VỠ NỢ
Chẳng biết tự đời nào người Việt Nam hễ cuối năm là “tính lại sổ đời.” Từ những món nợ nhỏ như lon gạo, lít dầu đến những món nợ to, làm ăn lớn, vay mượn đều phải thanh toán nốt trong ngày cuối năm. Vì theo lệ ông bà, nếu cuối năm mà còn nợ thì năm sau sẽ mang nợ suốt năm “không ngóc đầu lên nổi.” Người thiếu nợ sợ nhất là những ngày cuối năm, đó là những ngày chủ nợ lùng sục, truy tìm những con nợ bằng đủ mọi cách, mọi thủ đoạn, tùy vào số nợ nhiều hay ít, những người thiếu nợ của bọn chuyên cho vay đầu gấu thì những ngày cuối năm chẳng khác chi ngày tận thế.
Có một gã đàn ông vừa đi vừa lẩm bẩm: Còn ba ngày nữa đến tết!
Hắn héo hắt từng ngày, thân hình hắn gầy sút đi từ mấy tháng nay, kể từ khi hắn vỡ nợ. Những ngày nầy trông hắn càng thảm hại hơn, râu ria hắn bờm xờm trông thật man rợ, mắt đờ đẫn mệt mỏi, miệng đắng chát ngắt, không có lấy điếu thuốc. Đã lâu rồi hắn sống lầm lũi, đi lầm lũi, lúc nào hắn cũng có cảm giác như chủ nợ đang đi sau lưng hắn, hắn sợ hãi bước đi càng nhanh hơn. Hắn lại cảm thấy không ổn, hình như những người trước mặt đang đi tới có chủ nợ hắn, hắn vội kéo thấp chiếc nón rộng vành xuống kín cả trán. Hắn chỉ còn nhìn thấy khoảng không gian dưới đất, và cứ thế hắn băng qua từng khoảng đường phố đang tấp nập huyên náo của phiên chợ tết, hắn không còn màng đến những thứ mà xưa kia hắn rất yêu thích, cả một con đường dài đầy ấp Lan, Huệ, Cúc, Đào… đủ các sắc màu rực rỡ, phô trương một sức sống mạnh mẽ lạ thường mà hắn không tài nào lý giải nỗi về sự hiện hữu độc đáo của chúng.
Chiếc xe phía trước thắng khựng ngay trước chân hắn, tiếng kèn xe bin, bin tự nãy giờ hắn không hay cũng không thấy, tim hắn đập loạn xạ không dám nhìn lên, hắn thầm nghĩ lẽ nào tay chủ nợ săn hắn đến thế ư? Hắn vẫn không dám ngẫng đầu lên vì hắn sợ lắm, hắn sợ ánh mắt giận dữ của ông chủ nợ như sẵn sàng thiêu rụi hắn.
- Muốn chết hả ông nội?
Tiếng ai lạ quá, hắn thầm hỏi rồi kéo nhít cái nón lên một tí. Khuôn mặt lạ hoắc nhìn hắn lừ lừ:
- Muốn tự tử thì xuống sông kìa, ba bữa nầy mà ra đường không nhìn xe cộ!
Hắn hú hồn, không phải chủ nợ! Hắn thở phào nhẹ nhõm rồi kéo chiếc nón xuống đi tiếp. Hắn tranh thủ đi thật nhanh về nhà. Đối với hắn những ngày nầy xuất hiện ngoài đường là một việc làm hết sức táo bạo, hết sức liều lĩnh, hết sức nguy hiểm. Hắn cảm giác hắn sẽ chết mất nếu hắn rơi vào tay chủ nợ trong lúc nầy. Hắn đâu có ngờ mới đây thôi không đầy một một phút gã lái xe kia cũng run rẩy suýt đứng tim vì nếu chiếc xe thắng không chính xác một chút thôi thì bánh xe đã nghiếng hắn tan xác rồi…
Hắn mừng thầm vì đã về đến nhà, căn nhà đã vắng lặng như miếu hoang, hai đứa con bé bỏng thân yêu đã được hắn đưa “về ngoại ăn tết cho vui.” Hắn đã nói với mẹ vợ như thế để vợ, con bình tâm ăn ba ngày tết, kỳ thực hắn sợ tuổi thơ trong sáng của con hắn bị tổn thương nếu chúng chứng kiến cảnh người ta truy hắn đòi nợ. Hắn cũng thương cho người vợ hiền lành nhu mì, hắn sợ nàng bị liên lụy nếu ở bên cạnh hắn.
Có tiếng xe ngoài ngõ, tim hắn đập nhanh, hắn vào nhà rồi lòn tay ra cái lổ hỏng bóp ổ khóa ngoài, hắn làm thế để người ta nghĩ hắn vắng nhà. Hắn chui vào nhà, căn nhà đóng cửa tối om chỉ còn lại những vệt sáng lờ mờ trên nóc do khoảng trống trên mái nhà xuyên qua. Hắn ngã lưng xuống giường kê tay gối đầu mắt đăm chiêu nhìn lên hàng kèo trên nóc nhà, bất giác hắn rùng mình…những chiếc đốt tre có những con mắt đang lừ lừ nhìn hắn, hắn hoa mắt, cái mắt tre của cây kèo nhà bỗng biến thành con mắt ông chủ nợ… rồi hai con mắt…ba con mắt…hắn đếm tiếp… Hắn sợ hãi trăm ngàn ánh mắt trên mái nhà đang chăm chú nhìn hắn, hắn thấy mình khó trốn thoát, hắn cảm thấy mất an toàn, hắn bò dậy và chui vào tủ, hắn cần một nơi không ai nhìn ra hắn. Chiếc tủ khá rộng, hắn nằm co người và hắn nghĩ đến “những con chim ẩn mình chờ chết.”
Đêm xuống căn nhà trở nên tối mịt và trong tủ càng tối hơn, hắn mệt mỏi ngũ thiếp đi trong tâm trạng cô đơn tuyệt vọng, không lối thoát, không niềm tin, không có gì để bám víu, không có gì để hy vọng…
Chẳng biết đã mấy giờ rồi, hắn nghe tiếng nói lao xao ngoài đường, tiếng xe cộ rộn ràng, tiếng hát những khúc nhạc xuân từ hàng xóm làm lòng hắn thấy nao-nao… “Xuân đến rồi, xuân vẫn mơ màng…”
Cuộc đời vẫn cứ xoay theo một quỹ đạo hài hòa hết thu đông rồi không mời xuân vẫn đến, hắn nhớ đến lời thơ của Chế Lan Viên:
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Vui chi mà đến cái xuân sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
Chẳng biết ngày ấy Chế Lan Viên đã rơi vào tình trạng nào mà viết nên những câu thê lương đó để hắn gặm nhấm trong hoàn cảnh nầy. Hắn nhận ra trong hắn một khát khao cháy bỏng, một xã hội có những người yêu thương nhau, sống với nhau bằng lòng độ lượng bao dung, không có cảnh con người đẩy con người vào bước đường cùng như thế nầy, rồi hắn lại tự nói với chính mình, “Biết tìm nơi đâu một thế giới hoàn mỹ như thế giữa cuộc đời đầy dẫy cạnh tranh nầy?”
Hắn cố ngồi dậy nhưng không tài nào được cả, người hắn cuốn tròn tê cứng, hắn cố nhút nhít cái chân cảm giác tê thốn chạy rần rần trong người làm hắn khó chịu rên nhẹ. Ngoài cửa có tiếng đàn ông quát lớn:
- Thằng cha nầy đi đâu mà đóng cửa hoài vậy?
Có người trả lời :
- Không biết nữa. Đóng cửa hai ngày rồi.
Gã đàn ông nghiến răng quay sang hai tên tùy tùng lực lưỡng mặc áo phạch ngực khoe con đại bàng to tướng:
- Hai thằng bây ở đây canh tóm cổ nó về tao xử.
Hắn rụng rời, ôi tiếng của ông chủ nợ! Hắn nín cả thở, hắn sợ tiếng thở của hắn chui qua tủ, bò ra cửa và tố giác với tên ấy rằng hắn đang trốn trong tủ, người hắn nóng rang nhưng tay chân hắn run lên bần bật, hắn nhớ đến báo chí đăng những tin cắt tai, thẻo da vì trả nợ không đúng hạn. Đầu óc hắn xoay tít, hắn chịu trận như thế không dám ra khỏi tủ mặt dù rất khát và rất đói, hắn thấy toàn thân hắn bắt đầu mềm nhũn ra như đang tan chảy và hắn chẳng còn cảm giác gì nữa cả…
Mùng một tết… Hắn chẳng hay gì cả, trẻ em, người lớn đã chỉnh tề áo mới, họ đang chúc nhau an khang thịnh vượng nhưng hắn chẳng nghe được gì nữa. Ngoài cửa vợ hắn ngồi chờ mấy giờ đồng hồ nhưng hắn nào có hay. Tội nghiệp vợ hắn còn rất trẻ, rất đẹp nhưng nét mặt chị buồn rũ rượi, chị mang thức ăn về cho hắn, chị rất yêu quí chồng vì anh là người đàn ông mẫu mực yêu thương vợ con không có ai sánh bằng, chị hiểu công việc làm ăn của anh thua lỗ và anh đã tự xoay xở không thở than, không gieo cho chị gánh nặng để chị bình tâm dạy dỗ chăm sóc con cái. Nhưng chị hiểu hết, chị hiểu từng ánh mắt trầm tư sâu lắng của anh.Chị hiểu vì sao anh đưa chị và con về nhà ngoại, càng hiểu rõ chị càng thấy thương anh nhiều hơn.
Chị lặng người khi nghe tiếng ho của anh nho nhỏ từng trong nhà vọng ra, chị áp tay vào cửa nghe ngóng, lại một tràng ho nữa…
Chị gõ cửa nhè nhẹ.
- Mình ơi!
Không có tiếng trả lời. Chị gọi thêm lần nữa, rồi lần nữa…vẫn không có tiếng trả lời. Chị bắt đầu sợ. Chị đập mạnh cửa. Những người láng giềng giúp chị phá ổ khóa cửa, chị chạy vội vào nhà nhưng tìm không thấy anh. Chị thất vọng ngồi bệch xuống chân giường, trước mặt chị đôi dép của anh bên cạnh tủ áo, chị giật mạnh cánh cửa tủ mở tung, chị nhìn thấy anh, chị ôm chầm lấy anh.
- Mình ơi! Mình ơi!
Anh nằm cuốn tròn bất động, người đầm đìa mồ hôi nóng như lửa đốt.
Người ta khiêng anh ra, anh không hề hay biết, họ mang anh lên xe cứu thương. Chiếc xe chở anh đi loanh quanh qua nhiều con đường, xuyên qua khu chợ, tiếng còi cấp cứu rền vang một góc trời nhưng anh thì đang trôi lơ lững trên những cụm mây bàng bạc bềnh bồng… giữa khoảng trời bao la chỉ có một mình anh và cứ thế mà trôi mãi, trôi mãi không còn biết sợ nợ là gì nữa…
Sau hai ngày trong phòng hồi sức anh đã tỉnh lại. Anh không biết nên vui hay buồn khi nhận ra mình vẫn còn tồn tại trong cuộc đời nầy. Nhưng có một điều mà cả vợ chồng anh đều nhận ra được đó là có một sự ân cần động viên lạ lùng của người bạn nằm chung phòng bệnh. Người bạn đó không bà con ruột rà gì với anh chị cả, nhưng cả gia đình của họ đã cùng nhau ân cần giúp đỡ anh chị trong những ngày anh nằm viện. Anh chị tìm được thứ ấm áp của tình người mà anh chị cứ ngỡ thứ tình ấy đã bị diệt vong trên đất. Trái với cái thế giới mà anh chị đã phải sống, đã phải chịu đựng là sát phạt nhau, hơn thua nhau, bóc lột nhau. Trong thế giới đó, người hiền lành chịu đủ mọi thứ thiệt thòi, họ đã rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng và không còn dám ước mơ tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhưng qua những ngày định mệnh đã xui cho anh chị gặp gỡ họ và họ đã mang đến cho anh chị một niềm an ủi mà chưa bao giờ anh chị được nghe nói đến. Anh chị có cảm giác như mình vừa khám phá ra một thế giới mới. Người bạn Cơ Đốc nhìn anh chị và khiêm tốn nói:
- Chúng tôi yêu anh chị, vì Chúa đã yêu chúng tôi trước, chúng tôi chỉ chia sẻ lại tình yêu lớn lao mà chính Chúa Cứu Thế Giê-su đã ban cho chúng ta.
Rồi anh tín hữu Cơ Đốc tặng cho người bạn mới mấy quyển sách nhỏ và một tờ báo.
- Những quyển sách nầy sẽ chỉ cho anh chị thấy rõ hướng đi của cuộc đời!
Trong tâm trạng của người về từ cõi chết người đàn ông Vỡ Nợ, nhờ những trang báo, đã tìm ra được cho mình một hướng đi mới trong cuộc đời ấy là “nỗi khốn khổ tuyệt vọng chỉ là tạm thời, còn phía trước là một đời sống vĩnh hằng, có một Đấng công bình đang chờ đợi.” Và qua tờ báo đó người đàn ông Vỡ Nợ cũng hiểu ra được rằng trong cộng đồng của người Cơ Đốc, người giàu kẻ nghèo đều có lòng yêu thương tương trợ lẫn nhau, những con người nghèo khó không nhà được yêu thương một cách thiết thực bằng những mái nhà được trao tặng do những người cùng niềm tin nhưng chẳng hề biết mặt mũi nhau. Họ cảm thương nhau qua tình yêu thiêng liêng từ Chúa.
Ngày xuất viện, người đàn ông Vỡ Nợ nói:
- Anh bạn Cơ Đốc thân mến, xin anh vui lòng giúp tôi được làm con của Chúa giống như anh.
Người bạn Cơ Đốc hân hoan.
- Tôi rất sẵn sàng hướng dẫn anh, xin anh hãy quỳ xuống và cầu nguyện giống như tôi!” …”Lạy Chúa Cứu Thế Giê-su. Con biết con là người có tội. Nhưng Chúa vẫn thương con, đến thế gian tìm con, ban cho con sự sống và niềm hy vọng. Con tạ ơn Chúa. Con tin cậy Ngài…Con tin Chúa là Đấng duy nhất cứu rỗi linh hồn và đời sống của con… Xin tha tội cho con… Xin nhận con làm con của Ngài…
TUYẾT MAI