Thứ Ba , 19 Tháng Ba 2024
Home / Trang Chủ / Đời Sống Đắc Thắng

Đời Sống Đắc Thắng

Một Đời Sống Vâng Phục

Một Đời Sống Đắc Thắng

          Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỷ.  

                                                                                      Ê-phê-sô 6:10-11

Ngay khi Chúa Giê-su, Chiên Con của Đức Chúa Trời, chịu phép Báp-têm ở sông Giô-đanh bởi Giăng Báp-tít, thì có tiếng phán ngợi khen từ trời bởi Đức Chúa Cha, Ngài được Đức Thánh Linh ban cho quyền phép, và sau đó được đưa vào đồng vắng để chịu ma quỷ cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:1-11). Cuộc đối đầu với ma quỷ vẫn tiếp tục suốt những năm chức vụ công khai của Chúa và đỉnh điểm chính là chiến thắng của Đấng Christ qua sự chịu chết, sự phục sinh, và thăng thiên của Ngài. Ngày hôm nay, Đấng Christ đã chiến thắng và được tôn lên làm Vua cách vinh hiển. Chúng ta nên vui mừng vì Chúa Giê-su “cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra” (Ê-phê-sô 1:21), và chúng ta nên đáp lời mời gọi của Ngài để đem sự đắc thắng đó của Ngài đến những người xung quanh. Ngày hôm nay, Sa-tan đang ở trong cuộc chiến với Hội Thánh của Chúa Giê-su Christ và nó biết thời giờ mình còn chẳng bao nhiêu (Khải Huyền 12:12).

reve

Tuy nhiên, nhiều Cơ Đốc Nhân ngày hôm nay đang sống như thể họ đang ở trong một sân chơi, chứ không phải là một trận chiến. Họ quên mất (hoặc có thể đã chưa bao giờ biết) rằng Chúa Giê-su đã cảnh báo với các môn đồ của Ngài, “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian” (Giăng 16:33), và sứ đồ Phao-lô đã viết rằng: “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-su Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (II Ti-mô-thê 3:12). Chúa Giê-su đã bị vu oan, nhạo báng, bị hăm dọa, bị đánh, và chịu đóng đinh bởi chính quyền và các lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ, và Phao-lô đã viết rằng những ai là Cơ Đốc Nhân thật phải chia xẻ “sự thông công thương khó của Ngài” (Phi-líp 3:10). Trong sách Tin Lành Giăng, ông đã mô tả về những tranh chiến của Chúa rất sống động và sau đó ông đã viết điều đó gửi cho Hội Thánh trong thơ thứ nhất của ông. Phần kết, ông cũng miêu tả một cách rất rõ ràng cuộc chiến kinh khủng trong sách Khải Huyền – giữa Đấng Christ và Anti-Christ, Thành Giê-ru-sa-lem mới với Ba-by-lôn, cùng Chiên Con của Đức Chúa Trời và con thú.

Quả thật, một ngày nào đó Đức Chúa Trời sẽ đoán xét thế gian, nhưng trước hết, sự phán xét sẽ khởi “từ nhà Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:17). Trong thơ gởi cho bảy Hội Thánh (Khải Huyền 2-3), Chúa Giê-su kêu gọi con dân Ngài hãy sống đắc thắng, nhưng những Cơ Đốc Nhân ngày hôm nay sống một đời sống buông thả và bị lấp đầy bởi những điều không xứng đáng. Nói một cách thẳng thắn, chúng ta đã không chuẩn bị để chiến trận. Có quá nhiều người tự xưng mình là Cơ Đốc Nhân ngày hôm nay đang sinh hoạt bên trong hay ngoài Hội Thánh Tin Lành đều không sẵn sàng để đối mặt với những bức hại hay chống đối đang đến. Phi-e-rơ đã nói về điều này như sau:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót. Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em” (I Phi-e-rơ 4:12-14).

Và lò lửa thử thách đó đã đến với Phi-e-rơ trong những ngày hoạn nạn khó khăn của đời ông, nếu điều đó đến trong những ngày sau này, thì con dân Chúa phải chuẩn bị sẵn sàng. Phi-e-rơ đã khuyên chúng ta phải trang bị những vũ khí thuộc linh với cùng một cách mà Chúa Giê-su đã có khi Ngài đối đầu với kẻ thù nghịch và chịu chết trên thập tự giá (I Phi-e-rơ 4:1-2). Với cách nhìn đó sẽ giúp chúng ta thấy được kết quả chung cuộc, và nếu cách nhìn và quan điểm của chúng ta không thật tỉnh táo và theo lời Thánh Kinh thì chúng ta sẽ gặt lấy những hậu quả bi thảm.

Trong chương này, tôi muốn nói đến sự trang bị cần thiết và đặc quyền của một người lính Cơ Đốc trung thành. Tôi nhận ra rằng một số người không bằng lòng với sự nhấn mạnh mang tính chất quân sự trong Kinh Thánh, nhưng sự nhấn mạnh ở đây chính là chúng ta không được phớt lờ nó. Những mâu thuẫn và xung đột mà Hội Thánh đang đối diện không thể được giải quyết bằng những cách giao tiếp khôn khéo bình thường. Nhưng chúng ta phải mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời và biết cách sử sụng những vũ khí thuộc linh mà Chúa đã sắm sẵn đó cho chúng ta (Ê-phê-sô 6:10-20).

Hãy lưu ý! Đây chính là những quy tắc từ Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của chúng ta (Hê-bơ-rơ 2:10)!

Hãy Nhớ Rằng Bạn Luôn Luôn Là Một Chiến Binh, Dù Bạn Đang Làm Nhiệm Vụ Hay ĐANG NGHỈ KHÔNG PHÉP.

Rất quan trọng để nhận biết rằng ngay khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-su Christ là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa, chúng ta trở nên những người lính chiến trong đội quân của Đức Chúa Trời. Chúng ta được kêu gọi không phải để trở thành những tình nguyện viên, nhưng vì Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của chúng ta đã ra lệnh cho những ai thuộc về dòng dõi Đức Chúa Trời cũng sẽ thuộc về đạo quân của Đức Chúa Trời – dù họ có vâng lời Chúa hay không. Ma quỷ là kẻ thù nghịch của chúng ta và hắn cùng với đội quân hùng mạnh đã dùng thế gian và những ham muốn xác thịt để cám dỗ chúng ta sa vào tội lỗi. Sa-tan là một kẻ nói dối (con rắn quỷ quyệt) đi lừa gạt và là một con sư tử đang rình mò để tìm kiếm những ai nó có thể nuốt được (Giăng 8:44; II Cô-rinh-tô 11:3; I Phi-e-rơ 5:8-9), và chúng ta không thể xem thường hắn được. Chế nhạo hay đùa giỡn với nó là chúng ta đang làm lợi cho nó theo đúng mục đích nó muốn.

Sa-tan còn được gọi là A-bô-ly-ôn, nghĩa là “kẻ hủy diệt” (Khải Huyền 9:11). Trong nhiều thế kỷ qua, nó đã cố gắng để hủy diệt dân tộc Do Thái và ngăn chặn sự giáng sinh của Chúa Giê-su, và từ ngày Đức Thánh Linh giáng lâm (Công Vụ 2) nó đã cố gắng hủy diệt Hội Thánh và khiến cho những lời chứng của Hội Thánh phải nín lặng. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng huyết của những người tuận đạo đã đổ ra chỉ làm Hội Thánh thêm mạnh mẽ và mở mang. Sa-tan là kẻ giả mạo và những kẻ theo nó chỉ giả vờ đi theo Đấng Christ nhưng chỉ để lừa gạt (II Cô-rinh-tô 11:13-15). Những sứ đồ giả của nó đã rao truyền một Tin Lành khác (Ga-la-ti 1:6-10) để dẫn mọi người đến cảnh nô lệ thay vì được tự do bởi sự cứu chuộc trong Đức Chúa Giê-su Christ.

Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và tỉnh thức, và không bao giờ được phép nghỉ ngơi. Lời khuyên bảo của Phi-e-rơ rằng chúng ta phải tiết độ và tỉnh thức (I Phi-e-rơ 5: 8-9) đến từ một con người đã không tiết độ và tỉnh thức, một người đã từng chối Chúa và cố giết chết một người khác! Chúng ta phải cẩn thận với sự xảo quyệt cùng sức mạnh của Sa-tan và phải chạy đến nhờ cậy sự giúp đỡ của Chúa ngay khi chúng ta biết kẻ thù nghịch chúng ta đang hành động.

Luôn Mang Lấy Mọi Khí Giới Của Bạn.

II Sa-mu-ên 11:1 giải thích vì sao vua Đa-vít phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba, âm mưu giết hại chồng nàng, và đã nói dối về chuyện đáng xấu hổ đó của mình suốt gần một năm: “Nhưng vua Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem.” Ông đã buông vũ khí của mình xuống! Lẽ ra ông nên cùng với đội quân của mình, tấn công kẻ thù địch, nhưng thay vì vậy ông đã ở nhà và bị tấn công bởi một kẻ thù nguy hiểm hơn nhiều và bị thất bại! Mỗi Cơ Đốc Nhân đều nhận được mạng lệnh phải “chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Giê-su Christ” (II Ti-mô-thê 2:3) và “vì đức tin mà đánh trận tốt lành” (I Ti-mô-thê 6:12). Chúng ta sẽ gặt hái thành công nếu chúng ta mặc lấy những khí giới đã được nói đến trong Ê-phê-sô 6:10-20 và biết cách sử dụng chúng. Chiến thuật xấu xa của Sa-tan rất là khéo léo (II Cô-rinh-tô 11:1-4) và những ngày là xấu (Ê-phê-sô 5:16; 6:13). Lưu ý rằng chúng ta cần mang lấy “mọi khí giới” chứ không phải chỉ là một hoặc hai thứ, và chúng ta phải đứng vững tại vị trí của mình để chống lại kẻ thù nghịch. Trong Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta được đắc thắng, nhưng Sa-tan muốn chúng ta phải rút lui và mất đi địa vị chiến thắng mà Chúa Giê-su đã dành cho chúng ta tại nơi Thập Tự Giá. Chúng ta đang chiến đấu nhờ sự đắc thắng của Đấng Christ và không phải cho chiến thắng của chúng ta, vì bởi đức tin chúng ta đang đứng tại nơi thánh. Hãy đọc Giô-suê 5:13-15 để thấy được hình ảnh đó. Tất cả mọi khí giới đều liên quan đến con người và công việc của Chúa Giê-su Christ chúng ta (Rô-ma 13:12-14; Ê-phê-sô 4:17-24), vì vậy hãy mặc lấy khí giới đó chính là mặc lấy Đức Chúa Giê-su Christ và ở trong Ngài (Cô-lô-se 3:8-17).

col

Lấy lẽ thật làm dây nịt lưng (Ê-phê-sô 6:14). Đây không phải là một sợi dây nịt nhỏ nhưng nó giống một tấm chắn bọc kim loại và da dày. Từ chỗ thắt lưng xuống khoảng 4 inch trên đầu gối, nó quấn quanh thân và bao lấy người lính từ sau ra trước. Nó giữ cho các phần khác của bộ giáp liên kết lại với nhau cách chặt chẽ, và là chỗ để người lính có thể mang theo những vũ khí hay vật dụng cần thiết, như là một cây giáo ngắn, một cái túi nhỏ, và một dao găm. Chữ lẽ thật ở đây có nghĩa là “chính trực”, giống như là dây nịt lưng giữ các phần khí giới lại với nhau, sự chính trực của một người làm cho tính cách của người ấy trước sau như một và giúp người ấy thoát khỏi sự đạo đức giả và lối sống lừa dối, cái mà thế gian gọi là: “sự gian tà của miệng”. Số nguyên là một số trọn vẹn và sự chính trực và liêm chính là toàn vẹn. Phân số là một phần của số tương ứng với sự đạo đức giả hay lối sống lừa dối, nói một đằng nhưng làm một nẻo. “Nầy, Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong” (Thi Thiên 51:6). Là một người hai lòng và cố gắng phục vụ hai chủ là mất đi sự chính trực và đang sống giả tạo.

Mặc lấy giáp bằng sự công bình(Ê-phê-sô 6:14) được làm từ kim loại và bảo vệ thân trên của người lính, trước và sau. Một chiến binh Cơ Đốc có hai loại công bình: được xưng công bình, là sự công bình mà Đấng Christ mặc cho chúng ta ngay khi chúng ta tin nhận Chúa (Rô-ma 4:13-23; II Cô-rinh-tô 5:21), và được ban cho công bình, là công bình mà Đức Thánh Linh đã lập nên trong chúng ta khi chúng ta bước đi bởi đức tin và đầu phục Ngài. Nhà thần học gọi đó là được xưng công bình lần thứ nhất và được nên thánh lần thứ hai. Được xưng công bình không bao giờ thay đổi, bởi vì Cha chúng ta luôn nhìn lấy chúng ta trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:1-6), nhưng sự công bình được ban cho sẽ thay đổi khi mỗi ngày chúng ta bước đi với Chúa và vâng phục Ngài. Nếu chúng ta mặc lấy áo giáp, thì những sự buộc tội và tấn công của ma quỷ không thể làm tổn hại chúng ta được. Áo giáp là để bảo vệ trái tim, bởi vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra (Châm ngôn 4:23).

Giày bình an (Ê-phê-sô 6:15) giúp cho người lính có thể đứng, đi, chạy, và giữ thăng bằng khi họ đánh trận. Những người lính La Mã đã mang đôi giày có quai bằng da rất chắc với những chiếc đinh đầu to ở đế giày và những sợi dây da để giữ đôi giày cố định. Chúa muốn chúng ta đứng vững vàng trong Chúa và Tin Lành Ngài (I Cô-rinh-tô 15:1,58) cũng như dùng sự khôn ngoan để chiến thắng kẻ thù địch. Khi chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:1), chúng ta có thể mang đôi giày của Tin Lành bình an và đem sự bình an đó đến cho những ai đang đánh trận. Một chiến binh đang mâu thuẫn với chính mình hay với người khác sẽ không thể được sử dụng cho Tin Lành bình an của Đức Chúa Trời được. Được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua thập tự giá và có được sự bình an của Đức Chúa Trời ở trong lòng (Phi-líp 4: 6-7), chúng ta thật sự “làm nên hòa bình” chứ không phải tranh chiến. Sự bình an ở trong lòng chúng ta giúp chúng ta vững vàng và linh động khi chúng ta chống trả với Sa-tan và đội quân của hắn. Chúng ta không đánh trận cùng thịt và huyết nhưng cùng chủ quyền và thế lực của Sa-tan đã sử dụng con người để chống lại công việc của Đấng Christ. Cơ Đốc Nhân là những người hòa giải chứ không phải là những kẻ phá hoại. Nếu cuộc sống chúng ta và chức vụ chúng ta gặp phải những ngăn trở, đó là vì thế gian ghét chúng ta và Tin Lành của Ngài.

Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn (Ê-phê-sô 6:16) để bảo vệ người lính và những khí giới của họ. Thuẫn của người La Mã có kích thước khoảng 2 feet đến 4 feet và được thiết kế để một hàng lính chiến có thể khóa chặt những cái thuẫn lại với nhau tạo nên những bức tường vững chắc. Kẻ thù nghịch sẽ phóng những mũi tên lửa để tiêu diệt và phá hủy những chiếc thuẫn này. Sa-tan đã phóng vào chúng ta những mũi tên lửa của sự sợ hãi, rối loạn, nghi ngờ, chỉ trích, nói hành, lừa dối cùng sự kiện cáo và vu oan. Chúa Giê-su và những môn đồ của Ngài cũng đã bị đối xử như vậy. Nếu như những mũi tên này không bị tiêu hủy, ngọn lửa sẽ lan ra và gây tổn hại một cách khủng khiếp. Sa-tan luôn nhắc cho chúng ta nhớ những tội lỗi và những sai phạm trong quá khứ và làm mọi cách để khiến chúng ta nản lòng, nhưng khi chúng ta sử dụng đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời chúng ta sẽ chiến thắng (Khải Huyền 12:7-12). “Sự chân thật Ngài là cái khiên và cái can của ngươi” (Thi Thiên 91:4). “Và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (I Giăng 5:4).

Mão trụ cứu chuộc (Ê-phê-sô 6:17). Mão trụ của người lính La Mã được làm bằng đồng thiếc để bao bọc phần đầu và phần má của họ, nó trông giống như những chiếc mũ bảo hiểm ngày hôm nay. Một người lính chỉ có thuẫn đỡ không thì chưa đủ; họ cần phải bảo vệ phần đầu và trí óc của họ nữa nếu đó là một người lính khôn ngoan. Thật không khó để nhận được những bài học thuộc linh ở đây. Chúng ta phải cẩn thận với sự không kiên định của lòng phân tâm(Gia-cơ 1:8) và giống như Chúa Giê-su, Ngài đã quyết định đi lên thành Giê-ru-sa-lem để chịu chết (Luca 9:51). Chúng ta không thể làm tôi hai chủ (Ma-thi-ơ 6:24). Chúng ta cũng phải cẩn trọng với ý tưởng lừa dối (II Cô-rinh-tô 11:3), vì Sa-tan là một kẻ giả mạo chuyên đem đến những cám dỗ để khiến chúng ta xa cách lẽ thật. Như nó đã làm với Ê-va (Sáng Thế Ký 3), đầu tiên Sa-tan đặt câu hỏi về Lời Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 3:1), sau đó phủ nhận Lời của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 3:4), và thay vào đó lời nói dối của nó (Sáng Thế Ký 3:5). Cũng thật là nguy hiểm khi có lòng lo lắng (Lu-ca 12:29) đó là sự lo âu và trăn trở về những vấn đề trong cuộc sống. Nó thường đem đến sự ngã lòng. Trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:8, Phao-lô gọi mão trụ là “sự trông cậy về sự cứu rỗi,” vì hy vọng sẽ tiêu tan khi chúng ta nản lòng và tương lai chúng ta sẽ thật tối tăm và nguy hiểm. Mỗi ngày tôi phải ở trong Lời Đức Chúa Trời, để Thánh Linh Chúa biến đổi tâm trí mình hầu cho tôi không tranh luận và cãi lẽ như là thế gian đã làm.

Cầm gươm của Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 6:17) chính là vũ khí để người lính tấn công và cũng để tự vệ. Hê-bơ-rơ 4:12 đã mô tả về thanh gươm Thánh Linh này:

Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.

Chúa dùng gươm trên những người chưa tin Chúa để họ nhận biết tội lỗi và mang họ đến với sự cứu chuộc (Công Vụ 2: 37-38), nhưng Ngài cũng dùng nó trên con dân Ngài để dạy cho họ biết điều đúng và loại trừ những điều xấu. Không giống như một thanh gươm bình thường, Lời Đức Chúa Trời không bao giờ cùn. Nó có năng quyền và nó truyền sự sống thay vì cái chết! Chúa chúng ta đã sử dụng Lời Kinh Thánh để đánh bại ma quỷ trong đồng vắng (Ma-thi-ơ 4:1-11) và ngày hôm nay chúng ta cũng có thể làm như vậy khi Sa-tan cám dỗ chúng ta. “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa.” (Thi Thiên 119:11).

“Tinh Binh Của Quân Thập Tự Mau Đứng Lên” là một bài Thánh Ca chúng tôi thường hay hát tại trường Chúa Nhật và những buổi nhóm Thanh Niên. Trong lời thứ ba có chép, “Kìa, giáp Tin Lành mau khoác lấy, Tỉnh thức, khẩn nguyện đêm ngày.” Đó là bởi đức tin chúng ta mặc lấy khí giới và bởi đức tin chúng ta chống cự kẻ thù nghịch. “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.” (Gia-cơ 4:7).

Tường Trình Công Việc Mỗi Ngày

“Đức Giê-hô-va ôi! Buổi sáng Ngài sẽ nghe tiếng tôi; Buổi sáng tôi sẽ trình bày duyên cớ tôi trước mặt Ngài, và trông đợi” (Thi Thiên 5:3). Chữ trình bày là từ những thầy tế lễ người Do Thái mà ra và là hình ảnh thầy tế lễ tại bàn thờ để sắp xếp củi và của tế lễ. Nhưng nó cũng có ý nghĩa quân sự là: nhóm hiệp đạo binh, dàn trận và tỏ mình ra trong trận chiến. Nghĩa này được sử dụng trong I Sa-mu-ên 17 để mô tả về gã khổng lồ Gô-li-át đã “tỏ mình ra” và thách thức đạo quân của Sau-lơ. Mỗi buổi sáng khi tĩnh nguyện, tôi giống như một thầy tế lễ dâng lên Chúa những của lễ và cũng giống như một người lính tường trình lại mọi việc trong ngày. Khi cầu nguyện, tôi trao cho Chúa mọi ưu tư, và qua lời Đức Chúa Trời, Ngài đã hướng dẫn tôi. Chúa chúng ta luôn thức dậy mỗi sáng sớm để yên lặng một mình với Cha Ngài trước khi đám đông tụ tập lại (Ê-sai 50:4-6; Mác 1:35), và đây là hình mẫu lý tưởng để chúng ta noi theo. Hãy chống cự kẻ thù nghịch.

Ba lần trong Ê-phê-sô chương 6, Phao-lô đã nhấn mạnh rằng chúng ta phải đứng vững để có thể chống cự với ma quỷ. Trước khi vào trận chiến, chúng ta mặc lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời để có thể đứng vững vàng được (Ê-phê-sô 6:11,13). Sau đó chúng ra tỏ mình ra với sức mạnh của Chúa và chống cự với kẻ thù nghịch. Khi dành được chiến thắng, chúng ta vẫn phải tiếp tục tỏ mình ra để kẻ thù không quay lại và bắt lấy chúng ta lúc nào không hay (Ê-phê-sô 6:14). Phao-lô đã cảnh báo với Ti-mô-thê rằng, nếu ông muốn làm vui lòng Vị Chỉ Huy của ông, tốt hơn là ông không nên dính líu với thế gian và trở thành một người lính lưỡng lự (II Ti-mô-thê 2:4).

Đó là bởi năng quyền của Chúa giúp chúng ta vượt qua những khó khăn chứ không bởi sức riêng, sự khôn ngoan, hay khả năng của chúng ta. Phao-lô đã khuyên chúng ta “anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (Ê-phê-sô 6:10). Vậy làm sao chúng ta có thể nhận được năng quyền này? Ấy là “Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin” (Ê-phê-sô 6:18). Sau khi được cứu ra khỏi Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên đã đối mặt với dân A-ma-léc và đánh bại họ bởi vì Môi-se, A-rôn, và Hu-rơ đã chiến đấu gián tiếp ở trên núi khi Giô-suê và đạo binh của ông cầm gươm ở phía bên dưới. Chúng ta không chỉ mang lấy khí giới qua sự cầu nguyện nhưng chúng ta cũng dùng nó trong trận chiến bởi sự cầu nguyện.

Lưu ý rằng Phao-lô đã nhắc nhở chúng ta hãy “tỉnh thức” trong sự cầu nguyện (Ê-phê-sô 6:18). Chúng ta phải cầu nguyện với đôi mắt mở to nếu không e rằng kẻ thù nghịch sẽ tìm mọi cách để tấn công lén chúng ta. Khi Nê-hê-mi và những người làm việc cùng ông xây cất lại vách thành Giê-ru-sa-lem, những kẻ thù nghịch đã đe dọa họ, do đó dân Giu-đa đã cầu nguyện và canh giữ ngày đêm (Nê-hê-mi 4:7-9). Nếu chúng ta làm việc chúng ta có thể làm, thì Chúa sẽ làm phần còn lại. Chúa Giê-su dạy các môn đồ của Ngài “hãy thức canh và cầu nguyện” (Ma-thi-ơ 26:41; Mác 13:33, 14:38) và sứ đồ Phao-lô cũng khuyên như vậy trong Ê-phê-sô 6:18 và cả Cô-lô-se 4:2. Cầu nguyện và tỉnh thức phải luôn đi đôi với nhau.

Hãy Quan Tâm Đến Những Người Khác Cùng Niềm Tin.

Phao-lô đã kết thúc bức thư của ông (Ê-phê-sô 6:19-24) bằng việc nhắc những tín hữu Ê-phê-sô nhớ đến ông và những người giúp đỡ ông trong sự cầu nguyện. Phao-lô là một con người tài giỏi, yêu mến Chúa, là người đã được gặp Chúa và được Chúa dùng, tuy vậy ông vẫn rất khiêm nhường để nhờ cậy mọi người cầu nguyện cho mình. Tất cả những Cơ Đốc Nhân thật đều đang ở trong trận chiến chống lại Sa-tan, và chúng ta cần phải cầu thay cho nhau. Phi-e-rơ đã viết: “Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình” (I Phi-e-rơ 5:9). Bạn có để ý rằng những danh xưng trong lời cầu nguyện của Chúa là số nhiều không? Không phải là “Cha của Con” nhưng là “Cha chúng tôi… xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ dùng… Xin tha tội lỗi cho chúng tôi” và tương tự như vậy. Mỗi chúng ta ở khắp mọi nơi là một thành viên trong gia đình kỳ diệu của Đức Chúa Trời và chúng ta phải cầu nguyện cho anh em và chị em của mình khi chúng ta biết hoàn cảnh của họ.

Nhà truyền giáo Ruth Paxon đã phát biểu tại hội nghị Keswick ở Anh Quốc năm 1936 rằng, “Thật dại dột nếu đánh giá thấp quyền lực của Sa-tan, nhưng cũng rất nguy hiểm nếu đánh giá nó quá cao.” Chúa đã đắc thắng Sa-tan và sẽ ban cho chúng ta sự đắc thắng ấy nếu chúng ta mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời và tin cậy nơi Ngài.

Warren-Wiersbe-Small

Warren W. Wiersbe   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn