CHÚA DẠY TÔI TRÊN ĐƯỜNG
TRUYỀN GIÁO
Lưu hành truyền đạo là ơn gọi Chúa dành cho tôi trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Tôi thường kinh nghiệm về sự chăm sóc và dạy dỗ của Chúa luôn trên những bước đường truyền giáo của tôi. Đầu năm 2014 tôi được đến Úc tại Sydney và Brisbane, lần đó tôi cũng có đến thăm New Zealand. Tôi có dịp xây dựng mối liên hệ bà con, chia sẻ đức tin và thông công với các Hội Thánh. Tôi được gặp gỡ những người bạn mới. Những người được Chúa yêu. Tôi kêu gọi đồng hành. Mở các lớp Đào Tạo Môn Đồ. Vui hưởng Chúa trên những vùng đất mới, với kinh nghiệm tình yêu mới của Hội Thánh… Đi đâu trên đất Úc tôi cũng thấy sự thịnh vượng, lòng hiếu khách của anh chị em tín hữu. Cảm tạ Chúa về những xã hội chọn văn hóa Cơ-đốc làm nền tảng cuộc sống. Bây giờ đến tháng Tư và Năm, tôi lại được đến Úc lần nữa, lần nầy ở hai thành phố khác là Melbourne và Perth. Nước Úc to lớn, rất nhiều tài nguyên, nhưng ít dân (hơn 22 triệu dân) sống dọc theo ven bờ biển ở các thành phố lớn hiện đại phía đông từ Brisbane, xuống Sydney, qua Canberra, xuống Melbourne, về phía Tây đến Adelaide, rồi Perth.
Tìm hiểu thêm về nước Úc, tôi thấy yêu thích nước Úc và người Úc. Dân Úc hiền hòa và ưa thích thể thao. Cảnh trí Úc đẹp vì gần biển, nhiều cá, nhiều thứ hải sản, khoảng sản. Trên hết, nước Úc được xây dựng và phát triển từ những người tin cậy Chúa. Văn hóa Úc là văn hóa Cơ-đốc. Và bạn biết không, tôi yêu nước Úc vì nước nầy đã sản sinh những tài tử đóng phim nổi tiếng nhất trên thế giới như Mel Gibson, Russell Crowe, Nicole Kidman, Cat Branchett… Tôi còn nhớ phim Crocodile Dundee thật hay của Úc thời 1986 nữa. Người Việt ở Úc cũng rất dễ yêu. Vì anh chị em là những người Chúa yêu.
Qua những ngày ở Úc lần nầy trong thời gian một tháng rưỡi, tôi thấy mỗi ngày Chúa dẫn dắt tôi, dạy dỗ tôi phải làm gì, chăm sóc tôi từng món ăn, giấc ngủ, qua từng chặng đường, từng chuyến bay, qua sự giúp đỡ của những người mới quen và với những người đang hiệp tác với tôi. Tôi sung sướng có nhiều khám phá mới trong Chúa và niềm vui sâu xa trong đời sống chức vụ tin đạo, sống đạo và truyền đạo của mình. Đạo Chúa là đạo sống, phong phú và hy vọng. Thích hợp hiện tại lẫn tương lai. Sống hiện tại để chuẩn bị tương lai.
TẶNG SÁCH “HƯỚNG ĐI CHO CUỘC ĐỜI”
Trên đường đi máy bay từ Los Angeles qua Melbourne, tôi ngồi cạnh một phụ nữ người Việt. Lứa tuổi ngang với con gái đầu của tôi. Cách một ghế trống. Chị có vẻ cởi mở vui vẻ nên tôi tiếp chuyện làm quen. Khi biết tôi là Mục Sư Tin Lành, chị cho biết chị gốc là tín hữu Công Giáo nhưng lấy chồng là người Phật Giáo, có bà mẹ chồng sùng đạo, ăn chay trường và thường hay khuyên cô theo Phật. Cô nghĩ mình là con cái Chúa rồi thì không thể theo tôn giáo khác. Nhưng giữa hoàn cảnh bất đồng như vậy, để yên ấm cho gia đình cô đã bỏ đi nhà thờ luôn. Nhưng như vậy không có nghĩa là nhờ đó mà gia đình êm ấm. Tôi nghĩ chuyện khác niềm tin, khác hướng đi là nan đề khó giải của nhiều gia đình Việt Nam xưa nay. Khi đã chọn một tôn giáo, ai cũng muốn cho mình là đúng và người nầy thường áp đặt niềm tin của mình trên người kia. Bất hoà xảy ra. Con người được Chúa kêu gọi hãy sống yêu thương nhau. Yêu thương đúng nghĩa phải bao gồm sự tự do trong mối quan hệ với nhau. Yêu thương nhau phải đi đôi với sự tôn trọng lẫn nhau.
Tôi thông cảm và chia sẻ với chị ý niệm quan trọng: “NOT RELIGION BUT RELATIONSHIP.” Điều quan trọng không phải là tôn giáo nhưng là mối liên hệ với Chúa. Tôn giáo với bao nhiêu lễ nghi, điều luật, cấm đoán và ràng buộc hằng ngày khiến nhiều người chỉ lo giữ đạo do con người đặt ra mà quên đi mối liên hệ với Đức Chúa Trời là Đấng sống, Đấng đáng gần gủi và giao thông mỗi ngày. Tôi tin rằng dù bạn có làm tốt mọi bổn phận tôn giáo của mình nhưng bạn không biết Chúa là ai, không biết Chúa đã làm gì cho bạn và không biết Chúa muốn bạn làm gì thì cũng vô ích. Có tôn giáo chưa đủ. Liên hệ thông suốt với Chúa mới cần thiết. Rồi đây mọi người đều sẽ gặp mặt Chúa. Thế giới có một Đức Chúa Trời. Thế giới cũng sẽ có một ngày phán xét. Khi mọi người ứng hầu trước Chúa, Ngài sẽ vui mừng tiếp đón những con cái Chúa vào nhà trên trời với lời khen, “Được lắm. Hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi!” Hoặc Chúa sẽ phán, “Ta không biết ngươi! Hãy đi ra khỏi ta!” Trong nhóm những người bị Chúa khước từ không thiếu những người có tôn giáo, họ đã làm đầy đủ mọi bổn phận tôn giáo nhưng chưa hề quen biết Chúa Giê-su, chưa hề nhận được sự tha tội với Chúa, chưa hề một lần kêu cầu Chúa cứu, chưa hề biết ý Chúa và chưa hề mời Chúa bước vào đời sống mình.
Tôi cảm thấy trào dâng trong lòng tình thương đối với những người chưa có mối liên hệ với Chúa, chưa xác định hướng đi của cuộc đời. Nếu một người không biết Chúa thì người đó đang đi lang thang trong cuộc đời không phương hướng. Giống như con chiên đi lạc, bơ vơ, lo lắng, khao khát, mong được người chỉ đường trở về. Nhiều con chiên không biết đường về đang cần người chăn đi tìm cứu và vác nó trở về. Trong cuộc sống tâm linh chỉ có hướng đi lên và đi xuống, nếu một người không đi lên là người đó đang đi xuống. Hoặc bạn đang ở trong Chúa hoặc bạn đang ở ngoài Chúa. Bạn đang được cứu rỗi hay đang bị hư mất, đang chết hay đang sống, đang gần hay đang xa.
Tôi hỏi tên và biết chị tên là Huỳnh Anh. Tôi cảm ơn Chúa vì cơ hội gặp gỡ chị lần nầy. Tôi ước ao chị tái lập và xây dựng mối liên hệ bản thân với Chúa. Tôi tặng cho chị quyển sách của tôi, quyển “Hướng Đi Cho Cuộc Đời”. Tôi để ý thấy chị đọc qua tựa sách và lời giới thiệu sách ở trang bìa. Chị mĩm cười hứa sẽ đọc và nghiên cứu quyển sách nầy. Quyển sách sẽ nói thay nhiều điều mà tôi không có thì giờ để nói. Tôi nghĩ nếu một người hết lòng tìm kiếm Chúa thì sẽ gặp Ngài vì Ngài cũng đang tìm kiếm họ. Ngài đang tìm kiếm nhiều người Việt hôm nay qua bản thân chức vụ lưu hành truyền giáo của tôi, qua những tôi tớ con cái Chúa ở các Hội Thánh địa phương, trên những chuyến đi, những lần gặp gỡ, những tờ báo, những quyển sách, những chương trình phát thanh, truyền hình…khắp nơi. Tôi thầm ước trong lòng sẽ nhờ ơn Chúa tiếp tục giúp nhiều người Việt nối lại mối liên hệ với chính Chúa Giê-su. Tôi biết Ngài là Đấng Cứu Thế duy nhất đang sống giữa chúng ta, Ngài muốn liên hệ mật thiết với mỗi người Việt chúng ta hôm nay.
TÔI ĐI BÁC SĨ TẠI ÚC
Từ Mỹ tôi đã ho nhiều. Có lẽ nhiễm lạnh. Tôi đi Bác sĩ gia đình xin thuốc uống nhưng cơn ho vẫn không thuyên giảm. Vì đến ngày hẹn, tôi phải lên máy bay đi Úc, hy vọng sự thay đổi khí hậu sẽ giúp cơ thể khá hơn. Ở Mỹ trời lạnh và qua đến Melbourne trời cũng lạnh. Có thể trời lạnh hơn. Có lẽ người ta ít dùng điện hơn ở Mỹ. Ít nhà người Việt nào nói là dư điện. Giá điện cũng như các vật giá khác đểu mắc. May tôi có đem theo cái áo da mặc ấm đỡ lạnh. Có người thân cũng cho mượn cái mền Đại Hàn để đắp ban đêm. Một người khác có sáng kiến cho tôi mượn cái bao cao su đựng nước nóng để trên giường làm ấm chân. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi suy nghĩ sống ở đâu cũng không bằng sống ở nhà, ở Mỹ. Tiện nghi đầy đủ. Gần gia đình, gần con cháu.
Trời ở Úc sắp bước vào mùa đông trong khi ở Mỹ trời mới bước vào hè. Ở đây có ngày mưa và có ngày nắng. Ban đêm trời thật lạnh. Mấy ngày mới đến Melbourne, tôi thấy ho nhiều hơn, uống thuốc trụ sinh thường như cũ đem theo vẫn không hết. Tôi ho sâu và cơn ho kéo dài nhiều lần giống như lên suyển. Thật khó khăn. Làm sao đây khi mắc bệnh và sống xa nhà? Chỉ thêm gánh nặng lo âu. Phiền cho người ở gần. Nhưng Chúa đã dùng người nầy người khác giúp tôi. Tôi nhớ thời sứ đồ Giăng cũng có những người lưu hành truyền giáo và vị sứ đồ đã khuyên các Hội Thánh địa phương hãy tiếp đón và giúp đỡ những nhà truyền giáo lưu hành trong những chuyến đi của họ (3 Giăng 6-8). Tôi cảm ơn Chúa vì quen biết được nhiều người và cũng được nhiều người yêu thương. Có những người tôi quen biết thật lâu bây giờ mới gặp lại. Chúa đã đào tạo và sử dụng nhiều người, nhiều gia đình với con cháu họ tiếp bước theo trên đường theo Chúa. Đạo Chúa thật diệu kỳ. Nhiều người đang theo Chúa khắp nơi trên thế giới. Thân quen như một nhà. Thế giới có được như ngày nay là nhờ Chúa Giê-su và sự giáo huấn của Ngài. Cảm ơn Chúa vì người Việt đã biết đến Chúa 100 năm qua. Tiếc thay đến nay vẫn còn số đông người Việt chưa biết đến Chúa, chưa nối lại mối liên hệ và giao thông với Ngài.
MS Lý Quốc Hưng, người tôi đã biết từ trước năm 1975 ở Việt Nam nay không ngờ cũng đang ở Melbourne và đang quản nhiệm một Hội Thánh Việt-Úc có cơ sở do nhà thờ Uniting Church giao lại cho ông lãnh đạo. Mục Sư Hưng đón tiếp tôi tại tư thất của ông nằm kế sát nhà thờ mấy bữa đầu, ông thấy tôi ho nhiều và đã vội đưa tôi đến gặp nữ Bác sĩ Lê Thủy, một tín hữu Tin Lành ở Melbourne. Bác sĩ nhanh chóng khám bệnh, đưa thuốc mới cho tôi uống và cho tôi đi chụp phim phổi. Bác sĩ dùng ống nghe khám phổi và thấy trầm trọng. Hơi thở nặng, khò khè, có đàm nhiều. Tôi cảm thấy lời nói hụt hơi. Làm sao giảng được khi nói không đủ hơi đây? Lúc nầy là nhằm Lễ Thương Khó và Phục Sinh, thành phố nghỉ lễ, cửa tiệm đóng cửa, chỗ chụp hình quang tuyến X cũng đóng cửa, phải hai ngày sau tôi mới được đi chụp hình phổi. Trong khi đó cảm ơn Chúa, Mục Sư Hưng đã mua được thuốc cho tôi theo toa Bác sĩ, tôi vội uống thuốc theo toa và dùng ống hút hạ ho đàm mỗi ngày 6 lần. Tôi thấy thuốc mới có công hiệu rõ, cơn ho của tôi hạ dần và tôi có thể giảng cho Hội Thánh Uniting Church và Hội Thánh Báp-tít Kew nhân dịp lễ kỷ niệm Chúa thương khó và lễ phục sinh. Tôi cũng đến dự lễ với Hội Thánh Báp-tít Reservoir. Tôi vui khi thấy anh em các Hội Thánh lân cận đến nhóm chung, dự phần ca hát lễ và ăn chung với nhau. Có nhiều món ăn Việt Nam do nhiều tín hữu mang đến. Tôi cũng rất vui khi thấy các bạn trẻ, thiếu niên thiếu nhi có sáng kiến diễn kịch mang tính giáo dục tôn ngợi Chúa trong kỳ lễ. Thanh niên có nhiều sáng kiến và nếu các Hội Thánh quan tâm sử dụng sức mạnh của tuổi trẻ chắc chắn Hội Thánh sẽ vui và phát triển.
Hai ngày sau khi chụp phim tôi được Bác sĩ cho biết kết quả phim. Bác sĩ liên lạc mời tôi đến phòng khám lần nữa, lần nầy tôi đã dọn qua nhà Mục Sư Trần Vinh Quang. Mục sư Quang có mối liên hệ thân quen với chúng tôi rất lâu từ khi ông bà còn là thanh niên mới lập gia đình ở Đà Lạt. Tôi theo dõi chức vụ của ông bà với lòng tự hào và yên tâm sung sướng về ơn yêu Chúa và tận tụy phục vụ Chúa của gia đình trẻ nầy trải qua nhiều năm tháng. Tôi luôn ước ao những người kế thừa chức vụ hầu việc Chúa trọn đời như tôi sẽ hết lòng tận hiến vì Danh Chúa. Không thay đổi. Finishing well. Năm nay ông bà MS Quang mới nhận chức quản nhiệm một Hội Thánh có tên là Vietnamese Church of Christ, Richmond. Mục Sư Quang đưa tôi đi, có bà cùng đi. Ông bà đã có hai cô con gái dễ thương, triển vọng. Cô con gái đầu 17 tuổi tên Rebecca nói tiếng Việt rất giỏi. Cô con gái út có tên Rachel đã tỏ ra có tài làm phim. Tôi cảm nhận tình cảm thầy trò, bà con và sự gần gủi trong chức vụ. Tình cảm của gia đình người hầu việc Chúa thường gần gủi và gắn bó, vì cảm thông. Không dễ để làm đầy tớ Chúa. Trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Chúng tôi tới văn phòng bác sĩ như đã hẹn, Bác sĩ cho biết ngay phim phổi của tôi rất nghiêm trọng, có dấu hiệu không tốt (hoặc là bệnh lao mới phát hoặc là vết sẹo xưa trên phổi rõ ràng). Bác sĩ cho biết là tôi phải đi chụp phim catscan ngay chiều đó thì mới có thể quyết định được. Bà giải thích nếu là bệnh lao mới phát bà sẽ cho tôi nhập viện cách ly ngay, không cho tiếp xúc với người khác, cũng không cho lên máy bay đi về Mỹ. Bà nói sẽ là một tội trọng (criminal) nếu bác sĩ để một người mắc bệnh lao đi lên máy bay. Tôi không nghĩ mình mắc bệnh lao, nhưng suy nghĩ nếu chụp phim mà bác sĩ đọc là mắc bệnh lao thì sẽ rất khó khăn, lúc đó tôi sẽ không thể về nhà, cũng không thể làm việc gì, và không được tiếp xúc với ai cho đến khi bệnh viện xác nhận không còn gì đáng nghi. Đến lúc đó thì bao nhiêu thì giờ, phiền phức, lo âu và tiền bạc nợ nần. Đó là cái phiền của thời đại văn minh và kinh nghiệm sống cao của xứ sở nầy.
Ra khỏi phòng khám bước lên xe chúng tôi ngồi lại cầu nguyện. Xin dâng lên Chúa khó khăn. Xin Chúa giải quyết nan đề. Không có việc gì Chúa không làm được. Mục Sư Quang vội đưa tôi tôi đi chụp catscan cho kịp trong ngày. Văn phòng chụp phim có địa chỉ không xa và cuộc chụp phim diễn ra khá nhanh. Văn phòng cũng do người Việt điều hành. Tiền chụp phim lần nầy mất 331 dollars. Lần chụp trước chỉ mất 90 dollars. Tôi trả bằng Credit Card. Tôi khỏi tốn tiền công bác sĩ vì Bác sĩ Thủy giúp tôi miễn phí. Chụp phim xong chúng tôi ra về và chờ nghe kết quả. Có ai ngờ ngày nay một bác sĩ ở một phòng khám nào đó vẫn có thể có một quyết định ảnh hưởng đến chương trình lớn định sẵn của rất nhiều người. Đời sống có những bất ngờ thật. Mục Sư Quang phải hẹn lại giờ lái xe đón hai cô con gái từ trường học về nhà. Chương trình mấy tuần đến của tôi có thể sẽ phải thay đổi. Biết nói sao? Tôi suy nghĩ từ đây có lẽ sẽ không quên lo mua bảo hiểm sức khoẻ trước khi đi ra nước ngoài. Nhiều chuyện bất ngờ có thể xảy ra. Chuẩn bị trước sẽ yên tâm hơn. Tôi suy nghĩ thời đại nầy đi truyền giáo xa không giống như thời Phao-lô đi truyền giáo. Ông không có nhiều phương tiện, ông cứ yên tâm ra đi, dù ông chờ đợi nhiều hơn, ông bị nhiều lệ thuộc và tốn nhiều thời gian hơn, ông không có bảo hiểm… Nhưng Chúa đã lo cho ông. Ông có lần đã nói, “Tôi chẳng kể sự sống mình làm quý, miễn chạy cho xong cuộc đua…” Ông ra đi theo sự sai phái và lời hứa của Chúa. Chúa hứa ở cùng ông trong mọi nơi ông đi.
Những tuần sắp tới, chương trình phục vụ của tôi sẽ là ba ngày trại, ba ngày huấn luyện chương trình đào tạo môn đồ tại Hội Thánh Kew. Mục Sư Đoàn Hưng Khôi là người chính lo mua vé máy bay qua Úc cho tôi. Tôi cũng có ba ngày truyền giảng và bồi linh cho Hội Thánh Đấng Christ người Việt ở Richmond, trước khi bay qua thành phố Perth và ở đó hai tuần nữa mới về Mỹ. Tôi đi Úc lần nầy một mình, vợ tôi thì đi về Việt Nam. Noi gương tôi, bà cũng xây dựng chương trình từ thiện giúp an ủi các bà quả phụ tôi tớ Chúa người dân tộc thiểu số. Năm ngoái bà về nước và đi Đà Lạt, năm nay bà về với ý định sẽ đi Ban Mê Thuột. Người được Chúa cho đi sống ở nước ngoài thường có lòng yêu thương người trong nước. Vợ tôi suy nghĩ có hơn 100 bà quả phụ người dân tộc trên vùng cao nguyên ít người quan tâm an ủi. Bà thương mấy bà phụ nữ goá bụa. Kỳ hè nầy chúng tôi mỗi người đi mỗi ngã để phục vụ công việc Chúa và không nghĩ đến những khó khăn xảy ra bất ngờ trong chuyến đi xa.
Nhìn lại trong những chuyến đi, tôi đã từng kinh nghiệm nhiều việc khác nhau nhưng việc gì dù khó khăn rồi cũng trôi qua. Có lần đi Mã Lai nhiều năm trước, tôi được đưa đi nhà thương nửa đêm và nằm nhà thương mấy ngày vì bị trúng thực do ăn đồ ăn Ấn Độ. Nhưng năm đó may là chi phí y tế bệnh viện ở Mã Lai khá rẽ và ít tốn kém. Có lần đi Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu tôi bị xét hỏi, bị giữ lại ít lâu, nhưng buồn nhất là tôi khám phá mình đã mất hẳn quyển Kinh Thánh riêng. Bạn biết cảm tưởng của người mất quyển Kinh Thánh riêng của mình chưa? Bao nhiêu giờ đọc, bao nhiêu bài học, bao nhiêu ghi chú, kỷ niệm, giờ phút sống thiêng liêng. Mất Kinh Thánh là mất nhiều lắm. Hơn cả mất vàng. Tôi buồn đến khóc. Nghĩ đến một quyển Kinh Thánh mới sẽ dùng thì biết đến bao giờ mới quen… Vậy mà bạn biết không, tôi đã tìm được quyển Kinh Thánh bị mất đó. Chúa đã làm một phép lạ để tôi có lại quyển Kinh Thánh thường dùng của tôi. Ai đó đã cầm quyển Kinh Thánh của tôi. Cuốn Kinh Thánh đã mất ở Campuchia vậy mà bây giờ đang nằm trên chiếc xe đưa tôi về Việt Nam. Chúa cho tôi thấy lại được, cầm lại được quyển Kinh Thánh của mình trong tay. Rõ ràng báu vật đã mất mà còn. Chúa tôi thật gần gủi biết bao.
Lần nầy ở Úc nếu tôi vào bệnh viện, tình hình sẽ rất khó đây. Tôi nói với Mục Sư Quang trên xe là trong 65 năm qua tôi có thể làm chứng rằng Chúa là thành tín. Những người theo Chúa đến 100 năm nữa vẫn có thể làm chứng tương tự như tôi. Đó là chuyện của người theo Chúa, một kinh nghiệm có bề dày của lịch sử.
Chúa thành tín thật. Ngài không để chúng ta chịu thử thách quá sức. Trong khi chúng tôi đang trên đường về nhà, tôi nghe tiếng điện thoại Bác sĩ Thủy đang gọi cho Mục Sư Quang, người đang lái xe. Bác sĩ vừa mới biết kết quả đọc được từ chỗ chụp phim catscan. Bà nói, “Không sao cả. Kết quả chụp phim cho biết đó chỉ là vết sẹo cũ, không phải bệnh lao!” Không ai phải bị cách ly… Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.
Cảm ơn Chúa, tôi đang được Chúa chữa lành bệnh ho, từ từ hết bệnh và tôi được tiếp tục phục vụ Chúa tại Úc cho đến hết chương trình đã định, không có gì ngăn trở nữa.
GIẢNG TIN LÀNH CHO NGƯỜI VIỆT
Ở Úc tôi có cơ hội giảng Tin Lành cho đồng hương người Việt. Ở trong nhà thờ. Mỗi kỳ giảng thấy có vài ba người tiếp nhận Chúa. Những người nầy thường đã có dịp tìm hiểu về Chúa trước. Được tín hữu mời đến dự nhóm. Một lần, hai lần. Buổi truyền giảng là cơ hội tốt để kêu gọi thân hữu. Tôi thấy các Hội Thánh Việt Nam ở đâu cũng muốn thấy có thêm người mới tin nhận Chúa qua các buổi truyền giảng và gia nhập Hội Thánh của mình. Đây là ước muốn tốt đẹp cao quý nhưng không dễ kết quả nếu chính tín hữu không làm chứng trước. Tiếp đón, chăm sóc, người trồng kẻ tưới, và Chúa làm cho lớn lên. Hội Thánh không tiến sẽ lùi. Giống như nhà không có con trẻ sẽ chán, buồn. Thông thường chúng ta làm theo cách cũ và kinh nghiệm cũ. Lâu lâu tổ chức truyền giảng một lần. Vẫn có kết quả. Nếu có kết quả hãy tiếp tục làm. Nhiều nơi đang tiếp tục làm. Làm theo phương pháp cũ sẽ gặt được kết quả cũ.
BẰNG MỌI PHƯƠNG PHÁP SẴN CÓ
Nhưng thử hỏi đây có phải là phương cách truyền giáo duy nhất, hay nhất?
Phương pháp cũ dù hiệu quả thể nào vẫn có nhiều giới hạn vì chỉ có một số ít người làm, một số ít người sử dụng thì giờ. Có người ví sánh Hội Thánh giống như một chiếc tàu chiến mà trên đó không có ai là hành khách nhưng tất cả đều là thủy thủ. Trước cuộc chiến thuộc linh, không ai được phép ngồi không. Nhưng không phải ai cũng hiểu vậy.
Tôi nghĩ nguyên tắc thì ít nhưng phương pháp thì nhiều. Nguyên tắc không thay đổi nhưng phương pháp có thể thay đổi. Vấn đề là hiệu quả. Nếu chỉ có một số ít người ra đi truyền giáo thì kết quả sẽ không nhiều nhưng nếu mỗi người tin Chúa đều tham gia truyền giáo thì công việc Chúa sẽ phát triển. Nếu chúng ta chấp nhận Đại Điều Răn của Chúa dạy hãy yêu Chúa yêu nhau và ai nấy đều tuân giữ lệnh nầy, thì tại sao chúng ta chỉ dành Đại Mạng Lịnh ra đi truyền giáo cứu người cho một số ít người lãnh đạo cùng một số ít tín hữu tham gia. Chúa sẽ vui hay sẽ buồn khi chúng ta không vâng lời Chúa. Tôi ao ước tất cả các Hội Thánh Việt đều nhấn mạnh đến yếu tố nầy. Nếu mọi người dự phần thi hành Đại Mạng Lịnh của Chúa giống như ai nấy đều thi hành Đại Điều Răn thì cả Hội Thánh và thế giới sẽ đổi thay.
Tôi suy nghĩ đến cách truyền giáo bằng chương trình đào tạo môn đồ của Chúa Giê-su, và của Phao-lô. Chúa Giê-su dành 3 năm trời để đào tạo môn đồ và sau 3 năm Ngài mới hỏi: “Các con nói ta là ai?” Các môn đồ qua đại diện là Phi-e-rơ đã xưng nhận: “Ngài là Đấng Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống.” Chúa Giê-su vui vì sự nhận biết nầy. Và Chúa Giê-su đã truyền hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người để thế gian biết ràng Đức Chúa Trời đã từng trở thành người trong xác thịt ở giữa chúng ta để mở đường cứu rỗi chúng ta. Phao-lô dạy hãy trao sứ điệp Tin Lành nầy lại cho mấy người trung thành có tài dạy dỗ kẻ khác (2 Ti-mô-thê 2:2). Đây là mệnh lệnh của nền giáo dục Cơ-đốc. Đây là cách dạy để học và học để dạy. Mỗi tín hữu đều được kêu gọi tham gia làm môn đồ Chúa và giúp người khác trở nên môn đồ Chúa. Mỗi tín hữu đi tìm học trò để dạy lại những gì mình đã học. Kết quả không theo cấp số cọng nhưng sẽ theo cấp số nhân. Sức mạnh của những người truyền giáo tận tụy là tận dụng mọi cơ hội (trong hoàn cảnh của mình) để gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với nhiều người về Chúa. Sống đạo và truyền đạo đi đôi với nhau. Không phải chỉ ra đi để gặt nhưng ra đi để gieo. Gieo để gặt. Quá trình nầy đòi hỏi thời gian, công sức và thời gian chờ đợi. Hãy phát huy sáng kiến truyền bá Phúc Âm cho người Việt theo phương cách và ngôn ngữ của người Việt. Thời đại mới có nhiều phương tiện mới. Người trẻ có thể sử dụng các phương tiện truyền thông thời nay tài giỏi hơn người già rất nhiều. Người già có thể chia sẻ kinh nghiệm và góp phần khích lệ cho người trẻ tiếp nối. Hãy phát triển tài năng của bạn bằng sự tình nguyện, hiệp tác với công tác truyền giáo chung.
Cảm ơn Chúa, công việc truyền giáo cho người Việt đang được nhiều người tin Chúa quan tâm hôm nay. Chúng ta có Đặc San Hướng Đi, có cuộc thi viết Truyện Ngắn và phát thưởng hằng năm, có bài dự thi đăng lên songdao.com thường xuyên, có Hội Từ Thiện Hướng Đi, có Viện Đào Tạo Môn Đồ và mới đây chúng ta có thêm HƯỚNG ĐI TRUYỀN HÌNH (Giáo sư Phạm Xuân Dũng phụ trách). Tôi ước ao xây dựng Website huongdi.com cho đầy đủ và mạnh hơn để hấp dẫn nhiều người đọc hơn. Tôi đang cần anh em tín hữu khắp nơi có tài năng chuyên môn về website góp phần làm tốt công việc truyền thông nầy. Các công ty ngoài đời đã tốn rất nhiều tiền cho việc quảng cáo để nhiều người biết đến sản phẩm của họ, chúng ta há không hết sức loan báo cho mọi người biết đến tin mừng về cứu rỗi bởi ân điển Chúa hay sao? Tôi nghĩ chúng ta chưa làm tốt việc quảng bá nầy.
NGỒI, ĐỨNG, ĐI
Hội Thánh không chỉ ngồi để thờ phượng, đứng dậy để phục vụ nhưng còn phải ra đi để truyền giáo. Ai cũng phải dự phần truyền giáo. Ai cũng có khoảng thời giờ 24 tiếng đồng hồ một ngày như nhau. Chia sẻ thời giờ là chia sẻ sự sống. Nước Chúa mở rộng trong lòng người tiếp nhận Chúa. Chúa biến đổi lòng người. Đạo Chúa thích hợp với cả nhân loại, không phân biệt chủng tộc, giàu nghèo, sang hèn, nam hay nữ, già hay trẻ. Đạo Chúa là đạo sống dành cho mọi người muốn có sự sống. Hội Thánh đầu tiên đã phát triển không giới hạn mặc dầu khả năng của họ giới hạn, họ không có nhà thờ, họ không có nhiều phương tiện di chuyển như chúng ta. Họ đã tin cậy Chúa ra đi đến với nhiều người xung quanh và họ đã làm thay đổi thế giới. Lý do chúng ta phải noi gương họ tiếp tục truyền giáo là mặc dù thời đại và thế giới thay đổi, ngày nay lòng người tội lỗi vẫn không thay đổi. Nan đề xích xiềng tội lỗi của con người không thay đổi. Giải pháp của Chúa cho nan đề đó vẫn không thay đổi. Chúa phải chịu khổ cho con người được tự do. Chúa phải chết để con người được sống. Đó là lý do chúng ta phải tiếp tục đi truyền giáo. Bằng Tin Lành quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu những người tin Chúa. Đồng bào chúng ta cần được Chúa cứu khỏi hình phạt của tội lỗi, khỏi sức mạnh của tội lỗi và khỏi sự hiện diện của tội lỗi. Người Việt trước hết cần được phục hoà với Đức Chúa Trời.
Phương pháp truyền giáo của Chúa Giê-su vẫn là phương pháp tốt nhất. Chúa Giê-su giảng đạo trong đồng vắng, trên đồi, ngoài bờ biển, bên giếng nước… Chúa Giê-su gần gủi với mọi hạng người. Chúa dành thì giờ nhiều nhất để lo đào tạo môn đồ. Các môn đồ của Chúa luôn sốt sắng noi theo gương Chúa. Hết thảy đều nhờ cậy Chúa Thánh Linh dẫn dắt, ban quyền năng. Phi-líp được Chúa dẫn dắt giảng Tin Lành cho hoạn quan Ê-thi-ô-pi ngoài đường vắng. Phao-lô gặp Chúa trên đường đi Đa-mách. Được Chúa dạy dỗ và sai phái ra đi đến với các dân ngoại. Phao-lô vân lện tham gia ngay những chuyến lưu hành truyền giáo qua các thành phố lớn ở Âu Châu, đến tận thủ đô La Mã. Các phụ nữ Âu Châu đã thành lập Hội Thánh Phi-líp bên bờ sông. Các Hội Thánh đầu tiên thường bắt đầu thành lập ở nhà riêng. Tôi thấy Thánh Linh ở đâu, tự do ở đó. Ngày nay cũng vậy. Không nhứt thiết phải có nhà thờ chúng ta mới có thể truyền giảng. Hãy chia sẻ về Chúa Giê-su ở nhà, văn phòng, trường học. Nơi nào có hai ba người họp lại là có Chúa ở giữa.
Dầu không có nhiều phương tiện tài chánh như mong muốn nhưng nhứt thiết chúng ta phải có tấm lòng yêu thương, có đức tin vững chắc, có mối quan tâm đến “việc Cha”, có tinh thần cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt, có thời giờ tiếp xúc, có bàn chân đi ra, có miệng nói, có món quà bình an từ Chúa. Chúa đang cần nhiều người có đức tính trung tín, sẵn sàng và chịu học để Ngài sử dụng. Chúa cho chúng ta có các sách nhỏ như Người Việt Với Khái Niệm Ông Trời hoặc Tin Lành Cho Người Việt. Chúng ta cũng có quyển Hướng Đi Cho Cuộc Đời và quyển Mục Sư Ơi! Tôi suy nghĩ đến những tờ truyền đạo đơn thật ngắn, in thật đẹp với rất nhiều đề tài khác nhau. Chẳng hạn: “Lòng bạn có bình an không?” “Bạn đã có mối liên hệ với Đức Chúa Trời chưa?” “Bạn biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế chưa?”… “Nếu Đêm Nay?” Chúng ta quyết tâm chia sẻ Tin Lành càng nhiều càng tốt. Chúng ta tin lời Chúa dạy: “Gieo nhiều gặt nhiều, gieo ít gặt ít.”
Tôi thấy người nào muốn sanh con thì Chúa cho con. Người nào muốn cứu người thì Chúa cho cơ hội cứu người. Tôi thấy khả năng chăm nuôi săn sóc của Hội Thánh địa phương tới đâu thì Chúa cho có con nhỏ thuộc linh sinh ra ở đó. Có sinh mà không có dưỡng con cháu chúng ta sẽ chết yểu. Có trồng mà không có tưới cây cối sẽ khô héo. Đây là việc của cả nhà, đây là việc lâu dài của đời sống, của sự cưu mang và sự hiệp tác. Bền lòng và trung tín. Tôi thích ý niệm học để dạy và dạy để học. Mỗi người học lời Chúa phải cầu xin Chúa cho có học trò để dạy lại những gì mình đã học. Cha mẹ không ngại tốn thời gian cho con cái. Có người nói, “Con cái sẽ chóng quên những món quà của bạn mua cho chúng. Nhưng chúng không quên sự hiện diện của bạn dành cho chúng.” Chúng ta hãy nhờ ơn Chúa đi tìm và cứu người hư mất như một nếp sống.
GIÚP NGƯỜI VIỆT NỐI LẠI MỐI LIÊN HỆ VỚI CHÚA
Trong mấy năm qua, Chúa đặt trong lòng tôi một chủ đề truyền giáo tập trung. Làm sao để truyền bá Tin Lành cách hữu hiệu giữa vòng người Việt Nam? Người Việt Nam cần gì? Có lẽ họ không cần tôn giáo vì họ đã có tôn giáo? Nhiều người Việt không cần tiền bạc vì đã có nhiều tiền rồi. Tiền bạc không đem lại sự bình an. Nhiều người Việt lo lắng cho con cái. Tương lai. An ninh. Ai có thể ban cho người Việt điều họ đang tìm kiếm? Tôi thấy người Việt khắp nơi đang cần Chúa. Người Việt cần được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Người Việt cần trở về nhà cha. Người Việt cần Chúa tha tội. Vấn đề chính của người Việt là gì? Người Việt đang ở trong tình trạng thù nghịch với Chúa vì không tin thờ Chúa nhưng lại thờ hình tượng. Thích làm bổn phận tôn giáo nhưng thiếu bổn phận làm đẹp ý Chúa. Mỗi người Việt đang cần thiết lập mối liên hệ phụ tử vốn bị đứt đoạn, xa cách, chia lìa với “Ông Trời” là Đấng mà người Việt ai nấy đều thừa nhận có. Người Việt giống như con chiên đi lạc, giống như đứa con bỏ nhà cha đi hoang quên mất đường về, giống như người khát nước mà đang uống nước biển, càng uống càng khát. Nhiều người chỉ lo tìm kiếm cuộc sống dễ dàng thỏa mái nhằm nâng cao đời sống kinh tế, không quan tâm đến nhu cầu cứu rỗi linh hồn. Nhiều người Việt cũng không muốn thay đổi. Chỉ thích bước đi theo đường xưa lối cũ. Hài lòng vì gia đình mình cũng có tôn giáo. Ít hiểu rõ sự khác nhau của các tôn giáo. Ít biết các tôn giáo chỉ là sản phẩm của loài người nhằm tìm cách giải quyết những hậu quả chứ không giải quyết được nguyên nhân. Các tôn giáo lấy hậu quả làm nguyên nhân, và vì thế không bao giờ giải quyết được nan đề, trong khi đạo Chúa biết rõ nguyên nhân và đã giải quyết nan đề tận gốc rễ.
Giống như Chúa đã đích thân đi tìm người bị mất. Giống như người chăn đi tìm con chiên đã lạc bầy. Chúng ta có cùng một ràng buộc, “Cha ta đã sai ta thể nào, ta cũng sai các con thể ấy.” Công việc của chúng ta vẫn là đi tìm, giúp nhiều người nối lại mối liên hệ với Chúa. Nan đề ở bên trong chứ không phải bên ngoài.
Tôi thấy ở Ngân hàng cũng như ở hãng máy bay tại Mỹ người ta đã dùng ý niệm sau đây để quảng cáo, “Your life is better if you connect with us!” Tạm dịch: “Đời sống bạn sẽ khá hơn nếu bạn liên hệ với chúng tôi!” Tôi muốn nhắc đến ý niệm nầy vào trong công cuộc truyền giáo. Đó là giúp nhiều người liên hệ, kết nối, làm hòa, trở về với Chúa. Đạo Chúa không chỉ có giá trị vỉnh cữu ở đời sau nhưng cũng rất có giá trị ngay trong đời nầy. Những người trở lại liên hệ với Chúa đều được Chúa tha tội, hoan nghinh vào nhà, ban sự sống mới, biến đổi tâm tánh, biến đổi số phận. Sống bình an, vui mừng, biết ơn, hy vọng. Thiên đàng sẽ vui mừng khi ở trần thế có một người tội lỗi biết ăn năn. Tôi muốn giúp nhiều người Việt ăn năn nối lại mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Vì thế chủ đề truyền giáo của chúng ta sẽ là “ĐI RA KHẮP NƠI CÓ NGƯỜI VIỆT SINH SỐNG ĐỂ TÌM VÀ GIÚP ANH CHỊ EM NỐI LẠI MỐI LIÊN HỆ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI.”
Mục sư Nguyễn Văn Huệ