Thứ Ba , 16 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / Suy Gẫm Thư Tín Thứ 2 Của Giăng.

Suy Gẫm Thư Tín Thứ 2 Của Giăng.

Mình được tái sinh trong nhà Chúa, được nuôi dưỡng trưởng thành và nhận chức vụ trong Hội Thánh mà đa phần thành viên nói tiếng Anh. Nhưng đôi khi cũng có Hội Thánh người Việt mời giảng luận.
Đây là bài: Vài suy gẫm với thư tín thứ 2 của Sứ-đồ Giăng.
Giăng viết cho người phụ nữ hay sự công bố về quyền bình đẳng của họ.
Mời anh chị em cùng suy gẫm.

images (1)

I – Giới thiệu

Sự dấy lên quyền bình đẳng giữa nam nữ không phải là sản phẩm của thế kỷ hai mươi. Hạt mầm của bình đẳng đã được gieo trong tâm khảm con người, đặc biệt là những ai biết Chúa, biết Thánh Kinh của Ngài từ cách đây hai ngàn năm rồi.
Những nhân vật ảnh hưởng sự thay đổi trong xã hội loài người như John Woolman (1720-1772) của Mỹ tạo nên sự nghiệp giải phóng nô lệ và William Wilberforce (1759 – 1833) của  Anh quyết tâm mang ra cuộc cải cách chấm dứt nạn buôn nô lệ và giải phóng nô lệ đều là những nhân vật đi tiên phong cũng đã biết trích ra từ trong Thánh Kinh phẩm giá của ‘anh em trong Chúa’ để làm động lực cho hoạt động xã hội của họ và tạo ra một làn sóng dẫn đến cuộc giải phóng nô lệ. Câu hỏi mà mỗi tín hữu hay học giả cần phải hỏi là: tại sao những cuộc cải cách lớn trong xã hội loài người không có điểm xuất phát từ những nền văn hoá lớn như Ấn Độ, hay Trung Hoa nhưng lại đa phần xuất phát và ảnh hưởng từ Tây phương? Bộ người Tây phương thông minh hơn tất cả các dân khác, hay tại vì một lý do rất đơn giản là vì họ được gần đèn hơn? Biết Thánh Kinh và được thần linh của Chúa soi sáng họ trước những người của sắc dân khác?
Người Tây phương được ảnh hưởng quá nhiều từ những tiêu chuẩn Thánh Kinh, ngay cả nhà vô thần nổi tiếng  trong thế giới hiện nay, Richard Dawkins, dù khăng khăng chối bỏ sự hiện diện của Chúa qua cách quan sát của một nhà sinh vật học, nhưng trong cuốn sách nổi tiếng của ông The God Delusion  (Hoang Tưởng Của Chúa). Trong sách này Dawkins cũng đã phải khẳng định ‘Chúng ta không thể loại bỏ sự ảnh hưởng của Thánh Kinh, vì văn hoá Tây phương, và các nền văn học Anh, Nga, Đức, Ý, Hà Lan không thể bỏ sự ảnh hưởng của Thánh Kinh được.’ (Trang 383)
Trong thư tín Thứ Hai này, Sứ đồ Giăng đã viết đặc biệt, trực tiếp gửi cho một người phụ nữ, dù không đề cập đến tên tuổi và chức vụ, nhưng khi đọc thư này ta thấy ông đã rất đề cao những người vợ, những bà mẹ trong việc giữ vững mái ấm trong những gia đình theo Chúa, giúp tạo nên cuộc phục hưng lan toả ra trong toàn bộ lãnh thổ của đế quốc La Mã, một đế chế có một không hai trong chiều dài lịch sử nhân loại.
Giăng học sự ngưỡng mộ phụ nữ ở đâu? Tất cả mọi thứ trong thế gian đều không thể xuất phát từ khoảng trống không được mà nó đều xuất phát ở một vị trí, một thời điểm nào đó. Giăng đã học cách tôn trọng phụ nữ trong ba năm theo chân Cứu Chúa.
Cách Cứu Chúa Giê-su đối xử với mẹ và các em gái của mình (Giăng 2; Giăng 4; Giăng 8. Mác 3:20 Lu-ca 8:2-3). Trong những năm tháng bước theo chân Chúa, Giăng đã được dạy dỗ bằng lời, bằng cách quan sát và nhận ra, Đấng Giáng Sinh này, Đấng đến với thế gian trong thể xác này đã đối xử với những chị em phụ nữ một cách công minh chính đại và không ngừng bảo vệ và biện hộ cho họ. Để rồi ngay cả khi Chúa phục sinh sau cái chết đau đớn thì cũng vẫn là những người phụ nữ là những người đầu tiên gặp Chúa và nghe tiếng Ngài phán bảo ra đi làm công việc chứng nhân cho Ngài. Họ được quyền truyền bá không phải chỉ đơn giản tư tưởng của Chúa, mà là sự sống lại của Ngài (Giăng 20:12-17). Tuy Giăng và những người nam  khác được trao chức vụ là Sứ Đồ trông coi Hội Thánh và giảng dạy lời Chúa, mà các vị sứ đồ này đã biết phải xây dựng tất cả trên nền tảng của Cứu Chúa đã lập ra, nhưng họ biết chị em phụ nữ là những người mà Chúa rất quan tâm.

https://huongdionline.com/2017/03/30/gods-high-calling-women-2/

Trong xã hội loài người, các bà mẹ, chị em phụ nữ ảnh hưởng đến những đứa con thuộc thể hay con thuộc linh nhiều lắm. Không có những bà mẹ chăm sóc con mình xã hội sẽ đầy tao loạn. Giăng dành cả một lá thư viết cho phái nữ, phải là một sự thúc đẩy của Thánh Linh trong việc này.

II – Những tính đặc biệt của lá thư.
1. Đây là thư tín duy nhất trong Tân Ước viết cho người nhận là phái nữ.
2. Đây là lá thư duy nhất cho phái nữ mà lại không đề tên cũng không đề chức vụ.
3. Tác giả của lá thư cũng không cần phải nói rõ vai trò hay vị trí lãnh đạo của ông.
4. Đây là lá thư viết cho thấy rõ sự ảnh hưởng rất lớn của phái nữ trong Hội Thánh.

john

Thư viết cách đây gần hai ngàn năm, trong cái thời mà phụ nữ bị coi thường, vậy mà Thánh Kinh đã ghi chép và để thư tín này vào trong Thánh Kinh. Chắc chắn Đấng Thánh Linh muốn cho ta nhận ra những điều quan trọng trong lá thư này. Đó là trong Cứu Chúa không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Trong tình yêu thương của Ngài không có ai là quan trọng hơn. Mối tình của Chúa trao cho thế gian luôn luôn tương đồng. Vai trò của mỗi người trong Hội Thánh tuy khác nhau, người lãnh đạo ở đây cũng không phải là nhân vật quan trọng nhất mà là mối tình của tác giả và của người nhận thư đối với Thiên Chúa, tác giả của mọi tình yêu thương là quan trọng hơn tất cả.
Học giả Thánh Kinh có tên Pierson nói về Giăng Thứ Hai là lá thư viết cho phụ nữ và dành rất nhiều cảm tình cho phái nữ này. ‘Đây là một trong những đóng góp lớn lao để cho ta nhận thấy và không ngừng xây dựng phẩm giá của người phụ nữ, trong đó có tính cách của những bà vợ và những bà mẹ. Trong thư này cho ta biết cách Giăng đã biết nâng cao phẩm chất thuộc linh của những bà mẹ; và cũng qua đây là lời cảnh báo cho những kẻ đã dám cả gan lạm dụng sự mến khách của những bà mẹ này mà tuyên truyền cho họ những giáo lý phản nghịch Chúa nhằm huỷ diệt đời sống  thiêng liêng trong Ngài.’

III – Một sự đặc biệt khác khiến ta quan tâm.
Thư viết cho phụ nữ mà lại đề cập đến lẽ thật rất nhiều
A – Biết lẽ thật: Câu 1
B – Vì cớ chính lẽ thật: Câu 1
C – Lẽ thật ở với chúng ta đời đời: Câu 2
D – Lẽ thật luôn luôn đi song đôi với sự yêu thương: Câu 4

Thường khi viết về lẽ thật, hay suy nghĩ về lẽ thật người ta chỉ nghĩ đến những người nam nhi có tư duy sâu rộng về những gì của trừu tượng, và phái nam thường hay cho rằng chỉ có họ mới là những người biết rõ sự sâu nhiệm của lẽ thật. Nhưng trong thư tín thứ hai này của Giăng ta thấy một điều không thể chối bỏ được đó là, người phụ nữ cũng biết lẽ thật và gìn giữ lẽ thật cách trong sáng. Lẽ thật không phải ở ý tưởng trừu tượng mà lẽ thật là trong Cứu Chúa (Giăng 14:6). Và người phụ nữ trong thư này đã nhận biết, đã tuyên xưng đức tin, và đã từng là con người biết rõ Đấng của lẽ thật đang cùng hành trình với mình.
Người phụ nữ này thật sự là một con người có phẩm giá và được tín nhiệm lớn trong Hội Thánh địa phương. Sứ đồ Giăng viết cho bà và mở đầu trang thư bằng một sự nhấn mạnh điểm mà ta không thể không suy nghĩ.
‘Trưởng lão đạt cho bà được chọn kia cùng con cái bà mà tôi thật yêu dấu, nào những tôi yêu dấu thôi đâu, nhưng hết thảy mọi người biết lẽ thật cũng yêu dấu nữa.’
Chính bản thân ông nhận ra người nào cũng vậy là nam hay nữ khi làm những việc của Thiên Chúa tất phải được lựa chọn. Người ta thường hoàn thành được trọn vẹn nhiệm vụ của mình khi họ biết rằng họ được chọn cho một mục đích thiết thực. Bất kể là ai trong thế gian khi làm trọn vẹn công việc hay trọn vẹn vai trò của mình thì được ca ngợi và cảm thấy một nguồn vui vô hạn. Người phụ nữ này được ‘trưởng lão’, chức vụ của người đứng đầu Hội Thánh viết thư tay cho bà và bày tỏ lòng  ngưỡng mộ. Nhưng không phải chỉ đơn giản mỗi cá nhân sứ đồ này không thôi mà sự  ngưỡng mộ cho người phụ nữ này đã được tất cả những ai yêu lẽ thật trong Hội Thánh năm xưa và hôm nay cũng xin được ‘ngả mũ’ ngưỡng mộ bà.

Sự nhận biết mình được lựa chọn để vươn lên cùng Chúa là một chiến thắng rất lớn.
Minh hoạ:
Có một lần tôi dành thời gian nói chuyện với một người trên quê hương mà tôi định cư. Anh bạn Úc của tôi bảo rằng: ‘Phải là người được chọn mới có thể làm được những công việc trong nhà Chúa…’ Anh ta nhìn tôi và hỏi: ‘Tại sao anh được chọn mà tôi thì không?’ Tôi chỉ biết nhìn anh ta mà thủng thỉnh trả lời cách rất thẳng thắn.
‘Lý do gì anh biết tôi được chọn còn anh thì không?’ Anh ta chưa kịp trả lời thì tôi phải nêu rõ quan điểm. ‘Mỗi chúng ta được sống lành mạnh cho đến ngày hôm nay phải là những người được Chúa chọn… Sự khác biệt giữa tôi và anh không phải là do Chúa bất công vì Ngài không chọn anh. Tôi hoàn toàn khẳng định rằng anh cũng được Chúa chọn đấy. Tôi và anh chỉ khác nhau trên cương vị của chúng ta hôm nay chẳng qua là tôi rất coi trọng lời Chúa và kiên tâm nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Ngài. Vì coi trọng tiếng gọi thiêng liêng cho nên tôi phản ứng bằng cách sẵn sàng phụng sự Ngài. Còn anh, anh cũng được chọn nhưng anh lại phản ứng cách khác là anh không coi trọng tiếng gọi thiêng liêng, và anh không muốn kiên tâm theo Ngài và phụng sự Ngài mà thôi. Phụng sự Chúa không phải chỉ là người đứng trên bục giảng và giảng luận những bài hùng hồn. Phụng sự Chúa là giữ vững vai trò của mỗi chúng ta trong Hội Thánh và không bao giờ coi rẻ tiếng gọi thiêng liêng để nêu ra được sự hiện diện của Chúa trong cộng đồng…’
Anh ta trố mắt nhìn tôi. Trong khi tôi thì bận rộn lấy ra bao nhiêu dẫn chứng trong Thánh Kinh cho anh ta hay.
Nô-ê đóng tàu và bảy người trong gia đình của ông cũng phải giữ đúng vai trò. Tuy danh của Nô-ê được nêu lên, nhưng là đại sự của một gia đình, hay một cộng đồng. Nếu chỉ một Nô-ê hành động không thôi thì việc đại sự của Chúa trao cho ông không bao giờ hoàn thành mỹ mãn (Sáng Thế Ký 6-9).
Cả hai nhân vật trong sách Ru-tơ là bà Nao-mi và Ru-tơ họ đều có quyền oán Chúa vì họ là những người mất chồng, mất con, mất quốc gia… mất tất cả, mất hết. Cả hai người phụ nữ trong giai đoạn đó, là các bà goá. Họ không chỉ mất chồng ở cái tuổi còn son sẻ mà cả hai người phụ nữ này đều không có con. Họ có thể trách Chúa. Họ có dư mọi lý do để ngay cả lên án  Chúa là ác, hay Chúa là vô tâm… Nhưng vì họ kiên tâm bước chân theo Chúa và phần thưởng là rất lớn.
Cháu bé làm thuê, hay đứa ở trong nhà của võ tướng Na-a-man. Cô ta có quyền oán trách Chúa là bất công, vì tại sao cô ta mới chỉ là một đứa con gái nhỏ bé đã phải đi ở đợ cho kẻ đánh chiếm quốc gia mình và bắt cóc cô ta. Nhưng không. Cô ta ở trong nhà võ tướng và khi biết ông ta cần phép lạ, cô ta đã mạnh dạn làm sáng danh Chúa. (2 Các Vua  5).
Cậu bé với năm cái bánh mì và hai con cá (Giăng 6:9). Cậu ta đã được đại dụng khi Chúa cần.
‘Tôi tin tất cả chúng ta đều được chọn. Tôi tin Chúa không thiên vị. Tôi tin Chúa chọn chúng ta trong một vai trò nào đó mà ta không muốn biết mà thôi. Nhưng trong thế gian những ai coi trọng cuộc sống, coi trọng sự linh thiêng, coi trọng Chúa gìn giữ mạng sống và tiếp tục trau dồi cuộc sống linh thiêng và phẩm giá của mình bằng cách theo Chúa mà dám bước vượt qua những cám dỗ, những trở ngại để vươn lên. Chúa không thiếu nợ ai nhưng muốn đại dụng tất cả…’
Anh bạn Úc của tôi lắc đầu bỏ đi. Anh ta biết rõ không phải chỉ mỗi tôi được Chúa chọn, chính anh ta cũng được Chúa chọn. Anh ta phải hơn tôi thật nhiều nếu anh cứ giữ đúng giá trị của cuộc sống thiêng liêng và bước theo Ngài và để Ngài trau dồi mình không ngừng nghỉ. Nhưng có lẽ bởi một lý do là con người ta hay chóng chán và dễ nản lòng, đây là yếu điểm của loài người nói chung và là điểm nhấn trong sự khác biệt của hai chúng tôi. Chúa là người đi trước, Chúa là đấng đi cùng, Chúa ở trong ta, Chúa ở bên ta và ai dám theo, dám trau dồi sẽ nhận ra sự khác biệt với những ai không dám theo và không dám trau dồi mà thôi.

Không phải tất cả mọi người trong gia đình đều bước đi trong lẽ thật.
Một sự thật khác trong lá thư này cho ta thấy một sự thật khá đau lòng, đó là, không phải tất cả con cái của người phụ nữ này bước theo lẽ thật. Thánh Kinh nói rõ chỉ một vài người mà thôi.
‘Tôi có lòng vui mừng lắm mà thấy trong con cái bà có mấy kẻ làm theo lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận lãnh nơi Đức Chúa Cha.’ Câu 4.
Lẽ thật đòi hỏi ở chúng ta thật nhiều. Như Chúa bảo trong Mác 8:35-38 hay Mác 12: 30-31.
Mệnh lệnh được rao ra nhưng đâu phải tất cả mọi người đều toàn tâm toàn ý thực hành. Lẽ thật là cửa hẹp và chỉ những con người coi trọng tiếng phán của Chúa, sẵn sàng hy sinh những thứ khác để danh Chúa được sáng trong cuộc đời của họ và người phụ nữ không tên tuổi này là một trong những con người ấy.
Theo Chúa và bước theo lẽ thật của Ngài không phải là một đặc ân, mà là dám bước đi cùng Ngài trong đức tin. Nhiều khi ngay cả những người thân bên cạnh ta cũng không thể nhìn thấy cách Ngài dẫn dắt ta đi trong thế gian. Người phụ nữ, nhân vật sẽ nhận được thư này của Giăng cũng cần phải nhìn thấy điều này để bà không phải quá quan tâm, hay quá đau lòng vì một số người thân không thể tiếp tục bước theo lẽ thật. Nhưng đây là lẽ hiển nhiên trong cuộc sống của những người sẵn sàng theo Chúa. Ngay cả bản thân Cứu Chúa Giê-su trong những năm tháng bước chân trên thế gian cũng phải đối diện với một sự nghiệt ngã, đó là gia đình người nghe về Chúa thì nhiều, biết rõ nguồn lợi của Phúc Âm cũng có nhưng dám bước theo Chúa và thực hành Phúc Âm trong cuộc sống thì ít. Đâu đó chính những người thân nhất của Chúa cũng cho rằng Ngài là mất trí, (Mác 3:20-21.) Trong Phúc Âm Giăng đoạn 7:3-5. Gia-cơ trong lúc này còn chỉ trích và ngay cả thách thức Cứu Chúa người anh em cùng mẹ khác cha với mình, và chỉ sau khi Chúa phục sinh sau cái chết trên cây thập tự, Gia-cơ mới một lòng tin vào Giê-su là Cứu Chúa và Gia-cơ đã trở thành nhà lãnh đạo của Hội Thánh đầu tiên.

Lời kêu gọi, lời thúc giục của sứ đồ Giăng tới người phụ nữ này cũng là điều mà chúng ta phải suy ngẫm.
5 Hỡi bà được chọn, hiện nay tôi khuyên bà, không phải truyền một điều răn mới, nhưng nhắc lại điều chúng ta đã nhận lãnh từ ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu thương nhau.
6 Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo.

‘Hỡi bà được chọn…’ đây là một cách nói chân thành của người lãnh đạo muốn khích lệ tôi con của Chúa cứ vững lòng tin. Ai ai cũng được chọn cả đó, có được chọn thì ta mới sống đến ngày hôm nay. Nếu không được chọn thì ta chắc chắn đã bị chết lâu rồi, nhưng những ai khi nhận ra mình được Chúa chọn, và sẽ sống xứng danh với cuộc sống được Chúa chọn lựa này sẽ là những con người không ngừng trau dồi trên mọi phương diện của cuộc sống.
Người ta chỉ trau dồi khi họ biết họ có giá trị và đã được coi trọng.
Victor Hugo kể lại câu chuyện của một tên ăn trộm. Vị linh mục biết tên ăn trộm này là một kẻ gian manh, nhưng ông chọn làm ngơ, mà không chú tâm vào sự gian manh của tên kẻ trộm này. Ngay cả khi cảnh sát tới để bắt tên ăn trộm gian manh kia ông vẫn bênh vực cho tên ăn trộm kia có cơ hội thay đổi cuộc đời. Và chỉ khi tên ăn trộm khét tiếng này biết rõ anh ta là con người và vì được yêu thương một cách vô điều kiện, anh ta hiểu thêm cái giá trị làm người. Đâu đây anh ta biết mình đã tàng chứa phẩm chất của Chúa bên trong con người mình mà sau này anh ta cùng Chúa song hành, giúp cho anh ta bước đến với cuộc ‘đại tu’ thật lớn trong cõi tâm hồn. Không phải anh ta có thể tự sửa đổi mà là có Chúa, đấng vô hình cùng bước đi với anh ta và cuộc đời ấy được đổi thay ấy. Tên kẻ trộm này không bao giờ biết mình có giá trị cho đến khi anh ta được người đi trước bày tỏ cho anh ta về một cái gì đó rất cao quý mà mỗi con người cần phải khám phá và coi trọng để gìn giữ phẩm chất cao quý của mình.
Người phụ nữ mà Giăng viết cho bà trong thư tín này đã nhận ra chân giá trị của cuộc sống, nhưng bà không nên ngừng ở đây, mà tiếp tục theo Chúa và đi sâu hơn, nhìn rõ hơn, tận hưởng một cách thoải mái hơn về sự hiện diện của Chúa. Bà ta cũng phải đón Chúa một cách hân hoan hơn trong từng ngày.
Giăng không nói gì về điều răn mới, mà những gì ông đã trao cho bà, cho Hội Thánh trước đây. Ông đã giảng trong Hội Thánh này bao nhiêu bài giảng luận? Ta không biết nhưng ta cũng nhận rõ, thành viên trong Hội Thánh đã được xây dựng vững chắc trên nền tảng của Chúa và biết rõ sự khác biệt giữa yêu thương chân thành của Ngài và cái du nịnh của thế gian để trục lợi. Cuộc sống và giá trị của người theo Chúa không phải là những cuộc chạy đua đi tìm ra những ý kiến mới, hay sáng kiến mới mà là vững trụ trong niềm tin để Chúa có cơ hội càng ngày càng bày tỏ ra cho ta hiểu thêm về giá trị trong cuộc sống của mình khi bước đi theo Ngài và được tỉa sửa. Nhà khoa học, hay những người có tính sáng tạo, họ làm được việc này là tận dụng tất cả những gì trong cái khung của vũ trụ do Chúa tạo nên để họ khám phá, nhưng các tín hữu thì vinh danh Chúa trong cái khung của tình yêu Ngài. Và tình yêu thương, sự chung thuỷ, một lòng kính yêu để Ngài dẫn dắt qua những chướng ngại vật là tâm điểm của ta  đi cùng đấng Emmanuel. Cuộc đời chân thành với Chúa là biết rõ Ngài đang cùng ta trong những cám dỗ mà nhiều khi mỗi người bước theo chân Chúa đều có một cảm tưởng đó là mình khó lòng có thể vượt qua những cám dỗ to và nặng như quả núi ấy. Niềm tin trong ta, của những người đi theo lẽ thật, phải biết rõ, Chúa không chết mà đã phục sinh để hướng ta bước theo cùng lẽ thật ấy đang sống trong ta.
Phao-lô bảo, ‘Trong thân thể của anh em là đền thờ của Chúa’ 1 Cor 6:19 có nghĩa là trong cuộc sống của ta đây, ngay trong thể xác đang phải chịu những cám dỗ này, thì ta cũng nên nhớ, ta đang là cái bình hay là con kênh chuyển tải vinh quang của Ngài trong thế gian.
1 – Biết lẽ thật
2 – Vì cớ chính lẽ thật
3 – Lẽ thật ở với chúng ta đời đời
4 – Trong lẽ thật và sự yêu thương

images (2)
Trong cả bốn khía cạnh của lẽ thật, hay có thể gọi là tứ trụ của lẽ thật này ở trong ta cũng rất có thể bị ta làm cho suy chuyển. Mỗi cá nhân ta đều có thể đối diện với một sự thật éo le là, trong cộng đồng của người theo Chúa cũng rất dễ bị lừa dối. Nếu ta không biết Chúa, không hiểu lời Ngài, không sống bởi lẽ thật, không vận hành theo lẽ thật ta sẽ dễ bị dẫn dụ theo một thế gian mà sẵn sàng chối bỏ Chúa.
Voltare một nhà văn, cũng là triết gia của Pháp ông ta nổi tiếng là ghét Thiên Chúa giáo. Nhưng ghét Thiên Chúa giáo chỉ là phần nổi và có thể nói là ông ta ghét nhất là Thánh Kinh. Có một lần ông ta nói mỉa mai. ‘Cái hay nhất của Công Giáo là làm lu mờ giá trị của Thánh Kinh’. Có nghĩa là trên một phương diện nào đó ông ta ủng hộ Thiên Chúa Giáo không biết Thánh Kinh. Khi không biết rõ giá trị của Thánh Kinh, ta bỗng nhiên không biết lời Chúa và sẽ không hiểu những thông điệp mà Chúa muốn chuyển tải cho thế gian. Trong Thánh Kinh có rất nhiều ẩn dụ, nhưng Thánh Kinh được ghi chép lại để tất cả những ai biết đọc có thể nghiên cứu và học hỏi trong này.

Các tà giáo nổi lên, nhưng người theo Chúa phải biết vững chắc trong niềm tin và ý chỉ của Cha trên trời.
Tà giáo đối với Giăng không phải là những triết lý sâu xa, hay những gì thuộc về trừu tượng mà người ta khó có thể nhận biết. Theo Giăng. Tà giáo là tất cả những ai rao truyền hay công bố Cứu Chúa không phải là Trời đến với thế gian. Trời không đến với thế gian trong xác thịt.
Giăng đã phải suy nghĩ thật nhiều khi viết những dòng tâm sự:

7 Trong thế gian đã rải nhiều kẻ dỗ dành, là kẻ chẳng xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà đến: ấy đó thật là kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ. 8 Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình, nhưng cho được phần thưởng đầy đủ.
9 Hễ ai đi dông dài, chẳng bền lòng theo đạo Đấng Christ, thì người ấy không có Đức Chúa Trời. Còn ai bền lòng trong đạo ấy, thì người đó có Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.
10 Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào hỏi họ. 11 Vì người nào chào hỏi họ, tức là dự vào công việc ác của họ.

Cách đây hai ngàn năm đã có nhiều kẻ đến dỗ dành và không dám xưng rằng Trời đến với thế gian qua thân thể của một Cứu Chúa. Tất nhiên khi chối bỏ thần tính của Cứu Chúa người ta cũng chối bỏ nhân tính của Cứu Chúa và họ đã biến mình thành những con người sống trong cái thế giới mà Chúa ban cho nhưng cố tình chống lại Ngài. Những con người không chăm chỉ chuyên lo và trau dồi về sự đến của Chúa, về Giáng Sinh thì họ sẽ không biết rõ về lẽ mầu nhiệm của Giáng Sinh và Phục Sinh của  Đức Chúa Trời.
Giăng dạy bảo với người phụ nữ mà ông chiêm ngưỡng kia là tuy chúng ta sống vì yêu thương và điều răn của Chúa là yêu thương nhau nhưng cũng không vì yêu thương mà ta tự biến mình thành nạn nhân của những kẻ lạm dụng.
Lẽ thật của Chúa không phải là con người nghĩ ra, nhưng sự giả dối luôn luôn là sản phẩm của con người. Bao nhiêu ý tưởng chống lại Thiên Chúa đã nảy sinh ra trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại. Nhưng dù là những ý tưởng đó có cao siêu đến thế nào và có tầm anh hưởng ra bao nhiêu con người và giới cấp thì theo dòng thời gian, cái thật vẫn cứ được mang ra.
Người phụ nữ này đã được Giăng cảnh báo rằng, đừng vì yêu thương mà trở thành quá nhẹ dạ. Đừng vì cái dục tốc mà biến mình thành nô lệ của sự lừa dối. Hãy chối bỏ họ và chẳng dại gì thông công với những con người này. Lý do? Khi ta thông công với họ ta sẽ bị dẫn dắt theo triết lý chống Chúa của họ và rồi ta đánh mất tất cả những gì mà ta đã nỗ lực trong bao nhiêu năm qua.
Câu số tám là một lời khuyên chân thành cho những bà mẹ. ‘8 Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình, nhưng cho được phần thưởng đầy đủ.’
Đây là lời khuyên cho những bà mẹ, cho tất cả chúng ta là không vì hoàn cảnh, không vì tấm lòng rộng mở khiến ta dễ bị rơi vào những cú lừa đảo thuộc linh. Tạo mọi điều kiện để ta không bị ‘đứt quang, gãy gánh giữa đường.’ Người theo Chúa là thực hiện hành trình theo Ngài và biết rõ Chúa của ta là Đấng trung kiên và Ngài là thành tín.

IV – Kết Luận
Giăng biết ngưỡng mộ chị em phụ nữ và trong cả Tân Ước, đây là lá thư duy nhất viết và đề cập đặc biệt đến người phụ nữ và cho chúng ta biết rõ vai trò quan trọng của họ trong cuộc hành trình trên thế gian. Hội Thánh không thể không có sự đóng góp đắc lực của những chị em phụ nữ này.
Mùa Phục Sinh đang đến thật gần, đọc thư tín thứ hai của Giăng và ta cần suy ngẫm sâu hơn để ta có thể cùng nhau thực hành việc Chúa giao, đem đại mạng lệnh của Ngài đến trong một thế giới thường có những biến loạn.

 

UONG NGUYEN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn