Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024

DÒNG ĐỜI

28 Jul 1993, Hue, Vietnam --- Sampans on the Perfume River near the Troung Son Mountains at Hue, Vietnam. --- Image by © Steve Raymer/CORBIS

Dưới con mắt của Heraclitus, mọi sự vật trong thế giới của chúng ta luôn luôn thay đổi, vận động, phát triển không ngừng. Thế giới như một dòng chảy, cứ trôi đi mãi. Từ đó, ông đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Không có gì thường xuyên biến đổi như một dòng sông nhưng cũng không có gì ổn định như dòng sông. Bởi khi nó vận động cũng là khi nó đứng im. Nói cách khác, tính biến đổi của dòng sông không loại trừ sự đứng im, tức là cái mà nhờ đó dòng sông là xác định, ổn định và bất biến (trích).

Khi còn nhỏ, tôi chơi trò chơi của trẻ con như mọi đứa trẻ khác. Lớn hơn một chút tôi tập tành làm thơ viết văn, như mọi đứa trẻ mới lớn đã mang dòng máu văn nghệ trong người không biết di truyền từ ai, cha hay mẹ.

Lớn lên một chút, vì dòng máu văn nghệ, yêu sớm, yêu vớ vẩn, yêu mà không biết mình yêu cái gì, cũng những ngày lang thang cùng người dưới những hàng cây muồng vàng dọc hai bên đường đến trường, ngôi trường tỉnh lỵ cao nguyên hiền lành nằm dưới bóng những hàng phượng vĩ, vào quán cà phê cũng nhỏ bé hiền lành mang tên một bài hát nổi tiếng thời ấy của Trịnh Công Sơn, chỉ nhìn nhau, cười, thỉnh thoảng nắm tay, rồi lại đi về, thế thôi. Tình học trò thơ mộng. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên. Ngàn năm là nói theo kiểu cường điệu của văn chương, chứ có mấy mươi năm mà còn bệnh tật đầm đìa, chưa dám tới một trăm, lấy đâu ra một ngàn.

Chưa kịp thật lớn thì tai ương của đất nước xảy đến, như bao người không kịp nhảy lên tàu lớn ra đại dương, chấp nhận ở lại như một kẻ tội đồ, rồi cũng như bao người trải qua những ngày khốn khó với đất nước, thả rơi bút viết, gánh gồng khoai sắn, cuốc đất trồng rau nuôi vợ nuôi con, thỉnh thoảng khi buông được cuốc thì cầm lại cây bút trong bàn tay đã chai sần, làm thơ, thứ nước uống không thể quên được, vì nó đã là máu. Đã có lúc tựa cuốc đứng trên triền dốc nhìn xuống dòng sông bên dưới và dợm chân muốn nhảy xuống, đó là thời kỳ chưa có Chúa trong cuộc đời.

Sau gần 20 năm làm người ở lại, thì xin được làm kẻ ra đi. Lúc đó không gọi là lớn nữa, mà bắt đầu bước qua tuổi trung niên, tuổi chuẩn bị về già. Gom hết chút sức lực của tuổi 40, vừa cày vừa học tiếp, Chúa cũng chuẩn bị sẵn cho một cái cày nhẹ nhàng, chỉ có mỗi sáng mai đến khu chợ người Việt, mở cửa căn phòng gọi là Nhà Sách Phúc Âm, làm việc làng nhàng, trong khi làng nhàng thì đem sách ra học, thỉnh thoảng có khách thì đứng lên vui vẻ chào hỏi. Học được gần 3 năm thì lấy cái bằng BA mà Việt Nam mình vẫn chưa vói tới được. Rồi cái bằng nữa, rồi chức vụ quan trọng đầu đời.

us_nyc

Dòng đời trôi xuôi, làm sao trở lại những ngày cũ, làm sao tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Những gì đã trôi qua là quá khứ rồi, chẳng làm sao nắm bắt lại, chỉ là hoài niệm mà thôi.

Dòng đời cứ trôi. Trôi từ California trôi đến Maryland, trôi đến Texas, rời khỏi chiếc thuyền ở Fort Worth là lênh đênh trên biển cùng Chúa, qua Nga, đi Úc, đi Canada, đến Việt Nam và láng giềng Campuchia. Trôi từ bang này đến bang kia của Hoa Kỳ, cho đến khi không còn trôi được nữa mà phải đứng lại, một bãi lau sậy dày kín đã làm con thuyền mắc kẹt. Đó là khi người phụ nữ Chúa đặt để bên cạnh 40 năm nay vướng vào một căn bệnh mà y khoa hiện đại của Hoa Kỳ không thể chữa trị được. Ngửa trông trời, hỏi Chúa, bây giờ con phải làm gì. Chúa nói, bây giờ con tạm đứng lại đây.

Còn chút sức lực Chúa cho, cố gắng vùng vẫy trong đám lau sậy mỗi lúc dày kín, vẫn quản nhiệm Hội Thánh địa phương, nhờ Chúa Hội Thánh lớn lên cả về số lượng lẫn chất lượng, vẫn quản nhiệm Hội Thánh trên đường dây, vẫn có người mới vào, tín hữu vẫn vui thỏa, vẫn làm báo Hướng Đi mỗi tháng 3 lần, vẫn chỉ đạo gián tiếp cho các giáo sĩ ở Việt Nam, vẫn thỉnh thoảng làm thơ, những bài thơ như những lời than thở thân mình như Gióp, chỉ có thể đăng được ở Da Màu, nơi mà hiếm khi Cơ đốc nhân lang thang tới. Mỗi sáng Chúa Nhật vẫn cố gắng giúp đỡ cho nhà tôi thay quần áo, ngồi vào wheelchair, đưa vào xe, chở đến nhà thờ. Khi Mục sư giảng, đến chỗ kêu gọi tín hữu commit với Chúa, bà vẫn đưa tay lên, người đầu tiên đưa tay lên, dù chẳng có thể làm được gì, trong những lúc đó tôi tự hỏi Chúa, Chúa ơi Ngài có thấy hình ảnh đó không.

Nhưng cây muốn lặng mà gió có đừng đâu. Căn bệnh như các bác sĩ chẩn đoán, ngày càng xấu hơn. Ngày hôm qua đã viết email xin Greenville cho nghỉ 3 tuần lễ vacation, vì không còn đủ thì giờ và tâm trí để soạn một bài giảng tốt, vì mình không bao giờ muốn giảng một bài giảng không tốt, nhưng nghĩ đến đầu tháng bầy chiên không có ai giúp ban Tiệc Thánh, lại chần chừ tới lui, rồi hôm nay cũng phải dứt khoát. Lại cũng email cho Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, xin một việc tương tự. Trong gần 20 năm hầu việc Chúa chưa bao giờ xin nghỉ vacation đúng nghĩa, nghỉ ngơi, đi chơi đây đó, chỉ dùng vacation để đi truyền giáo, nay thì xin vacation, mà không đi đâu hết, ở nhà. Muốn đi thăm mẹ, bà cụ đã hoàn toàn mất trí nhớ, nằm trong Rehabilitation Center ở California, được nuôi bằng ống chứ không ăn uống được nữa, mà làm sao đi? 🙂

Trong khi nhà tôi tạm nằm yên được một chút, sau khi chuẩn bị đồ ăn cho hai người vào buổi trưa, thì lợi dụng thì giờ ít oi đó ngồi viết – trong khi tai vẫn vểnh lên lắng nghe tiếng gọi yếu ớt không rõ nghĩa từ phòng trong – vì có cảm giác không viết được thì mình sẽ sụp đổ. Tôi cảm thấy ân hận vì mình đã nghĩ đến chữ sụp đổ, tại sao lại nói sụp đổ, khi có Chúa trong đời? Có phải vì sự cực nhọc tâm trí đã tự nói lên điều đó? Như Gióp đã than vãn ước ao phải chi ông đừng phải sanh ra trong cuộc đời. Đó chỉ là một phản ứng tự nhiên của xác thịt.

Hôm kia học Kinh Thánh với Trường Chúa Nhật, phân đoạn Phi-e-rơ đi bộ trên biển mà đến cùng Chúa, tôi chia sẻ với các học viên: ai cũng biết là Phi-e-rơ hòng sụp xuống nước vì cơn gió mạnh quá làm con sóng lớn phủ cao quá đầu, che mất tầm nhìn, không thấy Chúa Jesus nữa và điều đó khiến ông sợ hãi. Nhưng điều tốt nhất mà ông có thể làm được là gọi Chúa. Song khi thấy gió thổi, thì Phi-e-rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ơn, xin cứu lấy tôi! Tức thì Đức Chúa Jêsus giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy? Chúa Jesus không biến đi mất, cũng không rời xa, ngay tức thì Ngài đưa tay ra nắm lấy tay Phi-e-rơ, khoảng cách rất gần, chỉ một bàn tay. Ngài luôn luôn có mặt, ở đó ngay cả trong cơn bão dữ dội nhất, nhưng khi con sóng mạnh quá, chúng ta không thấy Ngài. Hãy kêu lên, Ngài sẽ đưa tay ra nắm.

Ngài Nâng Tôi Lên

 

Tôi cũng chia sẻ với tín hữu rằng, trong cơn bão đang hoành hành tàn phá sự an bình trong gia đình tôi, tôi cũng như mọi người, có khi sợ hãi quá mà không kịp tin rằng Chúa Jesus vẫn đang ở bên cạnh mình, sẵn sàng nắm tay mình và bước lên thuyền, làm cho biển yên sóng lặng.

Chúa ơi, con vẫn tin Ngài dù trong hoàn cảnh khổ nào, dù nơi an tĩnh hay chìm trong bể thẳm sâu… Dù điều gì xảy ra, con vẫn tin Ngài, con không dám nói lời đức tin phi thường của Gióp dẫu Chúa có giết tôi, tôi vẫn còn nhờ cậy nơi Ngài, nhưng con tin rằng tình yêu Chúa dành cho con sẽ không bao giờ dời đổi và không ai có thể lấy nó khỏi con. Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? Không một điều nào hết.

Mục sư LỮ THÀNH KIẾN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn