Thứ Tư , 23 Tháng Mười 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / SỐ PHẬN CỦA NGƯỜI KHÔNG TIN CHÚA

SỐ PHẬN CỦA NGƯỜI KHÔNG TIN CHÚA

CẦN BIẾT SỐ PHẬN CỦA NGƯỜI KHÔNG TIN CHÚA

MICHIGAN

(Mục sư Nguyễn Văn Huệ đến thăm một gia đình ở Michigan. Tháng 6/2015)

Chúng ta có nhiều lý do để tham gia cứu người hư mất. Người đó là cha mẹ anh chị em ruột thịt của chúng ta. Người đó mang dòng họ gia đình như chúng ta. Người đó nói cùng một thứ tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ với chúng ta. Họ là người, họ có linh hồn và họ có số phận đời đời. Số phận một người được quyết định khi người đó còn sống.

 

Tình trạng hư mất của tội nhân

Ngày nay nhiều người khó chấp nhận giáo lý về sự hình phạt đời đời. Giáo lý nầy trở nên khó giải thích và dễ gây vấp phạm đối với người chưa tin Chúa nhất là nếu nói rằng những người chưa hề nghe nói đến Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-su cũng đều bị hư mất. Có người hỏi về tình trạng của ông bà chúng ta thể nào trước khi đạo Chúa truyền đến Việt Nam? Số phận của các dân tộc Á Đông chỉ biết có các tôn giáo khác với Cơ-đốc Giáo sẽ như thế nào?

 

Có 3 câu hỏi liên quan: Con người bị mất hay không bị mất? Nếu bị mất người đó chỉ bị mất tạm thời hay mất vĩnh viễn? Nếu người đó biết mình bị mất sau khi chết, người đó có còn cơ hội nào không? Hỏi thì dễ nhưng trả lời thì khó.

 

Thật ra, con người không có câu trả lời và cũng không có khả năng tìm được câu trả lời. Là người sinh ra và chết trong cõi thời gian, con người không hề biết về sự vĩnh cửu. Lớn lên và sinh hoạt trên mặt đất con người không biết được thiên đàng hay hỏa ngục nếu Chúa không cho biết có hai nơi đó. Không ai có thể suy đoán, không ai có thể lập ra tín lý cho mình về số phận của linh hồn.

 

Con người có bị mất không? Kinh Thánh cho biết con người đang bị hư mất. Tất cả mọi người đều bị mất. Từ người Do Thái đến các dân ngoại, từ người Mỹ cho đến người Việt, tất cả mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23). Mọi người là con thạnh nộ (Ê-phê-sô 2:3); mọi người đều bị định tội (Rô-ma 3:9); Mọi người đều phải chết một lần (Rô-ma 5:12, Hêb 9:27). Những người được xã hội kính trọng như ông Ni-cô-đem, như ông Cọt-nây–tất cả đều hư mất và cần được Chúa cứu rỗi (Giăng 3:3; Công vụ 11:13-14).

 

Mất có nghĩa gì? Kinh Thánh mô tả tình trạng bị mất của con người. Con người do Chúa dựng nên và chúng ta được dựng nên vì Chúa. Chúa có dự dịnh ban hạnh phúc mãi cho con người khi họ giữ mối giao thông với chính mình Ngài mãi mãi. Nhưng con người đã không vâng lời Chúa. Dầu biết rõ hậu quả của việc không vâng lời Chúa, A-đam đã ăn trái cấm Chúa truyền không được phép ăn. Ngay lập tức, tội lỗi đã nhập lòng người và Đức Chúa Trời không còn giao thông với loài người nữa. Kể từ đó loài người đã đi lang thang trên khắp nẻo đường đời không định hướng. Mất là mất liên lạc.

 

Dầu con người đã lần lượt đạt đến những đỉnh cao của văn minh nhân loại, đã phát triển những đế quốc, lập những cường quốc, đã chinh phục không gian như lên tới cung trăng, đã chinh phục thế giới như đi khắp các đại dương, đã xuyên qua sa mạc, đã lặn xuống đáy biển, đã xây dựng những công trình, những trướng học, những thành phố lớn, đã sáng chế những phương tiên đi lại như xe đạp, xe hơi, xe lửa, máy bay, hoả tiển, đã viết sách, đã xuất bản, đã không ngừng tiến lên trong các phương tiện truyền thông, như phim ảnh, như internet toàn cầu, điện thoại cầm tay…sáng chế những máy móc tiêu dùng đáp ứng mọi nhu cầu trước mắt, khám phá những thuốc men công hiệu, xây dụng những công nghệ may áo quần, đóng giày, mỹ phẩm, thức ăn…con người tích lũy sự tham muốn không giới hạn, nhưng con người khắp nơi đều cô đơn như trẻ mồ côi.

 

Một văn sĩ nỗi tiếng đã ví sánh lòng người có một khoảng trống mà không điều chi có thể lấp đầy. Như con chim bồ câu trong cơn nước lụt thời Nô-ê, họ bay đi bay lại trên mặt đất và không tìm được chỗ yên nghỉ tâm hồn. Với mối quan hệ chiều đứng với Chúa bị đứt đoạn, những mối liên hệ chiếu ngang với nhau cũng xa rời. Con người không giao thông cùng Chúa được họ cũng khó giao thông với nhau. Mỗi người giống như một ốc đảo cô đơn. Con người đang bị mất trước mắt Chúa.

 

Kinh Thánh mô tả con người như đang chết trong lầm lỗi và tội ác của mình (Ê-phê-sô 2:1). Cái chết ở đây là cái chết tâm linh. Khi chết mất con người xa cách Chúa sống, họ không biết lẽ thật của Chúa, họ nghịch lại với luật lệ của Chúa và họ gánh chịu cơn thạnh nộ của Chúa. Do xa cách Chúa là nguồn sống lâu ngày, họ quen dần với bóng tối và thực ra họ ưa thích bóng tối hơn ưa thích sự sáng (Giăng 3:19). Con người đã trở nên người nô lệ cho tội lỗi. Họ phạm tội trong tư tưởng, trong lời nói và trong hành động. Một cách tự nhiên như cá bơi gặp nước, như chim bay trên trời, như con hổ ăn thịt con mồi. Họ không phải là tội nhân vì họ phạm tội, nhưng họ phạm tội vì họ là tội nhân. Các nhà thần học mô tả loài người “hoàn toàn hư hoại” (totally depraved).

 

Không chỗ nào trong Kinh Thánh mô tả cách sống động hơn về tình trạng hư mất của loài người như câu chuyện Chúa kể và được chép trong Lu-ca 15. Ở đây chúng ta nghe câu chuyện con chiên bị mất, đồng bạc bị mất và đứa con trai bị mất. Mất là vì không còn liên lạc được nữa. Là cô đơn, sợ hãi, là trông mong tìm được đường về. Mất là vì vô ý nhưng mất cũng vì cố ý. Giống con chiên nhiều người biết mình bị mất nhưng không biết đường về. Giống đồng bạc bị mất nhiều người không biết mình bị mất cũng không biết đường về. Giống như lòng cha có đứa con bị mất, Cha Thiên Thượng cũng đang trông đợi chúng ta tỉnh ngộ quay về. Nếu không có ai nhắc nhở con người sẽ cứ đi xa mãi, càng ngày càng xa và sẽ đi xuống, không thể đi lên. Làm chứng, giảng Tin Lành là nhắc nhở, là kêu gọi tội nhân quay về nhà Cha.

 

Nếu bị mất, con người mất tạm thời hay mất vĩnh viễn?

Câu hỏi nầy chỉ có ý nghĩa khi con người có sự bất tử. Nếu con người chỉ hiện hữu như những con vật, chết là hết, thì chúng ta không cần bận tâm đến việc được cứu hay bị hư mất trong cõi đời đời. Nhưng con người mang chiều kích và khát vọng vĩnh cữu trong lòng. Số phận của loài người liên hệ đến nguồn gốc của loài người. Loài người là sinh vật duy nhất trong thế giới mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Loài người đã được Chúa hà hơi và loài người trở nên loài sinh linh. Vì có linh hồn do Chúa ban nên con người là bất tử. Từ người sơ khai đến người văn minh, ai nấy đều ý thức về sự thực hữu của Đấng Tạo Hóa và có niềm hy vọng về đời sống bên kia bức màn sự chết. Kinh Thánh không cố chứng minh về sự thực hữu của Đức Chúa Trời cũng không cố chứng minh sự thực hữu của linh hồn. Kinh Thánh trình bày sự thực hữu của Đức Chúa Trời và linh hồn loài người như việc đương nhiên.

 

Kinh Thánh dạy rõ về hai số phận mở ra cho loài người. Một là sống hạnh phúc đời đời trong sự hiện diện của Chúa và các thiên sứ (Lu-ca 15:10; Khải 22:3-5; 1 Tês.4:17); hai là sống đau khổ đời đời cùng với Sa-tan và Ma quỷ (Mat. 25:41). Chúa Giê-su nói đến hai cửa: cửa hẹp và cửa rộng; hai con đường: đường hẹp và đường rộng; hai số phận: sống và chết (Mat. 7:13-14). Trong ngày phán xét: chiên sẽ được phân chia ra khỏi dê (Mat. 25:31-46), luá mì được phân chia ra khỏi cỏ lùng (Mat. 13:36-43), người lành được phân chia ra khỏi kẻ dữ (Giăng 5:29). Và trong sự sống lại sẽ có sự phân chia giữa người công bình và người không công bình (Công Vụ 24:15).

 

Con người ngày nay không hiểu nỗi sự thực về sự phán xét đời đời. Con người thiên nhiên không thể hiểu được những sự thực về Chúa và công việc của Chúa. Ý người và ý Trời có khác nhau. Chính Chúa Giê-su là người đầu tiên dạy về địa ngục. Chữ địa ngục (Gehenna, Hell) xuất hiện 12 lần trong Tân Ước và 11 lần trong đó phát xuất từ miệng Chúa Giê-su. Chúa Giê-su được xem như một người nhu mì hiền hoà nhất từng sống, Ngài là bạn người thâu thuế và kẻ có tội, là người chịu hy sinh đổ huyết để nhiều người được tha thứ, chính Ngài đã nói lên sự thực về hỏa ngục cách kinh khiếp mà không ai muốn bước vào. Đó là nơi tối tăm, khóc lóc và nghiến răng. Đó là nơi sâu bọ chẳng hề chết, lửa chẳng hề tắt… Chúng ta tin lời dạy của Chúa Giê-su, chấp nhận cả những lời vừa tai lẫn những lời nghe có vẻ trái tai. Bởi vì đó là sự thật. Chúa Giê-su biết lẽ thật, Ngài chỉ dạy lẽ thật, Ngài sống thật và Ngài là lẽ thật. Chúa không hề nói dối, “trong miệng Ngài không có chút chi dối trá.” Lời nói của Ngài là thật dù chúng ta hiểu hay không hiểu, thích hay không thích, bởi vì Ngài là Chúa.

 

Nhưng cũng cần nhớ loài người ai cũng muốn sống ở thiên đàng. Chúng ta cũng học biết thiên đàng từ Chúa Giê-su. Ngài nói Ngài sẽ thưởng. Nếu có thưởng thì đương nhiên cũng có phạt. Chúa có thẩm quyền khi nói về thiên đàng, Ngài cũng có thẩm quyền khi nói đến địa ngục.

 

Có người nghĩ Chúa Giê-su chủ yếu nói đến tình yêu thương. Đúng là Chúa Giê-su dạy dỗ về tình thương, Ngài biểu lộ tình thương, Ngài chịu khổ vì yêu thương và Ngài chết vì yêu thương. Ngài sẵn sàng tha thứ, tiếp nhận những đứa con hoang quay trở về nhà. Nhưng người cha sẽ làm gì khi đứa con không tỉnh ngộ quay về? Khi đứa con tiếp tục con đường xa nhà, không cần cha?  Chúa sẽ làm gì khi tội nhân không chịu Ngài tha thứ? Khi tử tù không tiếp nhận lệnh ân xá? Chúa Giê-su giảng dạy về tình yêu thương nhưng đồng thời Ngài cũng giảng dạy về tội lỗi, về cơn thạnh nộ, về sự chết, về sự phán xét. Đạo Chúa có hai biểu tượng, một là thập giá nói đến tình thương và sự tha thứ; hai là chiếc ngai nói đến sự phán xét. Mỗi người chúng ta phải lựa chọn. Chúa không áp đặt tình yêu của Ngài trên ai. Nhưng ai khước từ tình yêu của Chúa thì lập tức người đó ở trong cơn thạnh nộ của Ngài (Công Vụ 17:30-31).

 

Một Mục Sư nổi tiếng, ông C. S. Lewis, đã nói, “Nếu nằm trong thẩm quyền của tôi, tôi sẽ bỏ địa ngục khỏi giáo lý của Cơ-đốc giáo. Tôi sẵn sàng trả mọi giá để có thể thành thật nói rằng: ‘Tất cả mọi người rồi sẽ được cứu’.”

 

Có cơ hội thứ hai sau khi chết không?

Chúng ta lại chỉ dựa vào Kinh Thánh. Không có chỗ nào nói đến cơ hội thứ hai sau khi chết. Trong câu chuyện về hai người chết là người giàu và La-xa-rơ (Lu-ca 16:19-31) chúng ta thấy hình ảnh yên nghỉ ở thiên đàng và hình ảnh đau đớn ở địa ngục. Người nhà giàu ở địa ngục đã nài xin hai điều với tổ Áp-ra-ham. Một là xin cho được La-xa-rơ nhúng nước làm mát lưỡi ông, hai là xin cho ông được trở về nhà nói sự thật cho năm anh em đang còn sống trên đất. Cả hai lời yêu cầu trên đều bị từ chối. Qua câu chuyện nầy chúng ta thấy số phận con người đã được minh định cho cả người tin lẫn người không tin. Sự ăn năn chỉ xảy ra ngay trong khi con người còn sống, sau khi chết không còn cơ hội nữa. Mọi sự quá muộn rồi.

..

 

Đồng hành với Chúa Giê-su đi tìm và cứu người bị hư mất là tiếng gọi và trách nhiệm của chúng ta, những người tin Chúa. Bạn có dám tin cậy và vâng lời Chúa tham gia cứu người bị mất hôm nay không?

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn