Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / NHÂN SINH QUAN CƠ ĐỐC

NHÂN SINH QUAN CƠ ĐỐC

Tầm Quan Trọng của Nhân Sinh Quan Cơ-đốc

trong Tiến Trình Truyền Giáo và Môn Đồ Hóa

Mục sư Trần Lưu Chuyên ([email protected])

nhansinh

 

Năm 2011, con cái Chúa khắp mọi nơi vui mừng kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nhìn lại quãng đường đã qua, chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài đã thương xót dân tộc Việt Nam nên đã sai phái nhân sự, khai phá niềm tin, thiết lập hội thánh, gìn giữ con chiên, duy trì và phát triển hội thánh của Ngài theo dòng lịch sử của nước ta qua những thăng trầm, dâu bể. Chúng ta cũng không quên cảm tạ các giáo sĩ tiên phong, các tín hữu và mục sư đầu tiên đã trải qua bao gian khổ, hy sinh để chúng ta có được ngày hôm nay. Chắc chắn Chúa sẽ ban thưởng cho họ xứng đáng với công khó của họ!

 

Để đánh dấu lễ kỷ niệm quan trọng này, sau khi ôn lại quá khứ, chúng ta cần phải nhận thức hiện tại và chuẩn bị cho tương lai để tiếp tục công việc của các thế hệ trước. Họ đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý giá, trả bằng mồ hôi, nước mắt, và ngay cả xương máu nữa, do đó chúng ta cần phải cẩn thận, tiếp tục xây dựng trên nền tảng đó những công trình to lớn hơn, hầu đem vinh hiển về cho Chúa và góp phần phát triển nước Ngài trên thế gian này. Như lời sứ đồ Phao-lô nói, “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng chính Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên” (I Cô-rinh-tô 3:6).

 

Trong bài viết này, tác giả muốn chia sẻ với các đầy tớ và con cái Chúa về tầm quan trọng của nhân sinh quan Cơ-đốc trong tiến trình truyền giáo và môn đồ hóa trong hiện tại và tương lai. Tác giả tin rằng chúng ta sẽ có hiệu quả hơn nếu chúng ta chú trọng vào lãnh vực này trong mọi sinh hoạt của hội thánh, trong sứ mạng truyền giáo, và trong công tác môn đồ hóa.

 

Nhân sinh quan Cơ-đốc là gì?

 

Năm 1790, triết gia Immanuel Kant sử dụng từ weltanschauung (thế giới + nhìn) để nói đến một khía cạnh trong mỗi con người, đó là cách chúng ta nhìn cuộc đời, thế giới chung quanh chúng ta. Từ này dần dần trở nên phổ thông hơn để chỉ đến cốt lõi trong mỗi con người, ai cũng có một nhân sinh quan đến từ văn hóa, niềm tin, lịch sử, xã hội, truyền thống, kiến thức, v.v. Một định nghĩa đơn giản của nhân sinh quan là “tập hợp những niềm tin căn bản nhất về những lãnh vực quan trọng nhất của một con người” (Ronald Nash). Có người ví dụ nhân sinh quan như là một cặp mắt kính qua đó chúng ta nhìn thấy mọi việc. Một người da đen ở một bộ lạc ở Phi châu, một phụ nữ sống tại một làng quê ở Trung quốc, một thanh niên Mỹ trắng sống ở thành phố Nữu Ước, bạn và tôi, mỗi người có một nhân sinh quan khác nhau. Các tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy cho tín đồ của họ một nhân sinh quan riêng, mặc dù có thể họ không dùng danh xưng này. Như thế, nhân sinh quan Cơ-đốc là gì?

 

Nhiều người gọi niềm tin của chúng ta là Cơ-đốc giáo, hay là tôn giáo theo Đấng Cơ-đốc (Christ). Khi nghĩ đến một tôn giáo, chúng ta thường nghĩ đến những nghi lễ, giáo điều, tổ chức. Điều này cũng tốt nhưng bị giới hạn vì nó không đề cập đến cách suy nghĩ, tư tưởng của chúng ta. Một cách đơn giản, nhân sinh quan Cơ-đốc là toàn bộ những khải thị của Đức Chúa Trời qua Kinh thánh về Ngài, về Chúa Giê-su, về con người, sự cứu rỗi, đời sau, v.v. Nhân sinh quan Cơ-đốc được đặt trên nền tảng Kinh thánh và được thể hiện qua sự suy nghĩ, niềm tin, và cách sống của con cái Chúa.

 

Nhân sinh quan Cơ-đốc và truyền giáo

 

Tác giả Paul Hiebert ghi lại kinh nghiệm của ông khi ông làm giáo sĩ tại Ấn độ. Một người đàn ông Ấn độ, sau một ngày làm việc rất nặng nhọc ngoài đồng án, về nhà khi xế chiều. Trong khi chờ đợi vợ nấu ăn, ông này lang thang ra ngoài đầu hẽm để giết thì giờ. Ra đó, ông gặp một người da trắng đang giảng về Tin Lành, về Chúa Giê-su, về tội lỗi. Sau khi nghe một chút, ông này cảm động, bằng lòng cầu nguyện tiếp nhận Chúa để được sự cứu rỗi. Sau đó ông về nhà, không bao giờ gặp lại người giáo sĩ da trắng đó nữa. Nơi ông ở, không có nhà thờ, không có Kinh thánh, không có cơ hội nào để ông học biết thêm về niềm tin mới của mình. Giáo sĩ Hiebert cho rằng theo Kinh thánh, ông này đã thực sự được cứu nhưng ông không thể trở nên một Cơ-đốc nhân mạnh mẽ hay có thể đóng góp gì nhiều cho vương quốc của Chúa. Giả sử rằng sau đó có một hội thánh được thành lập nơi đó, và sẽ có 100 người như ông này tin Chúa và gia nhập vào hội thánh. Nếu như họ không được dạy dỗ về Kinh thánh, về giáo lý, thì niềm tin của họ sẽ èo uột và hội thánh, dù có phát triển thêm, cũng không phải là một hội thánh theo Tân Ước mà chỉ có cái tên Tin Lành mà thôi.

 

Người đàn ông này, cũng như các người Ấn độ khác, trước khi tiếp nhận Chúa Giê-su, họ là tín đồ Ấn độ giáo và họ có một nhân sinh quan Ấn độ giáo. Khi họ tiếp nhận Chúa, nếu họ không được hướng dẫn để chuyển đổi không những niềm tin mà thôi nhưng cũng cần phải chuyển đổi qua nhân sinh quan Cơ-đốc nữa. Bằng chứng nào cho thấy cần phải làm điều này? Hiebert cho biết, sau đó một thời gian, các tín đồ trong hội thánh đó đã trở lại thói quen cũ, đó là họ dùng bùa ngãi để hại nhau ngay trong giờ thờ phượng chỉ vì một vài xích mích nhỏ nhoi ngoài hội thánh. Nói một cách khác, tuy họ tin Chúa nhưng họ vẫn giữ nhân sinh quan cũ, đó là nhân sinh quan vị kỷ, thù oán, tin Chúa nhưng cũng còn tin dị đoan và tin vào hơn 300 ngàn thần tượng khác của Ấn độ giáo nữa.

 

Trong lịch sử truyền giáo, các giáo sĩ luôn luôn tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy một người thật sự tin Chúa. Lúc đầu, họ chú trọng vào hành vi và cách cư xử (behavior). Khi tin Chúa, một người cần phải bỏ rượu, bỏ đánh bài, ăn mặc tươm tất, đi nhà thờ sáng Chúa nhật, v.v. Sau một thời gian, họ khám phá ra là có nhiều người thay đổi hành vi và cách cư xử nhưng không thay đổi từ bên trong. Do đó, họ có hai phạm trù sống: đạo và đời. Khi đi nhà thờ thì cư xử như người tin Chúa, khi về nhà hay ra đời thì cư xử như người không tin Chúa. Kế tiếp, các giáo sĩ chú trọng vào niềm tin (belief) của người tín hữu. Điều này có nghĩa là ngoài việc thay đổi hành vi và cách cư xử, họ phải biết những giáo lý về Chúa nữa (học giáo lý, thi đậu, nhận lễ báp-tem, gia nhập hội thánh). Điều này cũng tốt, nhưng sau một thời gian, nan đề lại tái xuất hiện: tín hữu sống theo hai phạm trù cách biệt nhau, đạo và đời. Điều này cho thấy tại sao ngày hôm nay, số người tự nhận là Cơ-đốc nhân ở nước Mỹ rất cao nhưng lối sống của họ không khác với người không tin Chúa là bao nhiêu. Họ có hành vi, cách cư xử, và niềm tin Cơ-đốc giáo, nhưng họ vẫn còn giữ nhân sinh quan cũ trước khi họ tin Chúa.

 

Cốt lõi bên trong —–> Bên trong —–> Bên ngoài  Nhân sinh quan   —–>     Niềm tin   —–> Hành vi, cư xử

 

Một hình ảnh để minh họa: Một tảng băng (iceberg) có một phần nhỏ nổi trên mặt biển, nhưng dưới mặt nước là một khối đá khổng lồ điều khiển phần nổi phía trên. Chúng ta thường hay tìm cách di chuyển phần trên, nhưng nếu không chú trọng đến nền tảng phía dưới, công khó chúng ta sẽ trở nên vô ích. Nếu không thay đổi được nhân sinh quan của người mới tin Chúa, chính họ sẽ không trở nên mạnh mẽ và qua đó, hội thánh không thể nào phát triển được.

 

Nhân sinh quan Cơ-đốc và tiến trình môn đồ hóa

 

Phần trên, chúng ta đã đề cập đến tầm quan trọng của việc thay đổi nhân sinh quan trong một tín hữu mới. Điều này cũng rất quan trọng trong tiến trình môn đồ hóa của hội thánh. Nếu hội thánh chỉ chú trọng vào hành vi, cách cư xử, hay niềm tin (thường được biểu lộ qua cách ăn nói, nói nhưng không làm) mà không quan tâm đến nhân sinh quan, hội thánh sẽ gặp nhiều nan đề và không phát triển được vì các tín hữu tuy theo Chúa nhưng vẫn suy nghĩ theo đời này. Khi mục sư nóng cháy công việc Chúa, sẽ có những người lãnh đạo không ủng hộ vì họ thấy khó, thấy khổ, thấy tốn tiền, thấy mệt, v.v. Có người tin Chúa mấy chục năm, nghe hàng trăm bài giảng về tha thứ, về tin cậy Chúa, nhưng khi đụng chạm với người khác thì nhất quyết “ăn thua đủ”, “không đội trời chung,” hay khi vừa mất việc thì khóc lóc thảm thiết, oán trách Chúa đủ điều. Có những người tin Chúa mấy chục năm nhưng không có khả năng giải thích cho người khác một cách đơn giản dễ hiểu về một vài giáo lý căn bản của Cơ-đốc giáo. Có người tin Chúa nhưng vẫn còn đi chùa (cho chắc ăn), coi bói, đánh bài, ăn nhậu, trai gái, mặc dù họ thừa biết Kinh thánh dạy không nên làm những việc đó. Các bạn trẻ hôm nay, tuy đi nhà thờ nhưng ăn nằm với nhau mà không kết hôn, bị nhiễm độc bởi những chủ nghĩa hiện đại như là chủ nghĩa tiêu thụ (hội thánh phải lo cho tôi, nếu không tôi sẽ đi nhà thờ khác), chủ nghĩa vật chất (nhà mới xe mới nhưng không có tiền dâng cho hội thánh), chủ nghĩa cá nhân (không muốn can dự vào nhóm nhỏ, không thân với ai trong hội thánh), chủ nghĩa hậu hiện đại (không có gì tuyệt đối), v.v. Tất cả những nan đề này phần lớn là do nhân sinh quan cũ bày tỏ qua lối sống mới của họ.

 

Trong Kinh thánh, Chúa Giê-su phán dạy nhiều điều gây kinh ngạc hay hiểu lầm vì Ngài muốn người nghe thấy sự khác biệt giữa niềm tin (hay nhân sinh quan) Cơ-đốc và tất cả các nhân sinh quan của loài người dựng nên. Ví dụ, Chúa nói, “Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính mạng sống mình, thì không thể nào làm môn đệ Ta” (Lu-ca 14:26). “Vì người nào muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, nhưng ai vì Ta và Phúc Âm mà mất mạng sẽ cứu được mạng mình” (Mác 8:35). “Vậy, ai nghe lời Ta dạy và làm theo, sẽ giống như một người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá ” (Ma-thi-ơ 7:24). Theo Chúa thì phải suy nghĩ như Chúa suy nghĩ, phải từ bỏ sự suy nghĩ trước kia để mặc lấy sự suy nghĩ mới, một nhân sinh quan mới từ Chúa.

 

Sứ đồ Phao-lô nói, “Vậy, vì anh chị em đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa, hãy bước đi trong Ngài. Hãy đâm rễ và xây nền trong Ngài, tăng cường đức tin như anh chị em đã được dạy dỗ, và chan chứa lời cảm tạ. Hãy cẩn thận, đừng để ai lường gạt mình với triết lý giả dối và rỗng tuếch dựa vào truyền thống của loài người, theo nguyên tắc của thế gian, chứ không theo Chúa Cứu Thế” (Cô-lô-se 2:6-8). Ông cũng nói với tín hữu thành Rô-ma, “Thưa anh chị em, vì thế tôi nài xin anh chị em, do lòng thương xót của Đức Chúa Trời, hãy dâng hiến chính mình như những sinh tế sống, thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng hợp lẽ của anh chị em. Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1-2). Sứ đồ Phao-lô khuyên đừng theo đời này (hãy từ bỏ nhân sinh quan cũ), nhưng hãy được biến hóa bởi tâm trí đổi mới (suy nghĩ cách khác, thay đổi nhân sinh quan).

 

Thay đổi nhân sinh quan khi truyền giáo và môn đồ hóa

 

Làm sao có thể thay đổi cốt lõi của một con người sau mấy chục năm họ đã theo “đường xưa lối cũ ?” Làm sao một con cái Chúa có thể thay đổi nhân sinh quan của họ được? Sứ đồ Phao-lô sử dụng từ “được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí,” hàm ý đây là công việc của Đức Thánh Linh khởi đầu trong một tín hữu. Đây là một tiến trình quan trọng nhưng phức tạp và hiện nay, các thần học gia Cơ-đốc đang chú trọng vào nan đề này. Các thần học gia nổi tiếng như là Ravi Zacharias, Albert Mohler, William Lane Craig, Paul Copan, Timothy Keller, D. A. Carson, R. C. Sproul đã viết sách và thường hay giảng luận về nhân sinh quan Cơ-đốc. Trong cuốn sách giáo khoa nổi tiếng Transforming Worldviews: An Anthropological Understanding of How People Change, Hiebert cho rằng có ba phương pháp để thay đổi nhân sinh quan: (1) nghiên cứu tìm hiểu chu đáo để biết rõ nhân sinh quan của chính mình là gì, (2) so sánh với nhân sinh quan Cơ-đốc, (3) tạo nên những thói quen mới để củng cố nhân sinh quan Cơ-đốc. Điều này tương tự như tháo máy của một chiếc xe ra từng bộ phận một, xem xét từng chi tiết, và thấy chỗ nào đang hư hay sắp hư thì thay vào bộ phận mới. Một cách thực tế, khi chúng ta xem việc thay đổi nhân sinh quan là quan trọng, trong bài giảng, bài học Kinh thánh, khi dạy cho các em, khi làm chứng về Chúa, chúng ta có thể chỉ ra tại sao chúng ta tin điều đó, điều đó có hợp với Kinh thánh không, cần phải thay đổi như thế nào, v.v. Ví dụ: Một thanh niên nọ hỏi mục sư, “Tại sao tôi phải tin Chúa thì mới được cưới một cô tín đồ, tại sao chúng tôi không thể cưới nhau và đạo ai nấy giữ?””Câu trả lời: “Con cái Chúa có nhân sinh quan Cơ-đốc thì nhìn mọi việc khác với một người không có nhân sinh quan đó. Chị sẽ thích đi nhà thờ, thích dâng hiến, thích học Kinh thánh, còn anh thì không. Nhân sinh quan khác nhau đưa đến suy nghĩ khác nhau, rồi đưa đến hành vi và lối sống khác nhau, làm sao hạnh phúc được?”

 

Đối với người Việt chúng ta, con cái Chúa cần nghiên cứu tìm hiểu chu đáo các nhân sinh quan Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo là tam giáo thấm nhuần tư tưởng và lối sống của đa số người Việt chúng ta. Khi chúng ta hiểu rõ điều họ tin, sự làm chứng sẽ có hiệu quả hơn và chúng ta sẽ tránh những lỗi lầm đáng tiếc hay những xung đột không cần thiết khi tiếp xúc với họ. Đối với thế hệ trẻ hôm nay, chúng ta sẽ không giữ được họ nếu không biết cách chuyển đổi nhân sinh quan của họ qua một nhân sinh quan Cơ-đốc. Các hội thánh Mỹ hôm nay đã khám phá rằng họ chỉ làm cho các em bận rộn hay chỉ chăm sóc (babysit) các em mà thôi, khi lớn lên các em sẽ đi theo nhân sinh quan phi Cơ-đốc vì chưa từng được dạy dỗ về nhân sinh quan Cơ-đốc bao giờ.

 

Kết luận

 

Nếu con cái Chúa có một nhân sinh quan Cơ-đốc, điều này có nghĩa gì? Họ sẽ suy nghĩ giống như Chúa, sẽ mạnh mẽ trong Chúa, sẽ dâng hiến thì giờ, tài năng, tài chánh cho công việc Chúa. Họ sẽ có hiệu năng hơn khi làm chứng về Chúa cho người khác. Họ sẽ thấy vương quốc Chúa thay vì chỉ thấy mình, hội thánh mình, gia đình mình. Họ sẽ can dự và ảnh hưởng xã hội chung quanh cho Chúa (là muối và ánh sáng). Họ sẽ biết cách bảo vệ niềm tin Cơ-đốc chống lại ảnh hưởng của tà giáo hay chủ nghĩa vô thần. Con cái của họ sẽ tiếp tục đi trong đường lối của Chúa khi chúng vào Đại học, khi đi xa hay khi lập gia đình. Chúng sẽ không bị nhiễm độc bởi những chủ nghĩa hiện đại dẫn đến tuyệt vọng, cô đơn, ích kỷ, tội lỗi, và xa cách Đức Chúa Trời. Chúng nó sẽ tiếp tục xây dựng hội thánh tương lai, trên nền tảng vững chắc mà thế hệ trước để lại cho chúng. Nền tảng đó chính là công việc bạn và tôi đang làm bây giờ, hôm nay.

 

Trong 100 năm kế tiếp, Tin Lành có còn được duy trì và phát triển giữa vòng người Việt chúng ta hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào một sự suy nghĩ mới, một đường hướng mới, một chương trình mới, một nhân sinh quan mới, đó là nhân sinh quan Cơ-đốc, đến từ Đức Chúa Trời.

 

Ghi chú: Kinh thánh trích dẫn từ Bản Dịch Mới 2002.

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn