kết hôn vì nửa đêm sẽ có mấy anh mặc đồng phục gõ cửa kiểm tra giấy tờ.
MỤC ĐÍCH.
Đó là những điều thường gặp trong một chuyến đi xa, nhưng phần quan trọng là mục đích của chuyến đi : cho mình hay cho Chúa!!!
Nhận lời ủy thác của một chị em qua Mục Sư Kiến Lữ, chúng tôi cậy ơn Chúa để đi đến với gia đình chị Vanwhalls -một gương mặt thân quen của VMI. Những nỗi mệt nhọc được gác lại, chúng tôi dành thì giờ cầu nguyện cho gia đình chị, dâng gia đình chị cho Chúa, xin Chúa Thánh Linh mở lòng họ để họ đón nhận sứ điệp mà chúng tôi mang đến.
Tìm nhà với một địa chỉ không chính xác trong một thành phố mới chuyển mình thật không phải đơn giản, trên mười người chỉ qua chỉ lại, vẫn không thấy hi vọng, lòng đã lo lắng, hai vợ chồng nhìn nhau rơm rớm. Chúa ôi! Xin chỉ cho con thấy điều Ngài muốn.
Chợt thấy một bà cụ vịn tường đi tới, hai vợ chồng nhìn nhau… Cười (hiểu ý) thật đây là người Chúa muốn mình tìm. Đúng vậy! Đó là mẹ của chị Vân.
Theo chân bà cụ về nhà với tâm trạng vui mừng khôn tả, lại được gặp nhiều người trong nhà, thăm hỏi, chia sẻ nhiều điều với nhau, chỉ cho họ thấy tình yêu thương kỳ diệu của Thượng Đế dành cho họ, nỗi trăn trở của người thân xa xứ về linh hồn họ… Hơn hai tiếng đồng hồ nói chuyện, những người trong gia đình đã đồng ý tiếp nhận Chúa cho riêng mình, dù đức tin còn đơn sơ, dù trở ngại của bóng tối vẫn còn đó, nhưng tôi tin Chúa nghe thấu lời kêu xin của con cái Ngài, nguyện xin Chúa Thánh Linh ở cùng họ, chăm sóc để họ được vững vàng hơn, hiểu rõ hơn về những điều mình đã tuyên xưng.
HY VỌNG
Chuyến đi Cà Mau đã kết thúc, nhưng những trăn trở trong lòng tôi vẫn còn nặng lắm.
Mong lắm thay những tấm lòng được Chúa kêu gọi để ra đi, còn biết bao người đồng loại của chúng ta đang bị giam cầm trong bóng tối của tội lỗi, satan sẽ run sợ trước những bước chân rầm rập của đoàn quân Truyền Đạo, câu hỏi bây giờ là “ai sẽ đi”. Có ai nghe thấy trong lòng mình như vang lên lời nói “Có con đây, xin hãy sai con!”
Khi đối diện với cái nắng như thiêu đốt trên đường, tôi ước ao chỉ cần được một nắm mưa hất vào mặt cho dịu đi cái nóng oi nồng, nhưng chúng ta chẳng thể giữ những hạt mưa trong lòng bàn tay mình được, giọt nước rơi xuống tay và văng ra. Cũng một lẽ ấy, khi nhận được ân sủng của Đức Chúa Trời vĩ đại, đừng giấu đi, đừng giữ cho riêng mình. Hãy làm một mạch nước văng ra… Như lời Chúa dạy!!!
Thien Quoc Nguyen