Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Viện đào tạo môn đồ / SỐNG AN KHANG THỊNH VƯỢNG

SỐNG AN KHANG THỊNH VƯỢNG

TÂM TÌNH VỚI CÁC THẦY GIÁO VÀ CÔ GIÁO ĐỨC TIN

CÁC LỚP TỐT NGHIỆP TẠI CÁC TRUNG TÂM ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

CAC NHAN SU TG MIEN BAC

SỐNG AN KHANG THỊNH VƯỢNG

Nhân ngày quý thầy giáo đức tin và cô giáo đức tin nhận lãnh chứng chỉ trang bị môn đồ hôm nay, tôi thân ái gởi đến quý thầy quý cô lời cầu chúc an khang thịnh vượng. Đây là lời chúc của người Việt mà tôi thích nhất. Đối với tôi nó không còn là lời chúc nữa nhưng là một lời cầu nguyện, là một nếp sống của người theo Chúa. Chúng ta cũng có thể xem đây như một lời hứa của Chúa đối với những người hầu việc Chúa. Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp và hãy gõ cửa Chúa sẽ mở. Qúy thầy cô hãy xây dựng và phát triển nếp sống an khang và thịnh vượng trong chức vụ của mình. Trong gia đình của mình. Trong Hội Thánh của mình. Hãy sống thể nào để nhiều người khác thấy thèm muốn lối sống của chúng ta.

 

Bình An

An là bình an. Bình an là nhu cầu lớn nhất của loài người ngày nay. Con người khắp nơi đều cảm thấy bất an. Bất an là hậu quả của tội lỗi. Bất an là dấu hiệu của một người chưa có Chúa bình an. Người chưa có Chúa vì chưa trở lại tái lập mối liên hệ với Chúa.

Từ khi tổ phụ loài người phạm tội với Chúa, xây lưng với Chúa, sống xa cách Chúa thì con người đã gánh lấy hậu quả của tội lỗi. Hậu quả trực tiếp là loài người cảm thấy bất an, sợ hãi, trốn tránh, cô đơn, trống rỗng… đổ thừa. Người đời xưa và đời nay đều như vậy. Người nghèo bất an và người giàu cũng bất an. Người trẻ bất an và người già cũng bất an. Người Mỹ bất an và người Việt cũng bất an. Bất an là một căn bệnh cần được chữa lành. Để lấp đầy khoảng trống và sự bất an trong linh hồn, con người đã tìm kiếm sự bình an. Họ đã tìm sai chỗ, đi sai hướng. Triết lý và tôn giáo của đời không đem lại cho lòng người sự bình an. Chỉ có Tin Lành bình an và Chúa bình an mới đáp ứng nhu cầu bình an của lòng người. Chúa Giê-su được xưng là Chúa bình an. Chúa Giê-su là Đấng Em-ma-nu-ên, là Đức Chúa Trời bình an ở cùng chúng ta. Có Chúa Giê-su, chúng ta có sự bình an của Chúa và sự bình an với Chúa. Sự bình an của Chúa vượt quá mọi sự hiểu biết sẽ canh giữ lòng và ý tưởng của chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, nài xin và tạ ơn Chúa. Và Chúa bình an sẽ ở với chúng ta khi chúng ta suy nghĩ đến Chúa, đến lẽ thật, đến công bình, đến thanh sạch, đến yêu thương, đến tiếng tốt, đến nhơn đức đáng khen.

Khi Chúa Giê-su sai các môn đồ ra đi truyền giáo Ngài trang bị cho họ sứ điệp bình an. Ngài dặn dò: “Hễ các người vào nhà nào, trước hết hãy nói rằng: Cầu sự bình an cho nhà nầy! Nếu nhà đó có người nào đáng được bình an, sự bình an của các ngươi sẽ giáng cho họ; bằng không sẽ trở về các ngươi” (Lu-ca 10:5). Tôi nghĩ đây là một phần mệnh lệnh trong công tác truyền giáo của chúng ta. Hãy đi đến từng gia đình. Hãy cầu nguyện xin Chúa ban bình an của Chúa cho họ. Hãy ở đó. Hãy dành thì giờ. Hãy giúp cho họ nhận lãnh được sự bình an của Chúa. Hãy trông đợi nhìn thấy sự bình an của Chúa giáng xuống nơi nào có ghi nhớ và kêu cầu danh Chúa. Hãy ra đi trong sự bình an. Hãy trang bị sự bình an của Chúa và ban phát sự bình an của Chúa cho đồng bào. Sự bình an của Chúa thường ban cho những người cầu xin Chúa tha thứ tội. Đó là lý do Chúa dạy: “Vì ai kêu cầu Danh Chúa thì sẽ được cứu!”

Môn đồ của Chúa sống bình an là những đại sứ hoà bình. Đây là chức vụ hoà giải Chúa đang giao cho chúng ta để đưa thế gian hoà lại với Chúa. Và đưa con người hoà lại với nhau. Đây là chức vụ cao quý Chúa đang giao cho chúng ta hôm nay. 2 Cô-rinh-tô 5: 17-21).

Mạnh Khoẻ.

Khang là mạnh khỏe. Sức khoẻ là ơn Chúa cho. Chúa muốn các môn đồ Ngài mạnh khoẻ. Sức khoẻ là kinh nghiệm sống. Muốn sống khoẻ phải theo quy luật sức khoẻ của Chúa. Một dân tộc khoẻ là dân tộc ham thích thể dục, thể thao. Người Do Thái sở dĩ không bị diệt chủng như một số các dân tộc khác là họ đã biết giữ vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ thân thể qua ăn uống, tập thể dục. Hãy học cách ăn uống. Hãy suy nghĩ hoặc ăn, hoặc uống hoặc làm sự chi khác cũng vì sự vinh hiển của Chúa mà làm. Chúa Giê-su đi bộ, ăn cá, bánh mì và làm nghề lao động chân tay. Chúa Giê-su và các môn đồ khoẻ mạnh. Các môn đồ khoẻ mạnh vì đi đánh cá biển. Khoẻ mạnh vì đi bộ nhiều. Các môn đồ Chúa chuẩn bị tinh thần đi bộ, đi tàu thủy qua các vùng khác, các nước khác. Có khoẻ mạnh mới làm việc có kết quả, không cảm thấy mệt mỏi. Người nào cũng thích có thân thể mạnh khoẻ, con em trong gia đình mạnh khoẻ. Phải giữ gìn sức khoẻ như một nếp sống. Hồi còn nhỏ ở Việt Nam tôi thấy cha mẹ và Hội Thánh dạy không hút thuốc, không say rượu. Nhiều người thấy khó khăn, nhưng bây giờ khắp nơi có nếp sống văn minh đều nhìn thấy thực tế của những lời khuyên hữu ích nầy. Người Cơ-đốc có sức mạnh để chiến thắng những cám dỗ nhờ ý thức thân thể mình là đền thờ Chúa ngự. Sứ đổ Giăng đã cầu chúc cho môn đồ Gai-út rằng: “Tôi cầu nguyện cho anh được khoẻ mạnh phần xác.” Tôi cũng muốn khuyên qúy thầy giáo và cô giáo đức tin là những môn đồ Chúa hãy sống khoẻ mạnh. Tiết chế, kiêng cữ, đãi thân thể mình cách nghiêm khác bắt nó phải phục, giống như một lực sĩ thế vận… sống như vậy mới mong được phần thưởng. Hãy để ý nếu sống mạnh phần hồn chúng ta sẽ sống mạnh phần xác.

 

Môn đồ của Chúa sống khoẻ mạnh là những người mang chức vụ chữa lành. Hãy dạn dĩ và đầy dẫy đức tin noi gương Chúa Giê-su đem lại sự chữa lành. Chữa lành thể xác cũng như chữa lành tâm hồn.

 

Thịnh Vượng.

Thịnh vượng là thành công, là đầy đủ, là dư dật. Thịnh vượng là hình ảnh “chén tôi đầy tràn.” Người đời nghĩ đến thịnh vượng là nghĩ đến giàu có, phát đạt. Nhưng thịnh vượng ở đây có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Không chỉ bên ngoài mà còn bên trong. Mới đây Chúa có dạy dỗ tôi thêm về ý nghĩa của sự thịnh vượng.

Người thịnh vượng sống sinh sôi nẫy nở. Được phước và chia ơn sẻ phước. Như Đức Chúa Trời đã hứa với tổ phụ Áp-ra-ham, và tổ phụ Y-sác: “Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, sẽ cho họ các xứ nầy; hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước” (Sáng 26: 4-5).

Người thịnh vượng không thấy thiếu, không thấy cần thêm cho bản thân mình. Người thịnh vượng cảm thấy mình dư dật. Người thịnh vượng thích ban cho vì Chúa dạy “Ban cho có phước hơn nhận lãnh.” Hãy sống thịnh vượng  theo ý Chúa. Hãy sống thịnh vượng trong mọi sự. Sống lạc quan. Sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Chúa Giê-su.” Phao-lô là người thịnh vượng trong mọi sự. Người thịnh vượng sống thoả lòng. Ông nói: “Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào cũng thoả lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Chúa ban thêm sức cho tôi.” Ông Phao-lô là gương một người sống thịnh vượng trong mọi sự. Ông tiết lộ đời sống mình “ngó như buồn rầu. mà thường được vui mừng,; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người giàu có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!” (2 Cô-rinh-tô 6:10).

Thịnh vượng là sống kết quả, giống như cây “ra hoa kết trái và trái thường đậu luôn.” Kinh Thánh mô tả người thịnh vượng giống như “cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá chẳng tàn héo, mọi việc người làm đều sẽ thịnh vượng.” Thịnh vượng giống như hình ảnh Chúa dạy về ‘hạt luá.” Trong mỗi hạt lúa có mầm sống mọc lên cây lúa và cây lúa sinh ra “kết quả là 30, 60 hay 100 hạt giống khác.” Các môn đồ của Chúa cũng như vậy.

Chúa Giê-su là bậc thầy của chương trình môn đồ hoá. Chính Chúa đã kêu gọi, lựa chọn và đào tạo các môn đồ Cơ-đốc đầu tiên trên thế giới. Ngài chọn 12 ngườiNgài dành thì giờ cho họ, dạy dỗ họ, chịu đựng họ. Ngài giao thác chức vụ và sứ điệp hòa bình cho họ. Ngài sai phái họ ra đi. Các môn đồ đã ra đi môn đồ hóa những người khác. Từ 12 người Chúa có 70 người, 120 người, rồi 3,000 người, rồi 5,000 người… Chúng ta ngày nay trở thành môn đồ của Chúa là nhờ sự tin cậy vâng lời Chúa của nhiều người đi trước chúng ta. Cha ông chúng ta truyền đạo lại cho chúng ta. Sức mạnh của cả sợi dây xích là sức mạnh của từng cái xích. Hãy học thuộc lòng 2 Ti-mô-thê 2: 2 và áp dụng.

 

Hãy tiếp tay xây dựng VIỆN ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ VIỆT NAM càng ngày càng lớn mạnh theo thời gian. Mỗi môn đồ hãy lập tức đào tạo một môn đồ khác cho Chúa. Hãy sinh sôi nẫy nở. Hãy đến với các gia đình, chúc bình an cho các gia đình đó…Hãy tìm ngay một môn đồ mới và khởi sự tiến trình môn đồ hoá của Chúa Giê-su như các thầy cô đã học. Hãy ghi nhớ học trình Môn Đồ Hoá. Hãy đến xem. Hãy theo Ta. Hãy ở trong Ta. Tôi Muốn Biết Chúa. Tôi Muốn Theo Chúa. Tôi Muốn Hầu Việc Chúa. Hãy tiến hành ngay hôm nay. Hãy cầu nguyện Chúa sẽ ban cho mỗi người một môn đồ mới trong năm nay. Hãy dạy lại những bài mình đã học. Hãy áp dụng những bài học và hãy phát huy thêm  sáng kiến của bản thân. Hãy đồng công với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh. Ở thiên đàng chúng ta không còn cơ hội để khiến người ta trở nên môn đồ của Chúa như chúng ta đang có ngày nay. Tôi mơ ước thấy trong đời mình có hàng ngàn “môn đồ” Việt Nam mặc áo môn đồ (áo màu xanh có logo chữ trắng) ra đi khắp nơi giúp người khác trở nên môn đồ Chúa.

Hãy ghi nhớ mục đích lớn của Chúa đang giao thác mỗi người Việt của dân tộc chúng ta: Đức Chúa Trời đang xây dựng một cộng đồng những người Việt liên hệ với Chúa bằng đức tin và liên hệ với nhau bằng tình yêu thương, để Chúa ban phước cho họ và qua họ Chúa ban phước cho người khác.”

Muốn xây dựng thành công trong mối liên hệ và chức vụ Chúa giao, tôi đề nghị tất cả các thầy giáo và cô giáo đứng lên và cùng đọc với tôi.

 

BẢY BƯỚC GIAO THÔNG VỚI CHÚA

Bước Một: NHÌN NHẬN NHU CẦU CỦA CHÚNG TA

“Lạy Đức Chúa Trời, con biết con là người bất năng thuộc linh, và nhờ sự can thiệp thiên thượng của Chúa, con mới có thể trở thành người được Chúa dùng (Giăng 15:5).

Bước Hai:

KHẲNG ĐỊNH QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA“Lạy Đức Chúa Trời, Ngài là nguồn của mọi năng lực. Chỉ duy Chúa mới có quyền năng khiến con trở nên người Chúa muốn (Phi-líp 4:13).

Bước Ba: KẾT NỐI VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA

“Lạy Chúa Thánh Linh, con cần quyền năng và sự hiện diện của Chúa đổ đầy trong đời sống con ngày hôm nay. Xin sự sống của Đấng Christ sống trong con và qua con ngày hôm nay” (Ê-phê-sô 5:18).

Bước Bốn: TÔN ĐẤNG CHRIST LÊN NGAI LÀM CHÚA

“Lạy Chúa Giê-su, con tự nguyện bước xuống khỏi ngai lòng của đời sống con, và xin mời Chúa lên ngôi, làm Chúa của đời sống con (1 Phi-e0rơ 3:15).

Bước Năm: KINH NGHIỆM SỰ THANH TẦY TÂM LINH

“Lạy Chúa Giê-su, con là một tội nhân, luôn luôn cần đến ân điển của Chúa và kinh nghiệm sự tha thứ của Ngài. Xin giúp cho con thành thật với Chúa ngày hôm nay. Con sẽ xưng nhận tội lỗi, ăn năn và đền bù cách xứng đáng (1 Giăng 1:9).

Bước Sáu: LỚN LÊN TRONG ĐẤNG CHRIST

“Con sẽ cầu nguyện, học Kinh Thánh, và thông công để tiến lên trong mối liên hệ với Chúa Giê-su Christ. Mỗi ngày con sẽ tìm cầu ý Chúa và làm theo ý muốn của Chúa (1 Phi-e-rơ 2:2).

Bước Bảy: PHỤC VỤ MỞ MANG VƯƠNG QUỐC CHÚA

“Lạy Chúa Giê-su, nhờ ân điển và sự giúp đỡ của Chúa, con sẽ cố gắng làm một chứng nhân của Chúa trong gia đình, nơi hàng xóm, nơi con làm việc và cho cả thế giới nầy. Xin hãy sống sự sống của Chúa qua đời sống con ngày hôm nay (Công vụ 1:8).

Hãy nhớ dùng lời nguyện nầy mỗi ngày. Chúc các bạn an khang thịnh vượng. A-men.

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn