Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / SỨ MẠNG TẠI PHƯƠNG TÂY VÀ HOA KỲ

SỨ MẠNG TẠI PHƯƠNG TÂY VÀ HOA KỲ

s1

Bất cứ điều gì Sundar đã đạt được tại Tây Tạng qua những chuyến truyền giảng hằng năm tạo cho ông danh tiếng lừng lẫy tại Ấn độ. Nhưng đối với ông điều quan trọng là các Hội Thánh Ấn được lay động và dần dần người ta nhận biết tiềm năng và trách nhiệm của mình.

Năm 1917,  khi trở về sau chuyến truyền giáo, ông nhận nhiều bức thư yêu cầu ông thăm viếng miền Nam Ấn độ. Năm 1918 có lời yêu cầu ông nên đi miền viễn đông. Ông chấp nhận hai lời yêu cầu đó. Năm 1919, có những đề nghị ông nên thăm viếng miền Tây: Anh quốc, Âu châu và Mỹ quốc.

Năm 1919 không có gì quan trọng hơn là những lời mời đi rao giảng tại thế giới Tây phương. Sadhu cũng thường mơ ước có dịp đi Anh quốc và Mỹ châu. Nhưng tài chánh là một nan đề cho các chuyến du hành này. Số tiền ông dành cho các chuyến truyền giảng tại Tây tạng được ký thác tại Simla. Ông không thể dùng để đi nơi khác được.  Một điều ông biết rõ là nếu Ðức Chúa Trời muốn ông đi thì Ngài sẽ cung cấp phương tiện cho ông. Rồi câu chuyện kỳ diệu xảy ra.

Trở về từ những nỗi nguy hiểm ở Tây tạng, Sundar ngồi trước hiên cửa nhà bên cạnh người cha Sher Singh. Mặt trăng hôm ấy sáng rực, soi sáng cả những cây cối xuyên qua cánh đồng. Từ xa, ở thành phố vang dội tiếng nhạc du dương của tiệc cưới. Ðó đây chó rừng tru hú. Bỗng nhiên có tiếng còi của chuyến tầu tốc hành đi Ludhiana thét lên xé màn đêm. Ký ức Sundar sống lại. Cũng vào một đêm như vậy, có thể trời hôm ấy lạnh hơn, tiếng còi vang dội trong tai, ông đã định tâm kết thúc cuộc đời cho đến khi ông tìm được sự bình an trước khi hừng đông ló dạng. Vào đêm đó, Ðức Chúa Jesus đã đến và nói chuyện cùng ông, mười lăm năm trước đây.

Sher Singh đưa cánh tay về phía Sundar chạm nhẹ vào áo vàng của ông. Tiếng của người cha đưa ông trở về với hiện tại.

“Con ơi, cha đây cũng đã đến với tình yêu của Chúa Jesus”

Cha con nói chuyện với nhau thâu đêm. Khi họ sửa soạn đi nghỉ, Sher Singh dừng và quay lại: “Con ơi, nếu Ðức Chúa Trời muốn con đi Anh quốc và Hoa kỳ, cha sẽ lo cho con mọi chi phí của chuyến du hành. Ðó là cách cha muốn bày tỏ sự hối cải tội lỗi của cha”.

 sadhu

NGƯỚI NGOẠI BANG TÂY PHƯƠNG

(1920-1922) 

Sher Singh, người cha già đã dâng hiến cảm tạ Chúa, điều này khẳng định rằng Sadhu có thể nhận lời mời đi thăm các nước Tây Phương.

Vào tháng Giêng 1920, ông lấy vé tàu để đi Anh quốc.

Vì sự tò mò của nhiều người đã làm cho ông khó chịu. Tại Anh quốc cũng như tại Hoa kỳ, việc Sadhu Sundar Singh đến thăm viếng những nơi ấy trở nên khó khăn hơn. Ông thật sự hoàn toàn không biết cách nào xuất hiện với những người ngoại quốc này. Dĩ nhiên, chiếc áo cà sa vàng của ông phải bị loại bỏ, còn mặc đồ tây phương thì ông khẳng khái từ chối. Nhưng có điều ông quan tâm về cái nhìn soi mói, tàn nhẫn của những người xa lạ dành cho ông. Ông biết mình có một sứ mạng tại vùng Tây phương này và ông không thể nào quên được.

Ông hy vọng tìm thấy Anh quốc là một quốc gia Cơ đốc giáo. Trái lại ông khám phá ra rằng đó là một đất nước đã bỏ quên Ðức Chúa Trời và là nơi tinh thần đông phương đã ăn rễ sâu nay thay bằng chủ nghĩa duy vật đối nghịch.  Ông nhận thấy phần đất Âu châu và Úc châu rất tệ hại và ông tin rằng Mỹ châu còn tồi tệ hơn nữa.

Ðầu tiên ông lưu lại Birmingham, rồi đến Oxford và Luân đôn. Bất cứ nơi nào ông đi, đoàn người đông đúc tụ họp lại. Câu chuyện về ông được viết trên nhật báo không có thiện cảm và thiếu hiểu biết.  Có một lúc ông không chịu nổi sự đè nặng của ban tổ chức, với lại phải mang giày, mặc áo choàng ngoài là việc chưa quen làm.  Ngay sau đó, ông từ chối mặc áo choàng, với lý do rằng đã từng quen với cái rét buốt của Hy mã lạp sơn, Anh quốc không đủ lạnh cho ông. Bất cứ khi nào thấy thuận tiện ông đều làm như thế , ông tránh đi xe buýt, tàu lửa, xe điện vì chẳng bao lâu ông nhận thấy rằng đoàn người chen chúc, xô đẩy nhau với các bộ mặt hung hăng đã kéo tâm linh an bình của ông đi vào cơn gió lốc. Tĩnh nguyện quả thật là không dễ dàng. Thật là khó để nhận thức rằng những nhóm quần chúng đông đảo này chẳng nghĩ gì khác ngoài sự bảo hiểm an toàn, chuyện làm ăn, thương mại, tiền bạc. Họ có thể đói khát tâm linh như những người đông phương của ông.

Tại Hoa kỳ ông lại càng khốn khổ hơn, ngay sau khi đến nơi, cuộc vận động công cộng đã được sắp xếp trong thời gian ông lưu trú, nó làm cho ông kinh tởm khi khám phá ra rằng những cổ động viên hy vọng thực hiện một vụ làm ăn lớn để kiếm tiền cho đôi bên: cho họ và cho ông qua các buổi truyền giảng. Chương trình chẳng có gì với các Hội thánh, người ta làm cho ông an lòng bằng cách giao việc sắp xếp cho bạn bè của ông mà sự mơ ước duy nhất của họ là ông có thể nói chuyện với Hoa lỳ về Tin lành như ông đã từng làm tại Ðông phương.

Nhưng Sadhu nhận thấy ông không thể nói giống như vậy tại miền Tây Phương này. Ấn độ là một quốc gia tôn giáo. Tây phương hoàn toàn khác hẳn về giá trị thuộc linh. Sứ mạng của ông là để họ thấy chính họ như ông nhìn thấy họ vậy.

Hằng trăm người lấy làm bực mình về những lời đoán định và phê phán ngay thẳng đã làm mất lòng họ mà người thánh hiền từ Ðông phương ba mươi tuổi này không chút ngại ngùng công bố. Họ cho rằng ông không biết gì những ràng buộc của đời sống kỹ nghệ và sự căng thẳng trong mối giao dịch thương mại hiện đại. Dù vậy, hàng ngàn người lắng nghe và cảm động, họ được biến đổi bởi sự giảng dạy của ông. Ông là người chẳng e sợ khi tố cáo cũng như lúc nhẹ nhàng nhắn nhủ:

“Tôi tìm thấy một hòn đá ở giữa dãy núi Hy mã lap sơn. Nó trống rỗng và khi tôi đập bể ra tôi tìm thấy bên trong hoàn toàn khô ráo. Cũng như vậy, nơi phương trời Tây phương, quý vị đã nằm nghỉ hằng bao nhiêu thế kỷ trong nước của Cơ đốc giáo nhưng nước ấy không thẩm thấu vào lòng quý vị.”

Không một khán giả nào có thể giữ lòng cứng trơ khi họ nhìn vào cặp mắt lấp lánh trên khuôn mặt màu da ô-li-ve, với râu quai hàm đen, giọng nói mềm mại và khẳng khái của ông khi công bố: “Trong ngày phán xét, người không tin Chúa tại Ðông phương sẽ lãnh án nhẹ hơn quí vị tại Tây Phương. Họ chưa bao giờ nghe Tin lành. Còn  quí vị đã từng có cơ hội nhưng quí vị bỏ rơi”.

Ông giảng những lời của Chúa Jesus làm khích động người Mỹ bằng cách quả quyết rằng Chúa của ông đã gọi họ: “Hỡi những kẻ gánh nặng với vàng bạc, hãy đến cùng ta. Ta sẽ cho các con được an nghỉ”.

Từ Hoa kỳ ông trở về lại Ấn độ, ghé ngang Honolulu, Úc châu và Tích lan.  Bất cứ nơi nào ông đến, ông đều nói: “Công việc của tôi là rao giảng”. Một số người khi đã nghe qua ông thuyết giảng, thật khó cho họ quên con người đặc biệt này.

Ông về Ấn độ vào cuối mùa xuân và sau khi giảng lưu hành tại các Ðại Hội Cơ đốc hay các buổi hội thảo, ông lên đường về phía Hy mã lạp sơn để qua Tây Tạng. Sự lỗ mãng của những ngưỡi Phật giáo Tây tạng, những mối hiểm nguy của các vực thẳm trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn và những chiếc cầu băng tuyết đang chờ đón ông sau những vụ cự tuyệt thuôc linh mà ông đã phải chịu đựng tại các nước Tây Phương. Và điều làm chúng ta ngạc nhiên là ông chịu nhận lời sang Âu châu lần thứ hai trong vòng hai năm tới.

Một trong những lý do ảnh hưởng đến quyết định của ông là nhân dịp trên đường viếng thăm Palestine, ông có thể ghé qua Anh quốc. Ông đã mong chờ điều này từ lâu để khi có cơ hội đến thì nắm lấy. Có những lúc tấm lòng ông thổn thức khi ông thực hiện chuyến hành hương đi trên những đường phố thiêng liêng và những nơi đất thánh trong câu chuyện Phúc âm.

Lần này ông không ghé Hoa kỳ nhưng viếng thăm nhiều nước Âu châu trước khi kết thúc chuyến đi Anh quốc,  Pháp, Thụy sĩ, Hòa lan, Thụy điển, Ðan Mạch, Ðức quốc. Tất cả các nơi đều tiếp đón ông chu đáo và kính nể. Nhưng vừa lúc ông đến Anh quốc thì ông bị đuối sức. Viêc chính của ông tai Anh quốc là tham dự những buổi hội họp được sắp sẵn. Ông thường quen nói chuyện trong những đại hội về sự sâu nhiệm của đời sống thuộc linh hơn là nói chuyện tổng quát trước công chúng.  Chính ông cũng nghi ngờ rằng không biết mình có đạt được thành quả tốt đẹp nhân chuyến viếng thăm này không. Tuy nhiên, sự thách thức cho Giáo Hội thật là dữ dội và ảnh hưởng ông trên từng cá nhân thật không thể tính được. Chính dáng điệu của ông làm cho lời nói của ông có uy quyền.  “Người đầy tớ mở cánh cửa trước rồi chạy vào báo cho bà chủ rằng Chúa Jesus đã đến nhà và những đứa trẻ con chơi với Ngài trên thảm, sau đó họ  muốn Chúa Jesus đưa các trẻ đó vào giường ngủ”. Ðó là cách trình bày duy nhất bằng lời mà ai đã gặp ông cũng đều nghĩ như vậy.  Cái dáng dấp giống Chúa Jesus của ông cũng hòa hợp với đức tính hiền hòa và uy quyền trên thái độ và tinh thần.

Không có gì làm cho ông đau buồn bằng sự chia rẽ và sự không  đoàn kết của các Hội Thánh Tây Phương. “Làm thế nào những Cơ đốc nhân vào sống với nhau trong nước thiên đàng khi mà họ không thể sống chung với nhau ở trần gian?”  Ông hỏi đi hỏi lại như vậy.

Làm thế nào những Cơ đốc nhân vào sống với nhau trong nước thiên đàng khi mà họ không thể sống chung với nhau ở trần gian?

Ông ao ước một ngày các Hội Thánh hiệp một. Ông trở về Ấn độ vào năm 1922, dù có thể ông không biết nhưng một vài tín hữu Cơ đốc người Ấn thân thích của ông ở miền Nam đã bàn đến và lập kế hoạch cho sự hợp nhất ấy. Thật ra chưa có hình thức cụ thể nào trong Hội thánh miền Nam Ấn cho đến hai mươi năm sau khi Sadhu qua đời, nhưng gương của ông với lời kêu gọi đã dự phần trong việc củng cố Hội Thánh mà ông từng mơ ước.

 

(Còn nữa)

Bài trước:
https://huongdionline.com/2016/04/04/cai-chet-rat-gan/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn