Thứ Bảy , 20 Tháng Tư 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / Bồi linh / ÂN TỨ GIÚP ĐỠ

ÂN TỨ GIÚP ĐỠ

help

 

GIÚP ĐỠ – CHỨC VỤ THẦM LẶNG

 

Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh … ân tứ… giúp đỡ.

1 CÔ-RIN-TÔ 12:28

 

Hoặc ai phục vụ, hãy chăm mà phục vụ.

RÔ-MA 12:7

 

 

Bởi vì có rất nhiều điều cần phải làm nếu như  Hội Thánh muốn có một chức vụ trọn vẹn, nên tôi thiết nghĩ ân tứ giúp đỡ là một trong những ân tứ quan trọng nhất trong thân thể của Christ.

Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là không quan tâm nhiều đến ân tứ này. Thông thường ân tứ này không được để ý đến và khó nhận ra vì chúng ta thường chỉ để ý đến những người năng động, và chúng ta đề cao ân tứ của một giáo sư hay của một thầy giảng Tin Lành. Nhưng tôi tin rằng Đức Chúa Trời dành nhiều sự vinh hiển và vinh dự cho ân tứ giúp đỡ (xem 1 Cô-rin-tô 12:23-24).


Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là không quan tâm nhiều đến ân tứ này. Thông thường ân tứ này không được để ý đến và khó nhận ra vì chúng ta thường chỉ để ý đến những người năng động, và chúng ta đề cao ân tứ của một giáo sư hay của một thầy giảng Tin Lành. Nhưng tôi tin rằng Đức Chúa Trời dành nhiều sự vinh hiển và vinh dự cho ân tứ giúp đỡ (xem 1 Cô-rin-tô 12:23-24).
Bởi vì có rất nhiều điều cần phải làm nếu như  Hội Thánh muốn có một chức vụ trọn vẹn, nên tôi thiết nghĩ ân tứ giúp đỡ là một trong những ân tứ quan trọng nhất trong thân thể của Christ.

 

KHÔNG CẦN YÊU CẦU

 

Thật là vinh hiển và tuyệt vời khi Đức Chúa Trời đặt bên cạnh bạn những người có ân tứ giúp đỡ. Họ không bị yêu cầu phải làm điều gì đó; họ thấy nhu cầu nào cần phải thực hiện và âm thầm làm. Họ thực hiện sự phục vụ cách thầm lặng mà không phô trương. Họ không để ý đến chính mình. Đó là một sự phụng sự tuyệt vời và thầm lặng; và tôi vô cùng biết ơn những người như vậy.

Mỗi buổi sáng thứ hai, từ cửa sổ văn phòng của mình tôi đều được nhìn thấy một ví dụ về loại phục vụ này. Người chồng của một trong những phụ nữ trong Hội Thánh đều đặn đưa cô đến buổi nhóm cầu nguyện. Trong lúc cô đang cầu nguyện, ông đi bộ quanh bãi để xe, nhặt những mẫu giấy vụn và những thứ rác linh tinh còn sót lại sau ngày Chúa Nhật. Không ai yêu cầu ông phải làm điều ấy, ông chỉ đơn giản thấy rác rến linh tinh bỏ lại bãi giữ xe sau ngày Chúa Nhật, vì vậy ông nghĩ có lẽ đây là điều ông có thể làm để giúp đỡ Hội Thánh. Đó chính là chức vụ giúp đỡ, và bãi giữ xe sẽ rất tồi tệ nếu không có sự phục vụ của ông.

Vài năm trước đây có hai người anh em đã nghỉ hưu trong Hội Thánh nhận ra rằng những bộ lọc không khí trong máy điều hòa của Hội Thánh cần phải được thay một cách thường xuyên. Họ đã lên lịch để thay thế những miếng lọc – khoảng 100 cái hoặc gần số đó. Họ đã vẽ một biểu đồ cho biết lúc nào cần để mua những miếng lọc mới và gắn chúng vào máy điều hòa. Thật không may cho chúng tôi là sau đó một trong hai người đã về với Chúa còn người còn lại cũng chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên tôi luôn cảm thấy  phước hạnh khi thấy họ đến với Hội Thánh.

Tôi cũng nghĩ về tất cả những những người phụ nữ có tham dự vào những sự phụng sự khác nhau tại Hội Thánh  Calvary Chapel. Nếu không có những chị em ân tứ giúp đỡ ấy có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có được những chương trình tổ chức thành công như vậy được. Họ sắp xếp bài học, lên danh sách các nhóm, lo cho mọi người đều có chỗ. Thật vinh hiển khi nhìn xem cách mà Đức Chúa Trời đã ban ân tứ giúp đỡ cho những chị em này và cách mà họ dâng mình phụng sự Đức Chúa Trời. Họ không thể hiện những ân tứ nầy ở nơi công khai, và có thể họ cảm thấy bối rối nếu như công việc của họ có nhiều người chú ý đến.

 

KHÔNG CẦN THIẾT ĐƯỢC CÔNG NHẬN

 

Dĩ nhiên là có nhiều người không hợp với sự mô tả  này. Ngược lại họ làm nhiều điều để mình được biết đến. Mặc dù Chúa Jesus đã nói: “Hãy giữ chừng, đừng làm việc nghĩa trước mặt người ta cho họ đều thấy. Bằng không, thì các ngươi chẳng được phần thưởng gì nơi Cha các ngươi ở trên trời.”( Ma-thi-ơ 6:1 )

Nhiều năm trước đây tôi được mời làm mục sư của một Hội Thánh địa phương. Vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tôi ở đó, một bó hoa được đặt trên bục giảng. Sau buổi nhóm người đứng đầu ban các trưởng lão đến với tôi và nói: “Thưa mục sư Smith, tôi biết rằng đây là Chúa Nhật đầu tiên của ông ở đây- ở đây ông là một người mới, tuy nhiên nếu ông lại muốn được trông thấy những bông hoa trên bục giảng thì tốt hơn ông nên có vài lời tuyên dương những người đã đặt hoa ở đó”. Tôi đã trả lời: “Có lẽ anh không biết rằng điều gì sẽ đến khi các anh chọn tôi làm mục sư ở đây. Tôi không tin vào việc phải tuyên dương ai trước nhiều người, bởi vì tôi nghĩ rằng tôi có thể sẽ lấy đi mất phần thưởng trên trời của họ.” Sau đó anh ta vẫn nhấn mạnh lại: “ Dù vậy thưa mục sư, nếu ông muốn thấy những bông hoa đó nữa tốt hơn ông nên có vài lời đề cập đến họ”. Ngày Chúa nhật tiếp theo một bó hoa đẹp đẽ lại được đặt trên bục giảng nhưng tôi cũng không đề cập gì đến những người đã làm công việc đó. Và đó là tuần lễ cuối cùng mà những bó hoa có ở đó.

Đó không phải là ân tứ giúp đỡ. Những người được ân điển Chúa ban cho ân tứ này  phụng sự Chúa và chỉ mong Chúa biết đến và thưởng cho họ. Họ làm điều này với sự vui mừng, như là một sự phụng sự Chúa. Họ biết rằng Chúa yêu kẻ ban cho với lòng vui mừng.

 

PHỤC VỤ VỚI LÒNG VUI MỪNG

 

Ân tứ giúp đỡ không bao giờ được xem như là môt nhiệm vụ hay là một bổn phận, bởi vì khi đó bạn sẽ cảm thấy bực bội với “chức vụ của mình”. Tôi có biết vài điều liên quan đến việc này, bởi vì Chúa đã dạy cho tôi một vài bài học thú vị về điều này.

Tôi muốn  những cái sân xung quanh nhà thờ trông sạch sẽ và ngăn nắp. Tôi không muốn rằng cơ nghiệp của chúng ta trông có vẻ như chúng ta không ngó ngàng gì đến. Bởi vậy khi tôi đi ngang qua những khu này tôi thường nhặt rác rưởi nằm bên dưới.

Hiện tại, với một ngôi trường gần hai ngàn sinh viên đang học ở đây và sẽ có rất nhiều rác rưởi. Sinh viên không phải là những cô cậu ngăn nắp trên hành tinh này,  họ quăng giấy vụn và những cái lon rỗng khắp mọi nơi.

Không lâu trước đây khi tôi đang đi bách bộ về văn phòng mình, tôi nhặt những tờ giấy vụn và những lon nước này đặt vào một cái thùng rác và bắt đầu than phiền. Tôi phàn nàn và nghĩ đó thật là những đứa bé không biết giữ vệ sinh. Nghĩ đến điều ấy tôi lại giận. Công việc nhặt rác giống như giặt những bộ đồ dơ, không bao giờ kết thúc cả. Tôi bắt đầu xúc những cái lon và bóp mạnh trong tay, sự giận dữ dâng lên trong tâm hồn tôi. Khi đó Chúa phán với lòng tôi. Ngài hỏi: “Hỡi con, con đang làm điều này vì ai?”. Tôi trả lời: “Vì Ngài thưa Chúa”. Ngài lại phán với tôi: “Vậy thì khỏi làm đi, vì nếu con làm điều đó với thái độ như vậy thì ta muốn con thà đừng làm chi nữa”. Đó thật là một sự nhắc nhở tuyệt vời. Bất cứ làm điều gì cho Chúa, chúng ta nên làm cách vui mừng, với sự hớn hở tuyệt đối biết rằng chúng ta làm cho Chúa. “Hễ anh em làm điều gì, hoặc lời nói, hoặc việc làm, hãy nhơn danh Chúa Giê-xu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà cảm tạ Đức Chúa Trời là Cha (Cô-lô-se 3:17). Điều này cũng đúng với loại ân tứ giúp đỡ. Vận dụng ân tứ này vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời  và chúng ta nhận biết rằng Chúa muốn chúng ta thực hiện chức vụ một cách hớn hở vui mừng.

Nếu bạn cảm thấy bực tức với công việc mà bạn đang làm thì tốt nhất là nên dừng lại. Thay vì trở thành một kinh nghiệm tích cực cho bạn thì nó lại trở thành một điều tiêu cực. Nếu bạn trở nên cay đắng hay bực tức hoặc buồn rầu vì mình bị yêu cầu phải làm một vài công việc nào đó, khi đó bạn nên biết rằng sự phụng sự của bạn đang chống lại bạn chứ nó không dành cho bạn. Đức Chúa Trời không thích những loại phụng sự miễn cưỡng bị ép buộc.

Tôi quan sát thấy rằng những người có ân tứ giúp đỡ luôn thích thú và rộn ràng vì họ có thể làm được một điều gì đó cho Chúa. Họ hào hứng với suy nghĩ rằng họ có một sự phụng sự có thể dâng lên cho Đức Chúa Trời và nhận biết rằng Ngài vui mừng để cho họ phụng sự Ngài theo cách ấy.

 

CÁC ÂN TỨ GIÚP ĐỠ TRONG KINH THÁNH

 

Giô-suê có ân tứ giúp đỡ. Môi-se đưa cho ông mạng lịnh và ông đã đứng lên để thực hiện. Giô-suê ở đó như là một cánh tay phải của Môi-se để giúp đỡ Môi-se bất cứ điều gì mà ông có thể làm. Ông là một đầy tớ trung tín đã vận dụng ân tứ giúp đỡ của mình – và bởi vậy khi Môi-se qua đời, Đức Chúa Trời đã chọn và chỉ định Giô-suê nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo dân Ngài.

Trong Tân Ước, Ti-mô-thê là phụ tá của Phao-lô. Phao-lô thường hợp tác với ông trong những lần đi ra phụng sự, ông giúp đỡ Phao-lô theo nhiều cách. Khi Phao-lô cần di chuyển đi, ông nói: “Này Ti-mô-thê, con hãy tạm thời ở lại đây”. Sau đó Phao-lô viết thư và nói “Ti-mô-thê hãy đến và gặp ta. Khi đến con có thể mang theo các sách vở bằng da và một vài thứ khác ta cần được chứ?” Ti-mô-thê là một người giúp đỡ rất nhiều cho Phao-lô. Cũng như Bê-rít-sin và A-qui-la, người mà Phao-lô gọi là “những người phụ tá trong Christ Jesus: người  vì mạng sống tôi mà đưa cổ ra” (Rô-ma 16:34 )

Sách Công Vụ cho chúng ta biết rằng khi Hội Thánh  đầu tiên gặp nan đề với chương trình hỗ trợ thực phẩm cho các tín hữu, các sứ đồ đã chọn bảy anh em được đầy dẫy Thánh Linh và có tiếng tốt để giao cho họ trọng trách (Công Vụ 6). Những anh em này được chỉ định thi hành chức vụ giúp đỡ để hoàn thành chương trình phúc lợi của Hội Thánh.

 

MỘT CHỨC VỤ DẪN ĐẾN NHỮNG CHỨC VỤ KHÁC

 

Khi chúng ta trung tín tại nơi mà Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta chắc chắn Chúa  sẽ mở rộng chức vụ của chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi tôi phải đốt lò sưởi, khi đó tôi cần phải trung tín làm. Bất cứ điều gì Chúa kêu gọi tôi làm, tôi nên làm hết khả năng mình với lòng sẵn sàng và vui vẻ. Tôi nên làm điều ấy như là làm cho Chúa chứ không phải cho người ta. Và thông thường thì Chúa sẽ mở rộng, phát triển chức vụ của tôi.

Trong ẩn dụ về các ta-lâng trong Ma-thi-ơ 25, Chúa Giê-xu kể về câu chuyện về một người đàn ông đi xa khỏi quốc gia mình đến một quốc gia khác và để lại tài sản mình cho các đầy tớ. Có kẻ ông giao cho 5 ta-lâng, kẻ thì 2, kẻ thì 1 ta-lâng. Khi trở về lại ông khám phá ra rằng kẻ mà ông đã giao cho 5 ta-lâng đã làm được gấp đôi số ta-lâng ban đầu. Khi người đầy tớ đưa cho ông chủ 10 ta-lâng, ông chủ nói: “Tốt lắm đầy tớ lương thiện và trung tín kia ơi. Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi trên việc lớn” (Ma-thi-ơ 25:21).

Chúng ta thấy nguyên tắc này được thực hiện trong Công Vụ 6. Bởi vì bảy anh em trợ giúp đã trung tín trong chức vụ của họ nên họ được giao cho những trách nhiệm và chức vụ lớn hơn. Phi-líp là một trong bảy anh em này, là người truyền giảng được ban ân tứ làm phép lạ và chữa lành. Chính Phi-líp đã đi đến Sa-ma-ri để mang Đấng Christ đến cho người dân ở đó, và đã có một cuộc phục hưng qua sự lãnh đạo của Phi-líp.

Một anh em khác trong bảy anh em này là Ê-tiên. Vì Ê-tiên trung tín trong chức vụ mình, Đức Chúa Trời đã sử dụng ông để thách thức Hội đồng lãnh đạo Do Thái giáo. Tôi thật sự bị thuyết phục vì Phao-lô cuối cùng đã tiếp nhận Chúa từ làm chứng và sự chết của Ê-tiên. Khi Chúa bắt lấy Phao-lô trên đường đến Đa-mách, thật ra Chúa đã nói: “Phao-lô thật khó nhọc cho ngươi vì ngươi đã không theo lương tâm mình mà bắt bớ các tín đồ, điều ấy làm ngươi dằn vặt bởi vì ngươi có nghe nói về Ê-tiên, ngươi nghe lẽ thật nhưng lại gạt đi vì ngươi chống lại nó (Công-vụ  26:14). Nếu Ê-tiên không trung tín với chức vụ mà Đức Chúa Trời giao phó cho ông thì có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ được biết về Phao-lô. Phao-lô khi đó chắc có lẽ cũng mãi là Sau-lơ và điều này thật sự sẽ làm cho Hội Thánh hối tiếc.

 

NGƯỜI PHỤC VỤ PHÚC ÂM LÀ MỘT NGƯỜI GIÚP ĐỠ.

 

Trong Rô-ma 12:6-7 Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời  ban ân tứ cho chúng ta mỗi người một khác. Người có ân tứ nói tiên tri, hãy nói theo đức tin mình;  ai phục dịch hãy hăng hái phục dịch, ai dạy dỗ hãy chuyên tâm dạy dỗ; ”. Tôi tin rằng Phao-lô đang nói về ân tứ giúp đỡ. Chức vụ giúp việc Tin Lành là một sự mở rộng của ân tứ giúp đỡ.

Người phục vụ Phúc Âm là người như thế nào?  Tôi e rằng nhiều người có quan niệm sai lầm về chức vụ nầy và có lẽ Hội Thánh cũng lẫn lộn về chính ý nghĩa của một người phục vụ Phúc Âm.

Có ba từ Hi-lạp được dịch ra là “người phục vụ Phúc Âm”. Thứ nhất từ diakonos theo nghĩa đen có nghĩa là là “tôi tớ”. Xuất phát từ chữ Hi-lạp này mà chúng ta dịch ra chữ tiếng Anh là “người trợ tế”. Chúa Jesus sử dụng từ này khi Ngài nói: “Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết vả, và làm tôi tớ –diakonos cho mọi người” (Mác 9:35). Từ này cũng được sử dụng trong Rô-ma 12:7. Nếu bạn có ân tứ như một người tôi tớ, vậy hãy chăm làm công việc phục vụ như là chức vụ của mình. Hầu như mỗi lần từ “người phục vụ Phúc Âm” được sử dụng trong Tân Ước thì đều xuất phát từ chữ Hi-lạp diakonos.

Chức vụ này không phải là một nghề nghiệp chuyên môn được con người lựa chọn, mà nó là một sự kêu gọi từ Đức Chúa Trời. Trở thành một người phục vụ Phúc Âm không có nghĩa là bạn thi hành luật lệ và uy quyền trên người khác, nhưng có nghĩa là bạn trở thành một tôi tớ cho Đức Chúa Trời. Đã có nhiều sự thiệt hại trên đời sống của tín đồ và  cho Hội Thánh bởi vì thái độ cho rằng chức vụ phục vụ Phúc Âm là một loại cai trị thuộc linh. Điều ấy thật sai lầm. Người phục vụ Phúc Âm chỉ là một tôi tớ.

Một từ Hi-lạp khác là leitourgos cũng được dịch ra là “người phục vụ Phúc Âm” hoặc “tôi tớ”. Vào thời đó, từ Hi-lạp này thường được dùng để ám chỉ đến những người giàu có nhưng lại có lòng phục vụ dân chúng. Họ là người giúp đỡ vô điều kiện, người tự nguyện phục vụ cộng đồng với tiền bạc của riêng mình.

Bản Septuagint (một bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước bằng tiếng Hi-lạp) sử dụng từ  leitourgos để dịch sang một từ Hê bơ rơ là thầy tế lễ. Từ “nghi thức tế lễ” trong Tiếng Anh bắt nguồn từ đây.

Từ Hi-lạp cuối cùng được dịch ra “người phục vụ Phúc Âm” là từ hyperetes, kết hợp từ hai chữ Hi-lạp hyperetes. Từ hyper có nghĩa là “ở dưới” còn từ etes có nghĩa là “người chèo thuyền”. Nếu bạn là một  hyperetes, thậm chí bạn  không được ở trên boang tàu! Những người  hyperetes là người phải ở dưới hầm tàu để làm việc, trong khi những người nautis là những người thủy thủ trên boang tàu thu gặt được tất cả lợi nhuận. Bạn đã nghe từ “nô lệ khổ sai” – đó chính là ý nghĩa của từ hyperetes, “những người chèo thuyền bên dưới”.

Khi Phao-lô đứng trước vua Ạc-ríp-ba  tự biện hộ cho mình, ông đã dùng chữ này- hyperetes để nói về chính ông. Ông đã kể lại cách mà trên đường đến Đa-mách ông đã bỏ tù những người kêu cầu danh Chúa Giê-xu, thình lình vào lúc giữa trưa một luồng ánh sáng hơn cả ánh sáng mặt trời chiếu trên ông và làm ông ngã xuống đất. Đang khi nằm trên đất ông nghe một tiếng nói: “Sau-lơ, Sau-lơ sao ngươi bắt bớ ta?”. Phao-lô đã nói với Ạc-ríp-ba rằng Đức Chúa Trời đã hiện ra để khiến cho Phao-lô trở thành một hyperetes và là một chứng nhân. Từ “người phục vụ Phúc Âm” ở đây được dịch từ chữ hyperetein (Công vụ 26:16). Chúa Giê-xu đã nói: “Phao-lô, ta muốn ngươi phải là một người chèo thuyền bên dưới”.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sử dụng từ “những người chèo thuyền bên dưới” phải không?

 

MỘT ÂN TỨ VÀ MỘT SỰ KÊU GỌI

 

Có rất nhiều người nhìn thấy một vài phương diện của chức vụ và bị lôi cuốn vào điều ấy. Họ nghĩ rằng: “Ồ tôi thích làm điều ấy. Điều ấy trông có vẻ thích thú”. Thông thường họ chỉ thấy phần hấp dẫn của chức vụ. Họ cho rằng những thầy giảng Tin lành có cơ hội đứng trước hàng ngàn người để dạy dỗ đường lối của Chúa, họ nghĩ rằng “Chà, mình thích đứng trước hàng ngàn người. Mình muốn nghe những phản hồi thỏa mãn từ phía khán giả là những người nhận được những ích lợi thông qua chức vụ rao giảng Lời Chúa của mình”

Những người như thế sẽ mệt mỏi với công việc của họ. Có lẽ họ đang trong tình trạng khủng hoảng và khao khát một sự thay đổi công việc. Cho dù lý do nào đi nữa, nếu tự mình làm mà không có sự xức dầu của Thánh Linh, vẫn cố tìm cách bước vào chức vụ thì đó là một thảm họa. Những sự giảng dạy ở Hoa Kỳ đã bị những thầy giảng loại này thực hiện, đó là những người chỉ coi chức vụ là một nghề nghiệp chứ không phải là một sự kêu gọi từ Chúa. Họ không hiểu rằng chức vụ là ân tứ của Đức Chúa Trời và đó là một sự kêu gọi.

Phao-lô đã viết cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô rằng: “Về Tin Mừng đó, tôi được trở thành một người phục vụ, đây thật là một tặng phẩm của ân sủng mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, theo sự vận hành của quyền năng Ngài.” (Ê-phê-sô 3:7). Nói cách khác , Phao-lô không quyết định sẽ trở thành một người phục vụ Tin Lành nhưng ông được kêu gọi để làm một người phục vụ. Ông đã thấy vị trí của mình như  là một ân tứ của ân điển Đức Chúa Trời và ông vận dụng ân tứ đó theo quyền năng của Đức Thánh Linh. Phao-lô cũng thường đề cập đến việc được kêu gọi để trở thành người phục vụ. Ví dụ như trong 1 Ti-mô-thê 1:12 ông đã nói: “Ta cảm tạ Đấng Cứu-thế Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng ban năng lực cho ta, vì Ngài xét thấy ta trung thành nên đã bổ nhiệm ta phục vụ Ngài.”

Chức vụ thật có thể được hoàn thành chỉ khi bạn được Đức Thánh Linh xức dầu. Khi những người bạn của Phao-lô cố gắng khuyên can ông đừng vào thành Giê-ru-sa-lem trong Công vụ 20 vì họ biết có những khó khăn và gông cùm ở phía trước, Phao-lô đã trả lời: “Tôi xem mạng sống tôi chẳng là gì, duy chỉ muốn làm xong cuộc chạy và chức dịch Chúa đã ban cho tôi – chức dịch làm chứng về phúc âm của ân điển Đức Chúa Trời” (câu 24). Phao-lô đã nhận chức vụ từ Chúa Jesus và ông được chỉ định theo đuổi chức vụ đến cuối cùng. Bạn sẽ không bao giờ bước vào chức vụ trừ phi bạn biết rằng bạn đã được kêu gọi vào chức vụ ấy.

Chức vụ không phải là bạn đặt một điều gì đó của riêng bạn vào và tự làm bằng sức của mình. Bạn phải được Đức Chúa Trời kêu gọi. I Phi-e-rơ 4:11 chép: “ Nếu ai giảng dạy, hãy giảng dạy như truyền ra sấm ngôn của Đức Chúa Trời. Nếu ai phục vụ, hãy lấy hết sức Đức Chúa Trời ban cho mà phục vụ, để trong mọi sự Đức Chúa Trời được vinh hiển qua Đấng Cứu-thế Giê-su. Nguyện vinh hiển và quyền bính đều thuộc về Đấng Cứu-thế Giê-su cho đến đời đời vô cùng. A-men.”.  

 

CHÚA JESUS, GƯƠNG MẪU THẬT

 

Chúa Jesus là gương mẫu thật về một người phục vụ. Chúa phán: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người”. Chúa Jesus đã đưa ra một quy tắc về sự phục vụ. Chúng ta không phải ở đây để được phục vụ mà là để phục vụ. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta bỏ đi chữ “phục vụ” và quay lại với ý nghĩa ban đầu của nó: một đầy tớ.

Chúa Jesus không chỉ nói về sự phục vụ mà Ngài còn thực hiện điều ấy. Vào đêm Ngài bị phản bội, Ngài đã nhóm các môn đồ lại trong phòng cao. Ngài lấy một cái khăn cùng một chậu nước và đi xung quanh rửa chân cho các môn đồ. Sau đó Ngài nói: “Các ngươi có thấy những điều ta đã làm không? Các ngươi có thấy được sự khải thị? Ta đã nêu một gương mẫu cho các ngươi. Đây là ý nghĩa của chức vụ, đây là cách mà người phục vụ Phúc Âm phải làm. Người phục vụ sẵn sàng phục vụ bằng những công việc tầm thường nhất.”

Vào thời đó chỉ có những tên tôi tớ đáng khinh bỉ nhất mới đi làm công việc rửa chân. Những tôi tớ khác sẽ đứng hầu bên bàn ăn hoặc phục vụ trong điều kiện thuận lợi. Thế nhưng Chúa đã làm điều thấp hèn nhất, Ngài phán: “Các ngươi có thấy điều ta đã làm không? Chức vụ hầu việc Phúc âm là phục vụ người khác

Trước đó Chúa Jesus phán: Ta không tìm cách làm theo ý riêng mình, nhưng Ta làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta. (Giăng 5:30). Đó là cách để chúng ta xác định được một người đầy tớ thật. Phụng sự không phải là làm điều gì đó theo ý riêng của chúng ta mà theo ý muốn của Đấng đã sai chúng ta – thậm chí ngay cả khi ý muốn ấy dẫn chúng ta đến sự chịu khổ. Đó chính là sự thuận phục của Chúa Jesus, thậm chí khi ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê Ngài đã cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn xin cất chén này ra khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu-ca 22:42). Chúa Jesus tự hạ mình xuống phục tùng Cha như một đầy tớ và sẵn sàng uống chén nếu như đó là ý muốn của Cha Ngài.

Phi-líp chương 2 cho chúng ta biết rằng Chúa Jesus chịu mang lấy hình dạng của một đầy tớ và vâng phục cho đến chết. Ngài đã phó chính mình để phục vụ cho nhiều người. Mặc dầu Ngài mệt mỏi trong thể xác nhưng Ngài vẫn tiếp tục phụng sự. Ngài đã chọn việc phụng sự cho cả những người thường xuyên quấy rầy ngài. Ngài đã không thể đi đâu với đám đông vây quanh túm lấy áo Ngài và chen lấn xô đẩy. Có lúc Ngài bị chèn ép bởi đám đông, Ngài phải bước lên thuyền để rao giảng cho họ. Họ đã không tử tế với Ngài. Sức lực của ngài bị vắt kiệt vì họ.

Tuy nhiên, khi Ngài nhìn thấy đoàn dân đông, Chúa động lòng thương xót vì họ giống như bầy chiên tan lạc không có người chăn. Ngài đã thấy lòng đói khát của họ vì vậy Ngài đã ban cho họ hơn cả sự quan tâm và tình yêu. Cũng vậy, khi chúng ta thực sự đói khát thì Đức Thánh Linh đến với chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sức lực và quyền năng. Nếu như chúng ta cố gắng phụng sự từ sức lực của riêng mình thì cuối cùng sự phụng sự đó sẽ tàn lụn. Nhưng nếu tùy thuộc vào Đức Thánh Linh, Ngài sẽ ban cho chúng ta ân điển, sức mạnh và quyền năng để phục vụ cách vui mừng. Đó chính là ý nghĩa của sự phục vụ và cũng là điều mà chúng ta được kêu gọi để làm.

 

ANH EM VÀ CHỊ EM ĐỀU CÓ THỂ PHỤC VỤ.

 

Trong Tân Ước sự phục vụ không chỉ dành cho những người đàn ông. Chúa Jesus cũng được những người đàn bà phục vụ. Khi Chúa Jesus rời khỏi nhà hội ở Ca-bê-na-um, Ngài vào nhà của Phi-e-rơ, lúc đó bà gia của Phi-e-rơ đang bị đau nặng. Chúa Jesus đặt tay trên bà và chữa lành bà, và ngay lập tức bà đã đứng dậy và phục vụ (bản dịch ra từ chữ Hi-lạp diakonei) Ngài (Ma-thi-ơ 8:15). Chắc có thể bà đã chuẩn bị một cái bánh cho Ngài. Sự phục vụ thì rất đa dạng trong phương cách phục vụ.

Hai cái tên Gian-nơ và Su-xan-nơ đã đựoc ghi vào Kinh Thánh bởi vì sự phục vụ của họ. Lu-ca 8:3 nói rằng những người phụ nữ đã phụng sự Chúa bằng vật chất. Cũng có những người phụ nữ khác ở Ga-li-lê phụng sự Ngài.

 

NƠI ĐỂ PHỤC VỤ.

 

Được phục vụ Đức Chúa Trời là một đặc ân phước hạnh. Mặc dầu không phải tất cả chúng ta đều có ân tứ giúp đỡ hay ân tứ phục vụ nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi để phục vụ Chúa. Chúng ta không thể đưa ra một nơi chốn để phục vụ Chúa theo ý mình nhưng chúng ta cần luôn sẵn sàng để phụng sự bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào và bất cứ cách nào mà Chúa chỉ định chúng ta. Đức Chúa Trời có chỗ để mỗi người đều được phụng sự trong thân thể Đấng Christ. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi bước vào chức vụ, không chỉ là những người phụng sự đứng trên bục giảng. Tất cả chúng ta được kêu gọi để phụng sự Chúa. Cuối cùng đó chính là cách chúng ta phục vụ.

Ân tứ giúp đỡ thật thì quan trọng và cần thiết  cho thân thể. Có rất nhiều việc cần làm và không một anh chị em hay một bộ phận chuyên trách nào phải làm cách tách biệt, đơn độc. Có chỗ để mọi người đều phụng sự. Bạn có biết vị trí bạn phụng sự trong thân thể Đấng Christ? Bạn có hoàn thành chưa? Bạn có đang sử dụng ân tứ của mình?

Có rất nhiều cơ hội để bạn sử dụng ân tứ giúp đỡ. Nếu bạn nghe nói ai đó phải nằm ở bệnh viện, thật tốt nếu bạn chuẩn bị bữa ăn cho gia đình người ấy và đến lau chùi nhà cửa của họ. Nếu như người ấy phải nằm ở trong bệnh viện lâu ngày thì chắc chắn nhà của họ sẽ thật dơ bẩn. Hãy đến và giúp đỡ, hãy phô bày tình yêu của Christ bằng thực tiễn. Trong Hội Thánh chúng ta nên có những người nam tình nguyện giúp các chị em góa chồng để sửa chữa những chiếc xe của họ, khi mà họ không đủ khả năng tài chánh để thanh toán tiền sửa xe, trong khi những người khác có thể chuẩn bị những bữa ăn cho người vô gia cư.

Thật hạnh phúc và phước hạnh khi chúng ta có thể phụng sự Đức Chúa Trời. Tôi cầu nguyện để mỗi anh chị em đều biết chỗ mình sẽ phụng sự Chúa trong thân thể Đấng  Christ, và chúng ta có thể nhìn thấy Hội Thánh vận dụng ân tứ trong sự hiệp một khi chúng ta phục vụ lẫn nhau một cách ân cần, yêu thương và chăm sóc nhau. Chỉ bởi cách đó chúng ta mới tìm thấy được sự thỏa mãn và biết chắc rằng chúng ta đang làm vui lòng Chúa. Đó chính là sự phục vụ, không có điều gì tốt hơn thế.

 

 

Tác giả: mục sư Chuck Smith
Chuyển ngữ: Tường Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn