Thứ Năm , 28 Tháng Ba 2024
Home / Tổng hợp / Một Người Con Trong Gia Đình Của Chúa

Một Người Con Trong Gia Đình Của Chúa

Một Người Con Trong Gia Đình Của Chúa 

images (1)

Ambrose Bierce là một người từng phát biểu những lời bi quan: “Sự sinh ra của loài người là “khởi đầu của mọi tai họa.” Có lẽ là những đứa trẻ của nhà hàng xóm đã khiến cho Ambrose viết một định nghĩa bi quan như vậy. Tuy nhiên, sự sinh ra của loài người đúng là cũng có góp phần trong một “tai họa lớn” bởi vì mỗi chúng ta đều được sinh ra với nguyên tội. Những người mới trở thành cha mẹ sẽ sớm khám phá ra thực tế đáng buồn này về những đứa con bé nhỏ, đáng yêu của họ. “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5). “Tai họa lớn” đã xảy ra khi những cha mẹ đầu tiên của chúng ta bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời và làm cho cả nhân loại phải phạm tội. (Sáng Thế Ký 3; Rô-ma 5:12-21). Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài (Sáng Thế Ký 1:27), nhưng chúng ta lại được sinh ra theo hình ảnh của A-đam (Sáng Thế Ký 5:3); và điều này làm cho chúng ta trở thành tội nhân. Câu chuyện trong Thánh Kinh Cựu Ước cho chúng ta thấy rằng chúng ta thực sự mang tội lỗi như thế nào là bởi vì “Đây là sách chép dòng dõi của A-đam” (Sáng Thế Ký 5:1). Khi chúng ta được sinh ra, chúng ta được sinh ra trong “gia đình của A-đam” điều này cũng giống như chúng ta nói rằng, chúng ta được sinh ra với nguyên tội. (Ê-phê-sô 2:1-3). Nhưng đó chưa phải là đoạn kết của câu chuyện. Thánh Kinh Cựu Ước có thể là “sách chép dòng dõi của A-đam” nhưng Thánh Kinh Tân Ước lại bắt đầu với “Gia phổ Đức Chúa Giê-su Christ” (Ma-thi-ơ 1:1). Sau khi những người cha người mẹ đầu tiên của chúng ta nằm xuống, Đức Chúa Trời đã lập nên một gia đình mới trong ân điển của Ngài! Gia đình đó có thể là dành cho bạn và cho tôi –những kẻ kế tự của A-đam tội lỗi –được sinh lại và bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới! A-đam đầu tiên là người đem tội lỗi và án phạt cho nhân loại, nhưng A-đam sau hết là Chúa Giê- su Christ. (I Cô-rinh-tô 15:45) đem lại sự công chính và cứu chuộc. Tin lành của Phúc Âm là tội nhân được tha thứ và kinh nghiệm được lẽ mầu nhiệm của sự sinh lại trong gia đình Đức Chúa Trời thông qua đức tin của cá nhân người đó trong Chúa Giê-su Christ. Hãy cùng xem xét ba khía cạnh của lẽ mầu nhiệm về sự sinh ra mới này và khám phá xem người con trong gia đình của Đức Chúa Trời nghĩa là gì.

wish-teddy-3126

1. Trở thành thành viên trong gia đình của Chúa (Giăng 3:1-6). Cách duy nhất để có thể trở thành thành viên của một gia đình của loài người là được sinh ra và cách duy nhất để trở thành thành viên trong gia đình của Chúa cũng như vậy. “Nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời…Các ngươi phải sanh lại.” (Giăng 3:3,7). Các nhà thần học sử dụng thuật ngữ “sự tái sanh” cho kinh nghiệm này mà nghĩa đơn giản chỉ là “sanh lại”. Cha mẹ thuộc linh. Trẻ con phải có cha có mẹ; đó là cách duy nhất để được sinh ra trong thế giới này. Con cái của Đức Chúa Trời cũng có cha mẹ thuộc linh là: Thần của Đức Chúa Trời (Giăng 3:5) và Lời của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 1:23-25). Lẽ mầu nhiệm của sự sinh ra mới này diễn ra khi Thần của Đức Chúa Trời dùng Lời Chúa tác động lên trí óc và tấm lòng của tội nhân; và Lời của Ngài sinh ra đức tin (Ê-phê-sô 2:8-9). Tội nhân tin vào Đức Chúa Giê-su Christ và nhận được một đời sống mới và được sinh lại trong gia đình của Đức Chúa Trời (Giăng 1:11- 13). Nhưng không phải Chúa Giê-su nói rằng chúng ta được sinh “bởi nước” cũng như là “bởi Thánh Linh” sao? Điều này có nghĩa là báp-têm bằng nước là cần thiết cho sự cứu chuộc? Cụm từ “sinh bởi nước” có lẽ là không liên quan tới báp-têm bằng nước bởi vì trong Kinh Thánh, báp-têm bởi nước thì liên quan đến sự chết chứ không phải là sự sinh ra. “Sinh bởi nước” nghĩa là được sinh ra theo tự nhiên, là điều mà Ni-cô-đem đã nhắc đến trong câu 4. “Sinh bởi nước” là giống với “sinh bởi xác thịt” trong câu 6. Đầu tiên, là được sinh ra tự nhiên; rồi mới đến sự sinh thuộc linh. Bất kỳ ai đã quen với sự sinh nở của loài người đều biết rằng nước có liên quan; đứa bé “được sinh bởi nước.”1 Giăng 1:13 tuyên bố rằng sự sinh lại không phải là kết quả cố gắng của chính chúng ta, cũng không phải là sự ngay thẳng, và tín ngưỡng có thể đem lại. Bạn không thể được sinh lại nhờ vào những liên hệ với gia đình bạn (“huyết”) hay là bởi các hành động tín ngưỡng mà bạn làm (“tình dục”) hay là những việc lành mà người khác có thể làm cho bạn hay là vì bạn (“ý người”). Sự sinh lại thuộc linh tuyệt diệu này chỉ có thể đến từ Đức Chúa Trời. Từ Hy Lạp chuyển ngữ từ “lại” trong câu 3 và câu 7 còn có nghĩa là “từ trên cao” (xem thêm Giăng 3:31 và 19:11). Chẳng có một nghi lễ tôn giáo trên đất nào có thể cho bạn cuộc sống trên thiên đàng. Báp-têm bằng nước đóng vai trò quan trọng như một bằng chứng về những gì mà Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta (Công Vụ 2:41; 10:47), nhưng nó cũng không thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Sự đau đẻ thuộc linh. Sự sinh nở của loài người gắn liền với những cơn đau đẻ. Chúng ta cảm ơn Đức Chúa Trời vì chúng ta có tất cả những trang thiết bị khoa học và hiện đại trong phòng sinh của bệnh viện, nhưng người mẹ vẫn phải trải qua cơn đau đẻ nếu đứa trẻ sắp sinh. Một bác sĩ nói với tôi rằng: “Đừng bao giờ quên rằng những người mẹ phải cận kề cái chết thì con họ mới có thể bước vào trong thế giới này.” Đó là một suy nghĩ chín chắn! Đức Chúa Giê-su của chúng ta đã phải trải qua sự đau đớn đến chết trên thập tự để chúng ta có thể kinh nghiệm được sự sinh lại mới (Ê-sai 53:11; Giăng 3:14-16). Sự tái sinh là bởi ân điển. Miễn phí nhưng không hề rẻ. Đó là một món quà giá trị nhất mà bạn có thể nhận được. “Các dấu vết” của con cái Chúa. Liệu một người có thực sự biết được rằng anh ấy hay cô ấy là một đứa trẻ trong gia đình của Chúa hay không? Dĩ nhiên rồi! Trong thư tín thứ nhất của Giăng được viết để khẳng định rằng những tín hữu là con cái của Chúa (I Giăng 5:11-13). Sứ đồ Giăng dùng cụm từ “sanh bởi Đức Chúa Trời” tới bảy lần trong thư tín này. Nếu như bạn xếp những tuyên bố này cùng nhau, bạn khám phá ra được bốn “dấu vết” của một tín hữu thực: * Làm theo sự công bình và chẳng phạm tội (2:29; 3:9) * Yêu mến Đức Chúa Trời và các tín hữu khác (4:7; 5:1) * Thắng hơn thế gian (5:4) * Ma quỉ chẳng làm hại người được (5:18) Sứ đồ Giăng không nói rằng con cái của Chúa chẳng bao giờ phạm tội. Thì của động từ được dùng trong câu 2:29 và 3:9 theo nghĩa đen có nghĩa là “người nào làm theo sự công bình” và “người không thể phạm tội được”. Đức Chúa Trời không muốn con cái Ngài phạm tội nào hết (I Giăng 2:1); nhưng nếu như họ phạm tội, Ngài cũng đã dự phòng để rửa sạch tội lỗi của họ (I Giăng 1:9). Cơ Đốc Nhân không phải là những người vô tội, nhưng là những người phạm tội ít hơn. “Khuynh hướng” của cuộc đời họ là hướng tới sự nên thánh và vâng lời. Bằng vào “những dấu vết” này, người tín đồ đã có nhân chứng là Lời Chúa (I Giăng 5:9-13) và nhân chứng là Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:9, 14-17). Hai nhân chứng này giống như “những giấy chứng sinh thuộc linh” đảm bảo rằng chúng ta là con cái của chính Đức Chúa Trời.

images (2)

2. Vui sống với gia đình của Đức Chúa Trời. Cha Thiên Thượng của chúng ta “ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng” (I Ti-mô-thê 6:17). Hãy xem lại cuộc đời của một vài Cơ Đốc Nhân bạn sẽ chẳng bao giờ nghi ngờ tại sao từ hưởng lại được sử dụng trong Kinh Thánh! Chính là thế; và những con cái Chúa chính là những người thực sự hiểu được tất cả những gì Ngài đã ban cho họ là để bày tỏ niềm vui của Ngài qua đời sống của họ. Vậy những ơn phước nào mà Cha muốn con cái của mình được hưởng? Một gia đình tự do (Rô-ma 8:12-18). Đoạn Kinh Thánh này miêu tả một mối tương giao đặc biệt với Cha gọi là “sự làm con nuôi.” Đừng nhầm lẫn với việc nhận con nuôi trong thế giới Tây Phương. Trong Thánh Kinh Tân Ước, nhận làm con nuôi là một hành động của Đức Chúa Trời mà qua đó Ngài trao cho mỗi đứa con của Ngài vị thế của người trưởng thành trong gia đình và trong chốc lát anh ấy hay cô ấy được sinh lại. Bạn không trở thành thành viên trong gia đình của Chúa bởi việc làm con nuôi mà là bởi sự tái sinh. Tại sao ư? Đó là bởi vì một đứa con nuôi không thuộc dòng dõi tự nhiên như cha mẹ nuôi của mình. Nhưng con cái Chúa thuộc dòng dõi của chính Đức Chúa Trời là bởi vì họ được sinh bởi Thần của Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 1:4). Nhận làm con nuôi là cần thiết cho vị thế của chúng ta trong gia đình. Được nhận làm con nuôi đơn giản là Đức Chúa Trời đối xử với chúng ta như những người trưởng thành, không phải như những em bé và ban cho chúng ta những đặc quyền của người trưởng thành. Ví dụ, một em bé còn nhỏ thậm chí không biết rằng nó chỉ là một em bé, và chắc chắn rằng em bé đó không biết cha mẹ ruột của mình. Cho dù em bé đó biết cha ruột mình, thì cũng không thể nói chuyện với ông ấy. Nhưng con cái của Chúa biết rằng họ là con cái của Chúa! Họ không chỉ biết ai là Cha họ mà họ còn có thể nói chuyện với Ngài và gọi Ngài là “A-ba, Cha!” Phần lớn trẻ con sống trong sự lệ thuộc và sợ hãi cho tới khi chúng đủ lớn để có thể tự chăm sóc bản thân nhưng con cái của Chúa thì được tự do không lệ thuộc và không sợ hãi. Tại sao Đức Chúa Trời lại nhận con nuôi và ban cho họ vị thế của người trưởng thành trong gia đình? Đó là để họ tự do sử dụng tất cả mọi nguồn lực của Ngài để trở thành những người con trai, con gái trưởng thành và hoàn thiện. Chúng ta được tự do bước đi với Ngài và nói chuyện với Ngài, tự do nghe Lời của Ngài và bước đi theo Thánh Linh. Dù chúng ta cần trưởng thành liên tục, chúng ta sẽ lớn lên trong một bầu không khí gia đình đầy tự do và ân điển, chứ không phải là lệ thuộc và luật lệ. Thức ăn của gia đình. Nếu như một đứa trẻ muốn lớn lên, thì chúng phải có thức ăn; và Đức Chúa Trời cung cấp Lời Ngài như là thức ăn thuộc linh cho chúng ta (Giê-rê-mi 15:16; Gióp 23:12). Lời Chúa là bánh (Ma-thi-ơ 4:4), là sữa (I Phi-e-rơ 2:2), là thịt (Hê-bơ-rơ 5:12-14; I Cô- rinh-tô 3:1-2), và mật ong (Thi Thiên 119:103). Khi chúng ta suy gẫm Lời Chúa, lẽ thật sẽ được “tiêu hóa” trong chúng ta và chúng ta nhận được sức lực (Giô-suê 1:6-9). Khi chúng ta còn là con trẻ, chúng ta nhận Lời Chúa từ những người khác là những người đã “tiêu hóa” Lời Chúa cho chúng ta (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7-8); nhưng khi chúng ta lớn lên về thuộc linh, chúng ta học cách tự ăn và tận hưởng bữa ăn Lời Chúa no đủ. Chúng ta có thể hưởng thụ “thịt” cũng như “sữa”. Tài sản của gia đình. Khi chúng ta được sinh ra lần đầu tiên (“sanh bởi tình dục”), chúng ta được sinh ra là những nô lệ nghèo khổ; nhưng khi chúng ta được sinh ra lần hai (“sanh bởi Thánh Linh”), chúng ta được sinh ra là những người con trai giàu có. Đó là sự trái ngược giữa hai con trai của Áp-ra-ham là Ích-ma-ên và Y-sác, nô lệ và kẻ kế tự (xem Ga-la-ti 4:21-31). Nếu như chúng ta được đối xử như những em bé trong gia đình của Đức Chúa Trời thì chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ được thừa hưởng sự giàu có của chúng ta; nhưng bởi vì Đức Chúa Trời đã ban cho con cái Ngài một vị thế của người trưởng thành, nên chúng ta có thể cầu xin sự giàu có của Chúa và dùng điều đó làm vinh hiển Ngài. Chúng ta là “những kẻ kế tự của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:15-17). Vậy Cha chúng ta chia sẻ với chúng ta sự giàu có về điều gì? Chúng ta hãy bắt đầu với “sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 2:7), hãy nhớ rằng Cha chúng ta là “Đức Chúa Trời ban mọi ơn” (I Phi-e-rơ 5:10), Kinh Thánh của chúng ta là “lời ơn phước” (Công Vụ 20:32), và Đức Thánh Linh là “Đức Thánh Linh ban ơn” (Hê-bơ-rơ 10:29). Ngôi của Đức Chúa Trời thường là ngôi phán xét con người chúng ta, nhưng bây giờ nó trở thành một “ngôi ơn phước” là nơi chúng ta có thể “tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng” (Hê-bơ-rơ 4:16). “Vả, bởi sự đầy dẫy của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn” (Giăng 1:16). Đó là lý do quan trọng giải thích vì sao con cái Chúa phải học Lời Chúa và biết được tất cả các ơn phước đều sẵn có cho mọi người thông qua Chúa Giê-su Christ. Chúng ta không chỉ chia sẻ sự giàu có về ơn phước của Ngài không thôi, mà chúng ta cũng nhận được sự “giàu lòng thương xót” của Ngài (Ê-phê-sô 2:4). Có sự khác biệt giữa ơn phước và lòng thương xót (nhân từ). Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta điều chúng ta đáng được hưởng theo lòng nhân từ của Ngài mà Đức Chúa Trời lại ban cho chúng ta điều mà chúng ta không đáng được hưởng theo ơn phước của Ngài. “Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt;” (Ca Thương 3:22). Con cái Chúa kinh nghiệm “phước hạnh và sự thương xót” mỗi ngày trong cuộc sống của họ (Thi Thiên 23:6). Những nhu cầu thuộc linh như “ơn phước” và “sự thương xót” có vẻ như hiếm khi xảy ra với chúng ta, đặc biệt là vào lúc chúng ta phải trả tiền hóa đơn, và vòng quay cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Đức Chúa Trời biết nhu cầu mỗi ngày của chúng ta và cung ứng cho chúng ta “theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển”. Lời hứa đó được công bố trong Phi-líp 4:19, “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ.” Đức Chúa Trời không hứa thỏa mãn “sự tham lam” của chúng ta nhưng Ngài hứa đáp ứng nhu cầu của chúng ta (Ma-thi-ơ 6:19-34). “Sự giàu có, khôn ngoan và thông biết” của Ngài luôn sẵn có khi con cái Chúa phải đưa ra quyết định (Rô-ma 11:33). Sự thông biết rất quan trọng, đặc biệt là sự thông biết Lời Chúa; nhưng chúng ta cũng cần sự khôn ngoan để sử dụng sự thông biết đó cho đúng cách. “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.” (Gia-cơ 1:5). Cuối cùng, con cái Chúa sử dụng “sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục, khoan dung” (Rô-ma 2:4). “Vì Đức Giê-hô-va là thiện” (Thi Thiên 100:5). “Sự nhân từ Chúa, Mà Chúa đã dành cho người kính sợ Chúa, Và thi hành trước mặt con cái loài người Cho những kẻ nương náu mình nơi Chúa, thật lớn lao thay!” (Thi Thiên 31:19). Đức Chúa Trời là nguồn của mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn (Gia-cơ 1:17), và chúng ta tin tưởng rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta điều nào đúng, theo đúng cách và đúng thời điểm. Dù cho bạn xem điều này như thế nào thì con cái Chúa luôn giàu có, quả thực là thế! Sự thông công của anh em trong gia đình. Là con cái trong gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta phụ thuộc lẫn nhau và chúng ta cần có nhau. Đức Chúa Trời không muốn các con cái của Ngài sống tách biệt (Hãy xem sách Truyền Đạo 4:9-12). Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời lập Hội Thánh của Ngài trên đất: đó là sự thông công trong Chúa sống động mà ở trong sự thông công đó con cái của Ngài có thể hiệp nhau thờ phượng Ngài, làm chứng về ân điển Ngài, khích lệ lẫn nhau về cõi đời đời. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, từ “sự thông công anh em” nghĩa là “có điểm chung”; và con cái Chúa có nhiều điểm chung. Họ cùng nhau chia sẻ một cuộc sống, Lời Chúa, tình yêu dành cho Chúa, cũng như cùng mối quan tâm về một thế giới lầm lạc, và cùng ao ước làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời. Một trong những dấu hiệu đầu tiên về sự suy yếu mối thông công với Cha là sự thiếu quan tâm của tín hữu về sự thông công với các con cái Chúa khác. “Chớ bỏ sự nhóm lại” là một mạng lệnh của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 10:25), và chúng ta phải tuân lời Ngài. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên là “những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ’ sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện” (Công Vụ 2:42). Sự thông công anh em nghĩa là chúng ta quan tâm lẫn nhau. Trên thực tế cụm từ “lẫn nhau” được sử dụng gần 50 lần trong Tân Ước để miêu tả các tín hữu chăm sóc lẫn nhau như thế nào. “Các ngươi hãy yêu nhau” được lặp đi lặp lại nhiều lần (Giăng 23:34-35; 15:12; 17; Rô-ma 13:8; I Tê- sa-lô-ni-ca 3:12; 4:9). Nhưng chúng ta cũng được lệnh phải vâng phục nhau (Ê-phê-sô 5:21), yên ủi nhau (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:18), lo tưởng đến nhau (I Cô-rinh-tô 12:25), tha thứ cho nhau (Ê-phê- sô 4:32) và làm gương sáng cho nhau (Rô-ma 14:19; 15:2), đó là mới chỉ kể một số thôi. Sự thông công còn đòi hỏi phải chia sẻ về chính chúng ta với người khác. “Điều cơ bản duy nhất của sự thông công giữa Đức Chúa Trời và con người” Roy Hession đã viết “đó là sống cởi mở với cả hai phía” (The Calvary Road- trích sách Con Đường Thập Tự trang 22). Thời trang của gia đình. Con cái của Đức Chúa Trời đã cởi bỏ những áo quần bẩn thỉu của tội lỗi và mặc lấy ân điển, sự công bình của Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:21; Ê-sai 61:10, 64:6). Chúng ta phải “lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy” (Cô-lô-se 3:9-10). Cô-lô-se3:1-14 miêu tả “thời trang của gia đình” dành riêng cho Cơ Đốc Nhân, quần áo của ân điển là thứ mà con người bề trong chúng ta nên mặc lấy. Giống như Đức Chúa Giê-su đã ra lệnh cởi bỏ quần áo liệm trên người La-xa-rơ (Giăng 11:44), vậy nên chúng ta cũng nên cởi bỏ quần áo liệm của đời sống cũ bởi đức tin. Tương lai của gia đình. Gia đình của Chúa là gia đình duy nhất có hy vọng tương lai, vì chẳng có hy vọng nào cho những tội nhân xấu xa trong gia đình của A-đam (Ê-phê-sô 2:12). Chúng ta có một hy vọng sống (I Phi-e-rơ 1:4) là bởi vì chúng ta tin nơi một Đấng sống. Ngài đã chuẩn bị nhà trên thiên đàng cho con dân Ngài, và Ngài sẽ trở lại đưa chúng ta đi (Giăng 14:1-6). Một ngày kia chúng ta sẽ gặp Ngài và trở nên giống như Ngài (I Giăng 3:1-3)! Không ai biết khi nào Chúa sẽ trở lại, nhưng khi Ngài trở lại, Ngài sẽ nhóm gia đình của Ngài lại, cả kẻ sống và kẻ chết và đưa họ lên nơi vinh hiển (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18). Đó chính là tương lai! Khi bạn nghĩ về những sự vui mừng mà con cái Chúa sẽ trải nghiệm –và chúng ta cũng không thể hiểu thấu về những sự vui mừng đó –bạn chỉ phải suy nghĩ đến hai điều mà thôi: tại sao càng ngày càng nhiều Cơ Đốc Nhân chẳng hề thấy vui mừng về địa vị của họ trong gia đình và tại sao càng ngày càng nhiều người chưa được cứu chẳng hề lo lắng về việc làm thế nào có thể bước vào gia đình của Chúa và bắt đầu tận hưởng một đời sống sung mãn trong Đấng Christ. Nếu như con cái của Chúa thỏa lòng và mừng rỡ hơn nữa thì những người thế gian có lẽ sẽ muốn đặt lòng tin vào Đấng Christ để được sinh lại. Làm thế nào chúng ta sống như lời làm chứng mà chúng ta đang nói?
child-of-god

3. Mở rộng gia đình của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn gia đình của Ngài lớn mạnh. Và con cái của Ngài không đợi “trưởng thành” mới bắt đầu làm chứng về Đấng Christ và đưa dẫn người khác đến với Đấng Cứu Thế. Những tân tín hữu có thể chưa sẵn sàng để hầu việc Chúa như là làm giáo viên hay những lãnh đạo thuộc linh trong Hội Thánh (I Ti-mô-thê 3:6), nhưng họ có thể trở thành những chứng nhân trung thành chia sẻ về Phúc Âm (Công Vụ 1:8). Một chứng nhân chỉ đơn giản là người đó nói về những gì mình thấy hoặc nghe thấy (Công Vụ 4:19-20). Tôi đã được gọi lên làm nhân chứng ở Tòa Án vài lần, nhưng cứ mỗi lần làm nhân chứng thì tôi lại khám phá ra rất nhanh rằng quan tòa chẳng hề quan tâm đến ý kiến của tôi về vụ án. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì tất cả những gì ông ấy muốn là tôi kể về những gì tôi thực sự biết. Rất nhiều Cơ Đốc Nhân nghĩ rằng họ là những ủy viên công tố hoặc quan tòa trong khi Đức Chúa Trời muốn kêu gọi tất cả chúng ta trở thành chứng nhân cho Ngài. Có một phát hiện là con cái của Đức Chúa Trời lại trở thành người cha thuộc linh bằng cách đưa dẫn người khác vào gia đình của Đức Chúa Trời. (I Cô-rinh-tô 4:15). Khi chúng ta chia sẻ Lời Chúa và tin vào Thánh Linh của Đức Chúa Trời, những tội nhân sẽ nhận biết tội lỗi của họ và tiếp nhận Chúa Giê-su Christ cách cá nhân. Không phải lúc nào chúng ta cũng luôn được ơn đưa dẫn tội nhân đến với Đấng Christ, nhưng chúng ta có thể dọn đường cho người khác. Làm chứng cũng giống như là làm nông vậy –đó là một sự hiệp sức. Người cày, kẻ gieo hạt, kẻ tưới nhưng Đức Chúa Trời mới là Đấng cho cây ra hoa kết trái (I Cô-rinh-tô 3:6-9; Giăng 4:31-38). Rất thú vị khi kiểm tra các thống kê được ghi lại trong sách Công Vụ. Có khoảng 120 người tin Chúa nhóm lại trên phòng cao để cầu nguyện sau khi Chúa chúng ta thăng thiên (Công Vụ 1:15). Ba ngàn người đã được biến đổi vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Công Vụ 2:41), và sau đó con số này tăng lên khoảng năm ngàn người (Công Vụ 4:4). Ngày này qua ngày khác, số người tin Chúa đều được thêm lên (Công Vụ 5:14), nhiều đến nỗi các sứ đồ phải lập chức phó tế giúp đỡ họ. (Công Vụ 6:1). “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa.” (6:7). Nếu như chúng ta muốn có thêm người vào trong gia đình Đức Chúa Trời thông qua công tác chứng đạo, đầu tiên tất cả chúng ta phải biết chắc rằng chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh; bởi vì chỉ có năng quyền của Ngài thì việc làm chứng của chúng ta mới tôn vinh hiển danh Đức Chúa Trời và khiến cho tội nhân bị cáo trách tội lỗi thực sự. Đức Chúa Trời luôn muốn chúng ta chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về sự cứu rỗi, Ngài có thể sử dụng kinh nghiệm đó chỉ khi nào điều đó liên hệ đến Lời Chúa và ca ngợi Con của Đức Chúa Trời. Điều thứ hai, chúng ta phải có ao ước chân thành muốn chinh phục linh hồn tội nhân. Làm chứng cho Đấng Christ không phải là thứ mà chúng ta muốn mở lên hoặc tắt đi giống như một cái TV. Mọi tín hữu đều là chứng nhân mọi lúc –kể cả người giỏi hoặc người kém. Gánh nặng ưu tư về những tội nhân sẽ khiến chúng ta luôn cầu hỏi Đức Chúa Trời biến chúng ta trở thành một nhân chứng tốt lành cho Chúa Giê-su Christ. Nếu chúng ta bắt đầu mỗi ngày mới bằng cách tự hạ mình trước Chúa (Rô-ma 12:1-3) và tìm kiếm ơn phước của Chúa, Ngài sẽ sử dụng chúng ta chia sẻ Phúc Âm cho người khác. Một điều quan trọng cần nhớ đó là chúng ta chỉ là những nhân chứng chứ không phải những ủy viên công tố. Một thành viên của một trong những nhà thờ mà tôi làm Mục sư ở đó thấy rằng bổn phận của anh ấy là phải quở trách những người hút thuốc nơi công cộng, nói với họ rằng hút thuốc là một thói quen bẩn thỉu và gây hại cho người khác. Sau đó anh nói với họ rằng Chúa Giê- su sẽ làm cho họ đắc thắng thói quen hút thuốc đó nếu họ được cứu. Cuối cùng, tôi nhẹ nhàng nhắc nhở anh ấy rằng cho dù những người này có ngừng hút thuốc, thì họ vẫn bị hư mất và họ cần phải tin Đấng Christ. Tôi không phải là một người khuyến khích người khác hút thuốc nhưng bạn tôi đang cố gắng làm người khác nhận ra mình có tội do làm chuyện sai trái. Từ những điều trên dẫn đến điều thứ ba, là những chứng nhân chúng ta phải luôn giữ được sự thông công liên tục với Chúa để chúng ta có những điều tươi mới mà chia sẻ. Đức Thánh Linh làm chứng cho chúng ta nhờ Lời Chúa vậy nên chúng ta có thể làm chứng cách vui mừng. (Giăng 15:26-27). Nếu như chúng ta sẵn sàng, chúng ta có thể sử dụng những cơ hội này khôn ngoan khi Ngài mở lối. Không cần phải có một “lời chào hàng được thu băng” sẵn. Đức Thánh Linh có thể cho chúng ta những lời chúng ta cần, nếu như chúng ta cầu nguyện và bước đi theo Thánh Linh. Một tân tín hữu có thể muốn mượn một kế hoạch từng bước cụ thể khi anh ấy hay cô ấy bắt đầu làm chứng nhưng chẳng bao lâu sau tín hữu đó sẽ thông thạo trong việc chia sẻ Đấng Christ nhờ có Thánh Linh soi dẫn. Chúa Giê-su tự tìm lạc điểm khi Ngài làm chứng cho người dân và chúng ta nên noi theo gương Ngài. Điều thứ tư, chúng ta cần “theo sát” các tân tín hữu và giúp họ trưởng thành trong Chúa. Sau cùng, điều mà mọi gia đình đều hướng tới đó là –được yêu thương, được bảo vệ, và nuôi dưỡng những em bé mới sinh để chúng có thể hoàn toàn trưởng thành. Đặc biệt chức vụ Mục sư giống như “người cha tinh thần”, đôi khi cần phải cảnh báo các con dân Chúa (I Cô-rinh-tô 4:14), dạy dỗ họ (I Cô-rinh-tô 4:17-21), khích lệ họ (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:10-12), cho họ ăn (I Cô-rinh-tô 3:1- 3), và bảo vệ họ trước những giáo sư giả (II Cô-rinh-tô 11:1-5). Đây không phải là công việc dễ dàng, và mỗi thành viên của gia đình cần phải giúp đỡ Mục sư của mình. Ba Câu Hỏi Bạn đã gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời, và bạn có đoan chắc rằng bạn là con của Ngài? Bạn có vui mừng được ở trong nhà của Chúa khi bạn dựa vào những đặc quyền của bạn trong Đấng Christ không? Bạn có giúp mở rộng gia đình bằng cách làm chứng về Đấng Christ khi Chúa cho bạn cơ hội không?

GHI CHÚ (1) Nhiều sinh viên mộ đạo nghiên cứu Kinh Thánh không đồng ý về nghĩa của cụm từ “sanh bởi nước.” Một vài người xem nước là một biểu tượng của Lời Chúa (Ê-phê- sô 5:26), nhưng còn có điều nghi ngại là Ni-cô-đem phải hiểu ý nghĩa của hình ảnh đó, và Chúa Giê-su mong ông hiểu (Hãy xem Giăng 3:10). Một vài bản dịch câu “sanh bởi nước”, là sanh bởi Thánh Linh và như vậy là chấp nhận được. Tuy nhiên; tôi thích cách giải thích được đưa ra trong phần giải nghĩa này hơn.

Warren W. Wiersbe    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn