QUẢNG NAM-MẢNH ĐẤT THÂN THƯƠNG,
“CÁI NÔI” CỦA ĐẠO TIN LÀNH Ở VIỆT NAM.
Như nhiều người trong chúng ta đã biết, đạo Tin Lành đã được truyền bá và phát triển ở Việt Nam đến năm 2011 nầy là vừa tròn 100 năm. Cách đây 100 năm, vào năm 1911, thực ra là từ nhiều năm trước đó, đạo Tin Lành đã được truyền vào Việt Nam rồi, nhưng mãi đến năm 1911, mới đặt được cơ sở đầu tiên tại Đà Nẵng để truyền bá đạo Chúa. Cho nên người ta lấy cái mốc năm 1911 làm năm đạo Tin Lành được truyền bá vào Việt Nam. Và cũng chính từ vùng đất Quảng Nam nầy, đạo Tin Lành được truyền bá ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước ta cho đến ngày nay. Vì thế, Quảng Nam trở thành “cái nôi” của đạo Tin Lành ở Việt Nam.
100 năm qua, với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng Chúa đã bảo vệ, giữ gìn và phát triển đạo Chúa đến ngày hôm nay trên mảnh đất hình chữ S yêu quý nầy cách kỳ diệu, và đặc biệt là trên mảnh “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” sâu nặng nghĩa tình, chan chứa yêu thương của miền Trung nước Việt.Thật đúng như lời chính Chúa Giê-su đã phán: “Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” (Ma-thi-ơ 16: 18).
Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến đất nước ta, tôi, một tôi tớ hèn mọn của Chúa Giê-su, một người con của quê hương Quảng Nam yêu dấu, “cái nôi của đạo Tin Lành ở Việt Nam”, xin có một bài viết khảo cứu nho nhỏ về đất và người nơi đây để bạn đọc gần xa được biết thêm về vùng đất sâu nặng đạo lý, nghĩa tình nầy.
I./ ĐẤT QUẢNG NAM YÊU THƯƠNG.
“Không đi không biết Quảng Đà
Đi rồi mới biết đó là Quảng Nam.”
Đó là một câu ca mà người Quảng Nam quê tôi thường hay hát.
Danh xưng vùng đất mang tên Quảng Nam nầy ra đời và tồn tại cho đến nay là bao nhiêu năm? Hẳn không phải người Quảng Nam nào cũng biết rõ ngọn nguồn của nó. Theo “Tìm hiểu con người xứ Quảng”, do Nguyên Ngọc chủ biên thì: “Danh xưng Quảng Nam ra đời và tồn tại cho đến cuối thiên niên kỷ thứ hai là 528 năm (1472-2000).”(1)
Cái nghĩa của tên Quảng Nam là gì? Cũng theo “Tìm hiểu con người xứ Quảng”: “Quảng có nghĩa là mở rộng; Nam là hướng Nam, đi về phương Nam.” (2). Như vậy, Quảng Nam có nghĩa là vùng đất mở rộng về hướng Nam. Tên gọi vùng đất nầy cũng thay đổi qua nhiều thời kỳ khác nhau. Lúc đầu tiên tên gọi là Thừa tuyên Quảng Nam(1472), sau đổi thành xứ Quảng Nam(1490), rồi Trấn Quảng Nam(1509)(3), rồi lại đổi sang Doanh Quảng Nam(1602), rồi lại tiếp tục đổi thành Trấn…Năm 1808, đổi thành Dinh Quảng Nam dưới thời vua Gia Long. Tiếp theo đổi thành Tỉnh Quảng Nam vào năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng.
Quảng Nam có hình thể như một hình bình hành, có diện tích tự nhiên 11. 989 km2. Phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía nam giáp Tỉnh Quảng Ngãi và Kontum, phía tây giáp nước Cộng hoà dân chủ Lào và phía đông giáp biển Thái Bình Dương.
Dù không nhiều sông rạch bằng vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Quảng Nam cũng có một hệ thống sông ngòi khá dày tạo thành một hệ thống giao thông thuỷ nội địa rất thuận lợi. Trong đó sông Thu Bồn(còn gọi là sông Chợ Củi) phát nguyên từ hai nguồn: nguồn Chiên Đàn(tây bắc Tam Kỳ) và nguồn Ô Gia(tây Đại Lộc). Sông Thu Bồn kể từ nguồn Chiên Đàn chảy ra đến Cửa Đại là sông dài và lớn nhất của Quảng Nam(4). Sông Thu Bồn trở thành động mạch chủ của hệ thống giao thông ấy. Sông Thu Bồn như chẽ đôi Tỉnh Quảng Nam ra làm hai từ Tây sang Đông. Thu Bồn là hình ảnh rất sinh động, thân thương đã thấm sâu vào trong tiềm thức người dân xứ Quảng. Tường Linh-một thi nhân hiện đại, là một người con Quảng Nam đã viết về dòng sông đáng yêu của quê mình với tình cảm rất sâu đậm như sau:
Tôi nghĩ về một giòng sông
Giòng sông quê hương có đôi bờ đất mật.
Có những tên làng tôi yêu mến nhất.
Có những triền xanh, gành xám, bãi vàng,
Những hàng cừ xe gió nước reo vang,
Những thác xiết nhọc nhằn thuyền lên ngược.
Nguồn hai ngã, lòng sông chung nguồn nước.
Khúc cạn, khúc sâu, phía lở, phía bồi.
Sông Thu Bồn thương nhớ của ta ơi!
Nhà tôi ở bên bờ sông đó.
Mùa bấc, mùa nồm sông lồng lộng gió,
Hàng cau vườn chuối xiêu xiêu,
Chiều nhẹ nâng cao vút cánh diều
Nắng phớt lưng sườn núi tím.
Tháng tám nguồn về trái lòn bon ngọt lịm.
Ghe biển đưa lên con cá nục, cá sòng.
Bè gỗ lềnh bềnh thong thả xuôi sông.
Trên bãi sớm bủa tằm nghiêng hứng nắng.
Điệu hát chèo ghe trong đêm bình lặng,
Toả ân tình thêm ngát ánh trăng khuya…
Một thuở đạo binh
Nguồn biển chia lìa
(…)
Trả lại dòng sông, trả lại cho anh.
Từng vết bàn chân trên cát vàng tuổi nhỏ…
Ai có vẻ bên bờ sông đó,
Đếm giùm tôi bao bến nước vắng thuyền.
Còn sót đọt tre nào chấm mặt thuỷ triều lên
Mấy độ trăng tròn, trăng khuyết.
Dòng sông trôi, dòng sông trôi biền biệt.
Giòng nhớ thương chảy mãi qua hồn.
Ơi! Thu Bồn ta biết nói gì hơn!
Khi nói đến Quảng Nam mà không nhắc đến sông Thu Bồn thì đó là một thiếu sót lớn. Hồ Trung Tú cho rằng: “Sông Thu Bồn đã đóng một vai trò không hề nhỏ trong suốt chiều dài lịch sử, góp phần tạo nên những vùng bản sắc khác nhau, không thể bỏ qua trong bất cứ nghiên cứu nào về tỉnh Quảng Nam.” (5)
Khi nói đến Quảng Nam, cũng không thể không nói đến Mỹ Sơn và Hội An. Đó là hai di sản văn hoá của thế giới. Hai địa danh nầy, theo đánh giá của các chuyên gia: “ Mỹ Sơn là di tích làm nổi bật sự giao lưu văn hoá, đặc biệt nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ giáo, phản ánh sinh động vai trò của vương quốc Champa trong lịch sử văn hoá Đông Nam Á; khu phố cổ Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật trong sự giao hoà của các nền văn hoá.” (6).
Đất Quảng Nam sâu nặng nghĩa tình nầy, “một khúc ruột của miền Trung nước Việt” cũng được Tạo Hoá ban cho những sản vật, những món ăn ngon nổi tiếng khắp nơi. Hãy nghe một người con Quảng Nam giới thiệu quê mình qua những sản vật, món ngon đó như sau: “Ăn một hột tiêu Tiên Phước, một trái loòng boong Đại Lộc, cam quýt, mảng cầu Đại Bường, lát bò tái(bê thui) Cầu Mống, bát cao lầu Hội An, mì Quảng Phú Chiêm, yến sào Cù lao Chàm, bánh tráng cuốn thịt heo Khuê Trung, Đà Nẵng, cơm gà Tam Kỳ…để thấu hết tình đất, tình người. Ngậm một miếng quế Trà My(cao sơn ngọc quế), hút một hơi thuốc là Cẩm Lệ, Trường Xuân, Bến Đền, nhấm nhí một ngụm rượu cần , tà vạt của người Cơ-tu, Ca-dong, Giẻ triêng, nếm một giọt nước mắm nhỉ Nam Ô, Bàn Thạch để ngất ngây cùng hương sắc xứ Quảng, mặc bộ áo quần tơ lụa Mã Châu, Bảo An, Xuân Đài, nằm trên chiếc chiếu hoa Bàn Thạch, Cẩm Nê, hay bơi thuyền câu cá trên hồ Phú Ninh, vịnh biển Đà Nẵng, hoặc xuôi ngược trên dòng Thu Bồn, Trường Giang, Hàn Giang trong sớm mai hồng, hoặc đêm trăng mộng ảo để thấy bồng bềnh cùng hồn quê…” (7)
Tôi tin chắc rằng, không một người Quảng Nam nào khi xa quê mà không nhớ đau đáu về quê nhà với những sản vật, món ngon ấy. Và cũng không một khách thập phương nào khi ghé thăm vùng đất xứ Quảng mà lại không thòm thèm muốn được một lần thưởng thức một hay nhiều những sản vật, món ngon đó, để rồi nhớ rồi thương đất và người xứ Quảng đáng yêu nầy. Đó là một điều chắc chắn!
II./ NGƯỜI QUẢNG NAM NHẠY CẢM VÀ GIÀU TÌNH NGHĨA:
Người Quảng Nam có câu ca dao nổi tiếng nầy:
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say
Bạn về nhịn ngủ gác tay
Coi ai ơn trọng nghĩa dày bằng em?”
Đó là câu ca dao nói về đất và người Quảng Nam, mà người Quảng Nam là con người như thế, rất nhạy cảm, coi trọng ơn nghĩa, coi trọng tình nghĩa con người.
Khi nói đến phong trào thơ mới, không ai là không nhắc đến Phan Khôi-nhà thơ người Quảng Nam, được mệnh danh là người đã “khởi xướng ra phong trào thơ mới”. Với bài thơ “Tình già” nổi tiếng, Phan Khôi đã đem thơ mới “trình chánh giữa làng thơ”. Qua đó cho chúng ta thấy rằng, một trong những đặc điểm nổi bật của người Quảng Nam, đó là “họ thường là những người khởi xướng nên những trào lưu mới” (8). Hay:“Bản chất, nguồn gốc của con người xứ Quảng là Đổi mới, đi tìm cái mới.” (9). Phạm Phú Thứ là một trong những nhà duy tân sớm nhất của nước ta, từng được mệnh danh là ông tổ duy tân của Việt Nam. Phan Châu Trinh là người khởi xướng một con đường đi mới cho cuộc cứu nguy dân tộc, ông là người đã “đẩy vua quan vào hậu trường, đẩy Nho giáo vào tàng viện, đặt dân quyền lên ngai vàng”(10).
Người Quảng Nam cũng nổi bật về sự cứng cỏi trong tính cách của mình. Không ai dễ gì lay chuyển được tính cách của con người Quảng Nam. “Trước các tình thế phải giải quyết, người Xứ Quảng thường có xu hướng chọn giải pháp rắn, mạnh” (11)
Người Quảng Nam có tài hoa không? Câu trả lời chắch chắn là có. Người tài ở Quảng Nam ở thời nào cũng có và có nhiều nữa là đàng khác. Nguyễn Văn Thoại(Thoại Ngọc Hầu) là một người Quảng Nam điển hình. Ông là một nhân vật có tài kinh bang tế thế, có một tầm nhìn chiến lược rộng lớn. Ông xứng đáng là một nhà tổ chức tài ba, một nhà chính trị, quân sự, kinh tế kiệt xuất(12). Chính ông là người chỉ huy chủ chốt cho đào con kênh nổi tiếng Vĩnh Tế(Vua Minh Mạng đã quyết định lấy tên vợ Thoại Ngọc Hầu để đặt tên cho dòng kênh kỳ vỹ này) kéo dài từ An Giang xuống tận Hà Tiên, dài gần 100 km, làm thành một tuyến biên giới bằng sông nước vững chắc. Phạm Phú Thứ (1821-1882) là một trong những nhà duy tân sớm nhất, được coi như là ông tổ của duy tân Việt Nam. “Cụ tiêu biểu cho một trong những tính cách đặc trưng của người Quảng: không dị ứng với cái mới, cái tiến bộ mà bao giờ cũng muốn tiếp cận, tìm hiểu cặn kẽ.”. (13)“Với tầm nhìn canh tân của Phạm Phú Thứ trên nhiều lĩnh vực và có tầm khái quát lớn, theo tôi, không quá lời khi đánh giá cụ là một Nguyễn Trường Tộ của Quảng Nam.” (14). Đầu thế kỷ 20, Quảng Nam lại xuất hiện một nhà duy tân đặc sắc, đó là Phan Châu Trinh, “đến nay được nhiều nhà sử học coi là một bộ óc minh mẫn nhất của dân tộc trong những năm đầu thế kỷ.” (15) Ông được nhiều người xem là “Quảng Nam nhất trong những người Quảng Nam.” Ngoài ra có những trí tuệ lớn của Quảng Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau mà không ai không biết đến như Trần Quang Diệu, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Ông Ích Khiêm, Trần Dư, Lê Cơ, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Nguyễn Thành(Tiểu La), Trần Quý Cáp, Phan Thành Tài, Nguyễn Đình Hoè, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Thế Mỹ, Phan Khôi, Phạm Ngọc Thạch, Bùi Giáng, Hoàng Tuỵ, Lê Trọng Nguyễn, Tường Linh, Vu Gia, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Nhật Ánh…
Về tôn giáo, người Quảng Nam rất thoải mái trong tín ngưỡng đa thần, vốn dĩ là tín ngưỡng lâu đời của dân tộc. Người Quảng Nam rất “hỗn dung tôn giáo”. Họ thờ cả Phật, cả Quan Công, cả Thần Hoàng, cả Mẫu, lẫn các vị thần Chăm.
Trong suốt lịch sử của mình, người Việt Nam trải qua bốn cuộc giáp mặt văn hoá lớn: văn hoá Phật giáo đến từ Ấn Độ, Nho giáo đến từ Trung Hoa, văn hoá Chăm-pa khi Nam tiến và văn hóa phương Tây trong thời kỳ cận và hiện đại. Hai cuộc sau đã diễn ra chủ yếu trên mảnh đất Quảng Nam giàu tình người và luôn nhạy cảm trước cái mới.
III./ NGƯỜI QUẢNG NAM VỚI ĐẠO TIN LÀNH:
Với tấm lòng luôn nhạy cảm trước cái mới như vậy, nên ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi đạo Tin Lành được các Giáo sĩ phương Tây trong một tổ chức có tên gọi là Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp(CMA), mà người sáng lập và lãnh đạo là Mục Sư Albert B. Simpson,(*) một Mục Sư người Gia-nã-đại, thuộc hệ phái Trưởng lão, truyền đến Việt Nam – không phải ngẫu nhiên mà mảnh đất Quảng Nam lại trở thành “cái nôi” của đạo Chúa – thì một người đầu tiên đã tin nhận Chúa. Đó là ông Nguyễn Văn Phúc. Hội Thánh đầu tiên được thành lập là Hội Thánh Đà Nẵng.
Và rồi cũng từ mảnh đất Quảng Nam thân yêu nầy, một người Quảng Nam khác đã góp phần dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ. Người đó không ai khác hơn là nhà văn, nhà báo cừ khôi Phan Khôi (16)
Một trăm năm qua, kể từ khi đạo Tin Lành được truyền đến Việt Nam vào năm 1911 cho đến nay phải nói rằng người Quảng Nam đã có công lớn đối với đạo Chúa. Với một tâm hồn không dị ứng trước cái mới, mà luôn nhạy cảm trước cái mới, nên đạo Chúa đã được người Quảng Nam đón nhận đầu tiên, rồi cũng một người Quảng Nam góp phần phổ biến đạo Chúa ra cho nhiều người Việt Nam khác bằng việc dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ. Và như vậy, mảnh đất Quảng Nam yêu quý nầy xứng đáng với danh hiệu là “chiếc nôi của đạo Tin Lành” ở Việt Nam. Từ Quảng Nam đạo Chúa đã được truyền bá đi khắp nơi để rồi đến ngày hôm nay, Tin Lành đã hiện diện trên khắp dãi đất hình chữ S nầy. Mục Sư Lê Hoàng Phu đã cho biết về sự phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam vào thời kỳ đầu như sau: “Nói chung, sự tăng trưởng mau nhất xảy ra ở tỉnh Quảng Nam ở Trung kỳ, đặc biệt là thung lũng sông Cái, ở Trung bộ Trung kỳ.”(17). Mục Sư Lê Văn Thái cũng có một nhận xét tương tự về sự phát triển đạo Chúa cách mau lẹ tại xứ Quảng Nam: “Hội Thánh Chúa tại miền Trung phát triển rất mau. Số tín đồ tăng gấp đôi hằng năm và chẳng bao lâu thì số tín đồ tại Tourane và các vùng lân cận lên đến số một ngàn người.”; “Làn sóng Tin Lành mạnh như thác lũ. Cách ăn nết ở của tín đồ là những bài giảng sống đầy năng lực biện chứng cho đức tin. Chỉ một thời gian ngắn tiếng nói của Tin Lành đã lan rộng toàn tỉnh Quảng Nam và các vùng phụ cận. Lửa Thánh Linh bùng cháy trong lòng mỗi cá nhân tín đồ. Ánh sáng đã bùng lên trong đêm tối…”(18)
Người Quảng Nam không những đáp ứng mau lẹ với đạo Tin Lành mà tại vùng đất giàu tình nghĩa và nhạy cảm nầy, còn sản sinh ra vô số những Mục Sư, Truyền Đạo cho Hội Thánh của Chúa, trong số đó có rất nhiều những Mục Sư đầy ơn Chúa và có năng lực thực sự. Có thể kể ra đây một số Mục Sư tên tuổi mà nhiều người biết đến với lòng trân trọng: Mục Sư Ông Văn Huyên, Mục Sư Ông Văn Trung, Mục Sư Phan Đình Liệu, Mục Sư Lưu Văn Mão, Mục Sư Nguyễn Xuân Vọng, Mục Sư Dương Thạnh, Mục Sư Lê Văn Từ, Mục Sư Nguyễn Xuân Đức, Mục Sư Nguyễn Thỉ, Mục Sư Nguyễn Văn Huệ… Đúng như lời Mục Sư Lê Hoàng Phu đã nhận xét: “Trong nhiều năm tỉnh Quảng Nam đã cung cấp cho các Hội Thánh địa phương khắp ba kỳ phần lớn các Mục Sư cho các Hội.” (19) Hay như lời của cụ Mục Sư Lê Văn Thái đã nói: “Chúa đã ban ơn cách lạ lùng cho công việc Ngài tại tỉnh Quảng Nam. Càng lúc càng có thêm nhiều người mới trở lại với Chúa, trong số đó có nhiều nhà trí thức giàu sang có địa vị trong xã hội bằng lòng tiếp nhận Tin Lành…Một số những nhà trí thức có danh vọng và địa vị tin Chúa trong lúc đó, dâng mình đi học Kinh Thánh để hầu việc Chúa. Họ đã trở nên những Mục Sư, Truyền Đạo đầy ơn. Lớp đầu có các ông Duy Cách Lâm, Lê Nguyên Anh, Trần Mai, Nguyễn Tấn và lớp kế tiếp có các ông Lê Tấn Đặng, Nguyễn Ưng, Nguyễn Đốc, Đỗ Phương, Nguyễn Đích, Trần Tủng.”(20)
Ngày nay, tại vùng đất Quảng Nam, đạo Tin Lành của Chúa Giê-su vẫn đang được tiếp tục phát triển, mặc dù mức độ không nhanh như ở “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Hiện ở tại Quảng Nam, (**) có không dưới 100 Hội Thánh lớn nhỏ, kể tất cả các hệ phái Tin Lành, với số tín đồ độ chừng 20. 000 người. Nếu so với số tín hữu các Hội Thánh vùng đồng bằng trong cả nước (không kể các Hội Thánh người sắc tộc), thì có lẽ số tín hữu tại Quảng Nam chỉ đứng sau vùng Sài Gòn mà thôi(***).
IV./ VÀI SUY TƯ CÁ NHÂN:
Vậy là đã một thế kỷ trôi qua kể từ năm 1911 đến nay, đạo Tin Lành của Chúa Giê-su đã hiện diện trên mảnh đất hình chữ S yêu quý nầy. Từ một vùng đất bị lãng quên, không ai chú ý đến trong việc đem hạt giống Tin Lành gieo lên mảnh đất ấy, đến nay, sau một thế kỷ, Chúa đã cho có không dưới 2 triệu người đã thuộc về Chúa trên cả nước, trong đó có độ 20. 000 tín hữu tại vùng đất Quảng Nam. Chúng ta tạ ơn Chúa về điều đó! Tạ ơn Chúa vì đã có trên 2 triệu người Việt Nam đã trở nên con dân của Ngài, nhưng còn đến 85 triệu người Việt Nam chưa thuộc về Ngài nữa, trong đó có trên 1, 5 triệu người dân tại Tỉnh Quảng Nam. Điều đó há không làm cho lòng mỗi con dân Chúa chúng ta nóng nảy, sốt sắng trong việc truyền rao Tin Lành của Chúa cho đồng bào thân yêu của chúng ta hay sao? Những con dân Chúa ở tại vùng đất Quảng Nam-nơi được mệnh danh là “cái nôi của Tin Lành” ở Việt Nam có suy nghĩ gì khi thấy còn trên cả triệu người dân trong Tỉnh nhà yêu dấu của chúng ta chưa thuộc về Ngài??? “Hãy nói cho mọi người dân Việt Nam, nói chung, và mỗi người dân trong vùng đất Quảng Nam, nói riêng, biết Chúa Giê-su là ai? Đó chính là trách nhiệm không được phép chối từ, vì bất cứ lý do nào của mỗi con dân Chúa trên đất nước Việt Nam, nói chung, và trong Tỉnh Quảng Nam, nói riêng.
Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam là cơ hội quý báu để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Ngài, vì Ngài đã thương xót dân tộc Việt Nam yêu quý của chúng ta mà dùng Mục Sư A.B. Simpson và các Giáo sĩ phương Tây thuộc các hệ phái Tin Lành như Trưởng lão, Anh quốc giáo, Giám Lý, Báp-tít, Mennonite hiệp lại để truyền bá chân lý cứu rỗi của Chúa Giê-su đến cho dân tộc chúng ta, mà nơi đầu tiên tiếp nhận hạt giống ấy, chính là mảnh đất Quảng Nam giàu tình người của miền Trung nước Việt.
Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, chúng ta cũng không thể nào không nhớ đến công ơn của những bậc tiền nhân đã chịu biết bao gian lao, khổ nhọc để gầy dựng và phát triển đạo Chúa từ mảnh đất Quảng Nam và lan rộng ra trên cả nước như đã có ngày hôm nay.
Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, chúng ta cũng không thể nào không nhắc đến tên tuổi của nhà văn, nhà thơ, nhà báo cừ khôi Phan Khôi, một người con ưu tú của đất Quảng Nam, đã góp công lớn vào việc truyền bá Tin Lành cho người Việt Nam qua việc góp phần dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ với bản dịch năm 1926, một bản dịch mang đậm chất giọng người Quảng Nam.
Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam không chỉ là dịp để chúng ta dâng lên lời tạ ơn Chúa và bày tỏ lòng biết ơn những bậc tiền nhân, mà đó cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh nhiệm mạng trọng yếu của con dân Chúa là rao giảng Tin Lành cho đồng bào Việt Nam yêu quý của mình, ngõ hầu làm cho gần 90 triệu đồng bào Việt Nam được nghe Tin Lành và trong số đó sẽ có hàng chục triệu người tin nhận Chúa và trở nên con dân của Ngài như chúng ta.
Nguỵên Thánh Linh của Chúa giục giã lòng của từng con dân Ngài tại xứ Quảng Nam, nói riêng, và trên toàn đất nước Việt Nam, nói chung, để mỗi chúng ta hãy bắt tay nhau “nói cho mọi người Quảng Nam, mọi người Việt Nam biết Chúa Giê-su là ai?” ngay trong thời đại chúng ta đang sống.
Lời Chúa trong Rô-ma 10: 15: “Những bàn chơn kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao!” há không khích lệ mỗi chúng ta sốt sắng rao giảng Tin Lành của Chúa cho đồng bào của chúng ta sao?
Hãy đi và nói cho mọi người Việt Nam thân yêu biết Chúa Giê-su là ai ngay hôm nay, đó là cách bày tỏ lòng tạ ơn Chúa và tri ân tiền nhân tốt nhất mà thôi.
Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho đồng bào tại xứ Quảng Nam yêu quý của con cũng như cả dân tộc Việt Nam yêu dấu nầy mà cứu họ trở nên con dân của Ngài trước ngày Chúa Giê-su trở lại. A men!
Bài viết nhân ngày kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam-
(1911 – 2011)
– Nguyễn – Đình – Bùi – Thị –
(Quảng Nam, Việt Nam)
* Địa chỉ: MSNC. Nguyễn – Đình – Liễu.
Quản Nhiệm Hội Thánh Báp-tít Đức tin Huyện Thăng Bình,
Quảng Nam, Việt Nam.
Tổ 8, Thị Trấn Hà Lam, Huyện Thăng Bình,
Quảng Nam, Việt Nam.
ĐT: 05103. 873 160 – DĐ: 0987 646 998.
² Phần chú thích:
(1): Nguyên Ngọc(Chủ biên), Tìm hiểu con người xứ Quảng, NXB. Đà Nẵng, 2005, p.13.
(2): Nguyên Ngọc, sđd, p. 14.
(3): Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam – Đất nước và Nhân vật(I.II), NXB. Văn Hoá Thông Tin, p. 35. (Trong tác phẩm nầy thì cho là tên gọi Trấn Quảng Nam là từ năm 1520).
(4): Nguyễn Q. Thắng, sđd, p. 92.
(5): Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế(bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử), NXB. Thời Đại, Đơn vị liên doanh: Phương Nam Book, p. 18.
(6): Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam(Ký và Tản văn), NXB. Đà Nẵng, 2007, p. 31.
(7): Hoàng Hương Việt, Sông cạn đá mòn(Tản văn, Hồi ức, Ký sự), NXB. Văn Hoá Thông Tin, 2008, p. 17, 18.
(8): Nguyên Ngọc, sđd, p. 260.
(9): Nguyên Ngọc, sđd, p. 452.
(10): Nguyên Ngọc, sđd, p. 140.
(11): Nguyên Ngọc, sđd, p. 421.
(12): Nguyên Ngọc, sđd, p. 95.
(13): Lê Minh Quốc, sđd, p. 144.
(14): Lê Minh Quốc, sđd, p. 149.
(15): Lê Minh Quốc, sđd, p. 97.
(16): Xem bài viết “Nhà văn Phan Khôi-Người tham gia dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ.” của tác giả Nguyễn – Đình – Bùi – Thị, đăng trên tạp chí “Kiến thức ngày nay”, thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP. HCM, số 739, ra ngày 20. 02. 2011, p. 49.
(17): Mục Sư Lê Hoàng Phu, Ph. D, Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam(1911-1965), Chương trình Thần Học Phúc Âm, TEE, 1996, p. 127.
(18): Mục Sư Lê Văn Thái, Bốn mươi sáu năm trong chức vụ(Hồi ký), Cơ quan Xuất bản Tin Lành, 14, Đại lộ Hồng Bàng, Sài gòn 5, Ấn hành 1971, p. 91, 93 và 94.
(19): Mục Sư Lê Hoàng Phu, sđd, p. 363.
(20): Mục Sư Lê Văn Thái, sđd, p. 41.
(*): Mục Sư Albert Benjamin Simpson: Sinh ngày 18. 12. 1843, tại Tỉnh Prince Edward Island, Gia-nã-đại. Năm 14 tuổi, ông tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Thần học Toronto năm 1865. Ông được phong chức Mục Sư và được chăn bầy chiên của Chúa tại Hội Thánh Hamilton(Ontario), là Hội Thánh lớn nhất tại Gia-nã-đại lúc bấy giờ.
Ông luôn nghĩ cách đem Tin Lành cho các quốc gia, các dân tộc xa xôi trên thế giới, nhất là ở những vùng đất bị người ta lãng quên trong công cuộc truyền bá Tin Lành của nước Đức Chúa Trời, như xứ An-nam ta lúc bấy giờ. Bởi lòng được thôi thúc muốn được đem Tin Lành đến những nơi xa xôi, những nơi bị lãng quên ấy của Mục Sư A. B. Simpson mà năm 1911 đạo Chúa mới được truyền bá đến dãi đất hình chữ S yêu quý của chúng ta. Và cho đến nay Tin Lành đã có mặt ơ Việt Nam tròn một thế kỷ.
Mục Sư A. B. Simpson cũng là một nhà văn Tin Lành có biệt tài, một thi sĩ nổi tiếng. Ông đã xuất bản nhiều sách giải nghĩa Kinh Thánh, sách bồi linh, bài giảng rất linh động. Nhiều bài thi ca, thánh ca được tuôn ra từ ngòi bút của ông làm rung động nhiều tâm hồn.
Mục Sư A. B. Simpson, người nhận được khải tượng truyền giáo từ Chúa, người đã triệt để vâng theo tiếng Chúa gọi. Đó là người mà Đức Chúa Trời đã dùng để đem Tin Lành truyền sang Việt Nam, chẳng những cho Việt Nam thôi đâu mà còn cho mấy chục nước khác trên thế giới.
Mục Sư A. B. Simpson được Chúa đem về yên nghỉ trong nước Ngài vào ngày 29. 10. 1919. Hưởng thọ 76 tuổi.
Cuộc đời của Mục Sư A. B. Simpson quả là một cuộc đời đầy ý nghĩa và phước hạnh, vì đã đem nhiều người ở nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới đến cho Chúa Giê-su, trong đó có dân tộc Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Mỗi Cơ-đốc nhân Việt Nam, nói riêng, và dân tộc Việt Nam, nói chung, rất phải biết ơn Mục Sư A. B. Simpson, vì nhờ ông và qua ông mà người Việt Nam chúng ta mới biết đến Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-su, để nhờ đó mà chúng ta được cứu và dân tộc chúng ta ngày càng được văn minh, tiến bộ dưới ánh sáng của Tin Lành.
(**): Quảng Nam: Từ Quảng Nam được dùng trong bài viết nầy bao gồm luôn cả vùng đất Đà Nẵng, vì trước đây vùng đất Quảng Nam kéo dài từ đèo Hải Vân vào đến giáp vùng đất Quảng Ngãi.
(***): Những con số nầy chỉ phỏng chừng mà thôi, chứ chưa có con số thống kê cụ thể, chính xác.