Thứ Ba , 19 Tháng Ba 2024
Home / Trang Chủ / CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG

CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG

chiec

Không khí công viên hôm nay thật là yên tĩnh, chỉ có một số người chia nhau rải rác thành từng nhóm đây đó….

Bé Thủy Trúc đang chơi cầu tuột với hai đứa bạn Mỹ mới vào vài phút đã quen ngay. Thủy yên tâm dựa lưng vào ghế bố, tiếp tục nhìn vào quyển sách đọc dở dang, nhưng chỉ đọc vài phút nàng lại bỏ xuống… Thật khó mà đọc được trong buổi sáng như thế này. Trên đầu nàng bầu trời trải một màu xanh biếc, xen lẫn thành trong những vòm lá của những ngọn cây cao, thẳng và mây trắng dồn lại những nắm bông gòn đủ hình thù ngộ nghĩnh giống như hình các con thú trong truyện trẻ con. Thinh thoảng gió, hắt xuống vài giọt nước mưa còn sót lại hôm qua trên các tàng lá, và dịu dàng chút mùi hương của cỏ cây, lá mục.

Hơn lúc nào hết Thủy cảm thấy lòng bình an, nhẹ nhàng. Nàng như muốn nuốt hết vào trí mình cả bầu trời, cảnh vật như sợ nó biến mất, qua đi. Thủy hài lòng với ý định “ra chơi Park” của bé Trúc sáng nay.

Kể từ khi chia tay với Phúc, đưa con về thành phố nhỏ này, Thủy phải sắp xếp và bắt đầu lại nhiều thứ: Chỗ ở, công việc làm mới, trường học, đặc biệt có một giao ước tuy không nói ra nhưng nàng nhất định dành trọn ngày thứ Bảy cho con bé… Thường thì Thủy để con tự chọn, đi ăn kem, đi biển, đi park, shopping…

Có tiếng bé Trúc kêu mẹ, vừa kêu nó vừa chạy vừa thở hổn hển,

–        Mẹ ơi, cho con chơi đàng kia nha, nó đưa tay chỉ ra phía xa hơn…

–        Sao con không chơi ở đây?

–        Bạn con rủ chơi đàng kia vui hơn, Mommy…

Giọng bé Trúc nũng nịu…

–         Ờ, nhưng đừng đi xa nữa nha

Bé Trúc reo lên rồi chạy vụt đi. Thuỷ mỉm cười nhìn theo con bé. Như đa số các bà mẹ tự nuôi con, Thủy thường chìu con trong tất cả những gì bé Trúc muốn mà nàng không thấy quá lắm, như bù vào chỗ con bé bị thiệt thòi. Có khi bé Trúc cũng nhắc đến Bố nhưng có lẽ thời gian ở bên nhau của hai cha con chưa đủ tạo cho nó sự sâu đậm nào nên nó lại quên ngay, mà chẳng thà như vậy lại tốt hơn, con bé mới sáu tuổi.

Đang lan man nghĩ ngợi thì bé Trúc lại chạy tới gọi mẹ “Mẹ ơi, đàng kia có người Việt Nam kìa mẹ…”

Thủy bật cười trước câu nói của con, nhưng nàng cũng hỏi cho nó vui “Đâu con?”

–        Kia kìa mẹ…

Vừa nói bé Trúc vừa chỉ tay hướng về nhóm người đang ngồi đàn hát trên bãi cỏ có vẻ vui, hèn chi con bé chẳng mon men tới. Bé Trúc liếng thoắng “Mẹ biết hôn, chú người Việt đó phát sách nữa. Chú hỏi con tên gì, có phải người Việt Nam không. Con xin về cho mommy nè…” Vừa nói con bé vừa xòe tay ra cho Thủy quyển sách nhỏ. Thoạt nhìn thấy tựa đề và hình cây thập tự làm nền cho cái tựa, trong lòng Thủy dậy lên cảm giác nhói buốt, bất an…

Còn đang phân vân, tay lật quyển sách nhỏ một cách vô ý thức, bé Trúc chợt níu tay Thủy, giọng reo lên:

–        Mẹ mẹ, chú Việt Nam tới kìa mẹ…

Thủy giật mình nhìn lên thì “chú Việt Nam” chỉ còn cách nàng vài bước… Quyển sách nhỏ trong tay nàng rơi xuống đất,

–        Trời ơi, anh Nguyên…

–        Thủy, phải không?

–        Mẹ, mẹ quen chú hả? Bé Trúc nắm tay mẹ giật giật, nó ngơ ngác nhìn hai người, Thủy giật mình, cúi xuống con, bối rối,

–        Ờ, con chào bác Nguyên đi, bác Nguyên ngày xưa là bạn của Bố mẹ đó. Nguyên cười nhẹ, xoa đầu con bé

–        Con tên là gì nhỉ?

–        Dạ, con tên Trúc ạ!

Trong khi bé Trúc vòi vĩnh những đồ ăn để đem ra ăn với bạn thì Thủy dần dần lấy lại bình tĩnh. Lòng nàng đang tạm phẳng lặng sau bao nhiêu năm sóng gió dồn dập thì gặp lại Nguyên, như một cái cớ bới dậy lên tất cả…

Gặp anh Nguyên em mừng quá, bao nhiêu năm rồi anh Nguyên hả? Dạo đó, anh biến đâu mất, bác bảo anh vượt biên rồi, mà sao anh không nói gì với em hết… Ờ, mà anh… Thủy ngập ngừng nhìn Nguyên nói tiếp

–        Nếu ở xa chắc em nhận không ra anh đâu, trông anh khác xưa nhiều lắm, còn quyển sách này của anh hả? Thủy vừa nói vừa cúi mình lượm quyển sách lên. Nguyên thì bình tĩnh hơn, anh cười,

–        Tôi cũng không ngờ gặp lại Thủy ở đây, chuyện về tôi thì dài lắm, còn Phúc đâu, anh ấy cũng khỏe mạnh chứ?

Thủy cúi mặt xuống, nhìn quyển sách nhỏ đang cầm trên tay, rồi lại quay qua hướng khác, giọng nàng khẻ khàng…

–        Tụi em chia tay rồi anh Nguyên…

Tới phiên Nguyên kinh ngạc, tròn mắt nhìn Thủy

–        Sao vậy Thủy?

–        Thì tại ảnh không thương hai mẹ con em nữa chứ sao, Thủy tiếp, giọng nhỏ lại, anh Phúc có người khác rồi…

Nói xong câu đó, Thủy yên lặng hồi lâu, rồi nàng thở mạnh như muốn trút hết những điều gì còn chất chứa trong lòng,

–        Còn anh, anh chưa trả lời em, em mừng thấy anh khác hẳn xưa, bây giờ anh làm gì, ở đâu anh Nguyên?

–        À, Thủy ngạc nhiên không thấy cái lưng gù của tôi nữa chứ gì? Tôi qua đây được một năm thì Bác sĩ mổ, chỉnh hình lại cho tôi, cũng phải năm lần bảy lượt đó Thủy. Giờ thì tôi đi cũng chưa được bình thường lắm, còn những quyển sách này là công việc của tôi hiện giờ…

Đôi bạn như quên đi mọi sự xung quanh, họ mừng gặp lại nhau, thay nhau kể về cuộc sống riêng của mình hiện giờ. Nguyên nói rằng chắc ngày xưa gia đình Thủy không ngờ đã gieo được hạt giống tốt. Anh hiện đang phụ tá cho một vị mục sư già trông coi ngôi nhà thờ nhỏ trong thành phố này, sau khi tốt nghiệp từ chủng viện ra. Lâu lâu gió lại lay động, hắt những giọt nước từ trên cây xuống, mang theo một chút hương…

Buổi tối, khi bé Trúc đã ngủ ngon, Thuỷ hết vô phòng nhìn con rồi lại trở ra ngoài, nàng muốn làm một việc gì đó để khuây khỏa bớt sự xúc động từ cuộc gặp gỡ sáng nay, để làm quên đi những hình ảnh đang rối tung lên trong trí tưởng nàng. Nhiều năm trước, Thủy và Nguyên cùng là bạn với nhau ở bậc tiểu học. Tuy cùng lớp nhưng Nguyên lớn hơn Thủy tới ba tuổi, và có lẽ là người lớn tuổi nhất trong lớp nữa. Lúc mới vào Nguyên lập tức là đề tài mới mẻ cho lũ bạn tinh nghịch quái ác trêu chọc vì cái bướu sau lưng, nhưng chỉ thời gian ngắn sau, không hiểu có phải vì sự lưu tâm đặc biệt của cô giáo và những hình phạt cô đưa ra hay không mà Nguyên dần dần được yên thân, thay vào đó Nguyên lại bỗng trở thành đối tượng cho cả lớp nể phục nữa vì Nguyên học rất giỏi, ở tất cả các môn, nhất là Văn và Toán. Đối với Thủy, ban đầu nàng cũng hơi e ngại trước gương mặt lầm lỳ, dáng đi khòm nghiêng nghiêng của Nguyên, nhưng dần dần, nàng quen sự có luôn mạnh mẽ và khôn ngoan, bênh vực Thủy khỏi những trò trêu chọc quái quỷ như giật tóc, bắn dây thun, hễ thấy gương mặt dường như không bao giờ biết cười của Nguyên xuất hiện là tụi nó dãn xa. Thủy cũng không sợ toán khó nữa vì Nguyên luôn kiên nhẫn giảng giải cho Thủy cách tận tình. Mẹ Thủy thương mến Nguyên như con ruột, thỉnh thoảng bà xin phép cha mẹ Nguyên đi nhà thờ chung với gia đình ngày Chúa Nhật, hai tay bà dắt hai đứa băng qua đường, Nguyên một bên, Thủy một bên. Thủy càng xinh xắn vui tươi với nhiều bạn mới thì Nguyên càng lầm lì ít nói hơn, và nhiều khi Nguyên giống như cái bể, chứa hết mọi buồn vui, ngang bướng của cô gái nhỏ được nuông chìu. Có nhiều khi bị mẹ rầy Thủy cũng hối hận, tội nghiệp Nguyên, nhưng Nguyên chỉ cười, buồn buồn chỉ ra cái bướu sau lưng “Không sao, cái này chịu đựng hết cả rồi…”

Một lần nọ, năm Thủy mười bảy tuổi, trường tổ chức cắm trại ngay trong sân trường trước khi nghỉ hè. Thủy năn nỉ Nguyên đi để “về cho có bạn.”

Đêm đó, lửa trại được đốt lên với phần văn nghệ của từng lớp thật vui, và bất ngờ, trái tim non trẻ của Thủy đã đập những nhịp khác thường khi Phúc một cựu học sinh đã rời trường hai năm lên sân khấu, với cây đàn Guitar thật lãng mạn, thật nghệ sĩ và bài hát “Khi Người Yêu Tôi Khóc” dành tặng Thuỷ, trưởng ban báo chí lớp 12B1. Thế là như có trái bom nổ ra, con gái nháo nhào xô vào Thủy… Chị Tình người Huế, nói oang oang “Lạ chưa tề, hôm ni tui bị zero con toán tui khóc bấc chết, đỏ rừ hai cọn mắt mà sao anh nớ không hát tặng tui bài nớ hỉ?”

Guitarist-gtrboy

Rồi trong phần bắt thăm quà lưu niệm, không biết ai nhét vào tay Thủy cái túi xách thật dễ thương, được cột gói cẩn thận, với hàng chữ bay bướm “anh không muốn quà của anh rơi vào tay ai khác ngoài Thủy…”

Sáng ra, tàn lửa trại về nhà Thủy mới hay Nguyên phải vào bệnh viện vì bị té khi cố gắng trèo cổng trường về nhà lúc giữa khuya.

Hai năm sau Thủy và Phúc làm đám cưới. Ai cũng bảo hai người thật đẹp đôi. Chỉ có hai vết mờ trong niềm vui của Thủy, sự buồn lòng của Bố mẹ Thủy vì Phúc không tin Chúa và Nguyên đã vượt biên một tháng trước đó. Lẽ dĩ nhiên Thủy cũng biết là Nguyên  yêu Thủy, nhưng dường như Thủy không bận tâm đến điều ấy lắm, có lẽ vì nàng đã có Phúc, và Nguyên thì trước sau gì Thủy cũng coi như người anh mà thôi. Hai năm sau bé Trúc ra đời, rồi một năm sau đó Phúc rời mẹ con Thủy. Thủy nuôi con, vui buồn gì Thủy cũng nói “Đợi gặp ba cái đã…”

Buổi nhóm chấm dứt, Thủy ra ngoài đứng đợi bé Trúc, có vài người tới niềm nở hỏi han, Thủy chỉ gượng cười và trả lời lấy lệ, lòng nàng vừa buồn vừa vui, vừa như khắc khoải, nặng nề điều gì chưa cởi bỏ được. Mọi người ra về hết mà cũng chẳng thấy bé Trúc đâu. Nguyên từ xa đi tới, dáng còn hơi nghiêng nghiêng trong áo vest rộng, anh cười “Thủy tới lúc nào mà tôi không hay?” “Em tới trễ khoảng mười phút, lúc mọi người đang cầu nguyện, bé Trúc học ở đâu, em chờ hoài không thấy? Em quên Bây giờ phải gọi anh là gì đây…” Nguyên cũng cười “Gì mà Thủy thấy thoải mái nhất, à, quên cho Thủy biết, hôm nay các cháu Nhi đồng phải ở lại khoảng tiếng rưởi để tập các bài cho Giáng Sinh, các cô lo cho các cháu ăn uống luôn. Thủy có lẽ đói bụng rồi phải không, tôi cũng đang đói đây, chúng ta đi gần đây ăn cái gì đó được chứ?”

Giọng nói của Nguyên vẫn ân cần, điềm đạm và nhiệt tình với Thủy, như ngày xưa. Nếu là ngày xưa, Thủy sẽ tha hồ vòi vĩnh anh Nguyên phải chìu thứ này thứ nọ… Nhưng bây giờ Thủy như không còn tự chủ được với những xáo trộn trong lòng mình từ lúc gặp lại Nguyên. Có khi Thủy cảm thấy như mình vừa cười vừa khóc, những kỷ niệm, hiện tại và những gì đang xảy ra giống như cơn lốc, cuốn đi, cuốn đi…Họ vào quán ăn nhỏ, chọn chiếc bàn trong góc chỉ có hai ghế. Quán vắng vì có lẽ vừa qua buổi trưa, những ngọn đèn chùm thả lơ lửng, mấy dãy bàn với hai tấm khăn trắng xanh chéo vào nhau thật duyên dáng, vài bức tranh phong cảnh đặt đây đó làm phòng ăn thật dễ chịu, nhẹ nhàng, và tiếng nhạc hòa tấu thật nhẹ phát ra đâu đó, Thủy ngồi xuống chiếc ghế vừa được Nguyên kéo ra, bâng khuâng nói “Quán dễ thương quá phải không anh Nguyên…” “Vâng, tôi thường ra đây những khi rãnh rỗi, vào giờ này quán tương đối vắng vẻ hơn. À, cho tôi hỏi thăm Thủy, từ khi qua đây, Thủy không thường đi nhà thờ nữa phải không?”

–        Không có “không thường” đâu anh, em bỏ nhóm lại hẳn từ ngày qua đây rồi,

–        Sao vậy Thủy?

–        Đến bây giờ câu hỏi đó vẫn lập đi lập lại trong trí em, anh biết không?

Thủy nhìn ra ngoài khung cửa sổ một lát, rồi quay nhìn Nguyên… Trong ánh mắt ấy Nguyên đọc được những tia nhìn buồn rầu, đau đớn. Em giống như một người rơi từ cao xuống, nhưng không chết và thấy mình lơ lững mãi. Khi anh Phúc đi bé Trúc được một tuổi, anh nói đặt tên con là Trúc để đi với mẹ là Thủy, vì theo anh cây thủy trúc tuy mảnh mai nhưng luôn vươn ra thật thẳng và mạnh mẽ… Thủy cười nhẹ, mà đôi mắt rất buồn “Giờ thì hai mẹ con em phải đứng thẳng và sống mạnh mẽ như thủy trúc vậy. Có lẽ em đau khổ vì quen coi anh Phúc như mặt trời rồi, một mặt trời thật rực rỡ luôn trong lòng em. Mà không nghĩ vậy sao được, suốt thời gian qua đây, anh vẫn thư từ, email, vẫn thường chu cấp cho mẹ con em. Em hãnh diện khoe với nội ngoại về anh Phúc, em hãnh diện nói với con ba thế này, ba thế kia. Phúc còn bảo lãnh mẹ con em qua nữa, khi qua đây em mới biết, anh không sống một mình suốt bao năm đó mà với một người đàn bà khác, có đứa con nữa, Phúc bảo em hãy quyết định giùm anh.

Thủy cúi xuống, động đậy cái muỗng trên dĩa thức ăn, vậy là từ đó mẹ con em dọn tới đây. Mỗi buổi sáng, buổi tối, em thấy sợ hãi, bất an, cám ơn Chúa là còn có bé Trúc nhưng từ đó em không đi nhà thờ được nữa, đau khổ, cô đơn, nghi ngờ là những cái làm em hoang mang không định hướng được. Bé Trúc cũng thường hỏi “Sao bà ngoại nói Chúa yêu mình lắm, Chúa luôn muốn cho mình mọi điều tốt nhất, sao Chúa lại để cho mình không có ba hả mẹ?”

Thủy ngừng giây lâu rồi lại nói tiếp “Em biết ngày xưa em có lỗi với Chúa khi em đặt tình yêu của minh trên cả tình yêu Chúa, nhưng em vẫn tin, vẫn yêu Chúa, vẫn đi thờ phượng Chúa thường xuyên. Em không hiểu sao Chúa không giữ anh Phúc cho em trong khi Ngài làm được điều đó, tại sao và tại sao, đó là những câu hỏi thường xuyên trong lòng em, tại sao?”

Trong khi Thủy nói, Nguyên lặng lẽ nhìn cô vừa khuấy nhẹ tách trà nóng. Trước mặt anh bây giờ không phải là một cô bé Thủy xinh đẹp, vô tư như ngày xưa nữa. Sự đau khổ, cô đơn đem lại cho Thủy nhữg nét đẹp sâu kín, chững chạc hơn, Nguyên nhẹ nhàng hỏi

–        Sao Thủy không trở lại với Hội Thánh? Ý tôi muốn nói là Thủy nối lại sự thông công với các con cái Chúa, với Chúa. Tôi nghĩ ít nhiều gì Thủy cũng tìm được sự an ủi, nâng đỡ tinh thần trong đó, ở nhà Thủy cũng đâu giải quyết được vấn đề gì phải không?

Thủy lắc đầu

–        Sau khi mẹ con em tạm ổn định, em có ý định đó, nhưng dường như có cái gì đó thật nặng nề, em không cởi bỏ được, nhiều đêm em cầu nguyện ăn năn với Chúa xin cho được trở lại, nhưng dường như Chúa đang xa em lắm, em chỉ nghe được chính tiếng nói của mình vọng lại mà thôi, không thấy Chúa trả lời…

Cửa quán mở, khách bước vào làm Thủy như sực tỉnh “Chắc đón bé Trúc được rồi, em xin lỗi làm anh không ăn được gì hết” Nguyên cười “Thủy cũng có ăn gì đâu, vâng có lẽ ta trở lại đón cháu được rồi…”

Hai người bước ra khỏi quán, một làn gió lạnh thổi qua, Thủy so vai lại, đi bên Nguyên lặng lẽ, giống như nàng chưa hề nói gì trước đó, còn Nguyên, Anh biết mình khó nói gì với Thủy lúc này hơn là lắng nghe. Lòng người hầu việc Chúa cũng se lại, anh thầm nói trong lòng “Lạy Chúa, xin hãy dạy con…”
………

Đóng nốt cánh cửa còn lại của nhà thờ. Nguyên thong thả bước ra bãi đậu xe. Đã hơn hai năm qua, từ khi Nguyên về đây sinh hoạt, và góp phần hầu việc Chúa, anh đã dần dần quen thuộc mọi người, anh vẫn biết nhiều người thì thào sau lưng “Mục sư trẻ sao nghiêm nghị quá,” Nguyên còn biết đôi khi họ góp ý về việc lập gia đình, vợ con, nhưng vẻ nghiêm trang khó hiểu của anh làm họ rụt rè, chưa dám lên tiếng, và đành phải nhìn vị Mục sư trẻ, rất tận tâm trong mọi mục vụ được giao cho cứ đi và về một mình. Riêng Nguyên, anh thầm cám ơn cái ảnh hưởng còn lại của tật nguyền đã vô tình thành một lớp vỏ bọc thêm cho anh, để đỡ cho số tuổi còn trẻ kia thôi, chứ hơn ai hết Nguyên hiểu trong sâu thẳm trong lòng là một trái tim biết rung động như mọi người, cũng có nhiều lúc Nguyên cảm thấy cô đơn quá, Nguyên cũng nghĩ đến việc lập gia đình, nhưng không hiểu sao điều đó vẫn không thu hút anh nhiều lắm, nghĩ đến rồi lại quên đi. Nơi đây, với công việc Chúa khá phức tạp mà anh nghĩ không giống với bất cứ công việc nào, nhưng cũng có những niềm vui ngọt ngào đem lại cho người chăn chiên mà chỉ có những người cùng chức vụ mới hiểu được thôi. Mỗi khi ngồi dưới nhìn lên những gương mặt trẻ trong ban thanh niên đang đứng tôn vinh Chúa, lòng vị Mục sư trẻ thường xúc động dâng lên Chúa những lời tạ ơn chân thành. Rồi khi đi thăm viếng, đối diện với từng hoàn cảnh của mỗi gia đình, Nguyên thấy chính mình cũng được long lên trong đức tin và sự bình an kỳ diệu mỗi khi lắng nghe những lời đơn sơ của các con cái Chúa, của những người thật sự nhờ cậy Ngài, những điều đó đủ tạo nên một bức tranh vô hình nhưng thật đẹp làm vị Mục sư trẻ tuổi đôi khi lặng người vì xúc động… Tất cả những điều đó góp lại thành niềm vui, hạnh phúc, nuôi dưỡng và nâng đỡ Nguyên từng mỗi năm, mỗi chặng đường dài theo Chúa, giúp Nguyên quên đi bao nhiêu buồn bã của nhiều năm trước.
….…..

Kể từ đêm lửa trại đó, có một điều gì như bùng nổ ra trong lòng Nguyên, xác quyết với anh một sự thật nằm sâu kín tận đáy lòng. Nguyên nhớ rõ mình đã ray rứt, đau đớn như thế nào. Trong suốt thời gian đó, lúc thì anh hết sức lặng lẽ, lúc thì nói cả ngày như người đang mê sảng làm mẹ anh vô cùng lo lắng. Từ đó, anh không qua nhà Thủy nữa vì anh biết sự hiện diện của mình giờ chẳng còn ý nghĩa gì với cô nữa.

Rồi Nguyên tìm cách vượt biên. Ở trong trại cô đơn, nhớ nhà, cũng không sao quên được Thủy. Lắm khi Nguyên hỏi tại sao Thượng Đế đã tạo ra anh một cái lưng tật nguyền mà không làm cho anh một trái tim tật nguyền luôn, có lẽ như vậy anh đỡ khổ hơn chăng?

Nhưng rồi sau đó, cuộc đời như gấp gáp lìa bỏ những buồn bã cũ kỷ trong lòng Nguyên để tiếp nhận một sự kiện mới mẻ. Nguyên tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình cũng trong một đêm lửa trại. Đoàn truyền giáo đã tổ chức đêm lửa trại để truyền rao Tin Lành của Chúa Jesus, Nguyên ngồi hàng ghế cuối cùng, nhưng từng lời của vị Giáo sĩ như rót vào trái tim, tâm khảm, ký ức về những ngày đi nhà thờ với mẹ Thủy. Những chữ Chúa Jesus yêu bạn được lập đi lập lại nhiều lần, Nguyên bừng tỉnh lại… Nguyên mừng vui như được gặp lại người thân, bạn cũ. Anh vẫn nhớ mẹ Thuỷ hay nói “Chúa Jesus yêu con lắm, Chúa yêu con lắm.”

Khi qua Mỹ, được cha mẹ nuôi là những người hầu việc Chúa khích lệ nâng đỡ, Nguyên ghi tên vào trường Thần học… Rồi những đợt khám tiếp theo, Bác sĩ vui mừng cho khám phá ra lưng gù của Nguyên có thể chữa được, vì khối u kia chỉ là phần thịt mềm mọc dư ra chứ không đụng đến cột sống. Họ thực hiện nhiều cuộc giải phẩu tiếp theo, rồi vật lý trị liệu, những cố gắng tiếp nối và sự kiên nhẫn chịu đau đớn của Nguyên đã thành công, đã dần dần đem lại cho Nguyên con người mới như hôm nay.

Vừa mở cửa bước vào nhà, ném vội túi xách lên bàn, mặc cho bé Trúc chạy vô phòng. Thủy bước đến điện thoại, vẫn chưa thấy message nào, đã ba ngày nay Thủy gọi, nhưng Nguyên vẫn chưa trả lời? Hình nhà thờ đẹp không?” Bé Trúc hỏi lại lần nữa và lần này nó chạy ào ra, chìa ra bức tranh nhà thờ được tô màu xanh đỏ. Con bé giật tay mẹ “Mẹ, sao vậy mẹ, coi hình con vẽ có đẹp không?”
…….

Thủy cúi xuống nhìn tấm hình con bé đang giơ ra trước mặt và như sực tỉnh, nàng nghĩ, ừ nhỉ, biết đâu Nguyên bận việc gì, hay thử gọi lên nhà thờ xem…

Vội vã trả lời con “Được, con tô màu như vậy đẹp lắm, con đem cất rồi ăn cơm…” Nói xong Thủy bước đến điện thoại, nhấc lên… Một giọng khàn và đục, Thủy thất vọng, không phải Nguyên “Dạ con Thủy đây, con muốn hỏi Mục sư Nguyên có ở đó không ạ?” “Chào cô Thủy, hai mẹ con khỏe không? Cô chưa biết gì sao, Mục sư Nguyên nằm bệnh viện một tuần nay rồi…”

Thủy hốt hoảng “Sao lại nằm bệnh viện thưa Mục sư?” “À, vì vết thương cũ cần mổ lại, nhưng Mục sư Nguyên tỉnh và khỏe lại rồi.”

–        Thưa, thế phòng số mấy ạ?

Thủy ghi vội địa chỉ bệnh viện vào tờ giấy nhỏ, vội gởi bé Trúc cho cô hàng xóm… Phải mổ lại vết thương cũ, có nghĩa là cái bướu sau lưng anh, sao anh không nói cho Thủy biết?

Đứng trước cửa phòng có con số nàng đang tìm, bấc giác nàng nghe lòng mình dâng lên cảm giác khó tả, Thủy nói nhỏ đủ mình nghe, anh Nguyên, Thủy tới đây.

Nguyên nằm yên trên giường trong bộ đồ màu xanh của bệnh viện, đầu hơi ngoẹo sang bên, có lẽ anh đang ngủ. Thủy không dám động đậy vì sợ Nguyên thức giấc. Nàng lặng lẽ ngắm Nguyên, gương mặt xanh và hốc hác hẳn đi. Cánh tay anh thò ra khỏi mền với cây kim và sợi dây chuyền nước biển đang nhỏ từng giọt một, được cột lại cẩn thận bên mép giường bằng sắt, nhiều máy móc và dây nhợ xung quanh. Nàng lặng lẽ nhìn và hình dung ra sự cô đơn của Nguyên trong những năm qua, với mổ xẻ, bệnh tật. Tự nhiên, lần đầu tiên trong cuộc đời Thủy, nàng cảm thấy dường như có sự gì bình yên kỳ lạ đang có trong tâm hồn nàng, dù Nguyên đang ngủ say, đang

Thủy xúc động ngồi xuống chiếc ghế gần đó. Nàng tự hỏi tại sao cho  hôm nay mới nhận ra được điều này, có phải Thủy đã từng được sống, được lớn lên trong sự bình an kỳ diệu đó không, bên cạnh cha mẹ, trong nhà thờ, bên cạnh Nguyên… nhưng nàng đã tự ý lìa bỏ hết, để chọn lấy và sống cho một tình yêu mà giờ này Thủy mới biết ra là không có thực cho mình. Hơn bao giờ hết, Thủy muốn luôn được ở trong cái hạnh phúc cũ đó, bình an cũ đó, vừa mới sống lại trong lòng nàng, Thủy nhắm mắt lại, những giọt nước mắt chảy dài ra trên má, trên môi…

Nguyên chợt cựa mình, rên nho nhỏ và từ từ mở mắt. Ánh mắt anh chợt sáng lên khi nhìn thấy Thủy ngồi bên cạnh, giọng chàng khàn khàn

–        Sao Thủy biết tôi ở đây?

Nước mắt lại tràn ra, Thủy nói giọng trách móc “Em hỏi ông Mục sư mới biết, sao anh không nói cho em biết?”

–        Vì tôi thấy Thủy đi làm và bận rộn với bé Trúc nữa, tôi sợ Thủy lại phải lo lắng thêm.

Vừa nói Nguyên vừa cố gắng chống cánh tay còn lại để gượng ngồi lên, nhưng anh chợt nhăn mặt, Thủy cảm thấy ân hận vì đã trách móc Nguyên, nàng chụp vội cánh tay anh giữ lại,

–        Thôi anh nằm yên đi, anh có đau lắm không, nhưng sao anh phải mổ lại vậy?

Nguyên gượng cười, cũng không đau lắm, tôi cũng quen với những cơn đau thế này rồi. Bác sĩ họ chụp hình lại và nhận ra còn cái mầm của bướu đó sâu bên trong, nên quyết định phải mổ ra để lấy ra tận gốc, hy vọng lần này Chúa cho lành hẳn.

–        Cảm tạ Chúa, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm Thủy cũng phải ngạc nhiên khi nghe chính mình nói lại câu đó. Rồi khi nào Bác sĩ cho anh về?

–        Có lẽ vài ngày nữa thôi, vì họ sợ phản ứng…

Môi Nguyên khô nức nẻ, anh nuốt nước miếng cách khó khăn, Thủy bây giờ như mới hoàn hồn lại “Ồ em quên, để em lấy cho anh ly nước. Anh có ăn uống được gì không?” “Không cần đâu Thủy ạ, đã có y tá họ lo tất cả rồi. Cám ơn Thủy, Thủy ngồi đi.”

Bàn tay phải của cánh tay đang bị cột chặt bỗng động đậy, những ngón tay dài xòe rộng ra, chờ đợi… Thủy xúc động đặt nhẹ bàn tay mình vào đó, những ngón tay nắm lại. Nguyên nói bằng giọng khàn khàn và chậm rãi:

–        Tâm trạng con người thật là kỳ lạ Thủy ạ! Cái u bướu đó nó gây phiền toái cho tôi không biết là bao nhiêu suốt cả thời tuổi trẻ. Thế nhưng khi tỉnh lại ở lần trước, thấy mình được trở lại lành lặn, tôi vừa mừng vừa như thiếu, mất mát cái gì đó, con người tôi nhiều khi mất thăng bằng, chao đảo… Người ta cười vui bảo vì tôi phải tập đi đứng lại… Nhưng tôi hiểu, bởi vì dù tốt hay xấu, dù nên hay không thì cái bướu đó nó đã là một phần của thân thể, dính liền với tôi trong bao năm qua, sống liền với mình, đi đứng với mình. Bây giờ lìa nó ra, đâu có dễ quên ngay phải không Thủy…Ngừng một lát, Nguyên nói tiếp:

–        Sự lìa bỏ nào cũng gây cho người ta ít nhiều đau đớn, nhưng quan trọng là mình phải biết chấp nhận sự thật, chấp nhận mất mát và lìa bỏ nó, nếu phải lìa bỏ… Những ngón tay Nguyên nắm lấy bàn tay Thủy dường như siết chặt hơn,

–        Để rồi chúng ta sẽ bắt đầu lại tất cả, có lại tất cả, những điều có thật trong cuộc đời mình ở tương lai.

gre

Ngoài cửa sổ bệnh viện, gió thổi mạnh, làm những chiếc lá cuối thu nhanh chóng lìa cành, rơi xuống, để trơ lại những cành khô khẳng khiu như bàn tay người bệnh đưa ra trong ánh sáng rồi để yên đó, như nhẫn nhịn, như chờ đợi một điều gì, chờ đợi ai? Có phải là chờ cho đến một ngày hồi sinh lại, khi mà những nụ xanh sẽ lại bung ra cách khỏe mạnh, vui mừng khi mùa Xuân tới…

BÃO BIỂN   

1 lời bình

  1. Rất hay và giàu ý nghĩa! Tôi còn tưởnng đây là tác phẩm nổi tiếng của O Henry nhưng đã lầm. truyện tuy ngắn nhưng khích lệ chúng ta phải bước bằng đức tin chứ không phải bằng mắt thấy, mọi việc xảy đến cho con người đều là ý muốn tốt lành của Chúa cả. Amen !

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn