Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / MUỐI VÀ ÁNH SÁNG

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG

anhsang

Vai Trò Của Con Cái Chúa 

Được làm con trai con gái Chúa là một phước hạnh đầy vinh dự nhưng cũng đầy trách nhiệm. Thế giới nầy tốt đẹp hơn là nhờ những con cái Chúa sống tin cậy và vâng lời Chúa, làm tròn trách nhiệm của mình. Chúa biến đổi thế giới nầy qua sự dự phần tích cực của con cái Ngài. Chúa cần mỗi người chúng ta.

 

Muối của đất.

“Các con là muối của đất” (Ma-thi-ơ 5:13)

 

Muối có tác dụng để bảo quản

Trong thời kỳ Chúa Giê-su sống trên đất, muối đóng một vai trò vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ có tác dụng để nêm cho các đồ ăn hằng ngày mà nó còn có một chức năng quan trọng nữa đó là để bảo quản. Khi những người nông dân, những người ngư phủ và những người nội trợ nghe những lời giảng dạy của Chúa Giê-su thì họ đều hiểu được tác dụng của muối là để bảo quản và giữ cho thịt cá khỏi bị ươn hay thối rữa. Trong thời đó, muối là phương tiện được sử dụng phổ biến nhất để giữ cho cá, thịt khỏi bị ươn và hư bởi vì  lúc đó chưa có hệ thống ướp lạnh như ngày nay, thịt và cá được đóng gói và ướp trong muối để giữ cho chúng không bị ươn hay thối rữa. Haddon Ronbinson, một giáo sư Kinh Thánh viết: “Sau khi đánh bắt cá ở biển hồ Ga-li-lê, những người ngư phủ đem bán chúng ở thủ đô Giê-ru-sa-lem cách đó nhiều dặm về phía Nam. Phương tiện vận chuyển mất nhiều thời gian và không có ướp lạnh nên họ phải ướp muối ngay sau khi đánh bắt cá. Khi người nông dân giết một con bò, thì anh ta cũng phải ướp thịt với muối bởi vì đó là phương pháp bảo quản duy nhất thời đó.”

 

Muối mà không còn tác dụng bảo quản được thì sẽ trở nên vô dụng.

Các con là muối của đất, nhưng nếu muối mất chất mặn đi, thì lấy gì làm cho mặn lại? Muối ấy thành vô vị, chỉ còn bỏ đi và bị người ta giẫm dưới chân.” (Ma-thi-ơ 5:13)

Trong thời kỳ Chúa Giê-su sống trên đất nhiều người chưa biết cách để tinh chế ra muối, nguồn muối chủ yếu là ở Biển Chết và rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa muối và cát trên bờ biển. Có một số chất người ta gọi là muối đôi khi pha trộn nhiều cát ở trong đó hơn là muối, khi lượng cát nhiều hơn muối thì nó đã mất đi vị mặn và trở thành vô dụng. Người ta sẽ lấy chúng để làm phân bón trên đồng ruộng hoặc đổ chúng ra trước cửa để làm đường đi.

 

Giống như muối, Chúa Giê-su đến để giúp thế giới khỏi bị hư hoại.

Chúa Giê-su là muối mặn để giúp thế giới khỏi bị hư hoại về đạo đức. Chúa Giê-su đã sống một đời sống thánh khiết, ngay thẳng và đem lại sự ảnh hưởng tốt đến những người xung quanh Ngài. Sự ngay thẳng của Chúa Giê-su đã làm nên một loại muối thật tinh khiết và Ngài đã dùng muối này để chữa lành những vết thương cho những người Ngài gặp. Trong Phúc Âm Giăng 4 nói về cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê-su và người thiếu phụ Sa-ma-ri ở bên giếng nước. Mọi điều trở nên tốt đẹp khi Ngài bảo: “Chị về gọi chồng ra đây!” (Giăng 4:16). Thiếu phụ thưa: “Tôi không có chồng!” . Ngài nói: “Bảo là không chồng thì cũng đúng, vì chị đã có năm đời chồng và người chị hiện có cũng chẳng phải là chồng! Chị đã nói thật đó!” (câu 17-18). Đến đây chúng ta có thể muốn nói với Chúa Giê-su: “Không! Chúa ơi! Ngài không nên nói thế. Ngài đã làm cho cô ấy khó chịu. Hãy cứu cô ấy trước đã rồi hãy chỉ ra những tình trạng tội lỗi của cô ấy”. Nhưng Chúa Giê-su biết Ngài phải chỉ ra tội lỗi trên đời sống của cô ấy. Cô ta đã đáp lại như thế nào? Thiếu phụ nói: “Thưa ông, tôi nhận thấy rằng ông là một tiên tri của Đức Chúa Trời” (câu 19).

Trong Giăng 8 khi Chúa Giê-su phải giải quyết vấn đề với người đàn bà bị bắt về tội tà dâm, Ngài hỏi: ‘Này, mấy người kia đâu cả rồi? Không ai kết tội chị sao?’. Người đàn bà trả lời: “Thưa ông, không ai cả!” Đức Giê-su bảo: ‘Ta đây cũng không kết tội chị đâu, về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!” (câu 11). Chúa Giê-su không chỉ để lại cho cô gái một cảm giác dễ chịu ấm áp về sự tha thứ, mà Ngài còn giải quyết được vấn đề tội lỗi của cô ta. Ngài đã dùng vị muối mặn của Ngài để hàn gắn vết thương tội lỗi của cô ta. Thực tế, Ngài đã yêu cầu cô ta từ bỏ lối sống tội lỗi.

Hơn thế nữa, Chúa Giê-su còn là muối mặn cho những người Pha-ri-si là những người lãnh đạo tôn giáo thời đó. Chúa Giê-su đã thấy sự suy đồi về đạo đức của  họ, không phải là sự vô đạo đức nhưng là quan niệm sai lầm về đạo đức của họ. Họ đầy dẫy sự kiêu ngạo và xét đoán, họ đang hướng mọi người xa cách Chúa và không hướng về Ngài. Vì thế Chúa Giê-su đã đối diện với họ. Nhưng điều đáng chú ý là Ngài đã làm điều này trong tình yêu thương. Ngài cảnh báo cho họ biết về hậu quả của việc làm của họ và ban cho họ cơ hội để ăn năn. Chúa Giê-su đã đem vị mặn của Ngài để chữa lành vết thương của sự kiêu ngạo.

Chúa Giê-su là muối để phục hồi, bảo quản chống lại sự suy đồi đạo đức mà Ngài thấy trên thế giới. Ngài là muối bằng một đời sống thánh khiết, chống lại tội lỗi và đem lại ảnh hưởng đến những người Ngài gặp.

 

Ánh Sáng Của Thế Gian

“Các con là ánh sáng của thế gian” (Ma-thi-ơ 5:14).

 

Ánh sáng cần được chiếu sáng.

Phao-lô viết trong sách Ê-phê-sô: “Vì trước kia anh chị em tối tăm, nhưng hiện nay anh chị em là ánh sáng trong Chúa, hãy sống như con cái ánh sáng, vì bông trái của ánh sáng là tất cả những điều tốt đẹp, công chính và chân thật. Hãy thử nghiệm cho biết điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng tham dự vào những việc vô ích tối tăm, nhưng hãy vạch trần chúng ra thì hơn.” (Ê-phê-sô 5: 8-11).

Điều chú ý ở đây là khi có ánh sáng chúng ta không thể làm ngơ hay bắt chước những việc làm của bóng tối, nhưng chúng ta cần bày tỏ chúng ra. Ánh sáng sẽ bày tỏ sự thật về hoàn cảnh mỗi người. Ánh sáng có thể bộc lộ cho thấy rằng con đường một người đang đi đầy dẫy những nguy hiểm và cuối cùng sẽ chấm dứt trong đau đớn, tuyệt vọng.

 

Ánh sáng để dẫn đường.

Trong thời Chúa Giê-su sống trên đất, khi người ta đi ra ngoài vào buổi tối, họ thường mang theo chiếc đèn để biết đường đi. Ngày nay chúng ta dùng đèn pin để thấy đường chúng ta đi. Chúa Giê-su phán rằng bất cứ ai không có ánh sáng của Ngài đều bước đi trong bóng tối (Giăng 8:12). Điều Chúa muốn nói ở đây là thế gian đang ở trong bóng tối và mọi người cần ánh sáng của Ngài để dẫn đường cho họ (Giăng 1:5, 3:19, 12:46).

Một tác giả đã viết, “Khi nói đến muối, Chúa Giê-su muốn đề cập đến văn hóa đang bị suy đồi về đạo đức. Khi nói đến ánh sáng Chúa Giê-su ngụ ý muốn nói đến thế giới đang bị bao trùm bởi sự đen tối về thuộc linh và đạo đức. Chỉ có một cách duy nhất giúp mọi người hiểu rõ về những nan đề đó là mỗi chúng ta cần trở thành ánh sáng.” Ánh sáng sẽ chỉ cho người ta bước đi trên con đường chân chính, không bị vấp ngã bởi bóng tối nữa.

 

Ánh sáng không thể bị che khuất.

Các con là ánh sáng của thế gian. Một thành xây trên ngọn đồi sẽ không bị che khuất. Không ai thắp đèn rồi đặt trong  thùng nhưng đặt trên chân đèn để soi sáng mọi người trong nhà (Ma-thi-ơ 5: 14-15).

 

Những thành phố ở trên đồi trong vùng Đất Thánh  rực sáng từ xa vào buổi tối bởi ánh sáng của mỗi nhà. Bên trong mỗi nhà người ta thường đặt một chiếc đèn trên bàn để mọi người có thể thấy. Ngày nay chúng ta chỉ cần đơn giản bật điện lên khi vào một phòng tối. Chúng ta không nghĩ rằng có thể che được ánh sáng trong nhà trừ khi chúng ta cố gắng để che dấu những người xung quanh.

Khi chúng ta là ánh sáng của thế gian, mọi người sẽ biết chúng ta. Mọi người sẽ thấy sự khác biệt không chỉ trong thái độ của chúng ta mà còn trong lối sống của chúng ta. Chúng ta không nên che khuất ánh sáng của Đấng Christ (đặt trong thùng) bằng việc sống một đời sống  như những người thế gian, a dua theo những ham muốn của thế gian. Phao-lô cảnh báo cho chúng ta về việc cố gắng để che khuất ánh sáng của chúng ta: “Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:2).

Khi chúng ta che khuất ánh sáng của chúng ta có nghĩa là chúng ta đang cố gắng che dấu thực tế rằng chúng ta là tín đồ của Đấng Christ.

 

Chúa Giê-su là ánh sáng của thế gian.

Chúa Giê-su phán: “Chính Ta là ánh sáng của thế giới, người nào theo Ta sẽ không còn đi trong tối tăm nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12). Là ánh sáng, Chúa Giê-su không chỉ vạch ra tình trạng tội lỗi của con người như chúng ta đã thấy được qua câu chuyện người thiếu phụ bên giếng nước, mà Ngài còn hướng dẫn họ sống tốt hơn. Chúa Giê-su hướng dẫn người thiếu phụ bên giếng nước để biết Ngài là Đấng mà cô ấy phải thờ phượng. Ngài cũng chỉ dẫn cho người đàn bà tà dâm trong Giăng 8 sống một đời sống mới bằng cách nói với cô ta: “Về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (câu 11). Ngài chỉ cho những người Pha-ri-si rất nhiều lần về con đường họ cần phải theo. Đôi khi có người cũng nghe lời Ngài như Ni-cô-đem (Giăng 3), nhưng đa phần đã khước từ ánh sáng và đường lối của Ngài (Giăng 7:32, 11: 57).

Là ánh sáng, Chúa Giê-su không bao giờ bị che khuất. Khi thầy tế lễ, những quân lính và những người Pha-ri-si đến để bắt giữ Chúa Giê-su ở vườn Ghết-se-ma-nê. Ngài nói: “Thường ngày Ta ở trong đền thờ với các ông, sao các ông không tra tay bắt Ta? Nhưng đây là giờ của các ông và của quyền lực tối tăm.’ (Lu-ca 22:53). Chúng ta thấy dầu trong hoàn cảnh nào thì ánh sáng của Ngài vẫn luôn chiếu rọi và không bao giờ bị che khuất.

 

Không Thể Lựa Chọn

Làm muối của đất và ánh sáng cho thế gian là trách nhiệm của chúng ta.

Bạn có thể nghĩ, tôi không cần trở nên muối và ánh sáng ở nơi làm việc. Làm vậy nguy hiểm cho bản thân tôi? Vâng, bạn có thể bị nguy hiểm, nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu bạn trở thành muối mất mặn và ánh sáng bị che khuất. Nếu bạn khước từ làm muối và ánh sáng thì những nơi bạn ở, nơi bạn làm việc sẽ càng trở nên tối tăm hơn và thối nát hơn.

Trong nguyên bản tiếng Hy-Lạp sách Ma-thi-ơ 5:13-14, từ “Các con” (“You” số nhiều) được nhấn mạnh. Chúa Giê-su nói rằng: “Các con là muối duy nhất của đất” và “Các con là ánh sáng duy nhất của thế gian.” Nếu chúng ta không hầu việc như muối và ánh sáng thì không còn ai có thể là muối và ánh sáng. Thế gian hư hoại sẽ không thuyên giảm và bóng tối sẽ không bị tan biến trừ khi những con cái Đức Chúa Trời là muối và ánh sáng. Mỗi một Mục Sư hay tín hữu – ở nơi bục giảng, ở ga-ra, ở trường học, bệnh viện, quân đội hay bất cứ nơi nào đều cần phải là muối và ánh sáng cho thế gian mờ tối này.

 

Trách Nhiệm Này Nói Đến Tầm Quan Trọng Của Chúng Ta.

Khi Chúa Giê-su phán: “Các con là muối…các con là ánh sáng.” Ngài muốn nhấn mạnh “being” (chúng ta là) hơn là “doing” (chúng ta làm). Chúa Giê-su muốn đề cập đến một thực tế, chứ không phải một mạng lệnh hay yêu cầu. Muối và ánh sáng bày tỏ Cơ- Đốc Nhân là ai. Câu hỏi duy nhất khi Chúa Giê-su tiếp tục nói đến đó là chúng ta đã là muối đem lại vị mặn cho đời và ánh sáng được chiếu tỏa cho mọi người xung quanh chưa?

 

Làm Thế Nào Để Trở Thành Muối và Ánh Sáng Ở Nơi Làm Việc.

“Vậy, hãy chiếu ánh sáng của các con trước mặt thiên hạ như thế, để họ thấy các công việc tốt đẹp của các con mà tôn vinh Cha các con ở trên trời.”(Ma-thi-ơ 5:16)

 

Là muối có nghĩa là chúng ta cần phải bảo quản thế giới của chúng ta.

Là Cơ-Đốc Nhân trở thành muối có nghĩa là chúng ta cần giữ cho thế gian khỏi hư hoại và khỏi suy đồi về đạo đức. Để làm được điều này chúng ta phải sống một đời sống ngay thẳng trước người khác. Để trở thành muối ở nơi làm việc chúng ta cần phải dùng chính mình để hàn gắn những rạn nứt về đạo đức khi chúng ta gặp ở nơi làm việc.

Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải từ chối không tham gia với những kẻ trộm cắp, nói dối, lừa đảo. Có nghĩa là chúng ta phải đứng lên và đối diện với những người đang hướng người khác đến chỗ hư nát. Có nghĩa là chúng ta phải giải quyết những khó khăn và vấn đề tiến thoái lưỡng nan về đạo đức theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh. Đúng vậy! Kinh Thánh sẽ là kim chỉ nam cho chúng ta biết làm thế nào để đưa ra những quyết định đúng với đạo đức, nhất là ở những nơi làm việc.

Điều cuối cùng đó là muối phải liêm khiết – làm điều công chính trong mọi lúc, mọi nơi cho dù như thế nào đi chăng nữa. Hãy đưa ra những quyết định và lựa chọn đúng đắn cho bất cứ ai đến với chúng ta. Hãy đứng vững để chống lại điều ác, kể cả khi chúng ta có ít người. Nếu như muối của chúng ta không đem lại vị mặn cho đời, bị rửa trôi và mất mặn bởi đời sống không tốt, thiếu liêm khiết, không nỗ lực trong công việc thì chúng ta sẽ trở thành muối mất mặn.

 

Muối Là Đạo Đức Trong Hành Động.

Để sống một đời sống là muối ở nơi làm việc không có nghĩa là chúng ta trở thành những người Pha-ri-si hay phán xét, lên án người khác, mà có nghĩa là chúng ta sống một đời sống liêm khiết giữa mọi người. Muối là đạo đức trong hành động cho dù có bị thiệt hại hay nguy hiểm. Muối là hướng dẫn những người cùng làm việc với chúng ta để họ được thay đổi và trở nên tốt hơn. Khi một người sống một đời sống như vậy ở nơi làm việc thì mọi người sẽ chú ý và người đó sẽ đem lại ảnh hưởng và ích lợi cho người khác.

 

Chúng ta cần là ánh sáng cho thế giới chúng ta.

Là Cơ-Đốc Nhân trở thành ánh sáng nghĩa là chúng ta cần bày tỏ cho những người bạn đang bước đi trong tăm tối, hướng dẫn họ đi theo con đường sự sáng của Chúa Giê-su. Ánh sáng của chúng ta không bao giờ bị che khuất, nhưng phải chiếu sáng khắp mọi nơi ngay cả nơi làm việc. Thực tế, chúng ta đã ‘được mua bằng một giá rất cao’ bởi Chúa Giê-su Christ (1 Cô-rinh-tô 6:20, 7:23) và mong đợi để chiếu sáng trong mọi lúc. Vì thế là ánh sáng có nghĩa là chúng ta chỉ cho người chưa tin Chúa rằng lối sống của họ, thế giới quan của họ, hay tôn giáo của họ là con đường đầy dẫy những rào cản và khó khăn, cuối cùng sẽ hướng họ đến sự hư mất. Nó có nghĩa là chúng ta phải lắng nghe người khác và trả lời những câu hỏi thắc mắc của họ về Cơ-Đốc Giáo. Điều này gọi là biện giáo – là ánh sáng trong hành động.

Là ánh sáng có nghĩa là chúng ta hướng dẫn những người bạn đi theo con đường của Chúa Giê-su Christ và tất cả những gì Ngài đã chỉ dạy, có nghĩa là chúng ta chia sẻ phúc âm của Đấng Christ với thái độ đúng đắn và thu hút. Chúng ta không nên che dấu ánh sáng của chúng ta, nếu chúng ta làm như vậy chúng ta sẽ để sự hư mất đến cho mọi người.

 

Ánh Sáng là Phúc Âm được chia sẻ và giải đáp.

“Luôn luôn sẵn sàng để trả lời cho bất cứ ai hỏi anh chị em lý do nào anh chị em có hy vọng đó” (1 Phi-ê-rơ 3: 15).

Chúng ta nhớ rằng ánh sáng là hướng dẫn mọi người vào con đường chân chính và bày tỏ cho họ những trở ngại mà họ gặp. Khi ánh sáng của chúng ta chiếu sáng thì chúng ta cần bày tỏ và trả lời cho mọi người những câu hỏi và thắc mắc của họ về Cơ-Đốc Giáo cũng như bày tỏ cho họ sự hư mất của lối sống và thế gian mà họ đang theo đuổi.

Khi chúng ta sống một đời sống giống Đấng Christ (là muối) ở nơi làm việc thì đồng nghiệp của chúng ta sẽ thấy chúng ta khác với mọi người. Họ sẽ đến với chúng ta và bắt đầu hỏi những câu hỏi tại sao chúng ta lại có một lối sống tốt, luôn có thái độ tích cực và tràn đầy hy vọng như vậy. Chúng ta sẽ có cơ hội để chia sẻ niềm tin với họ. Vì thế là ánh sáng ở nơi làm việc là chia sẻ Phúc Âm và trả lời câu hỏi mà họ đưa ra.

Hầu hết mọi người đều có một số câu hỏi căn bản về Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, Kinh Thánh và Cơ-Đốc Giáo. Điều này không có nghĩa là họ là kẻ ác, mà họ chỉ bối rối chưa hiểu rõ. Nếu chúng ta không thể trả lời những câu hỏi của họ, họ có thể sẽ nghĩ rằng Cơ-Đốc Giáo là không đúng hoặc chỉ là thuộc lĩnh vực tâm lý.

Chúng ta phải biết làm thế nào để trả lời những câu hỏi của họ! Biện giáo là trả lời những câu hỏi mọi người thắc mắc về Cơ-Đốc-Giáo. Cơ-Đốc-Giáo là tôn giáo đáng tin cậy và sẵn sàng trả lời cho mọi người về những câu hỏi mà họ quan tâm.

 

HƯỚNG ĐI

Soạn theo tài liệu “Bringing Your Faith to Work” (Tác giả Norman  L.Geisler & Randy Douglass, Baker Books, 2005).

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn