Thứ Tư , 27 Tháng Mười Một 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH BẠN CÓ HẠNH PHÚC KHÔNG?

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ

happiness-1

Gia Đình là đơn vị quan trọng nhất của Hội Thánh và của cả xã hội loài người. Gia đình có giá trị và chỗ đứng thiêng liêng nhất trong đời sống của bạn và tôi. Người Việt đi đâu cũng muốn về nhà. Ai cũng muốn có một mái nhà ấm cúng. Gia đình là quan trọng. Chúng ta không thể sống mà thiếu gia đình. Người Việt Nam nổi tiếng quan tâm đến gia đình. Gìn giữ gia đình. Chăm sóc gia đình. Sống cho gia đình. Nuôi gia đình. Vui buồn với gia đình. Gởi tiền về cho gia đình. Để hết của lại cho gia đình. Chia sẻ số phận với gia đình.

Người Việt yêu thương gia đình. Tình cảm dành cho gia đình. Có thủy có chung với gia đình. Nước mắt chảy xuống. Ông bà thương con cháu, hy sinh hết cho con cháu, dành dụm tiền của để lại cho con cháu. Điều mong ước duy nhất của ông bà là mong muốn con cháu tưởng nhớ ông bà. Vâng lời ông bà. Đừng quên ông bà. Đừng bỏ bê con cháu của ông bà. Ông bà thường căn dặn con cháu: Giữ danh thơm tiếng tốt của gia đình. Nhớ đi thưa về trình. Tiên học lễ, hậu học văn… Con cháu người Việt thương yêu, biết ơn ông bà nên không dám thay đổi truyền thống của ông bà để lại. Không lạ gì khi gia đình người Việt nào cũng nhớ ơn tổ tiên, hội họp gia đình, gia tộc hằng năm…

Nhiều người Việt không dám tin Chúa vì sợ gia đình phản đối. Khi đọc lại quyển ĐOẠN TUYỆT của nhà văn Nhất Linh, tôi nghĩ đến sức mạnh ràng buộc của gia đình. Những tập tục ngàn đời trói buộc khó bỏ trong gia đình. Tôi không ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời kêu gọi tổ phụ đức tin của chúng ta, ông bà Áp-ra-ham. “Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” Ông bà Áp-ra-ham là người can đảm, những người Việt đầu tiên theo Tin Lành là những người can đảm.

Người Việt thích khoe về gia đình của mình, nhưng nếu hỏi gia đình có hạnh phúc không thì ít người dám trả lời. Xin hỏi hôm nay gia đình của bạn có hạnh phúc không?

Theo bạn nghĩ thế nào là một gia đình hạnh phúc? Tôi tin gia đình hạnh phúc là gia đình có đức tin, có hy vọng và có yêu thương. Muốn hạnh phúc bạn phải xây dựng. Bạn thi hành bổn phận của mỗi người trong gia đình. Bạn phải có mục tiêu mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc không phải tự nhiên mà có được. Xây dựng thì khó nhưng phá hủy rất dễ. Xây dựng tính đến nhiều năm nhưng phá hủy chỉ cần tính giờ, tính phút. Bạn không thể xây dựng một mình. Bạn phải hiệp tác với người bạn đời, với những người liên hệ.

Hiện nay nền tảng gia đình ở Mỹ và ở thế giới đang lung lay. Tội lỗi rất dễ lây lan. Đi xuống dễ hơn đi lên. Hình ảnh gia đình truyền thống có một chồng có một vợ, có nhiều con. Hình ảnh gia đình chồng nam vợ nữ, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng đang được một số người tranh đấu đòi định nghĩa lại. Chúng ta đang nghe nói đến hôn nhân đồng tính. Chúng ta đang nghe nói đến ly dị, phá thai. Chuyện bất thường đã trở thành chuyện bình thường. Đó là lý do chúng ta càng nên quan tâm đến gia đình. Người Việt tha hương đang đối diện với những xung đột trong gia đình. Hãy khiêm nhường, hãy giữ gìn. Hãy yêu quý gia đình. Chúng ta cần quan tâm hơn đến gia đình, và hướng đi của gia đình chúng ta. Chỉ có hai hướng đi, một hướng đi lên và một hướng đi xuống. Bạn không đi lên là bạn đang đi xuống. Muốn bảo vệ gia đình bạn cần nương nhờ Chúa. Không có đức tin thì không ai có thể giữ được gia đình.

Đức Chúa Trời đã định nghĩa về gia đình và có mục đích cho gia đình. Điều nầy ghi rõ trong Kinh Thánh. Bạn nên tìm đọc Kinh Thánh. Nếu ý thức mình là người Việt tha hương, tôi nghĩ mỗi chúng ta nên nghĩ mình là một sinh viên du học. Ở nước Mỹ nầy có quá nhiều điều để học. Hằng năm sinh viên khắp thế giới đã đổ đến nước Mỹ để học. Các trường Đại Học ban đầu đều do người theo Chúa sáng lập. Học sinh và sinh viên được tự do học hỏi và lựa chọn. Hãy bỏ cái dở và học cái hay. Hãy chọn tiêu chuẩn đúng. Hãy sống làm vinh hiển Chúa và vui hưởng chính mình Ngài. Đây là lý tưởng sống không chỉ của cá nhân mà cũng là lý tưởng của gia đình. Gia đình bạn có đang sống vinh hiển Chúa và vui hưởng chính mình Chúa không?

Theo Thánh Kinh, con người đầu tiên được Chúa dựng nên là A-đam, một người nam đã trưởng thành, có đủ khả năng để lãnh đạo một gia đình. Đức Chúa Trời tuyên bố: “Loài người ở một mình không tốt.” Và Đức Chúa Trời đã dựng nên người nữ đem đến cho A-đam, người nữ tên là Ê-va, một người khôn lớn, đủ khả năng để sinh sản, giúp đỡ, cùng chồng làm chủ gia đình. Và Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân cho hai người. Họ đã kết nghĩa vợ chồng. Một chồng một vợ, suốt đời hợp thành một, không ai được quyền chia rẽ lứa đôi. Loài người chớ nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hợp. Chúa muốn gia đình loài người sống hạnh phúc, yêu nhau, sinh sôi nẩy nở, giúp nhau quản trị thế giới. Tiếc thay thế giới không còn giống như ý định ban đầu của Chúa. Cả ông bà A-đam và Ê-va đều bị Ma quỷ cám dỗ, nghi ngờ Chúa, theo ý riêng, phạm tội, và đem tội lỗi lan tràn thế giới, trong đó có tội không tin cậy vâng lời Chúa. Hình ảnh lo sợ, trốn tránh, đổ thừa, sinh con đau đớn, anh em giết nhau, làm đổ mồ hôi trán, đất đai hoang vu, lang thang tìm đất sống… tất cả là hậu quả của tội lỗi. Nhưng Chúa không bỏ rơi gia đình. Chúa bảo vệ gia đình. Ngài khôi phục hạnh phúc cho nhân loại bằng cách kêu gọi gia đình của ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra. Chúa xây dựng gia đình Israel. Chúa lại tiếp tục dùng những người phụ nữ khác như Tha-ma, Ra-háp, Ru-tơ, Bát-sê-ba, như Mẹ Ma-ri-a, những người xây dựng gia đình để đưa Đấng Cứu Thế vào đời.

Xây dựng. Yêu thương. Chúc phước. Ban cho. Chia sẻ. Tha thứ. Kỷ luật. Ân huệ. Giúp đỡ. Hiếu khách. Ăn mừng. Vui hưởng. Lễ hội. Di sản. Họp mặt thân nhân. Mừng sinh nhật. Lễ dâng con. Lễ báp-tem. Giáo dục. Mừng tốt nghiệp. Mừng hôn lễ. Mừng ngày con đầy tháng. Cả nhà cùng đi nhà thờ hằng tuần…. Tất cả những hình ảnh đẹp của gia đình Cơ-đốc là như thế đó.

Kinh Thánh dạy rất rõ về bổn phận gia đình. Kinh Thánh chỉ dẫn vợ chồng “hãy kính sợ Chúa mà vâng phục nhau.” Gia đình bắt đầu với hai người nhưng hai người đó phải biết mời Đấng thiêng liêng làm chủ gia đình mình. Ông Trời là Đấng đó. Ngài là vị khách vô hình dự mỗi bữa ăn, nghe mọi lời nói, chia sẻ mọi tâm tình… Đó là hình ảnh của gia đình Cơ-đốc.

Dấu hiệu của gia đình hạnh phúc là gì? Sứ đồ Phao-lô tóm tắt. “Nhưng bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, hy vọng và yêu thương. Nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.” Câu nói nầy là nền tảng hạnh phúc cho hiện tại và tương lai của gia đình của chúng ta. Gia đình bạn đang có đức tin, hy vọng và tình thương không?

Thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh bắt đầu từ chỗ đức tin. Bạn tin ai, bạn tin gì? Bạn có tin Tin Lành của Chúa? Bạn có tin Chúa không? Không phải chỉ tin một số giáo điều nhưng là liên hệ với Chúa, là sống tin cậy vâng lời, ăn ở với Chúa mỗi ngày. Như mối tình liên hệ giữa con với Cha và giữa Cha với con. Không phải chỉ tin cho có tin nhưng là tin chắc. Conviction. Chúng ta sống và chết với đức tin nầy. Giống như nhà lãnh đạo Martin Luther đã tin chắc khi nói thẳng trước những người chống đối ông. “Đây là lập trường của tôi. Tôi không thể làm khác. Xin Chúa giúp đỡ tôi.” (Here I stand. I cannot do otherwise. God help me). Chỉ có những người có lòng tin sống chết đó mới thành công.

Hãy biết điều bạn tin và hãy tin điều bạn biết. Sách Giăng 3:16 dạy rằng Đức Chúa Trời đã ban sai con Ngài là Chúa Giê-su xuống thế gian “hầu cho hễ ai tin Con ấy thì không bị chết mất nhưng được sự sống đời đời.” Phao-lô cũng đã chỉ dẫn người đề lao đang muốn biết bây giờ ông phải làm chi, rằng, “hãy tin Chúa Giê-su thì ngươi và cả gia đình ngươi được cứu rỗi.”

Tháng 12 năm 2014, Viện Gallup đã thống kê sau khi phỏng vấn 173,490 người công dân Mỹ, “Hơn 90% người Mỹ thích tự nhận mình là Cơ-đốc nhân.” (Israel My Glory, A Ministry of The Friends of Israel Gospel Ministry, Inc. March-April 2015). Người Mỹ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Do Thái-Cơ Đốc (Judeo-Christians), sống đức tin, hy vọng, yêu thương nên đã phản ảnh qua nếp sống gia đình. Từ gia đình ảnh hưởng đến xã hội. Từ quốc gia đến quốc tế. Vì đó chúng ta thấy người Mỹ cũng để lại của cải cho con nhưng có chừng mực, thường họ để di chúc lại dâng tài sản cho nhà thờ, bệnh viện, trường học, từ thiện. Chính nhờ những phần tài sản lớn nầy mà nước Mỹ mới tiếp tục phồn thịnh và làm nhiều việc lớn cho thế giới. Một đặc điểm tôi thấy là ở Mỹ ai cũng phải tình nguyện khai thuế và đóng thuế như một nghĩa vụ và chính phủ Mỹ có chính sách miễn trừ thuế trước sau như một cho những người làm việc từ thiện. Có nhiều tổ chức Phi lợi nhuận (Non-profit Organization). Cũng chính vì đó mà hằng năm chúng ta thấy có thêm trường học, các sản phẩm mới, các công trình nghiên cứu khoa học, các nhà thờ và các hội từ thiện. Hướng Đi Ministries là hội từ thiện phi lợi nhuận có mặt ở Mỹ gần 15 năm. Người Việt ở Mỹ cũng như ở khắp nơi đều có thể làm việc từ thiện theo đúng mục đích. Gia đình bạn có muốn tham gia làm việc thiện nguyện không?

Từ con số 90% người Mỹ tin Chúa, tôi liên nghĩ đến 90% người Việt chưa tin Chúa và chưa kêu cầu Chúa. Kinh Thánh chép: “Vì ai kêu cầu Chúa thì được cứu.” Muốn kêu cầu Chúa bạn cần biết Chúa là ai, Ngài đã làm gì cho bạn và Ngài muốn bạn làm gì. Có phải người Việt Nam chưa biết Chúa không? Tại sao nhiều người Việt qua Mỹ rồi vẫn chưa biết Chúa của người Mỹ? Tôi nghĩ đến sức mạnh của truyền thống gia đình và tôn giáo. Người Việt chúng ta đang bị các truyền thống tôn giáo Á Đông trói buộc. Như một người bị tù. Tâm hồn người Việt chưa được tự do. Thậm chí có nhiều người Việt đã tin Chúa, đã được cứu giống như ông La-xa-rơ bị chết, được gia đình chôn cất, và được Chúa kêu sống lại, đi ra khỏi mộ nhưng trong người vẫn còn bị vải liệm ràng buộc toàn thân chưa được tháo gỡ. Chúa Giê-su phán, “Hãy tháo cởi cho người và để người đi.”

Gia đình hạnh phúc là gia đình mà mọi thành viên trong gia đình đó tin cậy Chúa và quyết tâm làm theo lời Chúa. Trong khi người Việt đều nói nhận lãnh thì có phước, chúng ta phải tin và nói ban cho thì có phuớc hơn là nhận lãnh. Trong khi mọi người khác đều nói hãy cho tôi rồi tôi sẽ cho anh, chúng ta phải nói tôi muốn cho anh và không nghĩ đến việc anh sẽ trả lại gì cho tôi. Không chỉ nói mà cũng phải làm. “Hãy làm cho người khác điều bạn muốn người khác làm cho mình.” Chúa Giê-su đã dạy thế! Là con cái Chúa chúng ta phải có tâm tình của Chúa. Hãy xem tất cả những gì chúng ta đang có là từ Trời ban cho. Có phải hoàn toàn là Trời cho không? Hãy nghĩ đến thân thể bạn. Hơi thở, giấc ngủ, trí thông minh của bạn. Tất cả những điều bạn có đều là do Trời ban. Hết thảy chúng ta đều thuộc về Trời. Mọi người Việt một ngày kia đều sẽ chầu Trời.

Mới đây tôi có nghe Mục Sư Rick Warren đã khám phá: “Thân thể chúng ta do Chúa dựng nên, thân thể chúng ta là của Chúa. Chúa đã mua chuộc thân thể chúng ta bằng giá cao. Chúa ban Thánh Linh của Ngài ngự vào thân thể chúng ta. Chúa muốn chúng ta chăm sóc thân thể chúng ta. Chúa sẽ khiến thân thể chúng ta sống lại, hưởng sự sống, không hề chết nữa.”

Người Việt có câu ca dao, “Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay.” Tôi thích câu nầy vì người Việt ít ra đã khám phá ra sự thật.

Một nhà xã hội học nổi tiếng đã tìm câu trả lời cho câu hỏi, Làm thể nào để phong trào Chúa Giê-su đã trở thành lực lượng tôn giáo thống lĩnh trên thế giới Tây Phương chỉ trong vòng một vài thế kỷ? Ông ước lượng số tín hữu Cơ-đốc đã tăng lên con số 33,882,008 vào năm 350 SC. (Randy Frazee, Believe, Michigan: Zondervan, 2014).

Ông khám phá ra trong suốt dòng lịch sử rằng nhóm người rất bình dân nầy đã làm những việc phi thường. Những người nầy đánh giá cao những kẻ bị đời coi thường. Khi hai nạn dịch bệnh sởi và bệnh đậu mùa đã càn quét một phần tư cho đến một phần ba dân số Đế Quốc La Mã, những tín hữu Cơ-đốc nầy không chỉ chăm sóc những thân nhân trong gia đình của họ mà còn ra ngoài đường đem vào nhà những người đang bị vứt bỏ ngoài đường và chăm sóc họ cho khỏi chết. Dân chúng đổ xô gia nhập cộng đồng nầy chỉ vì tình thương của họ đã bày tỏ rõ ràng. Cuối cùng nhà xã hội học lên tiếng, “Vì thế, khi tôi kết luận cuộc nghiên cứu nầy, tôi thấy cần đối diện với yếu tố cuối cùng đem lại sự tăng trưởng của Cơ-đốc giáo… Nói tóm một lời, các Cơ-đốc nhân đầu tiên ĐÃ TIN. Vâng, họ đã hết lòng tin những lẽ thật đã được dạy trong Kinh Thánh. Những lẽ thật đó đã biến họ từ trong ra ngoài. Những hành động yêu thương can đảm của họ đối với gia đình, hàng xóm, và ngay cả với những người xa lạ đều là kết quả tuôn ra từ những gì đang luân chuyển trong lòng họ.”

Bí quyết nào đã và sẽ gìn giữ được gia đình chúng ta? Hãy tin cậy và vâng lời Chúa. Duy Chúa mà thôi. Mời bạn cùng tôi lắng nghe nhà lãnh đạo Hội Thánh Phao-lô đã dạy khuyên chúng ta về bổn phận gia đình sống với nhau trong Hội Thánh. Lời viết đã hai ngàn năm mà vẫn còn thấy rõ như là mới viết ngày hôm nay.

“Đừng quở trách một cụ ông, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha, các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em với cả lòng trong sạch.

Khuyên phải chăm sóc và kính trọng các góa phụ cao tuổi. Hãy tôn kính các góa phụ là những người thật sự góa bụa. Nếu một góa phụ có con hoặc cháu, thì các con cháu đó trước hết phải học biết cách bày tỏ lòng hiếu thảo và đền đáp công ơn của các đấng sinh thành. Vì đó là điều đẹp lòng Đức Chúa Trời.

nt: được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời

Người thật sự góa bụa thì sống đơn chiếc một mình, đặt trọn hy vọng nơi Đức Chúa Trời, ngày đêm nài xin và cầu nguyện liên tục. Còn góa phụ nào chăm theo các vui thú thế gian, thì dù sống cũng như đã chết rồi. Con hãy truyền dạy những điều nầy, để họ không thể bị chê trách được. Ai không cấp dưỡng cho người thân, đặc biệt là người trong gia đình mình, thì ấy là kẻ chối bỏ đức tin; người ấy còn tệ hơn người không tin nữa. Để được ghi vào sổ các góa phụ, người góa bụa đó không được dưới sáu mươi tuổi, chỉ có một đời chồng, được chứng thực là đã làm những việc tốt, như nuôi dạy con cái, hoặc có lòng hiếu khách, hoặc đã rửa chân cho các thánh đồ, hoặc cứu giúp những người hoạn nạn, hoặc dấn thân vào mọi việc lành. Nhưng đừng cho ghi tên vào sổ các góa phụ còn trẻ, vì khi bị dục tình thôi thúc, họ có thể lìa bỏ Đấng Cứu-Thế, và họ muốn tái giá. Như vậy họ sẽ chuốc lấy án phạt vì họ đã vi phạm lời thệ nguyện ban đầu. Đồng thời họ lại dễ học thói ăn không ngồi rồi, la cà từ nhà nầy sang nhà khác; không những ăn không ngồi rồi mà thôi, họ còn ngồi lê đôi mách, hay xen vào chuyện người khác, và nói năng bừa bãi nữa. nt: nói những điều họ không nên nói

Vậy, ta khuyên các góa phụ còn trẻ hãy nên tái giá, sinh con cái, quản trị gia đình mình, như thế kẻ thù của chúng ta sẽ không có cơ hội để nói xấu chúng ta. Vì có vài người đã tẻ tách mà đi theo Sa-tan rồi. Nếu nữ tín hữu nào có người thân trong gia đình mình là góa phụ, thì nữ tín hữu đó nên giúp đỡ góa phụ ấy, để không làm gánh nặng cho Hội Thánh, để Hội Thánh có thể giúp đỡ những người thật sự là góa bụa.

Hội Thánh Chúa là tập hợp của những gia đình nhỏ. Gia đình bạn đã nhập Hội Thánh chưa? Muốn có gia đình hạnh phúc, tôi hy vọng bạn biết sẽ làm gì. Chúa dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” Tôi nghe Chúa Giê-su đang nói: “Hôm nay ta muốn vào nhà ngươi!”

christianity

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn