CHÚA ĐANG MỞ CỬA
Khi nói đến đóng cửa, chúng ta hình dung ra ngay hình ảnh chịu đựng, thất vọng, bất mãn, không thấy tương lai. Khi nói đến cửa mở, chúng ta hiểu ngay là cơ hội đang mở ra, hy vọng đang đến. Trong vài năm gần đây, các tín hữu Tin Lành ở Việt Nam đang bắt đầu nhẹ thở và đang tận dụng cơ hội cửa mở để mở rộng vương quốc Chúa trong lòng những đồng hương.
Trong tháng Tư vừa qua, tôi có dịp về thăm quê hương. Mặc dầu riêng tôi vẫn còn phải chờ có giấy mời, được giấy hứa cho về nước, hồi hộp nhận visa ngay tại phi trường, nóng ruột ngồi chờ phép được ra khỏi phi trường để về Mỹ, nói chung tôi thấy bầu không khí năm nay dễ thở hơn, đi lại dễ dàng hơn. Tôi không hiểu lý do đóng cửa nhưng tôi hiểu lý do mở cửa. Tôi hy vọng cánh cửa ở Việt Nam càng ngày càng mở rộng hơn. Cửa càng mở dân tộc ta càng có tương lai tươi sáng hơn. Ai nấy đều vui khi cửa mở, không khí thoáng mát tràn vào. Ai nấy đều lo khi cửa đóng, không khí tù túng, ngột ngạt. Mở cửa có lợi nhiều hơn đóng cửa. Người càng văn minh càng cần cửa mở. Tôi thấy nước Mỹ mở cửa, nước Nhật, nước Đại Hàn, nước Singapore đều mở cửa. Kết quả là văn minh tiến bộ.
Tôi vui vì được tham dự một đêm đầu tiên (17/4) trong ba đêm truyền giảng Tin Lành tại sân Tao Đàn, nhân dịp Lễ Phục Sinh, với hơn mười ngàn người có mặt trong sân bóng đá cũ, chật hết ghế ngồi với số người đến càng ngày càng đông. Trời đêm nóng nhưng rộn ràng. Tôi mừng gặp lại những người bạn đồng lao. Tôi ngồi hàng ghế đầu, hình ảnh có lúc được chiếu lên màn ảnh lớn. Tôi thấy nội dung âm nhạc tốt, âm thanh nghe rõ, ban hát mấy trăm người nhịp nhàng, có ca sĩ nhà nghề nổi tiếng tham gia, họ cũng là những tín hữu dâng tài năng hầu việc Chúa, sứ điệp Tin Lành ngắn gọn, tinh thần “cây nhà lá vườn”, kết quả ảnh hưởng tốt, bình an, phấn khởi. Vui vì các tín hữu, nhất là những người trẻ đều hăng hái làm việc, tổ chức tiếp đón chu đáo, giữ trật tự an toàn, dâng hiến rộng rãi hết lòng. Vui vì có nhiều người tin Chúa nhưng cũng lo không biết các Hội Thánh làm sao chăm sóc đủ để giữ được kết quả lâu dài.
Chương trình truyền giảng lớn như vậy đã diễn ra được vài năm qua vào dịp lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh. Năm nay lần đầu các nhóm Hội Thánh tư gia được tổ chức truyền giảng lớn một đêm, cũng tại sân Tao Đàn đêm 21/4, kết quả nghe nói thật khả quan. Tuy nhiên, tôi còn được biết những người tổ chức rất hồi hộp vì thường xuyên phải chờ đến giờ chót mới được giấy phép. Không hiểu lý do.
Tôi cũng vui vì được tham gia Hội Đồng Bồi Linh Thông Công lần thứ nhất và Kỷ Niệm 50 năm Báp-tít Nam Phương đến Việt Nam (1959-2009), tổ chức tại Khách sạn Công Đoàn TP Đà Nẵng từ 21-24/4. Có một số các Mục sư Báp-tít ở Mỹ về dự trong đó có mặt ông bà Giáo sĩ Walter Routh là người đã nhiều năm truyền giáo tại Việt Nam ngay từ trước 1975. Tôi được mời giảng hai lần và dựa trên câu chuyện Chúa Giê-su được đón rước vào thành Giê-ru-sa-lem, tôi đã chia sẻ ý niệm: Rước Chúa vào lòng, rước Chúa vào nhà, rước Chúa vào làng, rước Chúa vào thành. Rước Chúa vào quê hương. Các môn đồ tham gia cuộc đón rước Chúa đã sử dụng những phương tiện có sẵn đương thời, họ không có nhiều phương tiện hiện đại như thời đại chúng ta, nhưng họ đã làm được việc lớn, kết quả từ niềm tin và lòng yêu mến Chúa. Họ mượn một con lừa con, họ trải áo trên đường, họ dùng lá cây kè, họ dùng môi miệng, tiếng mẹ đẻ, họ chạy, họ hô vang, họ hát, họ vận động mọi người cùng tham gia… họ tận dụng vốn liếng “cây nhà lá vườn.” Danh Chúa được tôn vinh. Người ta hỏi Chúa là ai mà được hoan nghinh như vậy?
Tôi suy nghĩ Chúa muốn tín hữu người Việt phải dạn dĩ đứng ra tổ chức đón Chúa vào quê hương Việt Nam. Một nhóm 12 môn đồ Chúa có thể cất tiếng nói với khoảng hai triệu người tụ họp tại Giê-ru-sa-lem nhân dịp Lễ Vượt Qua. Nhóm tín hữu 1% dân số Việt Nam vẫn có thể nói thấu lòng đồng bào hơn 85 triệu được nghe về Chúa là ai, Ngài đã làm gì cho chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì. Thời đại ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện truyền thông trong tầm tay. Ai cũng có thể tham gia. Ngày nay những trung tâm truyền giáo lớn đều trở về điểm xuất phát từ vùng Á Châu, Phi Châu với những nhà truyền giáo chân đất, bản xứ, không cần đi xa. Chúng ta cần đoàn kết, đại đoàn kết. Chúng ta cần Chúa giúp. Chúng ta cần quyền năng Chúa, vì ngoài Chúa chúng ta chẳng làm chi được.
Ở Việt Nam ngày nay, tôi cũng thấy và gặp được những tín hữu được Chúa ban cho giàu có và họ đã bắt đầu học cách ban cho. Nhiều người rộng rãi và sẵn sàng hiệp tác để xây dựng, để chia sẻ tình thương, để cứu giúp, để truyền bá Tin Lành. Ở Việt Nam đang cần những nhà truyền giáo có đức tin và được đào tạo. Tôi thấy vài người hướng dẫn người khác cầu nguyện tiếp nhận Chúa nhưng vẫn bắt đầu bằng chữ, “Lạy Thượng Đế!” Tôi biết họ chân thành nhưng chân thành sai. Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, biển và mọi vật trong đó. Chúa Giê-su gọi Đức Chúa Trời là Chúa của trời đất. Xin đừng lẫn lộn giữa ý niệm Thượng Đế của người Trung Hoa với Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời của Chúa Giê-su. Chúng ta cần chuyển đi một sứ điệp đúng về Chúa là ai theo đúng sứ điệp của Kinh Thánh.
Tôi rất mừng vì có vài người hầu việc Chúa đã một mình mở được nhiều điểm nhóm, xây được nhà thờ mà không cần nguồn ngoại viện nào. Ít nhất có một Mục Sư đã gọi cho tôi biết tin nầy. Ý niệm cây nhà lá vườn thật là hay trong bối cảnh quê hương Việt Nam. Làm gì mà có hy sinh trong đó mới có giá trị và giá trị đó mới vững bền. Người biết hy sinh là người có giá trị. Chúa quý trọng người biết hy sinh vì Chúa và vì tha nhân.
Tôi muốn hiệp tác với những người đang được Đức Thánh Linh sử dụng và ở những nơi Chúa đang thăm viếng. Tôi biết Cần Thơ và Cà Mau là những nơi đang được Chúa thăm viếng và hành động thu hút mạnh mẽ. Tôi vui vì đã được hiệp tác giúp 40 nhân sự miền bắc, 60 nhân sự ở Cần Thơ và 100 nhân sự Chúa ở Cà Mau học bài học huấn luyện tân tín hữu. “Bước Đầu Theo Chúa.” Có khả năng 200 dũng sĩ nầy sẽ mở ra thêm 200 Hội Thánh mới.
Tôi biết lòng đồng bào miền Bắc cũng đang rộng mở. Người miền Bắc cũng có đức tin và lòng yêu Chúa giống như mọi người trên thế giới. Những công nhân miền Bắc đi lao động ở Mã Lai về là những người đã gặp gỡ Chúa thật và đã can đảm đứng ra mở Hội Thánh mới tại nhà riêng. Các tân tín hữu được Chúa giải cứu khỏi những thứ nghiện như nghiện xì ke, thuốc lá, rượu chè ở Hà Nội cũng đã mạnh mẽ tham gia học lời Chúa và tập sự hầu việc Chúa. Có người đã tập họp bà con nhóm lại cả dòng họ gia đình cả trăm người. Sức sống của đạo Chúa thật mạnh mẽ. Chúa mở thì không ai đóng được. Cánh cửa đang mở rộng dần, đừng than trách hoàn cảnh, hãy tận dụng cơ hội để bước vào.
CHÚA ĐANG GÕ CỬA
Chúa đang mở cửa cho Việt Nam nhưng Ngài cũng đang gõ cửa lòng của người Việt Nam hôm nay. Chúa Cứu Thế vẫn đang phán, “Nầy ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tôi với người và người với ta.” Đừng nói Chúa đóng cửa lòng tôi. Không, Chúa đang gõ cửa lòng bạn hôm nay. Hãy mở cửa lòng bạn ra và mời Chúa bước vào. Ngay hôm nay, đừng đợi ngày mai. Ngày mai có thể không đến.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ