Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Một Đời Sống Tha Thứ

Một Đời Sống Tha Thứ

This is the Life!

Warren W. Wiersbe

Đây là Sự Sống!

images (1)

Tận hưởng sự chúc phước và đặc quyền của niềm tin trong Đấng Christ.

“Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.”

Ê-phê-sô 4:32

Sau khi tổ phụ loài người bất tuân mạng lệnh của Chúa lần đầu tiên (Sáng-Thế-Ký 3), họ cố gắng che đậy tội lỗi, xấu hổ và chạy trốn khỏi sự phán xét thiêng liêng, nhưng mọi cố gắng đều thất bại. Họ mặc quần áo bằng lá cây nhưng vẫn cảm thấy tội lỗi. Họ cố gắng ẩn mình trong các cây cối nhưng Đức Chúa Trời thấy họ và buộc họ phải đối mặt với tội lỗi của chính mình. Họ gắng đổ lỗi cho nhau nhưng Chúa biết sự thật. Con người vẫn dùng mọi cách trốn tránh để không phải giải quyết tội lỗi của họ. Nhưng cũng như A-đam ngày xưa, họ chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn. Chỉ khi Chúa lột da những con vật vô tội và làm thành quần áo cho người đàn ông và vợ mình mặc lấy, họ mới được tha tội và mối tương giao giữa họ và Chúa được phục hồi. Việc này, dĩ nhiên là hình ảnh Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta trên cây thập tự. Ngài nói với các môn đồ, “Vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma-thi-ơ 26:28). “Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Giê-su, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” (I Giăng 1:7). “Chẳng khứng vâng theo và không nhớ đến các phép lạ mà Chúa đã làm giữa chúng; nhưng chúng cứng cổ mình, và trong sự bội nghịch mình cắt một kẻ làm đầu đặng trở về nơi nô lệ của họ. Nhưng Chúa vốn một Đức Chúa Trời sẵn tha thứ, hay làm ơn, và thương xót, chậm nóng giận, và dư đầy nhân từ, Chúa không có lìa bỏ chúng” (Nê-hê-mi 9:17). Ngài là Đức Chúa Trời sẵn sàng tha thứ.

Chúa Tha Thứ Tội Nhân.

Trong suốt thời gian thi hành chức vụ Ngài trên đất, Chúa Giê-su không chỉ chữa lành thân thể mà còn tẩy sạch những tâm linh hư hoại. Chúng ta sẽ xem lại ba trường hợp sau.

Một người bại liệt nằm một chỗ (Ma-thi-ơ 9:1-8).

Bốn người bạn không thể khiêng người bại qua đám đông để vào nhà từ cửa chính nên họ mở một lỗ hổng trên nóc nhà và thả người đó xuống trước mặt Chúa Giê-su. Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su không bắt đầu chữa cho thân thể bại liệt của người bệnh này ngay mà Ngài bắt đầu với tội lỗi của người đó. “Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha” (Ma-thi-ơ 9:2). Tội lỗi của người này thì có liên quan gì tới tình hình bệnh tật của thân thể? Chúng ta không biết. Nhưng các thầy thông giáo thì cảm thấy bị xúc phạm bởi lời công bố của Chúa chúng ta, bằng việc công bố như vậy Đức Chúa Giê-su tự xưng mình là Đức Chúa Trời. Tất nhiên sẽ dễ hơn nếu chúng ta nói, “Tội của ngươi đã được tha.” Bởi vì không ai có thể thấy Đức Thánh Linh đang hành động. Bạn làm sao chứng tỏ được rằng nó đã diễn ra? Nhưng Chúa Giê-su đang sử dụng trường hợp này như là “một bài giảng sống.” Người bại liệt này là hình ảnh của một người tội lỗi bị lạc mất, không thể tự chữa cho mình, tất cả chỉ còn trông chờ vào sự nhân từ của Chúa. Chúa Giê-su chữa lành cả thân thể và tâm linh của họ, và thân thể được lành biểu hiện rằng tâm linh cũng được chữa lành.

Đức Chúa Giê-su có quyền phép để tha tội lẫn quyền phép để chữa bệnh. Tôi đã gặp nhiều người bị ốm và tàn tật, những người rất cần sự chữa lành nhưng không ai trong số họ tin nhận Chúa Giê-su là Chúa và là Đấng Cứu Thế. Rõ ràng là Chúa Giê-su thấy đức tin của người bị bại liệt. Thân thể được chữa lành sau cùng nhưng rất nhanh chóng, trong khi sự cứu chuộc là món quà đời đời. Chỉ khi chúng ta kêu cầu danh Ngài, Chúa Giê-su mới tha tội và ban cho chúng ta sự sống đời đời, vì, “Vả lại ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu” (Công Vụ 2:21).

Một Vài Người Không Chú Ý.

Khi một vài tên lính đang đóng đinh Chúa Giê-su trên cây thập tự, Ngài lặp lại lời cầu nguyện, “Song Đức Chúa Giê-su cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Những tên lính này tất nhiên chỉ quen làm theo mệnh lệnh, nhưng những bậc cầm quyền dân Giu-đa, những kẻ gây ra cái chết của Chúa Giê-su thì đang phạm tội ác ngay giữa ban ngày. Họ biết các đấng tiên tri, họ đã thấy các phép màu, họ đã nghe những sứ điệp Chúa giảng, vậy mà họ vẫn cự tuyệt Ngài, và yêu cầu phải giết Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su lại cầu nguyện rằng Cha sẽ ban sự tha thứ cho những tên lính ngu dại và cả những thầy thông giáo kiêu ngạo. Điều này không có nghĩa là họ mặc nhiên được cứu và lên thiên đàng, nhưng Đức Chúa Cha sẽ xét lại sự phán xét và cho họ cơ hội được cứu. Trong thời Cựu Ước một người chỉ cần chạm vào hòm giao ước thì sẽ bị Chúa xử tội chết ngay lập tức (II Sa-mu-ên 6:1-7), thế mà ở đây con người đã dám treo Con của Đức Chúa Trời lên cây thập tự! Sự ngu dại là không thể bào chữa dưới cái nhìn của luật pháp. Những thầy thông giáo người Giu-đa và những nhà cầm quyền La Mã là những kẻ ngu dại và đầy tội ác, nhưng Ngài đã xét lại tội lỗi họ trong ân điển của Chúa. Ngài đã cho xứ Giê-ru-sa-lem 40 năm ân điển trước khi quân đội La Mã đến và hủy diệt họ. Trong thời kỳ ân điển đó hàng ngàn người trở lại đạo tại xứ Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê và xứ Sa-ma-ri, bao gồm những thầy tế lễ cả (Công Vụ 6:7). Chúa Giê-su đã “cầu thay cho những kẻ phạm tội” (Ê-sai 53:12) và Cha chúng ta đã nghe thấy và đáp lời. Đức Chúa Giê-su đã tha thứ cho kẻ thù mình và là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Khi dân Giu-đa ném đá Ê-tiên tới chết, ông đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” (Công Vụ 7:60). Đức Chúa Trời có thể ban ơn cho chúng ta được tha và quên đi tội lỗi chúng ta khi chúng ta càng trở nên giống Chúa Giê-su hơn.

Một Tên Trộm Không Chốn Dung Thân (Lu-ca 23:38-43).

Đức Chúa Trời là Đấng Định Sẵn, Ngài đã sắp sẵn Chúa Giê-su phải chịu treo trên thập giá ở giữa và hai bên là hai kẻ tội phạm. Cả hai đều có thể nghe Chúa Giê-su nói, đọc dòng chữ Phi-lát viết và treo trên đầu Ngài: “Giê-su người Na-xa-rét, Vua dân Giu-đa.” Một tên trộm có vẻ tức giận và thách thức bướng bỉnh, nhưng người còn lại thì nhận biết Đức Chúa Giê-su không phải là một phạm nhân mà là một vị vua, và quay sang Ngài ngỏ lời cầu xin. Người này xưng tội mình và tin rằng Chúa Giê-su có thể đưa mình về vương quốc Ngài. Chúa Giê-su nghe lời cầu nguyện của người, và đồng ý làm theo lời thỉnh cầu. Kẻ tội phạm này không biết Chúa Giê-su sẽ được thừa hưởng ngôi cao, nhưng Chúa chúng ta đã phán ngày đó gần đến. Chúa Giê-su trút linh hồn trước khi người kia chết và vì thế kẻ trộm không nơi nương tựa được Chúa đón lên thiên đàng. Con người đầu tiên là A-đam đã trở thành kẻ trộm và bị đuổi khỏi thiên đàng, nhưng A-đam sau chót (Chúa Giê-su) đã chết vì một tên trộm và đưa người lên thiên đàng.

832

Mọi người cho rằng đây là cơ hội cuối cùng cho những tên trộm tin Chúa Giê-su, nhưng có thể đây cũng là cơ hội đầu tiên. Một tên trộm đã không lãng phí cơ hội của mình mà bởi đức tin anh ta được Chúa Giê-su cứu. Thật là nguy hiểm cho những người chưa được cứu vì họ cho rằng họ còn nhiều thời gian để tin Chúa Giê-su và được cứu, nhưng chúng ta không biết khi nào thì cuộc sống kết thúc.

Chúa Tha Thứ Cho Người Đàn Bà Tội Lỗi.

Thật thú vị khi chúng ta xem lại “ba người phụ nữ tội lỗi,” những người này đã tin Đấng Cứu Thế và trải nghiệm một khởi đầu mới đó là những việc mà Chúa Giê-su đã làm khi Ngài thi hành chức vụ trên đất.

Một người phụ nữ ăn năn (Lu-ca 7:36-50).

Tại sao Si-môn người Pha-ri-si mời Chúa Giê-su dự bữa tối cùng người và thất bại khi được vinh hạnh đón Chúa tới nhà vẫn còn là một thắc mắc với chúng ta. Liệu đó có phải là sự cố gắng làm nhục Ngài? Nếu vậy, hãy nghĩ xem Si-môn cảm thấy xấu hổ như thế nào khi “người đàn bà xấu nết” bước vào phòng và bắt đầu làm cho Chúa Giê-su mọi điều mà Si-môn không làm cho Ngài. Người đàn bà phạm tội về xác thịt nhưng Si-môn lại phạm tội về tâm linh: kiêu ngạo, chỉ trích người đàn bà, chỉ trích Chúa Giê-su và thiếu tình yêu thương. Si-môn chỉ mời Chúa Giê-su mang tính xã giao trước đám đông, trong khi người phụ nữ này tuôn đổ tình yêu thương đối với Chúa Giê-su mà không hề xấu hổ. Đức Chúa Giê-su được gọi là “bạn của những người thu thuế và kẻ có tội” (Lu-ca 7:34). Và danh xưng này cũng không làm Ngài lúng túng. Nếu các bạn tra cứu tìm kiếm sự trùng khớp giữa các sách Phúc Âm, các bạn sẽ thấy rằng sự kiện này diễn ra sau khi Chúa chúng ta mời gọi dân chúng được ghi trong Ma-thi-ơ 11:28-30, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” Người phụ nữ nghe thấy lời mời gọi này, tin vào Chúa Giê-su và được tha tội và bà đến với Chúa Giê-su với lòng tôn kính. “Tội lỗi ngươi đã được tha.” Chúa phán. “Đức tin ngươi đã cứu ngươi. Hãy đi cho bình an” (Lu-ca 7:48, 50). Bởi đức tin, bà nhận được món quà tha tội và điều đó đã mang sự cứu rỗi và bình an đến trái tim bà.

Một Người Phụ Nữ Cẩn Trọng (Giăng 4:1-42).

Khi Đức Chúa Giê-su ở Sa-ma-ri với các môn đồ, và gặp người phụ nữ này tại giếng Gia-cốp trong khi mười hai môn đồ đi mua đồ ăn. Điều này là không bình thường khi một người thầy dạy luật Do Thái nói chuyện với một phụ nữ ở nơi công cộng, đặc biệt là một người phụ nữ tiếng tăm và lại là một người phụ nữ Sa-ma-ri. Để bắt chuyện, Chúa Giê-su hỏi bà xin nước uống. Điều này làm bà hoảng hốt vì “Số là, dân Giu-đa chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri” (Giăng 4:9). Nhưng đây là cơ hội để Chúa Giê-su giới thiệu với bà về nước sống của sự sống đời đời. Khi bạn đọc về cuộc nói chuyện này giữa người phụ nữ và Chúa Giê-su, chú ý rằng bà ấy khá thận trọng trong khi hỏi và trả lời. Trong đầu bà chắc đang tự hỏi rằng, Người đàn ông này thật khác thường, và tôi băn khoăn không biết thực ra ông ấy có ý định làm gì. Bà tấn tới trong sự hiểu biết về Chúa Giê-su, “từ một người Giu-đa” (Giăng 4:9) đến “lớn hơn Gia-cốp” (Giăng 4:12) đến “một đấng tiên tri” (Giăng 4:19) đến “Đấng Christ” (Giăng 4:29). Khi Chúa Giê-su hỏi về chồng bà, bà thận trọng trả lời rằng bà không có chồng, nhưng Chúa Giê-su biết sự thật và nói với bà về điều đó. Bà tin Đấng Cứu Thế và ngay lập tức chạy vào thành phố kể cho mọi người nghe về Đấng Mê-si-a mà bà đã gặp. Chúa Giê-su ở lại với họ hai ngày và rất nhiều người được cứu. Sao Chúa Giê-su có thể cứu người đàn bà đã ly dị 4 lần, cưới lại 3 lần và ngay lúc đó đang sống cùng bạn tình? Dĩ nhiên là Ngài có thể và Ngài đã làm điều đó. Và Ngài vẫn cứu tội nhân vì Ngài là Đấng Cứu Thế, là Đấng tìm và cứu những người bị hư mất.

Một Người Phụ Nữ Bị Kết Án (Giăng 8:1-12).

Mọi việc trong sự kiện này làm tôi phiền lòng, ngoại trừ sự cứu chuộc người phụ nữ vô danh này. Rõ ràng là toàn bộ chuyện này là kế hoạch để giăng bẫy Chúa chúng ta. Người đàn ông phạm tội tà dâm với người phụ nữ này đâu? Rõ ràng là anh ta được trả tiền để dụ dỗ người phụ nữ này phạm tội và sau đó chối bỏ cô. Không thể tin được là những thầy thông giáo lại bày ra kế hoạch này và mang người phụ nữ này vào trong đền thờ, nơi họ đối mặt với Chúa Giê-su. Họ làm gián đoạn sứ điệp của Ngài khi họ để người ở giữa đám đông. Tại sao Đức Chúa Giê-su lại lấy ngón tay viết trên đất? Ngài đã viết gì? Có phải Ngài viết lại luật Môi-se đã được chép trên hai bảng đá bởi Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô 31:18)? Có lẽ Đức Chúa Giê-su đã nhắc những thầy thông giáo này về Giê-rê-mi 17:13, một lời cảnh báo từ Đức Chúa Trời: “Hỡi Đức Giê-hô-va, là sự trông cậy của Y-sơ-ra-ên, những kẻ nào bỏ Ngài đều sẽ bị xấu hổ! Những kẻ lìa khỏi ta sẽ bị ghi trên đất, vì họ đã bỏ suối nước sống, tức là Đức Giê-hô-va.” Những thầy thông giáo này đã chống đối Chúa Giê-su, xa lìa chân lý và rời bỏ Đức Chúa Trời, nhưng chưa đủ họ còn định thử Chúa Giê-su và ném đá người phụ nữ. Chúa Giê-su lúc đó không giảng đạo hay là làm một phép lạ nào. Tất cả những gì Ngài nói là: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người” (Giăng 8:7). Bị đau đớn bởi chính lương tâm mình, những kẻ buộc tội rời khỏi đền thờ từng người một. Chúa Giê-su phán với người phụ nữ cách đầy thương mến: “Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11). “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-su Christ.”

Chúa Tha Thứ Cho Những Tín Hữu Đã Phạm Tội.

Những con dân Chúa không phải là vô tội, mà tội lỗi họ ít hơn và càng ngày càng ít phạm tội hơn khi họ tấn tới trong Chúa và bước đi với Thánh Linh. Vì Thầy Tế Lễ Cả Thượng Phẩm của chúng ta là Đức Chúa Giê-su có thể ban cho chúng ta ân điển chúng ta cần để vượt qua sự cám dỗ (Hê-bơ-rơ 4:14-16). Nhưng nếu chúng ta thất hứa với Ngài, và cố tình phạm tội, Ngài là Đấng Bênh Vực cho chúng ta trước Đức Chúa Cha. Nếu chúng ta xưng tội mình, Ngài sẽ tha thứ và khôi phục lại mối tương giao giữa chúng ta và Đức Chúa Trời (I Giăng 1:9-2:2). Chúng ta đã chứng kiến Chúa xử tội lỗi của Đa-vít. Vậy bây giờ hãy xem ba người là ông tổ đức tin, là những người đã từng bất tuân mạng lệnh của Chúa và tìm được sự tha thứ.

Áp-ra-ham chạy trốn tới Ê-díp-tô (Sáng Thế Ký 12:10-13:1).

Áp-ra-ham là một tấm gương vĩ đại trong Kinh Thánh về đức tin (Rô-ma 4, Hê-bơ-rơ 11:8-19). Bởi đức tin ông và vợ ông đã rời khỏi nhà ở U-rơ thuộc xứ Canh-đê và tới Ca-na-an, vùng đất Đức Chúa Trời hứa ban cho họ. Nhưng ngay khi đến đó, họ gặp một nạn đói khủng khiếp. Tại sao Chúa lại đưa dẫn họ đến một tình huống khó khăn như vậy? Lý do đó là để thử họ xem họ có bước đi bởi đức tin mà không nhìn bằng mắt thường không. Chúa biết tấm lòng của họ nhưng họ không hiểu được chính mình, và đức tin không được thử thách thì không thể vững vàng được. Trong hành trình thử thách đức tin với Chúa, họ sớm học được rằng thời điểm Chúa thử thách họ có thể trở thành thời điểm họ được hưởng phước.

Ở đây chúng ta biết rằng hầu hết những lãnh đạo trong Kinh Thánh đều thất bại vào lúc họ mạnh mẽ nhất chứ không phải lúc họ yếu đuối. Áp-ra-ham ông tổ của đức tin mất lòng tin nơi Chúa và chạy trốn tới Ê-đíp-tô. Môi-se người khiêm hòa (Dân Số Ký 12:3) mất bình tĩnh và đập hòn đá, và Đa-vít người đàn ông liêm chính bị phát hiện bất tuân mạng lệnh và đầy dối trá. Phi-e-rơ là một người can đảm trở nên sợ hãi trước một đầy tớ gái và chối Chúa. Phao-lô viết rằng “Vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” (II Cô-rinh-tô 12-10). Nơi yên bình nhất trên thế giới là sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời, dù cho hoàn cảnh quanh ta có như thế nào.

Khi Áp-ra-ham đến Ca-na-an thì gặp cơn đói kém lớn, lẽ ra ông nên nói rằng, “Đức Chúa Trời đã mang chúng tôi tới đây thì Ngài sẽ chăm lo cho chúng tôi.” Sau đó ông nên lập một bàn thờ, thờ thượng Đức Chúa Trời, và dựng lều để ở và chứng kiến những việc Đức Chúa Trời làm vì ông là một khách lạ và tha hương ở vùng đất này. Thay vì làm những điều này ông lại đến Ê-díp-tô, nơi đó ông đã nói dối vua và suýt nữa thì mất vợ. Lời tiên tri về Đấng Mê-si-a khó thành hiện thực! Việc Áp-ra-ham đưa Lót đến Ê-díp-tô đã làm hỏng hành trình bước đi theo đức tin của Lót và ông ấy bắt đầu so sánh đồng bằng bên sông Giô-đanh với mọi thứ mà ông đã thấy ở Ê-díp-tô (Sáng Thế Ký 13:10). Kết quả là Lót mất tất cả.

Dân Y-sơ-ra-ên ngả theo tấm gương xấu của Áp-ra-ham giống như một số tín đồ ngày nay. Bất cứ khi nào có vấn đề xảy ra trong cuộc hành trình qua đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên lại muốn quay lại Ê-díp-tô. Bất cứ khi nào họ bị đói, khát, bị kẻ thù tấn công, phản ứng đầu tiên của họ là nhớ lại lúc ở Ê-díp-tô chứ không phải là nhìn trông Chúa. Họ muốn ở trong cảnh nô lệ và thấy an toàn hơn là được tự do và đặt lòng tin cậy vào Đức Chúa Trời. Nhiều thế kỷ sau, tiên tri Ê-sai đã cảnh báo những hậu duệ của họ, “Khốn thay cho những kẻ xuống Ê-díp-tô đặng cầu cứu, nhờ những ngựa, cậy những xe binh vì nó nhiều, và những lính kỵ vì nó mạnh, mà không ngó về Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, và chẳng tìm cầu Đức Giê-hô-va!” (Ê-sai 31:1).

Áp-ra-ham đánh mất đức tin và gặp vấn đề nghiêm trọng tại Ê-díp-tô bởi lời nói dối của ông và thiếu niềm tin. Cuối cùng, Chúa ban phước cho người nào có lòng trung tín và chân thật chứ không phải bởi các kế hoạch khôn khéo của chúng ta. Chúa bảo vệ Sa-ra, cứu bà và chồng bà, đem họ trở lại Vùng đất hứa nơi thuộc về họ. Hãy xem lòng nhân từ Chúa lớn thể nào với con dân của Ngài!

moses_water_rock_strike-1

Môi-se đập hòn đá (Dân Số Ký 20:1-13).

Ngay sau khi đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Môi-se cung cấp nước sạch cho họ bằng cách nói với hòn đá (Xuất Ê-díp-tô 17:1-7). Sau đó họ phản nghịch tại Ca-đe, họ lại bắt đầu phàn nàn và làm Môi-se buồn lòng; Chúa phán với ông rằng hãy nói với hòn đá và nước sẽ chảy ra. Nhưng Môi-se tức giận và gọi những người dân Y-sơ-ra-ên là “dân phản nghịch” và cùng với A-rôn nhận lãnh sự trừng phạt của Chúa. Trong cơn tức giận, Môi-se đập vào hòn đá thay vì nói với hòn đá. Chúa nhân từ vẫn cung cấp nước cho dân sự nhưng Ngài cũng trừng phạt Môi-se và không cho phép ông tiến vào vùng đất Ca-na-an. Giống như Giô-na phải ở ngoài thành Ni-ni-ve (Giô-na 4), có thể Đức Chúa Trời ban phước cho người khác nhưng không ban phước cho bạn. Những người phục vụ Đức Chúa Trời phải nhận biết cơn tức giận của Chúa và gọi đó là “sự phẫn nộ phải lẽ.” Một tối tại buổi hội thảo, tôi nghe một người giảng lời Chúa trút nỗi giận dữ của mình, dù sự trình bày của ông đáng nghe, nhưng thái độ cay đắng của ông đã tạo nên một bầu không khí đầy căng thẳng. Bằng tình yêu thương Đức Chúa Trời đã sửa trị Môi-se nhưng nhiều thế kỷ sau vẫn cho phép ông được tiến vào vùng đất trên núi hóa hình (Ma-thi-ơ 17:1-8)! “Nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa,” (Rô-ma 5:20).

Phi-e-rơ chối Chúa 3 lần (Lu-ca 22:31-34,54-62).

Nếu như Áp-ra-ham bị thua bởi thế gian (Ê-díp-tô) và Môi-se thua bởi xác thịt (cơn giận dữ), thì Phi-e-rơ bị tấn công bởi Sa-tan. Đức Chúa Giê-su cảnh báo Phi-e-rơ rằng Sa-tan đang có kết hoạch sàng sảy ông và những môn đồ khác, nhưng Phi-e-rơ tự tin rằng mình sẽ không bị xao động (Lu-ca 22:31-34). Chúng ta nghĩ rằng ta hiểu lòng mình, nhưng không phải vậy (Giê-rê-mi 17:9), và khi chúng ta cảm thấy mạnh mẽ nhất thường là lúc chúng ta yếu đuối nhất. “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (I Cô-rinh-tô 10:12). Khi bạn theo chân Phi-e-rơ từ trên phòng cao xuống đến sân nơi ông chối Chúa, bạn khám phá ra vài loại cạm bẫy mà Sa-tan đặt ra để làm mồi nhử Phi-e-rơ. Phi-e-rơ khoe khoang khi ông phải lắng nghe, ngủ gục trong khi ông cần phải thức canh và cầu nguyện, phản ứng khi ông cần phải phục tùng, và đi theo Chúa vào vườn trong khi ông cần phải tránh đi. “Hãy để cho những kẻ nầy đi” (Giăng 18:8), là khi Chúa ra hiệu cho mọi người tránh xa và không đi theo Ngài. Nếu như Phi-e-rơ tuân theo lời Ngài thì có lẽ ông đã tự cứu mình tránh khỏi sự nóng giận, tội lỗi và buồn bã. Nhưng sau khi Chúa Giê-su phục sinh, Chúa đã gặp Phi-e-rơ cách riêng tư và khôi phục lại mối tương giao (I Cô-rinh-tô 15:5); và sau đó Ngài gặp lại Phi-e-rơ trước đám đông và phục hồi chức vụ thánh đồ cho ông (Giăng 21:15-25). “Hãy theo Ta” là lời Ngài thông báo với mọi người rằng tất cả mọi thứ đã tốt đẹp. Chúa tha thứ cho Phi-e-rơ, ban cho ông đầy dẫy Đức Thánh Linh và dùng ông đưa dắt hàng nghìn người tin vào Chúa Giê-su Christ. Kẻ thù buộc tội chúng ta, muốn chúng ta tin rằng tội lỗi của chúng ta mãi mãi khiến chúng ta không xứng đáng hầu việc Đức Chúa Trời. Nhưng I Giăng 1:9 đã buộc chúng phải câm miệng.

Chúa Muốn Chúng Ta Tha Thứ Cho Người Khác.

Một trong những cách tốt nhất để chứng tỏ cho mọi người thấy đức tin của chúng ta nơi Đấng Christ là tha thứ khi họ phạm tội và giúp họ khôi phục lại mối tương giao giữa họ với Chúa và với con dân Ngài. Nếu chúng ta không tha thứ, cuối cùng chúng ta sẽ phải cần sự tha thứ cho chính bản thân mình. “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng” (Ga-la-ti 6:1). Những tội lỗi cá nhân phải giải quyết cách cá nhân, những tội lỗi công khai thì phải giải quyết công khai và mọi việc phải được giải quyết trong tình yêu Chúa. Bằng cách tha thứ ai đó 490 lần, chúng ta sẽ có thói quen tha thứ! Tôi biệt riêng thời gian dành Lời Cầu Nguyện với Chúa mỗi ngày và khi tôi cầu nguyện lần thứ 5, tôi thêm vào câu “Cha ơi, xin ban cho con tinh thần tha thứ cho ngày hôm nay.” Một tinh thần không tha thứ sẽ là nơi đổ bộ của quỷ dữ có thể dễ dàng trở thành chiến trường của những tài xế không cẩn thận, một thang máy bị chậm, một đứa trẻ gây ồn trong nhà thờ, hay là một hàng xóm hay dòm ngó. (Nếu chúng ta có những người hàng xóm ngồi ở hiên nhà với ống nhòm, nhòm ngó hàng xóm mình. Chúng ta nên đóng chặt cửa trước.)

Những tín đồ không biết tha thứ làm buồn lòng Đức Chúa Trời và tự đánh mất ơn phước Chúa ban. Tôi biết một chấp sự luôn giữ trong túi một cuốn sổ tay ghi tên những người hay xúc phạm hoặc không đồng ý với ông. Ông ấy nên giải quyết những vấn đề này ngay lập tức và tận hưởng sự tự do trong Chúa, nhưng dường như ông quá để tâm. Theo I Cô-rinh-tô 13:5, “[Tình yêu thương] chẳng ghi lại những điều sai trật” (TNIV). Lập luận của Phao-lô trong Ê-phê-sô 4:32 chặt chẽ đến mức chúng ta không thể tranh cãi về điều đó; vì Chúa nhân từ tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng vì lòng nhân từ mà tha thứ cho anh em mình. “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13). Một tinh thần không tha thứ cản trở lời cầu nguyện của chúng ta (Ma-thi-ơ 5:21-26; 6:5-15; I Phi-e-rơ 3:7) và trao cơ hội cho quỷ dữ tấn công (II Cô-rinh-tô 2:6-111). Chúng ta phải tha thứ cho kẻ thù nghịch mình và làm bạn với họ và những anh em tín hữu (Ma-thi-ơ 5:43-48; Rô-ma 12:17-21).

Sự tha thứ nghĩa là tự do trong Chúa, một tinh thần không tha thứ nghĩa là đang trong cảnh nô lệ, và chúng ta phải quyết định chọn giữa hai điều này. Nếu chúng ta chọn mang sự ác cảm và thù hận, chúng ta đang cố “đùa giỡn Đức Chúa Trời” và mất tình yêu thương anh em mà chúng ta nên có. Đầu tiên chúng ta phải tha thứ cho chính mình, và sau đó tìm kiếm sự tha thứ từ cá nhân và sửa lại những lỗi lầm. Ma-thi-ơ 18:15-20 cho chúng ta biết những bước để làm theo.

 

Warren W. Wiersbe

 

Warren W. Wiersbe is best known as a Bible teacher, author, and conference speaker. He has ministered in churches and conferences in Canada, Central and South America, Europe, and the United States. He has published more than 150 books and was awarded the Gold Medallion Lifetime Achievement Award by the Evangelical Christian Publishers Association.

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn