Thứ Ba , 19 Tháng Ba 2024
Home / Hướng Đi Magazine / Đức tin / CHÂN LÝ TRONG ỐNG NGHIỆM

CHÂN LÝ TRONG ỐNG NGHIỆM

CHÂN LÝ TRONG ỐNG NGHIỆM

Ky thuat thu tinh trong ong nghiem

Lời toà soạn HƯỚNG ĐI MAGAZINE:     Chân thành cảm ơn Mục Sư Nguyễn Thân Ái và Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới ở Sydney, Úc đã cho phép sử dụng tài liệu nầy để chia sẻ các bài học tâm linh với đời sống thực tế ngày nay cho bạn đọc của Hướng Đi. Mời các bạn đọc theo dõi tài liệu quý nầy trên Đặc San Hướng Đi kể từ số báo 50.
Tôi Không Đủ Đức Tin Để Làm Một Người Vô Thần

(Phần I)

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Thưa giáo sư, tôi có nhìn lầm không vậy? Có phải cuốn sách trước mặt giáo sư có tựa đề là Tôi Không Đủ Đức Tin Để Làm Một Người Vô Thần không?

 

GIÁO SƯ:  Đúng vậy. Đó là một tựa đề kỳ lạ phải không?

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Tôi luôn nghĩ rằng những người tin vào Chúa Trời mới là những người có đức tin, còn những vô thần thì cần gì đức tin?

 

GIÁO SƯ:  Cuốn sách này lại đi ngược lại ý kiến đó. Chúng ta hãy cùng phân tích xem một người cần có bao nhiều đức tin nếu muốn làm một người vô thần nhé.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Thưa giáo sư, ông vừa khiến tôi ngạc nhiên khi nói rằng những người vô thần cũng có đức tin. Hãy cùng tra từ điển xem chúng ta có đang dùng chung một loại ngôn ngữ không đã. Chúng ta có đang nói về cùng một điều khi dùng từ “đức tin” không nhỉ?

 

GIÁO SƯ:  Ý kiến hay đấy! Định nghĩa đầu tiên trong từ điển về đức tin là “niềm tin không nghi vấn.” Một định nghĩa khác là “hoàn toàn tin cậy, tin tưởng , tín nhiệm; giống như trẻ con thường tin vào cha mẹ chúng.”

Cả hai định nghĩa trên đều thống nhất với cách Kinh Thánh giải thích về đức tin. Sách Hê-bơ-rơ trong Tân Ước chép rằng: “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” (11:1)

Điều đó hoàn toàn tương đồng với định nghĩa của từ điển, “niềm tin không nghi vấn.”

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Theo định nghĩa đó, những người vô thần cần đến “niềm tin không nghi vấn” như thế nào? Chẳng phải là những người vô thần đều vô tín cả sao?

 

GIÁO SƯ:  Những người vô thần không tin vào điều này, nhưng tin vào một điều khác. Một học giả từng nói: “Bất cứ ai tự xưng là hoài nghi về một niềm tin nầy, thực sự là một tín đồ của một niềm tin khác.”

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Có phải ý ông là một người không tin vào Chúa Trời đặt một điều gì khác làm đấng tối cao trong vũ trụ của mình?

GIÁO SƯ:  Đúng vậy. Chẳng hạn như, người đó có thể đề cao giáo dục ngang tầm với Chúa Trời. Hoặc đó có thể là chính anh ta.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nhưng những người bạn vô thần của tôi bảo là họ chẳng tin vào điều gì cả – ít nhất là những điều họ không thể nhìn thấy và thử nghiệm. Họ không thể nhìn thấy Chúa Trời, vì vậy họ nói như vậy nghĩa là Chúa Trời không hề tồn tại.

 

GIÁO SƯ:  Nhưng những người vô thần cũng tin vào rất nhiều điều họ không thể nhìn thấy hay thử nghiệm.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: (NGẠC NHIÊN)  Vậy sao? Xin hãy cho tôi một ví dụ.

 

GIÁO SƯ:  Ngày nay một trong những ý kiến phổ biến nhất trong vòng những người vô thần là giả thuyết đa vũ trụ.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vâng, vài người bạn của tôi có bàn luận về vấn đề đó. Ý kiến cho rằng vũ trụ của chúng ta chứa đựng những điều kiện rất chuẩn xác, cho phép cuộc sống tồn tại ở đây. Hàng chục các yếu tố riêng biệt phải tuyệt đối chính xác.

Một người bạn của tôi có trích dẫn nhà vũ trụ học người Anh Stephen Hawking, người đã từng nói rằng: “Thật ra, chắc có lẽ không có một vũ trụ giống như của chúng ta, với các thiên hà và tinh tú. Nếu một người xem xét các định luật và hằng số có thể phát hiện được, thì cơ may để có một vũ trụ có khả năng sản sinh ra sự sống giống như vũ trụ của chúng ta là vô cùng bé.”

Họ thừa nhận rằng khả năng vũ trụ của chúng ta có được tất cả các điểm đặc thù được sắp xếp một cách hoàn hảo như vậy là cực kỳ nhỏ. Họ minh họa điều đó giống như tung hàng chục đồng xu vào không trung, và rồi tất cả chúng rơi xuống đất thành hình người.

 

GIÁO SƯ:  Vũ trụ của chúng ta còn chính xác hơn như vậy nữa. Chẳng hạn như, có rất ít hành tinh có một mức nhiệt độ ổn định để sự sống có thể tồn tại. Có rất nhiều điều kiện khác cho phép sự sống tồn tại, mà khả năng còn thấp hơn, giống như là tung những đồng xu lên và rồi phần lớn chúng rơi xuống và đứng thẳng!

Một nhà khoa học khác từng nói về sự cân chỉnh chính xác của vũ trụ: “Độ chính xác cứ như thể một ai đó phóng một phi tiêu xuyên qua cả vũ trụ và đâm trúng tâm điểm có đường kính chỉ một milimet nằm ở bên kia.”

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Thật đáng kinh ngạc!

Vì vậy những người bạn vô thần của tôi lý luận rằng tự nhiên đã phải thử nghiệm nhiều lần trước khi đạt được tất cả các điều kiện ăn khớp với nhau tuyệt đối. Họ lý luận rằng tự nhiên hẳn đã tạo ra hàng triệu vũ trụ không thành công, trước khi may mắn tạo ra được vũ trụ của chúng ta – một vũ trụ lý tưởng cho sự sống.

 

GIÁO SƯ:  Thậm chí với một kính viễn vọng mạnh nhất, liệu họ có thể quan sát được vũ trụ nào trong số những vũ trụ mà họ suy đoán ra đó không?

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: (CHẦN CHỪ)   À, không. Họ chỉ thấy vũ trụ của chúng ta mà thôi.

 

GIÁO SƯ:  Vậy tại sao họ lại nghĩ là có nhiều hơn một vũ trụ?

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Họ cho rằng các vũ trụ không đạt chuẩn có tồn tại, bởi vì các tiến trình tự nhiên ngẫu nhiên không thể đạt được mọi điều kiện ngay trong lần đầu tiên.

 

GIÁO SƯ:  Chẳng phải đó là đức tin sao? Đó chẳng phải là “bằng cớ của những điều chẳng xem thấy” sao?

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: (LẠI CHẦN CHỪ)   Vâng, có lý đấy. Nhưng đó là lý luận logic, bởi vì họ tin rằng chỉ có tự nhiên tồn tại mà thôi. Họ nói rằng họ chắc chắn không có gì cao hơn tự nhiên, như là Chúa Trời chẳng hạn.

 

GIÁO SƯ:  Như vậy những người vô thần bắt đầu bằng một “niềm tin không nghi vấn” – một niềm tin rằng Chúa Trời không tồn tại. Và để ý kiến đó có lý dưới ánh sáng của bằng chứng rằng vũ trụ được cấu thành một cách chuẩn xác, họ bước một bước đức tin khác – Suy luận không có chứng cứ rằng đa vũ trụ có tồn tại.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Tôi ngạc nhiên đấy. Nghe có vẻ như những người bạn vô thần của tôi có tiếp nhận điều gì đó bằng đức tin.

Nhưng những Cơ đốc nhân có đưa ra được giải pháp thay thế nào?

 

GIÁO SƯ:  Nếu Đức Chúa Trời biết tất cả mọi điều từ lúc ban đầu, Ngài đã có thể dựng nên vũ trụ cách toàn hảo ngay từ lần đầu tiên. Ngài không cần phải thực hiện những thử nghiệm thất bại để rút kinh nghiệm làm thế nào cho đúng.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Đó quả là một suy nghĩ thú vị! Ý tưởng về một Đức Chúa Trời chúng ta không thể nhìn thấy, và ý tưởng về đa vũ trụ chúng ta cũng không thể thấy, cả hai đều đòi hỏi đức tin. Cả Cơ đốc nhân và những người vô thần đều không có bằng chứng hữu hình về niềm tin hay sự vô tín của mình.

 

 

 

 

GIÁO SƯ:  Đó là một điểm Norman Geisler và Frank Turek đưa ra trong cuốn sách này, Tôi không đủ đức tin để làm một người vô tín (I Don’t Have Enough Faith to Be an Atheist). Họ so sánh các thông tin chắp vá chúng ta có thành một trò chơi ghép hình. Chúng ta chỉ hình dung được một phần cách các mảnh ghép khớp với nhau.

Nhưng hầu hết các miếng ghép nằm trong một chiếc hộp, và bên ngoài chiếc hộp cho biết bức hình ghép xong sẽ ra sao. Vì vậy các tác giả hỏi liệu có một chiếc hộp cho trò chơi ghép hình này không. Nói cách khác, có nơi nào để chúng ta biết bức tranh lớn trông như thế nào, và phải đặt các mảnh ghép vào đâu hay không?

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Họ trả lời câu hỏi đó như thế nào?

 

GIÁO SƯ:  Phần giới thiệu tóm tắt một số chứng cớ mà họ đưa ra trong các chương sau: Đầu tiên, các bằng cớ khoa học xác nhận rằng vũ trụ có một khởi đầu. Sự thật nầy có thể được lý giải theo hai cách: Có ai đó đã tạo nên điều gì đó từ cõi hư không, hoặc mọi vật được tạo từ cõi hư không mà không cần đến ai cả. Những người vô thần nghiêng về ý kiến thứ hai, nhưng như vậy còn cần nhiều đức tin hơn – nhiều bằng cớ hơn về một điều gì đó không thể nhìn thấy.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nói cách khác, cần nhiều đức tin hơn để tin rằng không ai đã tạo nên điều gì đó từ hư không, hơn là tin rằng ai đó đã tạo nên điều gì đó từ hư không.

 

GIÁO SƯ: Đúng vậy. Thứ hai, các tác giả nhận định: “Dạng thức sống đơn giản nhất chứa đựng lượng thông tin tương đương với 1000 quyển từ điển bách khoa. Các Cơ đốc nhân tin rằng chỉ có một hữu thể thông minh mới có thể tạo nên một dạng sống chứa đựng một lượng tương đương 1000 từ điển bách khoa. Những người vô thần tin rằng chẳng có bàn tay sáng tạo nào cả, chỉ là kết quả của thế giới tự nhiên.”

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Một vài người đã minh họa điểm đó bằng cách nói rằng một chiếc đồng hồ không thể tự tạo ra nó. Tôi đoán là cách lý giải theo thuyết vô thần – rằng một chiếc đồng hồ có thể tự tạo ra nó –  cần nhiều đức tin hơn.

 

GIÁO SƯ.: Chính xác. Và thứ ba, họ chỉ ra sự thật rằng Kinh Thánh đã dự báo lịch sử chính xác. “Các tài liệu cổ đã báo trước sự đến của một người vốn thật là Đức Chúa Trời. Con người có thần tánh này đã được báo trước sẽ được sinh ra tại một thành phố cụ thể từ một dòng dõi cụ thể, chịu đau đớn một cách cụ thể, chết vào một thời điểm cụ thể, và sống lại từ kẻ chết để chuộc tội cho thế gian.

“Ngay sau thời điểm được báo trước, nhiều nhân chứng đã tuyên bố và sau đó ghi chép lại rằng những sự kiện được báo trước nầy đã thật sự xảy ra. Những nhân chứng nầy đã chịu nhiều sự ngược đãi và cả cái chết trong khi họ có thể tự cứu mình bằng cách phủ nhận những sự kiện này. Hàng ngàn người ở Giê-ru-sa-lem sau đó đã cải đạo sau khi chứng kiến hoặc nghe được những sự kiện này, và niềm tin này quét nhanh qua cả thế giới cổ. Các sử gia và nhà văn cổ đã đề cập đến hoặc xác nhận những sự kiện nầy, và khảo cổ học chứng thực chúng.   …Cơ đốc nhân tin rằng những chuỗi bằng chứng này đã chứng thực rằng Đức Chúa Trời có liên quan đến những sự kiện này. Những người vô thần phải có nhiều đức tin hơn để giải thích khác đi những sự tiên đoán, những lời chứng mắt thấy tai nghe, sự sẵn sàng chịu khổ và chịu chết của các nhân chứng, …và những bằng chứng khác mà chúng ta sẽ điều tra sau này.”

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Có thật nhiều chi tiết. Tôi rất vui vì chúng ta sẽ thảo luận từng điểm này chi tiết hơn trong những chương trình tới.

 

GIÁO SƯ:  Trước khi kết thúc, chúng ta hãy cùng chia xẻ với nhau một vài lời trích dẫn nữa. Tiến sĩ Francis Crick đã đồng nhận giải Nobel nhờ khám phá ra cấu trúc của ADN. Dù ông tự cho mình là một người vô thần, Crick đã thừa nhận: “Một người trung thực, được trang bị tất cả những học thức mà chúng ta hiện có, chỉ có thể nói rằng theo một cách nào đó khởi nguyên của sự sống đã xuất hiện vào thời điểm đó như một phép màu, có quá nhiều điều kiện cần được thỏa mãn để điều đó xảy ra.”

Và Paul Davies đã viết: “Giả định về những vũ trụ không nhìn thấy và không thể nhìn thấy để giải thích vũ trụ mình nhìn thấy chẳng qua là thái độ cực đoan mà thôi. Giả định là có một Đức Chúa Trời sáng tạo sẽ đơn giản hơn.”

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Như vậy là cả Cơ đốc nhân và những người vô thần đều có đức tin. Chúng ta hãy tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong chương trình tiếp theo.

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn