Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / Trang Chủ / CẦU NGUYỆN BUỔI SÁNG

CẦU NGUYỆN BUỔI SÁNG

good

Lạy Chúa, đây là lời cầu nguyện buổi sáng của con, tôi tớ hèn mọn của Ngài, con nói hèn mọn bởi vì có nhiều khi con đã nghĩ rằng con không xứng đáng làm tôi tớ của Ngài, mà chỉ là một con chiên trong đồng cỏ Ngài, như những con chiên khác ngây thơ trong đồng cỏ, ngày đêm ở trong sự dẫn dắt của Đấng Chăn Chiên nhân từ thương xót.

Con lại thức dậy sau giấc ngủ không trọn vẹn, biết rằng Chúa ở cùng mà sao vẫn không thể ngủ ngon, cứ thức dậy với cái cell phone đầu giường xem giờ, 3, rồi 4 rồi 5. Đến 6 giờ thì bắt buộc phải rời giường, vì hôm nay đã là thứ tư rồi mà vẫn chưa có đề tài cho bài giảng. Mọi tuần khác, trong thời gian này, bắt đầu từ thứ hai là con đã phải có một đề tài rồi, và cứ mỗi buổi sáng, thì giờ mà con có thể tập trung tốt nhất, thì lại thêm vào một chút, cắt đi một chút, khi nhìn thấy đã được đến trang thứ 3, thứ 4, thì mừng, vì hy vọng kịp vào tối thứ sáu, để thứ bảy có thể xem lại đọc lại suy gẫm lại để giảng cho Hội Thánh vào Chúa Nhật, có lần, khi bài giảng chưa kịp hoàn tất vào thứ sáu, thì sáng sớm thứ bảy vợ con lên một cơn co giật phải đưa vào cấp cứu, cả ngày đó con phải chạy ra chạy vào, không còn tinh thần và sức lực để ngồi xuống, suy nghĩ và soạn tiếp, mà con không muốn giảng cho Hội Thánh một bài giảng thiếu thốn, gắng gượng, nghèo nàn, con phải gọi cho một Mục sư bạn -biết chắc là tuần này ông ta rảnh- cầu cứu.

Con không muốn thế nữa, Hội Thánh sẽ buồn, xin Chúa cho con một đề tài sáng nay, trước khi con chạy vào nhà thương, nhìn người vợ nằm nhắm mắt thiêm thiếp trên giường bệnh mà chẳng làm gì được. Chúa muốn con sẽ giảng gì cho Hội Thánh tuần này? Xin hãy nói cho con biết.

Thưa Cha, lâu rồi, nhiều năm trước, khi vợ con còn khỏe mạnh, còn làm việc, và làm việc năng động như một mailman của post office, dù là một phụ nữ nhỏ bé, lái chiếc xe kềnh càng của post office với tay lái bên phải, vác một bao thư nặng trĩu trên vai đi từng nhà từng nhà trong trời nắng lẫn khi mưa tuyết ngập đôi ủng rộng, về nhà kể chuyện vui khi bị chó sủa, chó rượt, nhưng chưa lần nào bị chó cắn, tạ ơn Chúa. Lúc đó bệnh diabetes cũng chẳng làm phiền con nhiều, con còn viết rất mạnh trên các báo, còn viết bài học Khám Phá Kinh Thánh cho LifeWay, viết vài kỳ, rồi không hiểu sao người chủ bút không mời viết nữa, dù có nhiều tín hữu nói rằng họ thích những bài học ấy. Sau này trong một lần hai người bạn đồng lao ngồi lại với nhau con có hỏi, thì ông ấy thành thật nói rằng: tôi rất cảm thông với hoàn cảnh Mục sư bấy giờ (bây giờ thì con thật không nhớ hoàn cảnh lúc ấy thế nào mà con đã không tự chủ được mình, so với hoàn cảnh bây giờ thì chỉ là chuyện nhỏ, rất nhỏ), nhưng bài học Kinh Thánh là viết chung cho nhiều người học, không nên để những cảm xúc riêng của mình vào nhiều quá.

Từ đó con đã hứa với Chúa với mình rằng sẽ không lập lại điều ấy, trong các bài học đặc biệt là bài giảng, dù biết rằng điều ấy là khó cho một Mục sư có một tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ. Con đã tự kiềm chế được trong các bài giảng, nhưng trong các bài viết, nơi mà con để cho lòng mình tự do trải dài như đường freeway mênh mang, trải rộng như mặt biển mênh mông và mạnh mẽ như dòng thác đổ ầm ầm xuống vực, con không muốn kiềm chế mình, vì lúc ấy con mới thấy mình thật sự là mình. Chúa đã không ngăn cản Giê-rê-mi khi ông viết những lời rất thật về con người của mình, khi ông than khóc về hoạn nạn mình và cầu khẩn Chúa, con tin rằng Chúa cũng không ngăn cấm con khi viết những điều đó, về nội tâm mình, hoàn cảnh mình, những lời chân thật của mình. Con tin rằng Chúa yêu mến những điều chân thật trong lòng con người, nói hết những cảm xúc, để tìm một lời ủi an một sự đồng cảm nơi anh chị em, và trên hết, sự ủi an của Chúa. Chúa há chẳng đã tạo dựng con người với những tình cảm xúc cảm một con người. Chúa cũng khóc khi nhìn thấy nỗi đau của con người.

Vậy thì xin Chúa cho con một đề tài, giảng gì để nuôi bầy chiên của Ngài, chứ không phải để bày tỏ cảm xúc của mình. Dù người chăn có đau yếu, thì chiên vẫn cần nuôi, mỗi tuần họ chỉ có một bài giảng, xin Cha giúp con.

Con nài xin Chúa giúp con một điều quan trọng, ấy là giữ đức tin con vững vàng trong những bão tố, như Phao-lô nói trong 2 Ti-mô-thê 1:11-12 ấy là vì Tin-lành đó mà ta đã được lập làm người giảng đạo, sứ đồ và giáo sư, ấy lại là cớ mà ta chịu khổ. Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn, vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó. Ba ngày nay, đôi mắt con bỗng dưng bị đau, ngứa, chảy nước mắt, con nhớ đến một bà Mục sư, một tôi tớ Chúa, đã bị cưa chân và mù mắt và qua đời trong một nursing home, lẽ nào đến lượt con, hỡi Chúa nhân từ. Què chân chưa đủ, lại còn mù mắt, thì sẽ thế nào (con không hiểu sao lại bật lên cười khi nghĩ đến hình ảnh hết sức thê thảm đó, có khi người ta không làm gì được nữa, thì thay vì khóc, họ lại cười chăng, tiếng cười này có khi còn đau hơn tiếng khóc phải không thưa Chúa) Vợ con đang nằm thoi thóp kia, ôi Chúa. Con ngay lập tức tìm địa chỉ của một trung tâm khám mắt, nài nỉ cho được một cuộc hẹn gấp ngay trong ngày. Lúc ấy Chúa ở gần con lắm, vì con cứ vài phút lại nói với Chúa, ngay cả khi mở mắt, không nhắm, ngước lên trời cao, trên những đám mây, sự tiếp trợ tôi đến từ Chúa. Các y tá và bác sĩ kiểm tra rất kỹ, kỹ quá làm con hơi hồi hộp, cả tiếng rưỡi đồng hồ, rồi ông cười bảo no diabetic damage, your eyes are very healthy… Con nói tạ ơn Chúa, ông ta nói, yes, tạ ơn Chúa. See you next year, vậy là đôi mắt con còn an toàn cho đến một năm sau.

Trong khi chờ đợi kết quả khám mắt, con đã suy nghĩ, nếu mắt mình lại bị damage, thì mình sẽ thế nào, có mất bình tĩnh không, có kêu than không, như lần biết mình bị nerve neurophathy, con đã buột miệng thốt lên một câu trong vô thức: Chúa ôi, sao nỡ nào triệt đường sống của con. Và sau đó con đã ăn năn vì đã nói như một người vô tín. Chẳng qua vì, trong máu thịt con người, con đã không kiềm chế được. Cha không bao giờ triệt đường sống của ai. Xin Cha tha thứ cho con.

Cha ơi, con còn muốn nói nữa, nhưng đã đến giờ vào nhà thương rồi. Con sẽ mang laptop vào trong đó, khi có thì giờ sẽ viết, bây giờ vào đây thì cũng chẳng có việc gì làm, không giúp ngồi dậy, đứng lên, đặt tay vào walker hay cho ngồi vào wheelchair, không đút ăn đút uống, vì chỉ nằm yên trên giường với mọi thứ ăn uống truyền vào cái feeding tube nơi mũi, và sẽ vào bụng, sớm thôi. Những khi hiếm hoi bệnh nhân mở mắt nhìn thì lại gần nắm tay, xoa trán, vuốt tóc, hôn lên trán, và nói: hãy bình an.

Cha ơi, con cũng xin Cha đến với con, ngay giờ này, và nói với con: hãy bình an. Ta để sự bình an lại cho các ngươi, ta ban sự bình an ta cho các ngươi, ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.

Xin Cha cho con cứ nắm lấy tay Chúa, dù chỉ còn nắm được một ngón, và nói như Gia-cốp rằng: con sẽ không để cho Cha đi đâu, cho đến chừng nào Cha ban phước cho con, bất cứ cách nào Cha muốn.

Dù hai bàn chân con đang râm ran tê, con vẫn đang chiến đấu với sự trợ giúp của Chúa và với biết bao nhiêu lời cầu nguyện hỗ trợ của các thánh đồ yêu mến con, yêu mến chức vụ con, xin cho con chớ bối rối và đừng sợ hãi.

Và Cha ơi, nhớ cho con đề tài bài giảng hôm nay.

Mục sư Lữ Thành Kiến

Hoàn tất và gởi đi trong Greenville Memorial Hospital   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn