Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Thẩm Quyền Của Tân Ước

Thẩm Quyền Của Tân Ước

Niềm Tin Rõ Ràng Của Người Baptist

 

Thẩm quyền của Tân Ước

Nghiên cứu của Tiến sĩ Wamble tóm lược một lĩnh vực quan tâm thứ hai đối với chúng ta: thẩm quyền Kinh Thánh trước hết là ở Tân Ước. Không phải người Baptist xem thường Cựu Ước. Thay vào đó, Kinh Thánh được trọn vẹn và ứng nghiệm trong Tân Ước. Vậy nên chúng ta sẽ đọc và diễn giải Cựu Ước dựa trên sự bày tỏ của Tân Ước. Chúng ta sẽ tìm những nguyên tắc trong Cựu Ước được lặp lại hoặc được mở rộng trong Tân Ước, và chúng ta sẽ quyết định sống với những lẽ thật Kinh Thánh. Thẩm quyền chính đối với sự cứu rỗi và niềm tin của chúng ta đó là Tân Ước.

Wamble phát biểu:

Thẩm quyền chính phụ thuộc vào Tân Ước. Tuyên xưng Baptist đầu tiên (1610) nói rằng giáo lý Cơ Đốc đúng đắn cho sự cai trị của vương quốc thuộc linh của Đấng Christ, để chúng ta đạt đến sự cứu rỗi, được viết: “trong Kinh Thánh Tân Ước, nơi mà chúng ta áp dụng những gì thấy được trong Cựu Ước.” Bằng chứng người Baptist thừa nhận thẩm quyền cao hơn của Tân Ước có thể tìm thấy tại các dấu chỉ dẫn đoạn tham khảo Kinh Thánh, được lồng vào văn mạch, mà nhờ đó các lời tuyên xưng được củng cố.17

Chính vì vậy, chúng ta là những tín hữu Tân Ước. Chúng ta đánh giá điều chưa rõ trong ánh sáng của điều đã rõ, và chúng ta đánh giá lẽ thật Kinh Thánh khi trước dưới ánh sáng của sự bày tỏ về sau. Chúng ta tin vào sự bày tỏ tiệm tiến, là cách Đức Chúa Trời dần dần bày tỏ chính Ngài cho chúng ta. Giống như một học sinh học môn Đại số trước khi học Hình học, và học Lượng giác trước khi học Vi phân Tích phân, cũng vậy Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta đầu tiên là qua luật pháp và lịch sử, sau là qua các tiên tri, và cuối cùng là trong Đấng Christ và Tân Ước.

newtestament

Thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh vượt trội hơn tất cả

Nghiên cứu của  Wamble tuyên bố chắc chắn cho lĩnh vực thứ ba: người Baptist xem thẩm quyền Kinh Thánh là vượt trên tất cả. Trích dẫn tuyên xưng đức tin Baptist, Wamble tóm rắt rằng: “Thẩm quyền Kinh Thánh nghĩa là mọi niềm tin tôn giáo và thực hành, dù đó là điều gì hoặc được tìm thấy điều gì, cũng phải đứng dưới sự phán xét của Kinh Thánh.”18

Người Baptist xem “các giáo lý của con người” là thứ yếu và phụ trợ cho lẽ thật Kinh Thánh. Không một người nào hoặc một tuyên bố thần học nào có tầm quan trọng với chúng ta như Lời được Đức Chúa Trời bày tỏ. Theo dòng lịch sử, người Baptist đã đứng vững trên xác quyết về thẩm quyền Kinh Thánh, và chúng ta giữ xác quyết này làm trung tâm của niềm tin và thực hành của chúng ta.

Tuyên Bố Của Các Nhà Thần Học Baptist.

Một khảo sát ngắn của các nhà thần học Baptist lừng danh đã làm rõ sự thống nhất mà người Baptist giữ vững về vấn đề thẩm quyền Kinh Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu với E. Y. Mullins, hiệu trưởng Chủng viện Thần học Baptist Nam Phương từ năm 1899 đến khi ông qua đời vào năm 1928. Ông dạy thần học hệ thống trong suốt nhiệm kỳ chức vụ viện trưởng của mình; đồng thời ông cũng giữ chức hội trưởng Giáo Hội Baptist Nam Phương từ năm 1921 đến 1924; và là chủ tịch ủy ban dự thảo bản Niềm Tin và Sứ Điệp Baptist năm 1925.

Các ghi chú thần học hệ thống của ông gồm có quyển sách mang tính nền tảng nhất trong thời đó: Diễn Giải Giáo Lý Cơ Đốc Giáo (The Christitan Religion In Its Doctrinal Expression).  Mullins đúc kết bàn luận về thẩm quyền Kinh Thánh như sau:

Đó là thẩm quyền hằng sống và trọng yếu, không phải là một thẩm quyền máy móc và mang tính giáo hội. Đó là nguồn thông tin có thẩm quyền của chúng ta về sự bày tỏ qua lịch sử của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Đó là thẩm quyền quy định kinh nghiệm và giáo lý Cơ Đốc. Đó là công cụ của Đức Thánh Linh trong công tác tái sinh và thánh hóa. Bởi tính thẩm quyền và quy phạm, chúng ta không rơi vào chủ nghĩa chủ quan lẫn chủ nghĩa duy lý… Đó là ý kiến chung cuộc cho chúng ta trong mọi vấn đề về niềm tin Cơ Đốc lẫn thực hành.19

Một nhà thần học trẻ hơn cùng thời với  Mullins trở nên nổi tiếng nhất tại Chủng viện Thần học Baptist Tây Nam tại Ft. Worth, Texas. Sách Christian Doctrine (Giáo Lý Cơ Đốc) của Tiến sĩ  W. T. Conner nhiều năm được xem là quy chuẩn trong lĩnh vực của mình.  Conner về hưu từ chủng viện Tây Nam năm 1948, nói bằng giọng dứt khoát trong mọi chủ đề thần học. Ông nêu rõ xác quyết về thẩm quyền Kinh Thánh: Kinh Thánh là thẩm quyền bởi vì tiếng nói của Đức Chúa Trời có quyền trên linh hồn của con người. Kinh Thánh tìm đến con người, tìm kiếm họ, khiến họ nhận thức nhu cầu giúp đỡ tâm linh của họ. Nếu Đức Chúa Trời phán cùng con người, Ngài chắc sẽ nói bằng giọng đầy quyền lực… Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời thánh khiết, là Đấng phán với con người bằng mệnh lệnh.20

Một trong số những nhà thần học Baptist nổi tiếng nhất trong thế hệ chúng ta đó là Millard J. Erickson. Công trình vĩ đại của ông: Christian Theology (Thần Học Cơ Đốc Giáo) là quyển sách bắt buộc phải đọc trong rất nhiều lớp thần học trong các chủng viện. Tuyên bố của ông về thẩm quyền Kinh Thánh rất rõ ràng: “Kinh Thánh là thẩm quyền lập pháp tối cao của chúng ta. Kinh Thánh cung cấp nội dung niềm tin, quy định ứng xử và thực hành của chúng ta.”21 Erickson xem thẩm quyền Kinh Thánh là quy phạm cho mọi lĩnh vực niềm tin và cuộc sống.

images (2)

Stanley Grenz, một nhà thần học Baptist đạt được nhiều thành tựu, đã viết cuốn Theology for the Community of God (Thần Học Cho Cộng Đồng Của Đức Chúa Trời), một quyển sách giáo khoa được coi trọng rộng rãi trong lĩnh vực này. Ông xem Kinh Thánh là nền tảng cho mọi suy nghĩ thần học:

Nhằm thực hiện nhiệm vụ thần học, chúng ta có thể đơn giản thừa nhận thẩm quyền Kinh Thánh dựa trên mối liên hệ trọn vẹn của thần học với cộng đồng đức tin. Bởi vì Kinh Thánh là tài liệu nền tảng được mọi Hội Thánh Cơ Đốc công nhận, cho nên thông điệp của Kinh Thánh mang chức năng là quy phạm trung tâm của bày tỏ hệ thống niềm tin của cộng đồng đó.22

Russell Dilday, giữ chức vụ hiệu trưởng trong thời gian dài tại Chủng Viện Tây Nam, năm 1982 đã xuất bản một quyển sách nổi bật về câu hỏi đối với thẩm quyền Kinh Thánh. Trong phần dẫn nhập của quyển sách, ông đã dùng những thuật ngữ mang tính hình ảnh để mô tả bản chất thẩm quyền Kinh Thánh cho tín hữu Baptist:

Kinh Thánh là một nhân tố trọng tâm của lịch sử giáo hội chúng ta đến nỗi Baptist Nam Phương sẽ không thể được hiểu một cách thỏa đáng nếu không có Quyển Sách này. Không bất ngờ khi các tín hữu Baptist Nam Phương có truyền thống đặt bục giảng ở chính giữa trong nhà thờ của họ, biểu trưng cho thứ tự ưu tiên trong việc công bố Lời của Chúa. Thực tế, trong một số nhà thờ mới gần đây, các kiến trúc sư đã sáng tạo thiết kế bục giảng như một quyển Kinh Thánh mở ra là nguồn của bài giảng.23

Thật vậy, bục giảng của Hội Thánh Baptist Park Cities tại Dallas, nơi tôi có cơ hội được phục vụ với cương vị là Mục sư, được thiết kế như một quyển Kinh Thánh mở ra. Hình ảnh Kinh Thánh cũng được thể hiện trên thân bục giảng với một thập tự giá vàng nằm ngang qua. Mỗi Chủ Nhật tôi được nhắc nhở phải đứng “trên Lời Chúa” để giảng về Chúa đã chịu chết và sống lại. Hội Thánh của chúng tôi đã thể hiện một cách sinh động cam kết của mình với trọng tâm thẩm quyền Kinh Thánh. Tất cả Hội Thánh Baptist mà tôi biết đều đồng ý với điều đó.

Kết luận

Nếu bạn là một tín hữu Baptist, thì bạn đang đứng cùng với một một số đông rất lớn những người nói như Phao-lô rằng: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Chúng ta quay trở lại lắng nghe ở thời chưa có tín điều do con người lập nên, thời mà không có thẩm quyền giáo hội hoặc tổ chức được phát triển, khi Hội Thánh không có nhà thờ hoặc “giáo phẩm” – khi chúng ta không có thẩm quyền nào ngoài Lời của Chúa.

Trong phần còn lại của quyển sách này, chúng ta sẽ xem xét và giải quyết những thách thức trong ngày hôm nay đối với quan điểm này về thẩm quyền Kinh Thánh. Nhưng hãy bắt đầu bằng lời cảm tạ vì vị trí của chúng ta – là dân sự của Quyển Sách. Chúng ta đứng trên vầng đá thẩm quyền Kinh Thánh, bởi tất cả những nền móng khác đều là cát lún (Ma-thi-ơ 7:24-27).

Một chàng trai đang câu cá trong một bình minh còn dày đặc sương mù lạnh lẽo, thì chiếc thuyền của anh bị lật úp. Trong vô vọng, anh phát hiện một tảng đá nhô ra ở giữa hồ nước; anh bơi đến đó. Anh bám vào tảng đá ấy trong cái rét và sương mù trong hơn một giờ. Cuối cùng một ngư ông đi ngang qua đã thấy chàng trai. “Anh không sợ hãi à?” ngư ông hỏi chàng trai. “Có thưa ông. Tôi đã run sợ,” chàng trai thừa nhận, “nhưng tảng đá thì không.” Tảng đá không bao giờ lung lay.

 

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn