Thứ Sáu , 19 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / Ru-Tơ

Ru-Tơ

Nguyện Đức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn.”

Ru-tơ 2:12

images (13)

Chúa đã ban câu trả lời cho công việc của Ru-tơ, nhưng cô sẽ chẳng có việc gì làm nếu như trước hết không đặt đức tin nơi Chúa, vì “đức tin không có việc làm thì chết” (Gia-cơ 2:26). Lời làm chứng của cô trong Ru-tơ 1:16-17 là một trong những lời làm chứng lớn nhất từ Kinh thánh và cuộc đời cô là một trong những cuộc đời tinh sạch và ngọt ngào nhất. Vì Ru-tơ tin cậy Chúa, Chúa đã trả lời cô để mang đến những thay đổi lạ lùng trong đời sống của cô.

Người bên ngoài bước vào. “Dân Am-môn và dân Mô-áp sẽ không được phép vào hội Đức Giê-hô-va” (Phục 23:3), nhưng Ru-tơ đã từ chối hình tượng của truyền thống gia đình và tiếp nhận  Chúa. Cô là người cải đạo và trở nên một thành viên của dân tộc Israel. Nhưng hơn nữa, nói theo cách thuộc linh, cô đã tiến vào nơi chí thánh trong đền tạm, dưới cánh của chê-ru-bin che phủ Hòm giao ước (Thi 36:7; 61:4; 91:1-4). Tôi cũng có kinh nghiệm tương tự khi tôi tin cậy Đấng Christ. “Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi” (Êph. 2:13).

Người than khóc tìm thấy bình an. Chương mở đầu của sách Ru-tơ là một câu chuyện bi thương đầy nước mắt. Ê-li-mê-léc cùng với vợ là Na-ô-mi và hai con trai lìa bỏ Bết-lê-hem đến kiều ngụ trong xứ Mô-áp. Sau đó chồng của Na-ô-mi chết và các con trai cũng chết, để lại ba góa phụ. Thời đó góa phụ và những người phung bị xã hội coi thường. Na-ô-mi quyết định trở về Bết-lê-hem và Ru-tơ khăng khăng được tháp tùng mẹ chồng. Khi họ trở về, Na-ô-mi nói với các bạn mình, “Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra”. Ma-ra trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là cay đắng (Ru-tơ 1:20). Nhưng Ru-tơ có sự bình an của Đức Chúa Trời trong lòng và ngay lập tức bắt đầu phục vụ mẹ chồng của mình. Chị dâu của Ru-tơ ở lại Mô-áp để có thể tái hôn và tìm sự may mắn theo cách loài người (1:9), nhưng phước hạnh mà Ru-tơ kinh nghiệm tại Bết-lê-hem thì lớn hơn rất nhiều.

Người lao tác kinh nghiệm sự thỏa lòng. Ru-tơ học biết rằng theo luật của người Hê-bơ-rơ cho phép người nghèo mót lúa giữa các bó lúa trong mùa gặt, và cô muốn phụng dưỡng Na-ô-mi trong khả năng của cô theo cách tốt nhất. Ở đây chúng ta thấy có sự sắp xếp của Đức Chúa Trời, vì “chỉ tình cờ” cô mót lúa trong đồng ruộng của Bô-ô, một người họ hàng của Na-ô-mi, và “chỉ tình cờ” Bô-ô xuất hiện đúng lúc khi cô đang mót lúa. Tình yêu đến “từ cái nhìn đầu tiên” và ông bảo cô chỉ cần mót lúa ở trong đồng ruộng của ông mà thôi. Ông truyền lịnh cho những người làm công phải bảo vệ  và cung ứng cho cô một cách chủ ý qua việc thả các gié lúa tốt để cô lượm lấy. Bô-ô bảo đảm rằng Ru-tơ có chỗ nghỉ ngơi và đồ ăn thức uống, dù cô là một người xa lạ! Ru-tơ đã tìm được ân huệ (ân điển) trong mắt của Bô-ô (2:2, 10, 13). Đây chính là phương cách mà sự cứu rỗi bắt đầu.

“Không có người nào” được tôn trọng như thế. Ru-tơ không chỉ trở nên người tin và là thành viên của cộng đồng Israel, nhưng cô còn kết hôn với Bô-ô và sinh ra ông nội của Vua Đa-vít! Hơn nữa, tên của cô được tìm thấy trong gia phả của Chúa Jesus Christ (Math. 1:5). Khởi đầu, Ru-tơ là một góa phụ nghèo (chương 1) sống bằng những bông lúa sót (chương 2). Cô nhận được món quà từ Bô-ô (chương 3) và cuối cùng kết hôn với ông, chia sẻ mọi sự giàu có của ông (chương 4). Đây là ân điển của Đức Chúa Trời! Những điều này là “sự đền đáp” của Đức Chúa Trời cho đến ngày cô về thiên đàng và nhận lãnh “phần thưởng đầy đủ.”

Sự đền đáp được ban xuống ở đây và phần thưởng đầy đủ thì ở trên trời. Đó là cách của Chúa – Chủ nhân đáng kính mà chúng ta đang phụng sự! Hãy chắc rằng chúng ta là những đầy tớ mà  phần thưởng đã được dành sẵn.

Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình, nhưng cho được phần thưởng đầy đủ.”

2 Giăng 8

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi 

ru

NGƯỜI PHỤ NỮ TUYỆT VỜi

Ru-tơ lớn lên trong một gia đình ở xứ Mô-áp, thuộc một dân tộc ngoại bang. Theo cách nhìn thời bấy giờ Ru-tơ là một cô gái xinh đẹp, dịu hiền, nết na. Chắc chắn ảnh hưởng của gia đình đã có một tác động rất lớn trên tính cách của Ru-tơ. Năm lên 18, Ru-tơ  kết hôn với Ma-lôn, một thanh niên người Do Thái là con trai của Ê-li-mê-léc khi gia đình của người này từ Bết-lê-hem thuộc Giu-đa đến trong xứ Mô-áp để tìm kiếm lương thực trong khoảng thời gian mà Bết lê-hem phải trải qua một nạn đói kéo dài. Từ Bết-lê-hem nhìn qua Biển Chết người ta có thể nhìn thấy đồi núi của Mô-áp ở chân trời phía Đông. Câu chuyện của Ru-tơ diễn ra trong những năm từ 1250-1050 TC.

Làm dâu trong một gia đình của tuyển dân, Ru-tơ được người mẹ chồng là Na-ô-mi dạy dỗ về Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Ru-tơ tiếp nhận sự giáo dục này từ gia đình của chồng và cô đặt lòng tin cậy vào Đức Giê-hô-va của gia đình chồng. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt trong cuộc đời  Ru-tơ.

Không may cho Ru-tơ, sau khi về làm dâu nhà Ê-li-mê-léc chưa được bao lâu, thì chồng của Ru-tơ qua đời trên đất khách quê người. Ọt-ba, một nàng dâu khác người Mô-áp của gia đình này cũng chịu cảnh góa chồng giống như Ru-tơ.

Đến lượt Ê-li-mê-léc, chồng của Na-ô-mi cũng qua đời tại Mô-áp trong thời gian gia đình này tạm cư ở đó. Như vậy, Na-ô-mi trở thành người phụ nữ bất hạnh khi chồng và hai con trai đều chết trên đất Mô-áp. Nhưng bà vẫn còn lại hai cô con dâu: Ọt-ba và Ru-tơ.

Sau 10 năm tạm cư trên đất Mô-áp, Na-ô-mi mất cả nguồn hy vọng sinh sống và đối diện với một tương lai vô định.

Lúc bấy giờ Na-ô-mi nghe tin rằng Đức Giê-hô va đã cung cấp lương thực giúp đỡ tuyển dân của Ngài ở quê hương. Nạn đó đã đi qua và Na-ô-mi thấp thỏm chuẩn bị trở về. Hai nàng dâu của Na-ô-mi  tháp tùng với mẹ chồng vì tình nghĩa gia đình ràng buộc. Nhưng Na-ô-mi là một người phụ nữ nhạy cảm, bà không muốn để cho hai  con dâu phải theo mình trở về quê. Với một tấm lòng yêu thương và phóng khoáng bà nói với hai cô dâu:

– Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi. Cầu xin Đức Giê-hô-va lấy ơn đãi ngộ hai con như hai con đã đối đãi  với các người thác của gia đình chúng ta và với ta! Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được bình yên, hạnh phúc ở nơi nhà chồng mới.

Lúc đầu cả Ọt-ba và Ru-tơ đều sẵn lòng theo mẹ chồng về quê chồng. Nhưng sau sự thuyết  phục của Na-ô-mi, cô dâu lớn là Ọt-ba đã chọn lựa ở lại Mô-áp. Kể từ đây cái tên Ọt-ba không còn được nhắc đến nữa trong Kinh Thánh.

Ru-tơ thì khác, người phụ nữ này bày tỏ tình yêu của nàng dành cho mẹ chồng và niềm tin vào Đức Chúa Trời của Na-ô-mi:

Xin chớ nài ép tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân tộc  của mẹ, tức là dân tộc của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ cũng là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Nếu không phải vì cái chết phân ly mẹ và tôi, thì cầu xin Chúa  phạt tôi thật nặng. 

Thật kỳ diệu thay tình yêu của  Ru-tơ dành cho mẹ chồng và  niềm tin mãnh liệt vào Đức Chúa Trời của tuyển dân, mặc dù cô xuất thân là một người ngoại bang.

Đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời đã làm nên sự khác biệt trong cuộc đời của người phụ nữ này!

Thế là Ru-tơ tháp tùng với Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem, xứ Giu-đa. Ngày Na-ô-mi ra đi tha phương cầu thực, bà đi cùng với chồng và hai con trai. Ngày trở về hầu như bà bị phá sản hoàn toàn, chỉ còn lại mỗi một nàng dâu!  Nhưng Ru-tơ  lại là một viên ngọc quí mà Đức Giê-hô-va đã dành tặng cho bà, mà có thể lúc này bà chưa nhận ra điều đó. Ru-tơ, một góa phụ 20 tuổi xinh đẹp, chưa có con trở về quê chồng, không biết điều gì sẽ chờ đợi mình. Một tương lai tươi sáng hay một viễn cảnh ảm đạm! Ru-tơ đang phiêu lưu trên những bước đi của mình, nhưng trong lòng người thiếu phụ này cảm nhận sự bình an và cô ấy sẵn sàng chấp nhận những thử thách mới.

Hai mẹ con Na-ô-mi trở về quê nhằm lúc đầu mùa lúa mạch. Những người dân nơi đây đang trong mùa thu hoạch và công việc của Ru-tơ bắt đầu. Ru-tơ xin phép mẹ chồng:

Con sẽ đi ra đồng mót lúa. Hy vọng là có một ai đó tử tế cho con lượm những bông lúa sót rơi vãi đằng sau các thợ gặt.

Trong sự sắp xếp thần thượng của Đức Chúa Trời, tình cờ Ru-tơ mót lúa trong sở ruộng của Bô-ô. Đây là một người đàn ông quí phái và cao thượng, bà con gần với gia đình của Ê-li-mê-léc, người chồng quá cố của Na-ô-mi. Mối tình của Ru-tơ và Bô-ô bắt đầu từ đây.

Sau khi biết người phụ nữ mót lúa trong ruộng của mình là Ru-tơ, Bô-ô ra lệnh cho các thợ gặt:

Hãy để cho cô ấy lượm giữa các bó lúa đã gặt. Thỉnh thoảng giả vờ để rơi một vài gié lúa trong tay các ngươi cho cô ấy  lượm.

Ru-tơ được ưu đãi cách đặc biệt mà không có một người mót lúa nào có được vào lúc ấy. Cô không những được lượm các gié lúa giữa các bó lúa mà còn được ăn  uống chung với các thợ gặt. Kết quả cho công việc của nàng trong ngày hôm đó  là 22 lít lúa mạch đem về trao cho mẹ chồng – một kết quả không tồi, ngoài mong đợi của hai mẹ con Na-ô-mi.

r 3

Trong suốt vụ mùa của năm đó Ru-tơ tiếp tục công việc của nàng trong những thửa ruộng của Bô-ô. Bô-ô quan sát người thiếu phụ Mô-áp và ông vui thích bày tỏ lòng hào hiệp, yêu thương của mình đối với Ru-tơ. Bà Na-ô-mi suy nghĩ nhiều về con dâu của mình, trong lòng bà đang có một dự tính…

Na-ô-mi nói chuyện với Ru-tơ:

Nè con, mẹ phải tìm cho con một người chồng xứng đáng. Người đó không ai khác hơn là Bô-ô – một người bà con gần của gia đình ta. Theo tìm hiểu của mẹ thì tối nay Bô-ô sẽ làm việc ở sân đạp lúa. Con hãy tắm rửa sạch sẽ, xức dầu thơm, thay quần áo mới và đi xuống khu vực sân đạp lúa. Cố gắng không để cho ông ta biết con có mặt ở đó cho đến khi ông ta ăn tối xong. Sau đó  hãy để ý xem ông ấy nằm ngủ ở đâu. Con hãy đi nhẹ nhàng tới chỗ ngủ của ông ấy, giở mền che chân ông ta và nằm xuống. Ông ta sẽ bảo cho con biết con phải làm gì.

Ru-tơ vâng lời mẹ chồng. Bằng cách đó nàng đã chiếm được cảm tình đặc biệt của Bô-ô. Tình yêu đến từ hai phía, nhưng trong trường hợp này Ru-tơ đã phát tín hiệu trước. Na-ô-mi là một người mẹ khôn ngoan đã vạch ra kế hoạch này, còn Ru-tơ là một nàng dâu tuyệt đối phục tùng mẹ.

Nửa đêm hôm đó Bô-ô giật mình thức giấc, trong mơ màng ông nhìn thấy một người với mùi hương quyến rũ của phụ nữ nằm dưới chân:

Cô là ai vậy.

Tôi là Ru-tơ, kẻ tôi tớ của ông. Xin ông hãy bảo hộ tôi, vì ông là một người bà con gần có thể lo cho tôi được.

Nói như thế, Ru-tơ đã mạnh dạn cầu hôn với Bô-ô. Nàng muốn nói rằng xin anh hãy lấy em làm vợ. Vì anh có khả năng bảo đảm cho tương lai của em.

Dường như Ru-tơ đã chơi một ván bài lật ngửa. Nàng chẳng cần phải úp mở trong chuyện tình yêu. Nếu chẳng may Bô-ô từ chối, không biết Ru-tơ sẽ như thế nào!

Dĩ nhiên, Bô-ô quí phái và cao thượng có cách hành xử rất khôn ngoan. Ông không quá vội vàng hay nôn nóng trong chuyện này, mặc dù biết Ru-tơ là một góa phụ xinh đẹp, trẻ tuổi, nết na, hiền đức:

–  Cô gái ơi, nguyện xin Chúa ban phước cho cô. Cô đã không chạy theo các chàng trai trẻ, nhưng đã đến với ta. Bây giờ đừng sợ. Ta sẽ làm theo điều cô yêu cầu. Nhưng gượm đã, vì ta không phải là người được ưu tiên có thể lấy cô làm vợ. Cô còn có một người nam bà con gần hơn ta nữa. Hãy cứ ở đây đêm nay, rồi đến sáng mai ta sẽ hỏi xem anh ấy có thể lấy cô hay không. Nếu anh ấy đồng ý thì sẽ rất tốt. Còn nếu không, ta sẽ kết hôn với cô để lo cho tương lai của cô.    

Ru-tơ ở lại sân đạp lúa nằm ngủ dưới chân Bô-ô cho đến mờ sáng rồi cô trở về nhà mình. Bô-ô không quên cấp dưỡng thêm cho Ru-tơ 6 phần lúa mạch đổ đầy vào một khăn choàng vừa sức cho cô đội nó trên đầu. Na-ô-mi hỏi ngay khi Ru-tơ về đến nhà:

Thế nào, con gái thân yêu?

Ru-tơ thuật lại cho mẹ nghe tất cả câu chuyện đêm qua. Na-ô-mi vui mừng nói:

Con hãy chờ đợi những diễn tiến sắp tới. Bô-ô chắc sẽ không nghỉ ngơi gì được cho đến khi ông ta giải quyết xong việc này.

Sáng hôm ấy Bô-ô ra cửa thành và ngồi đó. Người bà con gần với gia đình Ê-li-mê-léc đi ngang qua. Đây là người được ưu tiên lấy Ru-tơ làm vợ theo tập tục của Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ. Bô-ô nói với người này:

Anh ơi, hãy ngồi xuống đây. Tôi có chuyện muốn nói.

Bô-ô cũng tập họp 10 bô lão trong thành cùng ngồi lại tại đó và bắt đầu trình bày duyên cớ của mình. Ông nói với người bà con gần của gia đình Ê-li-mê-léc:

Na-ô-mi vừa mới trở về từ Mô-áp, muốn bán miếng đất trước kia thuộc gia đình của Ê-li-mê-léc – là người bà con của chúng ta. Nếu anh muốn chuộc miếng đất đó thì anh hãy làm đi trước mặt mọi người đang chứng kiến ở đây. Còn nếu anh không muốn thì hãy cho tôi biết. Vì anh được quyền ưu tiên trước rồi mới đến  lượt tôi.”

“Tôi  sẽ mua nó.”  Người bà con đáp.

“ Tốt lắm, nếu anh muốn mua miếng đất đó, thì anh cũng phải lấy luôn Ru-tơ – vợ của người quá cố Ma-lôn, con trai Ê-li-mê-léc làm vợ anh. Như vậy đất sẽ lưu truyền tên của người đã chết.”  Bô-ô giải thích.

Nếu vậy thì tôi không mua. Vì làm như thế tôi sẽ mất đi phần tài sản mà tôi truyền lại cho các con trai tôi. Vậy nên anh hãy mua nó đi và Ru-tơ sẽ là của anh.

Lúc bấy giờ Bô-ô nói với các bô lão và mọi người đang có mặt trước cửa thành:

Xin mọi người hãy làm nhân chứng cho tôi việc này. Hôm nay tôi mua từ tay của Na-ô-mi mọi thứ thuộc về gia đình của Ê-li-mê-léc. Tôi cũng sẽ lấy Ru-tơ, một thiếu phụ người Mô-áp trước kia là vợ của Ma-lôn, con trai của Ê-li-mê-léc  làm vợ tôi. Tôi làm thế này để tài sản người chồng quá cố của cô ta sẽ mang tên tuổi người ấy. Và như thế tên của người đã thác không bị xóa bỏ khỏi gia tộc và quê quán của mình.

Từ một góa phụ bất hạnh Ru-tơ đã trở thành một người vợ hiền đức của Bô-ô theo cách đó. Sau khi kết hôn, Ru-tơ thụ thai và sinh ra Ô-bết, đứa con đầu tiên trong cuộc đời của nàng. Theo văn hóa của Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ, người con trai đầu lòng của Ru-tơ chính thức được coi như là con trai của Ê-li-mê-léc. Và người con trai này được thừa kế tài sản của Ê-li-mê-léc để lại. Như vậy tên của Ê-li-mê-léc và tài sản của gia đình được lưu truyền mãi mãi. Ô-bết  chính là ông nội của vua Đa-vít sau này.

Thật lạ lùng, một phụ nữ ngoại bang được liệt kê vào trong gia phả của Chúa Jesus! Ru-tơ xứng đáng nhận được phần thưởng đó vì đức tin nơi Đức Chúa Trời và phẩm hạnh của cô là trên cả tuyệt vời.

TƯỜNG VI

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn