Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / Trang Chủ / GÓC KHUẤT

GÓC KHUẤT

goc

Mùa đông rồi cũng đi qua. Cái lạnh tê tái rồi cũng bị nhường lại cho sự ấm cúng của ánh nắng mặt trời. Nhiệt độ của nắng ấm đã xua đi cái lạnh giá, nắng ấm khiến nhiều người bước ra khỏi những căn phòng kín mít để họ được ngồi sưởi nắng, được thưởng thức những gì mà thiên nhiên trao tặng cho họ. Người thích đọc sách cũng thường mang sách ra đọc dưới ánh nắng mặt trời.

Một cụ ông nọ mở cuốn sách Lectures To My Students (Những bài giảng luận cho sinh viên của tôi) đây là một trong những cuốn sách hay nhất của Mục sư Spurgeon, một học giả có tên tuổi của nước Anh. Nhân tài của xứ sở của sương mù này đã viết để lại tâm huyết của ông cho hậu thế về những suy tư của ông trong cuộc hành trình cùng Chúa trên thế gian. Cụ ông đọc đến đoạn thật hay, quá thích thú nên cụ ông bèn vừa đọc to để thưởng thức và cũng là vừa khoái trí suy nghĩ về lời đúc kết của vị Mục sư khả kính.

“Người khôn nên biết mình dại, người dại nên biết mình cần. Người mạnh nên biết mình yếu, người yếu nên biết nhìn lên cùng Chúa. Người nghĩ rằng ta đang đắc thắng nên biết rằng mình cũng dễ trở thành nạn nhân của sự thất bại. Người đại lượng cũng nên biết mình cũng thường hay có những suy nghĩ hẹp hòi của một kẻ tiểu nhân. Người có lòng yêu thương bác ái của Cứu Chúa cũng nên cần biết rõ một lúc nào đó, cá nhân mình rất dễ đãng trí. Và người hành trình cùng với Chúa cũng luôn luôn nhận ra, mình dễ xao nhãng trong công việc Ngài. Những người này, khi họ biết như vậy họ sẽ cứ trung tín và hành trình cùng Chúa. Họ đã là những người khôn ngoan!” Cụ ông đọc qua rồi đọc lại câu nói đó vừa như suy ngẫm lời thông sáng trong cuốn sách, và cũng vừa suy ngẫm những bước hành trình của chính đời mình. Ông lại cất cái giọng đọc trong cách viết rất hay của Mục sư Spurgeon.

Có lẽ vì ông chỉ muốn đọc cho mình ông nghe cho nên giọng của ông không rõ ràng mà nó lại ở trong trạng thái vừa đọc vừa suy nghĩ cho nên ông thật sự đọc không ra đọc mà nói cũng không ra nói. Vả lại cụ ông đã lớn tuổi tai đã bị điếc cho nên cách đọc của ông cụ càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Ông cũng không thể ngờ rằng bà xã của ông đã ra khỏi nhà từ lúc nào, và đang ngồi lẳng lặng đằng sau tấm bình phong ngay cạnh lưng của ông. Bà cũng đang bận tâm lên gấu chiếc váy-áo cho đứa cháu gái cưng đang học năm đầu của trường trung học. Bà cũng như ông ra ngồi ngoài sân thưởng thức cái âm áp dưới ánh nắng mặt trời sau những ngày lạnh giá của mùa đông.

Bà nghe thấy lời nói khôn ngoan thực tiễn mà lại không đọc cách rõ ràng bị đứt quãng. Bà liền chăm chú lắng nghe, nhưng cũng không được rõ ràng cho lắm. Bà chú tâm vào lời cụ ông đang đọc cho nên bà vô tình chọc  cái kim sắc bén sâu vào trong ngón tay cái.

“Ái chà!” Bà xuýt xoa kêu đau và bỗng nhiên bà nổi tiếng gắt gỏng lên với ông cụ.

“Ông đọc cái thứ gì thì ông cũng đọc to ra. Đọc cho rõ ràng cho người ta nghe với chứ. Ai mà lại cứ nửa đọc nửa nói như … ‘mèo ăn vã mắm,’ nghe không rõ mà không nghe thì cũng không được. Ông… ông làm tôi chú tâm vào những lời mà ông đang đọc đến nỗi tôi chọc cả kim vào tay và đang chảy máu ra rồi đây này… Tôi bắt đền ông đó!”

Nghe bà xã của mình nói lớn tiếng kêu đau, cụ ông mới biết rằng người bạn đời của ông đang ngồi ngay sau lưng mình. Khoảng cách của hai ông bà chỉ là một bức bình phong nho nhỏ. Ông cãi.

“Ơ hay! Cái nhà bà này… Tôi đâu có đọc cho bà nghe đâu mà bà đòi bắt đền tôi! Tôi đang đọc sách của Spurgeon… Bằng tiếng Anh hẳn hoi. Không phải là sách dịch ra tiếng Việt. Bà hiểu chưa? Bà chọc kim vào tay của bà là việc của bà. Bà đau chứ không phải tôi đau! Việc đọc là của tôi còn bà đau là việc của bà mà tại sao bà đòi bắt đền tôi!”

Tuy là nói như vậy nhưng theo thói quen của ông là hễ khi nào bà xã của ông kêu đau là ông sẽ bỏ tất cả mọi thứ mà bước lại ngay gần cụ bà để hỏi han và coi xem người bạn tình mấy chục năm của mình bị đau ra sao. Nhìn thấy ngón tay của bà xã đang chảy máu và bà thì nhăn nhó. Ông mau mau bỏ cuốn sách xuống ghế và ông cụ lạch bạch đi vào trong nhà và bê ra hộp cứu thương cá nhân. Ông lôi ra hộp thuốc khử trùng sau đó ông lấy mảnh băng dính mà băng bó cho bà. Ông cụ xuýt xoa.

“Bà có đau không? Tôi đã băng bó. Tôi đã rịt cho bà…”

Cách mà hai ông bà già đối xử với nhau, nếu không vì tuổi già với những mái tóc bạc cùng những bước đi chậm chạp, người ta tưởng họ là một cặp nhân tình đang ở cái thời theo đuổi nhau vậy. Cũng nhờ ông đọc, bà nghe, và bà chọc kim vào tay chảy máu mà ông ngừng không đọc nữa. Hai ông bà lại ngồi bên nhau để nói chuyện về những khám phá của tuổi già.

“Bà biết đó! Theo với Chúa. Người ta ai cũng biết rõ rằng vật gì càng quý trọng bao nhiêu thì càng hay bị rình rập để bị trộm cắp, hay bị cướp đi bấy nhiêu. Vật càng quý trọng càng phải đối diện với những đại nan đề. Vật càng quan trọng bao nhiêu thì ta lại càng phải quan phòng cẩn mật bấy nhiêu.”

Nghe ông cụ nói mà bà tưởng ông đi lạc vấn đề. Nhưng bà đã là bạn của ông hàng chục năm cho nên bà đã quen với cách nói chuyện và cách sống của ông. Bà biết thế nào ông cũng có một vài điều lý thú để san sẻ. Nhưng bà không quên trêu chọc ông.

“Sao lâu lâu ông cũng nói nhiều câu hay đáo để!”

Bà khen ông trong câu nói vừa khôi hài, vừa như cố tình chọc để ông nói chuyện. Bà nói vậy và bắt đầu nhăn mặt cười hì hì, hà hà để lộ ra cái miệng đã móm vì mất đi rất nhiều răng. Bà cười ngộ nghĩnh. Kiểu cười thoả mãn của hai người bạn già đã quá hiểu biết lẫn nhau. Tuy là họ đã già ở ngoài tuổi tám mươi nhưng họ vẫn rất hay chọc ghẹo nhau để có những nụ cười. Thật ra đám con cháu của hai cụ nhiều khi ngay cả ghen với cách mà hai cụ sống có tình cảm và luôn vui đùa chọc ghẹo lẫn nhau.

“Bà có biết cái gì quý nhất?” Cụ ông hỏi lại bà mà không để ý tới câu bông đùa.

“Hễ ta ở trong nghề trong nghiệp gì thì người ta sẽ coi trọng những gì đắc dụng cho họ. Người làm chính trị thì cho rằng quyền lực… Người buôn bán thì quý trọng lợi nhuận, vợ chồng thì quý trọng hạnh phúc. Người tin Chúa thì coi trọng Chúa và tình yêu của Ngài. Không có gì quý hơn cái mà họ quý trọng.” Bà trả lời ra vẻ triết lý.

“Thế còn chúng ta thì sao? Điều gì là quý trọng nhất mà bao nhiêu năm qua chúng ta hằng ấp ủ?”

“Tôi không biết! Có ai dại gì mà đi đoán suy tưởng của ông! Càng ngày ông càng có vẻ hơi quá trầm trọng đó. Ông biết câu trả lời mà… Thôi ông nói cho tôi nghe đi!”

“Bà biết đó chúng ta quý trọng tự do trong Chúa và đó cũng là lý do mà hôm nay chúng ta ở đây. Ở cái xứ sở này!”

“Ông lại có cái thói quen đi sâu vào trừu tượng rồi. Tôi chẳng muốn nghe những thứ đó.” Bà già nói to hơn để cho ông nghe rõ ý của bà. Và bà lại cười.

Ông cụ gật đầu và cười cùng với bà xã của ông. Nhưng ông không chấm dứt câu chuyện mà vẫn đề cao điều mà ông muốn nói sau khi đã đọc xong cuốn, Lectures to My Students của Spurgeon.

“À, bà nhớ nhé! Trong Chúa không phải tự do là cao nhất mà là trở thành con cái của Đức Chúa Trời mới là cao nhất.”

Bà già nghe vậy và bà nghoảnh mặt lên nhìn ông mà hỏi.

“Có phải vì khám phá này mà đã khiến Spurgeon trở thành một vị Mục sư danh bất hư truyền?”

“Đúng đó bà! Tôi tiếc quá bây giờ già rồi, mình mới biết và đọc đến sách của ông. Tôi thích thú khi  đọc bằng chính tiếng Anh, thứ ngôn ngữ của tác giả đã viết ra cuốn sách này.” Ông cụ nói và nhìn vào bà xã trong ánh mắt của hai người bạn tri kỷ.

“Đọc được mới thấy khoái chứ! Tiếc thật! Phải chi năm xưa mình chịu khó thêm một chút. Chuyên cần học Anh ngữ thêm một chút thì quả thật là mình sẽ tha hồ mà tận hưởng cả một kho văn chương, kho sách thần học trong tiếng Anh…”

Bà xã của ông nghe vậy và gật đầu đồng ý. Bà hiểu rõ tâm sự của ông, một con người hình như ít khi nào ông rời những cuốn sách. Chỉ trừ khi ông ngã bệnh mới thôi. Hồi trẻ tuổi ngay cả khi ông bận rộn tối mặt với những công việc, nhưng hằng tháng ông vẫn có thời gian để đọc và học cho xong những cuốn sách mà bà mua cho ông.

“Già rồi! Gần về với Chúa rồi mà ông vẫn còn tiếc không đọc hết sách. Ông thật là…”

“Bà biết không? Tôi đã đọc đi đọc lại câu chuyện người con trai hoang đàng trong ngụ ngôn Chúa kể. Vậy mà sau khi nghiên cứu xong cuốn sách của Spurgeon tôi đọc lại và càng ngỡ ngàng. Cậu con trai hoang đàng muốn tự do. Có nghĩa là cậu ta không muốn có kỷ luật, không muốn bị ràng buộc, không cần bất kể điều gì. Vì bất cần, bất cẩn đó mới là lý do chính khiến cậu ta đã phải trả giá. Cậu ta đã đem trao đổi những gì thuộc là của mình cho người khác. Cậu ta đã đem những gì thuộc về của một công tử mà đổi lấy a đọa.” Bà cụ lâu nay vẫn thích nghe lời khám phá của chồng mình và hôm nay bà vẫn là người bạn của ông, vẫn lắng tai nghe ông.

“Ai muốn cướp đi của ta nhiều nhất? Bà biết không?”

“Thì kẻ trộm cướp mới muốn cướp đi những gì mà ta coi trọng nhất.” Bà ta nhanh nhảu trả lời.

“Anh coi trọng tiền thì phải niêm phong tiền bạc cho cẩn mật. Hạnh phúc cũng thế… Sự Cứu rỗi cũng thế… Hội Thánh cũng vậy.”

“À…” Ông cụ reo lên khi nghe bà nói đến Hội Thánh.

*************************

Ngay khi đó thì người con trai trưởng trong gia đình cũng mới từ nhà tới thăm cha mẹ. Anh ta là một con người chí hiếu và cũng là bậc chí trung trong Hội Thánh của Chúa.

Nghe thấy bố mẹ đang nói chuyện xay xưa và cuốn sách của Spurgeon đang để ngay cạnh hai ông bà. Anh đoán chắc ông bố của mình lại đang thảo luận những khám phá của ông. Anh định cứ để cho các cụ nói chuyện, nhưng cụ ông đã vẫy vẫy cái tay. Cụ muốn anh cùng ngồi lại để sưởi nắng và tiếp chuyện cùng cha mẹ.

“Duy! Anh lại đây nói chuyện cùng bố mẹ!”

Duy nghe tiếng của người cha, anh đến bên hai cụ và ngồi xuống.

“Anh thấy người ở đây, trong cái xứ này họ nói nhà hay gia đình của họ là cái gì?”

“Bố! Đối với người Tây Phương và đặc biệt là những dân gốc Anh, thì căn nhà của họ được coi như là thành trì của họ.” Duy trả lời câu hỏi của người cha một cách rất thoải mái.

“Thế còn cá nhân của họ thì sao? Họ gọi là gì?”

“Bố! Vì ở đây là quốc gia mà cá nhân chủ nghĩa được coi trọng như là một thứ vô giá. Mỗi người khác nhau, mỗi người là một thế giới, và mỗi người là một thành trì bất khả xâm phạm. Đó là những gì mà hiến pháp của quốc gia này tặng cho họ…”

“Vậy! Có nghĩa là mỗi con người là thành trì và như là một cái lô cốt. Tôi nghĩ như thế có phải không?”

“Thì chủ nghĩa cá nhân, thật ra là như vậy đó bố!”

“Thế còn Hội Thánh thì sao?”

“Hội Thánh là tập hợp của những cá nhân mà. Nhưng có điều ở đây có rất là nhiều tín hữu, nhiều Cơ Đốc Nhân không đến sinh hoạt trong Hội Thánh.” Duy nói và bày tỏ vẻ buồn buồn.

“Nếu thế thì làm sao Hội Thánh có thể mạnh được. Và không có Hội Thánh mạnh thì làm sao ta có thể đem phục hưng cho cộng đồng ở đây và cho cộng đồng gần một trăm triệu ở Việt Nam?” Ông cụ bỗng nhiên hỏi lại Duy.

“Thì đây là nan đề của một cá nhân chủ nghĩa đấy bố. Không ai như bố như mẹ đâu. Có lẽ cả đời bố mẹ kể từ khi tuyên xưng đức tin cho đến hôm nay, chưa bao giờ bố mẹ vắng mặt trong Hội Thánh vào ngày Chúa Nhật. Chúng con được bố mẹ ảnh hưởng tốt như vậy, và đó cũng là lý do hôm nay cả nhà ta vẫn thường sinh hoạt trong Hội Thánh. Dù các em của con có ở các tiểu bang khác, nhưng họ vẫn là những thành viên bừng cháy của Hội Thánh. Bố mẹ đã trao cho con cháu một di sản quý báu.” Duy nói và bày tỏ lòng biết ơn với mẹ cha.

“Con có biết tại sao bố mẹ dù bận rộn, và dù ngay cả khi có chiến sự nhưng bố mẹ vẫn thường xuyên sinh hoạt trong Hội Thánh hay không?”

“Thì bố mẹ muốn là những tấm gương sáng cho chúng con.”

“Đó chỉ là một phần thôi con ạ! Anh đã là một người từng phục vụ trong quân đội anh biết.” Ông cụ nói và hỏi lại Duy.

“Cách đánh lô cốt của những người lính năm xưa ra sao?”

“Thì bằng mọi giá, bên tấn công phải biết lợi dụng góc khuất, hay gọi là góc chết để tiếp cận mục tiêu.” Anh ta hăng hái kể lại cho người cha. “Khi muốn tiến vào gần lô cốt để cài bộc phá, người bên phe tấn công phải biết rõ là lính canh phòng trong lô cốt có thể quan sát khắp nơi và nếu phát hiện ra kẻ tấn công, những vật bị lộ đó sẽ bị bắn hạ. Nhưng bất kể là mọi thứ trên thế gian đều có những điểm yếu. Lô cốt cũng tương tự. Người chiến sỹ chỉ có thể tiếp cận lô cốt khi biết lợi dụng – một là khi không  có ai cảnh giác, hai là lợi dụng góc chết.” Anh ta nói hùng hồn.

“Thế thì khi con nói thân con như một thành trì của Chúa. Con cũng có rất nhiều góc chết. Vậy làm sao con có thể khắc phục?”

“Con sẽ nhờ cậy Đấng Thánh Linh.”

“Hay quá! Đấng Thánh Linh là đấng dạy dỗ, đấng an ủi và hướng dẫn con đến chân lý. Ta không bao giờ phủ nhận sức mạnh của Đấng Thánh Linh.”

“Còn gì nữa?”

“À… Thì con sẽ phải biết dựa vào lời Chúa. Phải đọc Thánh Kinh.”

“Hay lắm! Thánh Kinh bảo. ‘Lời của ta là ngọn đèn dưới chân con…’ Lời của Chúa  và Đấng Thánh Linh của Ngài sẽ soi sáng cho con người. Có lời Chúa và có Đấng Thánh Linh như vậy con người ta sẽ trưởng thành.”

“Vây có còn gì nữa hay không?’

Duy bây giờ bắt đầu suy nghĩ mông lung. Anh ta gần như lắc đầu vì không biết phải nói sao với người cha đầy kinh nghiệm của mình.

“À… Thì con sẽ duy trì mối quan hệ mật thiết cùng Chúa.”

Người cha vỗ tay. “Hay lắm, hay lắm!”

“Thế có còn gì nữa hay không?”

“Dạ không!”

“Tại sao lại không?” Ông cụ nhìn Duy, quắc mắt lên mà hỏi. Tuy tuổi đã già nhưng khi ông cụ quắc mắt lên hỏi, người ta vẫn nhận ra những gì bừng cháy trong ông. Hình như lửa thiêng của Chúa không bao giờ suy giảm theo năm tháng của một người đã hứa theo Chúa đến tận cùng.

“Nếu chỉ có lời Chúa. Nếu chỉ có Đấng Thánh Linh. Nếu chỉ có mối quan hệ với Chúa không thôi… con vẫn là trung tâm của thế gian đó Duy ạ! Thế còn Hội Thánh của Chúa thì sao?” Ông cụ hỏi han về Hội Thánh và ông lặng im để nghe Duy trả lời.

“Bộ yêu Chúa, có lời Chúa, và xây dựng mối quan hệ với Ngài là không đủ sao bố?” Duy bây giờ hỏi vặn lại người cha khả kính.

Ông cụ nghe câu hỏi của con và thủng thẳng trả lời.

“Chúa nói gì trong Thánh Kinh? Không phải Chúa bảo rằng, “Ta sẽ xây Hội Thánh của ta trên tảng đá này và cửa địa ngục không thắng được Hội Thánh đó đúng không?”

“Vâng! Bố nói đúng đó!”

Ông cụ tiếp với lời đã nói. “Từ Phúc Âm của Giăng 13-17 Chúa Giê-su nói rất nhiều về vai trò của Đấng Thánh Linh cho các môn đệ của Ngài. Con quan sát gì với cả bốn chương đó nếu con nói con biết đọc Thánh Kinh?” Duy chưa kịp suy nghĩ để tiếp cận cách hỏi của bố mình. Anh ta chỉ biết trả lời vắn tắt.

“Bố hỏi như vậy thì sao con dám trả lời!” Và anh ta cười khì khì như để chống lại cách hỏi trực tiếp của người bố dày dặn kinh nghiệm và đa dạng trong kiến thức.

“Con nhớ nhé cả bốn chương đó Chúa nói trong nhà, và gần như là nói cho riêng các môn đệ của Chúa đó. Có nghĩa là Chúa nói với những con người trong Hội Thánh, chứ không phải Ngài nói với thế gian đâu con.” Duy nghe vậy và chàng gật đầu đồng ý.

“Khi con có Chúa, có Đấng Thánh Linh, có lời của Ngài nhưng không có Hội Thánh con vẫn còn là kẻ kiêu ngạo và không biết phục tòng cùng nhau trong Hội Thánh của Ngài.” Nói đến đây và ông cụ bắt đầu quay trở lại với vấn đề góc khuất cùng Duy.

“Góc khuất, và góc chết là điểm chết ở đây đó con. Khi người thế gian không ở trong Hội Thánh, họ có thể tin vào Chúa nhưng vẫn chưa biết thật sự về quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Con có biết tại sao Chúa bảo ‘khi hai hoặc ba đến với nhau là ta ở cùng’ hay không?” Duy định trả lời nhưng biết rõ rằng bố của mình đã có câu trả lời cho nên anh ngồi cạnh mẹ và im lặng. Anh biết bố của anh sẽ nói cho anh hay biết về khám phá của ông cụ.

Người bố liền giúp Duy. “Khi cả hai ba người với nhau là Chúa ở cùng vì khi ấy mọi người mới thật sự biết khiêm nhường và biết tôn trọng những khác biệt của nhau, và nhận ra họ rất cần nhau để sống còn trong một thế giới đầy biến động.” Ông cụ ngừng và nêu tiếp.

goc-3

“Môn đệ Giăng của Chúa đã ghi lại lời rất hay trong Giăng thứ nhất đoạn 4 câu 12.” Ông cụ nhìn Duy và nói tiếp.  “Nếu con biết lời Chúa, con sẽ biết Chúa muốn nhắn nhủ các tín hữu trong thế gian điều gì. Không ai có thể nhìn thấy Chúa nhưng nếu biết yêu thương nhau, các con sẽ được làm trọn vẹn.” Ông cụ trích dẫn và nói trong cảm xúc vui tươi của mình.

“Ôi hai chữ trọn vẹn sao mà ngọt ngào là thế! Chỉ khi ta ở trong Hội Thánh ta mới cần đến tha vị và thi vị đó con.” Duy nghe và nhận ra sự khôn ngoan và thông sáng của người bố mà bấy lâu nay anh rất ngưỡng mộ.

“Mỗi cá nhân chúng ta có không biết bao nhiêu là những góc khuất, những điểm chết của vùng tối. Người gần ta nhất là người nhìn ra những góc khuất và điểm tối đó nhất. Khi ta không ở trong cộng đồng của Chúa, ta sẽ không bao giờ biết góc chết để thách thức và để Chúa khắc phục đâu con.” Duy nhận ra lời khuyên quý báu của người cha khả kính của mình.

“Con hỏi mẹ con mà xem. Bố có bao nhiêu thói hư?” Người bố nói và bà xã của ông thì nhìn lên với ông trong khuôn mặt rạng ngời. Bà cười và làm lộ ra hàm răng đã móm. Bà định nói gì đó nhưng rồi lại thôi vì bà biết ông xã của bà đang nói những suy tư chân thành của ông cho con.

“Bố mẹ chỉ hạnh phúc khi bố mẹ biết Chúa hiện diện trong cuộc sống. Hạnh phúc trong đời là một ân huệ được Chúa ban cho để ta bảo vệ, để ta làm sáng thêm, để làm tăng giá trị khi có Ngài cùng mình. Bố mẹ đọc Thánh Kinh vì nhận ra ta đang đi cùng Chúa và có Ngài ở cùng trong mọi lúc mọi nơi. Nhưng bố mẹ luôn luôn trong Hội Thánh vì không phải chỉ đến đó để cười, để vui mà là cả để khóc và nhận được những cái bất toàn của người khác. Bố đến sinh hoạt trong Hội Thánh để khích lệ nhau cùng tiếp tục hành trình với Chúa của mình.”

Giọng của người cha già như trầm xuống và tạo vẻ điềm đạm của một con người từng trải.

“Người nữ giúp chồng theo Thánh Kinh không phải là làm lụng bên ngoài. Giúp không phải là để cho ông ta thành ông chủ và thêm lười. Chúa muốn người đàn ông được giúp để trở nên hoàn thiện trước mặt Đức Chúa Trời đó con!”

Bà cụ nghe ông nói với con trong cái giọng sang sảng. Bà nhìn ông. Cái nhìn ngưỡng mộ cho người chồng của mình vì ông không phải chỉ có kiến thức mà là con người dám sống thật với kiến thức mà ông đã khám phá trong Chúa. Bà thương và quý trọng ông vì ông là mẫu người dám sống thật. Cái thật của ông, bà đã nhận ra trong cả nửa thế kỷ hành trình cùng nhau. Bà nhìn Duy với cái nhìn thỏa mãn của người mẹ. Bà gật đầu đồng ý với những gì mà ông xã của bà đang nói với con trai của họ.

“Con có lẽ cũng nhận ra những góc khuất của bố. Bố chỉ thật sự là người chồng khi bố lắng nghe mẹ con nêu ra những góc khuất của mình. Bố chỉ thật sự là người cha khi bố biết các con cũng nhận ra những góc khuất của bố. Chúng ta tin vào Chúa là để ta khiêm nhường và tiếp tục hành trình để có Ngài tỉa sửa. Hành trình của chúng ta là hành trình đến với Đấng hoàn thiện, chứ không phải là ta hoàn thiện.”

“Tại sao chúng ta lại thờ Chúa ba Ngôi?” Người bố hỏi như muốn chuyển tông câu chuyện.

Duy giật mình khi nghe người cha hỏi mình câu hỏi này. Anh lúng túng thật sự và chưa biết nói sao bởi vì đây là một câu hỏi nhằm thẳng vào Chúa mà anh đang tôn thờ.

“Bố sẽ không có đủ trí khôn để giải thích vấn đề Chúa Ba Ngôi, nhiều bộ óc tinh tế đã cố gắng nhưng  bố nghi ngờ mọi giải thích. Vì có ai cao hơn Chúa để giải thích về Ngài. Các giáo sư chỉ có thể giải thích những gì mà họ đã hoàn toàn chinh phục. Còn Chúa thì từ xưa đến nay chưa ai có thể nói họ có thể chinh phục được Ngài. Nhiều bộ óc lỗi lạc không thể chinh phục được Chúa cho nên cách hay nhất của họ là nói rằng Ngài không hiện diện. Nhưng hôm nay bố chỉ nhận ra rằng chúng ta có cả một cộng đồng Thiên Chúa. Ba Ngôi tương đồng có nghĩa là Chúa của chúng ta là Đấng Tạo Hóa nhưng tự bản chất là Đấng khiêm nhường lẫn nhau.”

Duy bây giờ nhận ra một điểm mà người cha muốn giải thích.

“Chúng ta thờ Chúa Ba Ngôi có nghĩa là chúng ta tôn thờ một cộng đồng của Chúa mà cả Ba Ngôi đều khiêm nhường lẫn nhau. Chúa Cha nói Chúa Con nghe. Chúa Con gửi thì Chúa Thánh Linh đến… Đó là khiêm nhường. Khi người ta bảo không đến với Hội Thánh, không sinh hoạt, không hỗ tương hỗ tác trong cộng đồng của Ngài, có nghĩa là họ vẫn là những con người mang thói hoang đàng của kẻ bất cần, bất cẩn và bất cận.” Ông cụ nói và cười khiến bà xã của ông cũng cười theo.

“Ông nói ba cái cụm từ bất cần, bật cẩn và bất cận gì đó. Tôi đố thằng Duy hiểu rõ ba chữ đó.” Bà nhắc ông đi chậm và hạ cánh xuống một chút cho con mình theo kịp.

Ông nhìn bà cười và hiểu ý của người bạn đời. Đây là người nữ mà Chúa đã gửi, đã tặng để giúp ông hoàn thiện chính mình.

“Bất cần thì chắc con hiểu chứ?”

“Vâng. Thì là không cần ai.” Duy trả lời

“Bất cẩn thì anh hiểu chứ?”

“Con hơi hơi hiểu từ này.”

“Bất cẩn có nghĩa là không còn cẩn thận hay không còn cẩn tắc trong thái độ và trong ngôn từ của ta với chính cá nhân ta và dĩ nhiên là sẽ bất cẩn trọng với mọi người xung quanh trong cộng đồng.”

“Thế còn cụm từ bất cận? Anh hiểu chứ?”

“Có phải là không nhìn thấy vì con hay nghe người ta nói với nhau cụm từ ‘cận thị’”.

Cả hai ông bà già lại cùng nhìn nhau cười cách hồn nhiên để lộ ra hàm răng đã móm. Họ cười hỉ hả vì cách giải thích của cậu con trai lớn lên ở xứ này. Cụ ông nhìn Duy và nêu cho con nhận biết ra vấn đề.

“Không phải như thế đâu Duy! Bất cận có nghĩa là con người nuôi trong mình một cá tính độc lập thái quá, theo phong cách của kẻ độc trụi. Có nghĩa là trong tâm trí của họ đã nuôi, đã ấp ủ một dòng suy nghĩ: ta không cần ai trong xã hội, và ta cũng chẳng muốn ai gần gũi với ta. Khi con người sống trong xã hội với thái độ ta không cần tiếp xúc với ai. Mình ta là một thế giới. Mỗi mình ta là một thành trì, một ốc đảo thì đây là con người không có cảm xúc lành mạnh. Người này có thể có chỉ số IQ(*) rất cao, nhưng chỉ số EQ (*) của họ rất thấp. Đây là những con người thích đóng khung, và tự trở nên bất cận vậy.”

Người cha già giải thích cụm từ bất cận cách rõ ràng cho Duy hiểu thêm về con người trong cộng đồng. “Khi con người tự cho mình là cái lô cốt, nhưng không khiêm tốn, không khiêm nhường, không có cộng đồng, không thể học hỏi thì con người đó đang là cái lô cốt độc trụi. Kẻ độc trụi không chóng thì chầy cũng sẽ bị đánh bật bởi vì nó có nhiều góc khuất, góc chết mà không thể phát hiện và khắc phục. Hội Thánh của Chúa là một cộng đồng, cho dù là cộng đồng ấy có bất toàn, nhưng là cộng đồng của những người có niềm tin vào Chúa, trông coi và quan phòng lẫn nhau để giảm thiểu những góc khuất đó. Lời của Chúa được phát huy trong đó. Đấng Thánh Linh của Chúa cũng ngự trong đó. Chúa đến thế gian để làm nhiều việc, nhưng việc quan trọng nhất vẫn là Ngài muốn gây dựng những con người trong Hội Thánh của ngài, và Hội Thánh là cơ sở làm chứng về Ngài đó con.”

Duy đứng nhìn cha mẹ đã già, nhưng không ngừng trưởng thành trong Chúa, mừng rỡ vì hôm nay, trong ngày xuân ấm áp, trở về bên mẹ cha đã già và anh nhận thêm một bài học từ người cha khả kính. Cách nói chuyện của ông cụ, cách tóm lược những khám phá trong Thánh Kinh và tuyệt nhiên là trong cả kinh nghiệm sống của Mục sư, học giả Spurgeon trong suốt một mùa đông lạnh giá, là chất bổ tinh thần cho anh.

goc-2

 UÔNG NGUYỄN

(*) Giải thích của ban biên tập dựa trên website: http://testiq.vn/iq-la-gi.html

  • Chỉ số IQ là một tính trạng số lượng được dùng để định giá trị thông minh của một người. Từ IQ trong tiếng Anh là viết tắt của từ “lntelligent Quotient” tức chỉ số thông minh. Người có chỉ số IQ cao có khả năng thao tác, xử lý và phân tích thông tin ở mức độ chuyên sâu và tốc độ nhanh hơn người bình thường.
  • EQ là viết tắt của Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số cảm xúc – Một tính trạng số lượng được dùng để đo lường trí tưởng tượng, sáng tạo của một người. Người có EQ cao có khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân và mọi người rất tốt, do vậy thường trở thành những nhà lãnh đạo giỏi.

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn