Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / Vấn Đề Thờ Cúng Ông Bà

Vấn Đề Thờ Cúng Ông Bà

Vấn Đề Thờ Cúng Ông Bà

thocung

Hiếu Kính Cha Mẹ

Người Việt Nam là một dân tộc trọng lễ nghĩa. Bài học đầu tiên ở trường là câu: Tiên học lễ, hậu học văn. Ở trong gia đình cha mẹ thường dạy con cái biết lễ phép đối với người trên, khi gặp người lớn tuổi phải biết cúi đầu chào hỏi, khi ăn cơm phải biết “ăn coi nồi ngồi coi hướng.” Ngoài xã hội đâu đâu người con Việt cũng được dạy phải giữ gìn đạo hiếu, xem đó như bổn phận hàng đầu con cái phải vâng giữ đối với ông bà cha mẹ. Những câu ca dao tục ngữ sau đây luôn được truyền tụng: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Hoặc câu: “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên. Chữ rằng mộc bổn thủy nguyên. Làm người phải biết tổ tiên ông bà,” nghĩa là trong đời sống con người có hàng trăm đức hạnh phải học, phải giữ thì đứng hàng đầu là đạo hiếu. Giống như cây có gốc rễ, suối nước có nguồn, con người thì có tổ tiên ông bà. Vì vậy mọi người phải biết hiếu kính ông bà cha mẹ. Đây là điều hợp tình hợp lý không thể chối cãi. Vì thế khi lớn lên người Việt thời nào cũng cố gắng vâng giữ truyền thống gia đình dân tộc, không muốn đổi thay. Ai cũng sợ mình mang tiếng là người con bất hiếu. Cha mẹ nào cũng sợ mình có đứa con bất hiếu.

 

Thờ Cúng Ông Bà

Truyền thống hiếu kính ông bà cha mẹ là một vốn quí của người dân Việt, nhờ đó đã giúp cho giềng mối gia đình của người Việt luôn luôn bền vững. Tuy nhiên, từ truyền thống đã nãy sinh ra tín ngưỡng, nhất là tín ngưỡng đối với ông bà cha mẹ đã quá cố. Người Việt không biết khi qua đời ông bà cha mẹ đi về đâu, chỉ biết mơ hồ là “Sinh ký tử qui” nghĩa là “Sống gởi thác về” nhưng không biết về đâu. Vì thế người Việt xưa nay đều chịu ảnh hưởng theo phong tục và tín ngưỡng của người Trung Hoa nhất là ảnh hưởng của Khổng Giáo và Lão Giáo hoặc Phật Giáo. Theo những tín ngưỡng nầy thì dù qua đời vong linh ông bà cha mẹ vẫn còn lảng vảng quanh con cháu, có khả năng phù hộ khi con cháu kêu xin, có thể chia sẻ vui buồn với con cháu. Thỉnh thoảng con cháu phải cúng hoa quả thức ăn, hằng ngày phải thắp hương thơm để ông bà hưởng, có người còn đốt tiền bạc giả để ông bà cha mẹ quá cố có tiền xài. Mỗi năm con cháu phải cúng giỗ và trong dịp Xuân về con cháu có thể mời ông bà cha mẹ quá cố về vui Xuân với con cháu dăm ba ngày Tết rồi sau đó tiễn đưa ông bà đi. Phong tục và tín ngưỡng nầy được nhiều người Việt coi trọng và giữ gìn, nhiều người không hề đặt câu hỏi làm như thế có cần không, tin như thế có đúng không. Và vì sợ hai chữ bất hiếu, bất nghĩa nên nhiều người Việt không dám đặt câu hỏi, không dám đổi thay, cứ thế mà làm.

 

Đổi Mới Theo Văn Hoá Mới

Nếu đời sống xã hội Á Đông cứ mãi tiếp diễn mãi như thời xa xưa của ông bà thì sự việc giữ gìn phong tục truyền thống và bổn phận tín ngưỡng đối với người quá cố không có gì phải nói đến vì ai cũng giữ như vậy, không có gì thắc mắc cả. Nhưng dân tộc Việt Nam là dân tộc văn minh, chuộng tiến bộ và ưa thích đổi mới. Bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên đã nói lên sự đổi mới nầy. Người Việt cũng thường dạy con cái rằng “Con hơn cha là nhà có phước.” Hoặc ai cũng đồng ý “Đi một ngày đàng học một sàng khôn.” Cha mẹ nào cũng muốn con cái có đời sống khá giã hơn, học hành đỗ đạt giỏi hơn, có địa vị cao trong xã hội để cha mẹ nở mày nở mặt với người ta.

 

Khi con cái học hành đỗ đạt, và tiếp thu những cái hay cái mới của thế giới … thì sự xung đột giữa cái cũ và cái mới đã nảy sinh. Chẳng hạn cái thời “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” hoặc “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng,” hoặc “Nam nữ thọ thọ bất thân”… ngày nay đã không còn nữa. Cha mẹ nào cũng ý thức rằng hạnh phúc của con cái tùy thuộc vào tình thương yêu của đôi trai gái dành cho nhau. Tình yêu phải đến trước hôn nhân. Tình yêu là nền tảng của hôn nhân. Phần lớn các bậc cha mẹ ngày nay đều đồng ý như thế. Có rất nhiều thay đổi về phong tục cưới hỏi mà các bậc cha mẹ ngày nay chấp nhận rất dễ dàng cho phù hợp với thời đại mới. Thế nhưng có vài phong tục liên quan đến tín ngưỡng về ông bà cha mẹ quá cố thì nhiều người còn rất khắt khe, không muốn thay đổi. Việc nầy đã vô tình gây khó khăn cho con cháu, nhất là những người con đã tin thờ Chúa.

 

Nói đến tín ngưỡng là nói đến niềm tin tôn giáo. Đây là lãnh vực rất nhạy cảm, rất dễ dẫn đến xung đột và bất hoà nếu không biết giải quyết hợp tình hợp lý. Cách hay nhất để giải quyết về sự xung đột tín ngưỡng là chịu khó tìm hiểu và tôn trọng tín ngưỡng của người khác. Trong gia đình, nếu con cái có tín ngưỡng khác và cha mẹ có tín ngưỡng khác thì cả hai bên nên ngồi lại với nhau để tìm hiểu và tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Từ sự tìm hiểu và tôn trọng tín ngưỡng của nhau, chúng ta có thể dung hoà dễ dàng về điều gì nên giữ và điều gì không nên. Chúng ta cũng có thể dung hoà trên căn bản hợp tình hợp lý. Hợp tình nghĩa là hợp với tình cảm của người Việt, hợp lý nghĩa là hợp với chân lý của Đức Chúa Trời.

 

Quan Niệm Khác Nhau Về Hiếu Kính

Trong vấn đề tín ngưỡng về ông bà cha mẹ quá cố, chúng ta có hai nguồn hướng dẫn. Đối với nhiều người Việt chưa tin thờ Chúa thì nguồn hướng dẫn là luân lý và phong tục tập quán Á-Đông, nhất là phong tục của người Trung Hoa truyền đến Việt Nam từ lâu đời, trong đó có tục thờ cúng ông bà quá cố. Đối với người đã tin thờ Đức Chúa Trời như người Tin Lành thì nguồn hướng dẫn là Lời của Đức Chúa Trời được mạc khải trong Kinh Thánh. Trong hai nguồn hướng dẫn nầy rõ ràng có nhiều điểm giống nhau và nhiều điểm không giống nhau, chúng ta nên tìm hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

 

Điểm giống nhau

Điểm giống nhau trong nền luân lý Á Đông và Thánh Kinh là mọi người phải biết hiếu kính cha mẹ. Đối với người Tin Lành thì việc hiếu kính cha mẹ là một điều răn trong mười điều răn của Chúa truyền dạy. Mỗi điều răn đều quan trọng. Sự hiếu kính cha mẹ phải được tôn trọng vì đây là điều răn hàng đầu Chúa truyền về bổn phận của con người đối với nhau. Đây cũng là điều răn duy nhất có lời hứa cặp theo: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” Đây là điều răn của Chúa truyền con cái Ngài phải giữ. Người Tin Lành tin chắc rằng chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có quyền ban phước hay giáng họa cho con người. Ông bà cha mẹ dù còn sống hay đã qua đời không có khả năng làm việc đó. Người Tin Lành hoàn toàn tin tưởng và vâng theo điều răn của Chúa. Người Tin Lành còn dạy con cái chẳng những tin tưởng mà còn thực hành điều răn hiếu kính cha mẹ một cách cụ thể, thực tế, rõ ràng khi cha mẹ còn sống trên thế gian nầy. Không phải chỉ bằng lời nói nhưng bằng việc làm và lẽ thật. Người Tin Lành còn tin rằng khi người tín đồ tin tưởng và vâng giữ điều răn của Chúa thì Ngài sẽ ban phước đồng thời ban thêm năng lực để họ có thể làm tròn điều răn của Chúa. Khi một người tin Chúa thì lập tức quyền năng của Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ ngự vào người đó và ban quyền năng đổi mới, tái tạo để người đó có thể sống đời sống càng ngày càng tốt hơn trước rất nhiều. Đây là tiến trình đổi mới được gọi là sự thánh hóa và tiến trình nầy diễn ra suốt đời người tin Chúa. Chính vì thế mà người tin Chúa thật phải là người càng ngày càng đổi mới tốt hơn. Người tin Chúa phải thật lòng hiếu kính cha mẹ và yêu thương mọi người đúng như lời Chúa dạy. Các bậc cha mẹ chưa tin Chúa có thể theo dõi và thấy rõ sự đổi mới tốt hơn trong đời sống của những người con đã tin thờ Chúa và vâng theo lời Chúa.

 

Điểm khác nhau

Điểm khác nhau quan trọng trong tín ngưỡng của người Á Đông và Thánh Kinh là về số phận của ông bà cha mẹ quá cố. Ở đây chúng ta thấy rõ sự khác nhau giữa sự suy đoán của loài người và lẽ thật của Đức Chúa Trời. Người Việt chưa tin Chúa thường tin rằng con cháu có thể nói chuyện và liên lạc với người chết. Con cháu có thể mời người chết chứng kiến và chia sẻ vui buồn với người sống. Con cháu có thể cầu xin van vái ông bà phù hộ. Tất cả những niềm tin nầy rất hợp tình với dân chúng ngày xưa khi ánh sáng Tin Lành chưa được truyền đến các xã hội Á Đông. Chính đây là điều khác biệt với lẽ thật của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Theo lời Chúa dạy thì: “Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình… Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.” Như vậy Chúa không muốn con cái Chúa thờ hình lạy tượng. Sự hiếu kính dành cho cha mẹ nhưng sự tôn thờ vái lạy chỉ dành cho Đức Chúa Trời, là Đấng đáng tôn thờ.

 

Không có chuyện đầu thai chuyển kiếp

Kinh Thánh còn dạy về số phận người đã chết,  “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Theo câu Kinh Thánh nầy thì mỗi người chỉ chết một lần chứ không có chuyện đầu thai chuyển kiếp. Và mỗi người chết đều chờ ngày để chịu Đức Chúa Trời phán xét. Nhiều câu Kinh Thánh khác cho thấy người chết không thể trở về, không thể liên lạc với người sống, không thể ban phước hay giáng hoạ. Có thể nói nếu ông bà cha mẹ đã chết mà có khả năng liên lạc hay nói chuyện được với người sống thì họ sẽ khuyên con cháu nên vâng lời Đức Chúa Trời dạy trong Kinh Thánh vì đó là chân lý, đó là sự thật. Trong Thi Thiên 106 có câu nói xưng tội với Chúa như sau: “Tổ phụ chúng tôi cũng cúng thờ thần Ba-anh Phê-ô, ăn của lễ cúng kẻ chết; như vậy họ chọc giận Đức Chúa Trời vì những việc họ làm.” Kinh Thánh có nhiều lời trang trọng cấm người sống liên lạc với người chết, cấm hoạt động đồng cốt, ma thuật và bói khoa, cấm thầy phù thủy, thầy pháp, cấm người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số hay là kẻ đi cầu vong. Kinh Thánh hoàn toàn cấm thờ hình tượng, cấm ăn của cúng thần tượng… Đức Chúa Trời luôn luôn nhắc nhở người tin Chúa, “Hãy nên thánh vì ta là thánh.”

 

Chính vì đó mà người Tin Lành rất cẩn thận trong việc vâng theo Lời Chúa dạy. Đó cũng là lý do mà người Tin Lành kêu gọi và trông đợi người chưa tin thờ Chúa thông cảm và tôn trọng tín ngưỡng của mình. Nói điều nầy không có nghĩa là coi thường hay xúc phạm đến tín ngưỡng của người khác, hay không chịu tôn trọng tín ngưỡng của cha mẹ nhưng có nghĩa là xin phép cha mẹ không nên áp đặt hay bắt buộc con cháu phải vâng theo phong tục cổ truyền của mình. Trong trường hợp có sự xung đột giữa truyền thống loài người và lời dạy rõ ràng của Chúa thì người Tin Lành lựa chọn thái độ: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta.” Người Tin Lành thà chịu khổ vì vâng lời Chúa để được Chúa ban phước hơn là vâng lời loài người mà ray rứt lương tâm. Người Tin Lành muốn có tấm lòng bình an. Kinh Thánh chép: “Nếu được cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì?”

 

Hôn nhân trước mặt Chúa rất quan trọng vì hôn nhân do Đức Chúa Trời thiết lập và ban phước. Khi còn ở thế gian, Chúa Giê-xu đã đến dự một lễ cưới và Ngài đã thực hành phép lạ đầu tiên hoá nước thành rượu để đem hạnh phúc trọn vẹn đến cho gia đình mới lập nầy. Chỉ có vâng lời Chúa thì những cặp vợ chồng mới có nền tảng để cùng nhau xây dựng thành công hạnh phúc lâu dài. Chỉ có vâng lời Chúa thì gia đình mới được Chúa ban phước.

 

Cha mẹ nên tìm cầu hạnh phúc cho con. Cha mẹ nên chúc phúc cho con và đừng nên trách móc. Nên giúp đỡ cho con và không nên làm khó cho con. Nhưng thử hỏi cầu phúc cho con thì cầu ai, ai có quyền ban phúc hay giáng họa? Người Việt chúng ta ai cũng tin Ông Trời là Đấng cầm quyền họa phúc. Ai cũng tin là nên cầu Trời.

Vì thế cha mẹ nên cầu Trời ban phúc cho gia đình mới của con mình.

Muốn cầu Trời có hiệu quả chúng ta phải tin tưởng và làm theo sự dạy dỗ chỉ dẫn của Ngài. Điều trước tiên là mỗi người phải quyết định thờ Trời.

 

Đức Chúa Trời chính là Đấng Tạo Hoá của toàn thể loài người trong đó có ông bà tổ tiên chúng ta. Thờ phượng Đức Chúa Trời là xứng đáng nhất và đầy đủ nhất. Người Việt thường chỉ thờ nhiều nhất là đến 5 đời tiên tổ rồi thôi, không thờ thêm các vị trên trước đó nữa. Như vậy là thờ chưa đủ. Nếu quí vị quyết định tôn thờ Đức Chúa Trời tức là quí vị đã thờ đầy đủ. Điều nầy giống như tưới gốc cây là tưới cả ngọn cây. Thờ Trời là thờ tận gốc. Đức Chúa Trời chẳng những là Đấng Tạo Hoá nhưng cũng là Đấng Cưú Rỗi nhân loại nữa. Theo lời Chúa dạy thì không thờ Đức Chúa Trời là phạm tội trọng với Đức Chúa Trời. Dù quí vị làm tròn bổn phận với ông bà và với mọi người người khác nhưng chưa làm tròn bổn phận với Chúa thì quí vị đang phạm tội với chính Đức Chúa Trời. Hậu quả của tội lỗi là sự chết nghĩa là vĩnh viễn xa cách Đức Chúa Trời. Đó là một tin dữ, nhưng may thay chúng ta có một tin lành và một cơ hội để chọn lựa. Vì loài người phạm tội xa cách Chúa giống như chiên đi lạc, ai theo đường nấy, mỗi người đi theo đường riêng và không biết con đường mình đi sẽ dẫn tới đâu. Số phận của chiên lạc cũng như người đi lạc là buồn bã, vô vọng và hư mất. Có hai nơi mà mọi người cuối cùng sẽ đi đến, đó là Thiên đàng và Hoả Ngục. Đức Chúa Trời muốn quí vị lên Thiên đàng, và ông bà tổ tiên của chúng ta cũng chắc chắn mong muốn con cháu được đến Thiên đàng.  Muốn đến Thiên đàng của Chúa thì chúng ta phải theo đường lối Chúa chỉ dẫn chứ không thể theo cách của loài người. Đức Chúa Trời biết tình cảnh bi đát của loài người không thể làm cách gì đủ để đến Thiên đàng nên Ngài đã tìm đến với loài người chúng ta. Ngài đã ban sai Con Một của Ngài là Chúa Cưú Thế Giê-xu đến thế gian để tìm kiếm những người lạc mất. Ngài đã chịu chết thế để mở đường sống cho nhân loại quay về với Ngài.

 

Trước đây tổ tiên ông bà chúng ta chưa nghe đến Tin Mừng về Chúa Cưú Thế nên chưa biết thờ Chúa cho đúng đường đúng cách. Nay Tin Lành đã được truyền đến Việt Nam và thân nhân quí vị có người đã tiếp nhận Chúa và đang thờ Chúa. Khi nhìn lại đời sống của những người tin thờ Chúa quí vị sẽ thấy sự thật là đời sống họ có sự đổi mới, lòng họ có bình an và tâm linh họ có hy vọng. Họ đang có Chúa ngự trong lòng. Ngài đang dẫn dắt phù hộ đời sống và gia đình của họ. Người tin Chúa biết chắc sau khi qua đời sẽ được hưởng nước Thiên đàng vinh hiển, sung sướng. Trái lại người không tin nhận Chúa sẽ không thể lên Thiên đàng của Chúa được. Đó là lý do chúng ta phải thay đổi và phải điều chỉnh đức tin. Chúng ta phải kêu cầu cùng Chúa. Chúng ta phải mau mau trở lại thờ phượng Ngài.

Tôi tin rằng nếu ông bà cha mẹ quá cố của chúng ta có thể nói được thì họ cũng sẽ khuyên nhủ quí vị hãy thờ Trời để được phước và hưởng nước Thiên đàng. Đây là con đường duy nhất quí vị nên đi theo để vừa đẹp lòng Trời và chắc chắn thoả lòng tổ phụ chúng ta.

 

Quí vị có muốn trở lại thờ Trời hôm nay không? Kinh Thánh chép, “Vì ai kêu cầu Danh Chúa thì được cứu rỗi.” Nếu quí vị thật lòng muốn tin thờ Chúa, xin quí vị nói theo tôi những lời cầu nguyện sau đây: “Kính lạy Đức Chúa Trời, con muốn thờ phượng Ngài. Lâu nay con chưa biết thờ Ngài và đã phạm tội với Ngài. Con cảm ơn Ngài đã ban Con Một của Ngài đến thế gian đền tội thế cho con. Giờ đây con xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con . Con muốn thờ Chúa suốt đời con cho đến khi con gặp Chúa ở nước Thiên đàng. Con cảm ơn Chúa và cầu xin trong danh Chúa Giê-xu. A-men!”

 

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn