Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / SƯ TRỤ TRÌ

SƯ TRỤ TRÌ

2014_02_17_yx547hojjwi

Vậy là bà Ngoại cởi bỏ chiếc áo nâu sòng, giã từ “Thiên Am Tự” sau ba mươi năm trụ trì nơi đây.

Ngày Ngoại giao Chùa cho Sư Phó, các sư và tiểu thầm thì với nhau:  “Chắc Sư Cụ bị lẫn rồi!”

Ngoại ra ngồi cạnh dòng suối thẫn thờ lâu lắm, đi vơ vẩn, nước mắt rưng rưng như không nỡ lìa xa.

Cuối cùng Ngoại cũng lên xe rời xa chốn thân quen ấy.

Ngôi chùa tọa lạc ở lưng chừng đường lên núi Sam, Châu Đốc. Xung quanh cảnh trí hữu tình, phía sau Chùa có dòng suối trong veo, róc rách ngày đêm chảy xuống từ đỉnh cao. Với phong cảnh huyền bí, thanh tịnh, Chùa được nhiều khách thập phương đến viếng.  Ngoại thuyết giảng có tiếng ở vùng đó vì Ngoại giỏi thơ văn nên bài thuyết giảng luôn đi vào lòng người với những câu thơ lục bát dễ nhớ.

Vừa bước vào tuổi tứ tuần, ông Ngoại theo vợ nhỏ, bỏ bà Ngọai một thân nuôi hai đứa con với cửa hàng tạp hoá ở tại nhà ngay bến đò ngang. Ngoại mua bán đàng hoàng không lời nhiều, không nói thách, hàng luôn tươi mới nên bà con ai cũng thương yêu, tiệm luôn tấp nập.  Mười năm sau con gái lớn đã được hai mươi tuổi, đủ sức thay Ngoại trông nom cửa hàng.  Ngoại ngỏ ý muốn “đi tu.”  Bà con dòng họ không dám cản vì cho rằng Ngoại “được Ơn trên kêu gọi”.

“Thiên Am Tự” được bà con xúm lại cất lên, vách đất, mái tranh đơn sơ, Ngoại trở thành Sư trụ trì ở tuổi ngũ tuần.  Khoảng cách từ am đến nhà mất ba mươi phút đi xe đạp.  Thời gian đầu tối nào cậu ba cũng lên ngủ với Ngoại, đến khi cậu phải ra tỉnh học cấp ba thì Ngoại ngủ một mình.

“Lúc ấy Ngoại chỉ biết cầu Trời, khấn Phật gìn giữ đừng cho kẻ ác và thú dữ đến tấn công Ngoại. Mà Trời, Phật thương Ngoại thật.”  Ngoại thường kể cho Ly nghe như vậy.

Từ đó Ngoại lánh nợ trần ai đi tìm cõi Phật.  Sớm chiều kinh mõ, nghiên cứu lời Phật dạy mong tìm sự bình an cho tâm hồn. Làng xã ai có chuyện gì phiền muộn tìm đến nghe ngoại giảng kinh.  Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm.  Ba mươi năm sau, cái am nhỏ bây giờ thành một ngôi chùa khang trang có thêm nhiều bà, cô, chú chán đời (hay được ơn kêu gọi?) tìm đến cửa từ bi của Phật.  Ngoại trở thành sư chánh thuyết giảng vào những ngày lễ lớn.

Năm ngoái, Ngoại bệnh nặng, các sư trong chùa phone cho cậu Ba, cậu rước Ngoại lên Sài gòn chữa trị và chăm sóc.  Ba mươi năm Ngoại tu thân ẩn dật, ăn cơm với muối xả muối tiêu.  Bây giờ Ngoại chỉ còn ba mươi kí lô nhìn Ngoại mỏng manh như hình nộm.  Ly ôm chầm Ngoại khóc ròng, mới hè năm trước nữa, Ly về thăm thấy Ngoại đâu đến đỗi ốm như vậy, ôi, chỉ còn da với xương.  Bác sĩ cho biết Ngoại bị suy dinh dưỡng lâu ngày, cơ thể yếu không đủ sức đề kháng nên con vi trùng cảm cúm đã nuốt chửng Ngoại như vậy.  Ly nấu súp thịt cho Ngoại uống và vô nước biển, uống thuốc bổ, Ngoại dần bình phục.  Lần này cậu Ba và Ly năn nỉ Ngoại ở lại đây với con cháu, giao cái Chùa ấy cho bà Sư phó.  Ngoại ậm ừ cho qua chuyện chứ chưa đồng ý.  Một tuần trôi qua, Ngoại khoẻ hẳn.

Ly ở chung nhà cậu Ba để đi học, mẹ Ly vẫn còn ở ngôi nhà của Ngoại tại bến đò.

Ly được các bạn sinh viên làm chứng nên đã tin Chúa hai năm rồi.  Nỗi nặng lòng nhất của Ly là làm sao cho Ngoại tin Chúa? Cô đã đổ nước mắt biết bao lần dưới chân Chúa khi cầu nguyện cho Ngoại, với con mắt loài người Ly thấy “vô phương” không biết nói gì đây với một bà “sư trụ trì” đã ba mươi năm dâng mình nơi cửa Phật.

Ngoại đi tới đi lui, vào quan sát từng phòng của các cháu.  Phòng nào bề bộn quá, Ngoại xếp dọn lại cho ngăn nắp.  Hôm ấy Ly vừa đi học về cô định lên gác để thay đồ rồi xuống chơi với Ngoại.  Ngoại lần theo tay vịn lên thăm phòng Ly.  Trong phòng, trên tường chỗ bàn học ngay cửa sổ có treo bức hình Chúa Giêsu đội mão gai từng giọt máu to chạy dài xuống mặt.

Vừa bước vào cửa phòng, Ngoại đứng sững nhìn bức hình Chúa Giêsu, một nỗi xúc động dậy sóng trong lòng, trào dâng ra khoé mắt.  Ngoại bò lại gần rồi quỳ sụp giữa phòng, vừa lạy bức tranh Chúa vừa khóc tấm tức như trẻ con phạm tội đứng trước mẹ đang cầm roi.  Ly cài vội cúc áo nhào tới ôm Ngoại thảng thốt:

“Ngoại ơi, Ngoại bị sao vậy?  Ngoại đau hả? Ngoại lạy ai vậy?”

“Con ơi, Ngoại lạy ông này, ông này đã hai lần chữa bệnh cho Ngoại khi Ngoại ở trên Chùa”

Ngoại chỉ vào hình Chúa Giêsu, lắp bắp, nghẹn ngào.  Ly nhìn bức tranh rồi lại nhìn Ngoại, cô chưa hiểu rõ.

“Ngoại… Ngoại nói ông ấy chữa bệnh cho Ngoại hả?  Đó là Chúa Giêsu, Ngoại được Chúa chữa bệnh hả?  Khi nào vậy Ngoại?”

Ly vô cùng kinh ngạc khi nghe Ngoại nói.  Ly đỡ Ngoại ngồi lên giường, pha cho Ngoại ly nước cam.  Một lúc sau Ngoại cất giọng đều đều, mắt chăm chú nhìn vào bức tranh Chúa Giêsu.

“Con nói ông ấy tên gì?”

“Dạ đó là Chúa Giêsu.”

“Chúa Giêsu, Chúa Giêsu…”

Ngoại lẩm bẩm gọi tên Chúa Giêsu: “Phải, chính ông ấy đã hai lần chữa bệnh cho Ngoại mà Ngoại không biết ông từ đâu đến.  Lần đầu Ngoại bệnh nặng lúc nửa khuya, giữa đêm Ngoại dậy để đi tiểu nhưng không thể ngồi dậy được, tay chân tê cứng, đầu váng, mắt hoa, mở mắt chỉ thấy từng bầy đom đóm chứ không thấy gì khác.  Ngoại cất tiếng kêu cứu nhưng cuống họng cứng như gỗ không thể thốt ra lời. Vùng vẫy một lúc, Ngoại chìm vào mê man với một sức nặng đang đè mạnh xuống lồng ngực.  Ngoại nghĩ chắc tử thần đến đem Ngoại về với Phật nên Ngoại cố niệm “Nam mô a di đà Phật trong lòng.”

“Vậy sao Ngoại?” Ly buột miệng.

“Phải, lúc ấy tim Ngoại dường như đã ngưng đập, bỗng dưng Ngoại thấy mình bay bổng lên cao và nhìn lại thân thể thì đang nằm trên giường.  Từ sau lưng có tiếng gọi tên Ngoại, giọng nói này chưa bao giờ Ngoại nghe, giọng nói êm dịu và vô cùng thân thương, giống như tiếng gọi của một người anh Hai Ngoại khi còn sống hay gọi Ngoại vậy.  Nghe gọi Ngoại vui mừng lắm, quay nhanh lại, một bóng người đứng từ xa bên cạnh dòng suối sau chùa, vẫy tay ngoắc Ngoại đến, toàn thân người sáng trắng chói loà, khiến Ngoại phải che mắt lại.  Ngoại đi dần về phía người, chỉ có gương mặt người là không bị chói, Ngoại nhìn kỹ, gương mặt hiền lành đang mỉm cười với Ngoại.  Ông ấy bảo “Hãy xuống tắm trong dòng suối này, con sẽ hết bệnh, vì chính ta là sông nước hằng sống”.

Ngoại ngừng kể, thở mạnh một hơi.  Ly ôm tay Ngoại đặt lên ngực mình, hồi hộp:

“Rồi Ngoại có tắm không?”

“Có, giọng nói ấy như nam châm hút Ngoại đến bên dòng suối, Ngoại bước từ từ xuống, nước lên tới đầu gối, rồi đến lưng quần, nước ngập đến đâu Ngoại thấy lòng bình an, vui mừng đến đó, bình an đến nỗi Ngoại muốn dìm ngập mình xuống nước mãi.  Không biết tự bao giờ ông ấy đã đứng giữa dòng nước, vẫn tươi cười với Ngoại.  Ngoại cố đi đến chỗ ông ấy nhưng ông đã quạt mạnh tay xuống nước, dòng nước phủ lút đầu và đẩy ngược Ngoại vào bờ.  Ngoại cố gắng vùng dậy, nhưng bấy giờ Ngoại cảm thấy thân thể mình nặng nề quá, rất khó cử động.  Ngoại chống mạnh tay xuống mặt đất cứng như gỗ, ngồi phắt dậy định chạy trở ra dòng nước thì nhận ra mình đang ngồi trên giường ngủ.  Xung quanh im lìm, Ngoại sờ vào quần áo, không ướt mà lại ấm như vừa mới hơ trên bếp than hồng vào những đêm đông lạnh.  Hơi ấm ngấm vào tay lan vào từng thớ thịt đi dần lên màng tang, Ngoại tỉnh táo lạ thường và nhớ lại từng chi tiết giống như vừa trải qua một giấc mơ. Ngoại véo mạnh vào đùi, đau quá Ngoại kêu “Ui da” cô tiểu chạy vào hỏi Ngoại cần gì.  Bấy giờ Ngoại biết rằng mình còn sống và đang ở trong Chùa.”

Ly lắng nghe với lòng mừng vui khôn siết, Ngoại kể một mạch như chuyện mới vừa xảy ra.

“Ngoại nghỉ mệt đi”

“Không. Ngoại không mệt vì được kể về chuyện này Ngoại vui mừng lắm.  Giống như nỗi vui mừng khi Ngoại đứng dưới dòng suối đêm ấy.”

“Ngoại có bao giờ kể chuyện này cho ai nghe chưa?”

“Chưa, vì Ngoại sợ người ta nói Ngoại đặt chuyện, vả lại Ngoại không biết lai lịch, tên gọi và nguồn gốc ông ấy thì sao mà kể được!”

Ngoại đưa mắt nhìn lên hình Chúa Giêsu chăm chú như cố nhớ lại gương mặt ấy.  Ly sung sướng buột miệng:

“Halêlugia, cám ơn Chúa.  Đó là Chúa Giêsu đó Ngoại.”

“Ngoại nhớ rất rõ gương mặt này vì sau khi tỉnh lại thấy mình còn sống trên dương trần, Ngoại tiếc nuối phút giây được ở trước mặt ông ấy.  Ngoại đốt cây đèn dầu lớn, bưng đến từng bàn thờ soi từng gương mặt của những tượng đang thờ trong chùa, không có tượng nào giống ông ấy cả.  Ngoại thất vọng và thức luôn đến sáng, ngồi thơ thẩn nhớ lại cảm gíac vui mừng, bình an lạ lùng mà Ngoại chưa từng có.  Những lúc ngồi thiền định, tưởng bình an lắm nhưng cũng không phải sự bình an, vui mừng như vậy.”

“Thật hả Ngoại?”  Ly thắc mắc hỏi dồn.

“Ừ, trời sáng, Ngoại đi ra bờ suối, Ngoại cố tìm lại cảm giác đã có nhưng bấy giờ chỉ có những luồng gió sớm lạnh lẽo thổi qua làm gợn mặt suối lăn tăn.  Ngoại thất vọng trở vô Chùa, nhờ nấu mâm cơm chay mang ra bờ suối cúng ông ấy vì Ngoại nghĩ đấy là ông Thần nào đó mà Ngoại chưa biết căn nguồn của ổng, ổng biến mất tại giữa dòng suối nên Ngoại phải cúng ở bờ suối ổng mới hưởng được.”

Ly suýt bật cười vì suy nghĩ đơn sơ của Ngoại, nhưng sợ Ngoại giận nên nén lòng chờ sẽ giải thích sau vì Ly biết chắc đó là chương trình Chúa dành để cứu Ngoại.

“Chuyện xảy ra bao lâu rồi Ngoại?”

“Tháng tư vừa qua, bây giờ tháng mười hai, mới đây mà đã tám tháng rồi.”

Ngoại chặc lưỡi.  Ly nhớ đó là vào dịp lễ thương khó, phục sinh, Ly và nhóm kiêng ăn cầu nguyện của Hội Thánh đã cầu nguyện nhiều cho Ngoại và gia đình.  Ly đã khóc sướt mướt trong đêm dự lễ thương khó vì nhớ đến cha, mẹ và Ngoại chưa tin Chúa.

Rót cho Ngoại ly sữa, cô thắc mắc:

“Ngoại nói Chúa Giêsu chữa bệnh cho Ngoại hai lần, vậy lần thứ nhì khi nào hả Ngoại?”

“Lần thứ nhì cách đây ba tháng, Ngoại bị sốt dữ dội uống thuốc không giảm, mẹ con chở Ngoại đi bác sĩ tư, chích thuốc, càng ngày bệnh càng nặng.  Ngày cuối bác sĩ bảo không tìm được bệnh phải đưa vào bệnh viện truyền nước biển và hội chẩn. Cuối cùng mẹ con định phone cho cậu Ba biết để đưa Ngoại về Sài gòn chạy chữa.  Ngoại không đồng ý nên mẹ còn chần chừ.  Trưa hôm ấy, nằm trong phòng một mình Ngoại đuối lắm, người thì sốt hừng hực mà Ngoại lại lạnh run bần bật.  Cơn sốt khiến Ngoại tưởng chừng như vỡ tung màng tang.  Cái lạnh như từ trong tủy, trong xương phát ra, lần đầu tiên Ngoại bị cái lạnh như vậy. Ngoại tưởng mình đang ở nơi âm ty hay địa ngục nơi có hồ lửa nóng bừng. Bỗng dưng Ngoại nhớ đến ông ấy (Ngoại chỉ lên hình Chúa) Ngoại khấn thầm trong lòng : “Ông ơi, tôi không biết ông là ai, là kẻ khuất mặt, khuất mày nào nhưng xin ông hãy đến cứu tôi lần này và cho biết tên họ là chi để tôi lập bàn thờ mà thờ cúng ông… Ngoại vừa khấn dứt, chợt một luồng ánh sáng rực rỡ từ ngoài bay vào phòng đáp dưới chân Ngoại.  Từ luồng sáng hiện ra hình dạng người, giống như người Ngoại thấy lần trước, Ngoại reo lên: “Ô, ông đến thật rồi, xin cho tôi theo ông với…”

Ông mỉm cười với Ngoại, rút từ bên hông một cái khăn lông trắng giũ mạnh rồi lau hai bàn chân cho Ngoại.  Ngoại kinh hãi vì hành động đó quá bất ngờ, từ nhỏ đến lớn chưa từng có ai lau chân cho mình, bây giờ ông Thần này lại lau chân cho Ngoại.  Ngoại sợ mắc tội phạm thượng với ông nên định rút chân về vì cảm thấy thất lễ quá…” Kể đến đây Ngoại thở hổn hển.

Ly bưng ly nước cam cho Ngoại uống.  Ngoại ngồi lên giường, thẳng hai chân ra về phía Ly rồi lại nhìn lên hình Chúa Giêsu, giọng Ngoại khoẻ hẳn ra:

“Nói thì lâu nhưng chuyện xảy ra nhanh lắm.  Khi Ngoại rút chân lại thì cái khăn ấy như có sức mạnh giữ chặt, một luồng hơi nóng từ cái khăn quyện vào từng đầu ngón chân rồi chạy dần lên ngực.  Ngoại thở hắt ra, hơi thở lưu thông nhẹ nhàng, toàn thân ấm áp, cái lạnh như vừa bị xua khỏi thân thể Ngoại.  Sợ ông lại biến mất Ngoại vội vàng hỏi: “Xin ông cho con biết ông tên gì để con thờ cúng ông.”

Ly hồi hộp chen vào:  “Ổng nói tên gì hả Ngoại?”

Ngoại chặc lưỡi, lại nhìn lên hình Chúa Giêsu:

“Ổng đâu có nói, khi Ngoại hỏi dứt câu thì ổng đã biến mất, Ngoại ngồi rột dậy định chụp cái khăn, nhưng đâu có thấy gì ngoài hai bàn chân với đôi vớ trắng mẹ con mang cho Ngoại khi sáng.  Ngoại  nhìn quanh quất mong ông còn đâu đây. Không có ai cả, chỉ có mình ngoại trong phòng, Ngoại còn đang cố định tâm nhớ lại mọi chuyện thì bỗng nghe tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ bên tai: “Tên ta là Đấng Cứu Thế.”  Ngoại kêu lớn: “Ông ơi, ông đang ở đâu?”  Bấy giờ mẹ con dưới bếp chạy vô, thấy Ngoại đang ngồi sững trên giường, mẹ con tưởng Ngoại bị mê sảng vì sốt, hốt hoảng:

“Má, má có sao không?  Má gọi con hả? Sao má không nằm nghỉ?”

Mẹ đỡ Ngoại nằm xuống, đút cháo cho Ngoại ăn, từ đó đến chiều Ngoại khoẻ lại bình thường như chưa từng có bệnh trong mấy ngày qua.  Ngoại biết chính ông ấy lại chữa bệnh cho Ngoại lần nữa.  Ngoại lần mò ra bờ suối ngồi khóc, khiến mẹ con hết hồn không biết chuyện gì tưởng Ngoại buồn vì bệnh nên khóc.  Nhưng Ngoại biết rõ những giọt nước mắt của Ngoại là những giọt nước mắt biết ơn, những giọt nước mắt sung sướng, những giọt nước mắt tiếc nuối vì muốn được giữ ông với Ngoại mà không giữ được.

Sau đó Ngoại lập cho ông ấy một bàn thờ và dán lên bài vị ba chữ “ĐẤNG CỨU THẾ” để thờ ông ấy.

Hai bà cháu ôm nhau nức nở tự khi nào, Ngoại khóc vì nhớ ông ấy (?) còn Ly khóc vì chương trình cứu chuộc của Chúa thật quá diệu kỳ đối với Ngoại mà trí óc hữu hạn của Ly không hề tưởng tới.

Ly giải thích trong nước mắt: “Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu đó Ngoại.  Tên Giêsu là tiếng Do Thái có nghiã là Cứu Chúa của nhân loại”

Rồi Ly đọc Kinh Thánh cho Ngoại nghe về sự Giáng sinh của Chúa Giêsu.  Ly giải thích cho Ngoại hiểu Ngoại là con cái của Đức Chúa Trời nhưng vì lúc trước Ngoại không biết nên Ngoại thờ cúng các người đã chết, họ cũng là con người họ đâu thể cứu được Ngoại.  Ly đọc đoạn Kinh Thánh nói về hình tượng cho Ngoại nghe: “Hình tượng có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có chân mà nào biết bước đi, cuống họng nó cũng chẳng nói được tiếng nào”.  Ngoại ngồi bật dậy vỗ tay tâm đắc:

“Kinh Thánh nói đúng quá.  Có những lần Ngoại lau rửa các tượng thờ: tượng Phật Như Lai, tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Quan Công, Quan Thánh, Ông Địa, Ông Thần tài và nhiều tượng nữa.  Vì tính Ngoại kỹ lưỡng nên lật phía dưới lên lau cẩn thận lắm.  Thời đó còn nghèo khó nên đa số các tượng được đúc bằng đất sét, rồi sơn phết vào.  Bàn thờ nhỏ thì lựa tượng nhỏ, bàn thờ lớn thì lựa tượng lớn.  Ở phía dưới đít tượng luôn luôn có một cái lỗ, Ngoại lấy ngón tay khều khều đất vụn rớt xuống từ cái lỗ ấy, Ngoại thầm thắc mắc trong lòng, tại sao mình lại thờ những tượng đất này?  Nhưng vì thấy ông bà mình thờ, rồi ai cũng thờ nên mình thờ theo chứ có hiểu gì đâu.”

Ly giải thích tiếp cho Ngoại hiểu, Chúa Giêsu là con một của Đức Chúa Trời và chính là Đức chúa Trời, vì muốn cứu nhân loại nên Ngài phải Giáng sinh xuống làm người để đi rao giảng tin mừng cứu rỗi.  Sau đó Ngài bị án oan chết trên thập tự gía để đền tội cho con người, ba ngày sau Ngài sống lại rồi thăng thiên về trời.  Ngài hẹn ngày trở lại để rước những ai tin Ngài về trời với Ngài.   Ngày nay nếu ai thấy mình có tội, xưng tội với Chúa sẽ được Ngài tha tội và ban Đức Thánh Linh ngự vô lòng để hướng dẫn người ấy sống và làm theo điều Đức Chúa Trời muốn.

“Ngoại nghĩ Ngoại có tội không?” Ly vuốt hai bàn tay xương xẩu của Ngoại.

“Có chứ sao không con. Mấy chục năm rồi mà mỗi lần nghĩ đến ông Ngoại con bà vẫn còn buồn giận.  Đó là tội chứ gì nữa!”

Ly tròn mắt nhìn Ngoại, cô mừng vì Ngoại đã không dối lòng.  Thương Ngoại quá, vậy mà lâu nay Ly tưởng Ngoại đã quên nỗi đau ấy rồi.  Cô ôm Ngoại:

“Nhưng tội lớn nhất là không thờ phượng Đức Chúa Trời chân thần có một và thật.  Nhưng cám ơn Chúa, Chúa thương Ngoại lắm đó, vì vậy Chúa mới đến chữa bệnh cho Ngoại và Chúa đưa Ngoại  về đây để gặp Chúa nè.  Ngoại có muốn cầu nguyện xưng tội với Chúa và mời Chúa ngự vô lòng ngoại không?”

“Nhưng Ngoại đã quy y Phật rồi con à.  Kinh Phật dạy: “Ai đã quy y Phật thì không được quy y Thiên” Ngoại làm sao dám cãi”

Ly cũng đọc cho Ngoại nghe về những phép lạ Chúa Giêsu làm khi thi hành chức vụ. Ly nhờ Hội Thánh cầu nguyện cho Ngoại được cởi trói khỏi quyền lực Satan và trở lại tin Chúa Giêsu để được cứu rỗi.

Liên tiếp mấy ngày sau, ngày nào Ngoại cũng lên phòng Ly để nghe đọc Kinh Thánh. Ngoại thích nhất câu:  “Đức Chúa Trời là thần nên ai thờ lạy Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy”  Ly giải thích “Tâm thần là tấm lòng của Ngoại còn lẽ thật là lời của Chúa là Kinh Thánh.”

Chúa nhật ấy Ly chở Ngoại đi dự buổi truyền giảng hàng tuần của Hội thánh.  Mục sư giảng chủ đề: “Tình yêu vô điều kiện:” sau khi giảng xong Mục sư mời mọi người cùng đọc chung lại câu Kinh Thánh gốc ba lần: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương và Ngài đã bày tỏ tình yêu của Ngài cho chúng ta đang khi chúng ta còn là kẻ có tội thì Chúa Giêsu vì chúng ta chịu chết.”  Ly ngồi bên Ngoại nhắm nghiền mắt thầm xin Chúa cứu Ngoại, bỗng Ly nghe tiếng Ngoại đọc ngắt quãng xen lẫn tiếng nức nở, Ly mở choàng mắt, ôi gương mặt nhăn nheo, móm mém của Ngoại đang co giật theo từng tiếng tức tưởi cố ém trong lồng ngực:  “Ôi Chúa Giêsu ơi con biết tội con rồi, xin tha tội cho con và cứu con Chúa Giêsu ơi, híc…híc…”

Ly vừa cười vừa lau dòng lệ mừng vui đang tuôn chảy đầm đìa ướt cả khăn tay, vừa dẫn Ngoại bước lên bục giảng sau lời kêu gọi của Mục sư. Ngoại  cầu nguyện theo sự hướng dẫn của Mục sư với giọng nức nở, nghẹn ngào.  Ngoại lớn tiếng hơn những người cùng quỳ với Ngoại hôm ấy.

“Ngoại đã quay về với Chúa rồi, Halêlugia.”  Không nén được nỗi vui mừng Ly phone cho hết thảy những bạn bè anh em trong Chúa khắp nơi xa gần mà bấy lâu nay Ly nhờ cầu nguyện cho Ngoại.  Mỗi ngày Ly dặn Ngoại đọc mấy đoạn Kinh Thánh, nhưng Ngoại đọc ngấu nghiến hết cả sách.  Ly cũng dạy Ngoại cầu nguyện với Chúa.  Lúc đầu Ngoại hay quên vì đã mấy mươi năm quen niệm Phật nên cứ mỗi lần cầu nguyện sau khi nói dứt câu “Con thành kính cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu Christ Amen” thì Ngoại tiếp “Nam mô Adi Đà Phật” Ly phải nhắc nhở Ngoại luôn.

Sau đó Ngoại trở về Chùa để làm chứng cho các sư và các tiểu ở đó, nhưng ai cũng nhìn Ngoại với ánh mắt lạ thường.  Nghe Ngoại nói họ không dám cãi nhưng chỉ cúi đầu niệm “Nam mô A di đà Phật” liên hồi.  Ngoại khóc với họ và dẹp cái bàn thờ có bài vị “Đấng Cứu Thế”.  Sư Phó cản Ngoại, bảo để họ sẽ lo nhang đèn luôn cho bàn thờ ấy.  Ngoại nhẹ nhàng giải thích:  “Đấng Cứu Thế chỉ muốn ngự trong lòng chúng ta.  Ngài không ngự trong những bàn thờ như thế này, vì ngày trước Qua (*) không biết nên mới làm vậy, bây giờ hiểu rồi không cần nữa.” Buổi chia tay thật vô cùng bịn rịn, Ngoại cứ ngập ngừng bước trở, bước dừng  không nỡ nhấc chân.  Ngoại muốn ở đó với họ để nói về Chúa cho họ biết.

Ly an ủi Ngoại:

“Mình sẽ cầu nguyện cho họ và Chúa sẽ có cách cứu họ như đã có cách với Ngoại vậy.  Ngoại ở đây đâu có nhà thờ để Ngoại đi thờ phượng Chúa hàng tuần.  Ngoại cần học hiểu Chúa thêm rồi trở về đây làm chứng cho họ chưa muộn.  Biết đâu chừng, bấy giờ Chúa sẽ biến cái Chùa này thành Hội Thánh thờ phượng Chúa thì sao?  Ý Chúa cao hơn ý mình Ngoại à.  Bây giờ Ngoại làm chiến sĩ cầu nguyện cho họ một thời gian nữa nhe Ngoại.” Ngoại gật đầu, miệng móm mém nhẩm lại câu Kinh Thánh mới học hôm Chúa nhật: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi để các ngươi đi và kết quả hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn.”

Ly dìu Ngoại ra xe, bà nhẹ lau những giọt lệ nóng hổi đang lăn dài xuống đôi gò má nhăn nheo.  Ngoại  quay lại nhìn ngôi Chùa lần nữa, vẫy tay chào mọi người, tần ngần mãi.  Xe lao vùn vụt trên đường, từng hàng cây lùi lại phía sau, như Ngoại vừa bỏ sau lưng ba chữ “Sư trụ trì” để bước theo chân Chúa trong niềm vui mừng khôn xiết (**).

HỮU CHANG
Santa Ana, ngày 20 tháng 12 năm 2013

—————————————

Ghi chú: (*) Qua là tiếng xưng hô của người miền nam hay dùng để xưng với người đối diện ‘đồng nghĩa với tôi, hay anh, chị… (danh từ ngôi thứ nhất số ít).
(**) Viết từ câu chuyện thật. Nhân vật chính là bà ngoại của cô PMP (hiện đang hầu việc Chúa tại HTLTân Phú, VN). Người viết đã đến nhà cô vào một buổi trưa, khi bà ngoại cô quỳ khóc trước ảnh Chúa Giê-xu.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn