Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / Trang Chủ / LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT CHẮC?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT CHẮC?

“Tôi viết điều đó để anh em biết rõ nhờ tin Con Thượng Đế mà anh em được sống vĩnh viễn.”
I Gi. 5:13

1-john-5-13-you-may-know-that-you-have-power-point-church-sermon-1-638

Mỗi tuần tôi nhận được hằng chục bức thư của nhiều người nói rằng họ hãy còn hoài nghi và phân vân về đời sống Cơ Đốc. Có nhiều thư của những Cơ Đốc nhân ngay thật, bảo rằng họ không được hưởng niềm vui trong đức tin Cơ Đốc hay trong sự tin chắc, vì họ không hiểu chân lý căn bản của từng trải Cơ Đốc. Dù Kinh Thánh chép: “chỉ  ghi lại một số phép lạ để giúp người đọc tin nhận Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế, là Con Thượng Đế. Nhờ niềm tin đó, chúng ta hưởng được sự sống vĩnh viễn trong danh Chúa” (Gi. 20:31), thế mà nhiều người không chắc chắn được.

Chúng ta hãy dành chương này để tóm lược những gì đã xảy đến cho chúng ta. Chúng ta đã biết sự ăn năn, tin nhận và sanh lại có nghĩa gì. Bây giờ, làm thế nào tôi biết chắc được, làm thế nào tôi quả quyết rằng tất cả những điều vừa nói đó đã xảy đến cho tôi? Tôi vừa tiếp chuyện với nhiều người đã ăn năn, đã tin tưởng và đã được sanh lại, nhưng họ thiếu tin chắc trong sự biến đổi của họ. Chúng ta hãy ôn lại vài điều đã học. Trước hết, việc trở thành một Cơ Đốc nhân có thể là một kinh nghiệm lớn lao trong đời sống bạn hay là một tiến trình có một tột điểm vào một lúc nào đó mà bạn có thể ý thức hay không. Đừng hiểu lầm tôi, bạn không thể trở thành một Cơ Đốc nhân do quá trình học vấn. Cách đây vài năm một nhà truyền giảng danh tiếng đã nói: “Chúng ta phải giáo dục và huấn luyện giới trẻ của chúng ta theo lối sống Cơ Đốc thế nào để chúng luôn luôn biết mình là Cơ Đốc nhân”. Phần lớn triết lý về giáo dục tôn giáo đã căn cứ trên tiền đề này, và có lẽ nhiều người đã không nắm được yếu tính từng trải Cơ Đốc vì sự huấn luyện tôn giáo đã thay thế cho yếu tính này. Tấm lòng chẳng thay đổi gì.

Đầu thế kỷ này, giáo sư Starbuck, một tư tưởng gia lỗi lạc trong địa hạt tâm lý, đã nhận xét rằng những tu sĩ Cơ Đốc thường được tuyển chọn trong hàng ngũ những người đã có từng trải sống động khi trở lại đạo. Ông cũng nhận xét rằng những người có quan niệm rõ ràng về sự trở lại đạo hầu hết là những người đã xuất thân từ những vùng quê, là những vùng mà trong những ngày đầu, họ không được hay ít được huấn luyện tôn giáo chu đáo theo kế hoạch định sẵn.

Đây không phải là một lời công kích việc huấn luyện tôn giáo nhưng có thể được xem như công kích việc sử dụng sự huấn luyện tôn giáo nhầm lẫn và không đúng chỗ để thay thế cho kinh nghiệm sanh lại.

Theo đạo không phải là được sanh lại.

Chúa Giê-xu đã phán với Ni-cô-đem, một trong những người rất sùng đạo trong thời đại Ngài, rằng: “Nếu không tái sinh, không ai thấy được Nước Chúa” (Gi. 3:3). Ni-cô-đem không thể lấy sự hiểu biết sâu xa của ông về tôn giáo để thay thế cho sự sanh lại thiêng liêng, và chúng ta cũng không thể ở trong thế hệ này, chúng ta không thể vượt khỏi qui luật đó.

Con nhộng xấu xí phí nhiều thì giờ ở trong kén để lớn lên và biến đổi theo một cách hầu như không thể nhận thấy được. Nhưng quá trình lớn lên này, dù chậm mấy rồi cũng đến lúc phải qua một cơn khủng hoảng và biến thành con bướm đẹp đẽ. Những tuần lễ tăng trưởng im lặng đó rất quan trọng nhưng không thể thế cho từng trải của việc lột bỏ cái trạng thái già nua và xấu xí để bước sang trạng thái mới mẻ và xinh đẹp.

Quả thật có hàng ngàn Cơ Đốc nhân không biết đích xác ngày giờ họ đã nhận biết Chúa Cứu Thế. Đức tin và đời sống chứng minh rằng họ đã trở lại với Chúa Cứu Thế một cách có ý thức hay không. Nhưng dù nhớ hay quên thì vẫn có một thời điểm nào đó họ đã bước qua lằn mức từ sự chết đến sự sống.

Có lẽ mọi người đều có những lúc hoài nghi và phân vân về từng trải tôn giáo của mình. Khi Mai-sen đi lên núi Si-nai để nhận những bản luật pháp từ tay Thượng Đế, nhiều người Do-thái đã chờ ông trở lại đã lo lắng vì lâu ngày chẳng thấy bóng dáng ông đâu. Cuối cùng, họ đâm ra nghi ngờ và nói với nhau: “Về phần Mai-sen là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ai-cập, chúng tôi chẳng biết điều chi đã xảy đến cho người rồi”. Sự bỏ đạo của họ là hậu quả của sự hoài nghi và phân vân.

Mối phân vân ghê gớm ám ảnh linh hồn vô số người là do hiểu lầm những gì là căn bản thật của từng trải tôn giáo gây ra. Lắm người hình như không hiểu bản chất của kinh nghiệm Cơ Đốc, trong khi những người khác thì không hiểu biết đúng đắn và đi tìm một điều gì khác mà Kinh Thánh không dạy dỗ.

Từ ngữ đức tin liên quan đến sự cứu rỗi con người được Tân Ước đề cập tới hơn ba trăm lần và còn được hàm ý nhiều lần khác nữa. Tác giả sách Hy-bá (thơ tín (có lẽ là của sứ đồ Phao-lô) gởi cho các tín hữu người Do-thái (thật sự, đây là thơ tín gởi cho tất cả các Cơ Đốc nhân)>nói: “Người đến gần Thượng Đế phải tin Ngài có thật, và Ngài luôn tưởng thưởng xứng đáng cho người tìm cầu Ngài” Ông lại nói: “Người không có đức tin không thể nào hài lòng Thượng Đế” (He. 11:6).

Vì chúng ta đã nhầm lẫn đức tin với cảm xúc nên nhiều người mắc phải tâm trạng hoài nghi và phân vân, ngày nay vẫn thường thấy ở những Cơ Đốc nhân thực thụ.

Đức tin luôn hàm ý một đối tượng, nghĩa là khi tin, chúng ta phải tin ở điều gì. Tôi gọi điều gì đó là sự kiện. Đến đây tôi xin trình bày với bạn ba danh từ, ba danh từ mà chúng ta phải luôn luôn giữ đúng thứ tự chứ không bao giờ được thay đổi. Tôi xin trình bày ba danh từ đó để các bạn biết con đường thoát khỏi sự phân vân, đạt đến đời sống Cơ Đốc vững vàng. Ba danh từ ấy là sự kiện, đức tin và cảm xúc. Những danh từ này được trình bày theo thứ tự là điều thiết yếu. Nếu bạn lẫn lộn, bỏ bớt, hoặc thêm vào, bạn sẽ lọt vào vũng lầy mò mẫm trong chỗ tranh tối, tranh sáng, không có niềm vui và niềm tin của người nói câu “Vì biết rõ Đấng ta tin cậy” (IITi. 1:12).

Sự kiện. 

images (2)

Nếu bạn được cứu khỏi tội lỗi thì đó là nhờ bạn tin vào Phúc Âm của Chúa Cứu Thế như đã được định nghĩa trong Kinh Thánh. Mặc dù, mới đầu, điều này hình như có vẻ giáo điều và hẹp hòi đối với bạn, nhưng thực sự là không có lối nào khác. Kinh Thánh phán: “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em những chân lý tôi đã tin nhận: Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Thánh Kinh” (I Co. 15:34). Kinh Thánh chép rằng chúng ta được cứu khi đức tin chúng ta đặt vào sự kiện khách quan nào đó. Công trình của Chúa Cứu Thế là một sự kiện, thập tự giá Ngài là một sự kiện, mộ Ngài là một sự kiện, sự sống lại của Ngài là một sự kiện.

Không thể nào nhờ tin tưởng vào điều gì rồi biến điều đó thành sự thực. Không phải đạo Chúa Giê-xu hiện hữu vì nhờ có nhiều người tin. Không phải vì có một số người mộ đạo tin tưởng mà trong bữa sáng phục sinh đầu tiên ngôi mộ mới trống rỗng. Sự kiện lúc nào cũng phải đi trước đức tin. Về phương diện tâm lý, chúng ta không thể nào tin mà không có đối tượng.

Kinh Thánh không đòi hỏi bạn tin vào điều không thể tin được, nhưng tin vào sự kiện lịch sử mà trên thực tế, sự kiện đó siêu việt vượt trên tất cả lịch sử. Kinh Thánh đòi hỏi bạn tin rằng công trình của Chúa Cứu Thế thực hiện vì cớ tội lỗi và cho tội nhân, có hiệu quả đối với kẻ bằng lòng phó linh hồn mình cho Ngài. Tin cậy nơi Ngài để được sự cứu rỗi vĩnh viễn ấy là tin cậy một sự kiện.

Đức tin.

Đức tin, là danh từ đứng thứ nhì trong ba danh từ. Đức tin hoàn toàn không thể có được nếu không có gì để tin. Đức tin phải có đối tượng. Đối tượng của đức tin Cơ Đốc là Chúa Cứu Thế. Đức tin quan trọng hơn sự thừa nhận của trí tuệ đối với các yêu cầu của Chúa Cứu Thế. Đức tin gồm ý chí. Đức tin là sự quyết ý. Đức tin đòi hỏi hành động. Nếu chúng ta thật sự tin thì sẽ sống. Đức tin không có hành động là đức tin chết. Đức tin thật sự có nghĩa là phục tùng và phó mình cho những yêu cầu của Chúa Cứu Thế. Đức tin có nghĩa là nhận thức tội lỗi và quay về cùng Chúa Cứu Thế. Chúng ta biết Chúa Cứu Thế không phải nhờ ngũ quan, nhưng nhờ giác quan thứ sáu Thượng Đế đã ban cho mỗi người – đó là khả năng tin tưởng.

Từng trải của đức tin.

Khi đọc kỹ Tân Ước để biết chắc bạn có thể mong đợi từng trải nào, tôi thấy Tân Ước chỉ đề ra một loại mà thôi. Chỉ có một từng trải bạn có thể trông chờ – chỉ một cảm xúc bạn có thể mong đợi – và đó là từng trải của đức tin. Tin là một từng trải như trăm ngàn từng trải khác, tuy vậy nhiều người vẫn còn tìm tòi thêm một thứ cảm giác gây xúc động đem lại sự xúc động thể chất, và nhiều người khác đi tìm những phô trương ngoạn mục. Nhiều người được khuyên nên tìm những cảm giác như vậy, nhưng Kinh Thánh phán rằng “nhờ đức tin chúng ta được kể là người công chính” chứ không phải bởi cảm xúc. Người ta được cứu nhờ tin cậy nơi công trình đã hoàn tất của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá chứ không phải được cứu bởi sự kích thích thể chất hay sự xuất thần tôn giáo.

Nhưng bạn có thể nói với tôi: “Vậy cảm xúc là gì? Trong đức tin cứu chuộc không có cảm xúc hay sao?”. Dĩ nhiên là phải có cảm xúc trong đức tin cứu chuộc, nhưng chúng ta không nhờ nó để được cứu chuộc. Dù có cảm xúc thế nào đi nữa nó vẫn chỉ là kết quả của đức tin cứu chuộc mà thôi.

Mt11

Cảm xúc.

Sự cảm xúc là danh từ chót trong ba danh từ và phải tồn tại trong suy tư của bạn. Tôi tin rằng phần nhiều rắc rối và phân vân về tôn giáo đều bởi một số người nôn nóng và nhiệt tình tìm kiếm sự cứu rỗi, những người đó có định kiến rằng họ phải ở trong một tình trạng xúc động nào đó trước khi họ từng trải được sự biến cải.

Những ai tìm kiếm sự cứu rỗi theo Kinh Thánh sẽ muốn biết Kinh Thánh hướng dẫn bạn mong chờ loại từng trải nào. Tôi xin thưa với những vị đã nhiều lần đến trước bàn thờ, hay một phòng chỉ dẫn, hoặc có lẽ đã quì bên một máy truyền thanh hay truyền hình khi có lời mời tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Bạn đã nghe được sứ điệp, đã biết mình là một tội nhân cần Chúa Cứu Thế, đã thừa nhận rằng đời mình là một sự chìm đắm thuộc linh, đã cố thử mọi phương thức nhân tạo để mong cải tiến, nhưng tất cả đều thất bại. Trong tình trạng hư mất và vô vọng đó, bạn đã trông mong nơi Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi. Bạn đã tin rằng Ngài có thể và sẽ cứu bạn. Bạn thường đọc lời Ngài mời kẻ tội lỗi: “Những ai đang mệt nhọc và nặng gánh ưu tư, hãy đến với ta, ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi” (Mat. 11:28), và lời Ngài hứa: “Người đến với ta chẳng bao giờ bị ta xua đuổi” (Gi. 6:37). Bạn cũng đọc lời Ngài phán: “Người nào khát, hãy đến với ta mà uống” (7:37).

l w

Cảm xúc đến sau đức tin.

Khi tôi biết được điều gì về tình yêu thương của Chúa Cứu Thế đối với tôi là kẻ phạm tội, tôi đáp ứng bằng một tình yêu thương Chúa Cứu Thế – và tình yêu thương có cảm xúc. Nhưng tình yêu thương Chúa Cứu Thế là tình yêu thương vượt trên tình thương yêu của con người, tuy vẫn có chỗ giống nhau. Đó là tình thương giải thoát chúng ta khỏi bản ngã. Trong hôn nhân có sự hiến dâng mà cũng có cảm xúc nữa. Nhưng các cảm xúc đến rồi đi, còn sự hiến dâng vẫn tồn tại. Chúng ta là những người hiến dâng cho Chúa Cứu Thế cũng có những cảm xúc đến rồi đi – niềm vui, tình thương, lòng tri ân và vân vân. Nhưng sự hiến dâng vẫn không thay đổi. Những cảm xúc tuy quan trọng nhưng không phải là thiết yếu. Kinh Thánh dạy: “Tình yêu trọn vẹn xóa tan mọi khiếp sợ” (I Gi. 4:18). Và những ai yêu thương Chúa Cứu Thế thì tin cậy Ngài, sự tin cậy ấy đưa họ vượt lên trên mọi sợ hãi. Các nhà tâm lý học cho chúng ta biết có sự sợ hãi phá hoại và sự sợ hãi lành mạnh. Sự sợ hãi lành mạnh không có tính cách phá hoại, nó giúp chúng ta chăm lo săn sóc bản thân và những người thân yêu – Chúa Giê-xu dạy chúng phải sợ Sa-tan.

Khi tôi biết rằng do sự chết của Chúa Cứu Thế, Ngài đã dứt khoát chiến thắng sự chết và tội lỗi, thì tôi không còn sợ chết. Kinh Thánh phán: “Vì con cái Thượng Đế là người bằng xương thịt, nên Chúa Giê-xu cũng đã nhập thể làm người. Ngài chịu chết để chiến thắng Sa-tan, vua sự chết. Ngài cũng giải cứu những người vì sợ chết, buộc lòng làm nô lệsuốt đời” (He. 2:1415). Dĩ nhiên điều đó cũng là một cảm xúc. Sự sợ hãi là một loại cảm xúc, và đắc thắng sự sợ hãi bằng sự can đảm và tin tưởng dù ở giữa cảnh chết cũng là một cảm xúc và từng trải. Nhưng xin nhắc lại rằng, không phải cảm xúc dạn dĩ và tin cậy đã cứu chúng ta, mà chính đức tin cứu chúng ta, sự can đảm và niềm tin cậy chỉ là kết quả của thái độ tin cậy của chúng ta trong Chúa Cứu Thế. Từ Sáng-thế ký đến Khải Thị, chúng ta được truyền dạy phải kính sợ Chúa. Chính lòng kính sợ Chúa giúp chúng ta đặt tất cả những nỗi sợ khác vào đúng viễn ảnh của nó.

Vai trò của ý thức phạm pháp.

Có một lương tâm phạm pháp là một sự từng trải. Những nhà tâm lý học có thể định nghĩa đó là một mặc cảm tội lỗi, và người ta có thể lý luận đánh đổ ý thức tội lỗi ấy đi, nhưng một khi lương tâm này đã tỉnh thức nhờ áp dụng luật pháp của Thượng Đế, thì không có sự giải thích nào trấn an được tiếng nói khẩn thiết của lương tâm. Nhiều phạm nhân cuối cùng đã nạp mình cho cơ quan công quyền vì sự cáo trách của lương tri phạm pháp khổ sở hơn là những chấn song khám đường.

Trong một bài báo bàn về ý thức phạm pháp đăng trên ‘Nữu Ước thời báo’ (The New York Times) ngày 29 tháng 11 năm 1983, Tiến sĩ Helen Block Lewis, một nhà tâm phân học và tâm lý học tại đại học đường Yale, mô tả ý thức phạm tội là cảm thức “giúp người ta gắn chặt” với đồng loại mình. Bà giải thích: “Ý thức phạm tội là chất xi-măng gắn chặt chúng ta lại với nhau, và giữ cho chúng ta vẫn còn là con người. Nếu chẳng may bạn làm một việc gì đó có hại cho một người khác, thì ý thức phạm tội thôi thúc bạn phải làm một việc gì đó để sửa lại, để thắt chặt trở lại mối dây ràng buộc”.

Samuel Rutherford có đề cập việc “Cầu nguyện để có được một ý thức phạm tội mạnh mẽ và sống động về tội lỗi; khi ý thức ấy càng lớn bao nhiêu, người ta càng ít phạm tội hơn bấy nhiêu”. Ý thức về tội và ý thức phạm tội vốn chỉ là một. Nó không chỉ gíup cho bạn biết khi nào thì bạn cảm thấy bối rối lo âu, nhưng cũng như ý thức về sự đau đớn, nó có thể giữ cho bạn tránh được những gì gây đau đớn. Nếu không có ý thức về sự đau đớn, người ta có thể sờ vào bếp nóng bỏng mà chẳng cảm thấy gì cả. Phần thiết yếu mà ý thức về sự đau đớn đóng góp vào việc giữ gìn sức khỏe cho chúng ta đã được nghiên cứu và trình bày trong quyển ‘Được sáng tạo cách đáng sợ lạ lùng‘ (Fearfully and Wonderfully) của Paul Brand và Philip Yancey. Hai ông giải thích rằng không phải chính bệnh phong cùi đã tạo ra những dị dạng rất phổ biến nơi những người mắc chứng bệnh ấy. Chính sự mất cảm thức đau đớn khi bị thương nơi phần đầu các chi đã gây nên sự cùi cụt khủng khiếp gắn liền với bệnh hủi (chẳng hạn, chạm tay vào lửa mà không biết đau).

Kinh Thánh dạy rằng Chúa Cứu Thế tẩy sạch lương tâm: “Huyết của dê đực, bò đực và tro bò cái tơ rảy trên những người ô uế còn có thể thánh hóa, tẩy sạch thân thể họ, huống chi huyết của Chúa Cứu Thế lại càng có năng lực tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi hành vi tội lỗi, để chúng ta phụng sự Thượng Đế hằng sống cách trong sạch. Vì Chúa Cứu Thế đã nhờ Thánh Linh hiến dâng thân Ngài làm sinh tế hoàn toàn cho Thượng Đế” (He. 9:1314).

Có một lương tâm phạm pháp được tẩy sạch và được giải thoát khỏi sự lên án thường xuyên là một từng trải, nhưng không phải sự tẩy sạch của lương tâm đã làm cho bạn được cứu rỗi mà chính đức tin trong Chúa Cứu Thế mới cứu bạn, và lương tâm được tẩy sạch là kết quả của việc đạt đến một mối tương giao phải lẽ với Thượng Đế.

Niềm vui là một cảm xúc. Nội tâm bình an cũng là một cảm xúc. Tình yêu tha nhân là một cảm xúc. Quan tâm đến kẻ bị hư mất cũng là một cảm xúc.

Chót hết, người ta có thể nói: “Tôi tin ở những sự kiện lịch sử Phúc Âm, nhưng tôi vẫn chưa được cứu”. Có lẽ đúng như thế, vì đức tin cứu rỗi có một bản chất đặc thù – đức tin cứu rỗi là đức tin sản sanh sự vâng phục, là đức tin đem lại một lối sống. Có người đã khá thành công trong sự bắt chước lối sống đó ít lâu, nhưng đối với những người tin cậy nơi Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi, thì đức tin này đem lại cho họ một ước muốn sống bày tỏ từng trải nội tại của đức tin ấy ra bên ngoài. Đó là một năng lực, kết quả của đời sống tin kính và vâng phục.

Hãy trao phó đức tin trí thức và đức tin lịch sử của bạn cho Chúa Cứu Thế một cách trọn vẹn với niềm ao ước thành khẩn, bạn sẽ trở thành con cái của Thượng Đế, căn cứ trên thẩm quyền của Kinh Thánh. “Tuy nhiên tất cả những người tiếp nhận Chúa đều được quyền làm con cái Thượng Đế – tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa.” (Gi. 1:12).

images (3)

BILLY GRAHAM

Trích từ “Bình an trong Đức Chúa Trời”.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn