Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Kinh Thánh Tân Ước Đã Gia Nhập Với Cựu Ước Như Thế Nào?

Kinh Thánh Tân Ước Đã Gia Nhập Với Cựu Ước Như Thế Nào?

Kinh Điển Kinh Thánh Đã Được Xây Dựng Như Thế Nào?

Justin tử đạo là một trong số những anh hùng Cơ Đốc trong thời kỳ đầu tiên. Ông đã bị giết vì niềm tin của mình vào khoảng năm 165 sau Công Nguyên, nhưng đó là sau khi ông đã viết ra những luận văn đầy năng quyền để bảo vệ cho lẽ thật Cơ Đốc. Trong số các sách của mình, ông đã cho chúng ta những mô tả ngoài Kinh Thánh về việc thờ phượng của Cơ Đốc Nhân thời bấy giờ:
Vào ngày được gọi là Chủ Nhật, tất cả mọi người sống ở thành thị hoặc nông thôn đều nhóm lại một chỗ, và tất cả tham luận của các sứ đồ hoặc tác phẩm của các tiên tri được đọc lên, cho đến khi thời gian cho phép; sau đó, khi người đọc ngừng lại, người đứng đầu dùng lời nói để hướng dẫn, và khích lệ làm theo những điều tốt đã được đọc tới.
“Tác phẩm của các tiên tri” là chỉ về Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, và “tham luận của các sứ đồ” là Kinh Thánh Tân Ước của chúng ta. Đến giữa thế kỷ thứ hai, Hội Thánh đã có được một bộ các tài liệu thể hiện thần học Cơ Đốc. Tại sao bộ sách mới này lại được hình thành?
Tại sao lại có một Giao Ước khác?
Các nhân chứng trực tiếp về đời sống và chức vụ của Đức Chúa Giê-xu dần mất đi hoặc trở nên già yếu. Gần như tất cả các sứ đồ ngoại trừ Giăng đều chết trước năm 70 sau Công Nguyên. Chính vì vậy nhu cầu cấp thiết đó là bảo tồn lời chứng và thẩm quyền của họ. Mác đã biên soạn các bài giảng của Phi-e-rơ lại thành một sách về cuộc đời Đấng Christ, có thể đây là sách Phúc Âm đầu tiên. Lu-ca ghi lại đời sống và chức vụ giảng dạy của Phao-lô để tạo nên sách Lu-ca và Công vụ các sứ đồ. Ma-thi-ơ tự viết sách Phúc Âm của mình; Giăng cũng làm điều tương tự.
Việc các sách Kinh Thánh được viết bằng ngôi thứ nhất là cực kỳ quan trọng về mặt thẩm quyền. Chúng ta không đọc những ký thuật được biên soạn nhiều thế kỷ sau khi sự việc đã xảy ra. Ngược lại, chúng ta nghiên cứu những ký thuật do những người có mặt ở đó viết ra. Mỗi khi chúng ta mở Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta đã bước lùi lại hai mươi hai thế kỷ để đến với cuộc đời Đức Chúa Giê-xu cùng những môn đệ đầu tiên của Ngài. Chúng ta học để tham gia cùng với họ.
Một lý do khác để viết nên Kinh Thánh Tân Ước đó là các giáo sĩ Cơ Đốc cần văn chương để lan truyền phúc âm. Khi họ gặp những người có học thức trong toàn Đế Quốc Rô-ma, họ muốn cung cấp những tài liệu có thể dẫn đưa những người lạc mất đến với Đấng Christ và khích lệ các Hội Thánh bằng lời chứng của họ. Những tân tín hữu và các lãnh đạo cần có huấn luyện mục vụ. Hội Thánh của họ cần một quy chuẩn về giáo lý. Tín hữu của họ cần những hướng dẫn thực tiễn cho niềm tin và thực hành.

First-Quarto-of-King-James-Bible
Trên hết, các môn đồ của Đức Chúa Giê-xu muốn lưu giữ các lời dạy của Ngài. Chúa của họ không viết nên một quyển sách nào cả. Ngài truyền cảm hứng cho các môn đệ ghi lại những lời dạy của Ngài cho các thế hệ về sau. Các sách Phúc Âm và những thư tín trong Kinh Thánh Tân Ước được viết ra với mục đích này. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên biết Đức Chúa Giê-xu một cách cá nhân giống như “điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ” (I Giăng 1:1). Họ muốn cả thế giới đều được hưởng cùng một đặc ân. Mỗi khi chúng ta mở Kinh Thánh Tân Ước là một lần Đức Chúa Giê-xu giảng dạy trở lại.
Tại sao là những sách đó?
Bước đầu tiên dẫn đến cuốn Kinh Thánh Cơ Đốc Kinh Điển là do kết quả của một cuộc khủng hoảng. Khoảng năm 140 sau Công Nguyên, một lãnh đạo Hội Thánh giàu có đầy ảnh hưởng tên là Marcion tin rằng Cơ Đốc Nhân nên bác bỏ việc tuân thủ Kinh Thánh Hê-bơ-rơ một cách tuyệt đối. Ông tiếp nhận thần học của Phao-lô một cách trọn vẹn đến mức đã nghĩ rằng cần phải bỏ qua các tác phẩm Cơ Đốc khác. Những sách mà ông chấp nhận bao gồm mười thư tín của Phao-lô (bỏ sót I &II Ti-mô-thê và Tít) và một bản sao Phúc Âm Lu-ca, đó là các sách mà ông đã chọn lọc nhằm phản ánh những trọng tâm lời dạy của Phao-lô.
Các lãnh đạo Hội Thánh đã nhanh chóng hành động để xác nhận cả bốn sách Phúc Âm và toàn bộ các thư tín của Phao-lô. Tuy nhiên sự khủng hoảng này cho thấy nhu cầu của Hội Thánh cần lập nên một danh sách chính thức các sách Kinh Thánh Cơ Đốc được chấp nhận. Qua thời gian, bốn tiêu chuẩn được phát triển nhằm công nhận một sách nào đó là được Đức Chúa Trời soi dẫn.

Đầu tiên, sách đó phải do một sứ đồ viết nên hoặc dựa trên lời chứng mà người đó chứng kiến tận mắt về cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu. Các tác phẩm văn học ngộ đạo dần thu hút sự chú ý trong thời bấy giờ. Thuyết ngộ đạo phản ánh thần học dị giáo tách biệt thân thể và thần linh. Một vài “phúc âm” ngộ đạo dường như được cho là do các sứ đồ như Thô-ma hoặc Phi-e-rơ viết ra. Phản ứng lại, các lãnh đạo Hội Thánh đã nhanh chóng tiếp thu lập trường cho rằng một sách kinh điển cần phải là sản phẩm rõ ràng của một sứ đồ thực thụ, hoặc dựa trên lời kể mà người đó tận mắt chứng kiến về cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu.
Ma-thi-ơ là môn đệ của Đức Chúa Giê-xu trước khi ông viết sách Phúc Âm của mình, cũng giống như Giăng. Mác là một giáo sĩ thời ban đầu bạn đồng liêu với Phao-lô (Công vụ 13:4-5) và là người con thuộc linh của Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 5:13). Các Cơ Đốc Nhân ban đầu tin rằng Mác đã viết sách Phúc Âm của mình dựa trên các bài giảng và những trải nghiệm mà Phi-e-rơ đã kể lại cho mình.
Lu-ca là một bác sĩ ngoại quốc rất có thể đã gia nhập cùng Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai của ông tại thành Trô-ách (lưu ý trong Công vụ 16:10, đại từ nhân xưng thay đổi từ “họ” sang “chúng ta”). Lu-ca viết sách Phúc Âm của mình và sách Công vụ các sứ đồ dựa trên lời chứng do những người khác chứng kiến trực tiếp (Lu-ca 1:1-4). Các thư tín của Phao-lô đến từ việc tận mắt chứng kiến Đấng Christ phục sinh (xem Công vụ 9:1-6), tương tự với các tác phẩm của Gia-cơ (em của Đức Chúa Giê-xu), Phi-e-rơ, Giu-đe (em của Đức Chúa Giê-xu), và Giăng.
Riêng tiêu chuẩn này đã loại bỏ hầu hết các sách được đề xuất để biên vào cuốn kinh điển. Chẳng hạn như, Clement ở thành Rô-ma không phải là nhân chứng trực tiếp nhìn thấy Chúa. Mặc dù bức thư của Clement gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô rất được coi trọng, nhưng nó không được đưa vào Kinh Thánh Tân Ước.

n ninle

Tiêu chuẩn thứ hai, quyển sách đó phải phù hợp với mẫu mực của đức tin và có thẩm quyền trong việc sử dụng. Tại đây, rất dễ để phân biệt những tác phẩm nào được Đức Chúa Trời thần cảm, những tác phẩm nào thì không. Chẳng hạn như một quyển sách cổ có tựa đề Sách Tin Lành Đầu Tiên Về Thời Thơ Ấu Của Đức Chúa Giê-xu Christ kể về một người đã biến thành một con la do một câu thần chú nhưng sau đó đã được hoàn người trở lại khi con la là người đàn ông này chở em bé Giê-xu trên lưng (7:5-27). Cũng trong quyển sách đó, thiếu nhi Giê-xu đã biến những chú chim và động vật bằng đất sét trở thành những con vật sống (15:1-7), làm một chiếc ngai vua mà cha Ngài đã đóng quá nhỏ trở nên lớn hơn (16:5-16), và lấy đi mạng sống của các bé trai chống đối lại với Ngài (19:19-24). Không khó nhận ra những sách như vậy không đến từ Đức Thánh Linh.

Thứ ba, đó là quyển sách được Hội Thánh chung chấp nhận, không chỉ một Hội Thánh riêng lẻ. Một ví dụ trong buổi ban đầu đó là bức thư của Phao-lô gửi cho Hội Thánh Ê-phê-sô được luân chuyển và được đọc tại các Hội Thánh bên ngoài Hội Thánh Ê-phê-sô. Các bức thư khác của ông cũng sớm được như vậy. Thực ra, Phi-e-rơ nói về thư tín của Phao-lô như là “Kinh Thánh” (II Phi-e-rơ 3:16). Ít nhất là vào năm 100 sau Công Nguyên, các tác phẩm của Phao-lô đã được Hội Thánh chung tập hợp lại, được sử dụng trong sự thờ phượng và học hỏi.
Các sách phúc âm lại là một vấn đề khác. Rất nhiều tài liệu viết về “cuộc đời Đấng Christ” bắt đầu xuất hiện trong những năm đầu của Cơ Đốc Giáo. Trong số đó có hai quyển sách viết về thời thơ ấu của Đức Chúa Giê-xu (bị hiểu lầm là do Thô-ma viết) và Phúc Âm Ni-cô-đem (đôi khi được gọi là Công vụ Pontius Pilate). Nhưng không tác phẩm nào như trên ghi lại lời chứng của người tận mắt chứng kiến cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu. Các tác phẩm đó không được phong trào Cơ Đốc chung công nhận.
Giữa thế kỷ thứ hai, chỉ có Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng được chấp nhận rộng rãi, như được thể hiện rõ qua các đoạn trích dẫn của các Cơ Đốc Nhân vào thời đó. Khoảng năm 130 sau Công Nguyên, Papias chỉ về sách Mác như một sách “Phúc Âm” và cũng đề cập đến sách Ma-thi-ơ và Giăng.5 Khoảng năm 170, một Cơ Đốc Nhân người Assyri tên là Tatian đã liên kết một “bản phối hợp” các sách Phúc Âm, sử dụng chỉ bốn sách trên. Irenaeus, giám mục thành Lyons xứ Gaul khoảng năm 180, nói về bốn sách Phúc Âm là được vững lập chắc chắn trong Hội Thánh.
Các sách còn lại của Tân Ước được sử dụng rộng rãi qua nhiều tiến trình khác nhau. Sách Công vụ các sứ đồ luôn được xem là một phần trong ký thuật của Lu-ca. Chính vì vậy mà sách Công vụ các sứ đồ được tính đến ngay sau các sách Phúc Âm. Sau đó mười ba thư tín của Phao-lô được kể vào, sắp xếp theo thứ tự từ dài nhất đến ngắn nhất (không theo thứ tự thời gian như nhiều người nghĩ). Kế đến là sách Hê-bơ-rơ, như nhiều người liên tưởng sách này với Phao-lô. I Phi-e-rơ và I Giăng rõ ràng được đặt theo tên của chính các môn đồ là tác giả của các sách này.
II Phi-e-rơ được viết bằng tiếng Hy Lạp lại là câu chuyện khác với I Phi-e-rơ, điều này khiến một số người đặt ra câu hỏi về nguồn gốc trước giả của quyển sách. Nhưng sau đó người ta hiểu rằng I Phi-e-rơ có thể được viết ra nhờ một thư ký và II Phi-e-rơ là chính tay sứ đồ này đã viết. Nguồn gốc trước giả của II & III Giăng, Gia-cơ, Giu-đe và Khải Huyền cuối cùng cũng được xác định, được Hội Thánh chung chấp nhận và sử dụng.

Thứ tư, đó là quyền sách đó phải được các lãnh đạo Hội Thánh quyết định chấp nhận. Kinh Điển Muratori (Do L.A. Muratori phát hiện năm 1740) là danh sách đầu tiên thể hiện quan điểm của Hội Thánh chung về các sách được chấp nhận vào kinh điển Kinh Thánh Tân Ước. Được biên soạn khoảng năm 200 sau Công Nguyên, kinh điển thể hiện việc sử dụng Kinh Thánh trong Hội Thánh Rô-ma thời đó.6 Danh sách không bao gồm sách Gia-cơ, I & II Phi-e-rơ, III Giăng, và Hê-bơ-rơ, bởi vì người biên soạn không rõ nguồn gốc trước giả của các sách này. Sau đó các sách này sớm được biên vào cuốn kinh điển về sau.
Eusebius, sử gia đầu tiên thuộc giáo hội, vào thế kỷ thứ tư đã lập ra danh sách các sách được đọc nhiều nhất phân theo ba loại: “được công nhận,” “đang bàn cãi,” và “dị giáo.” Ông xác định các sách “được công nhận” bao gồm bốn sách Phúc Âm, Công vụ các sứ đồ, mười bốn thư tín của Phao-lô (Eusebius đưa sách Hê-bơ-rơ vào các sách của Phao-lô), I Giăng, I Phi-e-rơ, và Khải Huyền. Trong các sách “đang bàn cãi” ông liệt kê ra các sách “được chấp nhận phổ biến” bao gồm Gia-cơ, Giu-đe, II Phi-e-rơ, II & III Giăng (một số người vẫn còn đặt ra vấn đề về trước giả của các sách này). Vậy mỗi một sách trong các sách Tân Ước đều được chấp nhận phổ biến trong thời gian này.
Danh sách các sách Kinh Thánh mà chúng ta có ngày nay được Athanasius, giám mục thành Alexandria, đề ra trong bức thư ngày lễ Phục sinh do ông viết ra năm 367 sau Công Nguyên:
Một lần nữa, đề cập đến [các sách] trong Tân Ước chẳng phải là việc tẻ nhạt. Có bốn sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Sau đó, sách Công vụ các sứ đồ (được gọi là Tổng quát), bảy sách gồm Gia-cơ một sách; Phi-e-rơ có hai sách; Giăng có ba sách; sau các sách này có một sách của Giu-đe. Thêm vào đó, mười bốn thư tín của Phao-lô, được viết theo trình tự sau. Đầu tiên là thư tín gửi cho người Rô-ma; sau đó là hai sách cho người Cô-rinh-tô; kế tiếp là cho người Ga-la-ti; tiếp theo cho người Ê-phê-sô; sau đó là cho người Phi-líp; tiếp theo cho người Cô-lô-se; sau các sách này là thư tín cho người Tê-sa-lô-ni-ca và cho người Hê-bơ-rơ; và một lần nữa, hai sách gửi cho Ti-mô-thê; một cho Tít; và cuối cùng cho Phi-lê-môn. Bên cạnh đó có sách Khải Huyền của Giăng.
Đó là nền tảng cho sự cứu rỗi, rằng những kẻ khát sẽ được thỏa mãn nhờ lời hằng sống trong các sách này. Chỉ trong các sách này công bố giáo lý tin kính. Không người nào được thêm, hoặc bớt điều gì từ trong các sách này.
Xin lưu ý rằng cho đến thời điểm lúc bấy giờ, không một giáo hội nghị chính thức nào của giáo hội bàn về vấn đề Kinh Điển Kinh Thánh Tân Ước. Tiến trình này đi từ dưới lên thay vì từ trên xuống, thừa nhận trải nghiệm của Cơ Đốc Nhân khắp mọi nơi về những sách khác nhau của Kinh Thánh Cơ Đốc. Không hề có một âm mưu hoặc một giáo hội nghị nào liên quan đến công việc này.
Cuối cùng, danh sách của Athanasius được giáo hội nghị năm 393 và 397 sau Công Nguyên chấp thuận. Các giáo hội nghị này không áp đặt bất cứ điều gì mới trên Hội Thánh. Thay vào đó, họ hệ thống hóa những gì Cơ Đốc Nhân đã chấp nhận và sử dụng như là lời của Chúa. Vào thời gian các giáo hội nghị chấp thuận hai mươi bảy sách của Kinh Thánh Tân Ước, từ nhiều thế hệ trước, các sách này đã được dùng như một phần song song với Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.
Học giả Kinh Thánh F. F. Bruce tuyên bố rõ ràng: “Những gì… các giáo hội nghị đã thực hiện không phải là áp đặt một điều gì mới lên các cộng đồng Cơ Đốc, nhưng là hệ thống hóa những thừa nhận chung trong các cộng đồng này.”

william
Nhà giải kinh William Barclay đồng tình với ý kiến trên:
… Kinh Thánh và các sách trong Kinh Thánh được công nhận là lời được Đức Chúa Trời thần cảm, không bởi vì quyết định của bất kỳ Hội nghị tôn giáo hoặc Giáo hội nghị hoặc Ủy ban hoặc Hội Thánh nào, nhưng bởi vì trong Kinh Thánh con người tìm thấy Đức Chúa Trời. Điều quan trọng nhất không phải là con người đã làm những gì cho các sách trong Kinh Thánh, nhưng là những gì các sách ấy đã làm cho con người.
Vậy khẳng định của tác giả cuốn Mật Mã Da Vinci nói rằng Constantine “đã tạo ra” Kinh Thánh Tân Ước rõ ràng là một điều sai. Constantine hoàn toàn không liên quan đến việc tạo nên Kinh Điển Kinh Thánh. Lướt qua các sự thật lịch sử cho thấy luận điệu này là sự tuyên truyền chống lại Cơ Đốc Giáo và rất yếu kém về mặt lịch sử. Các sách Kinh Thánh Tân Ước mà chúng ta đọc ngày nay được Hội Thánh chung của Đức Chúa Giê-xu Christ biên soạn qua nhiều thế kỷ sử dụng. Đức Chúa Trời là Đấng thần cảm Kinh Thánh, Ngài đã sử dụng dân sự của Ngài để tập hợp và bảo tồn các sách Kinh Thánh. Chúng ta có được các sách mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta có và vâng theo trong ngày hôm nay.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn