Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / BỐ TÔI

BỐ TÔI

Nhớ

“Mẹ ạ! Bố con không còn trên trần thế nữa. Bố con đã về với Trời. Bố con sẽ không bao giờ trở về căn nhà này trong thể xác để cùng ăn cơm với mẹ và với chúng con.”
Ta tưởng khi nói những cụm từ như vậy thì thật quá dễ đúng không? Về ngôn ngữ thì thật rất dễ, nhưng trong tình cảm thì sao quá khó. Nhất là khi ta nói trong sự tiễn biệt của người thân đi xuyên qua hai thế giới – trần phàm và thiên thượng. 

bo uong

Tôi có thể nói được thật nhiều, Mục sư phải là người biết nói. Tôi đã nói trong bao nhiêu đám tang. Tôi đã làm đại diện cho bao gia đình trong bao nhiêu lần tiễn biệt, nhưng không hiểu sao, trong lúc này, khi tiễn biệt người cha khả kính về nơi an nghỉ, dù biết rằng trong ân điển của Chúa, thì sẽ có một ngày được hội tụ, nhưng ngay lúc này đây dẫu đức tin có vững mạnh nhưng bản thân tôi cũng không thể nhìn thẳng vào đôi mắt của mẹ già mà nói những lời tương tự. Tôi không thể nói với mẹ mà có thể cầm được những giọt lệ xối xả lăn xuôi. Nước mắt bỗng nhiên như nước trong hồ chứa, nó chỉ chờ khi tôi nói những lời khuyên mẹ, thì nó vỡ bờ. Lệ cứ lăn xuống khiến cổ họng bị nghẹn lại. Lí trí, kẻ lâu nay là anh hùng gác cổng, không hiểu lúc này đã trốn đi đâu mà không thể ngăn cản những giọt cảm xúc ấy, để giúp tôi nói năng gọn gàng.

À thì ra cảm xúc của con người, thứ mà Chúa cho ta để xây dựng tình cảm trong gia đình và trong xã hội. Tình cảm là món quà rất quý, nó quý như lí trí và linh hồn, thứ mà ta không thể không cần để biết rõ ta là một con người mà Chúa đang khiến ta phải sống thật, xây dựng cái rất thật của tình người trong thế gian.

Bố mẹ tôi đã là vợ chồng của nhau cả hơn hai phần ba thế kỷ. Bao nhiêu cháu con đã sinh ra, và họ đã cùng nhau trải qua không biết bao nhiêu thử thách trong đời. Người ta bảo khi ta càng khổ ta càng hay nhớ – con người ta là loại sinh linh hay nhớ về đau khổ nhiều hơn là nhớ đến nguồn vui. Bố mẹ tôi đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong suốt chiều dài của gần một thế kỷ. Hôm nay đây là thời điểm mà họ, cặp vợ chồng yêu nhau cả đời ấy đã phải xé lòng chia tay nhau. Như thớ thịt khi bị cắt đứt nó có một nỗi đau, và tình cảm khi bị xé ra, nó cũng có một nỗi đau riêng biệt. Cái đau của thể xác nhiều khi dễ băng bó, nhưng cái đau của cảm tình, quả khó quá, khó mà có thể băng bó cho được. Cái đau của mẹ tôi khi phải chia tay người bạn đời, người chồng đã bao nhiêu năm hành trình với nhau, khác hẳn cái đau của chúng tôi những người con khi phải chia tay người cha khả kính.
Nhìn mẹ già đôi chân đi không vững, khóc mếu chia tay người bạn đời mà lòng tôi quặn lại. Dù trong lí trí biết rõ con người trong thế gian không thể sống mãi mãi bên nhau. Dù lí trí biết rõ một ngày nào đó trong cuộc đời, mỗi con người cũng phải tiễn biệt nhau để đến với một thế giới khác. Dù tôi biết bố đã được trở về trong vòng tay của Thiên Chúa, nhưng lí trí là lí trí mà tình cảm là tình cảm. Lí trí biết bố tôi đã được bên Chúa ngay lúc này để tận hưởng nguồn vui thiên thượng, nhưng tình cảm và nỗi nhớ thì sẽ phải cần cả một chuỗi thời gian để dần dần nguôi ngoai khoảnh khắc trống trải của người cha thân thương của mình. Mẹ tôi không có cái lí trí đó và mẹ sẽ nhìn vào tình cảm, tình yêu của hai người bạn đời trên một phương diện khác, mà bây giờ họ chia tay nhau. Bố mẹ tôi không trách Trời cao đã khiến họ chia lìa. Họ đã đón nhận ơn cứu rỗi và họ đã có hy vọng.
“Trong Chúa, bố mẹ sẽ gặp lại nhau ở Thiên Đường.” Đó là những lời mà tôi có thể lặp đi lặp lại cùng mẹ già với hy vọng những lời khẳng định ấy sẽ giúp mẹ già an tâm hơn trước khi tôi cũng phải giã từ gia đình để trở về Úc quê hương thứ hai của tôi.

Cũng trong căn nhà này đây, trong dĩ vãng khi người anh trai của tôi qua đời ở cái tuổi rất trẻ, anh để lại hai đứa con thơ. Khi ấy tôi cũng chưa biết Chúa cho nên, khi ẵm bế các cháu trong cảnh chia ly, những đứa cháu nhỏ đã bi bô mà hỏi. “Bố cháu đi đâu? Tại sao bố cháu không về???”
Ôi thật khó làm sao khi ta phải trả lời trẻ thơ khi chúng mất cha mẹ và phụng phịu hỏi: Những câu hỏi cộng thêm với cái nhìn ngơ ngác và đôi mắt đẫm lệ của trẻ thơ vẫn làm nẫu lòng người lớn tuổi. Người lớn tuổi thường viện cớ để nói dối trẻ thơ khi phải trả lời những câu hỏi xé lòng ấy, và rồi, người ta có thể nói dối lẫn nhau. Thói quen ở đời khi phải trả lời những câu hỏi thách thức mà ta không thể trả lời, thì ta bỗng nhiên chọn cách nói dối cho qua chuyện, cốt là giải quyết vấn đề tạm thời khi ấy. Sao câu hỏi của những đứa bé không có bất kể sức mạnh nào để mong làm hại chúng ta, thì người lớn vẫn tìm cách lừa dối chúng và đây là cách người lớn chạy trốn sự thật, nhưng người ta chỉ có thể chạy trốn trong khoảng thời gian ngắn, khiến những trẻ thơ vẫn không ngừng ngơ ngác hỏi và cách mà chúng ngơ ngác nghe câu trả lời dối trá từ người lớn.

Nhưng khó làm sao khi người già hơn chín mươi tuổi hỏi: “Sao bố con không về ăn cơm với chúng ta? Tại sao các con không thể đợi bố về để cả nhà cùng ăn cơm trong một mâm cho vui?” Bao nhiêu câu hỏi này đều toát ra trong cõi lòng trống vắng của người vợ đã bị mất đi người bạn đời. Câu hỏi của cảm xúc mà nhiều khi con người lại cứ loay hoay truy tìm câu trả lời trong lí trí, và giải thích bằng lí trí. Cho dù ta có trả lời ra sao, giải thích như thế nào thì lời của ta cũng khó mà xuyên lọt qua vùng cảm xúc của người bạn đời đã hành trình bên nhau cả gần một thế kỷ nay bỗng nhiên hai thân chỉ còn một. Tôi vẫn muốn giải thích cho mẹ già vì trong lòng tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ với người mẹ, nay đang phải chống trả với cái sốc của cô đơn.
Nói dối vốn dĩ trong bản chất của nó là khinh miệt người nghe bởi vì ta chỉ nói dối vì lời nói dối ấy chứng tỏ ai là khôn hơn. Nói dối là bố đi chơi xa, ngày mai, ngày mốt bố sẽ về và người mẹ trong tái tê sẽ có thể tin, nhưng lời nói đó là biểu tượng của cách khinh miệt người mẹ đã trải qua bao nhiêu đau khổ. Tôi không có cái quyền nói dối ấy. Nhưng khi nói thật là bố đã về trời, bố không còn ở trần gian, bố không bao giờ về ăn cơm cùng gia đình thì lại động vào nỗi đau của cảm xúc, của chia ly. Nước mắt của cảm xúc sao mà dễ chảy như nước vỡ bờ, khi ta nói lên sự thật.

Ngày xưa trẻ nhỏ hỏi trong chất vị ngơ ngác và người lớn tuổi nói dối cho yên chuyện thì hôm nay người già hỏi: những câu hỏi vẫn đề cập đến sự vắng mặt của người thân. Khác với hài nhi hỏi trong ngơ ngác – người mẹ già hỏi, con mắt của mẹ không còn nhìn rõ. Khi mẹ hỏi, khuôn mặt của mẹ không còn cái nét ngơ ngác ngây thơ của trẻ thơ nhưng cái ngước mắt nhìn lên càng làm hoằm sâu những vết nhăn khắc khổ kéo dài trên vầng trán. Cách mẹ hướng khuôn mặt già nua bị che bởi chiếc khăn tang màu trắng nhìn vào người thân mà hỏi càng muốn nói lên cái đau của một sự chia cắt. Mẹ tôi không hỏi để trông đợi câu trả lời của người thân, mẹ hỏi bởi vì cuộc đời của bố mẹ như đôi đũa song hành nay bỗng nhiên bị mất đi một chiếc. Mẹ hỏi bởi vì cái đau tái tê trong cảm xúc, sự trống vắng khó nguôi trong tâm hồn. Mẹ hỏi không phải là để cho những đứa con, hay bất kể ai trả lời. Những đứa con là ai, con người là ai mà có thể tìm ra câu trả lời trong cái đau tê tái ấy?

Ôi! Để trả lời cách chân thành với người mẹ sao mà khó là thế. Bao nhiêu người xung quanh vẫn với cái thói quen sẵn lòng nói dối, ‘Bố đi chơi xa… Ông đi ăn cỗ…’ và họ mỉm cười vì đã thắng được cảm xúc, nhưng họ đã thua vì phải chạy trốn một sự thật: nỗi chia ly của đời. Người ta nói dối vì mục đích là cố tránh né nỗi đau của tâm hồn, và cố gắng làm sao có thể thuyên giảm nỗi đau khi mất đi người thân.
Càng khó hơn khi người già lại bị ảnh hưởng sâu nặng bởi những thói quen và họ cứ lặp đi, lặp lại cái thói quen ấy. “Cái bàn ngoài kia, nơi bố các con hay ngồi sao hôm nay không thấy ông ngoài đó? Cái cốc này, bình trà này thường nóng, đây là vật mà bố các con hay dùng để uống nước, sao hôm nay thấy lạnh? Cái gốc cây ngoài kia là nơi ông hay ngồi hóng gió, chỗ cái cổng này có cái ghế dài nơi chúng tao hay ngồi với nhau vào những chiều hè để trông đợi đàn con cháu trở về trong những buổi chiều cuối tuần. Đây là nơi bố mày hay ngồi với tao… Đây là chỗ… Và trong bất chợt, cái nhớ lại thoắt hiện về làm đau trong tâm trí già nua khi mà cảnh vật xung quanh gợi lại sự hiện diện của người bạn tình. Mẹ tôi lại oà lên khóc vì nhớ vì thương.

Thương mẹ nhưng tôi không thể nói dối, mà chỉ muốn biết làm cách nào để giải thích cho mẹ mình hiểu được và yên tâm là: khi người bạn đời của mẹ ra đi, thì ở thế giới bên kia, trong thế giới của tâm linh, Chúa của ân điển đã chờ đợi và Ngài giang rộng vòng tay ra đón tiếp bố vào trong Vương Quốc của Ngài.

Tôi có thể mở Thánh Kinh ra mà trích dẫn, có thể khẳng định như khi Chúa Giê-su hứa trong Giăng, 5:24 ‘Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.’ Để củng cố niềm tin cho mẹ tôi an tâm. Nhưng việc tôi làm hoàn toàn trên phương diện của lí trí, thứ ngoại thân chứ không phải cảm tình, thứ trong nội tâm của mẹ tôi. Bản thân tôi đang ở cái tuổi sung mãn, nhiều kiến thức nhiều ý chí, vậy mà khi nhìn thấy người cha nằm xuống tôi vẫn có cảm xúc, tâm hồn vẫn dấy lên nhấn chìm ý chí và lí trí mà bằng chứng là những dòng nước mắt đã từng tuôn tràn. Còn mẹ tôi thì sao? Mẹ đang ở tuổi quay trở lại như một hài nhi chậm chạp trong thể xác, sâu nặng trong tâm tình, bật oà trong cảm xúc, và như hài nhi mẹ sẽ đòi hỏi sự hiện diện của người thân yêu mà mẹ tin cậy nhất trong cả đời. Hôm nay cây trụ cột ấy không còn để mẹ dựa vào, khoảng trống vắng vì thiếu người bạn đời trong tâm hồn sẽ là một nỗi đau bất tận. Tôi là con, là con trai, tôi sẽ không bao giờ có được cái cảm xúc của một người mẹ già nay đang trong nỗi đau chia ly.

Nghe tiếng khóc, nhìn thấy những dòng lệ của người mẹ già, tôi biết, mẹ không khóc vì ái tình của thủa thiếu thời, nhưng khóc vì nhớ con người của tình nghĩa. Nhìn người mẹ già thổn thức trong lúc chia ly, tôi muốn tự ôn lại và nhận ra một nỗi nhớ. Đành rằng tôi đã xa quê cả hơn ba mươi năm, nhưng tình cảm cha con mãi mãi đằm thắm, nhưng chắc chắn, tình cảm và tình nghĩa cha con, không thể nào so sánh với tình cảm vợ chồng. Nếu như tôi một kẻ đã bao năm xa nhà, vậy mà khi vắng đi hình ảnh của người bố tôi cũng cảm thấy hụt hẫng, và nhận ra, sự nhớ thương người bạn đời của mẹ tôi chắc sẽ tăng gấp bao nhiêu lần. Tôi phải hiểu và cảm thông cho những dòng nước mắt của mẹ già.

BABY

**************************
Cuộc đời của bố tôi là một con người có kỷ luật. Con người của kỷ cương nào cũng thường tự tạo cho mình một nếp sống, và nếp sống ấy trở thành một thói quen. Cái thói quen này đã ảnh hưởng về phong cách sống của ông cụ từ rất lâu, người thân trong gia đình cũng không ai có thể biết rõ thói quen ấy của ông cụ đã có tự bao giờ nhưng việc cụ làm rất dễ đoán vì nó đã được sắp đặt trong ngày.
Từ buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa le lói rạng đông, bố tôi đã thức dậy, hình như ông luôn luôn thức dậy trước hết tất cả mọi người trong gia đình. Việc đầu tiên ông cụ làm trong hằng buổi sáng đó là: ông lấy ra bộ ấm chén, gồm một cái bình pha nước chè, và năm cái tách nhỏ để rửa. Cách rửa của ông cũng rất đặc biệt, ông rửa cái bình trước rồi úp cái bình đó xuống, sau đó ông rửa đến những cái tách nhỏ, rồi ông úp chúng xuống ngay ngắn trên mặt cái khay.
Ông đã làm cái việc này qua bao nhiêu năm tháng, và sáng nào cũng như sáng nào ông không bao giờ quên cái việc đã in sâu vào trong vô thức. Khi đã rửa ấm chén, ông lau chúng khô ráo, rồi ông bắt đầu cắm phích điện để lấy nước sôi, tiếp đến là ông pha nước chè để uống. Ông ngồi đó bên cạnh bình nước chè và trầm ngâm một mình như vậy cho đến khi những người thân khác trong gia đình cũng sẽ thức dậy. Nếu ai có thói quen uống nước chè vào buổi sáng trước khi ăn điểm tâm thì sẽ ngồi vào bàn uống nước với ông.
Cách bố tôi uống nước chè và cách pha chè của ông đã vào dạng sành điệu. Hễ nước chưa sôi đúng độ mà pha chè ngon vào đó thì dù là ai pha chè ông cũng chỉ nhấm môi và không uống loại nước chè đó. Khi ai đó pha nước chè mà quên không rửa sạch bình trà, dù chỉ còn một chút, một mảnh nhỏ, hay một cọng chè xót lại trong ve là ông cụ cũng nhận biết ra ngay và sẽ phê bình: ‘thằng lười’ không biết uống nước chè. Ông uống nước chè như vậy cho nên, người biết ông, và biết cách pha chè để thoả lòng ông cũng khá hiếm.

Nhưng thời gian cứ trôi đi, khi ông cụ đã sang cái tuổi hơn chín chục. Ở cái tuổi mà người già đã bắt đầu không còn hứng thú làm bất kể điều gì để gây phấn khích cho cuộc sống. Tuổi xế chiều đã xói mòn hết thảy, ngay cả thói quen rửa bình và pha nước chè vào buổi sáng tinh sương của ông cũng không còn nữa. Cái tuổi già đã lấy đi biết bao nhiêu những cái hay, và cả thói quen đầy cá tính, đầy phong cách của cụ. Thói quen tưởng như là bình thường trong vô thức bỗng nhiên trở thành một cái gì đó thật đáng nhớ đáng thương.
Ngôn ngữ của cụ, thứ mà cụ đã xử dụng và tạo nên bản sắc của con người cụ nay cũng đã không còn những năm xưa. Người trở về quê không còn nghe tiếng nói và tiếng cười nay cũng trở thành một nỗi nhớ. Tất cả đều nhắc lại cách mà họ nhớ về một bộ óc khôi hài mà thâm thúy, cách cụ nói chấm phá tạo nên những chuỗi cười phá lên của những người con, người cháu cũng đã không còn. Những nét rất cá tính của cụ chỉ còn là câu chuyện để anh chị em ôn lại, và dù người ta có ôn lại ra sao đi chăng nữa, thì nét chấm phá đó nay đã chia tay. Bệnh già, cái ô-xít hóa do thời gian tạo thành khiến tất cả mọi thứ trở thành lãng quên.

Cụ không còn pha nước chè thì những buổi sáng sớm tinh sương trong căn nhà sẽ vắng đi tiếng lách cách rửa bình, rửa cốc. Cụ không còn uống nước chè thì cách mà cụ ngồi bên bàn với ve nước chè nóng hổi đợi con mình thức dậy để uống cùng cụ cũng vắng đi. Cụ không còn đam mê nghệ thuật thì tiếng lọc cọc, lọc cọc của chiếc gậy cụ chống trên sân mà hằng sáng, hằng chiều cụ sách nước tưới cho những cây bon-sai cũng không còn. Cụ đã già, tai đã nghễnh ngãng thì cụ cũng chẳng muốn nghe những lời trong sáng đầy ý nghĩa của những áng văn chương trong các câu đối mà người ta mang lại để cụ bình luận. Cụ không còn thưởng thức nghệ thuật thì những câu bình phẩm văn học cũng không còn, và tất nhiên: cái cười chấm phá cũng bỗng nhiên mất đi. Cụ không còn đam mê đến thành đạt thì sự thành đạt của con cháu, cũng không còn là mối quan tâm trong những câu chuyện buổi sáng của cụ. Cái tuổi già, thời gian và ô-xít hóa đã cướp đi của cụ những cái vui, cái thông thường của một con người biết nghệ thuật, biết đam mê, biết sống một cách rất tinh tế.

Ngày xưa ấy khi trong những ngày còn ở cái tuổi bảy mươi hay tám mươi cụ có rất nhiều những háo hức và được con cháu khích lệ cụ gia tăng háo hức. Khi các con cháu của ông cụ ở xa trở về, sự hiện diện của con cháu trong những ngày cuối tuần khiến cụ vui mừng vì thấy con cháu tụ họp vui vẻ trong căn nhà và nghe cụ nói chuyện. Những khi con cháu tề tựu như vậy họ khích lệ cụ cứ tiếp tục hướng đời đến với những ước mơ để hoàn thành những dự án lớn trong đời mà thời tuổi trẻ cụ không thể thực hiện được.
Cụ thích xây nhà. Cụ thích xây cổng làm ngõ. Cụ thích đào ao nuôi cá. Cụ thích cải tổ vườn cây ăn trái. Cụ muốn làm chuồng chim, và cả xây những ngôi mộ cho cả hai cụ khi về già. Tất cả những dự án lớn trong gia đình cụ đều lên kế hoạch một cách tinh tế. Cụ viết dự án rồi để vào trong hộc tủ. Cụ đợi khi con cháu trở về với mình là cụ lại đem dự án đó ra mà bàn thảo. Lý do cụ chỉ đem ra cùng các con để thảo luận và quyết định vì cụ biết, cụ không thể có cái mạnh của tài chính để thực hiện những dự án của mình. Cụ vui lắm khi con cháu cùng nhau làm mọi việc để xây gia đình thêm phồn thịnh. Hình như mọi dự án của cụ đều hoàn thành trong một thời gian khá ngắn.
Khi cụ đã quá già và nằm đó. Cụ không còn vui thú với những thói quen ngày xưa nữa. Cụ không còn những dự án và không còn gì để bàn thảo. Ngay cả những cây bon-sai quý hóa mà cụ đã sưu tập trong bao nhiêu năm qua: cụ cũng không còn đủ sức để chăm bón, cụ đem tặng những cây bon-sai quý hóa ấy cho con cháu của cụ khi họ đến thăm. Mấy con chim khiếu, chim vành khuyên loại mà có thể hót ngày hót đêm trong cái lồng bằng tre của cụ, tiếng chim hót để làm cho cụ vui, nhưng nay khi đã già, cụ cũng gọi con cháu đem thả cho chúng về rừng, vì cụ không muốn nhìn thấy chúng chết trong lồng.

Khi mà tất cả những thứ mà mắt nhìn, tai nghe thấy ấy đã trở thành vô nghĩa thì cũng chính là khi cụ nghĩ đến cái ý nghĩa thiết thực nhất trong cuộc sống: đó là con người và mối thân tình, sự tâm giao đặc biệt với Đức Chúa Trời đã thúc đẩy trong tâm trí của cụ. Để rồi khi những tôi tớ của Chúa đến thăm, họ giới thiệu và cụ đã khôn ngoan biết mở lòng ra để đón nhận món quà cứu rỗi vô giá ấy. Chúa đã cùng tôi tớ của Ngài viếng thăm và được cụ mời gọi, cụ đã mở lòng tiếp đón nhận Ngài. Trong thời gian đón nhận ấy lại là khoảng thời gian mà cụ đã thật sự bước đến với Đức Chúa Trời. Cụ đã hoàn thành cuộc hành trình trên đất.

Ôi nhớ lắm, nhớ làm sao vào mỗi buổi sáng, trước khi cái loa phóng thanh phổ biến cho người dân, thì bố đã tỉnh dậy mở cửa và tiếng đổ nước, tiếng lách tách của người cha rửa ấm chén pha nước chè. Nhớ lắm tiếng bố đi và cách đi của người lớn tuổi lê theo đôi dép xoẹt xoẹt trên nền xi măng. Nhớ lắm tiếng bố chống chiếc gậy bằng gỗ lọc cọc trên nền, và cả cái tiếng khịt khịt của cụ. Và càng nhớ hơn khi tôi đứng lên và đi ra khỏi phòng ngủ thì việc làm đầu tiên của bố là đổ nước ra cái cốc với câu, “Con uống nước chè sáng với bố.” Bây giờ hình ảnh và những tiếng động cùng câu nói đó của bố không thể có. Chiếc bàn vẫn đứng đó với mấy chiếc ghế con xếp xung quanh bị bỏ không. Cụ đang nằm trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa nhưng dù có nhắc đến bao nhiêu lần thì giọt lệ của người mẹ già nua cũng không thể cầm được.

Hôm nay cụ không còn ngồi đó, cụ không còn trên cõi dương thế đầy nghịch cảnh, và những nỗi đau, nhưng một ngày nào đó, người biết Chúa và tuyên xưng danh Ngài sẽ được đoàn viên. Khoảng cách của hai thế giới hôm nay cụ đã đi xuyên qua và nhịp cầu ấy là Cứu Chúa. Lí trí thì vững chắc trong lời Chúa hứa, Ngài đã bảo ta rằng Ngài sẽ nâng ta, những con người đã dám tuyên xưng danh Ngài trong những ngày sống trong thế gian. Dù là vậy, nhưng tất cả những cái gì thuộc về của cụ trong cả gần một trăm năm ảnh hưởng sẽ mãi mãi là dấu ấn, tạo nên một chuỗi nhớ thương trong gia đình. Chắc hẳn người nhớ và bị hụt hẫng nhiều nhất trong dương thế hôm nay vẫn là quả phụ, người mà cụ đã hơn hai phần ba thế kỷ đầu gối, má kề tay chung tay xây dựng nên gia đình và gia phong của cụ.

Mỗi con người trong thế gian đều có những khoảng thời gian nhất định để ghi lại dấu ấn, họ đều có quyền gây lại những ấn tượng của cuộc đời để ảnh hưởng. Nhiều người chỉ quen mải mê để gây cảm mến cho những ai gần mà quên gây ấn tượng với Đấng Tạo Hóa và là đấng Cứu Chuộc của họ. Họ đã vô tình đánh mất tất cả những gì trong một tương lai mà nhịp cầu do Cứu Chúa Giê-su đã kiến tạo. Bố tôi đã ghi vào tâm khảm của những người con, tính khôi hài, lòng khoan dung và cái nhìn sắc xảo vào đời. Cụ đã biết nhờ đến Cứu Chúa để đi xuyên qua cuộc đời, xuyên qua hai thế giới. Tình cảm do Chúa ban cho, và trong vòng tay yêu thương của Ngài cụ đang mỉm cười, chắc chắn, cụ đang muốn chuyển lại cho quả phụ, cho những người con đang khóc thương một vài câu chấm phá. Khóc thương thuộc về nhân gian, thuộc về những ai cố tình chối bỏ ân điển của Đức Chúa Trời nhưng tình yêu, đức tin và hy vọng là những gì luôn luôn thuộc về Thiên Chúa.

Hy vọng của cuộc đời con người là có thể được đi xuyên qua hai thế giới, thế giới của tranh giành, tao loạn đến với thế giới của yên nghỉ, vui ca bên Chúa của muôn đời. Người khôn biết sống, và trước khi ra đi biết tạo cho con cháu một sự khẳng định, họ đã đến cùng Cứu Chúa để được Ngài hướng dẫn đi xuyên qua cuộc đời giữa hai thế giới ấy. Sự khẳng định của người ra đi không chỉ cho riêng cá nhân mình mà còn để lại cho quả phụ, cho con cháu của họ, những người đang còn ở trong cái thế giới tranh dành và tao loạn được an tâm rằng người ra đi ấy thật sự đến được với nơi an nghỉ ngàn đời bên Chúa và lời hứa sắt son của Ngài.

Cái nhớ của tôi không phải là nhớ trong đau đớn. Tôi đang nhớ về một con người khôn ngoan biết mở lòng ra đón nhận Cứu Chúa là bạn của mình đúng lúc, đúng thời.

Chào tạm biệt cụ, một con người khôn ngoan.

UONG NG

Uông Nguyễn.

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn