Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / Sự Sáng Tạo Của Đức Chúa Trời

Sự Sáng Tạo Của Đức Chúa Trời

Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời

Câu đầu tiên trong Kinh Thánh, “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất.” (Sáng. 1:1). Đây là một lời công bố đáng kinh ngạc, nó trở thành tiền đề cho niềm tin và những hiểu biết của chúng ta về công cuộc sáng tạo của TRỜI.

Người Ai-cập tin vào nhiều thần và họ có những câu chuyện về công cuộc sáng tạo. Câu chuyện phổ biến giữa vòng họ được kể rằng: Nun là thần đại dương. Từ đại dương nổi lên thần Atum, thần này hiệp nhất với mặt trời để trở thành thần Re. Và rồi những giọt nước mắt của Re chảy ra biến thành dòng giống loài người.

Trong các nền văn hóa khác nhau có những câu chuyện về thuyết sáng tạo khác nhau. Tuy nhiên chúng ta phải đọc Kinh Thánh để biết công cuộc sáng tạo của TRỜI.

genesis1_1-2004

Hãy suy nghĩ thấu đáo về Sáng thế ký 1:1 lần nữa. Rất đơn giản và rõ ràng, Kinh Thánh giải thích sự hình thành vũ trụ mà mọi người có thể hiểu được. Các nhà khoa học thường dùng những khái niệm và từ ngữ chỉ về sự hình thành vũ trụ mà chỉ dành cho những người có học thức tương đối mới có thể tiếp cận. Nhưng lời Kinh Thánh tuyên bố rất rõ ràng trong Sáng thế ký 1:1, các trẻ em vẫn có thể hiểu được.

“Ban đầu” hàm ý toàn thể vũ trụ đã có một khởi đầu, bao gồm cả thời gian; “trời và đất” không thể là Đức Chúa Trời, bởi vì mọi tạo vật đều có sự khởi đầu. Nhưng Đức Chúa Trời thì không có sự khởi đầu bởi vì Ngài luôn hiện hữu. Kinh Thánh tiết lộ về Ngài, “Trước khi núi non chưa sanh ra,
Đất và thế gian chưa dựng nên,
Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.” (Thi. 90:2)

“Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất.”  TRỜI tạo nên mọi thứ trên bầu trời và mặt đất. Từ những tạo vật nhỏ như nguyên tử chỉ dùng dụng cụ đặc biệt mới nhìn thấy, đến những dải ngân hà bao la trong các khoảng không gian đều do Đức Chúa Trời làm ra. “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.” (Giăng 1:3)

Kinh Thánh mô tả tiến trình tổng quát của công cuộc sáng tạo trong Sáng thế ký 1:1 đến 2:3.

Một số Cơ đốc nhân cho rằng TRỜI sáng tạo nên vũ trụ vạn vật trong 6 ngày. Và ngày ở đây là 24 giờ đồng hồ. Đối với Đức Chúa Trời thì đơn vị đo thời gian “ngày” trong công cuộc sáng tạo không thành vấn đề. Tuy nhiên chúng ta phải đối chiếu với các phần Kinh Thánh khác để làm sáng tỏ điểm này.

Từ Hê-bơ-rơ chỉ ngày là “yom” hàm ý một khoảng thời gian nào đó chứ không nhất thiết là chỉ có 24 giờ đồng hồ. Trước giả Thi thiên viết, “Nguyện Đức Giê-hô-va đáp lời ngươi trong ngày gian truân.“ (20:1). Hay trong Truyền đạo 7:14, “Trong ngày thới thạnh hãy vui mừng, trong ngày tai nạn hãy coi chừng; vì Đức Chúa Trời đặt ngày nầy đối với ngày kia.” Và trong Ê-sai 65:2, “Ta đã dang tay ra trọn ngày hướng về một dân bội nghịch.” Chúa Jesus cũng dùng từ ngày, “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta.” (Giăng 8:56).

Kinh Thánh cũng nói, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.” (2 Phi-e-rơ 3:8). Chúng ta liên kết câu này với câu: “Vì một ngàn năm trước mắt Chúa
Khác nào ngày hôm qua đã qua rồi,
Giống như một canh của đêm.” (Thi. 90:4)

Từ những câu Kinh Thánh trên đây, chúng ta thấy rằng “ngày” không nhất thiết là 24 giờ, nó có thể dài hơn.

“Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng.” (Sáng. 1:3) Mệnh đề “Đức Chúa Trời phán rằng” được lập lại nhiều lần trong tiến trình sáng tạo. Đức Chúa Trời chỉ cần phán thì tạo vật liền hiện hữu. “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước.  Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không; thì có như vậy.” (Sáng. 1:6-7)

Trước giả thư tín Hê-bơ-rơ viết, “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến.” (11:3).

Đức Chúa Trời sáng tạo ra muôn vật, và Ngài thấy điều đó là tốt lành. “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.” (Cô-lô-se 1:16). “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành.” (Sáng. 1:31)

Đức Chúa Trời thông suốt mọi sự, và tất cả muôn vật mà Ngài tạo nên liên kết với nhau trở thành một tổng thể hoàn hảo. Nếu một phần nào bị thay đổi sẽ lập tức gây ảnh hưởng đến những phần khác. Vì vậy bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của con người mà đặc biệt là trách nhiệm của Cơ đốc nhân. Hãy nhớ rằng con người không phải là ông chủ trên các tạo vật. “Đất và muôn vật trên đất,
Thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va.” (Thi. 24:1). Nhưng con người được giao nhiệm vụ quản gia trên các công việc của Đức Chúa Trời làm ra. Chúng ta nên làm tròn trách nhiệm của một người quản lý và dâng vinh hiển duy nhất về Đấng tối cao.

Bảo tồn Sự Sáng Tạo Của Đức Chúa Trời.

psa-104-27-ww-cc-9x

Bảo tồn sự sáng tạo của TRỜI có nghĩa gì? Nó có nghĩa TRỜI không chỉ sáng tạo ra vũ trụ, mà nhờ Ngài và sự hiện diện của Ngài nó tiếp tục tồn tại và hoạt động.

Thi thiên 104 minh họa cho điều này. “Ngài khiến các suối phun ra trong trũng,
Nó chảy giữa các núi….. Từ phòng cao mình, Ngài tưới các núi;
Đất được đầy dẫy bông trái về công việc Ngài.
 Ngài làm cho cỏ đâm lên cho súc vật,
Cây cối để dùng cho loài người,
Và khiến vật thực sanh ra từ nơi đất….. Hỡi Đức Giê-hô-va, công việc Ngài nhiều biết bao!
Ngài đã làm hết thảy cách khôn ngoan;
Trái đất đầy dẫy tài sản Ngài.” (10, 13-14, 24)

Quyền năng của Đức Chúa Trời trong Christ tiếp tục gìn giữ muôn vật trong vũ trụ với nhau. “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.  Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài.” (Cô-lô-se 1:16-17). Và “Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật.” (Hêb. 1:3). Lời quyền phép của Chúa Jesus nâng đỡ muôn vật bao hàm chúng ta trong đó.

Chúa Jesus phán, “ta thường ở cùng các ngươi luôn.” (Ma-thi-ơ 28:20). Thực ra, Đức Chúa Trời “chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.  Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.” (Công. 17:27-28)

Sự Dự Phòng của Đức Chúa Trời

Đấng toàn năng không chỉ bảo tồn sự sáng tạo, mà còn kiểm soát mọi thứ để hoàn thành kế hoạch và mục đích của Ngài. Sự dự phòng của Đức Chúa Trời  đơn giản có nghĩa là Ngài cung cấp các nhu cầu cho sự sáng tạo của Ngài nói chung và cho dân Ngài nói riêng. Danh từ “sự dự phòng” mặc dù ít được dùng trong các bản Kinh Thánh, nhưng ý nghĩa của nó luôn có trong đó. TRỜI cung cấp các điều kiện, các nhu cầu để cho toàn thể vũ trụ và con người tồn tại. sự cung cấp này là tổng quát nhưng cũng mang tính chi tiết đến từng đối tượng.

Chúng ta bắt đầu với sự chăm sóc của TRỜI trên các tạo vật. “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật.” (Thi. 103:19). Chúa Jesus phán dạy với các môn đồ, “Đức Chúa Trời khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.” (Ma-thi-ơ 5:45). Sứ đồ Phao-lô giảng cho cư dân tại A-thên, “Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài.” (Công. 17:25). Ông cũng giải thích cho các dân ngoại bang tại thành Lít-trơ, “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.” (Công. 14:17).

Sự dự phòng của Đức Chúa Trời trên các quốc gia, “Vì nước thuộc về Đức Giê-hô-va,
Ngài cai trị trên muôn dân.” (Thi. 22:28). Nê-bu-cát-nết-sa là một trong những vua lớn của lịch sử thế giới nói về Đức Chúa Trời, “….ta ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời, uy quyền Ngài là uy quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia.  Hết thảy dân cư trên đất thảy đều cầm như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời, và ở giữa cư dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?” (Đa-ni-ên 4:34-35).

Sự dự phòng của TRỜI là một điều huyền nhiệm cho con người. Trong Phúc âm Giăng ghi lại câu chuyện Chúa Jesus rửa chân cho các môn đồ. “ Vậy, Ngài đến cùng Si-môn Phi-e-rơ, thì người thưa rằng: Chúa ôi, chính Chúa lại rửa chân cho tôi sao?  Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết.” (Giăng 13:6-7). Chúng ta có thể không hiểu những gì TRỜI đang làm, vì Ngài đang kiểm soát mọi sự. Nhưng về sau chúng ta sẽ hiểu. Thi sĩ William Cowper đã viết, “TRỜI di chuyển một cách huyền nhiệm gây ngạc nhiên. Ngài bước đi trên biển, lướt trên các cơn bão.”2

Cầu nguyện để nhìn thấy rõ hơn về sự dự phòng của TRỜI. Đức Chúa Trời khích lệ dân sự Ngài cầu nguyện. “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” (Giê-rê-mi 33:3). Chúa Jesus khích lệ các môn đồ cầu nguyện, “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.  Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở.  Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng?  Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng?  Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?” (Ma-thi-ơ 7:7-11).

Tuy nhiên chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không trả lời cho những lời cầu nguyện có động cơ sai trật. “Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.” (Gia-cơ 4:3).

Các phép lạ là những hành động của TRỜI về sự dự phòng của Ngài. Chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Jesus thực hiện các phép lạ trong Tân Ước về: sự chữa lành, dẹp tan cơn bão hay đi bộ trên mặt nước, cung cấp thực phẩm cho năm ngàn người ăn, gọi người chết sống lại…. Trong Cựu ước cũng có rất nhiều các phép lạ như: tuyển dân vượt biển đỏ giống như đi trên đất khô, sự phán xét của Đức Chúa Trời bằng lửa trên Sô-đôm và Gô-mô-rơ, cái chết bất thình lình của 185 000 quân sĩ trong đạo quân của San-chê-ríp trong dinh A-si-ri (2 Các Vua 19:35)….Mục đích của các phép lạ là để dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời. Đó là những bằng chứng về hiện diện và sự can thiệp của TRỜI. Các phép lạ góp phần hoàn thành ý chỉ  Đức Chúa Trời và bảo vệ tuyển dân của Ngài.

 

(Còn nữa)

james

JAMES SEMPLE

Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD

Translated by Tuong Vi    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn