Thứ Bảy , 20 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / THẦN HỌC THAY THẾ – Phần 2

THẦN HỌC THAY THẾ – Phần 2

THẦN HỌC THAY THẾ

BỐN SỰ THẬT VỀ GIAO ƯỚC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỚI ÁP-RA-HAM.

  1. Đây là một giao ước khác thường!

Tại sao? Bởi vì nó được xây dựng trên nền tảng không thay đổi của chính Đức Chúa Trời chứ không phụ thuộc vào sự thực hiện của con người!

Hê-bơ-rơ 6:13-18 chứng minh điều nầy: Khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, vì không thể chỉ ai lớn hơn mình nên Ngài chỉ chính mình Ngài mà thề rằng:
 “Chắc chắn Ta sẽ ban phúc lành cho con và gia tăng dòng dõi con.”
 Áp-ra-ham đã kiên nhẫn nên nhận được điều Chúa hứa.

 Người ta thường nhân danh một vị lớn hơn mình mà thề nguyện, nếu có việc tranh chấp thì kết cục lấy lời thề mà xác định.
 Đức Chúa Trời cũng thế, muốn càng chứng tỏ mục đích không thay đổi của Ngài cho những người thừa hưởng lời hứa, Ngài đã xác nhận bằng lời thề.
 Để nhờ hai điều không thay đổi đó, là những điều Đức Chúa Trời không thể nào nói dối mà chúng ta, những người trốn vào nơi ẩn náu, được khích lệ mạnh mẽ, nắm lấy niềm hy vọng đặt trước mặt mình.

Điều thứ nhất, thuộc tính của Đức Chúa Trời là không thay đổi. Ma-la-chi 3:6 nói: Vì chính Ta là CHÚA, Ta không hề thay đổi. Điều thứ hai, sự kiện không thay đổi chính là lời hứa – lời thề hay giao ước của Chúa. Ngài không bao giờ đi ngược lại với Lời của Ngài.

2. Nó là một giao ước duy nhất.

Tại sao như thế? Bởi vì nó phụ thuộc vào sự thành tín của Đức Chúa Trời, không phụ thuộc vào thành tích, sự xứng đáng của con người.

Hãy suy nghĩ thấu đáo về sự thành tín của Đức Chúa Trời trong Thi thiên 89:30-34 đằng sau tất cả những lời hứa của Ngài:

Nếu con cháu người từ bỏ Kinh Luật của Ta
Và không đi theo sắc lệnh của Ta;
 Nếu chúng nó vi phạm các qui luật Ta
Và không giữ những điều răn Ta;
 Thì Ta sẽ lấy trượng phạt đòn sự vi phạm của chúng nó
Và dùng roi mà phạt sự gian ác của chúng.
 Nhưng Ta sẽ không bỏ tình yêu thương Ta đối với người
Và không phản bội sự thành tín Ta cùng người.
 Ta sẽ không vi phạm giao ước Ta
Và không thay đổi lời môi miệng Ta đã phán.

 ps

Sự thành tín của Đức Chúa Trời được hứa cho Y-sơ-ra-ên từ buổi ban đầu. Trong Phục truyền 7:6-9 công bố: Vì anh chị em là một dân tộc thánh thuộc riêng về CHÚA, Đức Chúa Trời anh chị em. Anh chị em đã được Ngài lựa chọn trong tất cả các dân tộc trên đất để làm dân Chúa và cơ nghiệp quý báu của Ngài.
 CHÚA thương xót và lựa chọn anh chị em không phải vì anh chị em đông hơn các dân khác, thực ra anh chị em là dân tộc ít người nhất.
 Nhưng vì CHÚA thương yêu anh chị em và vì giữ lời thề với các tổ tiên mà Ngài dùng tay quyền năng cứu chuộc và đem anh chị em ra khỏi đất nô lệ, khỏi quyền lực của Pha-ra-ôn, vua Ai-cập.
 Như vậy, anh chị em phải ý thức rằng CHÚA, Đức Chúa Trời anh chị em là Đức Chúa Trời độc nhất: Ngài là Đức Chúa Trời thành tín, giữ giao ước và tình yêu thương của Ngài đến cả ngàn thế hệ cho người nào kính yêu Chúa và vâng theo mạng lệnh Ngài
.

Đức Chúa Trời chọn Y-sơ-ra-ên không phải vì dân tộc họ đông hơn các dân tộc khác hay là vì khả năng của họ đặc biệt hơn. Nhưng Ngài chọn trên căn bản tình yêu và sự thành tín của Ngài. Thế giới phải biết rằng: Đức Chúa Trời thành tín đối cùng Y-sơ-ra-ên ngay cả khi quốc gia nầy bội nghịch cùng Ngài.

Đức Chúa Trời yêu Y-sơ-ra-ên cho dù họ có làm gì đi nữa. Đó chính là tình yêu, ân điển và sự thương xót thật. Đức Chúa Trời là người chồng thành tín cho vợ của Ngài – Y-sơ-ra-ên.

3. Đó là một giao ước vĩnh viễn. 

Tại sao? Bởi vì nó được gọi là một giao ước đời đời. Nó không tùy thuộc vào bất kỳ tình huống nào của con người.

Thi thiên 105:8-11 tuyên bố:

Ngài nhớ giao ước Ngài mãi mãi,
Và nhớ lời Ngài đã truyền đến ngàn đời;
 Giao ước mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham,
Lời thề mà Ngài đã thề cùng Y-sác;
 Ngài cũng xác nhận nó với Gia-cốp như một qui luật;
Với Y-sơ-ra-ên như một giao ước đời đời.
 Ngài phán: Ta sẽ ban cho ngươi vùng đất Ca-na-an,
Là sản nghiệp của các ngươi.

Trước giả Thi thiên Đa-vít đã viết các Thi thiên cách đây trên 3000 năm. Còn giao ước mà Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham thì xa hơn nữa, trên 4000 năm. Sau 1000 năm từ khi giao ước được thiết lập, Đức Chúa Trời xác nhận nó vẫn còn hiệu lực.

4. Nó là một giao ước vô điều kiện.

Tại sao? Bởi vì nó đặt nền tảng trên đức tin dựa vào những lời hứa của Đức Chúa Trời, không phải trên công việc.

Chúng ta hãy đọc lại Rô-ma 4: 1-3, Vậy chúng ta sẽ nói làm sao về việc Áp-ra-ham, tổ chúng ta theo phần xác, ông đã tìm thấy gì?
 Vì nếu Áp-ra-ham được tuyên xưng công chính bởi việc làm thì người có cớ để khoe khoang; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy.
 Vì Kinh Thánh nói gì? “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và vì thế được kể là công chính.” 
 

Không nghi ngờ gì cả, Áp-ra-ham chỉ đơn giản tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời đã phán cùng ông. Đức tin là đòi hỏi cần thiết, nhưng cho dù chúng ta có tin hay không thì lời hứa vẫn là sự thật. Kinh Thánh yêu cầu bạn tin rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa của Ngài.

Rô-ma 4:20-22 tiếp tục đề cập đến đức tin của Áp-ra-ham: Người không vì lòng vô tín mà nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng được mạnh mẽ trong đức tin tôn vinh Đức Chúa Trời  và hoàn toàn tin chắc rằng điều gì Đức Chúa Trời đã hứa thì Ngài cũng có đủ quyền năng làm được.  Vì thế người được kể là công chính.

Các thành tích của chúng ta không làm cho giao ước của Đức Chúa Trời trở nên có hiệu lực. Giao ước vô điều kiện nầy của Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta chỉ tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời. Những gì Ngài hứa Ngài sẽ thực hiện! Ngài sẽ giữ lời của Ngài.

PRETERISM NGHĨA LÀ GÌ?

Từ này có gốc từ tiếng La-tinh có nghĩa là quá khứ, đã xảy ra rồi. Trong quan điểm của thần học thay thế thì tất cả những lời tiên tri của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 24,25; Mác 13; Lu-ca 21; đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Công nguyên.

Quan điểm nầy cũng cho rằng sách Khải huyền đã được viết trước năm 70.

Những người Preterist – là những người cho rằng Đức Chúa Jesus đã tái lâm rồi, tin rằng lời hứa về sự tái lâm của Đức Chúa Jesus đã được ứng nghiệm vào năm 70 khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Một số người của họ cho rằng những lời tiên tri của Đức Chúa Jesus và của sách Khải huyền đã được ứng nghiệm trong thế kỷ thứ hai khi mà xảy ra cuộc khởi nghĩa của người Do Thái dưới sự lãnh đạo của Bar Kochba. Một số khác giữ quan điểm: sự ứng nghiệm của các lời tiên tri đã xảy trong trong ba thế kỷ đầu tiên khi Đức Chúa Trời chinh chiến với các thế lực thù nghịch Hội Thánh ( Y-sơ-ra-ên và La-mã). Kết quả của điều nầy là việc theo đạo cơ đốc hàng loạt dưới thời của Constantine. Theo quan điểm nầy Đức Chúa Trời đã trở lại theo ý nghĩa thuộc linh vào thời đó.

Một trong những người khởi xướng hàng đầu của phong trào Preterism là R. C . Sproul, trong tác phẩm của ông Những ngày sau cùng theo lời Đức Chúa Jesus ông cho rằng Chúa Jesus Christ đã tái lâm trong thế kỷ đầu tiên, Ngài đã trở lại một cách thuộc linh xuyên qua hành động của quân đội La-mã hủy phá thành Giê-ru-sa-lem  và đền thờ vào năm 70.

Preterism là một quan điểm lỗi thời, mang tai tiếng, nhưng lại được ưa chuộng giữa vòng thiểu số những người Tin lành ngày nay. Nó là một trường phái giải thích Kinh Thánh một cách lệch lạc, vô căn cứ, bất kính. Nó đưa ra nhiều cách giải thích Kinh Thánh mang tính biểu tượng, và tránh né giải thích các lời tiên tri của Kinh Thánh theo nghĩa gốc.

true-false-phelps

 

ĐỊNH NGHĨA CỦA NHỮNG NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG CHÚA ĐÃ TÁI LÂM VỀ CÁC CHỦ ĐỀ TIÊN TRI.

Cơn đại nạn.

Điều này đã xảy ra khi Y-sơ-ra-ên sụp đổ và Giê-ru-sa-lem bị hủy phá vào năm 70. Biến cố này là duy nhất, nó không phải là một sự kiện trong tương lai.

Sự bội đạo qui mô lớn.

Điều này đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất. Chúng ta không có những bằng chứng từ Kinh Thánh để trông đợi sự gia tăng của việc bội đạo trong tiến trình lịch sử. Thay vào đó chúng ta trông mong sự gia tăng của cơ đốc giáo trên toàn thế giới.

Những ngày sau cùng.

Đây là cụm từ được Kinh Thánh sử dụng ám chỉ đến khoảng thời gian giữa sự giáng sinh của Chúa Jesus và sự hủy diệt Giê-ru-sa-lem vào năm 70. Cụm từ này nói đến những ngày sau cùng của quốc gia Y-sơ-ra-ên.

Kẻ chống lại Đấng Christ.

Từ này được sứ đồ Giăng sử dụng để nói đến sự bội đạo lan rộng trong Hội Thánh cơ đốc trước khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ. Nói một cách tổng quát: bất cứ một thầy giảng hay một hệ thống tôn giáo nào bội đạo thì có thể gọi đó là Antichrist. Từ này không ám chỉ đến một nhân vật của tương lai.

Sự cất lên.

Đề cập đến sự cất lên của những thánh đồ đang sống để gặp Chúa ở khoảng không trung. Kinh Thánh không nói đến bất cứ một sự khác biệt nào giữa sự cất lên và sự tái lâm hiển nhiên của Chúa. Hai điều này đơn giản chỉ là những khía cạnh của ngày sau cùng.

Con thú – kẻ thù của Chúa.

Đây là biểu tượng của Nero, và của đế chế La-mã một cách tổng quát.

Tiên tri giả.

Là những người cai trị bội đạo của Y-sơ-ra-ên, là những người khước từ Đức Chúa Jesus và thờ phượng Con thú.

Đại dâm phụ.

Ám chỉ đến thành phố Giê-ru-sa-lem, là một thành phố luôn bội đạo, bách hại các tiên tri  và không còn là thành phố của Đức Chúa Trời.

Thời đại hoàng kim.

Nói đến vương quốc của Đức Chúa Jesus Christ mà Ngài đã thành lập khi đến trần gian lần thứ nhất. Nó hàm ý đến khoảng thời gian ở giữa hai lần ngự đến của Đấng Christ. Thời đại hoàng kim vẫn còn tiếp tục đến ngày hôm nay với sự cai trị của các Cơ đốc nhân như là những vị vua trên đất.

Sự sống lại thứ nhất.

Khải huyền 20:5, Những người chết khác chưa được sống lại cho đến khi hết hạn một ngàn năm. Đây là sự sống lại thứ nhất. Câu này được giải thích là sự sống lại tâm linh, được qui cho sự tái sinh của chúng ta trong Christ.

Sự tái lâm của Chúa.

Nó trùng khớp với sự cất lên và sự sống lại và sẽ xảy ra vào cuối 1000 năm bình an khi lịch sử được khép lại tại tòa phán quyết.

Một ngàn năm.

Nó chỉ đơn giản là một con số lớn được làm tròn. Con số 10 chứa đựng ý tưởng của sự đầy trọn. Nói một cách khác nó đại diện cho sự đầy trọn. Một ngàn làm tăng lên nhiều lần để diễn tả một con số rất lớn, một khoảng thời gian không xác định có lẽ là cả triệu năm.

Sự sáng tạo mới.

Điều này đã bắt đầu rồi. Kinh Thánh diễn tả sự cứu rỗi của chúng ta trong Đấng Christ bây giờ và đời hầu đến giống như một sáng tạo mới – trời mới và đất mới.

Y-sơ-ra-ên.

Y-sơ-ra-ên tương phản với Hội Thánh – là tập thể trung tín nhận được quyền năng từ Đức Thánh Linh. Dân tộc Y-sơ-ra-ên bị rút phép thông công vì tình trạng bội đạo và không thừa hưởng được vương quốc Đức Chúa Trời. Kinh Thánh không bày tỏ gì về  tương lai của Y-sơ-ra-ên như là một dân tộc đặc biệt. Hội Thánh ngày hôm nay là một tuyển dân mới. Khi nhà nước Y-sơ-ra-ên trở nên mất tác dụng trong chương trình của Đức Chúa Trời, Đấng Christ đã hoán chuyển tất cả các lời hứa phước hạnh từ Đức Chúa Trời đối cùng Y-sơ-ra-ên sang cho Hội Thánh.

Giê-ru-sa-lem mới.

Nó ám chỉ đến thành phố của Đức Chúa Trời là Hội Thánh bây giờ và cho đến đời đời.

Sự bội đạo sau cùng.

Nó đề cập đến sự giãy chết của Sa-tan trong lịch sử. Con rồng sẽ được thả ra trong một khoảng thời gian ngắn ( Khải 20:7-10) để lừa dối các dân tộc trong nỗ lực cuối cùng của nó nhằm lật đổ vương quốc. Điều này xảy ra ngay trước khi Chúa tái lâm.

Hạc-ma-ghê-đôn.

Nó mang ý nghĩa biểu tượng cho một trận đánh waterloo cuối cùng, Đức Chúa Trời đánh bại những kẻ chống lại Ngài, tức là những kẻ đi theo tiên tri giả khước từ lẽ thật. Trận Hạc-ma-ghê-đôn không được hiểu theo nghĩa đen, vì không có một nơi nào có tên như thế.

LƯU Ý: Tất cả những sự giải thích trên đây đều sai lầm, những người theo Preterism đã không có sự hiểu biết về giao ước vô điều kiện và đời đời của Đức Chúa Trời đối cùng Y-sơ-ra-ên.

Những định nghĩa, quan điểm của họ trên đây rõ ràng là chống lại người Do Thái, Kinh Thánh và Đức Chúa Trời. Họ ra mặt chống đối công khai, phủ nhận những lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Y-sơ-ra-ên khi mà những lời hứa này không bao giờ thay đổi.

Những người tin rằng Chúa đã tái lâm rồi đã giải thích Kinh Thánh sai trật, họ không dựa vào những sự thật từ Kinh Thánh và những tư liệu của lịch sử. Những giáo lý cùng những quan điểm của họ được lợi dụng dựng nên thành những điều bịa đặt!

go

NHÀ NƯỚC HIỆN ĐẠI CỦA Y-SƠ-RA-ÊN ĐÃ ỨNG NGHIỆM NHỮNG LỜI TIÊN TRI TỪ KINH THÁNH?

Giữa vòng những người mà tin rằng Đức Chúa Trời có một kế hoạch tương lai cho Y-sơ-ra-ên căn cứ vào các lời tiên tri thì cũng có một số giáo sư Kinh Thánh có quan điểm chống lại điều này khi đề cập đến nhà nước hiện đại của Y-sơ-ra-ên. Trung tâm vấn đề nằm ở chỗ họ không còn tin cậy vào Y-sơ-ra-ên của ngày hôm nay. Những nhân tố phát sinh phải giải quyết như đề tài về đất và quốc gia luôn có mối liên kết với Y-sơ-ra-ên.

Từ Y-sơ-ra-ên được dùng 2566 lần trong Kinh Thánh ( Nhiều hơn bất cứ một chủ đề nào khác bên cạnh chủ đề về chính Đức Chúa Trời ). Từ nầy nhắc đến một cái tên mới được Đức Chúa Trời ban cho cháu của Áp-ra-ham là Gia-cốp (Sáng 32:28). Nó cũng đề cập đến 12 chi phái xuất phát từ 12 con trai Gia-cốp (Sáng 49:28). Cụm từ con cái Y-sơ-ra-ên được dùng 644 lần trong Kinh Thánh. Trong Tân Ước nó có 14 cách sử dụng khi nhắc đến từ này.

Từ Y-sơ-ra-ên được qui cho một quốc gia – một dân tộc đã được ban cho 613 mạng lệnh trong luật pháp của Đức Chúa Trời ( Phục truyền 4:1,7-8).

Từ Y-sơ-ra-ên cũng là tên của dòng dõi được ban cho vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho dòng dõi vật lý của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (Sáng 17:8; 26:3; 35:12; Thi 105:8-11; Ê-xê-chi-ên 37:11-14).

Từ này cũng được dùng để chỉ cho 10 chi phái miền bắc đi theo sự lãnh đạo của Giê-rô-bô-am, là người đã dựng nên các con bò bằng vàng tại Đan và Bê-tên, rồi xúi giục dân chúng thờ hình tượng.

Cụm từ Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời xuất hiện trong Ga-la-ti 6:16, và nó đề cập đến các tín hữu Do-thái.

Cụm từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên được nhắc đến 108 lần trong Kinh Thánh. Ngài cũng được gọi là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên 203 lần. Rõ ràng  Đức Chúa Trời đã gắn bó chính Ngài với người Y-sơ-ra-ên.

Ngoài 145 cách dùng thông thường của từ dân sự trong Kinh Thánh, thì có ít nhất 55 lần trong số đó đề cập đến dân Y-sơ-ra-ên. Từ đất được dùng trên 1700 lần, và trong số đó có 34 lần đề cập đến đất của Y-sơ-ra-ên. Cụm từ đất Ca-na-an được dùng 66 lần, và Kinh Thánh giải thích nó rõ hơn: Đây là toàn bộ đất mà Đức Chúa Trời ban cho con cái Y-sơ-ra-ên ( Phục 32:49; Dân số ký 13:2). Rõ ràng không thể phớt lờ hay phủ nhận các lời tiên tri của Đức Chúa Trời về dân tộc và đất của Y-sơ-ra-ên. Không hề có ý nghĩa biểu tượng hay thuộc linh khi Kinh Thánh nói đến Y-sơ-ra-ên. Y-sơ-ra-ên là một quốc gia, một dân tộc sở hữu một lãnh thổ từ Đức Chúa Trời!

Diện tích vùng đất được ban cho trong Sáng 15:18 và biên giới của nó (không kể đến vùng đất phía đông của Giô-đa-ni ngày nay được ban cho 2 chi phái? Chi phái Ru-bên,  Gát  và một nửa chi phái Ma-na-se) mà đã được nhắc đến trong Dân số ký 34:1-15.

Dân số ký 34:2 viết: Khi các ngươi vào Ca-na-an là đất Ta cho làm sản nghiệp, giới hạn đất ấy sẽ được ấn định như sau.

Khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù tại Ai-cập, thì lời tuyên bố của  Đức Chúa Trời về sản nghiệp của họ luôn được xác nhận trong các phần Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô-ký 3:8, 15-17; 6:1-9; 13:5, 11; 15:17; 32:13; Lê-vi-ký 25:38.

THẾ NHƯNG, CÓ PHẢI SỰ BẤT TUÂN CỦA Y-SƠ-RA-ÊN ĐÃ LÀM CHO HỌ BỊ TƯỚC MẤT QUYỀN NHẬN LẤY ĐẤT?

Nhiều người đã có quan điểm như thế, và thậm chí họ còn sử dụng đoạn Kinh Thánh trong Lê-vi-ký 26:40-43 để chứng minh cho quan điểm của họ. Tuy nhiên nếu đọc cẩn thận Lê-vi-ký 26:44-45 thì rõ ràng là Đức Chúa Trời chẳng bao giờ hủy bỏ giao ước mà Ngài đã lập với Y-sơ-ra-ên.

Nhiều Cơ đốc nhân tin rằng vì sự vô tín của Y-sơ-ra-ên ngày hôm nay nên họ đã bị tước mất đặc quyền của  một dân tộc để nhận được đất hứa.

Hầu hết các Cơ đốc nhân trở nên không tin vào Y-sơ-ra-ên dựa vào một sự thật là đa số người  Do Thái không chấp nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Mê-si. Nhưng phần lớn người Do-Thái am hiểu rằng quyền của họ là được tồn tại như một dân tộc và nhận lãnh đất hứa từ giao ước vô điều kiện và đời đời của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh làm cho điều này trở nên rõ ràng, đó là trước khi Đấng Mê-si trở lại, người Do Thái sẽ quay trở về vùng đất hứa từ khắp mọi quốc gia trên thế giới. Và chỉ sau khi trở nên cư dân của Giê-ru-sa-lem họ sẽ đặt niềm tin vào Đấng Mê-si thật của Y-sơ-ra-ên. Công việc siêu nhiên của Đức Thánh Linh sẽ khiến cho họ kêu cầu Đức Chúa Trời để nhận ơn cứu rỗi ( Xa-cha-ri 12:10).

Vì lẽ đó, nhà nước hiện đại của Y-sơ-ra-ên là một thực tế cần thiết trong những lời hứa của Đức Chúa Trời đem người Do-Thái trở lại vùng đất hứa. Theo cách đó, nó chuẩn bị cho công việc của Đức Thánh Linh đem dân tộc này trở lại cùng Đức Chúa Trời ( Ê-sai 66:18; Rô-ma 11:25-27).

Sự khôi phục quốc gia Y-sơ-ra-ên vào năm 1948, sự phát triển nông nghiệp gây kinh ngạc trên vùng đất thánh (Ê-xê-chi-ên 36), sự tái chiếm Giê-ru-sa-lem vào năm 1967, và sự hồi hương của người Do-thái từ khắp nơi trên thế giới là kế hoạch trong những lời tiên tri của Đức Chúa Trời cho Y-sơ-ra-ên trong những ngày cuối cùng. Giai đoạn này đang chuẩn bị  những sự kiện cho ngày của Chúa.

 images (1)

HÃY NHÌN VÀO Y-SƠ-RA-ÊN.

Y-sơ-ra-ên là chìa khóa để có thể hiểu được các lời tiên tri từ Kinh Thánh. Nó là trung tâm trong kế hoạch tiên tri của Đức Chúa Trời.  Ngài không bao giờ từ bỏ Y-sơ-ra-ên và Ngài sẽ hoàn thành những lời hứa với dân tộc này.

Có nhiều điều Y-sơ-ra-ên đã làm trong quá khứ là không đúng. Tội lỗi và sự không vâng lời của họ khiến họ thường xuyên bị Đức Chúa Trời phán xét ( Lê-vi-ký 26:40-43; Thi 89:30-32). Nhưng không một tội nào trong quá khứ của họ sẽ hủy bỏ giao ước vô điều kiện và đời đời của Đức Chúa Trời dành cho họ.

Y-sơ-ra-ên ngày nay cũng làm nhiều điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta không ủng hộ những sai trật của nhà nước Y-sơ-ra-ên.

Nhưng chúng ta tin tưởng chắc chắn là nhà nước hiện đại của Y-sơ-ra-ên đã làm ứng nghiệm kế hoạch tiên tri của Đức Chúa Trời và nhắc chúng ta biết rằng sự tái lâm của Đức Chúa Jesus đã rất gần với thời đại chúng ta.

The end. 

David Hocking

Website: www.davidhocking.org

Translated by Hon Pham   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn