Thứ Tư , 24 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / YÊU THƯƠNG LẪN NHAU

YÊU THƯƠNG LẪN NHAU

Bài trước:

 https://huongdionline.com/2016/10/14/ban-la-mon-cua-ai/

images

Trong Giăng 14:23 Đức Chúa Jesus dạy rằng: “Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người.” Lời dạy của Chúa ở đây rất rõ ràng: Nếu một người yêu mến Chúa Jesus, người đó sẽ tuân thủ lời dạy của Ngài. Cha thiên thượng yêu mến người đó. Cả Cha và Con sẽ đến cư trú bên trong người đó. Ở đây Chúa Jesus dạy về mối tương giao gần gũi với Đức Chúa Trời khi một người nhận Ngài làm Cứu Chúa. Tình yêu của Đức Chúa Trời đã tuôn đổ ra trên thế giới qua sự chết của Chúa Jesus Christ. Nhưng con người không thể vui hưởng những phúc lợi của tình yêu này cho đến khi họ tiếp nhận Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa. Mỗi một tín nhân có đặc ân sở hữu tình yêu của Chúa Jesus. Cha thiên thượng không chỉ yêu mến tín nhân đó mà còn đến ở với anh ta. Khi hai người đã gắn bó với nhau trong tình yêu thì muốn dành thời gian cho nhau, và bất kỳ một sự phân rẽ nào cũng sẽ gây ra đau đớn. Cha thiên thượng sẽ không tách rời khỏi những đối tượng mà Ngài yêu thương. Ngài đến và lập gia cư bên trong cuộc đời của họ. Vì vậy khi Chúa Jesus dạy rằng dấu hiệu của người môn đồ thật là tình yêu thương lẫn nhau, thì Ngài đang đặt căn bản trên tiền đề: một người phải tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và trải nghiệm tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho, người đó mới có khả năng yêu thương người khác.
Trên căn bản của Giăng 14:23 Chúa phán dạy thêm một mạng lệnh trong Giăng 15:9, “Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta”. Từ “cứ ở” trong câu 9 ở đây thì giống với từ “cứ ở” trong câu 4. Động từ “cứ ở” bao hàm người đó được kéo đến với Đấng Christ để Ngài bảo vệ, chống đỡ, nuôi dưỡng trong tình yêu thương. Lúc đó tâm trí, động cơ của tín nhân được Chúa kiểm soát. Ý muốn của người đó trở nên qui phục với Lời Đức Chúa Trời. Chúa Jesus tiếp tục nâng cao sự dạy dỗ của Ngài trong Giăng 14:23. Một người cứ ở trong Chúa phải phát triển tình yêu đó qua sự châm rễ lập nền trong Nguồn của tình yêu. Người đó tiếp tục được trưởng thành trong tình yêu của Đức Chúa Trời.
Trong câu Giăng 15:12-13, Chúa Jesus phán, “Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.” Ở đây Chúa đã đẩy sự dạy dỗ của Ngài lên một trình độ cao hơn cho các môn đồ. Khi chúng ta đã châm rễ lập nền trong tình yêu thương, chúng ta có khả năng bày tỏ tình yêu như mạng lệnh Chúa ban ra, “Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi”.
Chúa Jesus nhìn xem các môn đồ của Ngài bày tỏ ra dấu hiệu là những môn đồ thật. Trong lời cầu nguyện được ghi lại trong Giăng 17, Chúa Jesus đã cầu nguyện cho nhu cầu được bảo vệ của các môn đồ. Đỉnh cao của lời cầu nguyện ở đây là: “để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta” (câu 21). Tiếp đến trong câu 26, Chúa cầu nguyện, “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu thương của Cha dùng yêu thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa.” Chúng ta chú ý rằng đây là lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa dành cho các học trò của Ngài được Kinh Thánh ghi lại để bày tỏ thế nào là dấu hiệu của môn đồ thật.
Như vậy tình yêu thương rõ ràng là một dấu hiệu của môn đồ Đấng Christ. Người môn đồ thật bày tỏ ra tình yêu với những người mà Đấng Christ đã yêu.
Sứ đồ Phao-lô lý giải thêm điều này trong Ê-phê-sô 3:18-19, “để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.”

eph3
Sau khi đã giới thiệu về lẽ thật của tình yêu, Phao-lô cầu nguyện cho tín hữu ở Ê-phê-sô trải nghiệm nhiều hơn trong tình yêu của Đấng Christ. Tại sao các tín hữu cần phải bày tỏ ra các dấu hiệu họ là môn đồ? Phao-lô tiếp tục trong Ê-phê-sô 4:2-3, “phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” Và trong câu 30-31, “Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc. Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác.” Những gì là: cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu…. là những điều chống lại các anh chị em trong Chúa, cần phải được loại bỏ. Ông tiếp tục, “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” Vị sứ đồ cũng nói trước đó trong Êph. 3:19, ông mong đợi các tín hữu: “biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.” Đây chính là gánh nặng trong lòng vị sứ đồ.
Chúng ta cũng tìm thấy chủ đề này trong Hêb. 12:15, “Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” Rễ đắng đối kháng với tình yêu thương sẽ làm thất bại tư cách là môn đồ thật. Đó là điều mà chúng ta phải cảnh giác. Rễ đắng đôi khi tồn tại âm ỉ giữa hai người rồi lan ra cả cộng đồng sẽ làm hỏng hội thánh. Khi một người chưa tin nhìn thấy những rễ đắng – sự xung đột giữa vòng các Cơ đốc nhân, lúc ấy lời chứng của Phúc Âm sẽ ra sao? Đây là gánh nặng lớn lao trong lòng sứ đồ Giăng khi ông viết thư tín thứ nhất. Ông nhấn mạnh trách nhiệm của các tín hữu là phải yêu mến lẫn nhau bằng hành động.
Thật không dễ dàng gì để bày tỏ dấu hiệu của một môn đồ thật trong thế giới chúng ta đang sống. Người chưa tin thường nhầm lẫn tình yêu của Đấng Christ với những điều khác. Nếu một người nam yêu mến một người nam và chăm sóc người này bằng tình yêu của Đấng Christ, thế gian có thể gán cho anh ta là đồng tính luyến ái. Nếu một người nam quan tâm đến một chị em trong hội thánh, một số người có thể hiểu lầm anh ta có động cơ thầm kín. Người chưa tin không thể hiểu được tình yêu mến anh em trong Chúa cho đến khi họ được Thánh Linh soi sáng. Sự ngộ nhận thường xảy ra trong thế giới chúng ta đang sống. Vì vậy chúng ta phải khéo léo và quân bình trong các mối quan hệ. Tuy nhiên phải nhớ rằng dấu hiệu để nhận biết môn đồ thật chính là tình yêu mến lẫn nhau giữa vòng con dân Chúa.
Có bao giờ bạn tự hỏi Phao-lô có ý gì khi ông viết, “Anh em hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau” (Rô. 16:16). Phao-lô biết rằng có một dấu hiệu để chứng tỏ một người là môn đồ thật đó là anh ta phải yêu mến người khác. Tình yêu không cần phải giấu giếm, che đậy. Nó phải được mở ra. “Cái hôn thánh” là khái niệm của một tình yêu mở ra. Khi một anh chị em đau yếu hay bất lực trước những hoàn cảnh đối diện đang cần sự giúp đỡ, chúng ta cần bày tỏ tình yêu qua hành động. Đó là dấu hiệu để thế giới biết rằng chúng ta là môn đồ Đấng Christ.
Không điều gì có thể thay thế cho dấu hiệu đặc trưng này. Đấng Christ không dạy rằng các ngươi sẽ là môn đồ ta khi các ngươi gia nhập vào một hội thánh, tham gia một lớp học Kinh Thánh, hay là nhận báp-tem… Ngài dạy rằng nếu các ngươi yêu nhau thì đó là dấu hiệu để mọi người nhận biết các ngươi là môn đồ ta.
Một lời chào thông thường giữa vòng chúng ta là: “Bạn thế nào?” Hy vọng lời chào này không chỉ là sáo ngữ, nhưng nó thể hiện sự quan tâm của chúng ta với người đối diện. Đó là tôi muốn biết: sức khỏe, công việc, những khó khăn bạn đang đối diện…? Chúng ta có thể làm giảm bớt đi những căng thẳng, khó khăn của người khác khi nói lời thích hợp để động viên, an ủi. Bạn phải có tình yêu để cảm thông và chia sẻ các gánh nặng.

fellowship1
Đức Chúa Trời không có ý định để cho con cái Ngài phải sống đơn độc. Ngài cung ứng sự thông công, liên hiệp giữa vòng những người tin. Sự nối kết các tín nhân sẽ làm cho tình yêu, sức mạnh, sự khích lệ được gia tăng. “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” Bạn có thể là một tín nhân không bày tỏ tình yêu, nhưng bạn không thể là một môn đồ thật sự đúng nghĩa nếu bạn không có dấu hiệu mà bạn đã nhận lãnh trong tình yêu của Chúa Jesus Christ.

J. Dwight Pentecost

Trích từ: DESIGN FOR DISCIPLESHIP

Translated by Huong Linh
(Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn