Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / HÃY NẮM LẤY CƠ HỘI

HÃY NẮM LẤY CƠ HỘI

Một cơ hội lớn đã để trôi qua…

opportunity

Trong website của Christian Heritage Center, có một bài viết của Howard Culberton về một cơ hội đã mở ra cho công cuộc truyền giáo tại Mông Cổ, nhưng cơ hội đó đã trôi qua.

Đạo Chúa đã được truyền đến cho người Mông Cổ rất sớm vào thế kỷ thứ 8 bởi các giáo sĩ Nestorian  đến từ Persia. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ 13 khi Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) cai trị đế quốc Mông Cổ thì đạo Chúa mới tăng trưởng đáng kể.

Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) cưới một phụ nữ Cơ-đốc. Một trong số các cô dâu của Hoàng Đế tên là Sorkaktani, vốn là một Cơ đốc Nhân Nestorian, đã trở thành mẹ của ba vị Hoàng Đế, bao gồm Hoàng Đế Kublai Khan. Thời ấy có hàng chục giáo sĩ dòng Dominican và Franciscan đang hoạt động truyền giáo tại Mông Cổ.

Cơ hội đến khi Nicolo Polo, một thương gia người Ý tham gia phái đoàn ngoại giao đến triều đình Mông Cổ của Hoàng Đế Kublai Khan lúc ấy đang cai trị cả Trung Hoa tại Bắc Kinh. Hoàng Đế Mông Cổ rất có cảm tình và lịch sự tiếp đón phái đoàn vì tò mò muốn biết về thế giới Tây phương. Hoàng Đế Kublai Khan đặc biệt quan tâm đến Cơ-đốc Giáo và đã sai Polo trở về Âu Châu như là đặc sứ của mình. Cùng với sứ điệp hòa bình, Hoàng Đế Mông Cổ Kublai Khan đã yêu cầu Giáo Hoàng lúc bấy giờ cử đến 100 học giả để dạy cho dân chúng Mông Cổ về Cơ-đốc giáo và khoa học Tây phương. Sau chuyến đi hồi hương dài 3 năm, phái đoàn về tới Âu Châu chỉ để thấy Giáo Hoàng Clement IV đã qua đời. Họ không thể trở qua Trung Hoa ngay lập tức vì phải đợi bầu lại Giáo Hoàng, một biến cố kéo dài mất 3 năm. Khi Giáo Hoàng Gregory X được bầu lên, ông đã phái 2 giáo sĩ đến Mông Cổ (không phải 100) và đoàn nầy lên đường trong chuyến đi 5,000 dặm, mất thêm 3 năm rưỡi.

Lịch sử truyền giáo cho đế quốc Mông Cổ là lịch sử của câu chuyện “nếu mà.” Chúng ta biết lịch sử truyền giáo thế giới sẽ đổi khác “nếu mà” giáo hội đã nắm lấy ngay được cơ hội.

□ Một cơ hội khác cũng đã mất với Mahatma Gandhi, một trong những lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ. Là người theo Ấn Giáo (Hindu), Gandhi đã ngưỡng mộ Chúa Giê-su và thường trích dẫn nhiều câu trong Bài Giảng Trên Núi. Khi giáo sĩ E. Stanley Jones gặp Gandhi, ông đã hỏi nhà lãnh đạo nầy rằng, “Thưa ông Gandhi, dầu ông trích dẫn Chúa Giê-su thường xuyên, vậy tại sao ông không chịu trở thành môn đồ của Ngài?” Gandhi đã trả lời, “Oh, tôi không từ khước Đấng Cơ-đốc. Tôi yêu Đấng Cơ-đốc của ông. Chỉ có điều là có quá nhiều Cơ-đốc nhân các ông lại không giống Đấng Cơ-đốc.” Chuyện kể khi Gandhi còn trẻ làm luật sư ở Nam Phi đã có lần bước lên các bậc cấp ở một nhà thờ lớn để vào dự nhóm, nhưng một vị chấp sự ở nhà thờ đó đã chận ông lại trước cửa và thẳng thừng đuổi Gandhi (vốn da màu) ra khỏi nhà thờ. Từ đó Gandhi quyết định không đến nhà thờ nữa.

□ Một câu chuyện nữa nói về ông Walt Disney, chủ nhân của Disneyland, đang cần $800 để khởi đầu công ty. Anh của ông là Roy đã cho ông muợn $300. Ông Walt Disney nài nỉ ông anh hiệp tác đầu tư và ông Roy nầy đã bằng lòng chấp nhận. Chú của Ông Walt là Robert đã cho ông mượn $500 nhưng lại từ chối không hiệp tác đầu tư. Sau nầy ông Roy đã trở thành tỷ phú và là một trong những người giàu nhất ở Holywood, làm chủ một nửa tài sản Disneyland. Còn chú Robert thì đã nhận lại $500 cùng với tiền lời.

□ Alexander Graham Bell, nhà phát minh điện thoại của Mỹ đã nói, “Khi cửa nầy đóng thì cửa kia sẽ mở, nhưng chúng ta thường chăm nhìn quá lâu và tiếc nuối về cánh cửa đã đóng đến nổi chúng ta chẳng nhìn thấy cánh cửa đang mở ra cho chúng ta.”

Trích dịch theo TOP 10 QUALITIES OF A GREAT LEADER của Dr. Phil Pringle, Tulsa, OK: Harrison House,  2007.

 

□ TÔI HỌC ĐƯỢC HAI ĐIỀU

Báo chí nói nhiều về câu chuyện của Bác sĩ Richard Teo, người Singapore. Ông là tiêu biểu cho những người giàu có thành công theo tiêu chuẩn của đời, không bao giờ nghĩ đến cái chết trong lứa tuổi sung sức đầy nhiệt huyết làm giàu, nhưng chuyện không ngờ đã đến, ông đã chết rất trẻ. Khi đối diện với cái chết, bác sĩ trẻ Richard Teo mới nhận thức được những bài học quý giá:

   “Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết.  Chúng ta ai cũng biết như vậy. Nhưng sự thật dường như chẳng ai tin điều ấy. Vì nếu tin, chúng ta sẽ sống một cách khác.  Khi đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào những thứ thiết yếu.  Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào.  Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho riêng mình.  Quan trọng nhất, tôi nghĩ niềm vui sướng thật sự là khi biết Chúa. Không phải chỉ biết Ngài như các em đọc Kinh Thánh- mà là bản thân biết đến Chúa, tiếp cận với Ngài. Đây là điều quan trọng nhất mà tôi học được.  Tôi có thể tóm tắt hai điều mà tôi học được: (1) Tin vào Đức Chúa Trời với tất cả tấm lòng. (2) Thương yêu và sống vì người khác, không chỉ cho bản thân mình…”

Cảm tạ Chúa đã cho bác sĩ Richard Teo đã kịp nhận thức về ý nghĩa đích thực của cuộc sống, cho dù hơi muộn màng.  Ông đã ngủ yên trong tay Chúa vào ngày 18/10/ 2012.

Kinh Thánh chép: “Hiện nay là thì thuận tiện, hiện nay là ngày cứu rỗi.” Đừng để lại ngày mai những việc bạn có làm được ngày hôm nay.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn