ĐẶC TÍNH DUY NHẤT VÀ TỐI HẬU
CỦA CHÚA GIÊ-SU
Ngày nay chúng ta đang đối diện trong nước cũng như ngoài nước câu hỏi căn bản về ý nghĩa và giá trị của Đấng Cứu Thế cũng như bản chất của Đạo Chúa. Có phải Chúa Giê-su Chrsit là đấng duy nhất, tối hậu, tuyệt đối và hoàn vũ? Ngài có phải là Đấng Cứu Thế duy nhất và là Đấng Cưú chuộc duy nhất của nhân loại? Ngài có phải là Đức Chúa Trời và là Con Một của Đức Chúa Trời? Hay Ngài cũng chỉ là một người như chúng ta không hơn không kém, một người đi tìm chân lý và sự sống? Ngài có lẽ chỉ là người nêu gương, một thiên tài tôn giáo, một ông thầy giống như Phật Thích Ca, Zoroaster, Mohammed, Khổng Tử, Lão Tử?
Về bản chất đạo Chúa, có phải đây là tôn giáo tuyệt đối, tối hậu hay chỉ là chị em của các tôn giáo khác, theo đó mỗi tôn giáo thích hợp với một chủng tộc tạo ra tôn giáo ấy? Đạo Chúa có phải là đạo của Tây Phương hay là đạo hoàn vũ, dành cho cả thế giới? Đây là những câu hỏi cần được trả lời hôm nay.
Vậy thì tính duy nhất và tối hậu của Chúa Giê-su Christ có nghĩa gì và chúng ta có quyền gì để xưng nhận như thế và công bố ra cho cả thế giới?
TỪ THỜI KINH THÁNH CHO ĐẾN THẾ KỶ HAI MUƠI
Kinh Thánh dạy những chân lý kỳ diệu về con người và công việc của Chúa Giê-su Christ. Kinh Thánh tuyên bố Ngài là Đường đi, Chân lý và Sự sống. Ngài là Đấng Trung Bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người. Ngài là sự sống lại và sự sống. Ngài là Đấng duy nhất có thể dạy chúng ta biết về Đức Chúa Cha.
Hội Thánh xác định vị trí trung tâm của Chúa Giê-su trải qua các thế kỷ. Hội Thánh đầu tiên dành chú ý để nêu bật và giải thích thần tính của Chúa Giê-su. Các nhà Cải Chánh Tin Lành xác định rằng Ngài là Cứu Chúa duy nhất và trọn vẹn. Chẳng hạn, trong sách giáo lý Heidelberg Catechism, vốn là bản xưng nhận tín lý căn bản do các Hội Thánh Cải Chánh soạn ra, đã tuyên bố rằng “không thể tìm được sự cứu rỗi ở đâu khác, và thật điên rồ khi tìm sự cứu rỗi ở nơi khác” (Hỏi Đáp câu 29).
Những nhà lãnh đạo Tin lành nhấn mạnh đến giáo lý được cứu rỗi duy chỉ nhờ ân điển bởi đức tin đặt nơi Đấng Chrsit và thẩm quyền của Kinh Thánh. Tính duy nhất về Chúa Giê-su Christ là Chúa Cứu Thế duy nhất không phải là vấn đề của thời đại trước.
Những nghi ngờ về tính duy nhất của Chúa Giê-su Christ bắt đầu nổi lên trong thế kỷ hai mươi. Một số người gợi ý rằng Đức Chúa Trời có thể tự bày tỏ chính mình Ngài qua những tôn giáo khác cũng như qua Chúa Giê-su và Kinh Thánh. Một số học giả đặt Chúa Giê-su ngang hàng như là vị cứu tinh và giáo sư trong những tôn giáo khác.
Một nghiên cứu đặc biệt của các Hội Thánh Tin lành thuần túy về tính cách duy nhất của con người và công tác của Chúa Cứu Thế đã nêu ra những điểm chính sau đây:
- Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế và Đấng Giải Hoà duy nhất.
Câu chuyện Kinh Thánh có thể tóm tắt bằng những chủ đề như sự sáng tạo, sự sa ngã, sự cứu chuộc, và sự phục hồi. Đức Chúa Trời sáng tạo thế giới tốt lành, nhưng thế giới đã trở nên phân cách với Ngài và thù nghịch với Ngài vì cớ tội lỗi. Thay vì từ bỏ thế guiới, Đức Chúa Trời đã chọn cách cứu chuộc thế giới và hồi phục nhân loại với Ngài qua Con Ngài, là Chúa Giê-su Chrsit. Hành động đơn giản Chúa dùng để hoà giải với thế giới hư mất là Con Đức Chúa Trời đã đến thế gian.
Các tôn giáo khác đã cố thiết lập nền tảng cho sự giải hoà. Tuy nhiên, Tin lành chứng kiến nền tảng giải hoà duy nhất chắc chắn là sự giáng thế, sự đền tội và sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ. Tất cả mọi người trên mặt đất đều cảm biết mình đang bị lạc mất. Tất cả đều tìm kiếm sự cứu rỗi bằng một cách nào đó. Cô-đốc giáo nhấn mạnh rằng con đường cứu rỗi duy nhất là Chúa Cứu Thế Giê-su.
- Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng Kiến Tạo Hoà Bình duy nhất giữa các dân tộc, chủng tộc và mọi người.
Sự giải hòa giữa Đức Chúa Trời và những tội nhân được cứu chuộc trong Đấng Christ đã cống hiến một cơ hội mới cho sự giải hòa xảy ra giữa con người với nhau. Kinh Thánh trong Ê-phê-sô 2:13-16 nói về Thân Thể Đấng Christ tức Hội Thánh như một nhân loại mới, một nhân loại hiệp nhất thay thế cho con người chia rẽ giữa dân Do Thái và các dân ngoại. Con đường hòa giải mở ra cho tất cả các chủng tộc, quốc gia qua thập tự giá của Đấng Christ. Hội Thánh phải bày tỏ ra sự hòa giải nầy.
Điều nầy rất quan trọng trong việc truyền giáo. Qua việc truyền giáo chúng ta đang tạo ra một Hội Thánh đa văn hóa và rộng khắp. Hội Thánh đã có lời chứng về ân điển giải hòa của Đấng Christ ở nhiều nơi, nhưng ở nhiều nơi khác sự thành kiến và thù nghịch chủng tộc màu da vẫn chưa chấm dứt.
Hội Thánh phải bày tỏ cách làm thế nào nhân loại có thể sống hoà bình với nhau giữa tất cả những khác biệt. Huyết Chúa và quyền công dân thiên quốc là lực lượng mạnh mẽ cho sự hiệp nhất. Hội Thánh phải biết sống hiệp nhứt giữa những khác biệt về chủng tộc màu da. Chỗ đứng của chúng ta là anh chị em trong cùng một gia đình của Đức Chúa Trời. Sứ mạng của Hội Thánh là chứng tỏ được sự hiệp nhất nầy.
- Chúa Cứu Thế Giê-su là Giáo sư duy nhất bày tỏ chân lý và công chính.
Có một sự gắn liền chặt chẽ trong Đấng Christ giữa lẽ thật và sự công chính. Lẽ thật nghĩa là biết điều gì đó là thật. Công chính là thái độ đạo đức đúng mực. Vấn đề của nhân loại là tự bản chất chúng ta không công chính. Chúng ta là những tội nhân.
Đây là chỗ để Chúa Giê-su đem đến giải pháp. Chúng ta được tạo nên công chính nhờ sự đền tội của Đấng Christ. Đấng Christ gánh chịu sự hình phạt thay thế tội lỗi chúng ta. Kế hoạch cứu chuộc thiên thượng là sự công nghĩa trọn vẹn của Chúa Giê-su được qui kể cho tất cả những ai tin cậy Ngài. Sách 2 Cô-rinh-tô 5:21 mô tả, “Đức Chúa Trời khiến Đấng vô tội trở nên tội lỗi cho chúng ta, để ai ở trong Ngài có thể trở nên người công chính của Đức Chúa Trời.”
Thô-ma hỏi Chúa Giê-su, “Thưa Chúa, chúng tôi không biết Chúa đi đâu, làm sao chúng tôi biết đường được? (Giăng 14:5-6). Chúa Giê-su trả lời, “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai đến được cùng Cha.” Ba chữ chìa khóa nầy trong nguyên văn Hy Lạp được dùng trong thể văn ngụ ý chỉ có Đấng Christ mà thôi mới được gọi là đường đi, chân lý và sự sống.
Sứ điệp đã rõ ràng: Chúa Giê-su Christ có mối liên hệ độc đáo nhất với Đức Chúa Trời. Không ai có thể đến cùng Cha nếu không qua Chúa Giê-su. Ngài là con đường sống (không phải chết). Ngài là chân lý trong tất cả những gì Ngài nói và làm. Satan chỉ đem lại sự dối trá và sự chết. Chúa Giê-su cống hiến lẽ thật và sự sống. Tin cậy Ngài dẫn đến sự sống và Đức Chúa Cha.
Hàng tỉ người trên thế giới đang tìm kiếm câu giải đáp cho vấn nạn họ từ đâu đến, họ đang đi đâu, và tại sao họ có mặt trên thế giới nầy. Tin lành của Chúa Cứu Thế Giê-su cống hiến câu giải đáp trung thực đối với những vấn nạn nầy. Loan báo Tin lành nầy thật là một sứ mạng vinh quang.
- Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng duy nhất chiến thắng Satan và tội lỗi.
Chúa Giê-su không chỉ là người duy nhất nhưng Ngài là Con Đức Chúa Trời duy nhất. Ngài duy nhất vì Ngài là Con Đức Chúa Trời. Cha đã sai Ngài đến thế gian để lấy lại thế gian từ tay Satan. Mỗi phép lạ Chúa Giê-su làm mang cùng một sứ điệp: Đấng đạp đầu con rắn đã đến thế gian.
Những phép lạ về chữa lành, nuôi người đói, kêu kẻ chết sống lại tất cả đều là những dấu hiệu về sự chiến thắng của Đấng Christ trên quyền lực của Satan. Nơi nào Satan cai trị thì nơi đó có bệnh tật, đói khát, và chết chóc, nhưng nơi nào có Đấng Christ cai trị thì nơi đó dân chúng được tự do thoát khỏi gông cùm của tội lỗi và sự chà đạp của Satan.
Chúa Giê-su gồm tóm chức vụ của Ngài bằng những lời sau đây trước khi Ngài hiến thân trên cây thập tự: “Ngày nay, ngày mai, ta đuổi quỷ chữa bệnh, đến ngày thứ ba thì ta đã đạt mục đích của ta” (Lu-ca 13:32). Trong cả lịch sử không có ai chiến thắng hoàn toàn quyền lực của Satan trên đời sống loài người. Đấng Christ đã đạt đến mục đích cuối cùng khi Ngài phá hủy vĩnh viễn quyền kiểm soát của Satan bằng cách sống lại khỏi phần mộ cách đắc thắng. Bây giờ chiếc cầu với Đức Chúa Trời đã khai thông. Con người vận dùng đức tin bước qua chiếc cầu đó. Không có tôn giáo nào cống hiến chiếc cầu nầy. Qua công tác truyền giáo chúng ta giới thiệu cho đồng bào chiếc cầu nầy.
5. Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng duy nhất cống hiến sự sống lại và sự sống.
Mọi người đếu muốn được giải thoát khỏi đau khổ, khỏi mặc cảm tội lỗi xấu hổ, và khỏi sự yếu đuối vây phủ chúng ta. Mọi người hy vọng sau khi chết, tình trạng sẽ khá hơn. Các tôn giáo đều cố gắng làm thỏa mãn khát vọng nầy bằng nhiều cách khác nhau. Chỉ có Tin lành mới cống hiến câu trả lời duy nhất. Những câu trả lời nầy đều liên hệ đến Đấng Christ và Đấng Christ thoả mãn những khát vọng của chúng ta.
Một lần nữa chúng ta thấy tầm quan trọng của một thế giới quan trung thực và phù hợp Thánh Kinh. Thế giới quan của đời không có chỗ cho Đức Chúa Trời và sự sống mai sau. Ngoài việc thoả mãn xác thịt bản thân thế giới quan của đời không cống hiến gì cho mục đích của đời sống. Người đời chỉ dạy chúng ta sống cho riêng mình và cho giờ phút nầy mà thôi. Người đời tưởng rằng chỉ có một cuộc đời nầy và chết là hết.
Trái lại Tin lành cống hiến một thế giới quan hoàn toàn khác. Đức Chúa Trời là trung tâm đời sống. Mục đích chính yếu của loài người đang hiện hữu là nhận biết Đức Chúa Trời, vui hưởng sự thông công với Ngài, và thờ phượng Ngài mãi mãi. Đấng Christ ban hy vọng về sự sống bên kia mồ mã và một chỗ trên thiên đàng với Ngài.
Khi một người đón nhận thế giới quan Cơ-đốc, thì niềm tin và nhãn quan đời sống của người đó hoàn toàn thay đổi. Đời sống có mục đích và giá trị. Người đó thậm chí có thể chịu đựng được những khổ đau vì hy vọng một đời sống tốt hơn đang chờ trong tương lai. Chúa Giê-su phán, “Ta là sự sống lại và sự sống, ai tin ta thì sẽ sống mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25).
Nếu hỏi Chúa Giê-su có phải là niềm hy vọng duy nhất của thế giới không, câu trả lời là vâng, đúng vậy. Và truyền giáo là làm cho mọi người biết đến hy vọng duy nhất nầy.