Thứ Tư , 24 Tháng Tư 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Đức Chúa Trời Biểu Lộ Sự Vinh Hiển Ngài

Đức Chúa Trời Biểu Lộ Sự Vinh Hiển Ngài

CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (phần 3)

  1. Đức Chúa Trời biểu lộ sự vinh hiển Ngài.

Có một số từ Hê-bơ-rơ khác nhau được dịch là vinh hiển. Chúng mang ý nghĩa là: vĩ đại,  cao cả, đáng tôn kính, tuyệt hảo, rực rỡ, chói  sáng và nhiều nghĩa khác. Tuy nhiên có một từ thường được dùng nhiều hơn các từ khác là kabod mang ý nghĩa:  lớn, to, dữ dội, kịch liệt (heavy). Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là vô cùng. Trong tiếng Hy-lạp từ được dùng là doxa có nghĩa vinh hiển. Từ những gốc từ này trong tiếng Anh có từ doxology mang ý nghĩa bài ca tụng, ca ngợi, tôn vinh Chúa Jesus.

Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong tất cả các sự tuyệt mỹ của Ngài. Sự vinh hiển này thường được biểu lộ trong lửa, ánh sáng rực rỡ, ánh hào quang sáng ngời….

moses-and-the-burning-bush-0001107-full

Khi Môi-se nhìn thấy bụi gai cháy không hề tàn (Xuất Ê-díp tô-ký 3). Bụi gai cháy là biểu tượng về sự vinh hiển của TRỜI được bày tỏ trong lửa.

Về sau khi Môi-se lên núi để tiếp nhận bảng luật pháp. Kinh Thánh ghi lại: “Sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va ở tại núi Si-na-i; trong sáu ngày mây phủ núi, qua ngày thứ bảy Đức Giê-hô-va ngự trong đám mây gọi Môi-se.  Cảnh trạng của sự vinh quang Đức Giê-hô-va nơi đỉnh núi, trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, khác nào như đám lửa hừng.” (Xuất. 24:16-17). Trước giả thư tín Hê-bơ-rơ khích lệ dân sự, “vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài;  vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt.” (Hê-bơ-rơ 12:28-29)

Sự vinh hiển của TRỜI được biểu lộ khi Chúa Jesus xuất hiện với Môi-se và Ê-li trên núi. “Khỏi sáu ngày, Đức Chúa Jêsus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em Gia-cơ, cùng Ngài đi tẽ lên núi cao. Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng.  Nầy, có Môi-se và Ê-li hiện đến, nói chuyện cùng Ngài.” (Ma-thi-ơ 17:1-3).

Sau đó sứ đồ Phi e-rơ đã làm chứng về trải nghiệm này: “Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài.  Vì Ngài đã nhận lãnh sự tôn trọng vinh hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài, khi Đấng tôn nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: ‘Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.’  Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh.” (2 Phi. 16-18)

Còn sứ đồ Giăng diễn tả về bức tranh ở thiên đàng mà ông đã thấy trong khải tượng, “Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng; vì vinh hiển của Đức Chúa Trời chói lói cho, và Chiên Con là ngọn đèn của thành.” (Khải. 21:23)

Sự vinh hiển của TRỜI là ánh sáng cũng được sứ đồ Giăng công bố, “Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng (Giăng Báp-tít). Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin.  Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng.  Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người.” (Giăng 1:6-9)

Sự sáng là thuộc tính của Đức Chúa Trời. Cả hai sự vinh hiển và sự sáng phát xuất từ chính bản tánh của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh  xác nhận: “Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu.” (1 Giăng 1:5). Và “Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa.” (Giăng 3:19). Khi Sau-lơ ngã xuống và bị mù bởi vì một luồng ánh sáng lớn, ông hỏi, “Thưa Chúa Ngài là ai?” Chúa Jesus trả lời, “Ta là Jêsus mà ngươi đương bắt bớ.  Song hãy chờ dậy, và đứng lên, vì ta đã hiện ra cho ngươi để lập ngươi làm chức việc và làm chứng về những việc ngươi đã thấy cùng những việc ta sẽ hiện đến mách cho ngươi.  Ta sẽ bảo hộ ngươi khỏi dân nầy và dân ngoại là nơi ta sai ngươi đến,  đặng mở mắt họ, hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin nơi ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ.” (Công. 26:15-18). Sứ đồ Giăng cũng công bố, “nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” (1 Giăng 1:7)

1john

Lẽ thật, sự công bình, sự thánh khiết và sự vinh hiển tiêu biểu cho sự hoàn hảo của bản tánh Đức Chúa Trời. Cùng với các thuộc tính thiết yếu của Đấng Tối Cao là đời đời, thần linh, toàn tri, toàn năng và hiện diện khắp nơi, chúng ta thấy thêm nữa những thuộc tính cần thiết của TRỜI. Từ đó chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy một Đức Chúa Trời công bình, toàn năng.

Tuy nhiên, tin tức tốt lành cho nhân loại thì không nhất thiết phải nói rằng Đức Chúa Trời là thánh còn chúng ta là tội nhân. Công lý của TRỜI đòi hỏi sự trừng phạt tội lỗi, sự thánh khiết đòi  hỏi sự tách biệt khỏi những điều dơ bẩn. Không gì có thể che giấu Đức Chúa Trời. Ngài hiện diện khắp mọi nơi, biết tất cả mọi điều và có tất cả quyền năng để thực hiện công lý của Ngài. Nếu đây là tất cả những thuộc tính của TRỜI, chúng ta sẽ không có hy vọng gì trong thế giới này. Tuy nhiên Kinh Thánh còn bày tỏ cho chúng ta ba thuộc tính khác nữa của TRỜI cung ứng hy vọng cho con người chúng ta.

Các thuộc tính bày tỏ lòng thương xót.

  1. Đức Chúa Trời là tình yêu.

Kinh Thánh công bố rõ ràng, “Đức Chúa Tời là sự yêu thương” (1 Giăng 4:8). Chúa Jesus đã cầu nguyện, “Cha đã yêu Con trước khi sáng thế.” (Giăng 17:24). Và “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu thương của Cha dùng yêu thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa.” (Giăng 17:26)

Giăng 3:16 là câu Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng về tình yêu của TRỜI dành cho chúng ta, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

Sứ đồ Phao-lô viết, “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.  Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!  Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!” (Rô-ma 5:6-10)

  1. Sự thương xót của Đức Chúa Trời

Từ “thương xót” được dùng nhiều nhất trong Cựu Ước là từ chesed, mang nghĩa sự tử tế hay lòng tốt (kindness). Trước giả sách Ca thương viết, “Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt;
 Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm.” (3:22-23). Sự thương xót hàm ý Đức Chúa Trời thương yêu và không muốn chúng ta rơi vào sự đau khổ.

Từ thứ hai mà Cựu Ước dùng mang ý nghĩa sự thương xót là một danh từ rachamim ở hình thức số nhiều. Từ này hàm ý bao dung, độ lượng trên cả mong đợi. Đa-vít viết, “Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa.” (Thi. 51:1).

Từ thứ ba được dùng chỉ sự thương xót là chanan, diễn tả ý nghĩa là TRỜI không chỉ thương xót mà còn rộng lượng đáp lại lời thỉnh cầu của chúng ta. Đức Chúa Trời trong sự thương xót của Ngài, luôn đáp lại lời kêu cầu của những người thành tâm thống hối và những người có nhu cầu được thương xót. Trước giả Thi thiên viết, “Mắt kẻ tôi tớ trông nơi tay ông chủ mình,
Mắt con đòi trông nơi tay bà chủ mình thể nào,
Thì mắt chúng tôi ngưỡng vọng Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi thể ấy,
Cho đến chừng nào Ngài thương xót chúng tôi.” (Thi. 123:2)

Ba từ trên đây thường đi chung với nhau để diễn tả bản tính yêu thương vô hạn của Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc lại câu chuyện của Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô-ký. “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy đục hai bảng đá như hai bảng trước; rồi ta sẽ viết trên hai bảng nầy các lời đã ở nơi hai bảng kia, mà ngươi đã làm bể.  Ngày mai, hãy chực cho sẵn, vừa sáng lên trên đỉnh núi Si-na-i, đứng trước mặt ta tại đó. …  Môi-se bèn đục hai bảng đá, y như hai bảng trước; dậy sớm, cầm theo tay hai bảng đó lên trên núi Si-na-i, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn.
 Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây, đứng gần bên Môi-se và hô danh Giê-hô-va. Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực.” (Xuất. 34:1-2; 3-6).

Trong Tân Ước từ được dùng chỉ về sự thương xót là eleos, có nghĩa là giàu lòng thương xót. “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ – ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu.” (Ê-phê-sô 2:4-5). Đức Chúa Trời thương xót con người chúng ta theo sự nhơn từ và tình yêu bao dung của Ngài.

(Còn nữa)

james

JAMES SEMPLE

Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD

Translated by Tuong Vi    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn