Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / ĐỒNG HÀNH VỚI HƯỚNG ĐI MINISTRIES

ĐỒNG HÀNH VỚI HƯỚNG ĐI MINISTRIES

HIỆP TÁC LÀM VIỆC LỚN

IMG_6126[1]

 

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Câu ca dao nầy của người Việt nói lên sức mạnh của sự đoàn kết, hiệp tác làm việc lớn. Không có ai dù tài giỏi đến đâu có thể làm việc lớn một mình mà thành công. Người lãnh đạo lớn là người có khả năng vận động được nhiều người cùng làm việc chung với mình để đạt đến mục đích. Kinh nghiệm loài người cho thấy cùng nhau hiệp tác với một mục đích chung chúng ta có thể làm được nhiều việc lớn. Tôi muốn nói về sức mạnh của tập thể, sức mạnh của sự đoàn kết để làm việc lớn. Việc lớn của chúng ta là gì? Chúng ta sẽ làm thể nào để đưa hàng triệu đồng bào Việt Nam trở thành môn đồ của Chúa Cứu Thế?

Ngày nay không có việc làm nào cao quý hơn là việc truyền bá Tin lành cứu tội nhân. Đây vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của những người tin Chúa đối với tha nhân, đối với dân tộc của mình. Trên thiên đàng chúng ta không thể làm việc truyền giáo. Nhưng phần thưởng ở thiên đàng tuỳ thuộc việc làm của chúng ta ở dưới thế gian nầy. Chúng ta chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để làm việc truyền giáo cứu người. Đêm tối đến, chúng ta không làm việc được nữa. Hãy cùng nhau làm việc Chúa khi ánh sáng đang còn, trước khi bóng tối bao trùm. Hãy làm việc Chúa trong khi còn có cơ hội, còn sức khoẻ và còn thời gian.

Tôi suy nghĩ đến Hội Thánh đầu tiên với 12 người lãnh đạo và 120 người tín hữu ban đầu đã hiệp một ý một lòng cùng nhau để thi hành đại mạng lịnh, quyết tâm làm việc lớn nhằm chinh phục thế giới về cho Chúa, và họ đã thành công.

Chúng ta có thể học được gì từ Hội Thánh đầu tiên?

HIỆP MỘT

“Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Cùng một tinh thần, chung một lý tưởng. Hội Thánh nói chung tiếng nói của Thánh Linh, hiệp một trong sự cầu nguyện, nhóm họp tại một chỗ, giữ lời dạy các sứ đồ, chung một lễ báp têm, chung một lễ tiệc thánh, chung một lý tưởng, tự nguyện chia sẻ mọi vật làm của chung. Yên tâm, bền bĩ. Kính sợ Chúa và vâng phục lẫn nhau.

THÔNG CÔNG

Gần gủi, đoàn kết, thăm hỏi, quan tâm lẫn nhau, yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, kính trọng lẫn nhau, tha thứ cho nhau, chung một gia đình. Giữ gìn mối tương giao với Chúa và với nhau. Bền lòng phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân.

SINH HOẠT MỖI NGÀY

Không thoả lòng với sinh hoạt hằng tuần nhưng là hằng ngày. Hội Thánh gặp nhau hằng ngày, chăm sóc lẫn nhau hằng ngày, chinh phục linh hồn hằng ngày, tìm kiếm lời Chúa hằng ngày, tăng trưởng hằng ngày. One day at a time. Ngày nào đủ cho ngày ấy.

BƯỚC ĐI VỚI CHÚA PHỤC SINH

Đồng hành với Chúa phục sinh mỗi ngày là bí quyết thành công. Đồng hành là cùng chọn chung một hướng đi và bước cùng một nhịp bước với Chúa: “Vì ai kêu cầu Danh Chúa thì được cứu” (Công vụ 2:21; Rô-ma 10:13).

ĐƯỢC LÒNG DÂN CHÚNG, ẢNH HƯỞNG CỘNG ĐỒNG

Các lãnh đạo làm chứng việc Chúa làm trong Hội Thánh. Các tín đồ làm chứng việc Chúa làm trong đời sống. Loan tin vui, chia tin buồn. Vui vẻ, thật thà, đẹp lòng cả dân chúng. Đẹp lòng Chúa, vui lòng người. Xã hội đổi thay. Một chút men làm dậy đống bột lên. Ảnh hưởng cộng đồng. Vừa kính sợ, vừa kính trọng. Vừa sinh động vừa phát triển.

Mang trong lòng dòng máu Việt, chúng ta đã rút tỉa những bài học lịch sử thành công và thất bại mà dân tộc ta đã trải qua. Chúng ta cũng học được những bài học lịch sử của Hội Thánh sau 100 năm Tin Lành đến Việt Nam. Người Việt vẫn còn là nhóm dân “unreached people group” đối với thế giới Cơ-đốc, nghĩa là Hội Thánh người Việt vẫn chưa vượt quá được con số 2% tín hữu để có thể tự trị và tự truyền bá.

Loài người không có khả năng thay đổi bản chất hoặc số phận của mình. Nhưng chúng ta là những người tin Chúa luôn luôn có hy vọng. Là con cái Chúa, chúng ta có địa vị mới, quyền lợi mới và tư cách mới. Noi gương Chúa, học tập gương Hội Thánh đầu tiên, vâng theo mạng lịnh Chúa, chúng ta hãy cùng nhau tham gia truyền giáo cứu đồng bào Việt Nam. Chúa Toàn Năng cùng làm việc với chúng ta, chỉ huy chúng ta, liên lạc, cố vấn cho chúng ta, chúng ta tin cậy và vâng lời Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

nha

HƯỚNG ĐI MINISTRIES

BỞI NGƯỜI VIỆT, VÌ NGƯỜI VIỆT

P.O BOX 570214

Dallas, TX 75357, U.S.A.

Trong tinh thần hợp tác thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa Jesus, chúng tôi gởi lời chào thăm đến tất cả anh chị em khắp nơi trên toàn thế giới trong tình yêu cao cả vô hạn của Ngài.

Trong nỗ lực hết lòng, hết sức mở mang vương quốc Chúa giữa cộng đồng người Việt, chúng tôi đã quyết định tổng hợp các mục vụ mà chúng tôi đã dự phần trong nhiều năm qua thành một cơ quan mang tên HƯỚNG ĐI MINISTRIES. Đây là một kết hợp giữa công tác Phục Vụ (Từ Thiện, Nhà Nguyện, Nhà Tình Thương) và Truyền Giáo (Đào Tạo Môn Đồ). Đây là cố gắng của những người Việt Nam yêu mến Chúa, yêu mến linh hồn đồng bào, hiệp tác với nhau để truyền giảng Tin Lành cho người Việt đang sống khắp nơi trên thế giới.

Chúng ta đã NGỒI để Thờ Phượng Chúa trong nhà thờ, cũng hãy ĐỨNG DẬY để Phục Vụ anh chị em và ĐI RA để Truyền Giáo, làm trọn Đại Mạng Lịnh của Chúa Giê-su. Trong Mác 1:38, Chúa đã nêu gương: “Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để Ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà Ta đã đến.”

Chúng tôi kêu gọi quý Mục sư, Lãnh Đạo các Hội Thánh bảo trợ và tiếp sức với chúng tôi trong công tác ra đi truyền giáo. Chúng ta cần cứu thêm nhiều người cho Chúa trước ngày Chúa tái lâm. Chúng tôi kinh nghiệm khả năng chăm sóc của quý Hội Thánh đến đâu Chúa sẽ cho thêm người đến đó. Đó cũng là lý do chúng ta cần nắm tay hiệp tác cứu người.

Chúng tôi cũng kêu gọi các tín hữu khắp nơi hãy tham gia cùng chúng tôi bằng cách khởi sự làm một Hội Viên của HƯỚNG ĐI MINISTRIES, cầu nguyện và góp phần dâng hiến, cùng chúng tôi Đi Ra cứu người lạc mất. Xin hiệp tác với chúng tôi để tiếp tục phát hành Đặc San Hướng Đi, phát triển chương trình Đào Tạo Môn Đồ, xây nhà tình thương và nhà nguyện, thực hiện các Mission Trips đến các nước khác. Với sự góp phần tích cực của nhiều người chúng tôi ước ao mở thêm các Hội Thánh mới (như đang dự phần mở Hội Thánh mới ở Việt Nam và ở Upha, Liên Bang Nga).

Mới đây tôi có đọc được một câu chuyện cảm động. Tác giả là Kevin DeYoung. Câu chuyện khiến tôi bừng tỉnh. Một gia đình đang sống ở vùng đầm lầy Florida (Florida Everglades). Cả gia đình đang chơi ở phía sau sân nhà khi người chồng và cả người vợ thấy một con cá sấu lớn bò ra, nhào tới hả miệng ngậm cả người thằng bé con của họ và quay đầu tiến về bờ hồ nước. Hai vợ chồng hoảng hốt. Đứa con sắp chết. Nó vô phương tự vệ. Người chồng lập tức chạy đi tìm vũ khí–một cục đá, một khúc gỗ, một cái súng, một vật gì đó ông có thể dùng để tấn công con cá sấu. Nhưng trong lúc ông đang nóng lòng chạy đi tìm cái vật gì đó thích hợp nhất, thì người mẹ đã phóng ra ngay như tên bắn. Bà chạy hết tốc lực về phía con cá sấu, bà nhảy thẳng lên lưng con cá sấu, bà khởi sự đạp chân, đá chân, rồi bà lấy tay đấm hết sức vào cái lưng sù sì gồ ghề của con cá sấu, bà vừa khóc vừa hét vừa la. Con cá sấu, có lẽ do quá ngạc nhiên hơn là do đau đớn, đã hả miệng nhả đứa bé ra và chạy mất xuống hồ nước. Bà mẹ nhanh chóng ôm đứa con vào lòng và chạy ngược đến chỗ bình an. Rồi bà nằm xuống ngất xỉu…Bà kiệt sức vì cố gắng. Sức mạnh của tình thương, tinh thần khẩn cấp và tấm lòng hy sinh của người mẹ đã cứu sống đứa con.

Nắm tay nhau, chúng ta có thể cứu được nhiều người thoát khỏi móng vuốt của ma quỷ.

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

HƯỚNG ĐI MINISTRIES

Hiệp Tác Để Làm Việc Lớn

cooperation

Sau ba mươi năm tha hương, Hội Thánh Báp-tít của người Việt Nam tại Hoa Kỳ đã trưởng thành, nhiều nhà thờ đã tự lập, tự trị.  Một số nhà thờ tự xây cất thánh đường riêng, mở thêm chi nhánh mới.  Ngân sách năm nầy cao hơn năm trước. Các Mục Sư tốt nghiệp Đại Chủng Viện tăng lên. Người Việt có đủ khả năng và kinh nghiệm để đem Tin Lành cứu rỗi chia sẻ cho đồng bào Việt Nam trong nước và ngoài nước. Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đủ sức để hiệp tác với các cơ quan của Giáo Hội Báp-tít Hoa Kỳ và thế giới, như một “partner”, ngang hàng và độc lập. Tinh thần độc lập của Hội Thánh Việt Nam phản ánh tâm tính của người Việt Nam. Nhưng Hội Thánh Báp-tít Việt Nam luôn luôn cần người đề xướng và thúc đẩy.

IMB và VMB

Khi Cơ Quan Truyền Giáo Việt Nam (Vietnamese Mission Board) thuộc Liên Hữu Báp-tít Việt Nam được thành lập, và ủy thác cho tôi chức vụ Giám đốc Ban Điều Hành, gồm có tôi và bốn vị Mục Sư khác.  Chúng tôi chưa biết sẽ hoạt động thế nào, khả năng hiệp tác đến đâu, mức độ phát triển ra sao.  Chúng tôi chỉ bước đi bởi đức tin và hy vọng. Nhiệm vụ của VMB là truyền giáo và xây dựng Hội Thánh mới giữa cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ và hiệp tác yểm trợ công việc Chúa tại Việt Nam.

Điều tôi vui mừng là những người có khải tượng truyền giáo bắt đầu chú ý đến Việt Nam.  Có người khích lệ.  Có người muốn dự phần. Các nhà lãnh đạo thuộc VMB và Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam cũng ủng hộ sáng kiến của tôi. Các lãnh đạo Hội Thánh Báp-tít độc lập cũng muốn dự phần truyền giáo cho Việt Nam. Cả những lãnh đạo các giáo phái Tin Lành độc lập cũng muốn giúp đỡ công tác truyền giáo cho người Việt Nam. Cơ Quan Truyền Giáo Quốc Ngoại (International Mission Board) của Giáo Hội Báp-tít Nam Phương cũng bắt đầu chú ý đến tiềm năng của người Việt trong công cuộc truyền giáo cho người Việt trên khắp thế giới. IMB muốn hợp tác ngay với VMB để tiếp tục chương trình truyền giáo cho Việt Nam.

Ngày 27 đến 29 tháng Ba, 2006, tôi có dịp tham dự khóa họp đầu tiên giữa VMB và IMB tại Missionary Learning Center ở Rockville, Virginia. Tôi đề nghị Mục Sư Trần Đào, là Viện Trưởng Viện Thần Học Báp-tít Việt Nam, tham gia khóa họp. Ông cùng đi và về với tôi trên cùng chuyến bay. Chúng tôi có cùng một gánh nặng và hoài bão xây dựng công việc Chúa vững mạnh tại quê hương. Tham gia khóa họp còn có hai nhà truyền giáo trẻ trở về từ vùng Đông Nam Á. Người tích cực cổ vũ cho bước đầu hợp tác nầy là Giáo Sĩ Samuel James, cựu Giáo Sĩ tại Việt Nam, năm nay đã 74 tuổi, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh và vẫn còn đảm đang trọng trách truyền giáo trên thế giới.

Lần đầu tiên được thăm viếng Trung Tâm Huấn Luyện Giáo Sĩ của một cơ quan truyền giáo Tin Lành lớn nhất thế giới, nơi đã sai phái hơn 5,200 giáo sĩ đến 200 quốc gia, lòng tôi rất vui và cảm kích. Việt Nam vẫn có tên trong những nước được IMB quan tâm truyền giáo ngay từ thập niên 60. Ngày nay Việt Nam đang là mối quan tâm chính của những nhà truyền giáo Tin Lành trên thế giới. Chính quyền Việt Nam cũng biết rõ vì sao chính phủ Mỹ và nhân dân Mỹ luôn luôn nhắc đến nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo là đệ nhất quyền của người dân Mỹ, được ghi trong Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Một viên chức toà Đại sứ Việt Nam nhân dịp nầy đã nói với tôi nhận xét sau đây: “Nói tới tôn giáo ở Mỹ là nói đến Tin Lành, nói đến Tin Lành là phải nói đến Giáo Hội Báp-tít.” Tôi ước mong một ngày không xa, nhờ ơn Chúa, khi mọi người nói đến truyền giáo Việt Nam sẽ không thể không nói đến Hội Thánh Báp-tít Việt Nam.

Chỉ một vài dặm cách Richmond, Virginia, Trung Tâm Huấn Luyện Giáo Sĩ (MLC) tọa lạc trên khu đồi cao 238 mẫu tây dọc theo một hồ nước rộng 15 mẫu, yên tỉnh, mát mẻ, đầy đủ tiện nghi. Trung tâm có 44 toà nhà chính, hàng chục phòng học, ba hội trường, một gym (phòng thể dục, thể thao), bãi đậu xe lớn và các phòng ốc tiện nghi, sinh hoạt cho khoảng 600 người. Trung tâm nầy sinh hoạt quanh năm, lúc nào cũng có mặt những nhà truyền giáo, cả người về lẫn người đi, cả người lớn lẫn trẻ em. Trung Tâm Huấn Luyện Giáo Sĩ được đặt tên theo tên của Giáo Sĩ Baker James Cauthen và Eloise Class Cauthen. Ông bà Cauthen là Giáo Sĩ cho Trung Hoa và cũng là Giám đốc Điều hành của Cơ quan Truyền giáo Quốc ngoại từ 1954 đến 1979.

Được biết, trung tâm nầy thành lập năm 1984 trên phần đất do Ông bà Harwood và Louise Cochrane dâng hiến. Ông bà Cochrane là tín hữu Báp-tít và là chủ nhân của hãng vận tải Overnite Transportation của Hoa Kỳ. Người nhận trách nhiệm đứng ra xây cất Trung Tâm ngay từ đầu, chính là ông Samuel James, cựu giáo sĩ tại Việt Nam. Lúc đó ở đây chỉ là ngọn đồi trống, không phòng ốc, không ngân quỹ, không nhân viên. Lòng rộng rãi dâng hiến của các tín hữu Báp-tít khắp nước Mỹ dành cho công tác truyền giáo quốc ngoại đã đem lại kết quả lớn lao. Hiện nay trị giá của trung tâm nầy là 50 triệu Mỹ kim, chưa tính đến ngân sách điều hành và hoạt động của Trung Tâm.

Trung Tâm có chương trình huấn luyện 300 giờ dành cho các cặp vợ chồng Giáo Sĩ ra đi và trở về từ khắp nơi trên thế giới. Chương trình gồm có các môn học về Môn Đồ Hoá, Lãnh Đạo Phục Vụ, Phát Triển Đội Ngũ, Chứng Đạo Xuyên Văn Hóa, Phong Trào Thành Lập Hội Thánh, Vận Động Và Đời Sống Gia Đình. Con em của giáo sĩ cũng được học về những kỹ năng thích ứng xuyên văn hóa, từ lớp mẫu giáo đến lớp 12. Trung Tâm đào tạo giáo sĩ dài hạn cũng như ngắn hạn.  Bồi dưỡng và tu nghiệp thường xuyên để những nhà truyền giáo luôn luôn thích ứng với sự đổi thay và khác biệt của thế giới và thời đại. Trung Tâm cũng là nơi nghỉ dưỡng cho các nhóm và các ban ngành của IMB.

Sau ba ngày họp bàn nghiêm túc và cởi mở, VMB và IMB đã quyết định hợp tác với nhau trong công cuộc truyền giáo, xây dựng Hội Thánh Báp-tít tại Việt Nam. Hai bên sẽ chúc phước cho nhau, hiệp tác trong những lãnh vực có thể hiệp tác và mỗi bên có chương trình riêng để theo đuổi. Nhìn chung, trên phương diện lãnh thổ và con người, nước Việt Nam có hai miền rõ rệt là Nam và Bắc. Hội Thánh Báp-tít miền Nam đã có cơ sở để tiến lên mạnh mẽ, miền Bắc thì chưa. Ngày nay VMB đang nhìn thấy những cánh cửa thuận lợi, cũng như khó khăn, trong công cuộc truyền bá Tin Lành cho dân tộc Việt Nam. Chỉ khi nào mỗi tín hữu trong mỗi Hội Thánh ý thức trách nhiệm của mình và tích cực tham gia vào công cuộc truyền bá Tin Lành cho dân tộc Việt Nam bằng mọi nỗ lực và sáng kiến của mình, thì công tác truyền giáo mới hy vọng thành công.

Cánh Đồng Truyền Giáo Việt Nam

IMG_6723

Việt Nam có dân số hơn 84 triệu, 81% là người Kinh và 19% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tín hữu Tin Lành thuộc các dân tộc thiểu số có con số khá đông.  Có nơi đến 30% hay 50% dân số tín hữu trong từng sắc tộc. Theo con số năm 2005, Việt Nam hiện có 64 tỉnh thành, 586 quận, huyện, và 46,650 xã, phường. Tổng số tín hữu Tin Lành người Kinh ở Việt Nam là 582,000 người gồm 561,000 tín hữu ở miền Nam và 21,000 tín hữu ở miền Bắc. Tổng số tín hữu Tin Lành người dân tộc thiểu số, dù không biết chính xác, nhưng có thể có số lượng tương đương hoặc nhiều hơn số tín hữu người Kinh.

Tính theo tỉ lệ dân số thì số tín hữu Tin Lành người Kinh chỉ mới chiếm khoảng gần 1% dân số cả nước. Theo tiêu chuẩn của IMB, những nước nào hay nhóm ngữ tộc nào có số tín hữu chưa tới 2% thì vẫn được xem là thuộc nhóm Unreached People Groups. Thế giới có 11.249 nhóm ngữ tộc (People Groups) và 6.525 nhóm Unreach People Groups. Số liệu nầy tôi dựa vào quyển sách To The Ends of the Earth của Jerry Rankin do IMB xuất bản năm 2005.

Việt Nam thuộc nhóm những dân tộc cần tập trung truyền giảng Tin Lành nhiều nhất trong thế kỷ 21 nầy. Một Hội Thánh, một Giáo Phái, một Cơ Quan Truyền Giáo không thể làm trọn trách nhiệm truyền Tin Lành đến với mọi người Việt Nam. Trách nhiệm truyền giảng Tin Lành dành cho mọi người tin Chúa, yêu Chúa, vâng lời Chúa và yêu thương linh hồn tội nhân. Trách nhiệm chính truyền bá Tin Lành cho người Việt vẫn nằm trên mỗi tín hữu người Việt nhưng mỗi tín hữu thuộc các giáo phái Tin Lành trên thế giới vẫn có thể góp phần quan trọng cho việc thi hành Đại Mạng Lịnh của Chúa giữa người Việt Nam. Cánh đồng truyền giáo Việt Nam đang chín vàng, và đang cần rất nhiều con gặt ở khắp mọi nơi tiếp tay thu hoạch cho kịp thời vụ Chúa ban.

Giáo Sĩ Sam James

Sau mấy ngày làm việc gần gũi, tôi thấy kính mến và quý trọng thêm những giáo sĩ Báp-tít đã và đang hoạt động truyền giáo cho Việt Nam. Họ là những anh hùng đức tin. Giáo Sĩ Sam James là một trong những người đáng quý và đáng ghi ơn nhất. Ông đã tặng cho tôi và mỗi thành viên của VMB một quyển sách mới, do chính ông viết và xuất bản năm 2005. Đó là quyển SERVANT ON THE EDGE OF HISTORY. Quyển sách vừa là hồi ký, vừa là lời chứng lịch sử, về những người dám hy sinh tất cả để dấn thân cho việc truyền bá Tin Lành tại đất nước Việt Nam, là nơi bị chiến tranh tàn phá. Lịch sử Giáo Hội Báp-tít tại Việt Nam ghi danh ông. Ông đã viết mấy chữ trên quyển sách và ký tên kỷ niệm: “To my dear friend, Pastor Nguyen Van Hue. Sam James. Gal. 2:20”

Đọc quyển sách do Giáo Sĩ Sam James viết, tôi đã khám phá được những điều mà trước đây tôi chưa từng biết. Từ năm 1955, sau 4 năm phục vụ trong Hải Quân Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương, Giáo Sĩ James đã viết đơn lên Foreign Mission Board (nay là IMB) thuộc Giáo Hội Báp-tít Nam Phương Hoa Kỳ, để xin đi truyền giáo tại Việt Nam, một đất nước đẹp, đầy hấp dẫn và thu hút ông, vì đã có lần ông đáp tàu Hải quân Mỹ lên đến sông Sài Gòn. Lúc ấy ông được trả lời là Cơ Quan Truyền Giáo Quốc Ngoại (FMB) chưa quyết định gởi giáo sĩ đến Việt Nam. Mãi đến cuối năm 1959, FMB mới quyết định đưa Việt Nam vào danh sách của một trong những cánh đồng truyền giáo mới của FMB.

Đến tháng Ba 1962, ông Sam James cùng vợ là Rachel, được chính thức bổ nhiệm làm Giáo Sĩ cho nước Việt Nam. Ông bà giáo sĩ cùng ba con, một gái hai trai còn nhỏ, đáp tàu thủy từ San Francisco đến Hồng Kông trong chuyến hải hành 3 tuần lễ. Đến Hồng Kông họ mới biết là chưa thể đến Việt Nam, vì chưa có visa. Thời gian thử thách chờ đợi và cầu nguyện bắt đầu. Đức Chúa Trời đã can thiệp theo đường lối của Ngài, để dạy những bài học kiên nhẫn cần thiết, cho gia đình những giáo sĩ đến hầu việc Chúa tại Việt Nam.

Sau một thời gian, khoảng 3 tháng, ở Hồng Kông chờ đợi visa của chính phủ Việt Nam, ngày 17 tháng Mười, 1962 gia đình Giáo Sĩ James nhận được visa. Đây cũng chính là ngày sinh nhật của bà Rachel, khi nhiều người nhớ đến bà và cầu nguyện cho gia đình bà, là giáo sĩ đang được sai phái đến Việt Nam. Giáo Sĩ James xem đây như là phép lạ đầu tiên do Chúa hành động qua sự cầu nguyện, cầu thay và đức tin đặt nơi Chúa. Đây là điều khích lệ gia đình giáo sĩ trong những năm tháng sắp đến, khi bóng mây chiến tranh cũng đã xuất hiện ở chân trời.

Câu chuyện nổi tiếng về Giáo Sĩ Sam James là những khó khăn bất ngờ xảy đến cho ông trong những ngày đầu đến sống và xây dựng Viện Thần Học Báp-tít tại Thủ Đức. Nhà ông đã bị kẻ trộm đến dọn sạch.  Kế đến là Viện Thần Học cũng bị kẻ trộm đến viếng và dọn hết những vật dụng quý giá. Tiếp đến là những bất mãn khác liên quan đến tình trạng cửa quyền và cẩu thả của các viên chức chính quyền trong việc ông đến nộp đơn làm thủ tục để xin lập Cô Nhi Viện. Giáo Sĩ Sam James kể lại trong quyển sách của ông:

“Tôi nằm xuống giường nhưng không ngủ được. Sau khi trăn trở hàng giờ, tôi bước ra phòng khách và quỳ gối xuống bên xa-lông và bắt đầu đổ lòng mình ra với Chúa. Tôi xưng tội đã thiếu tình thương với chính những người tôi đang sống để phục vụ. Tôi xưng ra sự bất mãn, vì cớ đã để cho những chuyện tiêu cực xảy ra, ảnh hưởng đến tình thương người của tôi. Trong giờ cầu nguyện, tôi thấy mình đang đi đến một quyết định quan trọng. Tôi đã thất bại trong tư cách một giáo sĩ! Tôi không còn là tôi tớ thật của Chúa. Làm sao tôi có thể tiếp tục hoạt động trong cánh đồng truyền giáo, nếu tôi không có đức tính chính yếu của đạo Chúa, để cống hiến cho người khác? Tôi quyết định rằng, điều hay nhất cho tôi là, sáng mai tôi sẽ bắt đầu cuốn gói trở về. Tôi không muốn làm giáo sĩ nữa. Dù cố gắng bao nhiêu để nằm ngủ trở lại, Chúa vẫn không để tôi yên. Tôi đã tiếp tục cầu nguyện suốt đêm.

Đến sáng sớm, Chúa đã phán với tôi. Tôi để ý thấy, khi mà tôi đã bị dồn đến chân tường và không còn sức lực gì nữa, thì đó là lúc Chúa bước đến can thiệp. Tôi tin tưởng chính Chúa đã can thiệp vào đời sống tôi, vào giờ phút tôi hoàn toàn thất bại. Lời của Chúa dấy lên trong lòng tôi, rõ ràng, không lầm lẫn vào đâu được. Tôi cảm nhận một sự hiệp nhất và thân mật tuyệt đối.

Đức Chúa Trời đã phán với tôi: “Con ơi, con không đến Việt Nam bởi vì con yêu người Việt Nam đâu. Con ở đây bởi vì ta yêu họ. Ta muốn yêu người Việt Nam qua con.”

Đức Chúa Trời đã phán với tôi: “Con ơi, con không đến Việt Nam bởi vì con yêu người Việt Nam đâu. Con ở đây bởi vì ta yêu họ. Ta muốn yêu người Việt Nam qua con.”

Giáo Sĩ Sam James viết tiếp:

“Đức Chúa Trời yêu người Việt Nam trước khi tôi ra đời. Đức Chúa Trời yêu mọi người trên thế gian từ khi sáng thế. Trải qua dòng lịch sử Ngài đã truyền thông tình yêu đó. Ngài đã bày tỏ tình thương của Ngài bằng cách trở thành thịt và máu trong Chúa Cứu Thế Giê-su. Trong Chúa Giê-su chúng ta trở thành công cụ để bây giờ Chúa lại dùng để chuyển tải tình yêu của Ngài. Chúng ta thường lẫn lộn tình yêu con người với tình yêu thiên thượng. Tình yêu con người vốn mong manh dễ vỡ. Chỉ một lời nói cũng làm cho tình yêu con người tan vỡ. Chỉ một cử chỉ hay một nét mặt cũng đủ làm tiêu tan tình yêu đó. Nhưng tình yêu của Chúa thì vĩnh cửu. Không điều chi có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Chúa. Chúa yêu ta vô điều kiện, Chúa ban cho tình yêu cách nhưng không.”

Lời Chúa đến với lòng Giáo Sĩ James sáng sớm hôm đó, đã ràng buộc ông, giữ chân ông lại Việt Nam cho đến ngày xảy ra biến cố 1975.  Muốn biết thêm chuyện gì xảy ra sau đó, bạn có thể tìm đọc quyển sách nói trên của vị giáo sĩ lão thành đáng kính đáng yêu nầy.

sau

Qua Giáo Sĩ Sam James, tôi nhớ đến những vị giáo sĩ khác đã đến Việt Nam. Trước tiên là những giáo sĩ tiền phong của các dòng truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo, những người đã có công đặt chữ Quốc Ngữ và xây dựng những trường học. Tiếp đến là những giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (The Christian and Missionary Alliance) đã đến Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Họ cũng đã từng nghe tiếng gọi yêu thương của Chúa, vượt qua những khó khăn thiếu thốn, những trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa, đời sống để truyền bá Tin Lành và xây dựng Hội Thánh Chúa trên quê hương Việt Nam. Rồi đến các Giáo sĩ Báp-tít Mỹ, các giáo sĩ người Đức, người Anh, người Đại Hàn…

Các giáo sĩ đã yêu người Việt và đã đến Việt Nam từ khi còn trẻ, bây giờ đã già, nhiều người vẫn muốn dành những năm còn lại của cuộc đời mình để dự phần truyền giáo cho Việt Nam. Chính những tâm tình yêu thương bền vững đó đã trở thành nguồn cổ vũ cho những thế hệ tín hữu khác nhau, tiếp tục sứ mạng cứu vớt đồng bào đang hư mất, thoát vòng tội lỗi tối tăm, để được hưởng nước Thiên Đàng sáng láng vinh quang.

Các giáo sĩ đã đến Việt Nam và dạy cho người Việt Nam biết rằng: Đức Chúa Trời yêu thương tất cả các dân tộc trên thế giới.  Tình thương của Ngài là vô điều kiện, bền vững, bất phân ly và không phân biệt. Người Việt ngày nay còn biết rằng, công tác rao giảng Tin Lành và thành lập Hội Thánh không phải là đặc quyền của một dân tộc nào, hay của một nhóm người nào, cũng không phải là đặc quyền của một giới tính nào, mà là đặc quyền của tất cả những người đã được Chúa cứu chuộc bằng chính huyết Ngài. Đó là lý do mà tôi và bạn, những người Việt Nam bình thường trên thế giới, có thể dự phần trọn vẹn, để làm việc phi thường và vĩnh cửu hôm nay.

sam james

About Sam James
Born in Liberty , North Carolina Sam was educated at Wake Forest University , Southeastern Baptist Theological Seminary, with further graduate studies at the University of North Carolina. Sam has exhibited a lifetime of service to the Lord.In 1957 he married Rachel Kerr, a native of Durham, North Carolina. They have four children and eight grandchildren.Two of their children are now also serving the Lord through the International Mission Board (IMB), one family in Japan and one family in the United Kingdom .Sam and Rachel were appointed in March of 1962, by the IMB, to serve in the Republic of South Vietnam. They were forced to leave in 1975 when communists assumed control of the country.

But Sam didn’t go far. He moved only as far as Taipei, Taiwan, where he became Associate Area Director for East Asia.

In 1980, he returned to the United States in order to work with the architects and leave his indelible stamp on the philosophy and programs of the Missionary Learning Center in Rockville, Virginia. Yes,
Sam has influenced an entire generation of overseas field personnel in how they are trained and orientated for cross-cultural work.

In 1985, Sam again returned to the field when he was elected Area Director for East Asia. From his headquarters in Hong Kong, he directed the work in Korea, Japan, Taiwan, Hong Kong, Macau, and the beginnings of work in the People’s Republic of China.

Seven years later, Sam was elected regional vice president for Europe, the Middle East, and Northern Africa. As the war in Lebanon was at its height, the war in Serbia/Croatia/Bosnia was raging, and communism was collapsing throughout Eastern Europe and the Soviet Union the door was opening for broad new opportunities throughout the region and once again Sam was there to answer the call.

By 1995, the IMB was in the midst of vast organizational changes and Sam was asked to serve as Vice President for Leadership Development. This included supervising the training programs at the Learning Center complex, doubling the size of the facilities, and providing supervision for all of the Board’s training programs. In addition, he supervised strategy studies in 70 countries around the world. During that time he served a key role in the formation of the International Centre for Excellence in Leadership.

In 2001, Sam retired from the staff of the IMB but that did not stop him from serving…. He was immediately commissioned to serve the Vietnam that he loves once again.

In 2003, numerous tragic deaths in the Middle East precipitated an urgent need for special work among personnel in these high risk areas. Again Sam was called upon to transfer from Vietnam to the Middle East to meet the member care needs of the personnel who serve in that region.

Now in 2005, Sam and Rachel are still under commission to the IMB. Although they live in Midlothian, Virginia, he still makes frequent long duration trips to Northern Africa and the Middle East and Sam still continues to meet certain needs in Vietnam .

Sam has authored articles in various periodicals and has just completed his first book Servant on the Edge of History” which finally puts his vast experience on the mission field on to paper where you can
experience with him how the Lord works throughout the world.

NGUỒN: http://www.samjamesglobal.com/Biography.html

Xây Dựng Board of Trustee

Để kiện toàn tổ chức, Ban Điều hành VMB đã mời họp mặt hai lần, một ở Dallas và hai ở Richmond nhằm mục đích thành lập Board of Trustee cho Cơ Quan Truyền Giáo Việt Nam. Trong bầu không khí tin tưởng, kế thừa và hy vọng hai vị cựu giáo sĩ Việt Nam là Lewis Meyers và Sam James đã nhận lời đứng vào Board of Trustee. Hiện nay Board of Trustee của VMB gồm có hai cựu Giáo sĩ nầy cùng với những nhà lãnh đạo Hội Thánh Việt Nam có tinh thần truyền giáo mạnh mẽ như Mục Sư Nguyễn Hữu Trang, Mục Sư Trần Lưu Chuyên và cô Du Thịnh Huỳnh Nga. Ban điều hành Cơ Quan Truyền Giáo nhiệm kỳ đầu tiên gồm có Mục Sư Phan Minh Ân, Mục Sư Phan Phước Lành, Mục Sư Lê Khắc Linh, Mục Sư Đặng Ngọc Vui và tôi. Tôi vui vì những người được bầu vào VMB đều là những nhà lãnh đạo Hội Thánh có kinh nghiệm, có ý hiệp tâm đầu và có lòng quan tâm đến việc truyền giáo cho người Việt Nam.

Thật là dấu hiệu đáng mừng. Tôi vui vì nhiều người đang quan tâm và hưởng ứng chương trình truyền giáo cho quê hương.

kienlu

 

(Trích từ Hồi Ký của Mục sư Nguyễn Văn Huệ)

 

———————–

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn