Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / truyện ngắn / ĐÔI GIÀY CỦA THẦY TÔI

ĐÔI GIÀY CỦA THẦY TÔI

giaydep

Toàn xếp lại mấy thứ cũ kỹ để dùng sửa và đánh giầy cho khách vào chiếc thùng sau một ngày ngồi lê la bên vệ đường Hàm Nghi. Vứt miếng carton cũ mèm vào thùng đồ nghề có đề chữ sửa và đánh bóng giầy, chàng nhép miệng: mày cũng cùng số phận như tao; suốt ngày hôm nay chỉ được vài đồng lẻ của khách đánh giầy. Đang loay hoay để chiếc thùng đồ nghề lên chiếc xe đạp  thì có tiếng gọi: chú ơi, chú giúp cháu sửa lại đôi giầy này cho cháu; Toàn càu nhàu trong miệng nhưng cũng bưng chiếc thùng đồ nghề đặt lại chỗ cũ và thực hiện việc sửa lại đôi giày của anh chàng thanh niên trẻ tuổi đang đứng ngồi không yên. Thấy cậu thanh niên cứ loay hoay trong lúc đợi cho keo khô vào đế giày Toàn hỏi thế cháu sắp có hẹn với ai mà thấy có vẻ không yên, dạ cháu tính để tới khi chú xong mới nói nhưng thôi cháu nói luôn để chú đừng giận cháu. Cháu không mang tiền theo xin chú thông cảm.

Toàn ngước đôi mắt trên gương mặt dạn dày sương gió với nhiều nếp nhăn so với tuổi ngoài năm mươi của mình. Thôi được lần sau đem đến trả cũng không sao. Cậu thanh niên nghĩ trong bụng ông thợ sửa giày thoạt nhìn thấy ngầu ngầu thế mà lại tốt bụng. Toàn gói trọn đôi giày đã sửa xong vào tờ nhật trình cũ và đưa cho người khách trẻ, cậu thanh niên hai tay cầm lấy và không ngớt nói lời cám ơn.

Một tuần lễ sau cậu thanh niên trẻ đến tìm Toàn và gởi trả tiền sửa giày rồi mở trong chiếc túi lấy ra một đôi giầy còn mới nguyên, cậu nói cháu biếu chú đôi giầy của ba cháu hãy còn mới. Toàn nói với cậu ta : chú đâu có đi đâu mà mang giày mới thế này, suốt đời lẹp xẹp với đôi dép cao su này chớ thợ sửa giày lề đường như chú mà mang giầy người ta cười thúi ruột. Mặc kệ Toàn nói thế nào đi nữa cậu thanh niên vẫn đặt đôi giầy bên cạnh thùng đồ nghề của Toàn. Toàn thấy thế mới bắt đầu kể chuyện, suốt vài tháng nay có một người khách của chú là giáo sư, đeo kính như cháu nghe nói nhà ở bến Vân Đồn cũng nhờ chú sửa lại đôi giầy giống như đôi giầy của cháu đem lại sửa hôm tuần rồi, ông ấy mỗi lần đến lại cho chú có khi khúc bánh mì thịt mua bên chợ cũ, có khi vài gói mì gói, có khi túi đường vàng và lúc nào cũng cứ mời chú đi nhà thờ, chú nói tôi làm gì có đôi giầy mà mang để đi nhà thờ rồi chú cứ khất lần ông ấy, đợi để đến khi nào tôi có giầy sẽ đi nhà thờ với ông. Ổng còn nói: ổng thấy hoàn cảnh của chú thấy thương quá, nay sống ở trần gian này đã khổ nếu không tin vào ông Trời đến mai mốt chết rồi lại khổ nữa, thật không ai tốt như ông ấy, ít có người có lòng tốt đối với người nghèo và lam lũ như chú. Hôm nay cháu cho chú đôi giầy thì để đến khi nào gặp lại ông ấy chú sẽ nói với ổng rồi Chúa Nhật này sẽ đến nhà thờ bên quận tư. Mấy tuần nay không hiểu thế nào không thấy ông ấy đến thăm chú nữa, chắc ổng giận chú.

Cậu trai trẻ nghe Toàn kể bỗng kêu lên, chú ơi ba cháu cũng là giáo sư dạy việt văn và cũng hay làm những chuyện như chú kể lắm. Toàn thốt lên: thế hóa ra ông ấy là ba của cậu à, cậu thanh niên trẻ thủng thẳng nói tiếp: chú ơi ba cháu không giận chú đâu vì ba cháu đã về với Chúa rồi. Toàn hỏi một cách khẩn khoản, thế cháu nói sao, về với Chúa là thế nào, tôi không hiểu. Cậu thanh niên nói tiếp: tuần trước cháu nhờ chú sửa lại đôi giầy cũ của ba cháu để cho ba cháu mang theo lần cuối, vì trong tâm thư để lại cho gia đình ba cháu có viết nhờ cháu mang đôi giầy mà ba cháu chỉ mang khi đi nhà thờ đến biếu chú, còn lúc tẩm liệm thì cứ mang đôi giầy cũ cho ba cũng được. Từ nay trở đi cháu sẽ thay ba cháu để nói chuyện với chú và giúp chú đi nhà thờ bên quận Tư nha.

Vài tuần lễ sau cũng vào dịp kỷ niệm lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, ông Toàn được Phước Ân (tên cậu thanh niên trẻ) chở đến nhà thờ Khánh Hội ở quận Tư. Lần đầu tiên trong cuộc đời ông được mọi người cúi đầu chào hỏi như một người khách quí chứ không phải là một anh thợ sửa giày ngồi ở vỉa hè đường Hàm Nghi nữa. Kể từ hôm ấy ông thấy mình yêu đời hơn, bình an hơn, và lúc nào cũng mỉm một nụ cười khoan dung độ lượng. Sau khi tìm hiểu thêm về gia đình của Phước Ân thì ông Toàn mới biết ra thầy giáo Nam, người đã đến làm bạn với mình chính là thầy Nam dạy Sử năm Toàn học lớp 7 tại trường Trung Học công lập Tân Bình năm 1971. Thầy Nam biết Toàn là học trò của mình và vì thời cuộc nên mới ra nông nổi như vầy nên đã tìm cách giúp học trò cũ của mình trong khả năng hạn hẹp của mình. Thầy đã không nói là thầy cũ để Toàn hoàn toàn tự nhiên xem như bạn vì nếu tính theo tuổi tác thì thầy Nam lớn hơn Toàn 20 tuổi, nhưng vì cuộc sống quá lam lũ nên khiến Toàn như người đã ngoài sáu mươi. Ôi tình thầy trò quá cao quí, nó quí ở chỗ khi người ta ở cái tận cùng mà vẫn tìm đến nhau, và lo tưởng cho nhau từ vật chất đến tinh thần, đời hiện tại và cõi đi về khi đã nhắm mắt xuôi tay. Thầy Nam đã giữ tình cho nhau đến lúc qua đời và còn muốn giữ mãi nên đã viết trong tâm thư nhờ con mình là Phước Ân đến tìm và tặng người học trò nghèo món quà mà chỉ có ông mới có thể cho được, vì Toàn là thợ sửa giày cho người mà cũng không thể tự kiếm cho mình một đôi giày.

Vài năm sau người ta vẫn thấy trò Toàn ngồi bên lề đường sửa và đánh giầy nhưng khác là ông thợ sửa giầy bây giờ không mang đôi dép cao su nữa mà mang đôi giầy tuy đã cũ dần theo năm tháng nhưng cũng đủ để sưởi ấm đôi chân gầy guộc và đến nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật.

Tờ nhật ký được mở ra khi hay tin ông thợ sửa và đánh giầy đã chết tối hôm qua vì cảm lạnh và kiệt sức. Ở trang đầu ghi thật lớn và rõ nét: nhớ mang đôi giầy thầy Nam tặng cho tôi khi tôi chết. Tôi muốn khoe với thầy đôi giầy thầy cho rất đẹp và vừa chân con lắm….. thương thầy vô cùng… trò Đỗ Hữu Toàn niên khóa 70-77.

HÙNG VIỆT

Tuyển tập truyện ngắn VCNT 2013   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn