Thứ Tư , 24 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / Peace with God / Bình An Trong Chúa

Peace with God / Bình An Trong Chúa

Bình An Trong Thượng Đế

Billy Graham

images

LỜI TỰA

Suốt ba thập kỷ từ sau ngày quyển ‘Bình An Trong Thượng Đế’ được viết ra, thế giới này vốn luôn dàn trận chờ tranh chiến với nhau dường như đã mất đi vĩnh viễn sự thanh thản mà nó vẫn nắm lỏng lẻo trong tay. Lần đầu tiên trong lịch sử, dưới hình thức một trận chiến tranh nguyên tử sẽ xảy ra có thể tiêu hủy mọi sự, cả một thế hệ thanh niên phải sống trong kinh hoàng trước khi họ kịp lớn lên, điều có thể lý giải phần nào con số thê thảm những người vừa đạt đến tuyệt đỉnh tuổi thanh xuân đầy hứa hẹn, lại tìm nhiều cách thức khác nhau để từ bỏ cuộc sống. Họ đã trở thành một thế hệ những nhà nghệ sĩ trốn đời. Trong lúc tôi viết mấy dòng này, thì nhiều cuộc xung đột vũ trang đang bùng nổ khắp nơi trên địa cầu, và tiếng súng đang vang rền trên nhiều đường phố của những đô thị lớn. Kể từ khi quyển sách này được viết ra, một vị tổng thống Hoa-kỳ, một ông bộ trưởng tư pháp, một lãnh tụ nhân quyền, một vị tổng thống của Ai-cập và một ngôi sao nhạc rock lừng danh đã bị ám sát. Một vị tổng thống khác đã bị mưu sát. Tại nhiều nơi, nhiều người đã bị bắt làm con tin, và một phi cơ phản lực chở hành khách của Triều-tiên đã bị bắn hạ. Nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra. Cả khi quay về dưới mái ấm gia đình, chúng ta cũng không tìm được sự bình an nội tâm, đơn giản chỉ vì phần nhiều mái ấm của chúng ta giờ đây không tồn tại nữa, và gần phân nửa tổng số những đôi tân hôn đã kết thúc bằng ly dị. Cuộc chiến cứ ngày càng lan tràn khắp thế giới nói chung đó vốn chỉ là phản ảnh của cuộc xung đột đang hoành hành trong lòng của từng cá nhân.

Billy-Graham_vigNhiều triệu người đã được đọc quyển sách này trong ấn bản đầu tiên. Nó được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng. Nhiều người viết thư kể lại chính cuộc đời của họ hay của một ai khác đó đã chịu ảnh hưởng của nó; đây là cuốn sách tôn giáo đã phổ biến và được nhiều người của thế giới Đông phương đọc nhất. Một viên chức hải quan gặp quyển ‘Bình An Trong Thượng Đế’ trong hành lý của một Cơ Đốc nhân đến thăm đất nước của ông ta. Người du khách bảo rằng mình rất vui lòng tặng cho ông ta, nhưng rất tiếc ông đã hứa tặng cho một bạn thân trong xứ ấy rồi. Viên chức nọ nói: “Thế ông có vui lòng đợi cho tôi đọc xong quyển sách này không?” Vậy là ông bạn của chúng ta ngồi chờ, nửa giờ, rồi một giờ, hai giờ. Cuối cùng, chẳng nói chẳng rằng, quyển sách được trả vào vali, và ông bạn của chúng ta được chào từ biệt. Khi đọc lại, tôi đã vô cùng kinh ngạc khi thấy nguyên tác quả rất thích hợp, tuy có vài chi tiết cần cập nhật hóa.’
Cũng như nguyên tác, quyển ‘Bình An Trong Thượng Đế’hiệu đính này chỉ ra con đường – con đường duy nhất – dẫn tới sự bình an cá nhân đích thực trong thế giới đang khủng hoảng này. Từ ngày được xuất bản ba mươi mốt năm trước đây, nhiều triệu độc giả trong và ngoài nước đã theo dõi các bước đi rõ ràng và đơn giản của nó để tự mình khám phá ra cuộc đời làm cách mạng mới mẻ từng được một người vô danh tại xứ Ga-li-lê đề nghị. Trong số đó có những người có tên trong danh sách các tử tội, và có cả một trong số các con rể của tôi nữa.

Có một nữ phóng viên đến tham dự Chiến dịch truyền giảng Phúc Âm của chúng tôi tại Bristol, Anh quốc, được hỏi chẳng hay cô có gia nhập một Hội Thánh nào trước khi đến Bristol không; cô trả lời: “Vâng, có. Tôi là một Cơ Đốc nhân. Tôi đã nhờ ông Billy Graham mà ăn năn quy đạo hồi năm 1954”. Bấy giờ, cô là một bé gái mười tuổi, học sinh nội trú. Một ngày nọ, cô bé đến một hàng bán sách cũ, trên bàn có một số sách, cô để ý đến quyển ‘Bình An Trong Thượng Đế,’ và tức khắc bị cuốn hút. Cô trả sáu xu để mua – là tất cả số tiền cô có lúc ấy – và khi về phòng học của mình trong trường, cô bắt đầu đọc nó suốt đêm bằng chiếc đèn bấm. Kết quả là cô đã tin nhận Chúa Cứu Thế sau khi đọc quyển sách ấy. Tuy từng lớn lên trong Hội Thánh, nhưng chưa hề có ai giải thích cho cô bức thông điệp đơn sơ của Phúc Âm, và bảo cô phải đáp lại tiếng kêu gọi của Chúa Cứu Thế như thế nào.

Tôi khẩn nguyện rằng ấn bản được hiệu đính này sẽ đến với những bàn tay và những tấm lòng đang lạc lõng trong thế giới điên đảo nhưng có rất nhiều người đang trông tìm một lối thoát này, vì tôi ý thức rằng hiện nay – hơn cả lúc sách này mới được viết ra – đang có rất nhiều người cả nam lẫn nữ và nhiều thanh thiếu niên ở khắp mọi nơi, đang khao khát tìm cầu sự bình an trong Thượng Đế.

Tôi tri ân sâu xa tất cả những ai đã góp ý với tôi khi chuẩn bị ấn bản mới này. Nhất là tôi xin cảm ơn nhà tôi – bà Ruth – đã dành nhiều thì giờ để sửa chữa; trưởng nữ của tôi là GiGi Tchividjian; và cô thư ký Stephanie Wills. Nguyện Thượng Đế dùng quyển sách này để chạm đến tấm lòng của triệu triệu người thuộc thế hệ mới hiện nay.
BILLY GRAHAM

TÌM KIẾM

Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng (Giê.  29:13.)

NGAY từ khi mới sanh ra bạn đã bắt đầu Công Cuộc Tìm Kiếm Lớn Lao. Có lẽ phải mất nhiều năm bạn mới ý thức được điều đó, mới thấy rõ rằng bạn đang luôn luôn tìm kiếm – tìm kiếm điều bạn chưa từng có – tìm kiếm một điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác trong đời. Đôi khi bạn cố quên điều này và chỉ nghĩ đến những việc khác, dành thì giờ và tâm trí vào công việc hiện tại mà thôi. Cũng có lúc bạn tưởng mình được giải thoát khỏi nhu cầu tìm kiếm điều không tên đó. Đôi lúc bạn hầu như quên lãng cuộc tìm kiếm này để rồi phải nhớ lại – bạn phải luôn luôn quay về với công cuộc tìm kiếm của mình.

Trong những phút cô đơn nhất của cuộc đời, bạn để ý quan sát những người xung quanh và tự hỏi không biết họ có tìm kiếm gì không? – Tìm điều họ không thể diễn tả nhưng biết là rất cần. Vài người tỏ ra sung sướng và không nặng gánh lo âu như bạn. Một số khác dường như đã toại nguyện trong hôn nhân gia đình. Lại có người đã đi khắp đó đây để tìm tiền tài và danh vọng. Có người cứ ở quê nhà mà vẫn thành đạt và khi nhìn họ, có thể bạn nghĩ: “Những người này không cần bận tâm gì về cuộc Tìm Kiếm Lớn Lao. Họ đã tìm thấy đường đi của họ rồi. Họ biết họ muốn gì và đã đạt tới đích. Chỉ có ta mới theo một con đường chẳng đưa tới đâu. Chỉ có ta mới thắc mắc, mới tìm kiếm và vấp ngã bên con đường tối tăm và tuyệt vọng không một lối thoát”.

Tiếng kêu của nhân loại.

Nhưng bạn không cô độc đâu. Toàn thể nhân loại đang cùng đi với bạn vì cũng đang tìm kiếm như bạn. Toàn thể nhân loại đang tìm một lời giải đáp cho tình trạng hỗn loạn, đạo đức suy đồi và thuộc linh trống rỗng đang đè nén thế giới. Toàn thể nhân loại đang kêu gào một sự hướng dẫn, an ủi và bình an.

Có người nói là chúng ta đang sống trong “kỷ nguyên lo âu”. Các sử gia đã chứng minh rằng trong suốt lịch sử nhân loại, không lúc nào con người có nhiều sợ hãi và bất an như ngày nay. Tất cả những gì chúng ta thường nương cậy dường như đã bị cuốn đi. Chúng ta nói chuyện về hòa bình nhưng phải đương đầu với chiến tranh. Chúng ta phác họa những kế hoạch an ninh chu đáo nhưng không thấy an ninh đâu cả. Chúng ta cố bám víu vào bèo bọt trôi qua, nhưng cho dù nắm được, bọt bèo cũng biến mất.

Từ bao thế hệ, chúng ta đã chạy như bị ma đuổi từ ngõ cụt này qua ngõ cụt khác. Mỗi lần, chúng ta đều tự nhủ: “Đường này đúng đây, chắc sẽ đưa chúng ta đến nơi đến chốn”. Nhưng lần nào chúng ta cũng lầm.

Nẻo đường tự do của chính trị.

Một trong những đường lối trước tiên chúng ta chọn ấy là “tự do chính trị”. Chúng ta nghĩ nếu con người được tự do chính trị thì thế giới sẽ hạnh phúc. Chúng ta chọn lấy những nhà lãnh đạo chính phủ, rồi chúng ta sẽ có một chính phủ làm cho cuộc đời đáng sống. Kết quả là chúng ta đã đạt được tự do chính trị nhưng không sao thực hiện được một thế giới tốt đẹp hơn. Hằng ngày báo chí tường thuật những vụ tham nhũng ở cấp bậc lãnh đạo, sự thiên vị, lợi dụng và giả nhân giả nghĩa chẳng những không kém đi, mà đôi khi còn vượt xa sự chuyên chế của vua chúa ngày xưa. Tự do chính trị là một điều quý báu và quan trọng nhưng không đủ đem lại cho chúng ta thế giới mà chúng ta ao ước.

2/5/1981 President Reagan Nancy Reagan and Billy Graham at the National Prayer Breakfast held at the Washington Hilton Hotel

2/5/1981 President Reagan Nancy Reagan and Billy Graham at the National Prayer Breakfast held at the Washington Hilton Hotel

Ảnh trên: Vợ chồng Tổng thống Reagan chào đón Billy Graham

Có một đường lối khác đầy hứa hẹn được nhiều người hoàn toàn tin tưởng có tên là con đường “giáo dục”. Họ cho rằng tự do chính trị đi đôi với một nền giáo dục sẽ giải quyết được vấn đề, và tất cả chúng ta, chạy như điên trên con đường giáo dục. Trong một thời gian dài, con đường này có vẻ sáng sủa, và chúng ta hăm hở bước đi đầy hi vọng; nhưng nó đã đưa chúng ta đến đâu? Quý vị đã thừa biết câu trả lời. Chúng ta là những người hiểu biết nhất trong lịch sử văn minh – và cũng là những người khốn khổ nhất. Các học sinh trung học của chúng ta biết nhiều về những định luật vật lý của vũ trụ hơn cả nhà khoa học tài ba nhất trong thời Aristotle. Nhưng dù đầu óc chúng ta đầy ắp kiến thức, con tim chúng ta vẫn trống rỗng.

Đường lối sáng sủa và hấp dẫn nhất là con đường mang tên “mức sống cao hơn”. Hầu hết mọi người đều cho rằng có thể trông mong con đường này đưa mình vào thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Con đường được xem như chắc chắn nhất. Đó là con đường “nhấn nút thì có ngay”, đầy những quảng cáo lộng lẫy màu sắc trong các tạp chí, những xe hơi đời mới bóng nhoáng, những hàng dài tủ lạnh và máy giặt tự động, những con gà giò ngon lành trong những lò nướng tối tân. Lần này thì nhất định chúng ta trúng số độc đắc. Những con đường kia có thể sai lầm, nhưng con đường này thì chắc đúng rồi!

Vâng, quý vị hãy nhìn quanh xem sao. Ngay chính giờ phút này của lịch sử, tại một vài quốc gia, tự do chính trị đã tiến đến một trình độ mà các quốc gia khác của thế giới văn minh chưa thể hiện được. Một vài quốc gia đã có một hệ thống giáo dục phổ cập tiến bộ nhất, và các quốc gia đó được trong và ngoài nước ca ngợi về mức sống cao của họ. Chúng ta dùng từ “lối sống văn minh” để chỉ một nền kinh tế hào nhoáng tận dụng điện lực và máy tự động. Lối sống ấy có thực sự làm chúng ta sung sướng không? Có đem đến cho chúng ta niềm vui và lẽ sống chúng ta đang tìm kiếm không?

Chúng ta dùng từ “lối sống văn minh” để chỉ một nền kinh tế hào nhoáng tận dụng điện lực và máy tự động. Lối sống ấy có thực sự làm chúng ta sung sướng không? Có đem đến cho chúng ta niềm vui và lẽ sống chúng ta đang tìm kiếm không?

Không. Trong khi chúng ta tự mãn tự kiêu là đã thực hiện được rất nhiều điều mà những thế hệ trước chỉ mơ tưởng; trong khi chúng ta vượt qua các đại dương chỉ mất vài giờ thay vì hàng tháng; trong khi chúng ta đã tìm ra những phương thuốc thần diệu diệt trừ một số bệnh nan y; trong khi chúng ta xây dựng những tòa nhà chọc trời khiến tháp Ba-bên trở thành như một ổ mối; trong khi ngày càng hiểu biết nhiều hơn về những bí mật kỳ diệu dưới đáy biển và thám hiểm không gian càng lúc càng xa, chúng ta có làm vơi đi cảm giác trống rỗng trong lòng chúng ta được mảy may nào không? Tất cả những tiến bộ tối tân kỳ diệu đó có đem lại cho chúng ta một cảm giác mãn nguyện nào không? Có giúp chúng ta giải thích tại sao chúng ta có mặt trên thế gian này; có chỉ cho chúng ta biết những gì chúng ta cần phải học hỏi không?

Hay là cái cảm giác trống rỗng ghê gớm kia vẫn cứ tồn tại? Mọi khám phá mới về sự bao la của vũ trụ có an ủi được bạn không hay chỉ làm cho bạn cảm thấy cô độc và bơ vơ hơn bao giờ hết? Đâu là liều thuốc giải độc đối với sự sợ hãi, thù ghét và hư hoại của con người? Ở ống nghiệm hay viễn vọng kính?

 

(Còn nữa)

Bài viết liên quan: https://huongdionline.com/2015/09/12/muc-su-billy-graham/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn