Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / HAI HẠNG NGƯỜI

HAI HẠNG NGƯỜI

Hai Hạng Người Trên Thế Giới

photo 1

(Mục sư Huệ thăm nhà in của OUR DAILY BREAD tại Michigan, tháng 6/2015)

Có người nói, “Tôi không tin Đức Chúa Trời sẽ cho một người tốt không tin Chúa vào địa ngục và một người xấu tin Chúa vào thiên đàng.” Nhiều người khác cũng nói, “Tin Chúa thì được cứu, như vậy dễ quá!” Người khác lý luận, “Nếu Chúa cho một tên cướp suốt đời làm ác nhưng đến giờ phút chót ăn năn tin Chúa và được vào thiên đàng, như vậy là không công bình.”

Câu chuyện hai tên cướp bị đóng đinh trên thập tự giá với Chúa Giê-xu, một phần nào, đã giải đáp cho chúng ta trước những vấn nạn nêu trên. Cả bốn sách Tin Lành đều nói đến Chúa Giê-xu bị đóng đinh công khai giữa hai tên cướp. Ma-thi-ơ 27:38 dùng chữ tên cướp trong nguyên văn Hy-lạp có nghĩa là một người dùng vũ lực công khai cướp bóc, chứ không phải hành động lén lút ăn cắp. Có thể lắm cả hai tên nầy đã phạm tội cướp của giết người có vũ trang. Câu chuyện về hai tên cướp có rất nhiều bài học cho chúng ta. Trước hết nó cho chúng ta thấy việc Chúa chết giữa hai tên cướp đã làm ứng nghiệm hoàn toàn lời tiên tri trong Kinh Thánh là Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ. Xem Ê-sai 53:12. Chúa là Đấng vô tội đã trở nên người tội lỗi vì cớ chúng ta. Đàng sau câu chuyện nầy là những bài học thuộc linh rất quí báu và thiết thực cho mỗi người chúng ta hôm nay.

1. Đây là đại diện của hai hạng tội nhân trên khắp thế giới, từ xưa đến nay. Kinh Thánh cho biết mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Trong thực tế có người tội nhiều, có người tội ít, nhưng hết thảy đều là tội nhân đã bị định tội chết. Chết sớm hay muộn cũng là chết, chết hình thức nào cũng là chết, chết là chia lià giữa xác với hồn, giữa đời nầy với đời sau, giữa địa ngục với thiên đàng. Cả hai tên cướp đều bị án chết nhưng số phận cuối cùng của hai người hoàn toàn khác nhau: một người được ở Ba-ra-đi với Chúa, một người ở nơi Âm phủ với Ma quỉ. Hai tên cướp đều bị án chết nhưng cả hai tên đều có cơ hội biết Chúa và gần Chúa như nhau. Chúa Giê-xu bị đóng đinh giữa hai tên cướp. Có lẽ khoảng cách giữa các thập tự giá cân bằng nhau, cả hai đều có thể nói chuyện với Chúa và Ngài nghe được tiếng nói của cả hai người. Cả hai đều thấy bảng cáo trạng do Phi-lát sai treo trên đều Chúa bằng ba thứ tiếng: “Đây là Giê-xu, người Na-xa-rét, Vua dân Do Thái.” Cả hai đều chứng kiến cái chết của Chúa và nghe hết thảy những lời tuyên bố của Ngài trên thập tự giá.

2. Đây là sự phản ảnh cho hai thái độ của con người đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu.

 

Một tên cướp đang khi bị đóng đinh đau đớn và tuyệt vọng nhưng đã về hùa với đám những nhà lãnh đạo tôn giáo để nói với Chúa một cách chế giễu: “Ngươi không phải là Đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi cùng chúng ta nữa!” Đây là đại diện của hạng người vô tín, dầu đến chết rồi vẫn còn cứng lòng, chết vẫn không tin. Nhưng tên cướp kia đã có ý nghĩ khác hoặc có thể nói đã thay đổi ý nghĩ và thái độ của mình. Đây là đại diện của những người tin. Sự khác nhau giữa hai người nầy đối với đời có lẽ không bao nhiêu nhưng đối với Chúa đó là sự khác nhau một trời một vực. Có thể anh cướp thứ hai nầy đã tự lý luận: “Nếu Người nầy thật là Đấng Christ, nếu Người nầy có một Vương Quốc, nếu Người nầy đã từng cứu người khác, thì Người có thể đáp ứng nhu cầu lớn nhất của tôi là sự cứu rỗi linh hồn khỏi tội lỗi. Tôi chết thể xác là xứng với tội lỗi tôi nhưng tôi có hy vọng được cứu rỗi linh hồn nhờ Chúa tha tội cho tôi.” Hai thái độ nầy gồm tóm trong hai chữ: Không Tin Chúa và Tin Cậy Chúa.

 

3. Đây là hình ảnh tiêu biểu cho tôn giáo tự cứu và tôn giáo nhờ Chúa cứu.

 

Con người xưa nay đều cố gắng tìm phương giải cứu ra khỏi tội lỗi. Các tôn giáo trần gian dạy con người phải ra sức tự cứu bằng những nổ lực bản thân, nhưng không có phương pháp tự cứu nào là chắn chắn và bảo đảm thành công cả.  Có nhiều người khi tự cứu không được thì buông xuôi hoặc phẩn uất. Có người biết rõ mình không phương tự cứu nhưng không chịu thay đổi thái độ. Tuy nhiên, bên cạnh con đường tự cứu của đời, chúng ta còn có một con đường của Chúa. Đây là một phương cách đảm bảo chắc chắn nhất, tức là phương pháp nhờ Chúa cứu. Con đường tự cứu của loài người là làm sao để Chúa xuống khỏi thập giá ngay, nhưng con đường của Chúa là Ngài cứ chịu chết trên thập tự giá để đền tội cho tất cả mọi người. Con đường của loài người là mỗi người tự làm ra sự cứu rỗi cho mình, con đường của Chúa là mỗi người hạ mình nhận lãnh ơn cứu rỗi Chúa đã làm xong. Như vậy, tin Chúa được cứu không dễ. Không dễ cho Đức Chúa Trời khi ban Con Một của Ngài cho nhân loại, không dễ cho Chúa Giê-xu khi quyết định tiến lên thập tự giá và chịu chết trên thập tự giá và cũng không dễ cho con người khi phải bỏ hẳn tánh kiêu ngạo cố gắng tự cứu để hạ mình hoàn toàn nhờ Chúa cứu. Đây chính là sự khác biệt giữa Cơ-đốc Giáo và các tôn giáo khác trên thế giới xưa nay.

 

4. Đây là phương cách “tin trong lòng, miệng nói ra” kêu cầu Chúa để được cứu rỗi.

 

Kinh Thánh chép: “Vì ai kêu cầu Danh Chúa thì được cứu” (Rô-ma 10:13). Người tướng cướp đã nhận biết tội lỗi của mình khi anh tuyên bố: “Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng kính sợ Đức Chúa Trời sao? ” Rõ ràng trong câu nói nầy anh đã bày tỏ lòng tin nơi sự thực hữu của Đức Chúa Trời là Đấng đáng kính sợ. Rồi anh nói tiếp: “Về phần chúng ta chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm, nhưng người nầy (tức Chúa Giê-xu) không hề làm một điều gì ác.” Anh tin cậy Chúa Giê-xu để được cứu và hành động cần thiết của anh là kêu cầu Chúa: “Hỡi Giê-xu, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi.” Lời kêu cầu của anh đã được Đức Chúa Giê-xu vui nhậm ngay: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.”

 

5. Đây cũng là sự kiện phơi bày tính chất hiện thực của sự cứu rỗi.

 

Khi tên tướng cướp cầu xin Chúa Giê-xu nhớ đến mình là anh hình dung ra một ngày nào đó trong tương lai khi Chúa về trong nước của Ngài rồi, anh mong ước sẽ được Chúa đoái thương, nhưng Chúa Giê-xu quả quyết với anh về một phước hạnh có sẵn ngay trong hiện tại. “Hôm nay, ngươi sẽ ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.” Sự cứu rỗi không phải khởi sự ở tương lai nhưng là bắt đầu ngay trong hiện tại. Sự cứu rỗi là phần thưởng của hôm nay. Ngay khi quí vị và tôi đặt lòng tin cậy Chúa Giê-xu để được cứu rỗi thì hôm nay quí vị và tôi đã có sự cứu rỗi rồi. Khi Chúa nhậm lời cầu xin của chúng ta Ngài trả lời vượt quá điều chúng ta cầu xin và suy tưởng.

 

6. Đây là thực chứng về ân điển cao sâu dư dật của Chúa đối với tội nhân.

 

Đây là nét đặc thù của Đạo Chúa. Đạo Chúa là Đạo tình thương không điều kiện. Đạo Chúa là Đạo tha thứ không giới hạn. Các tôn giáo tin theo sự công bình của loài người nghĩa là mình làm tội thì mình ráng đền tội; mình mắc nợ thì mình ráng làm để trả nợ. Nhưng Đạo Chúa là Đạo tha thứ. Đạo xoá nợ. Đức Chúa Trời đã thoả mãn luật công bình của Ngài khi chính Con Ngài đền trả thế nợ tội của hết thảy chúng ta. Ngay khi tên tướng cướp xưng tội ăn năn tin cậy Chúa thì lập tức Chúa tha hết mọi tội của anh. Trên thập giá, Chúa Giê-xu đã kêu lên: “Đức Chúa Trời ôi, Đức Chúa Trời ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi!” Nhưng cuối cùng Chúa Giê-xu đã kêu lên đắc thắng: “Mọi việc đã được trọn.”  Công tác đền tội của Chúa Giê-xu đã có hiệu lực. Cảm tạ Chúa về ân điển của Đức Chúa Trời !

 

7. Đây là gương hy vọng cho tất cả thân nhân, bạn bè của chúng ta.

 

Bất cứ ai đang ngần ngại đến với Chúa Giê-xu vì nghĩ rằng tội mình quá nhiều hoặc mình tin Chúa quá trễ, xin hãy nhớ đến câu chuyện tên tướng cướp ăn năn trên thập tự giá. Không có sự ăn năn nào là quá trễ. Không có tội nào là quá lớn mà không được Chúa tha. Khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá, Ngài đã gánh hết tội tỗi của nhân loại. Ngài đã gánh hết tội lỗi quá khứ, hiện tại và tương lai của quí vị và tôi. Kinh Thánh tuyên hứa: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch hết mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9). Hãy về nói với những thân nhân bạn bè của mình là những người chưa tin Chúa rằng ngay khi quí vị được Chúa nhắc nhở, ngay khi có cơ hội hãy kêu cầu cùng Chúa, hoặc lúc lâm nguy, thậm chí ngay trước khi chết, hãy kêu cầu Chúa, Chúa sẽ tha thứ và cứu rỗi. Có một số người nói rằng tên cướp đến giờ sắp chết kêu cầu Chúa thì được Chúa cứu, vậy tôi sẽ đợi đến khi gần chết sẽ tin Chúa. Nói như vậy là thiếu khôn ngoan và không chắc chắn. Hãy chắc chắn được Chúa tha tội và có được một chỗ trên thiên đàng ngay hôm nay. Vấn đề ở đây là tin cậy và vâng lời. Hãy tin cậy Chúa và vâng lời Ngài. Đừng để cơ hội qua đi. Cơ hội nhiều khi không đến hai lần.

 

Minh hoạ kết luận: Lord Congleton ở Dublin, miền Bắc Nước Anh lâu năm về trước đã ra thông báo cho các con nợ của ông vào một ngày nhất định trước 12 giờ trưa. Vào ngày đó bất cứ ai mắc nợ, dù mắc nợ bao nhiêu cũng vậy, nếu đến gặp ông xin tha nợ, ông sẽ tha. Đến ngày hẹn, ông vào văn phòng ngồi chờ. Những con nợ của ông nghe tin kéo đến rất đông, nhiều người không đến. Nhưng không ai vào xin ông tha nợ cả. Lý do duy nhất là vì họ không tin. Họ chưa có kinh nghiệm được xóa nợ lần nào. Gần đến 12 giờ trưa, có một người từ xa đến vội vàng bước vào văn phòng tay mang theo tờ giấy nợ. Anh vào gặp Lord Congleton xin tha nợ. Ông hỏi: “Anh có tin tôi sẽ tha hết nợ cho anh không?” “Dạ, tôi tin.” “Nhưng anh có phải là người đạo đức tốt lành không?” “Dạ thưa, trong tờ thông báo xoá nợ không có điều kiện gì cả! Tôi tin ông tha nợ cho tôi vô điều kiện.” Lord Congleton viết ngay vào tờ giấy nợ: “PAID IN FULL” (Đã trả đủ).    Người được tha nợ cầm tờ giấy hớn hở ra về. Chuông đồng hồ điểm 12 giờ.    Những người khác nghe tin vội vàng chạy đến nhưng quá trễ. Họ không còn cơ hội nữa.    Kinh Thánh chép: “Hiện nay là thì thuận tiện, hiện nay là ngày cứu rỗi.” Hãy ăn năn tin nhận Chúa để được cứu rỗi. Không tin hoặc trì hoãn, cơ hội sẽ không còn. Bạn thân mến, trong hai hạng người bạn chọn hạng người nào?

 

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn