Chiều. Cái nóng sa mạc vẫn còn hừng hực bốc lên, uốn cong ánh sáng gần mặt đất phía xa, tạo nên ảo ảnh. Người ta có cảm giác cuối tầm mắt không có cồn cát, không có núi đá, mà chỉ có một hồ nước mênh mông, màu xanh bạc, phẳng lặng. Bầu trời không một sợi mây, xanh ngăn ngắt, đặc quánh như mâm bánh đúc, tưởng như có thể cắt rời ra thành từng miếng được.
Đoàn lạc đà ba hàng dài dằng dặc, đến hút mắt. Ba con đi đầu đi chậm lại, cả đoàn dồn lên, rồi tẻ sang hai bên. Một lát sau, hai mặt trời, một ở trên đường chân trời, một ở dưới mặt hồ ảo ảnh kia chỉ còn le lói, rồi biến mất. Không khí nguội đi thật nhanh. Người ta bắt đầu bỏ khăn trùm đầu và cởi áo khoác. Ngồi trên lưng con lạc đà Ả Rập hai bướu là một cụ già tóc muối tiêu, và muối nhiều hơn tiêu, nhưng râu dài, bạc trắng, phất phơ trong gió chiều. Cụ dang hai tay ra như một vị tiên tri trong Cựu Ước:
– Shalom, chào bình yên! Nhị vị hiền đệ Balthasar và Gaspar khả ái! Chúng ta đã từ quê hương mình lên đường, đi theo ánh sao lạ, theo ánh lửa trong các sách tiên tri và theo ánh lửa từ trong trái tim mình nữa. Gặp nhau bên kia Biển Chết, chúng ta đã cùng chào thăm Herode, và đã triều yết Vua Do Thái hạ sinh ở Bethlem. Đêm qua, ngu huynh có một giấc mơ…
Gaspar, người thanh niên cao, to, vạm vỡ, khuôn mặt đỏ hồng, lơ thơ những ngọn lông măng, cởi áo choàng để lộ hai cánh tay trần rám nắng, cuồn cuộn những đường gân và bắp thịt. Anh giật giật giây cương, con lạc đà giống Ba Tư khuỵu hai chân trước, rồi nằm xuống trên cát. Anh bước xuống, hai bàn tay chắp lại như hình búp sen, quay mặt về phía ông già:
– Shalom! Lão huynh Melchior! Tạ ơn Đấng Tối Cao đã ban cho huynh trọn tuổi trời. Tuổi già là triều thiên vinh dự. Nhưng tuổi già cũng dễ gây mệt mỏi. Thưa nhị vị huynh trưởng! Chúng ta cắm trại nghỉ ngơi qua đêm ở đây được không? Tiểu đệ cũng muốn kể giấc mơ của mình đêm qua…
Balthasar, tuổi trung niên, người Ai Cập, da ngăm đen, hai con mắt thăm thẳm như đêm sông Nile huyền bí, đã xuống khỏi lạc đà từ lâu. Ông cùng với Gaspar đỡ Melchior xuống:
– Shalom! Nguyện xin Đấng Toàn Năng gìn giữ nhị vị huynh đệ như gìn giữ con ngươi trong mắt Ngài. Lạ thật! Từ lâu rồi, kẻ hèn này có chiêm bao bao giờ, thế mà đêm qua cũng nằm mơ…
Melchior dụi mắt:
– Xin tạ ơn trời đất và cảm ơn hai hiền đệ vì cuộc hạnh ngộ này. Nhưng ngu huynh già rồi, lú lẫn rồi. Trước đây, ngu huynh đã mấy mươi năm trời chạy theo những ngôi sao trên sa mạc, đã từng tra hỏi đời sống của hòn cuội, viên đá, đã bắt cồn cát, núi non nói lên tuổi tác của mình, thế mà giờ đây tuổi già lấy đi hết: sức lực, trí nhớ…, ngu huynh vừa tự hỏi: đây là đâu?
Balthasar gọi lớn tiếng:
– David! David!
Tiếng ông bị sa mạc nuốt chửng. Thế mà một thanh niên chạy đến, nhanh như một tia chớp:
– Dạ thưa! Ông chủ!
Vì Balthasar là ông chủ. Cái tên David, với cái mái tóc vàng hoe dợn sóng ấy, cái mũi dọc dừa ấy, cái cằm chẻ đầy suy tư ấy, cái màu mắt hạt dẻ đam mê cuồng nhiệt ấy, chỉ nhìn thoáng qua, người ta có thể biết ngay đó là một chàng trai người Israel.
Bốn năm trước đây, khi còn là một thiếu niên mười bảy tuổi đầu, David đã một mình chiến đấu tay đôi hằng giờ với viên đội trưởng bách binh Roma khi hắn ức hiếp vị kinh sư, và xúc phạm tới kinh Talmud ở hội đường Jericho, quê nhà của David. Anh đã đánh cho hắn bị thương nặng, thừa sống thiếu chết, tơi tả như một chiếc khăn lông cừu rách. Nhưng quân Roma ập đến, anh bị bắt cùng với vị kinh sư. Những tưởng bọn chúng ném đá anh ngay tại chỗ, nhưng chính viên đội trưởng bách binh đã can thiệp để cho thầy trò anh thoát chết, vì danh dự của một sĩ quan Roma và vì hắn khâm phục và kính trọng sự chiến đấu dũng mãnh, khôn khéo, dẻo dai và can trường của anh. Tội chết được tha, nhưng tội sống thì phải xét lại. Không thuyết phục được anh tham gia quân đội Roma, chúng bắt anh đem sang Alexandrie bán làm nô lệ. Balthasar đã mua anh với giá năm mươi lạng bạc.
– Đây là đâu? David!
– Thưa ông chủ! Ngài đã rời Palestine hai ngày đường, đi về hướng nam, như vậy Ngài đang ở trong sa mạc Sinai.
(David không dám dùng từ chúng ta vì sợ bất kính với người chủ từng đối xử rất tử tế với anh, và nhất là ông còn là thân phụ của Esther, cô tiểu chủ mà anh yêu thương, quý mến và ngưỡng mộ nhất trên đời này nhưng trong tuyệt vọng, vì dù sao anh cũng đang mang thân phận nô lệ)
Melchior lẩm bẩm:
– Sinai, Sinai ư? Có phải đây là sa mạc mà cách nay hơn một thiên niên kỷ, dân Israel đã lang thang bốn mươi năm khi ra khỏi Ai Cập không? Có phải nơi đây có núi Sinai là nơi mà Yahve ban Thập giới, ký giao ước với dân riêng của Ngài không? Vậy là chúng ta đóng trại nơi tổ tiên người Israel đã đóng trại. Họ đã ăn Manna và chim cút rừng ở đây. Chúng ta đã đặt chân trên dấu chân mà nhà đại tiên tri Mose đã rong ruổi bốn mươi năm trường. Có phải vậy không? Chư hiền đệ khả ái! Chúng ta còn ngần ngại gì mà không nghỉ qua đêm ở đây?!
Lệnh đóng trại được ban bố. Sa mạc rộn lên, ồn ào như ong vỡ tổ. Những bó đuốc cùng với những đống lửa trại được đốt lên. Với những động tác thuần thục của dân du mục, trong khoảng thời gian nướng chín một mẻ bánh, các lều trại được dựng xong. Ba lều giành cho ba vị đạo sĩ (họ chính là ba vị đạo sĩ đã đến thờ lạy Chúa Hài Đồng trong máng cỏ Bethlem) ở giữa, rộng và cao sừng sững, các lều của gia nhân và bọn nô lệ vây quanh, rồi đền các trại súc vật và những chốt bảo vệ.
Đêm xuống. Gió sa mạc khô, hanh chẳng mấy chốc trở lạnh ghê gớm.
Balthasar đặt một tay lên ngực quay mặt về phía Melchior, tay kia ngửa lên, đưa về phía Gaspar. Động tác của ông vừa trang trọng, vừa cung kính, vừa thân tình:
– Nhị vị huynh đệ có cho phép Balthasar quê mùa này được tiếp đón và mời nhị vị dùng bữa trong lều của mình không?
Họ vào trong lều của Balthasar, nằm nghiêng trên những tấm da dê, dựa người vào những chiếc gối dồn lông cừu. Giữa họ, một bình trầm hương được đốt lên, hương thơm ngào ngạt. Đám người phục vụ cùng con ăn kẻ ở ra vào tấp nập. David đứng hầu hạ ba vị đạo sĩ, và Esther, ái nữ của Balthasar, ngồi dưới chân ông, người con gái đẹp nhất, xinh nhất, duyên dáng nhất, lộng lẫy nhất trong lòng anh và trong đoàn người.
Ba đạo sĩ kể cho nhau giấc mơ của mỗi người. Thì ra cả ba đều mơ cùng một giấc mơ, cùng được báo mộng “hãy đi con đường khác mà về quê quán”.
Melchior nói:
– Nhị vị hiền đệ có nhớ không lời ca trên trời đêm ấy: “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”? Ngu huynh xác tín rằng mình đã tìm thấy bình an từ nơi máng cỏ, bình an không ai lấy đi được, bình an của sự giải phóng con người khỏi mọi quyền lực tối tăm muốn ăn tươi nuốt sống con người, bình an của sức mạnh thần thiêng làm cho ta không còn lo âu, sợ hãi bóng tối của sự dữ, sự tội, và kể cả sự chết nữa… Sự bình an này trả lại cho ta tự do của con cái Đấng Tối Cao, nhưng lại làm ta không còn an tâm, bình chân như vại được, mà khiến lòng ta đau đáu, ray rứt, thao thức khôn nguôi trên nẻo về của kiếp nhân sinh.
Niềm vui bừng sáng trên khuôn mặt của Gaspar:
– Tạ ơn Đấng Tối Cao, và cám ơn lão huynh đã nói thay đúng những điều tiểu đệ đã nghĩ mà không nói ra thành lời được.
Rồi Gaspar quay sang Balthasar:
– Hiền huynh khả kính! Tiểu đệ có được vinh dự nghe những lời vàng ngọc từ kim khẩu của hiền huynh không?
– Tại hạ xin được chia sẻ. Cả ba chúng ta đã được mộng báo: “hãy đi con đường khác mà về quê quán”. Chúng ta đã từ bỏ con đường bên kia Biển Chết, đã đi con đường khác, đường vào sa mạc. Nhưng theo ngu ý, con đường khác còn có nghĩa là một cách nhìn khác, một suy tư khác, một thái độ khác, một cách hành xử khác, một lối sống khác… Tại hạ cảm thấy mình không sao còn có thể làm trái với những tiếng nói thần thiêng trong lòng mình. Xin nhị vị huynh đệ vui lòng lắng nghe.
Nhị vị còn nhớ lúc ở hang đá Bethlem không? Khi dâng lễ vật cho lên vua dân Do Thái mới hạ sinh, trên cái khay bạc của tại hạ, hiền huynh Melchior đã đặt lên đó bao nhiêu là vàng. Không phải hiền huynh muốn dâng vàng để suy tôn vương quyền của hài nhi mới sinh đó sao? Còn hiền đệ Gaspar đã dâng nhũ hương. Chắc hẳn hiền đệ tin rằng con trẻ trong máng cỏ nghèo hèn ấy sẽ là vị tư tế đầy uy quyền, thánh thiện và khôn ngoan, sẽ làm đẹp lòng Chúa Các Đạo Binh, phải không? Còn tại hạ, tại sao tại hạ dâng Ngài mộc dược nhỉ? Ai cũng biết đó là loại dược liệu quý giá, nhưng để tẩm liệm người chết kia mà. Hay là có phải vị vua dân Do Thái kia sẽ cho đi, hiến tế chính bản thân Ngài thay cho toàn dân. Có phải Ngài là Vua của tất cả muôn vua, là tư tế tối cao của mọi tư tế, là hy lễ của mọi hy lễ… Có phải Ngài sẽ trải qua cái chết nhưng lại bất tử không? Tại hạ suy tư lung lắm mà không sao hiểu nổi. Nhưng có một điều chắc chắn là bất cứ ai đã gặp Ngài, đã chạm đến Ngài thì như một mũi tên đã bắn đi, hoặc trúng đích hoặc rơi trong bụi gai. Hay như người cỡi trên lưng cọp, không thể ngủ mê được nữa. Hoặc là hắn ta sẽ vấp ngã vì Ngài, hoặc là hắn sẽ trở nên con cái thần linh. Không thể nửa vời, dở dở ương ương, cuộc đời hắn sẽ quay ngoắt một nửa vòng tròn…
Nhị vị chắc không quên tại hạ đã tái mét mặt đi, muốn chui xuống đất vì xấu hổ không? Xấu hổ với Hài Nhi trong máng cỏ, xấu hổ với thân phụ, thân mẫu Ngài, xấu hổ với nhị vị huynh đệ, xấu hổ với chính mình. Ai đời một kẻ suốt đời say mê cái đẹp, từng mê mẩn với một ánh sao lạ, từng ngây ngất với một tia nắng cuối ngày, từng thổn thức với một câu thơ hay, từng đắm đuối với bài hát mục đồng nơi thôn dã…, thế mà lại để lễ vật trên một chiếc mâm cũ, dâng lên đấng quân vương mà không một miếng vải đậy lên…
Gaspar cướp lời:
– Có, có mà. Tiểu đệ còn nhìn ra đó là tấm khăn lụa của đám khách thương Hoa Hạ nữa kia.
Melchior cười, rung rinh hàng râu bạc:
– Quả là Gaspar hiền đệ có con mắt tinh đời. Đó là tấm khăn xuất xứ từ Đông Á, nhưng theo ngu ý, đó là tấm khăn có nguồn gốc Âu Lạc. Huynh đã kịp nhìn ra hình những con chim Lạc bay, thêu quanh viền khăn.
Balthasar nói tiếp:
– Đúng vậy. Đó là một câu chuyện dài. Xin nhị vị huynh đệ rộng lượng nghe câu chuyện cuộc đời của tại hạ:
Thuở còn hàn vi, tại hạ đem lòng yêu thương Miriam, con gái cưng độc nhất của vị Magi, thầy mình. Một vị tiểu vương muốn cưới Miriam cho con trai mình, hứa tặng cho ông năm trăm con lạc đà, chưa kể vàng bạc, châu báu làm sính lễ. Ông hỏi ý kiến con gái. Đó là chuyện lạ, vì thời đó, có ai lại đi hỏi con gái về chuyện cưới xin cơ chứ! Nàng không đồng ý. Nàng thưa với ông nàng trót yêu tại hạ. Chuyện sau đó còn lạ hơn: ông từ chối vị tiểu vương cùng với núi tài sản kếch xù của hắn, để gả con cho tại hạ, một bạch diện thư sinh, một bạch đinh chân trắng…
Melchior hỏi:
– Có phải dòng chữ thêu trên khăn là: “chàng đi đâu thiếp theo đó, chàng ở đâu thiếp ở đó, dân của chàng là dân thiếp, Thượng Đế của chàng là Thượng Đế của thiếp. Chàng chết ở đâu thiếp chết ở đó” không? Có phải câu ấy trích trong sách Ruth không?
– Vâng! Đó là chiếc khăn cùng với dòng chữ Miriam thêu tặng cho đệ. Khi sinh con, nàng vượt cạn không nổi. Nàng về yên nghỉ cùng cha nàng. Đệ chôn nàng cùng với trái tim mình. Đệ không yêu được người phụ nữ nào nữa, nên ở vậy nuôi con, lấy tương lai con gái làm lẽ sống cho mình… Khi Esther trở thành thiếu nữ, nhân ngày làm lễ cài trâm cho nó, đệ đã tặng cho nó chiếc khăn thêu của mẹ nó. Sau này nó thêu thêm câu: “bếp lửa của chàng là bếp lửa của thiếp” (mà nhị vị huynh đệ đã tận mắt nhìn thấy trong hang đá Bethlem) rồi tặng cho David. Rồi David lấy đậy lên lễ vật của ba chúng ta, dâng cho Hài Nhi trong máng cỏ…
Sự việc xảy ra đan quyện vào nhau, nối kết với nhau một cách nhiệm lạ, như là có sự can thiệp của bàn tay Thần Linh, khiến cho tại hạ đi đến một quyết định mang tính định mệnh mà tại hạ không thể cưỡng lại được. Việc đó, tại hạ thực hiện ngay bây giờ đây.
Balthasar gọi người quản gia người Ai Cập của ông:
– Ismael! Hãy làm theo lệnh của ta! Ta trả tự do cho David. Hãy rửa chân cho cậu, Hãy xức dầu thơm, hãy thay áo mới và xỏ giày mới cho cậu, hãy đeo nhẫn cho cậu, vì từ giây phút này, David là người tự do. Và…
Ismael dẫn David ra ngoài. Lúc trở lại, David đã lột xác thành một con người mới, con người tự do, một chàng trai sạch sẽ, thơm tho, quý phái, đẹp như một pho tượng cổ Hy Lạp. Anh quỳ dưới chân Balthasar. Ông ôm hôn anh, rồi nói chậm rãi, trầm, ấm, thiết tha:
– Nhị vị huynh đệ đây chứng giám cho. David! Ta trả tự do cho con. Ta tặng con toàn bộ cơ nghiệp của ta: lãnh địa, gia súc để con làm cho chúng sinh sôi nảy nở hơn nữa, sau này sẽ có việc phải dùng đến. Ta tặng con tất cả bọn nô lệ của ta. Như ta trả lại tự do cho con, con cũng thay ta trả lại tự do cho họ. Hãy giúp đỡ họ để họ sống xứng đáng phẩm giá con người. Ta tặng con tất cả sách vở của ta, đó là kho tàng khôn ngoan của nhân loại, con hãy đọc, suy gẫm, rồi đem ra thực hành. Ta tặng con chiếc ấn ngọc này là gia huy của ta, từ nay con sẽ là chủ nhân của mọi người, mọi vật trong nhà ta. Và ta tặng con viên ngọc quý giá nhất đời ta, ta yêu quý nó còn hơn cả bản thân ta… Đó là…
Một giọt nước mắt long lanh trong mắt ông. Ông nói tiếp trong nghẹn ngào:
– Đúng vậy! Phải! Ta tặng cho con viên ngọc quý giá nhất đời ta. Đó là Esther, con gái ta. Nó sẽ là vợ con. Hãy yêu thương nó như ta yêu thương.
David buột miệng:
– Thưa ông chủ!
– Đến bây giờ mà con vẫn còn gọi ta là ông chủ ư? Con không gọi ta được một tiếng “cha” hay sao?
David gục mặt vào vòng tay ông, thổn thức:
– Vâng, tạ ơn Chúa, qua tay cha, đã ban cho con ơn phước tràn đầy hơn cả lòng con dám ước mơ. Vâng, vâng, cha ơi, cha ơi! Con sẽ làm như lời cha.
Balthasar đặt tay lên đầu David:
– Ta chúc phúc cho con nhân danh Đấng Tối Cao. Từ nay, con là con ta. Con sẽ được gọi là David ben Balthasar (David con của Balthasar). Con hãy là hiện thân của ta. Hãy tin tưởng, suy tư và hành động theo Thiên Ý… Còn ta, ta sẽ quay trở lại Palestine, ta sẽ giành những tháng năm còn lại của đời ta, dõi theo từng bước chân của Hài Nhi vua dân Do Thái vừa hạ sinh.
Chàng trai đã cám ơn ông bằng nước mắt đầm đìa.
Đêm ấy, ngồi dựa lưng nhau ở cửa lều, Esther hỏi David về chiếc khăn thêu. Anh muốn nói cho nàng biết là anh quý nó nhất trên đời vì nó vừa là kỷ vật, vừa là thông điệp tình yêu nàng dành cho anh; đồng thời anh cũng thỏa lòng khi được dâng tấm khăn thêu ấy cho Chúa Hài đồng như thế nào. Anh chưa biết nói sao cho nàng hiểu lòng anh, chia ngọt sẻ bùi với anh, thì nàng đã thỏ thẻ bên tai anh:
– Đó là chiếc khăn trước đây là của em, rồi là của anh, rồi là của Chúa. Cũng như anh thuộc về em, em thuộc về anh, và chúng ta thuộc về Chúa.
Họ nhìn ra ngoài kia, ánh trăng thượng tuần rơi vãi tung tóe trên sa mạc, long lanh như những mảnh thủy tinh vỡ.
ngulãonhân